( Trích trong Những đoạn đường kể lại )
Hình lớp đệ ngũ 2 Trần Bình Trọng Ninh Hoà niên khoá 64- 65 . Tui là thằng ngồi bệt dưới đất có khoanh tròn . Tính tới nay tấm hình cũng đã gần 60 năm . Một số bạn trong tấm hình này đã vĩnh viễn ra đi (QD)
Niên khóa 64-65, tôi học đệ ngũ, thầy hiệu trưởng Nguyễn Kế Thế phụ trách dạy môn toán. Phương pháp dạy của thầy đúng là một tuyệt chiêu, tăm tối cỡ như tôi vẫn có thể hiểu được dễ dàng .
Năm 1980 từ trại Ạ30 tôi được chuyển về nhốt tại Ty Công an Phú Khánh tại Nha Trang . Một buổi trưa mùa hạ chiếc xe chở xi măng cho Ty công an bị hư tại Vĩnh Xương , đám tù nhân của tụi tôi được đưa tới để vác xi măng từ xe này chuyển qua xe kia . Sau khi chất xi măng xong chiếc xe ì ạch chạy một khoảng lại chết máy . Xe ngừng lại bên lề đường cạnh đó là một nghĩa trang . Trong khi chờ cho xe được sửa xong, mấy tên tù nhân được phép vào nghĩa trang ngồi nghĩ giải lao . Tôi ngồi bên một nấm mộ . Khi đọc tên người chết trên tấm bia thì tôi hốt hoảng giật mình vì đó là thầy Nguyễn Kế Thế . Năm 68 sau khi đậu tú tài bán phần vì Ninh Hoà chưa có lớp đệ nhất nên tôi phải rời trường Trần Bình Trọng vào Võ Tánh Nha Trang . Sau đó rồi thì đi lính xong đi ở tù nào có biết tin tức gì về thầy . Rồi bỗng nhiên biết tin về thầy trong một hoàn cảnh bi đát như vầy lòng tôi vô cùng bồi hồi và xúc động . Thầy là nắm xương khô nằm trong huyệt mộ, thằng học trò cũng là nắm xương khô gói trong bộ đồ rách rưới của một tù nhân. Cả hai cùng đã chết.
Lúc đó tôi ước gì có một cây nhang để cắm lên mộ thầy tỏ lòng tôn kính nhưng làm gì có được cây nhang nào trong hoàn cảnh này . Tôi chỉ biết đưa tay vuốt quanh tấm bia âm thầm ngăn tiếng thở dài . Tôi đã không có một nén nhang để thắp cho thầy . Đã vậy nỗi buồn còn phải giấu kín không dám để lộ ra ngoài nét mặt vì người công an coi tù theo quản chế đang đảo mắt chăm chú nhìn. Tôi sợ bị làm kiểm điểm vì tội ủy mị .
Sau ngày ra tù, tôi tìm lại nghĩa trang, đứng thật lâu trước mộ thầy duy nhất chỉ có một lần. Một lần cho mãi đến bây giờ vì sau đó tôi rời đất nước để ra đi . Tôi là đứa vô tâm .
Nhớ mùa hè năm đó thầy Thế quyết định cho trường tổ chức cắm trại có ngủ qua đêm. Cắm trại qua đêm đương nhiên phải có nhiều tiết mục , và lẽ dĩ nhiên tiết mục văn nghệ thì không thể thiếu trong chương trình. Lớp đệ ngũ 2 của tụi tôi cũng rộn ràng chuẩn bị . Nhân tài văn nghệ về phía nữ thì quá nhiều, còn về phía nam thì khô khan như nắng hạn . Đám con gái cùng lớp tuyển chọn mãi cuối cùng cũng chộp ra được bốn thằng tương đối nhỏ con cho để dễ bề sai khiến . Đó là tôi – Thiệu Đăng Nhớ – Trần Gần – Lê Minh Sanh . Còn bốn đứa con gái là : Phạm Thị Hoa – Trần thị Nết – Lương Lệ Bích San và Trương thị Thức . Bản nhạc được chọn cho điệu múa là ” Khúc hát ân tình” dưới sự chỉ đạo múa của anh Hiệp được ban văn nghệ rước về từ Xóm Rượu . Anh Hiệp có con mắt lé không hề giấu diếm do đó được tụi tôi gọi một cách âu yếm là anh Hiệp lé. Tướng tá anh nhỏ con khô khốc , nhưng khi múa biểu diễn thì tay chân dẽo nhẹo dịu dàng đầy ướt át . Anh đau khổ không ít vì tay chân cứng queo như khúc củi của bốn thằng tôi .
Tôi còn nhớ bài hát đến chỗ điệp khúc :” Ôi tình bắc duyên Nam là duyên … tình duyên muôn đời ta …. đắm …. say ” thì bốn thằng phải nắm tay bốn chị để quay một vòng tròn 360 độ. Quay 360 độ thì có nghĩa là sau khi quay một vòng thì vị thế trở lại y nguyên như ban đầu , tám khuôn mặt đều quay về một hướng đó là … khán giả. Bốn thằng đứng sau chỉ được quyền thấy bốn cái ót của bốn cô nàng đứng trước . Mắc chứng gì quay hoài quay hủy rốt cuộc bốn cặp, mặt cứ chạm mặt, tay nắm tay giống như tay bắt mặt mừng . Mặt nhìn nhau như sắp sửa nói với nhau những lời không biết nói, chứ không giống đang biểu diễn văn nghệ chút nàọ Chạm mặt nhau gần đến nổi có thể nghe hơi thở của nhau và nhìn thấy những sợi lông tơ thiếu nữ phơn phớt trên gò má của các nàng .
Không biết ba thằng kia ra sao chứ cái đầu lộn xộn của tôi ưa nghĩ trật ra bản lề của một thiếu niên 16 tuổi . Cũng may các nàng gọi tụi tôi bằng thằng nên chủ quan không đề phòng. Cái đầu tha hồ mà suy nghĩ hắc ám
QUAN DƯƠNG