Ông Chủ Tịch Huyện (Chu Lynh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Như bao cán bộ hoạt động bí mật, ông mang một bí danh. Ba Sơn.

Sau năm 1975, người ta gặp lại ông tại địa phương này. Hai mươi lăm năm trước, đó là thằng bé còm cỏi sống với người cha mắc bệnh suyển kinh niên. Mẹ nó biền biệt theo gánh hát tận miền Tây. Tên nó là Ròm. Sau khi cha mất, thằng Ròm lang thang vô định. Khi chăn bò cho người ta, khi bán cà rem trong các trường học. Nó không trụ một chỗ nào, không làm một việc gì lâu dài.

Một hôm thằng Ròm theo mấy thằng bạn đạp xe vào rừng bán cà rem cho thợ cưa. Kể cũng không bỏ công đạp xe hơn bốn cây số, toán thợ cưa bao luôn thùng cà rem của nó. Nó vui lắm, vì sáng bán ở trường học, chiều vào rừng bán cho thợ cưa là có tiền rủng rỉnh. Nó là thằng lớn nhất trong đám. Bà chủ xe ba lua thấy tội nghiệp khuyên nó bỏ nghề bán cà rem, vào rừng cưa củi kiếm nhiều tiền hơn. Nó suy nghĩ một lát rồi gật đầu.

Ðó là một ngày đáng nhớ trong đời thằng Ròm. Trong lúc cố đốn ngã một cây bằng lăng to tướng, dây xích chiếc cưa máy bị ép mạnh đứt giữa chừng cắt luôn ngón tay cái thằng Ròm. Máu từ bàn tay nó chảy xối xả. Ngay lúc đó, ba du kích từ một con đường mòn nào đó xuất hiện với vũ khí lăm lăm trên tay. Họ lấy ra cuộn băng cá nhân và băng bó cho nó.

Một tên ra lệnh cho bà chủ xe và toán thợ cưa ra khỏi rừng, họ nói khu vực này thuộc quyền kiểm soát của Mặt Trận Giải Phóng. Tên du kích cho hay thằng bé phải đưa về trạm xá để chửa trị. Từ ngày đó không còn ai thấy thằng Ròm nữa.

Thằng Ròm đi vào bưng. Cuộc đời nó bắt đầu thay đổi. Tánh nó lầm lì ít nói khiến nhiều đồng chí dè chừng. Thoạt đầu người ta đặt cho thằng Ròm một cái tên mới. Ba Cụt. Nhưng nhiều đồng chí thấy không ổn, vì trùng tên với một ông Ba Cụt nào đó ở miền Tây. Có kẻ đặt cho nó biệt danh “đồng chí Mén”, không ai hiểu thâm ý người đặt, có phải con chí con mén thường ẩn nấp rất kỹ, cắn rất đau và nguy hiểm. Sau cùng thằng Ròm mang cái tên Ba Sơn, đúng hơn là Ba Sơn Ðen, vì màu da nó tiệp với màu da người Miên.

Ba Sơn là cái tên vô danh tiểu tốt. Nhưng hai mươi lăm năm sau, khi miền Nam đã vào tay người cách mạng, thì tên Ba Sơn nổi như cồn. Danh ông còn vang ra ngoài Bắc. Bởi vì Ba Sơn là chủ tịch huyện Ð.L. Không phải ông nổi tiếng vì đạt nhiều thành tích phát triển lẩy lừng ở huyện Ð.L, hay ông đã thu phục được nhân tâm đa số người dân địa phương, mà ông nổi tiếng vì mẫu người cách mạng ngoại hạng về đường lối cai trị dân.

Dù tại nơi làm việc hay ngoài đường phố, có mặt ông hay không, mọi người đều răm rắp làm theo lời ông. Ðó là cái biệt tài lãnh đạo của ông. Dù ông không làm cho họ nễ phục, nhưng ông gieo rắc sợ hãi nơi họ. Làm trái lời ông, không ai đoán được phản ứng của ông. Biện pháp của ông khá độc, một khi ông trừng phạt, nạn nhân đừng hòng năn nỉ. Và nạn nhân cũng khó mà vấp phải lỗi lầm lần thứ hai.

Biệt tài thứ hai, tuy là chủ tịch huyện, nhưng ông ít có mặt tại văn phòng. Mọi việc đã có người khác lo. Trời sinh ra ông, không phải để ngồi trong bốn bức vách với giấy tờ và thủ tục. Mấy thứ đó làm ông nhức đầu. Trời sinh ra ông để đi sát với quần chúng, ngăn ngừa chống đối, và trừng phạt kẻ vi phạm. Ông giải quyết công việc theo sở thích và ngẩu hứng, chẳng theo nguyên tắc nào cả. Không ai dám phản ứng ra mặt. Có điều khó hiểu, hình như ông bí thư huyện, một chức vụ quyền uy của đảng lại có vẻ ngán ông chủ tịch huyện, có phải vì cái gốc của ông nằm chần dần ở trung ương, đụng tới ông là từ chết tới bị thương?

Trước năm 1975, ông lập gia đình với một người đàn bà tại Thị Nghè, trong thời kỳ ông hoạt động nội thành. Người đàn bà này không hề hay biết ông là cán bộ nằm vùng, cho đến khi cờ đỏ rợp phố phường, bà thấy ông lái chiếc jeep lùn về nhà với lá cờ Mặt Trận to tướng trên xe.

Căn nhà ở Thị Nghè được ông chủ tịch Ba Sơn sửa sang lại rất bề thế. Bà được ông chạy cho chức giám đốc khách sạn T.S, nằm ngay trung tâm huyện Ð.L. Hai vợ chồng gom về một nơi. Ông tạo thêm một cơ ngơi tại Ð.L. Ðó là căn nhà ngói đỏ chói rộng thênh thang bằng gổ quý. Ðộc đáo nhất là vườn tiêu trên hai ngàn nọc thẳng tắp, với hệ thống tưới nước bằng vòi sen cần mười nhân công mỗi ngày, là công trình quy mô nhất tại một huyện đổ nát tưởng như không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào sau chiến tranh.

Vì ông có tướng chân chạy, nên nơi đâu ông cũng có mặt. Ðám ma, đám giổ, đám hỏi, đám cưới, đám thôi nôi, đầy tháng, tân gia, sinh nhật, hể có đám là ông sốt sắng đến dự & miển phí. Ðược ông đến nhà kể như hiểu ngầm một sự che chở nào đó, cho dù ông chẳng bao giờ che chở cho ai cả.

Nhưng có một nơi mà ông thích đặt chân đến nhất là lộ trình của những chiếc xe đò dẫn về Sài Gòn. Chiếc Toyota trắng, tịch thu được của một chủ nhà máy xay năm 1976, là cái bóng của ông Ba Sơn, cũng là con ma của khách buôn chuyến. Ngày nào ông cũng có mặt trên quốc lộ ít nhất một lần. Làm như ông ghiền công việc này. Mỗi lần ông xuất hiện, y như rằng, một chiếc xe đò hay một chiếc xe thồ bị chận bắt. Hàng hoá trên xe bị tuôn sạch. Thứ gì ông ra lệnh cho thuộc quyền tịch thu đều là & hàng lậu.

Dọc theo quốc lộ từ huyện Ð.L về Sài Gòn, thỉnh thoảng có những đống hàng nằm bên đường cạnh các trạm kiểm soát cố định hay những địa điểm bất thường do các toán “đột xuất” tịch thu từ các xe đò. Cơ man nào là củi, gổ quý, nông sản. Những núi hang hóa này sẽ được chở về trạm thuế để sung vào công quỷ và chia thưởng cho nhân viên. Ðó là lý thuyết, nhưng trên thực tế, đêm đêm có những chiếc xe ba gác đến chở đi đâu đó bán lại cho các tay buôn.

Khách đi đường thường mục kích những cảnh lôi kéo, xô đẩy, chụp giựt, quát nạt hành khách của những tên quản lý thị trường hùng hổ, những tay công an mặt khinh khỉnh. Chúng lột sạch không chừa một ai, chúng sàm sỡ với đàn bà con gái, chúng như những sát thủ đuờng lộ, chẳng khác nào bọn thảo khấu ngày xưa.

Ba Sơn cũng chẳng quản nắng mưa lặn lội vào rừng sâu đập nát những lò than đang hun khói, tịch thu đồ nghề, bắt về làm “lao động xã hội chủ nghĩa” một hai tuần. Những tay thồ than luồn lách trong rừng để tránh các trạm kiểm soát cũng không thoát được tầm mắt Ba Sơn. Nồi cơm bị cướp tại chỗ.

Hôm nay cả nhà sẽ về Sài Gòn lo đám giổ người cha của ông. Vợ ông không chắc về được, vì bận công việc ở khách sạn. Dạo sau này bà có nhiều áp phe với dân buôn lậu biên giới, bà chỉ thích một thứ: thuốc lá Thái Lan. Thằng con trai thì ít khi đi chung với ông trong chiếc Toyota trắng. Có khi nào chiếc xe về Sài Gòn một lèo, gặp chiếc xe đò nào ông cũng khả nghi, mà tánh ông lại & ghiền khám xe. Nó nói ông là chủ tịch huyện, không nên dính vô những chuyện & lẻ tẻ. Thằng đó coi vậy mà khắc ông nhiều thứ. Nó sẽ về bằng chiếc Dream II cáo cạnh mới mua sau chuyến đua xe tháng trước, chiếc Dream I húc vào rừng cao su nát bấy. May mà nó còn sống với vết thẹo lớn trên má trái. Hơn nữa, nó có một việc quan trọng là trên đường đi sẽ đón con bồ mới ở T.L đưa về thành phố du hí. Chuyện đám giổ với nó là & chuyện nhỏ.

Thằng đó nói đúng. Khi chiếc xe Toyota vừa qua ngã ba ấp T.V, ông bảo tài xế quay lại và quẹo phải. Ba Sơn rất tinh mắt. Khuất sau mấy cây bạch đàn, là một chiếc xe đò. Xe đang chất hàng, chắc chắn là hàng lậu, vì một số người vừa vác vừa chạy những bao tải lấy từ những bụi rậm phía rừng chồi bên phải.

Không biết liên lạc bằng cách nào mà một tên quản lý thị trường và một tên công an có mặt kịp thời bên cạnh Ba Sơn. Chủ xe khép nép bên ông chủ tịch, phân bua đây chỉ là cám heo. Với con mắt sành sõi, ông qủa quyết chiếc xe có nhiều thứ để hốt. Ông ra lệnh cho chủ xe xổ hết các bao cám ra. Bên trong lớp cám heo là những gói tiêu hột. Hai tên gom lại những túi nylon thành một đống. Chủ hàng xót ruột đứng lặng nhìn, dư biết năn nỉ Ba Sơn cũng vô ích.

Ða số các bà các cô đều là dân buôn hàng chuyến, mỗi tuần đi vài lần. Gia đình họ trông nhờ vào nguồn lợi này, ngoài nghề làm rẩy của cánh đàn ông cong lưng suốt năm mà vẫn thiếu hụt. Nhưng không ít người đã trắng tay, sau khi bao nhiêu vốn liếng đổ vào đó bị hốt sạch.

Một tên hăng hái nhảy lên trần xe, gở tấm bạt trùm hàng ra. Chúng tuôn sạch từng bao điều, từng khúc củi. Ba Sơn rảo quanh, cúi xuống gỏ vào hầm xe. Ông còn lạ gì loại xe hai đáy. Làm sao qua mặt được hung thần quốc lộ Ba Sơn được. Chủ xe đến gần nói nhỏ gì đó với ông. Ba Sơn làm thinh, chỉ vào trong xe. Tên quản lý thị trường bước vào trong xe, mắt nhớn nhác. Hắn lôi ra từng túi xách, bất luận áo quần hay tư trang. Hắn sờ nắn từng bắp vế để xem hành khách có quấn hàng vào thân thể hay không. Một vài người to tiếng. Hắn tỉnh queo.

Sau khi đi một lượt khám xét hành khách, hắn khom người xuống lôi ra khỏi ghế băng mấy túi bao cát xen lẫn trong mớ củi bó. Một người đàn bà với cái bụng chắc là đến ngày nằm ổ, la lên. Bà nói hai bao hột điều của bà đem bán lấy tiền đi sanh ở Từ Dũ. Bà nói không ra hơi. Hắn như câm như điếc, lôi ra hai bao cát đựng hột điều, rồi quăng mạnh ra cửa sổ. Một bao bể, hột điều văng tứ tung.

Hết năn nỉ, bà chuyển qua giận dữ. Ba chưởi bới lũ vô nhân. Và bất ngờ bà lao ra khỏi cửa xe, giựt lấy cái bao còn nguyên, chạy nhanh về phía rừng chồi. Ba Sơn và hai tay thuộc hạ không đoán được phản ứng qúa nhanh của người đàn bà mang bầu. Ba Sơn hét lên với tên công an trên mui xe. Hắn nhảy phóc xuống, móc khẩu súng lục ra bắn chỉ thiên mấy phát. Hắn đuổi theo bà. Bà đã khuất trong đám chồi.

Nhưng người đàn bà mang nặng chờ ngày đẻ đau làm sao thoát được tên công an. Hắn đã nghe bà di chuyển sột soạt giữa đám chồi dầu lá to. Hắn nhào đến, không phải để giằng lấy bao hột điều mà để đá một cú mạnh vào cái bụng lớn của bà. Hắn đá liên tiếp vào mạng sườn. Bà ôm lấy cái bao tự vệ, vừa la hét vừa chưởi rủa. Nhưng cái bao không thể che chắn hết những cú đá của tên công an. Trong lúc bà lăn lộn đau đớn, như người say máu, hắn tung một cú đá vào chỗ độc của người phụ nữ.

 Một lúc sau, hắn bỗng nhận ra người đàn bà không còn kháng cự nữa. Máu từ đũng quần tuôn ra lai láng trên bao điều. Khi ông chủ tịch đến nơi, thì bà đã bất động, hai mắt trợn ngược nhìn ông. Bà đã tắt thở. Ông sửng sốt nhìn tên thuộc hạ. Nhìn vũng máu, ông buông ra câu chưởi thề. Ai bảo chú mày giết con mẹ?

Trở về chiếc xe, ông ra lệnh tài xế xe đò chở người đàn bà về bệnh viện. Ngày mai ông sẽ về huyện xử lý vụ việc. Người ta đoán được cách giải quyết của ông. Sẽ không có chuyện truy tố tội giết người của tên công an. Hắn sẽ làm bản báo cáo quy tội người đàn bà buôn lậu chống đối cán bộ đang làm nhiệm vụ. Nếu thân nhân biết điều, huyện sẽ cấp cho một cái hòm tình nghĩa. Ðể khỏi bị giam xe mười ngày vì chở hàng lậu, tài xế ngoan ngoản nghe lời ông chủ tịch.

Chủ tịch Ba Sơn tiếp tục hướng về Sài Gòn. Suốt chặng đường, ông vẫn chưa nguôi cơn giận.

Về đến Thị Nghè thì trời đã choạng vạng. Bước vào nhà, ông không thấy một ai. Hôm nay đám giổ cha của ông, hẳn bà con nội ngoại tề tựu đông đũ, sao lại vắng tanh? Ông linh cảm có chuyện bất thường. Một lúc sau, đứa cháu trên lầu bước xuống. Con bé cho hay, mọi người đang ở bệnh viện Gia Ðịnh. Cậu Hai bị thương. Nó không biết gì hơn.

Ông chạy nhanh vào bệnh viện. Nhân viên cho hay con ông không có tên trong sổ nhập viện. Chạy qua phòng cấp cứu, cũng không thấy con ông. Người ta cho hay có một thanh niên bị tai nạn xe gắn máy vừa đưa xuống nhà xác. Ba Sơn lạnh người. Ðến trước cửa nhà xác, ông thấy họ hàng ông đang đứng khóc. Thằng Hai chết rồi!

Ông bước vào nhà xác. Người ta chỉ cho ông một cái xác phủ khăn trắng. Kéo chiếc khăn từ từ ra khỏi đầu, ông giật mình lùi lại. Không phải con ông! Một khuôn mặt bầy nhầy kinh tởm, vùng mắt phải sưng tím lên, đầu tóc bê bết máu khô. Nhất định không phải con ông. Nhưng khi nhìn thấy vết thẹo trên má trái, ông hét lên. Ông kêu trời không biết mấy lần, ông chưởi thề cũng ngang ngữa. Thân nhân dìu ông ra khỏi phòng. Nhưng hình ảnh máu me của thằng con trai độc nhất vẫn cứ bám lấy ông.

Ông đến gặp Ban Giám Ðốc bệnh viện. Chưa bao giờ người ta nghe ông ăn nói nhỏ nhẹ như hôm nay. Xin các đồng chí sửa lại khuôn mặt thằng con tôi. Tốn bao nhiêu tiền tôi cũng chịu.

Thắp ba nén nhang trước tấm ảnh người cha, ông chậm rãi ngồi xuống chiếc ghế cẩm lai chạm trổ cầu kỳ trong phòng khách. Ngoài kia, khu phố đã lên đèn. Ông ngồi một mình, choáng váng và xao động dữ dội, người chùng xuống như rơi xuống đáy vực.

Có một điều gì đó khó hiểu từ thâm sâu khiến ông phải suy nghĩ. Cảm giác nầy ông chưa bao giờ gặp. Con người bên ngoài của ông biến mất. Ông cố bình tỉnh nhớ lại những sự việc đã xảy ra. Tháng trước, ông thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Tụi nó phục kích lúc trời nhá nhem khi chiếc xe ông vừa qua ấp L.C. Chúng bắn mấy chục viên AK vào chiếc Toyota, nhưng thằng tài xế khôn lanh nhấn hết ga, tắt đèn, xém nữa thì ủi vào rừng cao su. Phe thằng bí thư huyện hay tụi buôn lậu muốn diệt ông? Ông chưa đoán ra. Thời gian gần đây ông đánh hơi tụi nó sẽ ra tay, nhưng không ngờ tụi nó ra tay lộ liễu như vậy.

Ông nhận ra mình đã làm quá mạnh. Chẳng qua ông có người đở đầu ở trung ương. Mấy chuyến hàng béo bở từ biên giới về Sài Gòn hàng tuần, đã phải cúng cô hồn sống hơn phân nửa. Dám chắc không đứa nào ở tỉnh có thể bứng ông ra khỏi huyện Ð.L được. Có điều ông đã thâu gom quyền hành và quyền lợi quá nhiều trong tay. Không được ăn, tụi nó sẽ chơi ông bằng mọi gía. Tụi nó là bọn Mafia chìm. Mà ông cũng như tụi nó, một thứ Mafia nổi.

Bỗng ông giật mình. Ông vừa nhận ra một sự trùng hợp kỳ lạ. Ðứa con ông bị tai nạn đúng vào giờ người đàn bà mang thai bị thằng công an giết chết tại rừng chồi. Một sự trùng hợp hay là qủa báo nhãn tiền? Ông không biết, ông không dám tin thì đúng hơn. Ông bắt đầu hồi tưởng quá khứ cuộc đời mình.

Thằng Ròm trở nên tứ cố vô thân sau ngày cha nó mất. Thằng Ròm đi chăn bò, thằng Ròm đi làm mướn. Thằng Ròm đi bán rà rem, thằng Ròm đi cưa củi bị đứt ngón tay cái. Thằng Ròm bị bắt vào bưng. Ðồng chí Ba Sơn bí mật về Sài Gòn hoạt động trong tổ đặc công. Ðồng chí Ba Sơn với những thành tích diệt Mỹ. Ðồng chí Ba Sơn, chủ tịch huyện. Ông vua các trạm kiểm soát. Hung thần quốc lộ.

Ông đi theo cách mạng. Ðúng hơn, ông bị bắt đi theo cách mạng. Ông đã chẳng làm gì để gọi là làm cách mạng. Hết phá cầu, đặt mìn, bắn giết, đến bắt hàng mấy người buôn chuyến cò con, nhưng lại dọn đường cho những chuyến xe hàng lậu đi trót lọt. Ông nhận ra mình bị cuốn hút vào một hệ thống khó lòng thoát ra được. Bản chất thằng Ròm là thích bụi đời, vì hắn không có một gia đình êm ấm như bao người khác. Hắn ngang dọc để trả thù cái xã hội đã bắt hắn nghèo đói phẳi đi làm thuê làm mướn cực khổ. Hắn muốn có nhiều tiền, có nhiều quyền để xoá đi cái quá khứ tủi nhục.

Ông tưởng rằng có tiền có quyền là có tất cả. Nay ông thấy chính vì có tiền có quyền mà con ông bỏ học, bị tai nạn, và bản thân ông đang bị đe dọa.

Ông đi qua đi lại rất lâu trong phòng khách. Ðột nhiên, ông đứng lại đăm đăm nhìn lên bức hình trên vách tường. Bức hình trắng đen nầy như một bùa hộ mệnh cho ông trong bao năm qua. Ông lại gần, đưa hai tay tháo bức hình. Hụt tay, bức hình rơi ngay xuống nền gạch, kiếng vỡ từng mảnh nhỏ văng ra khắp phòng. Trên nền gạch bông đắt tiền, tấm hình lãnh tụ vĩ đại trông méo mó thảm hại.

Ông quay lại. Vợ ông đứng sau lưng ông từ bao giờ. Bà đã về đúng lúc ông cần nói chuyện, những chuyện ông chưa bao giờ nói với bà.