Trong sinh hoạt âm nhạc tại miền nam VN, 20 năm (1954-1975) rất nhiều người biết tên tuổi nhạc sĩ Ngọc Chánh. Ông không chỉ là tác giả của hai trong số nhiều ca khúc nổi tiếng là “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” và “Bao Giờ Biết Tương Tư” (1); mà, ông còn là người điều hành trung tâm sản xuất băng nhạc uy tín Shotgun nữa.
Nhưng, tôi nghĩ, nhiều người (ngay cả những nhân vật trong giới âm nhạc cùng một thời với nhạc sĩ Ngọc Chánh) cũng không hề biết rằng năm 1952, khi mới 15 tuổi thôi, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã soạn bộ sách Tự Học Tây Ban Cầm, bán cho ông Mỹ Tín, chủ tiệm đàn Mỹ Tín ở Saigon, với giá 24.500$.
Bản chất nhã nhặn, ân cần với tất cả mọi người, lại thêm tính khiêm cung, lần đầu tiên tác giả ca khúc “Bao Giờ Biết Tương Tư” cho biết, ông yêu nhạc từ tấm bé. Khi mới lên 9, ông đã theo học guitar với một ông thầy người Phi Luật Tân. Cùng lúc ông cũng học thêm piano, từ chiếc đàn piano ở nhà người chị dâu của ông.
Sáu năm sau, cậu bé Nguyễn Ngọc Chánh đã soạn bộ sách Tự Học Tây Ban Cầm, mang đến cho ông Mỹ Tín, đề nghị ông chủ tiệm đàn Mỹ Tín xuất bản thành sách. (2)
Tôi nghĩ, nhiều phần ông Mỹ Tín bị ngỡ ngàng, không tin tưởng bao nhiêu về khả năng cũng như kiến thức chuyên môn của cậu bé Nguyễn Ngọc Chánh kia… Nhưng là người quý trọng tài năng của bất cứ ai, nhất là những người trẻ, nên ông Mỹ Tín trả lời cậu bé Nguyễn Ngọc Chánh rằng, cho ông 2 ngày để đọc trước khi quyết định có nhận xuất bản hay không?!?
Tác giả ca khúc “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” (sau này), thú nhận, trong hai ngày chờ đợi đó, ông rơi vào tình trạng thấp thỏm, hồi hộp cực kỳ: Không biết ông Mỹ Tín đánh giá tác phẩm của mình ra sao, thế nào?!?
Đúng hai ngày sau, trở lại gặp ông Mỹ Tín, cậu bé Nguyễn Ngọc Chánh đã không thể hân hoan, mừng rỡ hơn, khi được ông Mỹ Tín cho hay nhận xuất bản tác phẩm âm nhạc đầu tay này, của họ Nguyễn.
Ông Mỹ Tín cũng cho biết sẽ chia cuốn sách của Nguyễn Ngọc Chánh thành 2 phần. Phần một: Hướng dẫn cách chơi Tây ban cầm. Phần hai: Các Hợp âm của Tây ban cầm…
Khi được hỏi tiền bản quyền của cuốn sách là bao nhiêu (?), thì, cậu bé Nguyễn Ngọc Chánh nói, cậu muốn bán với giá 24.500$.
Ông Mỹ Tín đồng ý, không trả giá, không kỳ kèo thêm bớt gì hết. Khi đó, ông Mỹ Tin chỉ nói, ông không đủ tiền mặt để trả một lần cho tác giả. Nếu bằng lòng, ông sẽ trả làm nhiều kỳ.
Họ Nguyễn kể, mặc dù tiệm đàn Mỹ Tín nổi tiếng là tiệm chuyên sản xuất đàn Tây ban cầm; nhưng ông cũng thấy trong tiệm có trưng một số đàn piano cũ – – Mà piano vốn là mơ ước thầm kín từ nhiều năm tháng trước của Nguyễn Ngọc Chánh. Cậu bèn đề nghị với ông Mỹ Tín cho cậu được mua một chiếc đàn Piano cũ, bằng vào tiền bản quyền của cuốn sách nhạc.
Cuộc “thương lượng” kết thúc một cách chóng vánh với giá 22.000$ cho cây đàn piano mà cậu bé Nguyễn Ngọc Chánh chọn được. Phần còn lại 2,500$ ông Mỹ Tín trả ngay cho họ Nguyễn.
Cậu bé Nguyễn Ngọc Chánh kể, cậu đã trích ngay một khoản trong số tiền này, biếu mẹ cậu. Phần còn lại đãi bạn, ăn mừng bán được sách.
Nhưng “vấn nạn” lớn nhất của tác giả bộ sách “Tự Học Tây Ban Cầm” sau đó là khi đã có piano rồi thì, cậu lại không biết tìm đâu ra tiền để đóng tiền học dương cầm?
Họ Nguyễn nói, thời đó, Saigon chưa có trường Quốc Gia Âm Nhạc. Lớp dạy piano tư cũng rất hiếm…
“Tôi biết mình là con nhà nghèo, mẹ tôi sẽ không thể đài thọ tiền học đàn cho tôi. Nên tôi phải nói dối mẹ tôi rằng, tôi muốn đi học thêm Anh Văn. Nghe tôi nói muốn đi học tiếng Anh, mẹ tôi thích lắm, cho rằng con mình hiếu học, nên đã đồng ý cho tôi tiền để đi học thêm…”
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Chánh, trong một buổi sáng ở cà phê Tài Bửu, đường Westminster, thuật lại. Ông nói, với số tiền mẹ cho, ông ghi tên học piano với thầy Dung – Thầy Nguyễn Văn Dung ở Saigon.
Bốn năm sau, năm 19 tuổi, nhạc sĩ Ngọc Chánh bị gọi động viên Thủ Đức, cùng một lượt với người bạn thân của ông thời đó, tên là Cổ Tấn Tinh Châu. (3)
Nhưng, có dễ số của tác giả “Bao Giờ Biết Tương Tư” không thuận hợp với đời binh nghiệp, cho nên, một ngày trước khi phải nhập ngũ thì, ông được Bộ Công Dân Vụ (thời ông Kiều Công Cung) tuyển dụng vào ban Văn Nghệ của bộ này. Vì vậy, ông được hoãn dịch.
Nhạc sĩ Ngọc Chánh nhớ lại, thời gian phục vụ trong ban Văn Nghệ bộ Công Dân Vụ ông đã gặp một vài người bạn đặc biệt, như ông Nguyễn Văn Cảnh, trong Ban Kịch. Ông Cảnh sau này là chủ tiệm phở Nguyễn Huệ nổi tiếng, ở quận hạt Orange County và, kịch sĩ Thanh Việt, trước khi nổi tiếng là hề Thanh Việt.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của nhạc sĩ Ngọc Chánh khi còn là thành viên của ban Văn Nghệ Công Dân Vụ, là một trong những chuyến lưu diễn tới Ban Mê Thuột của ông, đã rơi đúng vào ngày cố Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát hụt… Sự kiện ấy, là một ấn tượng quá dữ dội, khiến ông không thể quên!
Rời ban Văn Nghệ Công Dân Vụ sau ít tháng phục vụ, nhạc sĩ Ngọc Chánh nhận làm trưởng ban nhạc cho phòng trà ca nhạc Hồ Tắm Cộng Hòa, ở đường Lê Văn Duyệt cũ. Tại đây, do sự giới thiệu, gửi gấm của một người bạn tên Tư, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã nhận lời tuyển dụng một thiếu nữ tham gia ban nhạc của ông. Đó là ca sĩ Minh Hiếu. Thời gian đó, gia đình ca sĩ Minh Hiếu còn ở Bình Long. Cô lên Saigon, ở nhà người quen để học may…
Có hai mẩu chuyện mà nhạc sĩ Ngọc Chánh vẫn nhớ mãi, đó là khi ông Hoành (chủ phòng trà ca nhạc Hồ Tắm Cộng Hòa), được thông báo nhạc sĩ Ngọc Chánh đã tuyển thêm một nữ ca sĩ mới… Thay vì phải hỏi người đó hát được không? Thì, vì là người Tàu, nên ông Hoành chỉ hỏi:
“Nó có đẹp không?”
Câu trả lời của họ Nguyễn, đương nhiên là… “đẹp lắm.”
Và mẩu chuyện thứ hai: Khi nhạc sĩ Ngọc Chánh đưa cho ca sĩ Minh Hiếu danh sách các ca khúc mà ban nhạc của ông thường trình diễn hàng đêm thì, Minh Hiếu cho biết, cô chỉ biết hát có hai ca khúc: Bài “Nỗi Lòng” của Nguyễn Văn Khánh và, “Gợi Giấc Mơ Xưa” của Lê Hoàng Long.
“Tuy nhiên chỉ vài tháng sau, Minh Hiếu đã thuộc thêm rất nhiều ca khúc mới và, nổi tiếng ngay chỉ trong vòng nửa năm thôi.” Nhạc sĩ Ngọc Chánh nhấn mạnh.
Một sự kiện cũng đáng ghi nhận nữa vẫn theo tác giả ca khúc “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” là:
“Ở hải ngoại, trong một dịp gặp lại nữ ca sĩ Thanh Lan (dân trong nghề, gọi là Thanh Lan/ Cao Xuân Vỹ) đã rất chân thật khi kể lại rằng, thời còn cộng tác với phòng trà Hồ Tắm Cộng Hoà, cô rất ghét nhạc sĩ Ngọc Chánh. Cô thú thật rằng, cô đã mách ông Hoành về việc nhạc sĩ Ngọc Chánh cho “con nhỏ” Minh Hiếu hát một số ca khúc trước đó, vẫn được coi là của riêng Thanh Lan/ Cao Xuân Vỹ.” (4)
Elvis Phương và băng nhạc Shotgun
Do nổi tiếng quá nhanh, như con chim sớm đủ lông cánh, với sự thuộc lòng hàng chục tình ca nổi tiếng nhất của nền tân nhạc Việt Nam thời đó, nữ ca sĩ Minh Hiếu lập tức được nhiều khiêu vũ trường mời cộng tác. Một trong những phòng trà ca nhạc mà ca sĩ Minh Hiếu nhận lời cộng tác là khiêu vũ trường Mỹ Phụng. Nhưng cũng chính tại nơi này mà, những người yêu tiếng hát Minh Hiếu, suýt vĩnh viễn mất đi, giọng ca và, nhan sắc đặc biệt đó.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Chánh kể, ngay từ những ngày đầu, được họ Nguyễn tuyển dụng năm 1961 ở phòng trà Hồ Tắm Cộng Hòa, có dễ vì nhan sắc lộng lẫy trẻ thơ của Minh Hiếu đã khiến nhiều người trong nam giới, mang bệnh… tương tư. Một trong những vị “nam nhi” này là đại úy trẻ tuổi, tên Bằng (dư luận đồn đãi ông là con nuôi của Tổng thống Ngô Đình Diệm?)
Chỉ là một trong hàng chục người theo đuổi mơ ước, xin Minh Hiếu cho… “bàn tay.” Nhưng đại úy Bằng kiên trì và “nổi trội” hơn cả. Khi Minh Hiếu về hát ở khiêu vũ trường Mỹ Phụng, gần bến sông Bạch Đằng, Saigon, tất nhiên, đại úy Bằng cũng là một trong những “cây si” có mặt ngay tự buổi đầu ở nơi chốn mới này.
Tác giả ca khúc “Bao Giờ Biết Tương Tư” kể, không biết đại úy Bằng tỏ bày tình yêu si mê của ông dành cho Minh Hiếu ở mức độ nào mà, một đêm, trong giờ trình diễn của mình, nữ ca sĩ Minh Hiếu đã cắn lưỡi tự tử. Cô được ban giám đốc Vũ trường Văn Phụng, đưa gấp vào nhà thương. May mắn thoát chết…
Vẫn theo nhạc sĩ Ngọc Chánh thì sau scandale này, đại úy Bằng đã không còn là “thảm kịch” đeo đẳng ca sĩ Minh Hiếu nữa.
Trong tinh thần sống lại một thời tận hiến tài năng, tâm trí của mình, cho nền tân nhạc miền Nam, nhạc sĩ Ngọc Chánh nhớ rằng năm 1968, chính quyền Saigon đã ra lệnh đóng cửa tất cả các phòng trà, khiêu vũ trường… Chính vì thế mà số ca, nhạc sĩ yêu nghề, đã phải chọn giải pháp trình diễn tại những Club Mỹ, phục vụ cho số binh sĩ Hoa Kỳ thời đó, có mặt tại miền Nam.
Ở tình cảnh bất ngờ, ngoài ý muốn này, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã chọn quy tụ một số ca nhạc sĩ trẻ như Elvis Phương, Pat Lam (thường được gọi là Pat Lâm), Ngọc Mỹ, Hoàng Liêm… thành hình ban nhạc lấy tên Mỹ là Shotgun, để cùng một số ban nhạc Việt khác, trình diễn cho các Club Mỹ…
Đầu năm 1969, với sự cho phép mở lại các phòng trà ca nhạc, người trưởng ban nhạc Shotgun thấy rằng đã đến lúc phải quay trở lại với nhạc Việt, ông bèn lấy ý kiến của một số cộng tác viên nòng cốt của ông ở ban nhạc Shotgun. Trong số những người thân tín nhất, được nhạc sĩ Ngọc Chánh thăm dò, có ca sĩ Elvis Phương và nữ ca sĩ Ngọc Mỹ. Đó cũng là hai cộng tác viên cật ruột đầu tiên của trung tâm băng nhạc Shotgun. Nhưng tình trạng thực tế phải nói là không đơn giản!
Về Elvis Phương, tác giả ca khúc nổi tiếng “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” cho biết: Tiếng hát cũng như kỹ thuật trình diễn của Elvis gần như hoàn hảo. Không ai có thể kiếm ra lỗi, để chê bai… Nhưng ngặt thay, Elvis lại không hát được nhạc Việt, ngoài nhạc Pháp và Mỹ. Lý do, từ nhỏ Elvis Phương đã sớm theo học trường Pháp. (5)
Khởi thủy khi tìm về nhạc Việt, Elvis Phương chỉ biết một bài duy nhất là ca khúc”Mộng Dưới Hoa,” thơ Đinh Hùng, nhạc Phạm Đình Chương!!!
Trước khi cho ra đời trung tâm băng nhạc Shotgun, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Chánh thấy không thể thiếu tiếng hát Elvis Phương… Để xóa đi trở ngại này, ông đã nhờ nhạc sĩ Hoàng Liêm (một thành viên trong ban nhạc Shotgun), bỏ thì giờ và công sức kèm cho Elvis Phương hát nhạc Việt… (6)
Còn ca sĩ Ngọc Mỹ là một trong những tiếng hát hàng đầu của nền tân nhạc Việt, thuở đó. Nhưng:
“Rất tiếc, không lâu sau khi trở về với nhạc Việt, Ngọc Mỹ đã theo chồng về Mỹ. Cô bỏ hát, cho đến ngày hôm nay,” họ Nguyễn nói.
Dù là người rất cẩn trọng từ chuyện lớn, tới chuyện nhỏ, làm việc gì cũng bàn bạc với anh chị em đồng chí hướng, nhưng sự ra đời của băng nhạc Shotgun đã bất ngờ gặp phải trở ngại rất lớn: Làm sao phát hành? Mà trong thời gian say sưa với dự tính, tất cả mọi người đều không nghĩ tới!!!
Ngay thuở mới trình làng, trung tâm băng nhạc Shotgun của nhạc sĩ Ngọc Chánh, không chỉ là trung tâm thâu băng đầu tiên của Saigon, vì trung tâm nổi tiếng như Asia của nhóm Lê Minh Bằng (7) hay hãng đĩa Sóng Nhạc của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thời đó, vốn là hai trung tâm chuyên sản xuất đĩa 45 tours chứ không hề thu băng nhựa, dùng cho hệ thống Aika, gọi là “Real to Real”. ( Mà, chỉ vài năm sau, trung tâm Shotgun còn “bao sân” cho sự ra đời của trung tâm băng nhạc Thanh Thúy nữa.
Tuy nhiên, sau khi hoàn tất băng Shotgun số # 1, lúc đó, nhạc sĩ Ngọc Chánh mới ngỡ ngàng vì không biết làm cách nào để có thể gửi băng đi các tỉnh miền Nam cũng như miền Trung!?!
Cuối cùng, con chim đầu đàn của trung tâm Shotgun nhớ tới một số người quen ở cơ sở phát hành báo Nam Cường. Ông liền tìm tới và, được cơ sở này nhận giúp, bằng cách gửi kèm băng nhạc Shotgun theo chuyến gửi sách, báo đi các đại lý.
Sau khi giải quyết được khâu phát hành thì, Shotgun lại đụng phải một rào cản tâm lý cũng bất ngờ, mạnh mẽ không kém. Đó là sự tẩy chay, quay lưng của khán giả tại các tỉnh: Các tỉnh đồng loạt không chấp nhận ca khúc “Một Trăm Phần Trăm Em ơi,” sáng tác của Ngọc Sơn – Tuấn Hải trong trong băng nhạc Shotgun # 1. Các đại lý đã gửi trả về cho Shotgun tất cả số băng nhạc nhận được… (9)
Tới hôm nay, nhìn lại, những người sản xuất băng nhạc thời đó, vẫn không thể có được một kết luận rõ ràng, dứt khoát về câu hỏi tại sao ca khúc kể trên lại đưa tới bước khởi đầu thất bại nặng nề cho Shotgun? Khi nội dung của ca khúc, chỉ có tính cách giải trí, mua vui một cách dễ dãi mà thôi:
“Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm/ Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm/ Người yêu anh ơi giờ đây lại cấm trại rồi/ Nào đâu nàng biết tâm tư người lính/ Lòng anh nao nao mỗi khi ta hẹn nhau/ với em tâm tình/ Xin em nhớ cho rằng lính hay đa tình/ nhưng mãi mãi vẫn yêu chỉ yêu một người/ một người mà thôi và yêu trọn đời…”
Ngọc Chánh, một tài năng và, nhân cách đáng quý
Một số người có liên hệ dài lâu với nền tân nhạc miền Nam hai mươi năm ghi nhận rằng, nhạc sĩ Ngọc Chánh, không chỉ là tác giả của một số ca khúc nổi tiếng, trưởng ban nhạc phòng trà, khiêu vũ trường lúc ông còn rất trẻ, trước khi trở thành một giám đốc trung tâm sản xuất băng nhạc đầu tiên của miền Nam, và trung tâm Khai Sáng, bán nhạc lẻ ở ngay ngã tư Công Lý và đại lộ Lê Lợi, Saigon… Mà tác giả “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” còn là người có đôi tai thẩm âm đặc biệt, chính xác, không ngừng tìm kiếm những tài năng mới cho nền tân nhạc Việt Nam.
Khi được hỏi về khả năng này, nhạc sĩ Ngọc Chánh nói, đúng là trời đã cho ông cái khả năng đặc biệt đó. Ông nói, chẳng những ông có thể đánh giá chính xác một giọng hát, khi chỉ mới nghe, mà, ông còn có thể đoán, định được “đường bay” xa, gần của tiếng hát đó nữa.
Về việc tìm kiếm, giới thiệu những tài năng trẻ cho sinh hoạt tân nhạc miền Nam, 20 năm, nhạc sĩ Ngọc Chánh xác nhận: Ông chính là người đón nhận, mở đường cho tiếng hát Thái Châu, khi ca sĩ này còn rất trẻ, chưa tên tuổi.
Ông kể, thời điều hành phòng trà Queen Bee ở Saigon, ông có mời “quái kiệt” Trần Văn Trạch phụ trách chương trình gọi là “Hoa Thơm Cỏ Lạ.”
Ở thời điểm ấy, miền Nam không có chương trình thi tuyển lựa ca sĩ. Do nhờ có chương trình “Hoa Thơm Cỏ Lạ” của bạn ông, nghệ sĩ Trần Văn Trạch, mà Shotgun được giới thiệu tiếng hát Thái Châu. Và, họ Nguyễn đã tiếp nhận ngay, khuôn mặt trẻ có tiếng hát ông tin sẽ đi xa trong tương lai.
Con chim đầu đàn của ban nhạc, kiêm chủ nhân trung tâm băng nhạc Shotgun, cũng nhắc lại chuyện, ông chính là người đầu tiên mời ca sĩ Hương Lan, nổi tiếng ở lãnh vực cải lương, làm người đầu tiên thâu âm ca khúc “Mùa Thu Lá Bay” (nhạc Trung Hoa) cho băng Shotgun số 36? (11)
Ca khúc “Mùa Thu Lá Bay” sau biến cố tháng 4-75, lại nổi đình đám thêm một lần nữa, ở hải ngoại với tiếng hát Kim Anh.
Về nguồn gốc của ca khúc này, nhạc sĩ Ngọc Chánh cho biết, bài hát đó, vốn là nhạc phim của một cuốn phim Trung Hoa, chiếu ở Saigon. Tình cờ nghe được, thấy hay, ông đã nhờ Nam Lộc đặt lời Việt. Ông còn cẩn thận đưa tiền trước cho Nam Lộc mua vé đi xem phim…
Họ Nguyễn nói:
“Tôi không biết có phải Nam Lộc thấy bài ca thuộc loại thấp hay không mà Nam Lộc, tuy vẫn đặt lời Việt cho bài hát, nhưng đã không ký tên Nam Lộc mà, dùng tên một phụ nữ, bạn của Nam Lộc (?)
Những người yêu nhạc có thể tìm thấy ca khúc này trong Wikipedia – Mở, ca từ rất đơn giản, chỉ có 3 phiên khúc, không có tên người đặt lời Việt:
“Một ngày sống bên anh sẽ muôn đời/ Dẫu cho mưa rơi đá mòn tháng năm/ Lạy trời được yêu mãi nhau người ơi!/ Đừng mang trái ngang chia lìa lứa đôi/ (…) Mùa thu lá bay anh đã đi rồi!/ Vỡ tan ôi bao giấc mộng lứa đôi/ Giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau!/ Hẹn anh kiếp sau ta nhìn thấy nhau!”
Vẫn theo nhận định của nhạc sĩ Ngọc Chánh thì khi chuyển qua tân nhạc, nghệ thuật diễn tả, trình diễn của Hương Lan, có phần hay hơn khi hát cải lương. Ông nói:
“Mặc dù Hương Lan thành công với tất cả các thể loại tân nhạc. Nhưng riêng với loại nhạc quê hương, tiếng hát Hương Lan ngọt ngào tới mức độ khó ai có thể sánh bằng…”
Về bản chất quý mến những tiếng hát trẻ, tới hôm nay, còn có người kể lại rằng, trước khi cho phổ biến ca khúc “Bao Giờ Biết Tương Tư”, nhạc sĩ Ngọc Chánh rất băn khoăn, trong việc tìm kiếm giọng hát nam thích hợp với ca khúc ấy. Mặc dù khi đó, cộng tác mật thiết với Shotgun đang là “tứ quý nam:” Sỹ Phú, Duy Trác, Elvis Phương và, Thái Châu.
Sau nhiều ngày cân nhắc, đắn đo, cuối cùng họ Nguyễn đi đến quyết định bất ngờ là mời Anh Khoa làm người đầu tiên trình bày ca khúc mới ấy:
“Ngày nào, cho tôi biết, biết yêu anh rồi tôi biết tương tư/ Ngày nào, biết mong chờ, biết rộn rã buồn vui đợi anh dưới mưa/ Ôi biết thay tim này bằng lòng giấy tình yêu lấp đầy/ Rồi, biết quên câu cười, biết cho đôi dòng lệ rơi./ Tình yêu đã trở lại, đôi mắt đêm ngày, vơi hết đọa đầy/ Tà áo em phơi bày, ngón tay em dài, tiếng yêu không lời/ Ngày nào, lòng tôi đã biết vui biết buồn, ôm mối tương tư/ Ngày nào, cánh thiên đường đã mở hé tình yêu là trái táo thơm/ Tôi ghé răng cắn vào, miếng môi ngọt đắng tình yêu cuối đường/ Là trối trăn cuối cùng, giấc mơ não nùng vội tan.” (Ngọc Chánh – Phạm Duy) (11)
Nhiều người biết rằng, sau khi lập gia đình với sĩ quan không quân, Ôn Văn Tài, nữ danh ca Thanh Thuý đã theo chồng về Cần Thơ. Cô đoạn tuyệt hoàn toàn sự nghiệp âm nhạc, trình diễn. Không ai nghĩ rằng, cuối cùng, rồi cũng sẽ có một ngày, linh hồn ca khúc “Thương Một Người” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (12) về lại Saigon!
Sự kiện này, chắc chắn sẽ không xẩy ra, nếu đầu thập niên 1970, nhạc sĩ Ngọc Chánh không xuống tận Cần Thơ, thuyết phục Thanh Thúy trở lại với những người ái mộ vẫn âm thầm, mong mỏi tiếng hát “Liêu trai” trở về với họ…
Qua thuyết phục, phân giải của họ Nguyễn, kết quả linh hồn ca khúc “Thúy Đã Đi Rồi” (13) đồng ý trở lại Saigon. Trung tâm băng nhạc Thanh Thúy, ra đời trong thời điểm này.
Điều đáng nói, có thể rất ít người biết rằng, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã đóng góp một nửa cổ phần vào trung tâm ấy. Họ Nguyễn không chỉ phụ trách phần kỹ thuật, thực hiện khoảng trên dưới 30 băng nhạc mang nhãn hiệu Trung tâm băng nhạc Thanh Thúy tính tới tháng 4-1975. Mà, ông còn cùng với Thanh Thúy, chọn bài hát, chọn ca sĩ… đem lại sự thành công cho trung tâm này nữa.
Trong một cuộc nói chuyện thân mật mới đây ở miền nam Cali, khi được hỏi về sự tương tác giữa các ca sĩ của miền Nam, thời trước 75, có diễn ra điều mà dư luận vốn thành kiến là… “hai cô ca sĩ có thương nhau bao giờ!” Thì, nhạc sĩ Ngọc Chánh nói, trái ngược hẳn với thành kiến, tin đồn, họ rất thương yêu, đùm bọc nhau…
“Tôi chưa thấy một trường hợp ganh ghét, tranh dành nào xẩy ra khi ca sĩ A. được mời mà ca sĩ B. thì không,” họ Nguyễn nhấn mạnh.
Theo tôi, đấy là một trong những điểm son đáng quý của giới nghệ sĩ trình diễn ở miền Nam, trước đây.
Cùng lúc, tôi nghĩ, nên nói thêm rằng, trong số những nhạc sĩ có thực tài, có nhân cách đáng trân trọng, chính là nhạc sĩ Ngọc Chánh, vậy. http://www.lyricenter.com
(Garden Grove, june 2018)
________
Chú thích:
(1) Cả hai ca khúc này đều có sự tiếp tay, đóng góp vào phần ca từ của cố nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013). Riêng ca khúc “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” vốn là nhạc phim của bộ phim “Điệu Ru Nước Mắt”, dựa theo truyện dài của cố nhà văn Duyên Anh (1935-1997). Phim do Lê Hoàng Hoa đạo diễn. Hãng Mỹ Vân Phim sản xuất. Chính đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã tìm đến nhạc sĩ Ngọc Chánh để nhờ họ Nguyễn soạn 1 ca khúc riêng cho cuốn phim ấy.
(2) Đó là năm 1952.
(3) Nguyên đại tá TQLC Cổ Tấn Tinh Châu, thời trẻ nổi tiếng với ngón đàn guitar classic. Và, nhạc sĩ Ngọc Chánh từng có thời gian học thêm Tây ban cầm cổ điển, từ người bạn này, của ông.
(4) Khoảng đầu thập niên 1970, trong sinh hoạt tân nhạc miền Nam, xuất hiện thêm một ca sĩ cũng có tên là Thanh Lan. Để phân biệt, dân trong nghề gọi Thanh Lan nổi tiếng từ những năm đầu thập niên 1960 là “Thanh Lan/ Cao Xuân Vỹ” – Vì phu quân của ca sĩ Thanh Lan này là một nhân vật được rất nhiều người biết tới, ông là Tổng Giám Đốc Phong trào Thanh Niên Cộng Hòa, thời cố Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ở hải ngoại giữa thập niên 1980, ca sĩ Thanh Lan/ Cao Xuân Vỹ lại nổi tiếng một lần nữa với trung tâm sản xuất băng nhạc Thanh Lan…
(5) Đầu thập niên, 1990, khi gặp lại nữ danh ca Thái Thanh ở quận hạt Orange County, chúng tôi hỏi bà, theo đánh giá của bà thì trong số những ca sĩ lớp sau của Saigon thuở trước 1975, bà có “chấm” được ai không?
Người nữ danh ca được mệnh danh là “Tiếng hát vượt thời gian”, không ngập ngừng, trả lời ngay rằng, theo đánh giá chung của toàn Ban Thăng Long thì bên nam giới, Thăng Long “chấm” Elvis Phương và, nữ giới lớp sau, Thăng Long chọn Carol Kim.
(6) Nhạc sĩ Ngọc Chánh cho biết, thời trước tháng 4-1975, ở Saigon, nhạc sĩ Hoàng Liêm là một trong những người chơi guitar hay nhất. Vì họ Hoàng chỉ chơi trong ban nhạc mà, không sáng tác ca khúc, nên ngoài giới hầu như rất ít biết tên tuổi ông.
(7) Lê Minh Bằng là tên tắt, ghép lại của ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng.
( Thời đó, hãng đĩa Sóng Nhạc nghiêng về cổ nhạc nhiều hơn tân nhạc. Nhưng thị trường của Sóng Nhạc rất lớn. Nhất là ở các tỉnh miền Nam.
(9) Tới hôm nay, Tự điển Bách khoa Toàn thư Wikipedia -mở, vẫn còn ghi theo chú thích của một số trang nhà hay Bloggers rằng, đó là sáng tác của Vũ Chương!.! Ngoài ra giai đoạn cuối thập niên 1980, vì chưa có hiện tượng Mai Lệ Huyền, nên ca khúc “Một trăm phần trăm em ơi”, do một mình Hùng Cường đơn ca, nhạc sĩ Ngọc Chánh nhấn mạnh.
(10) Tháng 10 năm 1978, nhạc sĩ Ngọc Chánh vượt biên thành công, mang theo 3 người con của nhạc sĩ Phạm Duy còn kẹt lại ở Saigon là: Duy Minh, Duy Hùng và Duy Cường. Sau một thời gian mở khiêu vũ trường Maxim’s ở San Jose, khi di chuyển về quận hạt Orange County, có một thời gian, họ Trần cho sống lại thương hiệu băng nhạc Shotgun. Khi ấy, Hương Lan ở Pháp, cùng với thân phụ của cô là danh ca Hữu Phước. Nên Ngọc Chánh đã mời Kim Anh hát “Mùa Thu Lá Bay”. Từ đó, tên tuổi nữ ca sĩ Kim Anh gắn liền với ca khúc này: Thành “Kim Anh – Mùa Thu Lá Bay…”
(11) Thời gian đó, Anh Khoa đang hát cho phòng trà Jo Marcel. Và Jo Marcel cũng là một trong những người bạn cùng nghề, rất thân với Ngọc Chánh. Giống trường hợp của Kim Anh nhiều chục năm sau ở hải ngoại; có một thời, ở Saigon, khi nhắc tới ca khúc “Bao Giờ Biết Tương Tư”, giới mộ điệu thường nghĩ ngay tới ca sĩ Anh Khoa.
(12) “Thương Một Người” là một trong những ca khúc đầu tay của Trịnh Công Sơn, viết cho Thanh Thúy, khi cô mới đi hát ở phòng trà Đức Quỳnh, đường Cao Thắng. Thanh Thúy cũng là tình yêu một chiều của tác giả “Hạ Trắng.”
(13) Ca khúc “Thúy Đã Đi Rồi”, nhạc và lời của Y Vân, là nhạc phim của bộ phim cùng tên, của cố tài tử Nguyễn Long (1934-2009)., tự Long Đất.
https://www.facebook.com/profile.php?id=1460244673