Những ngày của tháng 03/75 khởi đầu là cuộc triệt thoái theo liên tỉnh lộ 7 của quân đội từ Pleiku xuống Tuy Hoà đầy máu và nước mắt. Nhìn đoàn người dân chạy giặc từ ngoài Trung vô trên quốc lộ 1 ngang thị trấn Bình Định nơi tôi đang đứng, tôi biết rằng Bình Định đang trong cơn hấp hối
Sáu năm sau đó cũng vào tháng 03/81 có một chiếc xe đò hiệu Khánh Hoà với thùng than to tổ bố đèo theo phía sau rùng rùng ngừng lại tại ngã ba cải lộ tuyến Ninh Hoà nơi quốc lộ 1 kéo dài từ Nam ra Bắc (trong hình). Chiếc xe thả xuống lòng đường một tên ốm nhách nặng chưa tới 42 ký . Tên này áo quần bèo nhèo nhăn nhúm với bọc đồ được gói trong một miếng ni lông ôm trong bụng. Tên đó là tôi sau sáu năm ở tù từ Trại A30 vừa được thả ra.
Nơi này có một tấm bảng chỉ đường . Mũi tên phía phải chỉ hướng Tuy Hoà. Mũi tên còn lại chỉ hướng Ban Mê Thuột. Đó cũng là con đường đi vào phố chợ Ninh Hoà nơi có nhà tôi ở, cũng là nơi tôi được sinh ra và lớn lên . Khuất sau chòm cây bên phải của tấm hình là Hòn Sầm có mộ má tôi nằm yên giấc. Lội theo con đường phía bên trái tôi đi bộ về nhà.
Đi ngang qua Trường Trần Bình Trọng nơi tôi theo học thời niên thiếu , nhìn lại cảnh cũ âm thầm nuốt lệ . Tôi vào tù năm 25 tuổi và được thả ra năm 31 tuổi. Cái giá sáu năm không nhiều lắm nhưng cũng đủ chuyển tôi từ một thanh niên phơi phới tuổi thanh xuân biến thành một gã đàn ông lếch thếch giống như đang mắc bệnh nghiện xì ke .
Hàng cây khuynh diệp trước cổng tự tay chúng tôi trồng kỷ niệm khi cây còn bé tí đo chưa tới hai gang tay nay đã cao lớn và cũng sắp già . Hàng cây này chúng tôi trồng vào năm 1967 là năm tôi học lớp đệ nhị ( lớp 11 bây giờ ) Nơi này cũng là nơi tôi và các bạn cùng lớp quây quần bên nhau từ giã tuổi niên thiếu trước khi bước chân vào cuộc chiến . Đang vào mùa đông trốn trong nách phía trên cao của dãy khuynh diệp là những vệt nắng chiều thả màu vàng yếu ớt lên những chiếc lá èo ọt.
Ngang trường cũ tôi đứng lại với bộ đồ tù vá đùm đụp nhiều chỗ. Tôi lặng lẽ buồn. Tại nơi này mới hôm nào tôi còn là một cậu học trò đồng phục quần xanh áo trắng giờ là người tù đang bước vào tuổi trung niên. Cũng chỉ là một người nhưng tôi có cảm tưởng bị tách làm hai. Tôi nhớ bạn bè cùng lớp, những đứa con trai bị dòng chiến tranh cuốn hút tản lạc muôn phương. Những đứa tử trận, những đứa còn sống đang vất vưởng tại một nơi nào của một trại khổ sai nào đó. Những người con gái sợ lỡ xuân thì cũng vội vã lấy chồng là lính giờ cũng đang mòn mõi đợi.
Tôi lủi thủi đi vào con phố với biết bao nỗi ngậm ngùi. Không ai nhận ra tôi đang trên con đường. Sau khi miền Nam bị đoạt mạng tất cả đều tan nát
NGẬM NGÙI
Chiếc xe đò rùng mình nín thở
Quẳng xuống đường một nhúm xương khô
Gã lính ngụy lưu đày ngơ ngác
Chưa dám tin mình đã trở về
Gã băng qua mùa đông vào phố
Nắng loe hoe đọng ngã ba đường
Chiều ngủ vùi trên manh áo vá
Có con chim cất tiếng chào buồn
Dãy bạc hà hiên trường thuở nhỏ
gió thều thào lúc gã đi qua
Vàng thiêm thiếp thẫn thờ lá đợi
Chút mong manh xuân ấm chợt về
Chiếc cầu nơi tuổi thơ đánh rớt
Đám lục bình khóc ướt dòng sông
Gã lục lọi tìm trong ký ức
Bạn bè xưa ai mất ai còn
Cây trụ điện đứng nơi góc chợ
Gánh cặp loa ruột thắt gan bầm
Hát ra rả ngàn lời mị ngữ
Còn riêng mình mòn mỏi tháng năm
Gã tha thẩn mò vào xóm cũ
Người quen xưa tản lạc muôn phương
Trời lồng lộng cao không vói tới
Giẫm cuộc đời nát vụn dưới chân
Con chó già ngồi chơi trước cửa
Ngửi hơi xưa lúc lắt đuôi chào
Chiếc áo mặc tróc bươm từng mảng
Con ruồi bay quanh mũi lao đao
Tên công an trông coi khu vực
Biết gã về mang súng tới hăm
Con chó nản nhắm nghiền mắt đói
Chuyện thường ngày lâu thét thành quen
Quan Dương