Sau khi đăng hết loạt hồi ký “ Trận Pleime năm 1974” của tác giả Vương Mộng Long, người chỉ huy trận đánh 33 ngày đêm khốc liệt ấy, Trẻ nhận được bài viết ngắn “Tháng Ba Năm Xưa” của ông với lời ghi “coi như là lời tiễn biệt một huynh trưởng của Biệt Động Quân vừa qua đời, Tướng Phạm Duy Tất”.Trận Pleime 1974 là một chiến công lẫm liệt nhất của Tiểu Đoàn 82 BĐQ cũng như của Thiếu tá Vương Mộng Long, nhưng ông không được thăng cấp. Sau này Chuẩn tướng Phạm Duy Tất đã có những hối hận, ray rứt được ghi lại trong tác phẩm “Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất và Cuộc Triệt Thoái Quân Đoàn II “.“Trận Pleime 1974 là một trận lớn, một chiến công xuất sắc của Thiếu Tá Vương Mộng Long và Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân Biên Phòng, Thiếu Tá Long xứng đáng được thăng cấp đặc cách Trung Tá. Nhưng tôi đã làm lỡ mất cơ hội này. Tới bây giờ tôi cố gắng nghĩ tại sao có trường hợp xảy ra như thế mà vẫn không thể nhớ. Tôi rất quý mến Long, vẫn coi Long như người em của mình, nói theo giọng lính hồi xưa thì Thiếu Tá Vương Mộng Long là “con gà” của tôi.
Vậy mà tôi đã không làm tròn bổn phận của đàn anh, đây là một trong vài chuyện khiến tôi ân hận nhất trong suốt cuộc đời làm lính của mình.”(Trích Đỗ Sơn). Trẻ.Tháng 3 năm 1975 dưới quyền tôi có Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân và một nửa Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân trấn giữ vùng biên giới Việt Miên, hướng Tây của tỉnh Quảng- Ðức.Thời gian này Tướng Phạm Văn Phú đã thay Tướng Nguyễn Văn Toàn, và Ðại Tá Phạm Duy Tất Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 đã trở thành Tư Lệnh Mặt Trận Kontum.Khi biết tin địch sẽ tấn công Ban Mê Thuột, vợ con tôi, cha mẹ, anh em tôi, gia đình binh sĩ dưới quyền tôi, đã không di tản khỏi nơi này, chỉ vì chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sức mạnh của những người bảo vệ thành phố.Nửa tháng trước ngày Cộng Quân tấn công Ban Mê Thuột, tôi đã đi bằng xe, từ Kiến-Ðức, Quảng Ðức, lên Kontum, vượt hàng trăm cây số đường bộ, để gặp mặt, và nài nỉ Ðại Tá Phạm Duy Tất cho phép Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân về trấn giữ thị xã đó, nhưng Ðại Tá Tất đã từ chối.Tới ngày đầu chiến trận Ban Mê Thuột xảy ra, trên máy truyền tin, tôi cũng hết lời cầu khẩn vị Tư Lệnh của tôi ban ơn cho chúng tôi được trở về góp sức với quân bạn, tôi lại bị từ chối.Ban Mê Thuột thất thủ nhanh quá!Quân Ðoàn II cũng tan rã nhanh quá!Năm liên đoàn Biệt Ðộng Quân của Vùng 2 thì bốn liên đoàn bị xóa tên.Riêng Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân do tôi chỉ huy đã về tới Phan-Thiết an toàn.Rồi Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đã góp công không nhỏ trong trận Long – Khánh, cản bước tiến của Cộng Quân đang tiến như nước vỡ bờ, để Thủ Ðô có thời gian chuẩn bị di tản.Sau trận Long- Khánh, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân rút về Long- Bình, Biên – Hòa sẵn sàng cho trận đánh cuối cùng.Những ngày cuối tháng Tư năm 1975, Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất hết bị phạt quản thúc.Ông lên Long-Bình, chọn vị trí tạm trú quân của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân làm nơi cho ông căng võng qua đêm.Những ngày đó, tôi lại được nghe Tư Lệnh tâm sự, như thời 1973, khi Tư Lệnh còn lao đao, khổ nhục dưới quyền Tướng Toàn. Ngày đó Tư Lệnh đã đối xử với tôi như đối với một người em, một người bạn, và một người tri kỷ, để ông tâm sự và chia sẻ những khó khăn của công vụ, và cuộc đời.Tháng Ba 1975 vợ con tôi, gia đình thuộc cấp của tôi đã rơi vào tay giặc, mãi tới cuối tháng Tư 1975, Tư Lệnh mới nhớ tới tôi thì đã quá muộn màng!Tháng Tư 1975, Tư Lệnh đã mất hết binh quyền rồi, đã quá trễ cho chúng ta làm được những điều cần làm cho gia đình và cho quê hương!Trưa 25 tháng Tư năm 1975 Trung Tá Bùi Văn Sâm đã mời tôi và Chuẩn Tướng Tất ăn cơm thân mật trên một quán nổi bên bờ sông Biên- Hòa.Bữa cơm này là bữa cơm sau cùng trong quán hàng, chúng tôi còn đeo lon đội mão.Hôm đó, tôi đã nói với Chuẩn Tướng Tất rằng,“Suốt đời lính, tôi chỉ có một điều ân hận là tháng 3 vừa qua Tư Lệnh đã không cho phép tôi và Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân về Ban Mê Thuột để cùng gia đình thân thuộc sống chết có nhau.
Ngày mai tôi sẽ vào vùng. Bắt tay nhau lần này có thể là vĩnh biệt. Nếu Tư Lệnh có đi Mỹ được thì đi đi!”Hôm đó Tướng Tất rầu rầu,
“ Các anh còn chiến đấu, thì mặt mũi nào tôi có thể ra đi? Mà qua Mỹ để làm gì? Gặp những người ngày xưa một điều kêu mình ‘Sir, Sir…’ hai điều kêu mình ‘Sir, Sir…’ Mình mắc cỡ lắm…”Ba ngày sau, tôi đem quân vào vùng. Chỉ có một phần mười quân số của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân còn sống sót sau lần hành quân sau cùng đó.Từ khi ra khỏi trại tù cải tạo (1988) tôi đã cố tìm cách liên lạc lại những thuộc cấp của đơn vị cũ.Số người tôi kiếm được, đếm chưa đầy trên mười đầu ngón tay.
VML K20