NỖI NHỚ TRONG CA DAO (Bích Huyền thực hiện)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nỗi Nhớ Trong Ca Dao – Bích Huyền thực hiện

Trong ca dao của chúng ta, nỗi nhớ vấn vương trong từng câu từng chữ :
Ta về mình có nhớ chăng,
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.
Chúng ta có thể tìm thấy ở đây những sắc màu và nỗi nhớ đầy vơi, nỗi nhớ thâm trầm, nỗi nhớ mãnh liệt, mơ hồ hay rõ nét của những người đang chập chững bước vào yêu ; hoặc đang hạnh phúc, đang trăn trở trong mối tình đôi lứa :
Dạ sao gió mát sau lưng,
Dạ sao, rạ nhớ người dưng thế này.

Trần Vân Hạc
Trong ca dao Việt Nam, những bài nói về tình yêu nam nữ nhiều hơn cả, mỗi bài mỗi câu đều long lanh tỏa sáng như những nốt nhạc diệu kì trong giai điệu bất tận của tình yêu, cuộc sống. Đặc biệt những cung bậc của nỗi nhớ được khắc họa rõ nét với những khắc khoải khi xa cách, những lo lắng buồn phiền khi muốn bảo vệ mối tình chung thủy.
“Thế giới không có người biết yêu thì mặt trời sẽ tắt’’ (Vich-to Huy-gô). Phải chăng vì “Tình yêu là cuộc sống-tình yêu là mối quan hệ duy nhất kết hợp vạn vật” ( L.Tôn-xtôi) ?
Yêu nhau để rồi thương rồi nhớ, khi sợi “tơ hồng” đã buộc hai người xa lạ với nhau, trái tim thổn thức ngân rung nhịp đập của tình yêu. Đôi người yêu nhau thương nhớ khôn nguôi với tâm trạng chưa từng trải qua:
Gió sao gió mát sau lưng
Bụng sao bụng nhớ người dưng thế này ?
Người ta hỏi để khỏa lấp các tâm trạng bối rối, xốn xang khi nhận ra những rung cảm tuyệt vời, để vơi đi nỗi nhớ.
Trong cuộc sống có biết bao điều để thương để nhớ, nhưng với tình yêu, nỗi nhớ quả là rất đặc biệt :
Nhớ ai con mắt lim dim
Chân đi thất thểu như chim tha mồi.
Nhớ ai hết đứng lại ngồi
Ngày đêm tơ tưởng một người tình nhân.
Chỉ với mấy từ “thất thểu’’, “tơ tưởng’’, hình ảnh và tâm trạng của người đang yêu đến độ si tình hiện lên rõ nét với tất cả sự buồn rầu, bồn chồn, ủ dột.
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than
Trong ca dao, so sánh là thủ pháp nghệ thuật thường gặp. Với câu ca dao này có lẽ không một ai có cách diễn đạt đắc địa hơn.
Yêu nhau, người ta nhớ nhau mọi lúc mọi nơi, không kể cả không gian và thời gian:
Bốn mùa xuân-hạ-thu-đông
Thiếp ngồi dệt vải những trông bang chàng
Dừa xanh trên bến Tam Quan
Dừa bao nhiêu trái trông chàng bấy nhiêu.
Cặp từ chỉ số lượng không hạn định diễn tả rất thành công nỗi nhớ nhung vô hạn của “thiếp’’ khi xa “chàng”.
Nhớ ai em những khóc thầm
Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa
Nhớ ai ngơ ngẩn ngẩn ngơ
Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai ?
Lối nói thậm xưng với đại từ phiếm chỉ đã trở thành một đơn vị nghệ thuật rất độc đáo trong ca dao. Cùng với câu hỏi tu từ và điệp từ, bài ca dao rất tinh tế và thành công khi diễn tả tâm trạng nhớ mong, lo lắng, ước muốn sự chung tình biến cái trìu tượng thành cái cụ thể nhưng đầy ý nhị, sâu sắc.
Nhớ người yêu, người ta nhớ tới những nét duyên dáng đáng yêu của người thương:
Mình về mình nhớ ta chăng?
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.
Có lẽ đó chính là hàm răng đen nhức hạt na, kín đáo như trong “nụ cười như thể hoa ngâu’’ đã hớp hồn kẻ tình si.
Nhưng có lẽ chỉ khi yêu nhau mà phải xa nhau dù với bất cứ lý do gì thì nỗi nhớ càng cháy bỏng, có lúc còn mang hơi thở của sự khổ đau:
Chim bay về núi Sơn Trà
Chồng Nam vợ Bắc ai mà muốn xa.
Sự này cũng tại mẹ cha
Cho nên đũa ngọc mới xa mâm vàng.
Có lúc vì những lý do nhất định, đôi người yêu nhau phải xa nhau, họ bất lực và chỉ biết than khóc:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng
Đưa nhau một bước lên đàng
Cỏ xanh hai dãy mấy hàng châu sa.
Trong chế độ phong kiến đây không phải là cảnh hiếm gặp, đã có biết bao “đũa ngọc’ phải xa “mâm vàng’’ vì những hủ tục lạc hậu.
Xa nhau người ta không chỉ nhớ mong da diết mà còn lo lắng cho sự chung tình:
Anh đi đằng ấy xa xa
Để em ôm bóng trăng tà năm canh
Nước non một gánh chung tình
Nhớ ai, ai có nhớ mình chăng ta?
Ta gặp lại hình tượng “trăng’’ quen thuộc trong tâm trạng thao thức đằng đẵng “năm canh’’ cùng đại từ phiếm chỉ “ai’’ và điệp từ “nhớ’’ trong câu hỏi tu từ khắc họa không chỉ nỗi nhớ, sự lo lắng mà còn là sự hy vọng vào tình yêu.
Họ bầy tỏ sự sắt son thủy chung:
Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
Đây là một trong những câu ca dao hay nhất về tình yêu, con thuyền tình trong nghệ thuật ẩn dụ làm cho lời thơ gợi cảm thắm thiết và đẹp biết nhường nào.
Nhớ thương, lo lắng, ước muốn khôn nguôi, tình cảm nồng nàn đằm thắm nhưng cách diễn đạt sao mà ý nhị:
Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt?
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.
Đêm qua, em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên mọi bề.
Nghệ sĩ dân gian khéo tránh nói đến cái “tôi’’ và đã sử dụng nhuần nhụy nghệ thuật nhân hóa, những vật vô tri được thổi vào cái hơi cái hồn của tình yêu, chúng bỗng hồi sinh rung động cùng nhịp đập thổn thức của trái tim yêu.
Những bài ca dao nói về tình yêu, về nỗi nhớ thật khó mà kể xiết, trong đó có nhiều bài đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật và nội dung. Có lẽ chỉ tình yêu với những rung cảm mãnh liệt và bất tận mới giúp nghệ sĩ dân gian sáng tạo được những tuyệt bút sống mãi với thời gian.
Ca dao là tiếng vọng ngàn năm của cha ông, là nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp mỗi chúng ta hiểu thêm về dân tộc mình, đất nước mình, hiểu hơn về chính chúng ta. Chúng ta hãy cùng chiêm ngưỡng những viên ngọc quý và hãy cùng trân trọng, nâng niu, góp phần làm cho ngọc ngày càng tỏa sáng hơn.

https://phailentieng.blogspot.com/2016/08/noi-nho-trong-ca-dao-bich-huyen-thuc.html?fbclid=IwAR1656avEc_f4SxAYWWd8IpZ36P5LTurdzTbrfLQQV_m3JLhyZChm_T4Yrs