Người bạn trẻ Lưu Na viết “Phan Nhật Nam giữa chúng ta”. Đọc xong, tôi đã cảm thấy trong lòng một nỗi vui. Lưu Na là một người trẻ thuộc về “thế hệ chỉ ngửi mùi thuốc súng, chỉ nghe âm vang đạn bom đì đùng”. Trong khi đó, Phan Nhật Nam (và tôi) “là thế hệ ở trong chiến tranh, mùi thuốc súng ấy là từ thứ vũ khí chúng tôi cầm trên tay tạo ra, âm vang đì đùng ấy là của bom đạn trút xuống trên giải đất tên gọi Việt Nam từng ngày suốt một đời chúng tôi sinh ra và lớn lên. Không bao giờ đứt đoạn. Không bao giờ. Vang vọng tới hôm nay cho dẫu buổi cuối đời nơi đất lạ . . . “.
Thế là Phan Nhật Nam đã bắc được chiếc cầu nối liền hai thế hệ, qua những tác phẩm viết về chiến tranh, trong đó, vị trí của “Dấu Binh Lửa”, tác phẩm đầu tay của ông viết khi mới vừa trên 20 tuổi, có chỗ đứng riêng biệt. Theo nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh “bút ký chiến tranh Dấu Binh Lửa đã gây nên rất nhiều phản ứng trong giới cầm bút. Nhà thơ Đỗ Quý Toàn đã cho rằng đây là một kiệt tác viết về chiến tranh. Nhà báo Chu Tử cũng phát biểu như thế. Những dòng chữ, viết bằng máu và mồ hôi của một chiến trận có thực và những phẫn nộ có thực đã thuyết phục được người đọc. Đến nỗi, những người cầm bút phía đối nghịch bên kia như Tô Hoài và Nguyễn Tuân cũng phải nhận rằng quả thực Phan Nhật Nam đã viết tác phẩm của mình bằng máu, nhưng là một loại máu bị nhiễm độc. Và, khi chấm dứt chiến tranh, Phan Nhật Nam đã nếm biết bao nhiêu đòn thù, với những ngày biệt giam dài dằng dặc. . .” ( Dấu Binh Lửa – Nguyễn Mạnh Trinh ).
Trong Lời Mở Đầu, Người lính 26 tuổi với 8 năm lính đã viết “hai mươi sáu tuổi – tám năm lính để lại gia tài trăm trang giấy! Có một vị đắng ở đầu lưỡi. Nhưng nói cùng ai?. . . Lẽ tất nhiên một cuốn bút ký không thể nào nằm dưới kìm kẹp của ý thức luân lý bình thường được, hơn nữa bút ký về cuộc chiến tranh nhọc nhằn. Nhưng nhìn thấy toàn bộ những điều đã viết chỉ có một nỗi hằn học, uất hận nên tự hỏi rằng có quá đáng hay không? Thấy đàn trẻ đi thi tú tài, nhớ lại mười năm trước cũng ở trong nguồn trong sáng đó, thế tại sao có những đổi thay tàn bạo và quá đáng như kia? . . .” (Phan Nhật Nam -Dấu Binh Lửa – Lời Mở Đầu )
Cũng như tác phẩm lừng danh “Mùa Hè Đỏ Lửa” sau này, tác phẩm đầu tay “Dấu Binh Lửa” của Phan Nhật Nam là một tập bút ký chiến tranh, viết về cuộc chiến ở một giai đọan sôi động nhất, vừa với tư cách người trong cuộc, vừa với tư cách người chứng lịch sử.
Bút ký, có nghĩa là ghi lại những sự kiện có thật, người viết mắt thấy tai nghe, vì thế giá trị nhân chứng rất cao, nhất là với ngòi viết tỉnh táo, đầy ắp lý tưởng yêu nước thực sự (chứ không vì công tác tuyên truyền, hoặc biện minh cho chính nghĩa của bên mình đang mặc cùng màu áo) của một thanh niên ý thức rất rõ trách nhiệm của mình trước nỗi thống khổ của người dân trong thời chiến, của bạn bè cùng trang lứa đang lao mình vào lửa đạn với lòng hy sinh trong sáng.
Hơn thế nữa, bút ký “Dấu Binh Lửa” được ghi lại vào giai đọan mà người viết chưa bị bầm dập vì “những đụng chạm”, chưa bị những “khôn ngoan đời thường” đóng vai trò “tự kiểm duyệt chính mình” trước khi những con chữ rơi trên mặt giấy. Dẫu sao, ông cũng là một người lính, một con ốc trong cỗ xe quân đội với những quy định phải tuân thủ để tồn tại.
Vì thế, bút ký “Dấu Binh Lửa” rất thật. Thật đến độ tàn ác bất nhân, không chừa một chỗ trống nào trong ngõ ngách tâm hồn người đọc để anh ta có thể tìm vào vùi kín hai mắt hai tai như con đà điểu vùi đầu trong cát. Những trang viết “Dấu Binh Lửa” trừng trừng cái nhìn sắc như dao của ý thức con người, của ý thức người trai trong thời chiến, của ý thức người lính đang cầm súng xả đạn trên đầu kẻ thù (không biết mặt).
Hãy tưởng tượng người đọc là những thanh niên vừa lớn, nỗi ám ảnh của chiến tranh không một giây phút nào buông tha, hàng ngày đến lớp thấy bạn bè mình ngày một thưa dần. Chúng nó đã lên đường đi vào cuộc chiến.
Hãy tưởng tượng người đọc là một anh lính chiến, ngày đêm tắm mình trong lửa đạn, trái tim đau đớn nhìn đồng đội chung quanh thay nhau ngã xuống, thân xác mệt mỏi chỉ thèm một giấc ngủ yên lành, chỉ thèm một “cục nước đá” hoặc “vài cộng rau xanh”.
Hãy tưởng tượng người đọc là viên sĩ quan trẻ, chứng kiến những cái chết vô tội của người dân hiền lành, chẳng may lọt vào giữa khu vực tranh chấp, nhà cửa tài sản chắt chiu một đời biến thành đống đất vụn, con chết cháy, vợ bị thương, mẹ banh xác nằm gục bên cửa bếp còn ấm bữa cơm chiều chưa kịp dọn. Cái đau xót còn là không biết bom đạn bên nào đã gây nên thảm cảnh. Trên khắp cùng đất nước, những cảnh đau thương chết chóc ấy không phải chỉ xẩy ra ở một nơi, không phải chỉ xẩy ra một lần.
Những trang bút ký “Dấu Binh Lửa” không phải là tiểu thuyết viết về chiến tranh, nên những điều xẩy ra trong đó không phải là hư cấu. Chúng có thật, như cuộc chiến là có thật, như mấy triệu con người Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc đã chết trước khi có ngày 30 tháng 4 năm 1975 là có thật.
Ngày hôm nay, đã gần 40 năm tiếng súng không còn nổ nữa. Đọc lại “Dấu Binh Lửa” để làm gì? bới lại đống tro tàn đau khổ ấy để tiếp tục gậm nhấm vết thương lòng có đem lại được sự thanh thản để dễ dàng ra khỏi trần gian này hay không?
Riêng tôi, đối diện với thế hệ trẻ không phải kinh qua những đau xót một thời chiến tranh tù đày như mình, tôi muốn đọc lại “Dấu Binh Lửa” để chống mặt với cái ý thức của một thế hệ chiến tranh vẫn nghiêm khắc nhìn tôi như ngày nào 40 năm trước. Tôi muốn “dụ dỗ” những người trẻ cùng đọc lại với tôi để họ hiểu hơn một phần đời của thế hệ cha anh, mà thông cảm hơn cho những điều họ không hiểu nổi khi nhìn những kẻ sống sót chúng tôi đã đôi lúc quên đi “tội của mình” mà khi này khi khác có điều nọ điều kia. Tôi cũng muốn những anh em đồng đội của mình, đọc lại “Dấu Binh Lửa” để tự nhắc nhở chính mình, khi nhìn lại ngày hôm qua khổ nhọc, đừng chỉ thấy những khổ nhọc của riêng mình, mà hãy nhìn trái nhìn phải để thấy những khổ nhọc đau đớn của những người dân vô tội, bất kể ở bên này hay bên kia chiến tuyến; khi nhìn lại ngày hôm qua “vinh quang” , đừng chỉ nhìn thấy cái “anh hùng” của riêng mình để ngày nay xênh xang áo mão tưởng niệm, mà hãy nhìn phải nhìn trái để thấy lại những đồng đội của mình đã ngã vật xuống trên chiến trường, để nhớ lại cảm giác đau đớn của chính mình khi ôm xác bạn như những trang “Dấu Binh Lửa” đã ghi lại.
Với những ý nghĩ đó cứ lởn vởn trong đầu khi đọc Ghi Chép của Lưu Na, tôi đã nhờ người bạn trẻ liên lạc với nhà văn Phan Nhật Nam, xin phép ông cho trang T.Vấn & Bạn Hữu được đăng tải từng kỳ 25 đọan bút ký của “Dấu Binh Lửa”. Mỗi đọan bút ký ấy, có ngày tháng khác nhau, có những tên gọi khác nhau. Chúng ta có thể đọc đọan này, đọan khác mà không cần theo thứ tự trước sau.
Đọc mỗi đọan riêng rẽ, chúng ta còn có cơ hội ngưng lại để suy ngẫm. Suy ngẫm, để hành xử xứng đáng hơn với tư cách kẻ sống sót. Suy ngẫm, để hiểu lịch sử đúng đắn hơn, với tư cách người đời sau.
Đó là mục đích chính của trang T.Vấn & Bạn Hữu khi đăng lại bút ký chiến tranh “ Dấu Binh Lửa “ của nhà văn Phan Nhật Nam.
T.Vấn
Ngày 26 tháng 7 năm 2013
* *