Những năm đất nước đang ở thời kỳ bao cấp, đi đâu cũng nghe bài tuyệt tình thi mang tựa đề “10 yêu”. Theo các nhà lý luận văn học, xét về nghệ thuật thì nó chả ra gì, nhưng về nội dung thì phản ánh cực kỳ sinh động bức tranh đời sống quần chúng lúc bấy giờ. Nói như mấy anh ngộ chữ là “mang đầy hơi thở đương đại”. Của đại thi sỹ nào thì quần chúng chịu.
“Một yêu anh có may ô
Hai yêu anh có cá khô ăn dần
Ba yêu rửa mặt bằng khăn
Bốn yêu có thuốc đánh răng hàng ngày…”
Còn mấy thứ yêu đằng sau nữa, nhưng quanh quẩn cũng chỉ thể hiện niềm khát khao mãnh liệt vào các nhu yếu phẩm như nước mắm, xà phòng, quần đùi, gạo và xe đạp.
Nhưng (lại nhưng, tôi ghét thằng nào nói một hồi rồi làm chữ nhưng lắm) nếu có một anh nào hội tủ đủ cả 10 thứ đáng yêu như trong bài thơ kia thì vẫn xách dép cho một hiện tượng mới nổi, đó là các anh đi Tây, khi đó ta thống nhất gọi bằng mỹ từ “đi hợp tác lao động” cho đỡ mang tiếng culi làm thuê.
Làng tôi khi đó có mấy anh, anh thì đi Liên Xô, anh đi Đức, anh đi Tiệp, thậm chí có anh đi tận Bungari, Hungari… toàn địa danh đọc sang mồm nhưng chả biết nó nằm đâu trên bản đồ, chỉ biết hình như anh em ta cả. Các anh đi rồi các anh về. Khi đi chỉ có mỗi răng và củ cải, lúc về anh nào cũng to béo hẳn. Ngoài to béo, các anh còn mang về những thùng hàng bằng gỗ thông thơm thơm, bên trong thì chao ôi những siêu phẩm: bàn là, máy khâu, quạt tai voi, nồi áp suất và súng hơi.
Nhìn mấy món hàng hót của các anh, mấy thằng chân đất mắt toét bĩu môi đầy gato, mịa cái loại “đầu đội áp suất, chân đi bàn là, trông xa cứ tưởng là ma, lại gần mới biết đi Nga mới về”, để tao chống mắt xem chúng mày sướng được đến bao giờ?
Thời đó đỉnh nhất là có người nhà đi Đức, tức cộng hào dân chủ Đức, có câu “Thứ nhất đi Đức, thứ nhì đi Nga, thứ ba bóc lạc”. Anh nào không đi tây được thì ở nhà làm nghề bóc lạc nhân đem bán lại cũng rất ấm. Nhưng so với mấy anh hợp tác lao động thì đám bóc lạc chỉ là loại cần cù bù thông minh, tương lai giỏi lắm sắm được con xe đạp Pơ giô hết vị! Mà Pơ giô hay Pha vơ rít thì cũng chỉ là xe đạp chạy bằng cơm. Các anh đi Tây ở một đẳng khác, xe bình bịch, nổ cái khói xanh lè thơm phức – giai quê đú được không?
Hàng xóm tôi có anh tên Phùng. Năm ấy đi Đức về anh mang theo con Simson màu xanh lá cây. Xe này, rít hơi ba số anh bảo của Đức sản xuất, 49,8 phân khối, động cơ 2 thì, 3,6 mã lực tại vòng tua máy 5.500 vòng/p, momen xoắn cực đại… đại khái tốc độ vít phát lên 60 cây/ giờ dễ như húp cháo nóng đéo nói nhiều. Đổ xăng pha nhớt xong, anh ngậm điếu thuốc, hất hàm bảo trẻ con bọn mày tránh ra, rồi bóp côn, vào số cái cạch, tiếng pô èn èn đầy kiêu hãnh lướt đi trong tiếng chửi râm ran của con nít “Địt mẹ, gớm thật!” Có đứa còn chạy theo suốt gần cây số để ngửi khói. Lúc về mệt quá bỏ cả cơm luôn!
Anh Phùng gần 3 xịch. Chiều chiều anh khoác quả súng hơi 9 cân, cưỡi trên con Simson động cơ 2 thì, 3,6 mã lực tại vòng tua 5.500 vòng/p èn èn trên đường làng, trông anh chả khác đéo gì Đi a nốp và Bôm bốp trong phim Trên từng cây số hay chiếu lúc bấy giờ. Khỏi phải nói, ngay đến các hotgirl công tác ở cửa hàng mậu dịch cũng ưng ra mặt. Thời đó ruộng sâu trâu nái không bằng gái thương nghiệp, nên các em mậu dịch rất cành cao. Các thể loại kỹ sư, phó tiến sỹ hoặc viên chức nuôi lợn gậm giường, trồng rau sân thượng, hay bọc khăn mùi soa sau cổ áo chống đen… các chị không tính tiền. Hình mẫu lý tưởng của mấy chị một là Nguyễn Thành Luân trong phim gì mà cái bàn lật ngửa, hai là các anh đi Tây về.
Năm đó anh Phùng thích một chị mậu dịch viên tên Na nhà xóm bên. 7 giờ tối, kẹp gói 3 số vào túi quần loe, anh đạp mấy phát con Simson động cơ 2 thì chạy xăng pha nhớt rồi èn èn đến nhà bạn gái. Mình còn nhỏ hay được anh cho ngồi hẳn lên bình xăng tê hết cả đít nhưng rất ưng.
Vào sân, để xe nổ một lúc, anh Phùng bảo “Cho nó khí thế”. Mấy thằng em chị Na nghe tiếng pô èn èn từ xa là nháo nhác “Anh Sơn đến, anh Sơn đến rồi!” Để lấy lòng mấy đứa em, anh Phùng dựng hẳn chân chống giữa vê côn pằng pằng. Bố chị Na đang rót nước trong nhà, nghe tiếng pô cảm động quá rót nước chè tràn ra cả bàn. Mẹ chị Na đưa tay vợt vợt làn khói xả ra từ pô hít lấy hít để khen thơm như xà phòng Camay. Một bầu không khí vô cùng tê tái và sững sờ. Chị Na đang rửa bát, nghe tiếng động cơ 2 thì, 49,8 phân khối ngân lên, trong lòng rộn rã như có con chim chiền chiện hót vang trong lồng ngực. Tiếng èn èn xe Simsom của anh Phùng có giá trị gấp 26 lần so với mấy lời nỉ non sến sẩm kiểu cải lương của các anh giáo làng.
Anh Phùng tắt máy, vào nhà ném bao 3 số lên bàn, động tác vô cùng phiêu lãng. Thời đó đỉnh nhất là 3 số, có câu “Sapa đứng xa mà nói. Sông Cầu còn lâu mới ký”. Bố chị Na được mời rút 1 điếu hút cho thơm râu, xúc động quá hỏi “Bựa ni có đi bắn chim về không Sơn?” mặc dù anh tên Phùng.
Trong mắt hàng xóm, anh Phùng cũng như các anh đi tây về có kiểu sinh hoạt rất ngứa mắt, đó là “Ở tây thì sống như ta. Đến khi về nhà lại sống như tây”. Anh Phùng thơm lắm, nghe bảo tắm bằng xà phòng Camay. Camay khi đó xếp hạng sang, anh bảo ai lấy anh sướng phải biết, vì có “Lux rửa tay, Camay rửa bướm”, ăn rồi cưỡi Simson vè vè. Vì ngứa mắt nên mỗi lần xe anh dở chứng hỏng giữa đường phải đẩy bộ thì lập tức thanh niên sẽ xui trẻ con vỗ tay to vào cho anh bẽ mặt chơi.
Mà dòng Simson 2 thì nên rất hay bẩn và hỏng bugi, cứ dăm bữa lại thấy anh cong đít dắt bộ vào hiệu sửa xe. Thợ chủ yếu sửa xe đạp, thấy anh Phùng đến hay bảo “À thứ nhất là hỏng bugi, thứ nhì là hỏng cái gì bên trong”. Thường thì mở bugi ra gõ gõ, chùi chùi vài phát là lại nổ ngon. Xe nổ, anh vê côn to gấp 3 lần cho xả hết nỗi ức chế lúc cong đít dắt bộ.
Cùng đi tây như anh Phùng còn có mấy anh đi Liên Xô, Tiệp Khắc nhưng có vẻ độ hoành không bằng. Đi Liên Xô khi đấy hay đánh hàng ngược bên nước sang vì nghe bảo bên ấy chuộng hàng Việt. Có anh đi Liên Xô, bố ở nhà biên thư rất cảm động, dặn dò chân tình các kiểu:
“Cần gì ghi thật rõ ra:
Đồng hồ áo chấm hay là áo phông?
Áo thêu ở ngực con công,
Hay là xi-líp có bông hồng cài?
Áo da đểu, xuyến đeo tai,
Nữ hoàng lộng lẫy con xài tiếp không?
Bên ấy gái Cộng khá đông,
Theo cha nên đánh cả vòng tránh thai.
Năm tháng thoi đưa, mọi thứ thay đổi chóng mặt. Bắt đầu cuối những năm 80, với sự du nhập ồn ào của dòng xe bãi Nhật, đặc biệt là Cub 78, 79 và Cub 81 kim vàng giọt lệ, Simson của anh Phùng chuyển sang làm xe ôm, thồ hàng hoặc chở lợn ra chợ. Các anh đi tây có anh hết vốn chuyển sang cờ bạc bịp, thầu xây dựng thậm chí ngồi bóc lạc nhân.
Than ôi thời oanh liệt nay còn đâu!