Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-10-26
2015-10-26
Những gương mặt thái tử đảng đang từng bước nắm quyền điều hành đất nước
Photo: truongduynhat.org
Sau đây là phần thời gian dành cho Tạp chí điểm blog do Kính Hòa thực hiện, tập hợp những bình luận của các blogger trên trang cá nhân, trên các trang mạng xã hội,… xung quanh những sự kiện lớn của đất nước. Phần trích lời trực tiếp của các blogger được thực hiện qua giọng đọc của các anh chị em ban Việt ngữ đài Á châu tự do.
Cuộc đua của các gia tộc
Trong lịch sử chính trị hiện đại Việt Nam, chưa có gia đình nào có được sự thành công như vậy.
Đó là lời bình luận của tác giả Cát Hiệp trên trang blog Bình Luận Án về gia đình của đương kim Thủ tướng Việt nam Nguyễn Tấn Dũng. Tác giả viết tiếp:
Gia đình đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có được chiến thắng vang dội trong vòng bầu cử cấp tỉnh ở các Đại hội đảng bộ. Với kết quả này, gia đình thủ tướng đã đi vào lịch sử chính trị Việt Nam (trong thời kỳ Việt Nam xây dựng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam) như là một gia đình thành công và có tầm ảnh hưởng mạnh nhất từ trước tới nay. Thậm chí nhiều người tin rằng gia đình này sẽ còn thành công hơn nữa trong năm 2016 – khi Đại hội đảng lần thứ 12 của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra.
Người chủ trang blog Bình Luận Án là Luật sư Trần Hồng Phong viết lời đề tựa cho bài viết này rằng Bài viết này hoàn toàn không có mục đích, lại càng không có hàm ý khen, nịnh gì gia đình ông thủ tướng cả. Mà chỉ nêu lên một hiện tượng có thật và bất thường, và muốn lưu ý tới lương tâm và trách nhiệm của những người đã bỏ phiếu bầu cho các con của thủ tướng.
Đó là chuyện có thật vì trong thời gian chưa đầy một tháng qua hai người con trai của Thủ tướng Dũng còn rất trẻ đã thăng tiến đến những vị trí quan trọng đứng đầu hai tỉnh Bình Định và Kiên Giang, chưa kể là đã từ lâu người con gái của Thủ tướng đã hoạt động kinh doanh ngân hàng rất thành công.
Gia đình Thủ tướng là thành công nhất nhưng không phải là duy nhất.
Chỉ trong vòng vài ngày người ta thấy con cái của các vị cán bộ cao cấp của Quảng Nam, Đà Nẵng, Cần Thơ,… nắm lấy những chức vụ quan trọng tại địa phương của họ.
Blogger Người Buôn gió nhận định rằng việc thăng tiến của những nhân vật trẻ tuổi thuộc các gia tộc cộng sản có quyền lực này nằm trong cuộc đua ráo riết về nhân sự trước đại hội 12 của đảng cộng sản, dù rằng những vị trí lãnh đạo hàng đầu vẫn chưa ngã ngũ.
Bực dọc, Chỉ trích, Dè bỉu
Nếu như blogger Cát Hiệp chỉ lưu ý đến trách nhiệm của những người đã bầu cho các con của Thủ tướng thì đại đa số các blogger tỏ vẻ không hài lòng trước sự thăng tiến của các nhân vật trẻ tuổi có thế lực gia đình đó. Và danh từ Thái tử đảng vốn xuất hiện đã lâu để chỉ những người này xuất hiện liên tục trên không gian blog tiếng Việt.
Nhà báo Trương Duy Nhất viết trên trang Một góc nhìn khác rằng Chưa giai thời nào đội ngũ con quan- quan con được mệnh danh là lớp “Thái tử đảng” lại xuất hiện nhiều đến thế, chướng tai gai mắt đến thế.
Ông viết tiếp:
Lớp trẻ này, cùng với dàn con ông cháu cha đã được bố trí cơ cấu xong từ nhiệm kỳ trước, tạo nên một đội ngũ “Thái tử đảng” hùng hậu và ken chặt trong hầu khắp các bộ máy từ Ban chấp hành trung ương đảng đến cấp Bộ ngành và Bí thư, Chủ tịch, giám đốc sở ban ngành địa phương.
Những đứa trẻ ranh mới hôm rồi chỉ biết vọc tiền, thoắt cái khoác áo vét cà vạt chễm trệ trên đỉnh cao quyền lực cai trị, hoạch định chính sách kinh tài quốc gia. Đất nước này, tổ quốc này, non sông này đâu phải cái chiếu giỗ để phân chia mâm bát cho vài gia đình dòng tộc.
– Nhà báo Trương Duy Nhất
Những đứa trẻ ranh mới hôm rồi chỉ biết vọc tiền, thoắt cái khoác áo vét cà vạt chễm trệ trên đỉnh cao quyền lực cai trị, hoạch định chính sách kinh tài quốc gia.
Đất nước này, tổ quốc này, non sông này đâu phải cái chiếu giỗ để phân chia mâm bát cho vài gia đình dòng tộc.
Tham gia bình luận đợt bổ nhiệm này còn có các trang báo chính thống của đảng mặc dù ở chừng mực nhẹ nhàng hơn khi đặt câu hỏi về kinh nghiệm của những người trẻ tuổi liệu có tương xứng với chức trách mà họ đảm nhận hay không.
Blogger Kinh Thư viết rằng Vấn đề là già hay trẻ đó có đại diện được cho đại đa số người dân hay không? dân có chọn họ hay không?
Còn Giáo sư Trần Hữu Dũng khi đọc bài báo Những gương mặt lãnh đạo trẻ trên báo điện tử VNExpress bình luận rằng 6 người mà đã có hai người là con ông Nguyễn Tấn Dũng, thật không biết xấu hổ!
Cũng có những người có lý lịch tốt nhưng bị thất bại trong cuộc chạy đua ráo riết đang diễn ra. Blogger Tư Núi Cấm viết bài Chuyện xảy ra ở đảng bộ thành phố Hồ chí Minh, thuật lại diễn biến vừa qua ở thành phố này khi người thân của người đứng đầu đảng tại đây là ông Lê Thanh Hải không thành công. Tư Núi Cấm dẫn lời nhà báo Huy Đức cho rằng sở dĩ người nhà của ông Lê Thanh Hải thất bại, cũng giống như trước đây ông Nguyễn Thanh Nghị, con của Thủ tướng Dũng không thăng tiến được trong thành phố này, bởi lý do là tại thành phố này còn có nhiều người biết xấu hổ.
Chuyện lý lịch cũng được blogger Viết từ Sài gòn nêu ra trong một bài viết trào phúng mang tên Thịt chó, lý lịch, và Thái tử đảng. Blogger này so sánh chuyện lý lịch với chuyện phân chia mâm bát trong một bữa tiệc thịt chó truyền thống nơi làng xã Việt nam, từ đó cho thấy rằng cũng giống như trong một mâm thịt chó, những người có vai vế gia đình, có lý lịch tốt, những người được gọi là thái tử đảng sẽ được thăng tiến, ngồi ở mâm trên, dù rằng Viết từ Sài gòn cho rằng tới giờ phút này thì tầng lớp thái tử đảng ở Việt nam chưa làm được điều gì nên hồn cả!
Sự thăng tiến của tầng lớp Thái tử đảng được blogger Đinh Tấn Lực cho là lạm phát như thế nước đang lên. Ông cho rằng cũng còn những người kém may mắn hơn mặc dù cũng thuộc các gia tộc cộng sản, mà ông gọi là nhữngthái tử đảng hạng hai.
Buồn bã và lo lắng
Người cựu tù chính trị, luật sư Lê Công Định giở lại lịch sử Việt nam và thấy rằng nước Việt ở thế kỷ 21 lại có phần giống với thể chế Thái thượng hoàng của triều đại nhà Trần cách đây gần 700 năm. Vào thời đấy các vị vua đưa các thái tử trẻ tuổi ra trị vì, trong khi mình vẫn còn nắm quyền lực. Ông nhận xét:
Đất nước ta trên thực tế đang rẽ vào giai đoạn phân hoá nghiêm trọng giữa giới quý tộc cai trị với nhiều đẳng cấp cao thấp và những người dân đen bị trị vô sản. Tầng lớp trung gian, tuy không rơi vào cảnh nghèo hèn phải bán sức lao động, nhưng cũng chẳng có cơ hội trực tiếp giành quyền lực chính trị, đó là giới doanh nhân ngày nay.
Trong xã hội đang bị phân hóa nghiêm trọng đó blogger Người Buôn gió nhận thấy rằng đảng cộng sản vẫn còn rất tự tin:
Cho dù thế nào, qua cách bổ nhiệm con cái giữ chức vụ quan trọng khi tuổi còn trẻ, sẽ thấy ĐCSVN rất tự tin rằng sự cái trị của ĐCSVN còn tồn tại đến hàng chục năm nữa. Thực tế thì niềm tin của ĐCSVN không phải là thiếu cơ sở thực tiễn. ĐCSVN đang nắm giữ quyền lực, có các mối quan hệ quốc tế, nên họ có cơ sở để đánh giá được điều đó.
Cũng tin rằng những người cộng sản hiện nay dù đang tranh giành thế lực với nhau, nhưng sẽ cố gắng duy trì đảng cộng sản, không như ý kiến một người bất đồng chính kiến mới đây cho rằng Thủ tướng Dũng sẽ giải tán đảng cộng sản, nhà báo Huy Đức viết rằng có ai chặt cái cây mà hai thằng con mình đang hăm hở leo lên hay không.
Ý ông muốn nói đến hai nhân vật trẻ tuổi con trai Thủ tướng là Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết.
Có một điều mà nhiều người Việt nam, kể cả một số người trong giới bất đồng chính kiến hy vọng là tầng lớp thái tử đảng vốn được học hành ở phương Tây sẽ khá hơn cha ông họ, sẽ cải cách đất nước.
Đất nước ta trên thực tế đang rẽ vào giai đoạn phân hoá nghiêm trọng giữa giới quý tộc cai trị với nhiều đẳng cấp cao thấp và những người dân đen bị trị vô sản.
– Luật sư Lê Công Định
Blogger nhà báo Đoan Trang phân tích nguồn gốc của những du học sinh Việt nam hiện nay tại phương Tây, cô thấy rằng con cái những người cộng sản có thể đi du học bằng tiền của cha mẹ họ, có thể bằng ngân sách quốc gia, họ có thể ở lại phương Tây hay về nước,
Nhưng dù theo cách nào, ở lại hay về Việt Nam, họ cũng không thể đi ngược lại gia đình được. Họ không thể từ bỏ truyền thống của gia đình, không thể phản bội lợi ích của gia đình – cái lợi ích gắn rất chặt với sự cầm quyền của đảng CS. Ít nhất, họ phải làm sao để “quật lại vốn”, nghĩa là lấy lại được số vốn đầu tư hàng trăm ngàn đôla mà gia đình đã bỏ ra cho họ.
Và bạn nghĩ các thái tử công chúa đỏ, các cậu ấm cô chiêu đỏ sẽ dân chủ hóa đất nước, sẽ “diệt cộng sản bố”, sẽ thay đổi Việt Nam theo hướng dân chủ-tự do, sau khi các cô cậu ấy du học?
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nói rằng ông cũng mơ như thế, và đó là một giấc mơ ngắn ngủi:
Tôi đã thấy hạt giống đỏ nở bừng trên hoang tàn của đất nước
Tôi thấy các Kim Jong Un leo trèo lổn ngổn khắp nơi trên quê hương tôi.
Tôi tắt đi giấc mơ
Và chợt thấy hoang tàn nước tôi bên dưới những hạt giống đỏ đang sản sinh ra theo cấp số nhân.
Tôi tắt đi giấc mơ
Và chợt thấy hoang tàn nước tôi bên dưới những hạt giống đỏ đang sản sinh ra theo cấp số nhân.
Nếu ông Huỳnh Ngọc Chênh so sánh tầng lớp thái tử đảng Việt nam với Kim Jong Un người thừa kế đời thứ ba đứng đầu nước cộng sản Bắc Hàn, thì blogger Hiệu Minh nêu lên nhiều trường hợp con cháu các nhà độc tài khác nhau trên thế giới, mà việc duy trì quyền lực của gia đình để thống trị đất nước đã kết thúc trong điêu tàn.
Blogger Người Buôn Gió cũng cảnh báo:
Nếu không có bầu cử lành mạnh, cứ cha truyền con nối như vậy, dân tộc Việt Nam và đất nước Việt Nam chỉ phát triển một cách ì ạch, tiến một bước và lùi ba bước. Hãy nhìn những tiến bộ bây giờ bên ngoài hào nhoáng, nhưng bên trong là một đất nước nợ nần đầm đìa, tài nguyên cạn sạch, con người băng hoại đạo đức. Một sự phát triển theo cách tự ăn thịt mình. Sự bổ nhiệm quyền lực cho con cái của mình của các quan chức đảng CSVN hiện nay lại dẫn đến mối lo lắng hơn.
Đó là những lãnh đạo trẻ này sẽ vay ở đâu bao nhiêu tiền, bán những gì trên đất nước này để duy trì cái gọi là phát triển theo kiểu tự ăn thịt mình mà cha chú họ đang làm hiện nay.
Một bạn trẻ nói với chúng tôi cái đáng phải nên làm thay vì duy trì sự kế thừa theo kiểu thái tử đảng của Việt nam hiện nay:
Một quốc gia tiến bộ là phải tạo ra một cái cơ chế, tức là cơ hội được trao cho mọi người dân. Thì đó mới là nền tảng của một xã hội tốt đẹp. Tức là quan trọng anh không phải là con của ai, mà là anh có năng lực và trình độ hơn người khác.
Đó là cách tuyển chọn người tài cho quốc gia mà nhà khoa học Tô Văn Trường mong mỏi trong bài viết của ông trên trang Bauxite Việt nam với một câu hỏi lớn là Chọn người tài cho đảng hay cho đất nước?