Quá khứ là một phần không thể tách rời của Tôi hôm nay. Nó nằm sâu trong ký ức, ở đó có những ngày của tháng Ba xa lắc, nhưng nó hiện lên mỗi khi tháng Ba về. Và cũng một ngày của tháng Ba sau đó là sự ra đi đột ngột kinh hoàng của ba tôi. Tất cả như một cuốn film đã được dấu kỹ dưới lớp bụi thời gian. Hôm nay, tháng ba về, tôi phủi lớp bụi dày để ôn lại ký ức bằng một cái nhìn mới sau 46 năm trôi qua.
Gia đình tôi dọn về quê trước ngày 30/4/1975 vài tháng. Có lẽ như biết trước điều gì, ba tôi quyết định vậy. Tôi về sau, với suy nghĩ nghỉ cuối tuần rồi quay lại trường, nhưng không, tưởng chừng như một thế kỷ! Ngày trở lại, tất cả đều mới, chỉ có không gian và bạn bè là cũ nhưng thiếu vắng những người bạn sôi nổi của tôi. Họ đi về đâu nào ai biết? Chỉ có hàng cây trong sân trường cúi đầu buồn bã nhìn tôi như muốn nói điều gì từ những người bạn đột ngột rời bỏ chúng tôi, bỏ lại phía sau những tháng ngày hồn nhiên tin yêu và hy vọng.
Tôi về với gia đình và bị dính vào một cuộc tương tàn sau cuối của dân tộc. Những nét mặt tương phản nhau của dân làng, người thảng thốt trong âu lo, kẻ hân hoan chào đón một cuộc đời mới. Sau này tôi mới hiểu, kẻ chiến thắng ngập hồn trong hạnh phúc, người chiến bại thấp thỏm trong khổ đau.
Tiếng súng vẫn nổ râm ran đâu đó, nhưng lòng người dường như vỡ nát, vỡ nát trong xót xa và cũng lòng người vỡ oà trong hạnh phúc! Qui luật của cuộc sống mà, nó luôn tồn tại hai mặt đối lập. Tôi hoang mang bởi chung quanh tôi là những mâu thuẫn: Rộn ràng trong giả dối và rộn ràng trong niềm vui. Những khuôn mặt đầy sắc màu được nguỵ trang thật khéo. Làm sao một cô gái chớm tuổi trăng tròn còn hồn nhiên với những câu chuyện tuổi học trò có thể hiểu được những nhiễu nhương của cuộc đời!
Ba tôi dọn dẹp lại căn phòng thờ, thay đổi nhiều thứ. Tôi còn ngơ ngác thì ông trả lời, con chưa hiểu đâu! Tôi lặng lẽ thu về một góc nhỏ để suy tư. Rồi cũng phải hoà mình vào cuộc sống mới. Gia đình tôi có hai người anh là lính của VNCH. Chỉ có một anh về nhà vào một đêm tối, còn người anh kia thì biệt tin. Chị tôi khóc đến khô nước mắt!
Vài ngày sau đó, họ mời anh tôi đến một cuộc họp và nói sáng đi chiều về thôi. Nhưng đó là chuyến đi dài ngày lên rừng thiêng nước độc, nhiều lần tưởng vĩnh viễn gởi thân xác lại khu Kỳ Lộ, nơi được gọi là “Trại cải tạo học tập cho nguỵ quân nguỵ quyền”. Nhưng rồi Thần chết chưa mở cửa nên sau những tháng năm “cải tạo” anh về lại nhà trong thân xác héo hon với một cuộc sống nửa Người nửa Ngợm.
Tôi còn nhớ rõ cái ngày chị dâu và tôi tiễn anh “đi họp” một đoạn đường, tôi nhìn những giọt nước mắt của chị khi chia tay anh như báo trước điều gì, rồi anh biền biệt. Một sáng nọ, mẹ tôi hay tin hàng loạt người trong đoàn tham gia “cuộc họp” đó bị bắn ở Sơn Thành (một địa danh miền núi của tỉnh Phú Yên). Bà tức tốc trong hoảng hốt đón xe đến chỗ ấy để tìm xác anh. Đến nơi, một cảnh tượng hãi hùng trước mặt. Hàng loạt xác người nằm la liệt không sao đếm xuể, đã bắt đầu bốc mùi dưới cái nắng chói chang của một vùng hoang sơ rừng núi.
Trong tuyệt vọng, bà đi lật từng cái xác người để tìm con, chỉ có người Mẹ mới đủ can đảm làm điều này! Thời gian trôi qua thật nhanh mà xác con chưa thấy. Bà vẫn tiếp tục việc làm mà chỉ có trong film, một việc không tưởng. Trong đau đớn bà lâm râm cầu nguyện với một chút hy vọng mong manh. Đến cái xác cuối cùng vẫn chưa tìm được con. Lúc bấy giờ bà mới bật khóc. Khóc vì mừng là con đã thoát khỏi chỗ này, nhưng còn chỗ khác nữa. Nó ở đâu? Thế mới biết hạnh phúc và khổ đau có chung một người bạn, đó là nước mắt.
Bà thẫn thờ quay về. Sau đó là những ngày chờ đợi. Nó dài lê thê trong sự im lặng đến tê người!
Anh chị tôi từ xa cũng quay về ngôi làng mà cho đến bây giờ tôi vẫn cho là nơi đẹp nhất. Bởi ở đó, tuổi thơ tôi đã từng một thời được tắm gội trong yêu thương với ông bà, cô bác và họ hàng… Bây giờ hoàn toàn thay đổi. Những cuộc họp tổ dân phố để đấu tố nhau, những tiếng kẻng đánh thức người dân ra đồng làm việc, những khẩu hiệu mới, cách sinh hoạt mới. Với tôi, tất cả đều lạ lẫm.
Trường học vẫn chưa mở cửa, nên tôi phải ở lại và sinh hoạt với thanh niên địa phương. Hầu như đêm nào cũng phải đến 10 giờ mới về tới nhà. Mỗi buổi chiều, nếu có chút thời gian rảnh, tôi thường chở người bạn đi dọc theo đường quốc lộ 1 một đoạn không xa, chỉ muốn nguôi ngoai nỗi buồn và vì tò mò muốn biết chuyện gì đang xảy ra chung quanh. Tại sao Mẹ và chị tôi cứ khóc mỗi khi họp tổ dân phố về. Nhờ vậy, tôi chứng kiến bao cảnh tượng thật lạ kỳ.
Tôi thấy đoàn xe dài không dứt đủ các loại chở người di tản từ miền Trung vào Nam, và từ các tỉnh thuộc Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam (Kon Tum, Dak Lak, Gia Lai…) đổ dồn về theo tỉnh lộ 7 (bây giờ là quốc lộ 25). Họ bị chặn lại, phụ nữ trẻ con lục đục xuống xe, trên gương mặt đầy nỗi sợ hãi và hoảng loạn. Sau khi được khám xét, những ai không bị nghi ngờ thì cho lên xe, nhưng của cải quí giá thì phải bỏ lại cho nhóm người địa phương sung vào cái quĩ gọi là “Chiến lợi phẩm”. Còn những ai bị cho là “nguỵ quân nguỵ quyền”, tức là những người thua cuộc, bị bắt cởi hết áo quần chỉ được mặc cái “quần đùi” duy nhất trên người, hai tay bị trói phía sau. Rồi họ “được lùa” đi bởi một số người, có thể là cán bộ trong làng, mỗi người cầm theo một cái cây. Bỗng nhiên tôi liên tưởng đến một đàn bò được lùa về chuồng khi trời tối! Còn đi đâu và làm gì, tôi nghĩ, chỉ những người cầm cái cây đó là biết rõ!
Cứ thế mỗi ngày “Chiến lợi phẩm” của họ mỗi đầy lên, đặc biệt là những thùng vàng kim cương và những đồ trang sức quí giá khác được đưa vào quĩ “Chiến lợi phẩm đặc biệt” mà chỉ có những “cán bộ nòng cốt” và những người trong cuộc “quản lý” nó. Sau này, nhóm lợi ích đó giàu lên, ngược lại những người biết chuyện và chống đối bị trù dập hoặc bị thủ tiêu.
Đấy là trên bờ, còn dưới các con kênh lớn chạy dọc theo tỉnh lộ 7, nhìn từ xa đầy dẫy những khúc cây như cây chuối trôi lềnh bềnh. Đến những đoạn con kênh chui qua đường lộ bằng những cái ống dẫn nước thì những vật ấy bị chặn lại, ngổn ngang… Tôi tò mò đến gần, thật hãi hùng! Đấy là những xác người đã sình to cùng với mùi hôi bốc lên. Tôi thảng thốt rồi thờ thẫn! Họ là ai? Người thân họ đang ở đâu trong lúc hỗn loạn này? Tôi không cần biết họ là Cộng sản hay Quốc gia, tôi chỉ biết họ là con Người, giống như chúng ta, họ cũng có gia đình người yêu… Và tôi đã khóc!
Trời tối dần, nhìn những cái xác cô đơn, lòng đau đớn, tôi rời đi! Sau đó tôi nghe những câu chuyện kể rằng: Trên đường xác trôi, dân làng hai bên lội xuống lấy nhẫn, dây chuyền, ngay cả những cái răng vàng… lấy tất cả những vật giá trị còn trong xác nạn nhân. Nhẫn thì phải dùng kềm cắt ra vì ngón tay đã phù lên! Ôi! Có thể đây là chiếc nhẫn đính hôn của một anh lính trẻ mang theo tình yêu nồng cháy của người vợ hiền đang chờ ngày sum họp, cũng có thể là chiếc nhẫn gói ghém tình nghĩa vợ chồng mà họ không muốn rời xa ngay cả khi một mình cô đơn trong lạnh lẽo!
Ở cái tuổi rất đẹp của cuộc đời với bao hoài bão và ước mơ, tất cả bị tan biến trong tôi bởi những cảnh tượng này. Tôi thấy cuộc đời như bọt nước và mang nỗi ám ảnh khôn nguôi! Rồi tôi vẫn phải quay lại cuộc sống đời thường với những vết thương lòng sau đó. Nhưng tôi phải bước cho dẫu đó là những bước chân nặng nề lê thê…
Vài tháng sau tôi trở lại trường học. Bài học đầu tiên chúng tôi được dạy: “Lao động là vinh quang”. Và nơi đầu tiên chúng tôi đến để thực hành lý thuyết ấy là Qui Hoà, một vùng đất khô cằn sỏi đá nằm bên triền núi, tôi nhớ loáng thoáng như vậy! Chúng tôi biết cuốc đất…, biết nghe và chịu đựng “phê bình rồi tự phê bình”, vì khi có ai đó đố kỵ cá nhân thì đây là cơ hội họ tưới tẩm chất độc vào đối thủ! Bài học thật hay bởi sau này tôi thấy nó dọc theo suốt chiều dài cuộc sống ở khắp mọi lúc mọi nơi!
Bên ngoài mặt trời rớt sớm. Cái lạnh đầu thu tràn về. Tôi lặng lẽ bên chiều hồi tưởng về quá khứ, về những ngày của tháng Ba mà nghe lòng trĩu nặng. Cũng tháng Ba năm trước tôi chuẩn bị về lại quê hương thăm mộ ba tôi, nhưng bắt đầu mùa dịch. Cho đến năm nay, lại một tháng ba buồn khi thế giới vẫn chưa yên bình vì còn quá nhiều người ra đi như một tháng Ba của năm nào xa lắc: “Tháng Ba và đoàn người di tản”.
Tuyết Lê
Melbourne, Tháng 3/2021