Trang bìa chỉ in tên tác giả như các cuốn trong hình kèm đây (hai nhà văn Nga Leon Tolstoy, Boris Pasternak; các nhà văn Pháp Victor Hugo, Gustave Flaubert, Guy de Maupassant; nhà văn Ý Edmondo de Amicis; và nhà văn Romania Virgil Gheorghiu.) |
Nói đến chữ “tác” tức là làm ra bất cứ thứ gì. Tác giả là người làm ra một vật gì mà chưa ai trước đó đã làm. Bài này xin gói gọn trong các tác phẩm văn học: sách, truyện, tranh ảnh.
Một nhà văn phải vận dụng trí não nghĩ ra cốt truyện độc đáo với những nhân vật mà diễn biến tâm lý, hành vi lồng trong các tình tiết éo le, sôi nổi sao cho hấp dẫn người đọc. Có vị sáng tác mạnh, cho ra đời hàng loạt tác phẩm; nhưng cũng có vị trọn đời chỉ có một vài tác phẩm và thường là tác phẩm nổi tiếng trên thế giới.
Chỉ có nhà văn mới có tác quyền (copyright, authorship) và chủ quyền (ownership) hoàn toàn về tác phẩm của mình. Người Tây Phương coi trọng tác quyền này. Tại Mỹ, theo Điều 17 của bộ Luật Hoa Kỳ (United States Code), để xác nhận tác quyền, tác giả phải nộp hồ sơ đăng bạ tại Văn Phòng Tác Quyền của Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ (The Copyright Office). Từ đó, bất cứ ai muốn sử dụng tác phẩm để trích đăng hay dịch lại qua ngôn ngữ khác… đều phải xin phép tác giả và được sự cho phép trước. Luật áp dụng khắt khe hơn nếu sử dụng vào việc thương mại. Còn nếu chỉ trích đăng một câu, một đoạn, thì phải ghi chú nguồn của nó tức là tên tác giả, từ tác phẩm nào. Người Âu Mỹ rất kỹ về việc này. Việc đạo văn là một điều rất xấu xa, bị lên án gắt gao. Quý vị thử vào thư viện hay lên online, để thấy tất cả những cuốn sách dịch, họ đều in tên tác giả một cách trang trọng ở trang bìa. Còn tên dịch giả, thường được ghi với khổ nhỏ, khiêm tốn ở trang bên trong. Rất ít khi thấy tên người dịch ở bìa, và nếu có thì in chữ nhỏ mà thôi.
Hơn 2500 năm trước, có những người xưa đã rất lương thiện khi không nhận vơ của người khác làm của mình. Cụ Khổng Tử khi san định lại các sách vở của Nho Giáo thành các bộ Tứ Thư, Ngũ Kinh, đã thú nhận rằng “Tôi chỉ thuật lại mà không sáng tác ra chúng” (Ngã thuật nhi bất tác). Người xưa hàng ngàn năm còn có lòng tự trọng như thế. Còn người sau thì sao?
Các nhà văn Việt Nam ta trước đây hình như không quan tâm đến nguyên tắc tôn trọng tác quyền của người khác. Họ dịch các sách hay của các nhà văn ngoại quốc rồi “quên” ghi tên tác giả mà chỉ in tên mình lên trang bìa, coi như đó là sáng tác của mình. Lẽ ra họ phải ý thức rằng cuốn sách hay là sản phẩm trí tuệ của một người bỏ bao nhiêu công sức; còn dịch giả chỉ làm một việc chuyển ngôn ngữ này qua ngôn ngữ kia. Tuy cũng cần khả năng sinh ngữ và khả năng viết văn cho hay, hấp dẫn, nhưng họ không thể nhận đó là tác phẩm của mình!
Thời còn học sinh, chúng tôi từng say mê đọc các cuốn Tâm Hồn Cao Thượng “của” cụ Hà Mai Anh. Trên trang bìa thấy tên Hà Mai Anh nằm ở vị trí cao nhất và không hề thấy tên tác giả khác! Thật ra đây là tập truyện ngắn nhan đề Cuore, của nhà văn Ý Edmondo de Amicis, phát hành năm 1886. Cuốn này được dịch ra nhiều thứ tiếng phát hành khắp thế giới để giáo dục thiếu niên lòng tự trọng, lòng yêu nước, lòng nhân ái… Cuốn Anh ngữ nhan đề là Heart.
Và còn nhiều lắm. Như Dương Hà với Bên Dòng Sông Trẹm (Le Fils de Personne của Vindi), bà Tùng Long với hàng loạt truyện ngắn mang tính xã hội dịch từ truyện của các tác giả Pháp mà điển hình là “Xâu Chuỗi Ngọc” (The Necklace của Maupassant); cụ Hồ Biểu Chánh thì có Ngọn Cỏ Gió Đùa (Les Miserables của Hugo)… Các nhà văn này bê nguyên truyện, nhưng xóa hết tung tích, nguồn gốc Tây Phương bằng cách cho các nhân vật những tên rất Việt Nam, nào Thuý, nào Lan, nào Hùng… ; và cũng Việt hoá luôn các địa danh.
Thời đó, mọi người đều đinh ninh rằng các ông bà nói trên là tác giả và ca tụng không tiếc lời về văn tài của họ!
Ông Hoàng Hải Thủy thì chuyên dịch truyện trinh thám ăn khách của ngoại quốc. Ông cũng có chút lương thiện khi nhận mình phóng tác, vì có công thay đổi họ tên, địa danh cho ra vẻ Việt Nam. Nhưng ông cũng in tên tác giả trên hàng chục cuốn như Ngoài Cửa Thiên Đường, Vàng Đen Máu Đỏ, Như Chuyện Thần Tiên, Mang Xuống Tuyền Đài… Với các tác giả nổi tiếng, thì ông có chút lương thiện hơn một bậc, mới cho in thêm tên tác giả ở trang bìa nhưng cũng không quên ghi thêm tên mình dưới đó!. Ví dụ Kiều Giang (Jane Eyre của Charlotte Bronte), Đỉnh Gió Hú (The Wuthering Height của Emily Bronte).
Chợt nhớ lại, mấy trăm năm trước, cụ Nguyễn Du cũng lấy trọn vẹn Kim Vân Kiều Truyện là một truyện rất tầm thường của Trung Hoa mà viết thành thơ lục bát tiếng Việt. Đó là Đoạn Trường Tân Thanh mà các học giả Việt ca tụng là áng văn bất hủ của nền văn học Việt qua câu: “Truyện Kiều còn, nước ta còn!”
Sở dĩ chúng tôi nêu ra các trường hợp trên, không phải là để chê bai các cụ. Có thể vào thời đó, luật pháp Việt Nam chưa đặt nặng luật tác quyền và ý thức về tác quyền chưa hình thành trong các tầng lớp xã hội ta. Vì thế, các cụ cứ dịch sách người rồi in, phổ biến mà không biết mình có bổn phận phải ghi tên tác giả thay vì tên của mình!
Đa số các cuốn sách mà tôi viết ra mấy chục năm qua đều có đăng bạ tại Thư Viện Quốc Hội. Đến đầu năm ngoái 2020, khi gửi hồ sơ cuốn Remembering the ARVN, tôi đã phải thư từ, điện thoại qua lại với một quý bà phụ trách ở Sở Tác Quyền là bà Janice Pena, để phân biệt rạch ròi những phần nào trong sách thuộc về tác quyền của tôi; phần nào thuộc tác quyền người khác.
Theo bà Janice Pena, tác quyền (authorship) là thuộc về người đầu tiên đã tạo ra cái đó. Người vẽ lại, chụp lại các phù hiệu đó dù bỏ bao nhiêu công lao, cũng không thể tự cho mình có tác quyền.
Trích email của bà Pena:
Copyright protects “original works of authorship” that are fixed in any tangible medium of expression. To be regarded as an “original work of authorship,” a work must contain a certain minimum amount of original literary, pictorial, musical, or other copyrightable material. An illustration that merely copies an existing artwork does not add any new original copyrightable authorship to the existing work to support a registration. Copyright does not protect your idea for creating the copies of the artwork, nor does it protect the time and effort it took you to do so… That original artwork was created by whoever designed the insignia.
Hết trích.
Như vậy, tác quyền về các phù hiệu, huy hiệu thuộc về hoạ sĩ vẽ mẫu. Sau đó đã trao cho các đơn vị quân đội, hay nói chung, là Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngày nay, Quân Đội VNCH không còn hiện hữu nên không còn ai giữ tác quyền, mà đã trở thành của công chúng. Vì thế, trong tập sách Remembering the ARVN nói trên, chúng tôi chỉ có tác quyền về những hình vẽ mới do chính chúng tôi vẽ ra và các đoạn văn mà thôi.
Từ khi chúng tôi đưa ra hình ảnh các trang phù hiệu, nhiều người, nhiều hội đoàn, báo chí đã sử dụng rộng rãi. Không có gì đáng phàn nàn trừ vài trường hợp có vài vị cho in thêm watermark chồng lên hình để xác nhận chủ quyền của họ!
Còn về các bài viết, chúng tôi rất hân hạnh khi các báo chí diễn đàn cho đăng tải miễn là không sửa câu văn, thêm bớt chữ làm sai ý và cần ghi đúng tên tác giả. Nhớ lại đầu năm 2004, là ngày giỗ đầu ca sĩ Duy Khánh, tôi viết một bài dài đăng nhiều báo và đọc hai kỳ trên các đài phát thanh. Anh nhà báo văn nghệ TK có gửi email hỏi xin tôi tiểu sử Duy Khánh cũng để viết bài kỷ niệm. Tôi gửi bài đã viết cho anh ta tham khảo. Mấy tuần sau, thấy bài này đăng trên TV Tuần Sanở Australia và đọc trên đài VOA (có thêm một vài câu dẫn nhập chừng năm hàng của TK) và ký tên tác giả TK! Khi chúng tôi gửi thư phàn nàn đến Đài VOA và anh TK, đài VOA làm thinh không trả lời; còn anh TK thì nói rằng vì thấy bài viết quá đầy đủ nên anh không thấy cần viết lại!!!??? Rồi thì cũng chín bỏ làm mười, tranh tụng thêm mất thì giờ và gây thêm mất đoàn kết trong anh em báo chí văn nghệ!
Mới tuần lễ vừa qua (giữa tháng 1, 2022), chúng tôi nghe tin vụ gia đình TK lên tiếng tố cáo ca sĩ Elvis Phương mạo nhận là tác giả cuốn hồi ký về chính anh ta, nhưng do TK phỏng vấn và viết ra!
Cái gì của Caesar, hãy trả lại cho Caesar!
bài anh viết về tác quyền đã sai hoàn toàn theo luật Đức.
Ở Đức , bản dịch được công nhận là một tác phẩm và có quyền, tạm gọi là tác quyền, để phân biệt với bản quyền của tác giả.
Như ông Hồ Biểu Chánh, Hoàng Hải Thủy đều có thể ghi tên của họ trên bìa sách họ phóng tác, vì đó là sản phẩm trí tuệ của họ, dù dựa theo bản gốc. Giống như Nguyễn Du phải được gọi là tác giả Truyện Kiều, không thể gọi ông ấy là dịch giả hay ăn cắp văn người khác được.
Nhưng đúng luật bản quyền, một khi tác phẩm chưa quá 70 năm, trước khi dịch anh phải ký hợp đồng với tác giả, để mua lại bản quyền, không được phép dịch, nếu tác giả chưa bán bản quyền cho anh.
Một khi tác phẩm được dịch ra tiếng khác, thì chính tác giả không có quyền xử dụng bản dịch đó, nếu dịch giả chưa cho phép.
Tác giả chỉ có thể giới hạn quyền của ngừoi dịch, qua hợp đồng, ví dụ bán bản quyền dịch khi in ra 1 quyền là 1€, ngừoi dịch in 1000 quyển, phải trả tiền bản quyền là 1000€, người dịch bán 1 triệu quyển dịch, thì phải trả 1 triệu đồng tiền bản quyền cho tác giả , theo đúng hợp đồng, luật pháp.
Trưởng hợp điển hình là quyển Herztier, em dịch ra là Thú người , TS TQH in 300 bản, em phải trả tiền bản quyền cho tác giả là bà Herta Müller qua nhà XB ở Đức là 300€, và hợp đồng này chỉ được in, hay bán trên mạng dạng ebook, chung hết là 300 quyển mà thôi.
Nhưng bản dịch là toàn quyền của người dịch, em có quyền cấm nhà xuất bản Đức hay bất cứ tổ chức nào in bản dịch Thú người , mà chưa xin phép em hay chưa làm hợp đồng với em, để trả tiền cho em về tác quyền của bản dịch đó, ngay cả bà Herta Müller cũng không được phép tự tiện in sách Thú người bán, mà chưa ký hợp đồng với em !
Quyển Thú Người này đã được một ông ở Mỹ dịch ra tiếng Anh, giả dụ, ông bán được 1 triệu cuốn, thu 20 triệu usd ( 1 quyển bán thu được 20usd ), trong khi tác giả là bà H.Müller, viết bằng tiếng Đức, khó đọc, dân Đức chê không mua ( thực tế là vậy, có nhiều quyển lãnh giải Nobel, nhưng chẳng mấy người mua đọc ! ) bà chỉ bán được 10.000 quyển, thu chỉ được 200000€ , thu nhập thua xa với ông dịch ra tiếng Anh. Nhưng an ủi là bà sẽ được ông dịch giả trả 1 triệu đồng tiền bản quyền, theo hợp đồng dịch phải mua bản quyền của tác giả.
Nhấn mạnh là tác quyền chỉ ở thể loại văn chương, nếu dịch một công trình khoa học, thì phải theo đúng từng chữ, không được thêm bớt, và bản quyền là của tác giả, chỉ để tên tác giả , vì đó là công trình nghiên cứu của tác giả !
Chuyện lấy văn thơ tiếng Việt xào nấu lại cũng bằng tiếng Việt là Đạo văn, không dính líu chi đến phóng tác, dịch thuật cả !
Kính mến.
DHM