Sài Gòn sau tháng 4/1975 qua con mắt của 1 thanh niên miền bắc, người sau này trở thành nhà văn nổi tiếng Nguyễn Quang Lập !
…..
Mãi tới ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi mới biết thế nào là ngày sinh nhật. Quê tôi người ta chỉ quan tâm tới ngày chết, ngày sinh nhật là cái gì rất phù phiếm. Ngày sinh của tôi ngủ yên trong học bạ, chỉ được nhắc đến mỗi kì chuyển cấp. Từ thuở bé con đến năm 19 tuổi chẳng có ai nhắc tôi ngày sinh nhật, tôi cũng chẳng quan tâm.
Đúng ngày “non sông thu về một mối” tôi đang học Bách Khoa Hà Nội, cô giáo dạy toán xác suất đã cho hay đó cũng là ngày sinh nhật của tôi. Thật không ngờ. Tôi vui mừng đến độ muốn bay vào Sài Gòn ngay lập tức, để cùng Sài Gòn tận hưởng “Ngày trọng đại”.
Kẹt nỗi tôi đang học, ba tôi không cho đi. Sau ngày 30 tháng 4 cả nhà tôi đều vào Sài Gòn, trừ tôi. Ông bác của tôi dinh tê vào Sài Gòn năm 1953, làm ba tôi luôn ghi vào lý lịch của ông và các con ông hai chữ “đã chết”, giờ đây là triệu phú số một Sài Gòn.
Ba tôi quá mừng vì ông bác tôi còn sống, mừng hơn nữa là “triệu phú số một Sài Gòn”. Ông bác tôi cũng mừng ba tôi hãy còn sống, mừng hơn nữa là “gia đình bảy đảng viên cộng sản”. Cuộc đoàn tụ vàng ròng và nước mắt. Ông bác tôi nhận nước mắt đoàn viên bảy đảng viên cộng sản, ba tôi nhận hơn hai chục cây vàng đem ra Bắc trả hết nợ nần còn xây được ngôi nhà ngói ba gian hai chái. Sự đổi đời diệu kì.
Dù chưa được vào Sài Gòn nhưng tôi đã thấy Sài Gòn qua ba vật phẩm lạ lùng, đó là bút bi, mì tôm và cassette của thằng Minh cùng lớp, ba nó là nhà thơ Viễn Phương ở Sài Gòn gửi ra cho nó. Chúng tôi xúm lại quanh thằng Minh xem nó thao tác viết bút bi, hồi đó gọi là bút nguyên tử.
Nó bấm đít bút cái tách, đầu bút nhô ra, và nó viết. Nét mực đều tăm tắp, không cần chấm mực không cần bơm mực, cứ thế là viết. Chúng tôi ai nấy há hốc mồm không thể tin nổi Sài Gòn lại có thể sản xuất được cái bút tài tình thế kia.
Tối hôm đó thằng Mình bóc gói mì tôm bỏ vào bát. Tưởng đó là lương khô chúng tôi không chú ý lắm. Khi thằng Minh đổ nước sôi vào bát, một mùi thơm rất lạ bốc lên, hết thảy chúng tôi đều nuốt nước bọt, đứa nào đứa nấy bỗng đói cồn cào.
Thằng Minh túc tắc ăn, chúng tôi vừa nuốt nước bọt vừa cãi nhau. Không đứa nào tin Sài Gòn lại có thể sản xuất được đồ ăn cao cấp thế kia. Có đứa còn bảo đồ ăn đổ nước sôi vào là ăn được ngay, thơm ngon thế kia, chỉ giành cho các du hành vũ trụ, người thường không bao giờ có.
Thằng Minh khoe cái cassette ba nó gửi cho nó để nó học ngoại ngữ. Tới đây thì tôi bị sốc, không ngờ nhà nó giàu thế. Với tôi cassete là tài sản lớn, chỉ những người giàu mới có. Năm 1973 quê tôi lần đầu xuất hiện một cái cassete của một người du học Đông Đức trở về. Cả làng chạy đến xem máy ghi âm mà ai cũng đinh ninh đó là công cụ hoạt động tình báo, người thường không thể có.
Suốt mấy ngày liền, dân làng tôi say sưa nói vào máy ghi âm rồi bật máy nghe tiếng của mình. Tôi cũng được nói vào máy ghi âm và thất vọng vô cùng không ngờ tiếng của tôi lại tệ đến thế. Một ngày tôi thấy tài sản lớn ấy trong tay một sinh viên, không còn tin vào mắt mình nữa. Thằng Minh nói, rẻ không à. Thứ này chỉ ghi âm, không có radio, giá hơn chục đồng thôi, bán đầy chợ Bến Thành.
Không ai tin thằng Minh cả. Tôi bỉu môi nói với nó, cứt! Rứa Sài Gòn là tây à? Thằng Mình tủm tỉm cười không nói gì, nó mở casete, lần đầu tiên chúng tôi được nghe nhạc Sài Gòn, tất cả chết lặng trước giọng ca của Khánh Ly trong Sơn ca số 7. Kết thúc Sơn ca số 7 thằng Hoan bỗng thở hắt một tiếng thật to và kêu lên, đúng là Tây thật bay ơi!
Sài Gòn là Tây, điều đó hấp dẫn tôi đến nỗi đêm nào tôi cũng mơ tới Sài Gon. Kì nghỉ hè năm sau, tháng 8 năm 1976, tôi mới được vào Sài Gòn. Ba tôi vẫn bắt tôi không được đi đâu, “ở nhà học hành cho tử tế”, nhưng tôi đủ lớn để bác bỏ sự ngăn cấm của ông. Hơn nữa cô họ tôi rất yêu tôi, đã cho người ra Hà Nội đón tôi vào.
Xe chạy ba ngày ba đêm tôi được gặp Sài Gòn.
Tôi sẽ không kể những gì lần đầu tôi thấy trong biệt thự của ông bác tôi, từ máy điều hòa, tủ lạnh, ti vi tới xe máy, ô tô, cầu thang máy và bà giúp việc tuổi năm mươi một mực lễ phép gọi tôi bằng cậu. Ngay mấy cục đá lạnh cần lúc nào có ngay lúc đó cũng đã làm tôi thán phục lắm rồi. Thán phục chứ không ngạc nhiên, vì đó là nhà của ông triệu phú. Xin kể những gì buổi sáng đầu tiên tôi thực sự gặp gỡ Sài Gòn.
Khấp khởi và hồi hộp, rụt rè và cảnh giác, tôi bước xuống lòng đường thành phố Sài Gòn và gặp ngay tiếng dạ ngọt như mía lùi của bà bán hàng tạp hóa đáng tuổi mạ tôi. Không nghĩ tiếng dạ ấy giành cho mình, tôi ngoảnh lại sau xem bà chủ dạ ai. Không có ai. Thì ra bà chủ dạ khách hàng, điều mà tôi chưa từng thấy.
Quay lại thấy nụ cười bà chủ, nụ cười khá giả tạo. Cả tiếng dạ cũng giả tạo nhưng với tôi là trên cả tuyệt vời. Từ bé cho đến giờ tôi toàn thấy những bộ mặt lạnh lùng khinh khỉnh của các mậu dịch viên, luôn coi khách hàng như những kẻ làm phiền họ. Lâu ngày rồi chính khách hàng cũng tự thấy mình có lỗi và chịu ơn các mậu dịch viên. Nghe một tiếng dạ, thấy một nụ cười của các mậu dịch viên dù là giả tạo cũng là điều không tưởng, thậm chí là phi lí.
Tôi mua ba chục cái bút bi về làm quà cho bạn bè. Bà chủ lấy dây chun bó bút bi và cho vào túi ni lông, chăm chút cẩn thận cứ như bà đang gói hàng cho bà chứ không phải cho tôi. Không một mậu dịch viên nào, cả những bà hàng xén quê tôi, phục vụ khách hàng được như thế, cái túi nilon gói hàng càng không thể có. Ai đòi hỏi khách hàng dây chun buộc hàng và túi nilon đựng hàng sẽ bắt gặp cái nhìn khinh bỉ, vì đó là đòi hỏi của một kẻ không hâm hấp cũng ngu xuẩn.
Giờ đây bà chủ tạp hóa Sài Gòn làm điều đó hồn hậu như một niềm vui của chính bà, khiến tôi sửng sốt.
Cách đó chưa đầy một tuần, ở Hà Nội tôi đi sắp hàng mua thịt cho anh cả. Cô mậu dịch viên hất hàm hỏi tôi, hết thịt, có đổi thịt sang sườn không? Dù thấy cả một rổ thịt tươi dưới chân cô mậu dịch viên tôi vẫn đáp, dạ có! Tranh cãi với các mậu dịch viên là điều dại dột nhất trần đời. Cô mậu dịch viên ném miếng sườn heo cho tôi. Cô ném mạnh quá, miếng sườn văng vào tôi.
Tất nhiên tôi không hề tức giận, tôi cảm ơn cô đã bán sườn cho tôi và vui mừng đã chụp được miếng sườn, không để nó rơi xuống đất. Kể vậy để biết vì sao bà chủ tạp hóa Sài Gòn đã làm tôi sửng sốt.
Rời quầy tạp hóa tôi tìm tới một quán cà phê vườn. Uống cà phê để biết, cũng là để ra dáng ta đây dân Sài Gòn. Ở Hà Nội tôi chỉ quen chè chén, không dám uống cà phê vì nó rất đắt. Tôi ngồi vắt chân chữ ngũ nhâm nhi cốc cà phê đen đá pha sẵn, hút điếu thuốc Capstan, tự thấy mình lên hẳn mấy chân kính. Không may tôi vô ý quờ tay làm đổ vỡ ly cà phê. Biết mình sắp bị ăn chửi và phải đền tiền ly cà phê mặt cậu bé hai mươi tuổi đỏ lựng.
Cô bé phục vụ chạy tới vội vã lau chùi, nhặt nhạnh mảnh vỡ thủy tinh với một thái độ như chính cô là người có lỗi. Cô thay cho tôi một ly cà phê mới nhẹ nhàng như một lẽ đương nhiên. Tôi thêm một lần sửng sốt.
Một giờ sau tôi quay về nhà ông bác, phát hiện sau nhà là một con hẻm đầy sách. Con hẻm ngắn, rộng rãi. Tôi không nhớ nó có tên đường hay không, chỉ nhớ rất nhiều cây cổ thụ tỏa bóng sum sê, hai vỉa hè đầy sách.
Suốt buổi sáng hôm đó tôi tha thẩn ở đây. Quá nhiều sách hay, tôi không biết nên bỏ cuốn gì mua cuốn gì. Muốn mua hết phải chất đầy vài xe tải. Giữa hai vỉa hè mênh mông sách đó, có cả những cuốn sách Mác – Lê. Cuốn Tư Bản Luận của Châu Tâm Luân và Hành trình trí thức của Karl Marx của Nguyễn Văn Trung cùng nhiều sách khác.
Thoạt đầu tôi tưởng sách từ Hà Nôi chuyển vào, sau mới biết sách của Sài Gòn xuất bản từ những năm sáu mươi. Tôi hỏi ông chủ bán sách, ở đây người ta cũng cho in sách Mác – Lê à? Ông chủ quán vui vẻ nói, dạ chú. Sinh viên trong này học cả Mác – Lê. Tôi ngẩn ngơ cười không biết nói gì hơn.
Chuyện quá nhỏ, với nhiều người là không đáng kể, với tôi lúc đó thật khác thường, nếu không muốn nói thật lớn lao. Tôi không cắt nghĩa được đó là gì trong buổi sáng hôm ấy. Tôi còn ở lại Sài Gòn thêm 30 buổi sáng nữa, vẫn không cắt nghĩa được đó là gì.
Nhưng khi quay ra Hà Nội tôi bỗng sống khác đi, nghĩ khác đi, đọc khác đi, nói khác đi. Bạn bè tôi ngày đó gọi tôi là thằng hâm, thằng lập dị. Tôi thì rất vui vì biết mình đã được giải phóng.
NGUYỄN QUANG LẬP
SAIGON Đã Giải Phóng Tôi
(Trần Mạnh Hảo)
Không phải bây giờ, sau 46 năm từ rừng Lộc Ninh vào Sài Gòn, mà ngay lúc đi trên những con đường ngùn ngụt khói đốt sách cuối tháng 5-1975, tôi đã khóc, làm dấu thánh giá lạy Thiên Chúa cứu chúng con, đã biết chính kho sách của Sài Gòn đang bị đốt đã giải phóng tôi, cứu tôi ra khỏi địa ngục ngu dốt.
Xin được giấy giới thiệu của của ủy ban quân quản thành phố : “giới thiệu nhà báo, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đến khắp các vỉa hè đang đốt sách tìm sách cho đồng chí viết báo tố cáo sách vở độc hại của Mỹ -ngụy, xin các tổ dân quân tự vệ, các phường khóm giúp đỡ đồng chí hoàn thành nhiệm vụ đảng giao phó”…Tưởng đồng chí Tần Thủy Hoàng đã sống lại từ 2300 năm trước, chợt tiến vào giải phóng thành đô này và ra lệnh đốt hết Sách Khami Long.
Sáng sớm ngày 1-5-1975, cùng với nhà thơ Lâm Huy Nhuận, tôi đã đến đường Xóm Chiếu quận bốn tìm ra nhà cô ruột tôi. Ông nội tôi Trần Văn Sinh và gia đình chú ruột Trần Văn Hào đã lên kịp chuyến tàu cuối cùng chạy khỏi Sài Gòn trưa ngày 29-4-1975…Trưa ngày 1-5-1975 cô chú Tiễu chở tôi và Lâm Huy Nhuận đến thăm chú Doanh có tiệm thuốc tây mặt tiền đường Cách Mạng ( bây giờ là đường Nguyễn Văn Trỗi). Chú thím Doanh cùng ôm chặt lấy tôi khóc hết nước mắt. Xong, chú lột chiếc đồng hồ Rado đắt tiền đeo vào tay tôi, nhưng vì mặc cảm, tôi không lấy. Chú còn cho tôi cả xe Honda nhưng tôi cũng không lấy. Chú hỏi thăm anh ruột là bố tôi, hỏi quê ta có ti vi không, có radio không, tôi lắc đầu. Chú hỏi Bình Hải ta có điện không ? Tôi vì mặc cảm thắng trận, sĩ diện nói dối một cách chân thành có điện cả rồi, thưa chú.
Lạ lùng thay, sau cuộc chiến 21 năm, bên thua trận có mặc cảm thua trận. Bên thắng cuộc cũng có mặc cảm thắng trận. Thấy Sài Gòn tráng lệ và giàu có quá, các chú lính con nhà nghèo từ các vùng nông thôn khỉ ho cò gáy thấy mình và phe mình thua thiệt quá, bèn gồng mình lên kiêu ngạo, nói dối vì mặc cảm tự ti.
Đến nhà bà con “ngụy quân ngụy quyền” thấy nhà cửa sang trọng, xe hơi, ti vi, tủ lạnh, dàn máy khủng nghe nhạc Akai, xe honda ba bốn chiếc, choáng ngợp, chú thím hay bác “ngụy” hỏi quê ta có ti vi không, trả lời ứa, có tủ lạnh không nói ứa, tủ lạnh chạy đầy đường. Chú bác cô dì bên “ngụy” biết tỏng thằng cháu khố rách áo ôm nói dóc, bèn hỏi xỏ lá : vậy làng ta có Alain Delon không ? Ứa, chạy đầy đường ! ( Alain Delon – nam tài tử điện ảnh đẹp trai người Pháp)
Trưa 2-5-1975, tôi đến tổng hội sinh viên ở 4-Duy Tân Sài Gòn gặp các bạn : Bửu Chỉ ( còn mặc bộ bà ba đen ở tù), Lê Văn Nghĩa ( vừa mất), Nguyễn Duy Hiền, Trần Đình Sơn Cước…Tôi bảo Nghĩa ơi, cho mình tắm cái, 10 ngày nay mình chưa tắm. Nghĩa dẫn tôi vào toilet, mở vòi nước là tắm được. Quân giết người, tôi vừa mở vòi tắm, nước nóng như sôi ào xuống lột da tôi. Tôi gào lên Nghĩa ơi, mày giết chết tao rồi, bọn Mỹ ngụy ác quá, đi khỏi rồi mà còn gài nước sôi để giết chết Việt cộng. Nghĩa chạy vô nói xin lỗi, tôi quên hướng dẫn cho ông. Rồi Nghĩa chỉ cho tôi cụ thể đây là mở vòi lạnh, kia là vòi nóng, hòa trộn cho nóng lạnh vừa đủ mới tắm nghe chưa, quân ngố rừng. Tôi bảo thì tao vừa ở rừng về mà, không ngố mới là lạ.
Tối 3-5-1975, tôi và nhà thơ Thu Bồn được thành đoàn mời đến nhà văn hóa Thanh Niên ( chỗ tôi tắm nước sôi) đọc thơ . Cả ngàn nữ sinh viên áo dài trắng, nam sinh viên áo trắng quần tây xanh vỗ tay như sấm nghe thơ Việt cộng. Đến lượt mình, trước khi đọc thơ, tôi nói : “ Thưa các bạn sinh viên, ba hôm nay được sống trong Sài Gòn giải phóng, tôi vui vô cùng. Lạ lùng nhất là chế độ Mỹ Ngụy thối nát, xấu xa nhưng sao trẻ em, học trò, sinh viên của Sài Gòn ngoan hiền quá, đẹp quá, không chửi địt mẹ như thanh niên ngoài Bắc…”
Chỉ nói vậy thôi mà chi bộ nghe lệnh cục chính trị miền kiểm điểm khai trừ TMH ra khỏi đảng; vì mới vào Sài Gòn 3 ngày đã mất lập trường, đã ca ngợi Mỹ Ngụy, đã nói xấu chế độ tốt đẹp của ta. May quá, chi bộ toàn anh em nhà văn nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ do nhạc sĩ Xuân Hồng làm bí thư chi bộ không khai trừ đảng tôi, chỉ bị cảnh cáo ghi lý lịch.
Rồi hai ông anh : Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu từ Hà Nội vào, tôi được hai anh nhờ đi cùng xe Jeep tham quan Sài Gòn. Có nhiều lần hai ông anh nhà văn không muốn tôi nghe, bèn nói tiếng Pháp với nhau. Sau này, tôi hỏi anh Khải, anh với anh Châu coi thường em út, khó chơi quá, đi cùng xe mà nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, tuy biết em mù Pháp ngữ là anh đểu. Anh Khải cười hì hì, nói : hồi ấy tao với thằng Châu nói với nhau “rất phản động”, sợ mày nghe, mày mét cục chính trị miền thì bỏ bố chúng tao. Rồi anh bảo, thằng Châu nó khen thành phố Sài Gòn đẹp hết sức, người Sài Gòn đẹp đẽ lịch sự văn minh gấp mấy Hà Nội mọi rợ của ta. Thằng Châu bảo, xưa nay man di thắng văn minh không à ! Châu lại bảo Sài Gòn nó giải phóng mày với tao Khải ạ, không phải ngược lại đâu…
Sau này Nguyễn Minh Châu viết bài báo : “Lời ai điếu cho một nền văn học minh họa”, Nguyễn Khải viết hai tiểu luận tuyệt vời sâu sắc, chống cộng một cách trí thức : “Nghĩ muộn” và “ Đi tìm cái tôi đã mất”… ĐẢNG TA cực kỳ căm thù hai ông Khải và Châu, nhưng vẫn phải trao giải thưởng văn học Hồ Chí Minh cho hai ông mãnh này….
————————————————————————-
Nhật Ngân Và “Anh Giải Phóng Tôi Hay Tôi Giải Phóng Anh?”
Huỳnh Duy Lộc
Nhật Ngân tên thật là Trần Nhật Ngân, sinh ngày 24 tháng 11 năm 1942 tại Thanh Hóa, là con út trong một gia đình có 6 người con đã theo cha mẹ di cư vào Nam năm 1954. Thân sinh ông là một công chức thường di chuyển nhiều nên Nhật Ngân đã sống ở nhiều nơi như Huế, Đà Nẵng. Về sau, ông cùng mẹ vào Sài gòn, theo chân các anh chị đã vào đây từ trước, khi cha ông qua đời đã lâu.
Vào Sài gòn, ông theo học tại trường Võ Trường Toản, đến khi có bằng tú tài, ông trở ra Đà Nẵng dạy Việt văn và âm nhạc tại trường Phan Thanh Giản. Thời gian ở Ðà Nẵng và Huế, ông đã đến với âm nhạc qua sự chỉ dẫn của các linh mục rồi sau đó, khi vào Sài gòn, ông được sự hướng dẫn của những người thân trong dòng họ như nhạc sĩ Ðỗ Thế Phiệt và nhạc sĩ Nhật Bằng. Theo lời ông, lẽ ra ông đã trở thành một nhạc công đàn violon như người em họ là Nhật Hiền, nhưng vì gia đình quá nghèo, không đủ khả năng mua cho ông nhạc cụ này nên ông đã quyết định thôi học đàn, đi vào con đường sáng tác.
Ca khúc đầu tay của ông là “Tôi đưa em sang sông” viết về một mối tình không thành như lời kể của ông: “Khi trở về dạy học ở Ðà Nẵng, tôi có một người yêu, mà thời đó với các gia đình ở miền Trung, phải có chức phận thì họ mới gả con gái cho mình. Thế nhưng thuở đó, tôi chỉ là người dạy học, nhất là còn trẻ lắm, nên gia đình cô ấy không chịu gả và cô ấy đi lấy chồng“. “Tôi đưa em sang sông” đã trở thành một ca khúc được giới học sinh, sinh viên Ðà Nẵng yêu thích, chép tay chuyền cho nhau hát.
Sau đó, ông gởi ca khúc này vào Sài gòn, nhờ nhạc sĩ Y Vân phổ biến giùm. Y Vân đã sửa đổi một vài chữ trong bản nhạc cho hợp với đường lối của Bộ Thông tin lúc bấy giờ là không cho phép phổ biến những nhạc phẩm ủy mị. Khi phát hành, “Tôi đưa em sang sông” đề tên hai tác giả là Trần Nhật Ngân và Y Vũ, em trai của Y Vân.
Năm 1965, ông nhập ngũ, về làm việc tại Cục Tâm lý chiến, rồi chuyển về làm trưởng ban văn nghệ tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung cho đến năm 1975. Thời kỳ này, ông đã viết nhiều ca khúc về người lính như “Người tình và quê hương”, “Lính xa nhà”, “Mùa xuân của mẹ”, ”Xuân này con không về”…
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông chậm chân lên tàu để di tản nên có những trải nghiệm trong 7 năm về chế độ mới ở miền Nam. Thỉnh thoảng ông cùng với một số nghệ sĩ cùng hoàn cảnh đi trình diễn ở nhiều nơi. Năm 1982, ông rời Việt Nam một mình, ở trại tỵ nạn Sikiu của Thái Lan cho đến năm 1984 mới nhập cảnh vào Mỹ, được nữ ca sĩ Thanh Thúy bảo trợ để về sống ở phía Bắc Hollywood. Một thời gian sau, ông dời xuống Orange County ở chung với nghệ sĩ Nguyễn Long trong khi chờ ngày đoàn tụ với vợ con.
Sinh hoạt âm nhạc của cộng đồng người Việt vào thời kỳ ông định cư tại Mỹ chưa thật sự phong phú nên ông xoay qua làm báo khi được nhà văn Hoài Điệp Tử mời về cộng tác với báo Mai. Đến khi phong trào phim bộ bùng phát và những trung tâm âm nhạc của người Việt ra đời, Nhật Ngân cũng như nhiều nhạc sĩ khác đã có cơ hội hoạt động theo sở trường của mình. Ông đặt lời cho những bản nhạc trong phim bộ hay đặt lời Việt cho những ca khúc ngoại quốc như “Xin cho một nụ cười” do Ôn Triệu Luân (Wen Zhao Lun) trình bày trong bộ phim Hoa ngữ “Vòng lửa hoa hồng” (1992) của hãng phim TVB, “Cuộc đời phù du” trong bộ phim Hoa ngữ “Máu nhuộm bến Thượng Hải “, “So viele Lieder sind in mir” (Hạnh phúc nơi nào) của Đức và “Je ne pourrais jamais t’oublier” của Pháp.
Đến khi sinh hoạt âm nhạc ở hải ngoại khởi sắc trở lại, ông có cảm hứng để tiếp tục sáng tác nhạc và số ca khúc ông viết được nhiều gấp 3 lần số ca khúc viết ở trong nước. Ông từ trần ngày 21 tháng 1 năm 2012 ở tuổi 70 tại California.
Van Hoang
CẢM ƠN TỪ ĐÁY LÒNG
@Trần Hiếu
Tôi Bắc kỳ xin nói thật cho các bác miền Nam biết là nhờ có giải phóng nên dân Bắc chúng tôi mới biết cái quạt Hitachi của Nhật nó như một nàng tiên đứng cạnh cái quạt Con Cóc ghẻ còn gọi là quạt 35 đồng do miền Bắc sản xuất.
Mới biết được có cái đài chạy băng catssete + cái AKai chạy băng cối lại cất giữ được giọng hát chất lượng cao của mấy cô ca sĩ trong sợi băng từ. Mới biết đôi dép sì bô đế cao đi êm và nhẹ. Mới biết được mái tóc phụ nữ có thể làm xoăn kiểu uýt bi cho đẹp hơn buộc kiểu đuôi gà. Mới biết được gói bột gặt VISO hòa vào nước để ngâm cho dễ giặt chứ không phải luộc quả bồ hòn để lấy nước giặt hay dùng bánh xà phòng 72% của Liên Xô thâm thì cứng ngắc đáp chết chó mèo.
Mới biết được dân miền Nam đi xe máy và ô tô nhiều hơn xe đạp. Mới có được những đồ chơi bằng nhựa như búp bê nhắm mở mắt, ô tô, máy bay, chú ếch xanh chạy cót tinh xảo cho trẻ em.
Và đặc biệt hơn là mới biết được có cái nhà xý rất hay có thể làm chung cùng nhà tắm và chỉ cần xả nước một cái là sạch sẽ không mùi chứ không như cái nhà xý lộ thiên đầy ruồi nhặng mà mỗi lần đí đại tiện xong lại phải ra đầu gió đứng 15 phút để gió thổi bớt mùi đí rồi mới dám vào nhà không thì mọi người lại tưởng mình vừa đi ăn lẩu thập cẩm đó là chưa nói tới cái khoản phải có kỹ năng vò nát tờ giấy vở để nó tơi và mềm ra thì mới có cái mà chùi các bác ạ ! Vì làm chó gì có giấy chuyên dùng cho vấn đề này.
Trước 30/4 /1975 ngồi nhà đèn dầu nghe loa phát thanh tuyên truyền các bác miền Nam khổ lắm bị chính quyền dồn vào ấp chiến lược khống chế quyền tự do đi lại rồi bị áp bức đói khổ mà chúng tôi đau lòng và cứ thương các bác miền Nam quá !
Té ra chúng tôi ăn khoai sắn nằm ổ rơm hút thuốc lào nghe loa công cộng tối ngủ nóng hết cả bụng lẫn cổ họng lại đi thương các bác ăn cơm thịt bò cá kho tộ nằm đệm mút máy lạnh xem ti vi nghe nhạc trữ tình.
Thôi thì hoàn cảnh giờ nó vậy lỗi do CS nó đang trong giai đoạn tiến hóa thành người nên có đối xử với các bác chẳng ra sao cả.
Chứ dân đen ngoài Bắc chúng tôi đâu có sung sướng gì, cuộc sống đói khổ mù mịt thông tin, nghèo nàn văn hóa bị CS khống chế sổ mùn sổ gạo ép ra chiến trường rồi sinh Bắc tử Nam đau thương cũng ngút ngàn sống không bằng chết.
Nhưng trong tâm trí rất nhiều người dân Bắc chúng tôi luôn cảm ơn miền Nam đã giải phóng chúng tôi khỏi cái tầm nhìn tăm tối, bớt đi cái khổ phần nào vì đống tài sản khổng lồ của miền Nam đã được chuyển nhiều ra Bắc cùng lượng hàng hóa phục vụ đời sống nhất là đồ nhựa và linh kiện phụ tùng xe đạp do miền Nam mặc dù bị CS chủ trương tiêu diệt tư bản tư doanh nhưng vẫn cố gồng mình sản xuất để những người làm thương mại mà ngoài Bắc thời đó gọi là con buôn, con phe đưa ra ngoài Bắc góp phần cải thiện hẳn đời sống dân Bắc chúng tôi.
Nếu viết tiếp thì còn dài miên man lắm các bác ạ. Nhưng chỉ cần chừng đó thôi cũng đủ để tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài hai chữ Cảm Ơn xuất phát từ đáy lòng !
Trần Hiếu