Dec 18th.2022
Thầy Doãn Quốc Sỹ (ảnh: Uyên Nguyên)
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là thầy dạy tôi. Thầy sinh năm 1923, năm nay tròn 100, còn tôi sanh năm 1936, thầy hơn tôi 13 tuổi, năm nay tôi cũng đã 87. Tính ra năm thầy dậy tôi cách đây đã đến 70 năm rồi. Ở cái thời mà ai cũng gọi người dậy học là “Thầy”, dù là từ lớp vỡ lòng cho đến hết lớp trung học chứ không gọi là “Giáo sư” như những năm sau này. Mà người đi học thì gọi là “Học trò” chứ ít ai gọi là “Học sinh”.
Thầy dậy tại trường Chu Văn An năm nào thì tôi được học thầy năm đó. Tôi không còn nhớ mấy năm, nhưng tiểu sử của thầy trên mạng Wikipedia cho biết thầy chỉ dậy ở trường Chu Văn An có một năm 1952-1953, sau khi thầy dậy ở Nam Định một năm 1951-1952. Trang mạng này, có ghi thầy di cư vào Nam năm 1954, đoạn sau lại ghi thầy dậy trường Trần Lục tại Sài Gòn năm 1953-1960. Tôi không nghĩ rằng hai trường Công Giáo Trần Lục và Hồ Ngọc Cẩn dọn vào Sài Gòn trước năm 1954. Không hiểu niên học 1953-1954, trước khi di cư thầy dậy ở đâu. Chắc phải kiểm chứng lại mạng này, và đó là một câu hỏi tôi cần tìm hiểu.
Trường Chu Văn An là hậu thân của trường Bưởi. Trường Bưởi ở khu Hồ Tây, bên cạnh đường tầu điện từ bờ Hồ Hoàn Kiếm qua Thụy Khuê đến trạm cuối là chợ làng Bưởi. Tôi chưa được vào xem trường này, chỉ ngồi nhìn từ trên xe điện. Nhất là sau này trường bị chiếm và là hậu cứ của lính nhẩy dù Pháp.
Trường Bưởi không còn nữa, và để thay thế, trường Chu Văn An được thành lập sau khi thành phố Hà Nội được vãn hồi an ninh. Trong đời, tôi chưa thấy một trường trung học nào như thế. Bây giờ muốn kể lại chuyện mà đầu óc ngày càng rỗng, thiếu chữ nghĩa để nói về ngôi trường đó, về cơ sở, về tổ chức, về những vị thầy cũng như cung cách về nền giáo dục và bọn học trò như chúng tôi.
Trường tọa lạc tại đường Đỗ Hữu Vị, trước cổng thành Thăng Long, Cửa Bắc mà tôi đã có vài lần đến xoa tay vào mấy vết đại bác do quân Pháp bắn vào chân tường thành trong thế kỷ trước mà hai vị tướng trấn thủ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã phải tuẫn tiết theo thành.
Nhà tôi ở khu Hàng Bún, ngôi nhà hai tầng ở góc đường Yên Ninh và Phạm Hồng Thái, phía bên kia là khu Nhà Đèn, tức là nhà máy điện lớn của thành phố. Nhiều hôm, nhà máy nhả khói. Bụi than bay khắp vùng, phủ đen dưới đáy các chậu nước. Lần về thăm căn nhà cũ năm 1994, thấy cảnh nhà máy này bị bom san bằng, chính xác đến nỗi mà các khu phố xung quanh không bị xuy chuyển. Hồi đi học, tôi thường đi bộ ngang qua phố hàng Bún, ngang qua đường Quan Thánh, tới đường Đỗ Hữu Vị quẹo trái là tới ngay trường.
Trường là một cơ sở đồ sộ đã được xây từ lâu thời Pháp thuộc, nghe nói trước là trường Bách Nghệ, huấn luyện các thợ chuyên nghiệp. Qua cổng chính của trường là một nhà “gác gian”. Sân trường rộng mênh mông, có cả sân bóng đá, sân bóng rổ, sân bóng truyền và các lối đi rộng rãi, hai bên trồng hai hàng cây lim, cây sấu cổ thụ.
Mùa hè, ve kêu inh ỏi. Đi vào phía bên trái, là khu “nhà chơi”, mà chúng tôi thường gọi tên tiếng Pháp là “Préau”. Nhà chơi đặt nhiều bàn pingpong, và có một vài hàng bán quà ăn vặt. Mùa mưa, giờ ra chơi, chúng tôi thường tụ tập ở đó. Nhớ nhất là những buổi sáng mùa Đông lạnh cóng, tôi thường mua bánh mì nóng hổi với nhân chả bò rắc thêm muối tiêu, ngon đến nhớ đời.
Tòa nhà lớn ba tầng chạy dài, phải dùng đến ba cầu thang. Cầu thang chính ở giữa tòa nhà và hai cầu thang ở hai đầu, mà cầu thang nào cũng bằng gỗ trắc, bóng nhẵn như ở các dinh thự. Hành lang trên các tầng rộng rãi, nhìn xuống sân. Các phòng học thì khỏi nói. Trường lại có một phòng thí nghệm trang bị những chai lọ hóa chất, ống nghiệm và một phòng hội họa mà mỗi học trò đều có một giá vẽ như một họa sĩ thứ thiệt. Nhưng phải nói đến cái cung cách của học đường ngày đó, cái cung cách được phối hợp của nền giáo dục Đông Phương và Âu Tây của người Pháp mang đến. Không có cái tình trạng bát nháo như ngày nay.
Giáo Sư/Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ trong Lễ Mừng Thọ 100 tuổi được tổ chức tại Westminster, California ngày 10 Tháng Mười Hai 2022 (ảnh: Trịnh Thanh Thủy)
Tôi còn nhớ rõ, ngày thầy Sỹ xuất hiện tại trường, thầy khác hẳn với các thầy khác. Thầy Xán hiệu trưởng, thầy Thận giám học, thầy Phụng tổng giám thị, các thầy dậy khác, suốt niên học đều mặc đồ bộ, complet cà-vạt, giầy bóng , đi đứng nghiêm trang. Học trò hầu hết đều ngoan ngoãn chăm chỉ học hành, nhưng vẫn có những bọn quỷ quái.
Đặc điểm của mỗi thầy làm tôi còn nhớ mãi từng thầy. Thầy Hải dậy Cổ văn, tóc đen trải brillantine bóng nhẫy, học trò thường bảo nhau ruồi mà lỡ đậu xuống cũng phải té nhào. Thầy Sửu, ở Anh mới về, thầy trông giống hệt Mr. Pickwick trong sách, bụng thầy hơi mập và đeo giây lưng choàng qua vai, nói giọng đặc “Ăng Lê”.
Thầy Loan dậy Pháp văn, trông rất dữ, thầy thấp người, lông mày dài quặp xuống, trông như tướng cọp. Mùa Đông lạnh, thầy mặc hai quần, nhiều khi quần trong thò ra khỏi quần ngoài, không có một đứa học trò nào dám hó hé, buồn cười mà không dám nhúc nhích, ngồi im thin thít. Tội nghiệp cho mấy trò nhỏ ngồi bàn trên, có đứa sợ ướt cả ra quần. Cụ Cử Tiếp, cụ mặc áo dài the đen, đội khăn xếp, hình ảnh của thời tàn Nho.
Cụ dậy Hán Văn là môn phụ lại khó học, khó nhớ từng nét chữ, mỗi lần cụ gọi đứa nào lên bảng trả bài bằng cách viết trên bảng những chữ cụ dậy, hầu hết cứ đứng ngớ ra, phải chờ bọn ở dưới viết chữ đằng sau cái cặp da, khi cụ ngoảnh đi thì giơ lên để nó chép vội lên bảng. Có vài đứa khờ chép mãi không nổi, khiến bọn ở dưới cứ phải giơ cặp lên, kéo cặp xuống nhiều lần như một trò chơi “Đi dấu đi tìm” với cụ mà cụ không biết.
Thầy Tấn dậy bài “Nhật thực Nguyệt thực”, mà ra đề thi đúng bài này, mấy đứa vẽ họa đồ không được, bèn tìm cách trả thù thầy. Mùa Đông thầy mặc quần dạ đen, có thằng quỷ quái, cạo phấn trắng rắc trên ghế trước giờ học, thầy không để ý, phấn dính vào quần thầy, thầy thản nhiên đi từ lớp này đến lớp khác. Thằng quỷ đi rêu rao, quần thầy dính cứt cò… Nhiều lúc thấy chúng chơi ác, tôi thấy thật tức định gây sự, nhưng bọn chúng có mấy đứa, nên tôi phải nhịn.
Ai cũng biết, học trò quỷ quái thường sinh ra trong những năm rỗi rãi không lo việc thi cử, nhất là trong các trường công lập. Đệ Thất thì còn non, đó là hai năm Đệ Lục và Ngũ, tôi ở trong các lớp đó, xin các thầy tha tội cho chúng nó. Thầy Hùng Lân dậy Nhạc, cũng là môn phụ, nhưng không một học trò nào dám rỡn với thầy.
Thầy rất nghiêm, đứa nào lờn mặt là thầy bắt ngửa tay lấy thước đánh như học trò tiểu học, thầy gọi là cho mấy hèo và còn phạt giam “consigne” ngày cuối tuần. Nhưng thầy là một người dậy nhạc rất giỏi, thầy soạn ra mấy quyển sách giáo khoa về nhạc rất sư phạm cho bậc trung học. Tôi còn nhớ một số bài, thầy chỉ cần ba note chính mà thành một bản nhạc đầy đủ, tình tự, như bài sau đây dùng ba note cung trầm đồ, mi sol:
“Chiều tà sương lam lắng xuống thôn
Tiếng sáo xa đưa hiu hiu buồn
Trăng lên dần nhấp nhô đầu núi
Trên đê mờ đàn trâu bước dồn.”
Tôi học thầy hai năm, tuy ít giờ, nhưng tôi có được căn bản nhạc lý khá vững. Tôi được thầy chọn vào ca đoàn của trường, có lần thầy dậy chúng tôi hát bè bài “Hè Về, Hè Về” và đã được lên trình diễn tại nhà Hát Lớn Hà Nội. Thầy là một nhạc sĩ nổi tiếng từ hồi 1945, với hai bài tôi thường hát hàng ngày với toán nhi đồng cứu quốc trong phố là “Việt Nam Minh Châu Trời Đông”, và bài “Khỏe Vì Nước”.
Bài Việt Nam Minh Châu Trời Đông là một trong ba bài, bài “Này Công Dân Ơi”, bài “Chào Mừng Việt Nam”, không phải bài “Việt Nam, Việt Nam” như mọi người thường hát, được đưa ra để chọn làm Quốc ca khi miền Nam mới được thành lập chế độ Cộng Hòa năm 1956. Tiếc rằng ban tuyển lựa đã không có lập trường quốc gia vững chắc và dứt khoát với quá khứ nên đã giữ bản quốc ca cũ. Bản Việt Nam Minh Châu Trời Đông của thầy lời uy nghiêm, thấy cả một đất nước lừng lẫy bên biển Thái Bình… Tôi cho đó là một điều đáng trách.
Thầy Doãn Quốc Sỹ thì khác hẳn, ngày đầu đứng trên bục gỗ dáng cao và gầy, tóc hơi quăn tự nhiên, nét mặt xương xương, người hãy còn đượm nhiều nét phong sương của những năm dài theo kháng chiến. Thầy giản dị, thường mặc y phục mầu nhạt, nếp không thẳng và hình như ít thấy thầy mặc complet cà-vạt như các thầy khác.
Thầy dậy Việt Văn, và thêm môn Công Dân Giáo Dục. Cách thầy dậy môn này khá hấp dẫn, khác hẳn với các lời giảng khuôn mẫu cổ điển của luân lý mà các thầy khác dậy trong những năm học trước. Tôi còn nhớ, khi thầy giảng về Tình Nhân Loại, thầy lấy một thí dụ trích từ một truyện của ngoại quốc:
Trong một trận chiến khốc liệt, hai bên cùng tràn lên, lẫn lộn đánh cận chiến, bỗng hai người lính của hai bên cùng nhẩy xuống chung một cái hố để tránh đạn. Khi cả hai cùng bừng tỉnh, họ mới nhận ra là kẻ thù của nhau, đáng lẽ họ phải tìm cách giết nhau, không hiểu sao họ lại cùng ngồi yên và sau này thành bạn của nhau. Cái nguyên cớ đó từ đâu, có phải đó là tình nhân loại đã bật dậy trong lúc đó không?
Những năm thầy Sỹ đi theo kháng chíến thì tôi cũng bị cuốn đi như thầy. Tôi mất bốn năm theo cha tôi, cha tôi theo bên nội, tất cả bên nội tôi đi theo Việt Minh. Tôi làm liên lạc viên cho một cơ quan Kinh Tài của Liên Khu 3, còn cha tôi vì biết tiếng Pháp nên làm cho cơ quan Địch Vận thường phải ở sát vùng tề, vùng địch.
Họ ngoại tôi thì theo Quốc Gia, về thành, tức là về Hà Nội rất sớm. Người em út của mẹ tôi, cậu tôi Ngô Kim Cương, đỗ “diplome” tại trường Bưởi, xin vào làm thông phán Phủ Toàn Quyền đã lâu hồi còn Pháp đô hộ, theo Quốc Dân Đảng bị bắt ngay sau ngày Việt Minh cướp chính quyền. Sau đó được giải cứu và lên chiến khu Yên Bái, chỉ sau một tháng, Việt Minh đem quân bao vây san bằng chiến khu. Cậu tôi biệt tin từ đó.
Cha tôi là cán bộ xa nhà, không nuôi nổi gia đình. Mẹ tôi qua những năm vất vả tại hậu phương, lại phải một mình lặn lội tìm đường về Hà Nội trước, sau đó mới ra đón cha con tôi về. Nhờ thế tôi đã bỏ được “Bác”, nếu không thì sẽ trở thành một tên thất học, và rồi chắc cũng khó tránh được cảnh “Sinh Bắc Tử Nam”.
Tôi thuộc loại học trò lớn tuổi trong lớp vì hồi cư trễ, lại phải trải qua những năm loạn lạc vừa qua. Tôi lớn hơn 3, 4 tuổi so với các trò khác và thường phải ngồi ở bàn cuối lớp. Tôi học dễ dàng, và cũng chưa bao giờ chuyên chú thật sự vào việc học, nhất là cũng chẳng bao giờ muốn đứng đầu nhất nhì lớp. Tôi lại có nhiều bạn. Các bạn cùng lớp còn lại sau này, có Nguyễn Thượng Hiệp, Hiệp tài hoa, có một thời làm báo tại Cali và đã mất.
Đỗ Hữu Tước thành bác sĩ, ở cùng thành phố với tôi và thỉnh thoảng vẫn gặp nhau tại chùa. Nguyễn Ngọc Giao, học khá giỏi, thường đứng đầu lớp. Tôi nhớ hồi đó hay cùng Giao, Hiệp và Ngô Quang Vỹ thường họp nhau tại Vườn Bách Thảo để làm bích báo cho lớp. Vào Sài Gòn, Giao được học bổng du học Pháp năm 1958, thân Cộng rồi theo Cộng làm tờ Diễn Đàn ở Paris.
Sau khi khối Liên Xô tan rã và Hà Nội không cho Giao về nước, bạn tôi Hà Dương Dực nhân dịp sang Pháp có mang một câu hỏi của người anh Giao, một sĩ quan cao cấp Hải Quân muốn hỏi Giao là “Hỏi nó còn theo Cộng Sản không?”. Trong một bài viết, Giao có thuật lại chuyện này và trả lời thẳng thắn là vẫn theo chủ nghĩa Cộng Sản, bài này tôi đọc được trên báo Diễn Đàn của Giao. Khi Dực mất, tôi có viết một bài về Dực và cũng nhắc lại chuyện đó.
Bài này có đăng trên Diễn Đàn Thế Kỷ và tôi cũng gửi cho Giao, Giao không đăng trên Diễn Đàn nhưng lại trả lời tôi bằng email thông thường như những người bạn cũ được tin nhau. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối chúng tôi liên lạc với nhau. Thấy thật ghê sợ, cái chất độc, độc hơn ma túy, tiêm vào một số người khiến không tỉnh được, và đã làm cho đất nước ngày càng có nhiều chuyện quái đản. Nhưng những tháng vừa qua, tôi theo dõi tờ Diễn Đàn, thấy trang mạng của Giao đã đổi chiều với nhiều góc độ lớn.
Một người bạn khác là Nguyễn Đắc Điều cùng thời, anh không học cùng lớp với tôi, anh học B3, tôi B4, nhưng khi vào trường Hành Chánh và Đồng Đế, anh cùng khóa với tôi trong một thời gian dài. Anh có một trí nhớ rất tốt, tôi thường gọi nói chuyện với anh, những chuyện bạn bè ngày nay, ngày xưa, mỗi lần hỏi anh đều trả lời cặn kẽ, ít khi sai. Hiện nay vợ chồng anh ở San Diego.
Hồi đó, nhờ thầy Hùng Lân tôi rất thích âm nhạc, bao nhiêu bài nhạc xuất bản hồi đó, tôi đi mượn nắn nót chép lại thành 5, 6 quyển sách dầy cộm. Tôi chơi đàn mandoline, manjo và Hạ Uy Di, những thứ đàn có thể tự học lấy, ngày nay còn rất ít người chơi. Tiếng đàn của tôi văng vẳng trong khu phố với những bài như Dư Âm, Trăng Mờ Bên Suối, Nụ Cười Sơn Cước... cùng những bản của hồi đầu kháng chiến như Bên Cầu Biên Giới, Tình Kỹ Nữ… trữ tình ướt át làm một cô học trò hàng xóm xấp xỉ tuổi tôi, để ý đến tôi. Cô thường đi qua và dừng lại chỗ cửa sổ nghe tôi đánh đàn. Chắc cô mê tiếng đàn của tôi. Nhưng tôi đã không trở thành nhạc sĩ nên duyên nợ chẳng đi đến đâu. Tôi nghĩ vậy.
Về Việt văn, thầy Sỹ dậy chúng tôi về văn mới, những ý tưởng mới, khác hẳn với cổ văn như “Nhị Thập Tứ Hiếu”, “Lục Súc Tranh Công”… Thầy trích những đoạn văn hay, tiêu biểu của các nhà văn thời Tiền Chiến, khiến tôi rất thích và tìm đọc tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, của nhóm Hàn Thuyên và các nhà văn khác như Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Trần Tiêu… và sau này là Đỗ Tốn. Tôi ghiền đến nỗi, đọc không còn một quyển nào của tiệm cho thuê sách ở góc chợ Đồng Xuân. Khác với các bạn tôi thường hí hoáy chép các vần thơ của các thi sĩ nổi tiếng, tôi lại tìm chép những đoạn văn hay thành một quyển như tôi đã từng chép những bài nhạc.
Tôi không được sống trong thời kỳ văn thơ lãng mạn tiền chiến, nhưng nhớ lại những năm Hà Nội đó, dù là trong chinh chiến văng vẳng ở núi rừng xa, vẫn là một thành phố yên bình với những bài nhạc tôi đã chép, những tiểu thuyết xưa tôi đã đọc, những hình ảnh của các thành quách, phố cổ rêu phong… trở thành những tình tự lãng mạn của một thời tiền chiến còn sót lại khó quên…
Những bài luận văn thầy Sỹ đưa ra trong những năm đó hình như đều là văn tả cảnh, chứ không tả tình. Thí dụ như thầy ra một đầu đề là “Tả một đêm trăng sáng tại đồng quê”, đó là cái “tủ” của tôi rồi. Tôi không đến nỗi láu cá đưa vào bài những câu mình đã chép lại, thế nào thầy cũng biết. Tôi viết bằng một giọng văn mới lớn và nhớ lại những ngày loạn lạc ở vùng quê. Hồi đó tôi nghĩ thầy chưa vào nghiệp văn, nhưng chắc thầy thấy lạ, nên bài của tôi thường được thầy bảo một trò khác đọc cho cả lớp nghe.
Nhiều năm sau, năm đậu xong Tú tài I, tự nhiên cảm thấy chán học, tôi nộp đơn xin vào Không Quân, Hải Quân đều bị người nhà ngăn chặn. Nhân dịp Việt Tấn Xã tuyển phóng viên, tôi nghĩ mình cũng có chút tài viết lách, lại thích lang thang như mấy ông làm báo, khi vào phỏng vấn, ông chủ sự thấy tôi ở năm cuối Trung Học, ông khuyên tôi trở về học nốt. Nghiệp viết văn chớm nở của tôi đã tiêu tan.
Trong những năm đầu ở Sài Gòn, tôi hay tìm đọc các tạp chí văn học thì thấy tên của thầy Doãn Quốc Sỹ đã thành một nhà văn chính thống được nhiều người biết tiếng. Thầy cho xuất bản nhiều tác phẩm, tôi đọc gần hết nhưng không hiểu sao tôi lại thích truyện “U Hoài” và nhân vật “Miên” trong trường thiên “Khu Rừng Lau” của thầy. Mấy năm sau, tôi thi được vào trường Hành Chánh, một cái nghề “Sáng vác ô đi, tối vác về”, khác hắn với bản tính của tôi, chắc có lẽ là học bổng của trường quá hậu đãi.
Sau khi tốt nghiệp, tưởng được kéo cái đời ký cóp ở Sài Gòn, không ngờ Tổng thống Diệm đổi chính sách khiến một nửa khóa được đưa vào Trung Ương Tình Báo, còn một nửa khóa trong đó có tôi phải ra Đồng Đế để huấn luyện thành Chuẩn Úy, sau đó, tôi lại được chuyển ra làm phó đảo Phú Quốc. Lúc đó đảo còn hoang vu và bất an, tôi ở đó ba năm không xin đổi. Tôi đã mất cả một thời gian dài quên đọc truyện, mất cả một thời tuổi trẻ lãng mạn nghe nhạc của Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng… Mãi sau ra hải ngoại mới bắt kịp lại thì đã nửa đời rồi.
Bao nhiêu thầy dậy tôi trong thời mới lên trung học đó, hầu hết tôi không còn được tin tức về thầy nào, tôi thấy thương tất cả các thầy. Chỉ có nghe tin thầy Sỹ bị Cộng Sản bắt giam đến hai lần, mà lần nào cũng dài đằng đẵng. Cuối cùng thầy cũng đến được Mỹ và ở Houston, nay rời đến Cali. Mấy năm trước dịch Covid, tôi bay xuống Cali, được người bạn thân Trần Huy Bích dẫn đến tham dự một buổi trình diễn văn nghệ tại Hội Việt Học.
Tình cờ tôi gặp lại thầy Sỹ, thầy ngồi ở hàng ghế trên, tôi lên chào thầy, tôi thấy thầy không thay đổi mấy so với thời mà thầy dậy tôi, trông vẫn an nhiên chỉ có già thêm thôi. Trong cái ồn ào của phòng hội, tôi chắc thầy không nghe được tôi nói gì và cũng khó nhận ra biết tôi là ai. Tôi bèn nói với cô con gái đi theo thầy, tôi là học trò cũ của thầy từ Hà Nội, thầy thường cho đọc những bài luận văn tôi viết cho cả lớp nghe.
Tháng vừa rồi, tôi xuống thăm Cali, lại được bạn Trần Huy Bích cho biết đã đi họp để tổ chức sinh nhật thứ 100 của thầy: “Khu Rừng Lau” đã trăm tuổi. Tôi càng nhớ thầy, nhớ đến những năm học xưa, nhớ đến những lần thầy cho đọc bài của tôi, được thầy khuyến khích như thế mà tôi đã lơ là bỏ mất nghiệp văn, nếu không tôi đã trở thành một “nhà văn nhớn”.
Tôi ở Seattle, không tham dự được buổi lễ chúc mừng thầy. Xin kính chúc thầy được luôn luôn vui mạnh.
NGUYỄN CÔNG KHANH