TẢN MẠN VỀ MỘT TRUYỆN NÔM MỚI THẤY NGUYÊN BẢN Ở PARIS (Gs Nguyễn Văn Sâm)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Mình đi Pháp một tháng mà thời gian ngọa du cũng hơn mười ngày, đó là chưa kể thời gian nghĩ về những quyển sách vừa được thủ đắc từ người quen văn nghệ hay ở một kệ tủ lâu đời của tiệm bán sách cũ.

    • Nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến tặng bộ sách dầy cộm công phu của nhóm Nghiên Cứu về Đệ Tứ CS: Đời Mình: Lép Trốtski, in năm 1999 tại Hungary, mình từng nghe nhắc tới nhưng chưa bao giờ được thấy. Người dịch là nhà cách mạng lão thành Hoàng Khoa Khôi nay đã quá vãng. Quyển sách khá ích lợi để hiểu về một vấn đề trọng đại của thế giới cả thế kỷ nay. Tương đối khó đọc.
    • Ông bán sách Việt độc nhất ở Paris bán giá văn nghệ cuốn Sức Sống Đang Lên của nhóm SVVN ở Pháp chịu ảnh hưởng đỏ, xuất bản năm 1955 ở thủ đô nước nầy, kỷ niệm về người đã chia cắt đất nước, có truyện của anh Phác Văn nào đó viết tưởng tượng về hành vi của Phan Đình Giót người Quân Đội Nhân Dân Anh Dũng lấy mình lấp lỗ châu mai – rồi thiên hạ sau nầy cứ coi như là thiệt nói tới nói lui rồi còn đem ra quảng bá lung tung như một huyền thoại anh hùng để làm gương binh lính.
    • Cuốn Khúc Hát Gia Trung, tập thơ in ở bên Đức, édition Imn 1994 do Mai Vi Phúc chủ trương, tác giả là nhà văn Nguyễn Sĩ Tế, một trong những cây bút của nhóm Sáng Tạo, thầy mình năm 1957-1958. Tập thơ hoàn thành nhờ sức hồi niệm kinh khủng của tác giả khi lôi từ trong ký ức xa xăm những bài thơ ông làm và học thuộc trong những năm bị tù đày gọi là học tập sau đại nạn của nước. Có được cuốn nầy là do long hào sản của nhà thơ Trần Thanh Hiệp.
    • Lục Súc Tranh Công, bản 1944, dịch ra tiếng Pháp của Hoàng Hữu Xứng, đặc biệt có tranh vẽ quí giá của họa sĩ Mạnh Quỳnh xen kẽ ở nhiều trang…
  • Bộ Tâm Cảnh, bản dịch của Mặc Đỗ, nxb Nguyễn Đình Vượng, 1972, và nguyên văn bản tiếng Pháp, Climats của André Maurois. Mình gọi là bộ vì nhà văn Đặng Tiến lấy từ trên kệ sách 2 quyển để chung và có nhã ý tặng mình với chữ ký rất đặc biệt của ông. Cuốn Tâm Cảnh mình nhớ là đã mua hai lần trước 75, nhưng chưa có thời giờ đọc hết, bây giờ ở thủ đô của tác giả mình nhẩn nha đọc từng trang…

Và năm mười quyển khác nữa…

Nhưng đặc biệt phần hấp dẫn nhứt đối với mình là bản Nôm mỏng Phương Hoa Tân Truyện in năm Tự Đức Giáp Tuất (1874), Quảng Văn Đường tàng bản. Trên xe điện ngầm, mải mê đọc, xe chạy quá nơi cần đổi chuyến, sẵn dịp bèn xếp sách cẩn thận bỏ vào túi bên trong áo choàng, leo lên mặt đường dạo phố mùa Xuân. Có gặp bông hồng văn nghệ Đông Âu nào không thì trong bài nầy không nên nói.

Sẵn đây cũng nên nói rõ, bản Phương Hoa Tân Truyện mình được dịch giả Phạm Xuân Hy (Paris) tặng, ông đã sao lại từ Thư Viện Asiatique, trước khi thư viện nầy đóng cửa vĩnh viễn vì ít độc giả! Tiếc thay, không biết thư viện nầy còn bao nhiêu tài liệu về Việt Nam mà người Việt mình chưa biết, chưa kịp khai thác.

Sách mới gặp lần đầu, mừng như bắt được vàng, tối về đọc tới gần sáng. Thức giấc bình minh mà đầu vẫn còn sảng khoái, minh mẫn. Xin đưa một đường giới thiệu vài ba trang đầu. Dầu sách mờ nhiều chỗ và văn cũng như truyện thuộc truyền thống của truyện Nôm thế kỷ 19, chẳng có bao nhiêu điều mới hơn những tác phẩm đã được ca tụng bấy lâu nay nhưng là gia tài văn hóa ông bà mình ngày xưa để lại chưa ai thấy mặt nên cần được trình làng. Hai ba trang đầu là giới thiệu hai gia đình chánh của câu chuyện.

1b
Nay mừng vận mở hanh thông,
Bắc Nam hòa Thuận Tây Đông thái bình.
Đâu đâu hải yến hà thanh,
Muôn dân trăm họ thái bình âu ca
Tích xưa người ở Thanh Hoa,
Có hai hiền sĩ thực ra anh tài.
Tên là Trần Điện, Trương Đài,
Trẻ thơ đóng cửa dùi mài nghiệp Nho.
Vốn nhiều năm đấng học trò,
Kết làm bằng hữu nhỏ to tin dùng.
Mười năm ăn ở văn phòng,
Tuy riêng hai sách song chung một đèn.
Bảo nhau khuya sớm tập rèn,
Chuyên cần lập nghiệp mới nên kịp người.
Trường môn hơn chúng rõ mười
Bỗng nghe có chiếu vận trời mở khoa.
Thưa rằng đạo mẹ đức cha,
Nhủ nhau sắm sửa đi ra kinh thành.
Bèn vào nạp quyển đề danh,
Năm ngày kéo bảng xứ Thanh hai người.
Hà Trung hưởng Lộc họ Trương.
Chiếu trời ra huyện Lôi Dương họ Trần.

2a
(… chữ trùng nhau không đọc được.)
Đồn vang kẻ chợ nhà quê
Đến đâu tế lễ thần kỳ tổ tiên,
Vui vầy ca xướng yến diên,
Việc xong gia thất mới liền phó kinh.
Hôm mai phụ tá thánh minh,
Lợi dân ích quốc nổi danh các đường
Vua ban hưởng lộc họ Trương,
Thượng Thư Hộ Bộ giữ giàng việc dân.
Lại ban Ngự Sử họ Trần,
Vâng ra nẩy mực cầm cân thay quyền.
Trương công lấy được vợ hiền,
Sanh ra Cảnh Tỉnh, Cảnh Yên hai chàng.
Cả khôn luyện tập văn chương,
Lăm le bẻ quế bắn dương nghiệp nhà.
Trần công tuổi tác ban già.
Sớm khuya cầu khẩn, sanh ra một nàng.
Hình dung yểu điệu, dịu dàng,
Tam tùng tứ đức ngõ ngang anh tài.
Bèn cho đèn sách hôm mai,
Thông hay kinh sử văn thơ mọi đường….

Hai ông bạn chơi nhau từ nhỏ , một bên sanh con trai, một bên sanh con gái – là nhân vật chánh Phương Hoa. Rồi hai ông kết thông gia tuy rằng mới bỏ lễ cầu hôn chưa có đám cưới. Và những biến chuyển nầy nọ khiến cặp vợ chồng trẻ phân cách khi chưa xum hợp ngày nào. Nàng Phương Hoa tài giỏi phải giả trai đi thi để cứu chồng… Chuyện kết thúc như chúng ta đã đoán: Xum vầy sau khi đã phân chia, đau khổ.

Giữa truyện có bài văn tế vợ đáng chú ý khi chàng trai Cảnh Tỉnh vợ bị chết sau khi sanh con (trang 8b).

Vậy có văn tế rằng:
Trước linh sàng khóc mà than rằng:
Trời thường hai khí xoay vần, chẳng khỏi hơi âm
Người có năm đấng thường, chẳng chi hơn đạo vợ.

Nhớ nàng xưa:
Mày liễu dịu dàng, mặt hoa hớn hở.
Tuổi xuân xanh vừa mới cả khôn.
Duyên tơ đỏ sớm đà gặp gỡ.
Số đã bày dâu cửa tướng công,
Lòng đã xứng vợ người quân tử.

Hỡi ôi!
Những ước xum vầy.
Bỗng nên cách trở.
Ấy ai làm phận bạc duyên hôi,
Mà ai khiến gương mờ đá rã.
Thương vì mẹ già yếu đuối, bỗng nàng về âm phận, ai nâng niu bát cháo lưng rau?
Xót vì điều con trẻ thơ ngây, mà nàng xuống đào nguyên, ai cúc dục lưng cơm bầu nước?
Mối tình bao xiết đắng cay, (??) khôn bàn cơn cớ,
Canh chầy nguyệt xám, thảm thương đường nọ nỗi nầy,
Đêm vắng sầu tuôn, tư tưởng lời ăn nết ở.
Rày nhân tiết chí tống chung, lấy chi giả nghĩa!
Lễ vi vật bạc gọi là ba chén đầy vơi,
Biển rộng non xanh ngỏ trút tấm lòng thương nhớ.

Bài văn tế nào cũng na ná nhau, khác nhau ở dài ngắn, khác ở hoàn cảnh cụ thể của người đứng tế, già hay trẻ, có con cái chăng, nhà nghèo khó hay giàu sang, tương quan gì với người chết. Bởi vậy ngày xưa thầy cúng phụ trách luôn việc đọc văn tế. Họ có một tập bài làm sẵn, gọi là tập đồ nòi, chỉ cần lựa ra bài phú hợp đọc lên là xong nhiệm vụ.

Cũng nhân đây nói thêm cho vui. Có chuyện ông thầy cúng kia đến đám cúng, thay vì đọc bài chồng điếu vợ ông ta đãng trí đọc bài vợ điếu chồng. Người chồng nghe, tức ý, đuổi về nói sao lại đọc bài trù ông ta chết. Về nhà, nói chuyện với học trò, thầy cúng cãi rằng tao có đọc trật đâu, tập đồ nòi ông bà để lại đâu có viết sai bao giờ, chữ viết sao thì tao đọc vậy. Ông ta chết trật ngày thì có!

Trở về bài văn tế trong truyện Phương Hoa: Sáo ngữ chăng? Thành thật chăng? Cảm động chăng? Tùy theo nhân tâm mỗi người. Bỏ ra một hai ngày trong thời gian ít ỏi đi xa sang xứ văn vật để giới thiệu một cái gì mới đối với người ở trong và ở ngoài giới văn chương chữ Nôm, mình nghĩ là mình đã ngoạ du một thời gian hữu ích.