THẰNG NGẪN NGỜ (Đường tân/DKN)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ảnh: Shutterstock.

Thằng ngẫn ngờ! Có lui ra không, lây bệnh sang em bây giờ!… Mẹ nó vừa quát vừa đẩy anh dúi dụi. Anh trai nó còn chưa kịp hiểu chuyện gì, đứng thất thần, ánh mắt đờ dại tròn xoe ngơ ngác. Cuối cùng “thằng ngẫn ngờ” lắp bắp nói với giọng ngọng nghịu: “Lây bệnh… lây bệnh”, rồi vừa khóc vừa xoay lưng vùng chạy…

Nó sinh ra trong một gia đình ở vùng cao, cảnh nhà cũng bình thường, bố làm Hiệu trưởng một trường Tiểu học “quèn”. Ngôi trường chon von mãi trên đỉnh núi với gần trăm học sinh người dân tộc thiểu số, gọi là trường cho nó sang, chứ thực ra chỉ là mấy nếp nhà vách đất lợp lá xiêu vẹo, trống tuềnh trống toàng. Còn học sinh, nghe bố kể: “Bọn nhỏ con nhà nghèo tội lắm, cơm còn chẳng đủ no. Có đứa cả tuần vẫn thấy mặc y nguyên một bộ áo quần, không thay. Bước chân vào lớp là đủ các loại mùi!”…

Còn mẹ nó, cả chục năm nay vẫn quen với nghề bán thịt lợn ở chợ xép, ngay đầu đường rẽ vào bản Kháo.

Nghe mẹ kể, khi nó ra đời cũng là lúc chính sách “Kế hoạch hóa gia đình” quản chặt lắm, nhà nào sinh con thứ ba là bố hoặc mẹ bị phê bình kỷ luật, mất việc như chơi, có khi còn phải chịu vạ với cả làng vì làm ảnh hưởng đến cái danh “Bản làng văn hóa”. Mẹ thường rầu rầu bảo: “Sau lần mổ đẻ con là mẹ không thể sinh thêm em bé được nữa, bác sỹ triệt sản rồi”. Bởi vậy tuy là con gái nhưng nó nghiễm nhiên được coi là “cục cưng” trong nhà.

Anh trai nó lúc chưa đầy tuổi đã bị mắc căn bệnh viêm não, gia đình dồn tiền chữa chạy tốn kém hết bao nhiêu cũng không khỏi. Lớn lên chút, anh có biểu hiện của hội chứng thiểu năng trí tuệ, người trong bản thì bảo anh bị đần, còn mẹ thì hay gọi anh là “thằng ngẫn ngờ”. Nó không hiểu ý nghĩa của cái tên này cho lắm, có lần nó hỏi mẹ, mẹ bảo: “Anh mày ấy, suốt ngày ngơ ngơ ngác ngác, tần ấy tuổi đầu mà chẳng biết một cái thứ gì. Đầu óc nặng hơn cả thằng ngẩn ngơ thì gọi là ngẫn ngờ chứ là cái gì!”

Thuở nó còn nhỏ, mẹ thường cầm cây roi trên tay dọa anh: “Cấm không được lại gần em kẻo lây bệnh nghe chưa”. Vì sợ anh làm đau nó nên mẹ cũng cấm luôn, không cho anh bén mảng tới gần phòng của nó. Đến bữa cơm anh cũng phải ăn riêng một xó, tất cả phần ăn được dồn vào một chiếc bát tô bằng sắt tráng men. Mỗi lần mẹ bón cho nó ăn, anh hay đứng nép bên ngoài cửa, dõi mắt trộm nhìn. Thấy mẹ và em gái vui đùa là anh sung sướng cười, nước dãi nhểu dài khóe miệng.

Ngày chưa bị “ngẫn ngờ”, anh nó cũng được cưng chiều lắm, vì là cháu đích tôn của cả dòng họ nội. Ông nội nó là trưởng họ kiêm trưởng bản, bố lại là con một, độc đinh. Từ ngày anh mắc bệnh, ông bà nội trút hết thảy nỗi uất ức và thất vọng lên đầu mẹ nó. Năng năng, bà nội lại nhìn anh mà than thở: “Hui dza!… Cục vàng thì mất, cục đất thì còn! Nhà có mỗi đứa cháu trai gây dòng nối giống, giờ thì!”… Mỗi lần như vậy, nó thấy ông nội thường châm điếu, rít thuốc lào sòng sọc. Khóe mắt già nua của ông xô rúm lại như muốn ép khô cả nỗi buồn. Đôi tay nhăn nheo vẫn run run mân mê chiếc ống điếu bằng tre đã lên màu láng bóng, đoạn ông ngửa cổ phả khói ngược lên trần nhà, thở dài đánh thượt!… Bố thì lặng lẽ dắt xe ra phía cổng, không quên chào với lại: “Xin phép ông bà ạ, con lên trường có việc!”.
Bà nội bĩu môi, đánh mắt sang phía mẹ, buông một câu trống trơn: “Lại đi!”…

Cũng kể từ đó, mẹ hay cáu gắt nhiều hơn. Bao nhiêu nỗi ấm ức, tủi hờn của mẹ dường như trút cả lên đầu anh nó. Mỗi lần mẹ không vui, anh thường bị đánh đòn, những trận mưa roi dường như ngày một dày thêm và cứ kéo dài bất tận.

Có lần mẹ ra chợ bán thịt, dì út sang chơi. Ôm nó vào lòng, dì khen: “Cháu gái của dì xinh quá cơ! Đáng yêu như búp bê ấy!”. Phía góc sân, anh lấp ló đứng sau gốc cây thị, dõi ánh mắt trìu mến nhìn em bé gái rồi nhoẻn miệng cười hềnh hệch. Dì út thương tình vẫy tay gọi: “Lại đây, lại đây ôm em bé một xíu này!”

Anh nó nhảy cẫng lên, chạy tới, cả khuôn mặt rạng rỡ toát lên niềm vui sướng lạ! Nhưng khi đến gần nó, anh bất giác rụt rè lùi lại… rồi quay lưng chạy về phía góc sân ngồi thụp xuống vừa khóc vừa nói trong tiếng nấc: “Không ôm em… không được gần… ‘lây bện’, mẹ đánh!”… Thấy thế, dì út cũng khóc òa.

Đàn chào mào nâu trước sân vườn nghe động, cả bầy không con nào rủ con nào nháo nhác cùng bay lên, kêu thảm!

Năm tháng trôi đi, nó vào tiểu học, rồi lên cấp hai. Anh cũng lớn dần, gầy nhom và cao ngổng. Những chiếc quần anh mặc luôn cộc hớn lên đến tận trên mắt cá chân, dáng đi thất thất thểu thểu, vẫn ngây ngô, hay nhỏ rãi, răng vàng bựa, và cười hiền như trước…

Nó rất ghét những đứa bạn thường gọi nó là “em thằng đần”. Nghe mà thấy ác ý. Em thằng đần thì chả quá là không bằng thằng đần rồi còn gì. Nó thấy tức và xấu hổ… dần dần nó quay sang ghét lây và hận cả anh. Ai bảo anh sinh ra là người ngẫn ngờ cơ chứ! Giá mà nó có một người anh không đần – một người anh như bao người anh khác.

Một chiều nọ, đương lúc nó đi học về, anh bỗng từ phía xa chạy tới hớn hở vẫy tay gọi: “Em gái!… em gái!”… Tay còn lại của anh rối rít thò vào túi quần chìa ra một cây kẹo mút hướng về phía nó. Lũ bạn cùng lớp nhìn thấy thế cười ồ. Nó xấu hổ không biết để đâu cho hết. Một thằng bạn bướng nhất lớp hét toáng lên: “Chúng mày ơi, thằng đần tới đón em nó kìa!”. Cả bọn lại xô nhau cười toáng. Thằng kia nói tiếp: “Nhìn cô em diện thế kia mà để anh giai mặc cái quần xoăn tít như lò xo, chó cắn bảy ngày không tới gấu!” Chúng bạn lại phá lên cười ha há!…

Nó ức và tủi thân quá, giơ cặp xách lên đập vào lũ bạn, bọn kia giằng lấy cặp của nó vừa cười vừa tung hứng cho nhau. Bỗng nhiên anh nó lao tới, vung tay đấm loạn xạ, mắt trợn ngược, miệng hét lớn: “Không trêu em… không được trêu em!”. Trông anh khỏe và dữ tợn, vừa xô đẩy vừa đánh lũ bạn nó tới tấp. Cả lũ nhoáng nhoàng tháo chạy, thằng bướng nhất bị anh quật ngã xuống đường, đầu sưng bươu một cục, khóc toáng!

Anh cúi xuống, nhặt cặp sách lên định đưa cho nó. Nó nhanh tay giật lấy, quát: “Không cần! Cút đi, ai bảo anh là thằng đần cơ chứ!”. Anh nó lặng im, mặt cúi gằm bối rối, hai tay như thừa thãi mân mê chiếc vạt áo dính đầy nhựa cây và lấm lem bụi đất.

Bữa đó, hai anh em vừa về tới nhà thì bố thằng bạn kia dẫn con sang mách tội. Mẹ nó nghe chưa dứt lời đã bắt hai anh em quỳ giữa sân, từng đợt roi mây quất xuống tới tấp. Anh choàng lên người nó, nói run rẩy: “Đánh con… đừng đánh em!”. Lại một trận mưa đòn giáng xuống. Nó khóc nấc, anh cũng khóc. Bấy lâu nay nó ít khi nào thấy anh nó khóc, anh chịu đòn quen rồi mà. Nó hiểu, anh khóc vì thương nó.

Tối đó anh không ăn cơm, chiếc bát sắt tráng men vẫn được úp lồng bàn nguyên vẹn. Anh ngồi một mình lầm lũi dưới gốc cây thị già to hơn cả thân người phía góc sân. Trời khuya… Những vì sao thưa dần… Sương rơi ướt lạnh.

Lên cấp ba, nó thi đỗ vào trường Dân tộc Nội trú tỉnh. Cả nhà vui lắm. Anh cũng vui nhưng dường như trong sâu thẳm đôi mắt khờ dại kia vẫn phảng phất một nỗi buồn u uất, có lẽ anh không muốn phải rời xa nó. Buổi tối, trước hôm nhập trường, nó lúi húi trong phòng gấp xếp hành lý. Anh không dám bước vào, chỉ đứng ngoài ô cửa sổ thò tay đưa cho nó một gói quà nhỏ bọc rất vụng về trong chiếc túi ni-non màu đen. Anh nhoẻn cười bảo: “Cho em”. Nó đón lấy, mở ra, thấy bên trong là một chiếc áo sơ-mi in hoa sặc sỡ. Đồ lỗi mốt, lại cộc nữa. Nó biết nhưng vẫn vờ khoác lên người, xoay qua xoay lại hỏi anh: “Có đẹp không?”. Anh mỉm cười rạng rỡ, nói: “Đẹp… đẹp!”. Chưa khi nào nó thấy anh vui và hạnh phúc đến thế. Thì ra bấy lâu nay anh nó vẫn để dành số tiền lẻ mà thi thoảng được ông nội cho, cả tiền dì út mừng tuổi hồi đầu năm nữa, gom cả lại để mua quà cho nó. Nó xoay mặt về phía tủ quần áo giả vờ tìm đồ, sống mũi cay xè, hai mắt đỏ hoe và ướt nhẹp.

Năm cuối cấp ba, nó rất hiếm khi về thăm nhà, vì mải ôn thi tốt nghiệp. Cuối tuần trước nó gọi điện về, hai mẹ con chuyện trò tíu tít cả giờ đồng hồ. Mẹ quay sang bảo: “Con nói chuyện với anh đi”. Phía đầu dây bên kia, anh nó gọi: “Em gái!…” rồi nín lặng… Hồi lâu sau mẹ cầm máy bảo: “Thôi, con tắt máy đi. Anh con khóc rồi. Chắc nó nhớ con đấy!”. Nó bần thần cất điện thoại vào ngăn cặp, thấy tội nghiệp và thương anh quá. Không còn cảm giác ghét hận anh như ngày trước nữa. “Lần này về mình nhất định sẽ mua quà bánh cho anh, mua cả quần áo nữa”, nó tự nhủ.

***

Buổi trưa đó, như thường lệ, “thằng ngẫn ngờ” thất thểu ra chợ Kháo dọn hàng giúp mẹ. “Chợ quê lép xép ấy mà, người ta chỉ mua đến xế trưa là nghỉ” – mẹ nó thường bảo thế. Mẹ cầm chiếc cân đồng hồ đi trước, nó thất thểu xách làn cói to đùng đựng dao thớt và túi ni-lon theo sau. Vừa ra tới đầu đường bản Kháo thì một chiếc xe ben chở đá mất phanh lao tới, tông thẳng lên vỉa hè sau khi va đánh rầm vào cây cột điện. Rất nhanh, thằng ngẫn ngờ quăng làn lao tới xô mẹ thật mạnh, hai mẹ con mất đà ngã đè lên nhau. Cây trụ điện bê tông to uỳnh giáng xuống, nó kêu lên cái “hự”! Trời đất như tối sầm, đảo lộn. Mẹ nó cảm thấy như có thứ gì đó âm ấm từ bên trên nhỏ đều đều xuống bắp chân, loang dài về phía ống đồng. Mẹ choáng váng, xây xẩm mặt mày rồi ngất xỉu.

Dân tình quanh khu chợ chạy đến lao xao, có người gọi cấp cứu, có người hối nhau mau chóng nhâng cây cốt điện. Nhưng không kịp nữa rồi… Thằng ngẫn ngờ cố chống tay xuống mặt đường nhựa, oằn lưng nghển cổ nhìn tới, xa xa phía trước là con đường dẫn lên tỉnh lộ. Cây cột điện bằng bê tông nặng vài trăm kí vỡ nham nhở đang đè ngang lưng nó. Nó gắng ngẩng đầu lần nữa, phun ra một búng máu, toàn thân run rẩy, cất tiếng gọi thều thào: “Em gái!… em…” rồi gục dần đầu xuống, áp mặt vào hai bắp chân của mẹ, nó từ từ khép mắt.

Trên cao vòi vọi, một vầng mây trắng lốp phốp phiêu bồng giữa trời xanh thênh thênh bất tận… ở nơi ấy hẳn sẽ không còn có bệnh tật, khổ đau, đòn roi và buồn tủi…

Ông nội gọi điện cho nó, nói ngắn gọn: “Nhà có việc, cháu xin phép nghỉ học vài ngày rồi về gấp. Thuê tắc-xi mà về cho nhanh. Ông trả tiền”.

Chặng đường hơn trăm cây số mà như dài bất tận, xế chiều nó mới về đến nhà, hay tin dữ, nó khóc toáng, hai chân bủn rủn khuỵu xuống, gọi tên anh chẳng thành lời. Mẹ cũng ôm nó khóc ngất, tiếng mẹ than hời như đứt từng khúc ruột…

Ngoài kia, nắng tắt dần, gốc thị già nua phía góc sân đứng chôn chân im lìm như tạc. Không một bóng chim muông. Thu đã tàn. Đông sắp về. Heo may se lạnh…

Đường Tân

(Tài liệu tham khảo: “Những câu chuyện thú vị”).