THÁNG TƯ LẠI VỀ (Phạm Gia Đại)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Năm nay Tháng Tư lại về. Mỗi năm khi Tháng Tư trở lại thì bao nhiêu kỷ niệm bi thương đau buồn lại ùa về trong tâm tưởng. Cứ nghĩ những bi thương, u buồn, uất hận ấy đã nằm sâu trong tiềm thức, đã đi vào vùng quên lãng theo tháng ngày, nhưng hình như niềm đau ấy cứ tăng lên mãi theo tháng ngày chứ không thuyên giảm, hay không mờ dần đi trong vùng quên lãng. Người ta thường nói thời gian là liều thuốc mầu nhiệm sẽ giúp xoa đi những niềm đau, những bất hạnh, những khốc liệt của chiến tranh đã tàn phá vào đời người, nhưng hình như những đau thương, mất mát, tang tóc của ngày ba mươi tháng Tư năm đó quá kinh hoàng và quá to lớn đến nỗi Thời Gian đành khoanh tay đứng nhìn và thở dài và tiếc nuối. Nhìn những tờ lịch treo trên tường cứ rơi dần đi từng ngày một trong tháng Tư, ngày ba mươi càng gần kề thì những hình ảnh ngày ấy lại hiện về rõ nét như mới ngày nào chẳng làm sao quên được.

 Buổi sáng hôm ấy, không phải một buổi sáng đầy sương thu và gió lạnh – một áng văn tuyệt tác, đẹp như một bài thơ của nhà văn Thanh Tịnh trong “Tôi Đi Học” – mà buổi sáng ngày ấy có nhiều nắng ấm của những ngày cuối Xuân sang Hè, nhưng Sài Gòn, Thủ đô của nền Đệ Nhị Cộng Hòa, Hòn Ngọc Viễn Đông của vùng Đông Nam Châu Á, đã như trong cơn mê loạn với hiểm nguy cận kề, và đang thở những hơi cuối cùng như một người đang khỏe mạnh chợt mất dần sức sống đi vào hấp hối.

 Đó là ngày Ba Mươi tháng Tư năm Một Chín Bảy Lăm, tôi đang ở nhà mẹ tôi trên con đường Trương Minh Giảng thân quen, trong Quận Ba của thành phố Sài Gòn. Tôi đã đưa gia đình từ vùng Phú Lâm, Quận Sáu, ven đô về nhà mẹ hai ngày nay để tạm trú vì vùng ven đô mấy hôm nay không được an ninh, và cộng quân đã pháo kích vào cả nhà dân và chợ búa.

 Sài Gòn sáng ngày Ba Mươi tháng Tư đã trở nên sôi động và hoảng loạn khi Dương Văn Minh, người vẫn được dân Sài Gòn xem như tay chân của chính quyền Mỹ, đã lên đài phát thanh tuyên bố Lệnh Đầu Hàng để buộc tất cả các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) phải buông súng và mở cửa cho cộng quân vào thành phố và vào miền Nam. Sau hai mươi mốt năm chiến đấu anh dũng và thắng lợi trên khắp mặt trận của Bốn Vùng Chiến Thuật, những người lính chiến đã phải buông súng trong uất nghẹn và nền Đệ Nhị Cộng Hòa đã phải cáo chung vì đồng minh Hoa Kỳ phản bội, vì những đánh phá của thành phần thứ ba ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản đã hoạt động có lợi cho cộng sản, vì phong trào phản chiến tại Mỹ đã được thổi bùng lên cao độ để đâm sau lưng VNCH, vì tay cố vấn gốc Do Thái ma đầu Henry Kissinger đã đi đêm với Trung Cộng để Mỹ ký hiệp ước Thượng Hải với Tầu, bán đứng miền Nam cho quân thù.

 Tôi đứng trên lầu ngôi nhà mang số 357 của mẹ tôi nhìn qua cánh cửa sổ hé mở, lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần cuối nhìn thấy những chiếc xe tăng của Nga mà lính Bắc Việt đang lái từ hướng Tân Sơn Nhất, ầm ầm lăn bánh trên con đường Trương Minh Giảng, đang tiến vào thành phố thân yêu của tôi. Hình như bầu trời trước mắt tôi đang sụp đổ, và những xích bánh xe tăng kia như đang nghiền nát đời tôi và hàng triệu người dân Sài Gòn. Một biến cố không thể nào có được đã xảy ra: miền Nam đang mất vào tay cộng quân, và tương lai trước mắt, miền Nam sẽ phải chịu bao nhiêu oan khiên, tủi nhục, nghiệt ngã như miền Bắc đã phải chịu đựng từ khi cộng sản vào tiếp thu thủ đô Hà Nội năm Một Chín Năm Tư. Thời gian đó khi còn là một cậu bé theo cha mẹ di cư vào Nam, trong đầu óc non nớt của tôi chỉ nghĩ rằng tôi đã mất quê hương miền Bắc, mất hết những kỷ niệm yêu dấu trong căn nhà như biệt thự trên phố Cầu Đất, Hải Phòng, và giòng sông Bến Hải sẽ mãi mãi chia đôi hai miền nam bắc. Không bao giờ ngờ có một ngày toàn quê hương bị nhuộm một mầu đỏ sắc máu.

 Ngày Sài Gòn sụp đổ, người Mỹ mà đai diện lúc đó là Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đã thất hứa với chúng tôi, họ đã bỏ rơi tất cả những nhân viên người Việt làm việc cho họ . Họ đã bỏ đi hết – những nhân viên Mỹ, Phi Luật Tân, Thái Lan, Đài Loan, v.v… còn lại, họ đã ra đi trong chuyến trực thăng bốc người di tản cuối cùng rời nóc của Tòa Đại Sứ Mỹ trên đường Thống Nhất vào đêm Hai Mươi Chín rạng sáng ngày Ba Mươi tháng Tư. Thế là hết, một dấu chấm to tướng cho miền Nam và cho cá nhân tôi. Người Mỹ thừa biết rằng những nhân viên làm việc cho họ, trong đó có tôi, khi sa vào tay giặc sẽ khó mà bảo toàn tính mạng, nhưng họ vẫn thản nhiên ra đi để hoàn thành sứ mạng cho lợi ích của nhóm nắm quyền tại Mỹ muốn làm ăn buôn bán với Hoa Lục trên một tỷ người.

 Trong buổi họp cuối cùng cuối tháng Tư tại Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn, viên cố vấn Mỹ cho biết kế hoạch sau cùng là chúng tôi vẫn phải yểm trợ cho các bộ các phủ của chính phủ VNCH cho đến giờ phút cuối, và họ cam kết sẽ đem trực thăng đến bốc gia đình chúng tôi tại nhà dù lúc đó Sài Gòn có trong cơn bão lửa – đó là Plan A. Viên cố vấn còn trấn an rằng, dù đường bay Tân Sơn Nhất có bị trở ngại, người Mỹ sẽ huy động năm ngàn TQLC từ Đệ Thất Hạm Đội vào Sài Gòn và làm một Hành Lang Thép ra Vũng Tầu để chương trình di tản sẽ tiếp tục cho đến ngày mười lăm tháng Năm mới chấm dứt – và đó là Plan B.

 Trong manifest tôi nộp cho Tòa Đại Sứ từ Tháng Ba có cả gia đình mẹ và các em sẽ cùng được di tản theo gia đình tôi, nên tôi quyết định sẽ theo lệnh của Tòa Đại Sứ Mỹ phổ biến, sẽ ở lại cho đến giờ phút cuối với hy vọng mẹ và các em sẽ được cùng đi với tôi qua vùng trời tự do. Nhưng đời người không ai học được chữ ngờ – tôi đã bị bỏ rơi, và bị cộng sản tập trung “cải tạo” lao động khổ sai lưu đầy mười bảy năm theo chính sách “khoan hồng” của họ trong các trại giam mọc lên như nấm từ bắc xuống nam. Nhờ Ơn Trên: Trời Phật thương, Mẫu độ, và Đức Mẹ và Đức Chúa che chở, và gia đình cha mẹ, anh chị em, con cái, nhất là những người vợ tù, đã hết sức cứu giúp, nên hàng trăm ngàn quân dân cán chính VNCH, trong đó có tôi, đã sống sót trở về sau những năm tháng bị đọa đầy sau ngày miền Nam mất vào tay giặc Cộng.

 (Ảnh chụp vào khoảng Tháng 3 năm 1992 tại Trại Giam Hàm Tân Z-30D, Bình Thuận, Nam VN về 12 trong số 20 người tù cuối cùng (NTCC). Lúc bấy giờ chỉ còn lại 20 NTCC tập trung vào đội 23. Họ đã phục hồi phần nào sức khỏe nhờ gia đình tiếp tế, thăm nuôi, và tin sẽ được thả ra nay mai để qua Mỹ định cư – nên đã lấy lại phong độ. Vào những năm 1976-1977, 1978, họ chỉ còn da bọc xương vì bị bỏ đói và lao động khổ sai trong những vùng núi lạnh giá. Từ trái qua phải và hàng bên dưới: cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Trung Tá Huỳnh Kim Hiếu (ANQĐ), Phạm Gia Đại (Tòa Đại Sứ Mỹ), cố Thiếu Tướng Trần Bá Di, Trung Tá Huỳnh Văn Kiên (ANQĐ). Hàng đứng và từ trái:Trung Úy Nguyễn Đức Thắng (Phủ Đặc Ủy TUTB), cố Trung Tá Trần Văn Xoàn (Cảnh Sát Đặc Biệt), Miên (hồi chánh viên), cố Trung Tá Nguyễn Đạt Phong (ANQĐ), con gái một vị đại tá vào thăm)

 Tôi đã bước ra khỏi trại giam Hàm Tân Z-30D trong số hai mươi người tù cuối cùng sau mười bảy năm và trở về thành phố thân yêu – mà suốt thời gian trong tù không lúc nào tôi không thương nhớ, thành phố giờ đã thay tên và những con đường quen thuộc ngày xưa giờ trở thành lạ lẫm. Ngày trở về, tôi đã ngơ ngác và lạc lõng trong chính lòng thành phố thân yêu mà tôi đã lớn lên trưởng thành trong suốt hai mươi mốt năm sau ngày di cư vào Nam. Tất cả đã đổi thay hay chính lòng tôi cũng đang thay đổi bởi tôi không còn nhìn đời qua lăng kính mầu hồng nữa, và nhận thức được một điều đau xót rằng ngoài việc chống cộng nô – vì Quốc Gia và Cộng Sản không thể cùng đội chung một bầu trời, chúng ta còn phải rất thận trọng với ông bạn đồng minh Mỹ đã từng phản bội trắng trợn người Quốc Gia, năm Một Chín Bảy Lăm, kẻ đã làm mâm cao cỗ đầy dâng lên mời quân Bắc Việt và làm món quà trao đổi với khối cộng sản quốc tế. Vô hình chung, người Việt Quốc Gia rơi vào Thế Chân Vạc: Quốc Gia- Cộng Sản- Hoa Kỳ. Ngoài việc chống Cộng, còn phải đề phòng thế lực ngầm chi phối chính quyền Mỹ, họ sẽ chỉ là đồng minh tạm thời và giai đoạn mà thôi, không phải là đồng minh vĩnh cửu.

 Thời gian lưu đầy ngoài miền Bắc, tôi có cơ duyên gặp được những vị chân tu như Thượng Tọa Thích Thanh Long, người đã làm sáng danh Đạo trong những năm tháng đen tối nhất của đời người trong một ngục tù tồi tệ nhất tên thế giới, và đem lại niềm tin cho người tù. Tôi còn có Duyên Lành gặp được Thầy Tâm, Hòa Thượng Thích Thiện Chánh, người thầy đã khai tâm cho tôi về Đạo Phật. Nnờ ơn đức đó mà tôi có được một nghị lực phi thường giúp cho mình sống sót sau bao nhiêu khốn khó, tai ương, và những thử thách quá sức người như muốn nhấn chìm mình xuống trong vùng ngục tù đen tối, trong tuyệt vọng, hay những khi sức cùng lực kiệt đang hấp hối trên giường bệnh và Tử Thần với Lưỡi Hái như đang đứng bên cạnh. Tôi đã qua được hết như một phép lạ.

 Bởi thế, sau khi cửa tù đóng lại sau lưng, tôi nguyện sẽ đem hết sự hiểu biết và tấm lòng thành của mình để giúp người, giúp đời, và giúp quê hương Việt Nam mau được hưởng dân chủ, có nhân quyền và hạnh phúc, thanh bình như những quốc gia khác trong khối tự do. Cuốn Hồi Ký “Những Người Tù Cuối Cùng” ra mắt năm 2011 và bản Anh Ngữ năm 2016, và audio đọc hồi ký “Những Người Tù Cuối Cùng” ra đời lên Youtube cuối năm 2022, là tâm huyết một đời người viết ra để lại cho mai sau một thiên anh hùng ca bất diệt của người Quốc Gia chống Cộng- một quân sử chưa từng có của quân lực VNCH đã đơn thương độc mã chiến đấu oai hùng và chiến thắng chống lại cả khối cộng sản Nga-Tầu-Đông Âu- Bắc Hàn-Cu Ba, khi mà đồng minh Hoa Kỳ đã tự ký “Hòa Đàm Ba Lê” để rút lui, xóa hết những cam kết của năm đời tổng thống Mỹ với đồng minh VNCH.

Một biểu Tượng của Sài Gòn- Chợ Bến Thành

 Nhìn lại quê hương sau 48 năm chỉ thấy một phồn vinh giả tạo trong cuộc sống xa hoa bề mặt tại trung tâm một số thành phố như Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, v.v… dành cho người ngoại quốc và Việt kiều hay dành cho gia đình thân nhân những thành phần cai trị của chế độ tư bản đỏ, còn đa số người dân đều nghèo khổ, thiếu ăn thiếu mặc, xa thành phố và trên vùng cao nguyên nhiều nơi vẫn không có điện nước. Người dân nghèo xa thành phố hay thiểu số bị kềm kẹp bởi các cán bộ nhà nước. Những kiện hàng, những gói quà gửi khi vừa đến tay người dân nghèo khổ, thì ban đêm các cán bộ địa phương lại đến tịch thu hết hay chỉ cho người dân nghèo một chút ít trong những phần quà cứu trợ từ ngoại quốc gửi về cho họ mà thôi.

 Trên chín mươi triệu dân trong nước và hàng triệu người Việt tại hải ngoại đều mong muốn cho nước Việt chúng ta sớm có một đời sống xứng đáng cho con người. Vì thế, sự đoàn kết trong các hội đoàn, các tổ chức người Việt tại hải ngoại, là điều tiên quyết cho một cộng đồng hùng mạnh- như một quốc gia VNCH sống lại bên ngoài Việt Nam. Bởi cộng đồng người Việt trên trên giới sẽ là niềm tin, niềm hy vọng cho toàn dân Việt còn khốn khổ và đang bị đàn áp trong nước.

 Thế giới luôn biến động theo an bài của Đấng Tạo Hóa, con người lại càng phải Thuận Thiên để Hành Đạo, như thầy Tâm vẫn dạy tôi rằng mình đang sống trong thời Mạt Pháp- cái Thiện sẽ bị chìm xuống và cái Ác nổi lên. Nhưng không vì bất cứ tiền tài, danh vọng gì mà theo cái Ác được. Cái Ác ngày nay chính là Chủ Nghĩa Cộng Sản, một chế độ chỉ tồn tại nhờ vào tuyên truyền dối trá và bạo lực máu lửa.

PHẠM GIA ĐẠI