SONG NGỌC VÀ MỘT ĐỜI SÁNG TÁC (Cát linh/RFA)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nhạc sĩ Song Ngọc và những sáng tác được nhiều người yêu thích.

Để tạo ra một nét riêng, mỗi một người nghệ sĩ hay thường dành cho mình một nghệ danh. Thế nhưng, cũng có nhiều nhạc sĩ, với những lý do riêng, họ có rất nhiều bút danh/nghệ danh. Chính vì vậy, mà không ít người nghe đã ngạc nhiên khi biết tác giả của một tác phẩm nổi tiếng này cũng chính là tác giả của một tác phẩm nổi tiếng khác, với hai bút danh khác nhau.

Song Ngọc và một đời sáng tác
Cát Linh RFA

Một trong những người đó, là nhạc sĩ Song Ngọc, hay được biết đến như nhạc sĩ Hàn Sinh của ‘Xin gọi nhau là cố nhân’, hay Hoàng Ngọc Ân của ‘Định mệnh’, cũng chính là Song Ngọc của ‘Tiễn đưa’, người đầu tiên phổ thơ của cố thi sĩ Nguyên Sa.
“Người về chiều nay hay đêm mai
Người sắp đi hay đã đi rồi
Muôn vì hành tinh rung rung
Lunh linh thềm ga vắng
Hay rượu tàn rung trên môi…” (Tiễn đưa)
“Có một người bạn gửi cho tôi một bài thơ của Nguyên Sa. Tôi nhìn bài thơ đó, thấy hay quá, trong vòng một đêm, tôi phổ nhạc cho bài ‘Tiễn đưa’. Về sau, nếu tôi không lầm, có thể tôi là người đầu tiên phổ thơ Nguyên Sa năm đó.”
Năm đó, nhạc sĩ Song Ngọc 19 tuổi, và bài thơ của cố thi sĩ Nguyên Sa có tên là ‘Tiễn biệt’.
Một điều thú vị là khi ấy, cố thi sĩ Nguyên Sa và nhạc sĩ Song Ngọc có thể nói là ở hai thế hệ, một thầy, một trò, nhưng họ đã gặp nhau qua một tác phẩm, và cùng tạo ra một tác phẩm khác.
Đối với chàng nhạc sĩ Song Ngọc lúc bấy giờ, ca khúc ‘Tiễn đưa’ là sự khởi đầu, để sau đó, những bản nhạc trữ tình được tiếp nối ra đời, đánh dấu cho dòng nhạc Song Ngọc đa dạng, phong phú về giai điệu lẫn thể loại.
“Bản nhạc này với bản nhạc kia nó khác, vì tính của tôi nó… kỳ kỳ. Tôi không thích một chỗ, tôi thích cái gì nó lạ hơn. Có những bản nhạc như Xin gọi nhau cố nhân khác hẳn với Định mệnh…”
“Tôi trở về đây lúc đêm vừa lên
Giăng mắc trời mưa phố xưa buồn tênh…” (Xin gọi nhau là cố nhân)
Tuy khác nhau, và tuy là mỗi ca khúc ông dùng một bút danh khác nhau, thế nhưng tất cả những nhạc phẩm của Song Ngọc đều có một điểm chung, đó là mỗi một bản nhạc là một kỷ niệm của riêng ông. Mỗi lời ca, giai điệu đều có liên hệ đến những nơi ông đã đi qua, những người ông đã gặp trong cuộc đời mình. Tất cả những điều ấy ông gọi là “kỷ niệm của dĩ vãng”.
Một trong những kỷ niệm ấy là câu chuyện ông gửi vào ca khúc ‘Tình yêu như bóng mây’.
“Rồi mai tôi sẽ xa Đà Lạt
Thành phố này xin trả lại cho anh
Ngàn thông buồn chiều nay im tiếng
Ngôi giáo đường lặng đứng suy tư…” (Tình yêu như bóng mây)

Đà Lạt năm đó theo ký ức của Song Ngọc là vào năm 1971, 1972, khi ông đang thụ huấn khoá chiến tranh chính trị. Ca khúc ‘Tình yêu như bóng mây’ được ra đời tại thành phố sương mù, một thành phố mà ông nói rằng ông đã yêu và để lại một tình yêu không nhỏ.
“Khi đó tôi đi học và ở trọ nhà của thiếu tá, thi sĩ Tô Kiều Ngân. Tôi viết hai bài, ‘Tình yêu như bóng mây’, và ‘Chẳng làm sao’, phổ thơ của Phan Khôi. ‘Tình như bóng mây’ có những chi tiết là thật. Ví dụ như cái nhà thờ mà ‘tôi cuối đầu từ giã Đà lạt ơi’ là nhà thờ Con gà tại Đà Lạt. Bài này thật sự có nước mắt của Song Ngọc.”
Đà Lạt từ ngàn xưa đã được gọi là thành phố mộng mơ, với thông reo, với sương giăng mờ những con dốc nhỏ. Nếu Đà Lạt trong ca khúc của Lê Uyên Phương là nơi bắt đầu cho những cuộc tình thì hình ảnh Đà Lạt trong ‘Tình yêu như bóng mây’ của Song Ngọc là nơi mà chỉ một ngày mai nữa thôi, sẽ là một cuộc chia xa.
Rồi cũng như bao thanh niên thế hệ thời ấy, nhạc sĩ Song Ngọc lên đường tòng quân, khoác lên mình chiếc áo trận. Và đó cũng là thời gian mà ông cho ra đời các ca khúc viết về đời lính, về nỗi nhớ của người trai xa đô thành, xa cố nhân, “vào đời manh áo chiến lúc tuổi còn xanh”
“Khi đi lính tôi 19 tuổi, thì anh Hoài Linh có viết thêm cho tôi lời của một bài nữa là ‘Chiều thương đô thị’ để tiễn Song Ngọc đi lính.”
“Hôm xưa tay nắm tay nhau… anh hỏi tôi rằng:
“Những gì trong đời… ta ghi sâu vào tâm tư
Không tan theo cùng hư vô
Không theo tháng năm phai mờ
Tình nào tha thiết anh ơi?”
Tình quê hương gợi sâu
Tình tôi anh bền lâu…” (Chiều thương đô thị)
“Năm đó khoảng chừng năm 1961, ngày đó trước ngày tôi đi lính. Thời gian đó cũng là thời gian chiến tranh, anh Hoài Linh đặt lời cho ‘Chúng mình ba đứa’. Sau đó tôi có viết một bài nữa là bài ‘Một chuyến bay đêm’.”
Dù là ở dòng nhạc trữ tình hay dòng nhạc lính, thì trong những sáng tác của Song Ngọc đều toát lên một nét đẹp vừa hào phóng, vừa lãng mạn. Hiện lên trong những ca khúc ấy, là hình ảnh của người nghệ sĩ lãng mạn mang khí chất oai hùng của một người lính. Ông đã bày tỏ hầu như trọn vẹn tinh thần của người trai đang ở lứa tuổi đẹp nhất đời người.
Người trai trả nợ tang bồng với núi sông bằng ước mơ bay cao, bay xa bên dãy Ngân Hà, xem chuyện đời nhẹ như những chuyến bay.
“Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền
Người trai đi viết câu chuyện Một Chuyến Bay Đêm
Cánh Bằng nhẹ mơn trên làn gió
Đời ngây thơ xưa lại nhớ, lúc mình còn thơ
Nhìn trời cao mà reo mà mơ ước như diều để níu áo Hằng Nga ngồi bên dãy Ngân Hà…” (Một chuyến bay đêm)
Thế rồi, nợ tang bồng của Song Ngọc và của bao người trẻ thời đó gác lại sau một ngày cuối tháng Tư. Ông rời quê hương, xa hẳn những chuyến bay đêm và màu áo xanh. Lần từ giã này lâu và xa hơn rất nhiều so với ngày ông “cúi đầu từ giã Đà Lạt mơ”.
Nhưng có lẽ đã là nghệ sĩ, thì ở bất cứ hoàn cảnh nào, thời điểm, họ vẫn phải sáng tác. Tình yêu âm nhạc và sáng tác vẫn luôn đong đầy trong cuộc sống của nhạc sĩ Song Ngọc. Chỉ có rằng, theo thời gian và những xoay chuyển của cuộc sống, sáng tác của ông có thêm chỗ đứng cho sự mất mát và thất vọng. Cũng là xa cách, nhưng trong sự chia ly này giờ đây mang màu sắc của cô độc.
“Khi tôi qua Mỹ năm 75, khoảng thời gian năm 1983, 1984, người Việt Nam bên đây nam nhiều hơn nữ, nên những chuyện oan kiên trong tình yêu đầy dẫy. Tôi nhìn thấy nhiều chuyện mất hạnh phúc gia đình hoặc tan vỡ của các cặp tình nhân. Có lẽ những chuyện đó nó chạy vào tiềm thức của người sáng tác.”
Ca khúc ‘Đàn bà’ nổi tiếng ra đời từ câu chuyện đời của một người bạn của ông, với lời nói:
“Ảnh ngồi buồn và tâm sự với tôi, Song Ngọc à, làm cho tôi một bài không có đàn bà trong đời tôi. Cùng với những ưu tư của mình đã nhìn thấy và những hiện trạng bây giờ, tôi về viết bản nhạc đó, và gọi tên là Đàn bà.”
“Đã từ lâu tôi vẫn thường trong bóng đêm.
Mang nỗi buồn không biết tên.
Tôi đã thầm thề mây hẹn gió.
Tôi muốn lánh xa chuyện đời.
Tôi muốn quên đi loài người.
Tôi ước mơ trong cuộc đời không có đàn bà…” (Đàn bà)
Song Ngọc, người nhạc sĩ tự nhận rằng từ những năm 13 tuổi, ông đã đam mê những áng văn của Nhất Linh, Khái Hưng. Từ đó mà kỹ thuật dùng từ và âm hỏi, ngã trong nhạc phẩm của ông ảnh hưởng nhiều của Tự lực văn đoàn.
Và có lẽ cũng do sự ảnh hưởng ấy mà nhạc của ông vừa có giai điệu bay bổng, lãng mạn, vừa có ca từ đơn giản, không trưởng giả. Dù là ông viết về tình ca hay viết cho người lính, các ca khúc đều mang màu sắc riêng của một thời tuổi trẻ nhiều khát vọng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/MusicForWeekend/song-ngoc-a-life-for-music-cl-05082016101712.html 

*
*     *

70 năm Tình Ca Việt Nam – Nhạc sĩ Song Ngọc Hoài Nam – SBS Radio (Australia) 
*
*     *

Ru Từng Nỗi Nhớ Tình ca Song Ngọc 
1-Rau Răm Ở Lại-Ý Lan.
2-Ru Từng Nỗi Nhớ-Ý Lan.
3-Rung Khúc Tình Sầu-Vũ Khanh.
4-Sẽ Không Bao Giờ-Nhật Trường.
5-Tại Trời Mưa-Hoàng Lan.
6-Tấm Lụa Đào-Ý Lan.
7-Vịnh Cây Quạt-Ý Lan.
8-Yêu Cái Đèn Cù-Thanh Thảo.
9-Yêu Dại Khờ-Ý Lan.
10-Tiễn Đưa-Hoài Hương.

*
*     *

Tình Khúc Song Ngọc
– 20 Năm Bến Lạ-Ý Lan.
– Bao Giờ Anh Đưa Em Đi Chùa Hương-Vũ Khanh&Ý Lan.
– Bến Lạ-Nguyên Hưng.
– Chuyến Xe Ba Người-Thế Sơn.
– Chuyện Tình Buồn Trăm Năm-Hoài Nam.
– Chúng Mình Ba Đứa-Duy Khánh.
– Khúc Tango Sầu-Lệ Thu.
– Ngày Tàn Chinh Chiến-Thiên Trang.
– Những Ngày Vui Đã Mất-Thanh Thúy.
– Phiên Khúc Chiều Mưa-Giao Linh. 

*
*     *

Tiễn Đưa – Nhạc Song Ngọc, thơ Nguyên Sa-Tâm Hảo trình bày 
*
*     *

Chuyện Người Đàn Bà 2000 Năm Trước – Tác giả: Song Ngọc- Hoàng Hải Đăng trình bày 
Chuyện người đàn bà 2000 năm trước
Áo rách tả tơi, xác thân mệt nhoài.
Chuyện người đàn bà nơi thành cổ đó
Dấu tích hành thân.
Vì đâu? Vì đâu? Vì đâu,
Nên tội tình mang nhục hình.
Vì yêu, tội yêu, tội tình yêu.

Đoàn người cổ thành vây chặt khu phố
Thế giới hiền lương ánh mắt cuồng căm.
Nhìn người đàn bà đang chịu tội chết
Đống đá ngổn ngang.
Chờ ai?
Chờ tay người ném chết một người không hận thù.
Người ơi vì đâu đọa đầy nhau

Ai người vô tội
Ai người không tội
Hãy mạnh tay ném đá ném đá ném trước đi
Còn, còn đợi gì?
Ai, người vẹn toàn,
Ai người trong sạch
Còn chờ chi?
Ném chết ném chết
Ném chết tội đồ nhân gian

Chuyện người đàn bà 2000 năm trước
Sách cổ đã nghi, đống đá còn nguyên
Vì người vô tội hay đời giả dối,
Thế giới giả nhân, chào thua
Người ơi, tình ơi ….
Ai tội đồ, ai tỉnh ngộ
Người ơi, đời ơi, cũng vậy thôi ….

*
*     *

Tiễn Đưa – Nhạc Song Ngọc, thơ Nguyên Sa-Ý Lan trình bày
Người về chiều mai hay đêm nay
Người sắp đi hay đã đi rồi
Muôn vị hành tinh rung rung
Lung linh thềm ga vắng
Hay rượu tàn rung trên môi
Người về nhặt sao rơi đêm nay
Đường sắt kia trên những con tàu bùi ngùi
Sao đường tàu không đi quanh
Cho con tàu xuôi bến
Tay người lại trong tay tôi

Đêm vẫn trôi canh dài bồi hồi
Ai tiễn ai nên hẹn nhiều lời
Biết bao điều thương yêu
Tàn đêm bên quán nhỏ
Sân ga vời vợi nhớ
Chuyện tâm tư thành thơ

Mà người về nơi đâu nơi đâu
Tàu vẫn đi nên vẫn có người đợi chờ
Sương lạnh nhẹ rơi trên vai
Trăm con tàu trăm lối
Tôi đưa người hay đưa tôi 

*
*     *

Băng Nhạc Song Ngọc 1- Chuyện Tình Và Kỷ Niệm
 Thu âm trước 1975
Mặt A
1. Lời Giới Thiệu -Trúc Ly
2. Tấm Ảnh Ngày Xưa – Thanh Thúy
3. Một Đời Yêu Anh – Thanh Lan
4. Chuyện Tình TTKH – Thái Thanh
5. Hồn Bướm Mơ Tiên – Nhật Trường
6. Một Ngày Tàn Chiến Tranh – Băng Châu
7. Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em – Phương Dung
8. Rồi Một Chiều Kia – Hoàng Oanh
9. Con Đường Xưa Em Đi – Mỹ Thể
Mặt B
1. Mùa Hoa Anh Đào – Hương Lan
2. Giã Từ Kỷ Niệm – Thanh Thúy
3. Hoa Đào Thương Nhớ – Thanh Tuyền
4. Phiên Khúc Một Chiều Mưa – Nhật Trường
5. Tím Cả Rừng Chiều – Phương Dung
6. Người Yêu Ơi Giã Biệt – Mai Lệ Huyền
7. Thầm Ước – Thái Thanh
8. Bỏ Phố Lên Rừng – Băng Châu
9. Tình Đêm Liên Hoan – Thanh Lan  
https://phailentieng.blogspot.com/2018/10/song-ngoc-va-mot-oi-sang-tac-cat-linh.html?fbclid=IwAR0m_0T-dZ0Ik8AVZRxetaqLf_c3E3nWfXU1hMRrdYdMm1ItiMaFbuVQNbo