Sầu xưa thức dậy trên vai nhỏ
Về ướt lòng tay nửa tiếng cười
Nhã Ca
Một lần, cô hỏi nếu đi được, thì anh muốn định cư ở nước nào. Anh đáp:
– Chắc anh sẽ xin đi Hoa Kỳ.Anh là người mà cô thích ngày vừa mười sáu tuổi. Mười sáu tuổi, hồn trong như vạt nắng, tinh khôi như hạt mưa, thích, mà chẳng biết vì sao mình thích. Cũng không hiểu gì về người ấy, từ tính tình cho đến sở thích, từ tâm tư cho đến nhận thức. Nhưng bởi thích, nên chỉ cần loáng thoáng thấy bóng anh trên hành lang, nghe tiếng đàn anh vọng ra từ phòng khách, lao xao tiếng ai đó nhắc đến tên anh, là tim đã muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, chân tay đã run lên như đứng trong gió lạnh. Và ngoại trừ những điều nghe… lóm từ mấy ông anh lớn trong nhà nói với nhau, chẳng hạn như anh học giỏi, con một ông quan ba, nhà ở “đâu đó” dưới phố, thì theo kiểu nói thời bấy giờ, anh là “một tinh cầu hoàn toàn xa tít tắp” đối với cô.
Mười sáu tuổi, thích anh, nên cô bỗng đâm ra mê… văn chương. Ban đầu cô cặm cụi chép những bài thơ, những trích đoạn của các thi, văn sĩ nổi tiếng vào một cuốn vở thật đẹp. Thời gian sau, cô tập tành viết lách. Viết nhật ký. Rồi đoản ngắn, đoản dài. Cuối cùng là… làm thơ. Và từ nhật ký, cho đến văn thơ, “thể loại” nào cũng non dại, ngô nghê, nếu không… copy ý tưởng của người khác thì cũng là “hàng nhái” khi đọc lên cứ thấy như nghe ở đâu đó rồi; là những “tác phẩm” chẳng bao giờ dám đưa cho ai coi, cũng không dám ghi tên, đề tặng cho anh, được cất dấu kỹ lưỡng cuối đáy tủ, giữa những chồng sách vở vì sợ lũ em “dòm ngó”, tò mò lôi ra đọc và đem đi… méc mẹ, tuy nhiên có thể nói đó là những dòng chữ, những bài thơ ươm đầy thương yêu, và nặng trĩu tâm tư cô.
Ngày ấy nhà cô đông như kiến. Nhiều con, nhưng ba mẹ cô lại còn mang về một mớ cháu chắt lo cho ăn học. Bên cô, bên cậu, bên nội, bên ngoại đều có. Cô biết anh vì anh là bạn thân của ông anh con cậu. Hai người học chung với nhau từ năm đệ ngũ. Khi lên đại học thì cùng với những ông anh khác của cô khăn gói rời thị xã vào Sàigòn, ở cùng chung một nhà trọ. Người học Văn Khoa, người học Minh Đức, người học Khoa học, người học Phú Thọ… Hè, Tết kéo nhau về thăm nhà thì lại tụ tập, tán gẫu, đàn hát.
Sàigòn với cô thuở ấy là chốn mơ hoa. Chưa được sống ở đô thành, chưa đủ tuổi để vào đại học như các anh, cô và lũ bạn hay mơ màng về những buổi chiều lãng mạn “em rời thư viện đi rong chơi. Dưới đôi vòm cây ủ yên tĩnh…” (Tô Thùy Yên), đứa nào cũng ước ao về những “chàng tuổi trẻ tóc bay”, những chiều thảo cầm viên, những “Duy Tân cây dài bóng mát”, Nguyễn Bỉnh Khiêm vàng lá me bay, rồi những Tự Do, Nguyễn Huệ lộng lẫy. Sau này khi ôn lại chuyện cũ, nhiều lúc cô phải phì cười, vì hầu hết những chuyện của mấy ông chỉ lẩn quẩn ở những quán cà phê, loanh quanh ở quán nước, chuyện theo em nọ làm đuôi em kia, chuyện đi đánh bi da chỗ này, long rong chỗ nọ, vậy mà dưới con mắt lũ học trò tỉnh lỵ tụi cô ngày ấy như lấp lánh muôn ngàn ánh pha lê.
Anh đàn và hát rất hay. Không như mấy ông anh cô chẳng chơi ra hồn một khí cụ nào, thì anh hay độc tấu guitare nhạc cổ điển, hát và đệm những ca khúc tiền chiến lãng mạn như dân chuyên nghiệp. Tài hoa anh khiến trái tim mười sáu tuổi của cô chảy tan ra thành nước. Cô đã để lòng nhớ thương anh mòn mỏi dầu không bao giờ dám thố lộ cùng ai, kể cả những đứa bạn thân nhất của mình. Cũng không dám nghĩ đó là tình yêu, hay “hình như là tình yêu”, và càng không đủ… cải lương để nói “con tim có lý lẽ riêng của nó”. Bởi vì tình yêu trong trắng và thánh thiện cô dành cho anh thuở ấy là tình một chiều. Anh đã có bạn gái. Là chị của một “thằng” bạn học cùng trường.
Thuở “tập làm thơ yêu…anh”, cô vẫn còn ở lứa tuổi bị cả nhà cấm không cho phép đứng nói chuyện riêng với tên con trai nào, nên chỉ dám nhìn… lén anh sau lưng, chạm mặt chỉ dám lí nhí cúi đầu chào. Kể cả lần duy nhất được ông anh lớn dẫn đi uống cà phê cùng với anh, ngồi đối diện anh mà cũng chỉ dám ngó… bàn tay anh đặt vòng trên ly nước, ngó từ.. cổ áo chemise của anh xuống đến mặt bàn mà thôi.
Nhưng những kỷ niệm mỏng manh như tờ giấy, ít ỏi đến không đủ đếm trên đầu ngón tay ấy, những đoạn văn, những bài thơ làm cho anh còn chưa kịp chín, chưa kịp có thể gọi là… thơ, là văn, thời cuộc đã trở nên tao loạn, mỗi người đã một phương trời. Gia đình anh không biết đi đâu, còn gia đình cô thì về một huyện lỵ. Sáng sáng chiều chiều của cô đã không còn hồn nhiên phố xá với bạn bè, không còn quán nọ, hàng rong kia, mà hai chị em cô phải lui cui xuống bếp đốt rơm thổi lửa, nấu nước nấu cơm cho cả nhà. Cô làm lọ lem. Con em gái làm lọ lem. Cả nước cùng lọ lem. Cuộc đời khoai củ nghèo nàn, cái huyện lỵ điệp điệp trùng trùng những cánh rừng cao su ấy càng như muốn đốt và hủy diệt toàn bộ hoài bão cùng mơ ước của cô.
Suốt mấy ngày sau đó, lẩn quẩn trong bếp nấu cơm rửa chén quét nhà, nhưng hồn cô để ở nơi có tiếng cười, tiếng nói, tiếng đàn. Tối tối, cô ngồi khuất trong bóng đêm nghe vọng lại từ hàng hiên, bài sonat ánh trăng của Beethoven buồn bã. Anh đã không còn dám hát lớn những bài tình ca bởi sợ du kích phường đến làm phiền gia đình cô. Cô chảy nước mắt nhìn bờ vai anh trai cô gầy guộc, nhìn dáng anh ôm đàn dưới trăng giữa đám hoa cau rụng trắng thềm, ngậm ngùi nhận ra ngày tháng thanh xuân tươi thắm sẽ chẳng bao giờ còn trở lại với các anh.
Cô không dám hỏi vì sao anh về thăm. Cũng không dám hỏi anh sẽ ở lại bao lâu, mà chỉ lặng lẽ ước ao thầm ngày sẽ dài, thời gian sẽ ngừng lại để anh không rời xa. Nhưng anh đến, rồi anh lại đi. Lần ấy, đi biền biệt. Một năm, hai năm, nhiều năm, không thấy anh trở lại. Và anh cô cũng dần dà thưa nhắc đến anh. Cô buồn vô cùng. Cái tiếng còi tàu bỗng dưng trở nên gắn bó với cô. Cô đã biết mình đang chờ đợi điều gì. Biết mình mong ngóng gì sau hồi còi thê thiết ấy. Những bài thơ cô làm cho anh đã bắt đầu có nỗi ngậm ngùi.
Tuy nhiên cuộc sống không thể dừng mãi lại với trăng sao, với tiếng đàn. Và cô cũng không thể hoài vọng mãi đến hóa đá như truyện cổ. Hết còn mười sáu tuổi, không hoài bão, không ước mơ, không tương lai, không cả hy vọng, cô đi lấy chồng.
Thật bất ngờ vào ngày cưới cô, anh bỗng xuất hiện, rồi lại mang đàn ra ngồi dưới hàng hiên cùng với anh cô uống rượu, hát mừng ngày cô thành hôn. Anh hát, “hôm em lên xe, thế gian buồn vời vợi… Anh đi bơ vơ nhớ thương về một người…” (*). Cô mím môi, nghĩ anh trêu mình, nên lần đầu tiên trong đời cô lấy hết can đảm nhìn thẳng vào mắt anh, nói:
– Ba em không muốn em làm dâu nhà người, em không lên xe xuống ngựa, không võng kiệu vu qui, thế gian làm sao mà buồn…
Anh cười không đáp. Suốt buổi tiệc cưới, thỉnh thoảng cô nhìn thấy anh ngó cô, môi nở những nụ cười dịu dàng, và ánh mắt thoáng chút buồn. Sáng hôm sau anh giã từ. Thời mười sáu tuổi nhà nhiều sách vở, nhưng cô không được phép đọc, kể cả những loại sách dành cho tuổi mới lớn như Tuổi Ngọc, Tuổi Hoa Tím, Ngàn Thông…, chơi thân với các anh cô, có lẽ anh biết cô vẫn còn bị xem là nít nhỏ, nên sau những kỳ nghỉ dạo ấy, anh vẫn thường chào cô bằng những câu sặc mùi… con nít, “bé ở nhà ngoan, Tết anh về sẽ lì xì cho”. Suốt thời mười sáu, mười bảy tuổi, cô đã chờ đợi anh nói một câu gì đó… hay ho hơn, sang thời mười tám, hai mươi, anh cũng chỉ nói với cô những câu tương tự. Nhưng sau ngày cưới cô, thay vì câu từ giã không dành cho con nít cũng không cho người lớn, anh bảo:
– Anh vẫn còn nhớ cái dáng tiểu thư áo trắng của em.
Cô lặng người. Không tin nổi anh đã nhìn thấy cô tiểu thư, thấy cô áo lụa guốc gỗ ngày ấy. Và cô lặng người vì biết mình sẽ mang câu nói của anh trong lòng rất lâu. Sau này bạn cô bảo có lẽ anh đã có mặt trong quãng đời đẹp nhất, đáng yêu nhất của cô, nên anh tựa như là một nét cọ làm bức tranh đời cô lấp lánh màu sắc. Con nhỏ còn trêu cô nên đóng khung cẩn thận, và nhớ treo ở một vị trí sáng lóa nhất của tâm hồn để biết rằng mình đã từng có thời làm thiếu nữ.
Cuộc sống cứ vậy mà trôi đi như bài hát của Phạm Duy anh hay hát. Và cũng như người con gái trong bài hát ấy, cô thôi không còn làm thơ cho anh. Cô không biết anh làm gì và ở đâu. Không biết anh có còn hát những bài tình ca, đàn những bài nhạc cổ điển… Đôi khi trong cái mênh mông của cõi người, cô bắt gặp mình thơ dại, bắt gặp tà áo mình tung bay, bắt gặp tiếng đàn anh trên hiên nhà, bắt gặp ánh mắt anh u hoài ngó theo…
Đột nhiên, rất tình cờ, vài năm sau ngày cô lấy chồng, một hôm cô gặp lại anh ở chợ huyện. Anh đi cùng với một người. Người đang cùng anh dự định vượt biển, ở cách nhà cô một quãng đường. Lúc bấy giờ hai thằng em út cô đi hoài không lọt, đang vào ra không biết làm gì cho hết ngày, còn chồng cô thì mới vừa mới đến được Galang, chẳng hiểu bao giờ mới được định cư. Thấy anh, cô bàng hoàng. Thấy anh, cô sửng sốt. Trái tim thời thiếu nữ không còn vụng dại đập mà thay vào đó là nỗi xót xa. Anh gầy guộc. Khắc khổ. Và vẻ mặt như mang đầy nỗi tuyệt vọng. Anh kể sau khi ra trường, chạy vạy đủ mọi nơi nhưng chẳng nơi nào nhận anh vào làm vì lý lịch gia đình anh không “đạt yêu cầu”. Anh đã lang thang qua nhiều chốn và cuối cùng vẫn không biết làm gì để kiếm đủ ngày ba bữa cơm ngoại trừ loay hoay ở chợ trời.
Những ngày sau đó, thỉnh thoảng khi về huyện lỵ ấy với bạn, anh lại đến thăm gia đình cô. Uống cà phê, nói chuyện đời với mẹ cô, và chia sẻ chuyện vượt biên với chị em cô. Lúc ấy, cô đã có thể tự nhiên hơn, nói chuyện dễ dàng hơn với anh. Tuy nhiên không hiểu sao cô cứ thấy có điều gì đó rất đỗi lạ kỳ ở trong lòng. Cô tự hỏi có phải chăng trong khi các em cô đã quá chán cảnh lên xe xuống tàu, bị rượt đuổi, bị tù mà gia đình cô đã đuối sức chạy vạy, và bản thân cô với cuộc hôn nhân đầy sóng gió, không có mấy hy vọng sẽ được đoàn tụ, thì anh lại rất hào hứng, tràn đầy tin tưởng sẽ đến được bến bờ tự do, sẽ có được cuộc đời đẹp đẽ ở bên kia chân trời nên đôi bên không thể nào đồng cảm? Hay cái hớn hở trong những lời nói của anh có phần nào không thật? Hay còn điều gì đó vướng mắc trong cô?
Anh nói với cô, anh muốn đến Hoa Kỳ vì đất nước đó có những điều cuốn hút. Anh nhắc nhiều đến thời người Mỹ mới đến Việt Nam, nhắc đến văn chương, đến đời sống, và đến những gì đã được học trước đây. Anh bảo một cái đất nước chỉ có vài trăm năm lập quốc nhưng có những trang sử đầy sóng gió, có một cái tuyên ngôn làm thay đổi cả thế giới, và có những tổ chức đầy lòng nhân đạo khiến anh yêu thích và ngưỡng mộ. Anh cũng nhắc cả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Gone With The Wind” của Margaret Michelle, nhưng không nói về những cuộc tình hay những nhân vật trong truyện mà hào hứng, sôi nổi nói đến cuộc nội chiến, sự nổi dậy của người da đen, về đảng Ku Klux Klan, việc giải phóng nô lệ, về tự do, bình đẳng bình quyền… Anh cũng chia sẻ với cô chuyện thời sự, chuyện những người hoạt động chính trị, những văn nghệ sĩ cô ưa thích đang bị cầm tù, những điều mà không thể gặp ai cũng có thể tỏ bày vào thuở ấy.
Anh bảo bằng mọi cách sẽ tìm cho ra con đường để đi đến tự do.
Vào cái thưở một ngày có đầy đủ ba bữa cơm đã có thể gọi là thiên đường, ai ai cũng hiểu cột đèn có chân còn muốn đi, vì vậy khi nghe anh bảo muốn được như những người dân Mỹ, muốn được góp bàn tay đưa con người thoát ra khỏi chế độ độc tài, cô đã thật lòng và hết sức mong mỏi anh sẽ sớm đến đến bên kia chân trời. Cô đã thật lòng ước ao khi nghĩ đến tình cảnh bố anh đang đớn đau, khổ cực trong trại tù cải tạo, nghĩ đến một tương lai tươi sáng nào đó, một cuộc đời khả dĩ mang lại cho anh một đời sống xứng đáng với tài năng anh, kiến thức anh…
Nhưng khi anh còn chưa thoát ra được thì phái đoàn đã gọi cô đi phỏng vấn. Cô được phép xuất cảnh giữa lúc hết còn trông đợi gì nữa ở nửa kia của mình. Những ngày tháng đầy lam lũ, đầu tắt mặt tối chạy vạy áo cơm lo cho con, khiến cô không đủ sức tin tưởng ở những ô cửa hạnh phúc mà cuộc đời sẽ dành cho mình. Người đàn ông của cô, khi đã đến nơi bình yên, chừng như đã không mấy… hào hứng trong việc giúp người còn ở lại vượt cơn ba đào. Dường như mỗi năm, cô chỉ nhận được một lá thư từ chân trời xa thẳm ấy. Cả đến lúc cầm tờ thông hành trên tay, cô vẫn còn tự hỏi không hiểu tại sao người ấy đã tiếp tục tiến hành bảo lãnh cho mẹ con cô… Và rồi cô đã ra đi với tất cả đắn đo, nghi ngờ và cả lo sợ. Ngoại trừ bầu không khí tự do mà anh từng nói, trước mắt cô mọi thứ đều như hư ảo, như một mê cung mà cô phải tự tìm ra lối đi cho mình.
Trước ngày cô đi, anh đến tiễn cô, mừng cho cô. Anh bảo cuộc sống của cô với những tháng ngày vật vờ mà không biết ngày mai mặt trời có lên, nắng có ấm hay không sẽ chấm dứt, cái thế giới rồi sẽ rộng mở hơn, cuộc đời trước mặt sẽ thênh thang hơn với cô. Cô chân thành chúc lại anh sớm được rời khỏi nơi anh không còn muốn trải đời mình. Anh mỉm cười đáp cũng mong thế, và cuối buổi tiệc anh lại hát, “một người bước mau, người quay đi nghẹn ngào. Chờ em hút sâu, anh quay về với sầu”…
Những tháng ngày sau đó với cô ở nơi mới định cư, cái thế giới ở bên ngoài quả rất thênh thang, rất rộng lớn, rất tự do, nhưng riêng cô vẫn chật hẹp trong bốn bức tường của nhà bếp. Cũng vẫn một mình và bươn chải lo cho con. Cô chỉ không còn phải rồng rắn xếp hàng chờ mua nhu yếu phẩm, không còn bị xin giấy phép đi đường những khi muốn tới một nơi nào đó, không cần phải năn nỉ một nhân viên quan chức “nhận giùm” cái “phong bì” mỗi bận có việc cần đến giấy tờ, phép tắc… Cô tất bật áo cơm và chữ nghĩa quê người. Cô bận rộn nuôi dạy con cái, vun quén cuộc sống. Tình yêu lớn, tình yêu bé đều khép lại như những trang vở học trò khép lại cuối niên học.
Cô hoàn toàn không ngạc nhiên với con đường đời không phẳng lặng, với cuộc sống không nở hoa của mình, nhưng những gập ghềnh ấy có đôi khi đã làm cô tủi phận. Thỉnh thoảng nghe một bài hát cũ, bắt gặp một đôi câu thơ từng yêu thích ngày xưa, lòng cô bâng khâng buồn. Cô không hề thăm hỏi về anh nhưng không thể dấu lòng là có lúc cô cũng nhớ đến anh, nhớ đến thời thơ dại của mình, cô vẫn tự hỏi anh đã đi được chưa, đã đến được cái đất nước mà anh hằng ngưỡng mộ chưa, thế giới của anh đang sống là nơi nào, và anh có còn giữ trong lòng mình ước muốn góp bàn tay cho tự do, cho nhân quyền hay không…
Cô đi rất lâu mà không trở lại quê nhà. Mãi cho đến lúc mẹ cô bịnh, cô mới về lẩn quẩn trong nhà với mẹ. Bạn bè và anh em họ hàng tụ lại thăm cô. Dường như rất nhiều người ái ngại cho cuộc sống đơn lẻ của cô dẫu cô bảo mình đang bình yên và hạnh phúc với những gì đang có. Ông anh họ cô ngần ngại một hồi rồi đưa cho cô tấm giấy với số phone của anh, bảo anh rất muốn liên lạc với cô. Cô ngẩn ngơ. Mừng, vì cuối cùng thì anh cũng đã đến được nơi đồng cỏ xanh tươi của mình. Và xúc động, vì không ngờ anh vẫn còn nhớ tới mình…
Cô cầm tấm giấy về nơi định cư với chút bồi hồi, bâng khuâng, hệt như năm xưa nghe anh bảo không quên được cô từng áo lụa guốc gỗ. Rất nhiều lần cô đã dợm gọi cho anh. Nhiều lần cô đã thừ người nhìn những con số được chép lại cẩn thận trên sổ điện thoại, tự hỏi mình có nên liên lạc với anh hay không… Lúc ấy anh đang sống tại bắc Mỹ, còn cô thì đang sống ở Âu châu, cách nơi anh ở mười ngàn cây số. Tuy nhiên địa hình, địa lý, đường dài, hoàn toàn chẳng là điều cản trở, phương tiện truyền thông viễn liên lúc bấy giờ cũng không còn khó khăn hay đắt đỏ, và riêng cô thì đã từ lâu không còn sự buộc ràng nào nữa với người đàn ông của mình, nhưng cô phân vân và lưỡng lự vì biết hoàn cảnh anh không giống như mình. Trên phương diện pháp lý anh cũng được kể là độc thân, nhưng cô nhớ lời ông anh họ cô kể, lúc ấy anh đang ở bên cạnh người cùng đi với anh, người lo cho anh đến bờ bên này. Người mà cô đã gặp năm nào ở chợ huyện…
Cái đất nước Hoa Kỳ mà anh hằng ngưỡng mộ, cái xứ sở mà cô không nghĩ mình sẽ định cư, bỗng dưng gần đến cuối đời, anh và cô lại cùng có mặt, cùng sống ở đó. Và tuy không đến cùng một thời điểm, không ở cùng một tiểu bang, nhưng không thể nói là không cùng bầu trời, nên mặc dù nhiều lúc không cố tình nghĩ hoặc nhớ đến anh, nhưng câu chuyện về anh thỉnh thoảng lại cứ quay về trong tâm trí cô.
Một câu chuyện hoàn toàn chẳng mấy gì vui làm cô bận lòng. Cô nghe kể anh sống rất cô đơn. Gia đình anh giận và từ anh, hay nói đúng hơn bố anh nhất quyết không nhìn mặt anh, lý do chẳng phải bởi người đàn bà anh đang chung sống lớn hơn anh năm bảy tuổi, đã từng có gia đình, mà chỉ vì người ấy đã đưa anh đi, rồi gắn bó với anh trong khi bỏ mặc người đàn ông của mình còn trong trại tù cải tạo. Bố anh bảo để đến được bến bờ tự do, nhiều người đã phải đánh đổi những thứ quí giá nhất, có thể là cả mạng sống của mình, nhưng thứ mà anh đã đánh đổi là thứ mà ông không thể chấp nhận được. Ông bảo đó là sự phản bội và ông cảm thấy như chính mình đã bị phản bội. Người còn nằm trong trại cải tạo ấy là người ông không biết mặt, không quen tên, nhưng là người đã từng đứng trong hàng ngũ chiến đấu như ông. Là người đã từng chịu sương gió, hy sinh cả thời thanh xuân và sức lực của mình để anh, hoặc như cô, có thể đến trường đến lớp hằng ngày… Ông nói ông có thể tha thứ cho anh bất cứ điều gì anh làm lỗi, chỉ trừ điều ấy.
Rời Sàigòn về lại bên này, cô ray rứt mãi không yên. Cô biết mình đã không còn nghĩ đến anh như thời mười sáu tuổi, nhưng cô chạnh lòng. Cô bùi ngùi nghĩ đành rằng đó là sự lựa chọn của anh, nhưng quả thật cuộc đời đã quá cay nghiệt, thời cuộc đã quá tàn nhẫn với anh, với thế hệ của mình. Cô giả sử đất nước không bị thay đổi, đời sống không bị xáo trộn, thì những người như anh hay cô, có bao giờ cần phải ra đi, có bao giờ cần phải nghĩ đến một chọn lựa làm biến đổi cả nhân cách mình như vậy hay chăng…
Cô xa xót mãi như vậy cho đến một buổi chiều ở nơi cô đang sống, anh đang sống, khi chung quanh đang rộn ràng xao động, cô bỗng nhận được tin ông anh họ qua đời. Cái cảm giác như mọi điều bỗng ngừng lại khiến cô nghĩ ngay đến anh. Cô nghĩ đến cái vòng đời đang khép chặt lấy anh, đến những cánh cổng bước ra bên ngoài xã hội anh tự đóng kín, tự cài, mà cô đã từng nghe kể. Rồi cô nhớ đến cái ước mơ anh nói với cô. Cô ngẩn ngơ thầm hỏi, có phải chăng chúng cũng đã héo úa, tàn rũ theo những tháng ngày đơn điệu buồn bã mà anh đang sống?
Tự dưng nước mắt cô cứ muốn rơi. Trên đài truyền hình lao xao tin tức tranh cử, lao xao nhận định, lao xao thảo luận. Cô nghe loáng thoáng người ta đang nhắc đến kinh tế, nhắc đến lương bỗng, đến chuyện tị nạn, chuyện màu da, và cả đảng KKK… Lòng cô rười rượi buồn. Ở nơi này, không cần quảng bá, ai ai cũng có thể nhận ra được sự tự do. Tự do ngôn luận, tự do bầu cử, tự do bình đẳng, giữa dân tộc này với dân tộc kia, giữa nam với giữa nữ, giữa người với người… Ở nơi này, người ta không cần phải hô hào, không cần phải viết câu “độc lập, tự do, hạnh phúc” trên bất cứ loại giấy tờ nào, đơn từ nào, từ biên lai đóng học phí cho con đến biên bản cãi nhau, đánh nhau với hàng xóm. Ở nơi này, con người có thể hưởng sự tự do, có thể thấy mình được tự do mà không phải đánh đổi điều gì!
Cô ngó ra ngoài sân. Sầu não thở dài. Trên sân nhà cô, chỉ mênh mông tuyết trắng. Không có trăng, không có hương cau, không có tiếng đàn nhè nhẹ đưa về, nhưng trong trí cô, những câu thơ cô chép cho anh đi theo cô gần cả đời người cứ hiện về. “Mà phố chiều nay cũng vắng người. Như lòng hoang vắng mãi không thôi. Sầu xưa thức dậy trên vai nhỏ. Về ướt lòng tay nửa tiếng cười…”
Lòng cô buồn như chưa từng. Cô có cảm giác như mình không vừa tiễn đưa người anh mới qua đời, mà cô đang tiễn cả quãng quá khứ thân yêu của mình về tuyệt đối. Cô lại muốn bật khóc. Cô nghĩ đến nửa tiếng cười đã héo úa, dẫu muốn toát ra trên môi, mà không hiểu sao thấy giống như hơn nửa cuộc đời, đã nghẹn mãi trong lòng,
Hoàng Nga
http://vvnm.vietbao.com/a246206/sau-xua-thuc-day