NHỮNG NHÀ VĂN NỮ FRANSOISE SAGAN & MINH ĐỨC HOÀI TRINH (VietHaiTran)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Những năm cuối bậc trung học, thuở thanh niên trẻ, tôi mê đọc sách, đọc tiểu thuyết chất chứa sắc thái lãng mạn, hay xem những cuốn phim dựng lên từ những tác phẩm best sellers, như những Love Story của Erich Segal; truyện bi kịch Romeo and Julliette của William Shakespeare, viết kịch bản bởi 3 vị Franco Brusati, Masolino D’Amico và Franco Zeffirelli; Doctor Zhivago của Boris Pasternak; hay Un Peu de Soleil dans l’Eau Froide (Chút mặt trời trong nước lạnh) của Françoise Sagan,… Nói đến Françoise Sagan thì những đàn anh của tôi như Nguyễn Bá Thảo, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Huy Quang hay Nguyễn Hữu Thời có những nhận định riêng, như tác phẩm đem tên tuổi bà lên cao. KQ Nguyễn Bá Thảo du học bên trời Âu cùng với thi sĩ Cung Trầm Tưởng cho Paris vào thơ từ thế kỷ trước, Nguyễn Bá Thảo nhắc chuyện xưa: “Cám ơn Việt Hải đa nói đến bài ca Les feuilles mortes trong email vừa qua, làm tôi nhớ lại những ngày du học bên Pháp trong những năm 1955-1956, được nghe Juliette Greco và Yves Montand ca bản này.  Thời gian này Bonjour Tristesse của Françoise Sagan cũng được mọi người yêu chuộng. Thảo”.

Nhà văn Nguyễn Quang, tức Nguyễn Huy Quang, phu quân của nhà văn Minh Đức Hoài Trinh, du học tại Pháp vào cuối những năm 1940, cảm nhận hiện tượng “Francoise Sagan và Bonjour Tristesse” đã tác động đến thị hiếu của giới lecteurs de livres, bibliophiles khi ấy vì sự lạ lẫm của tác phẩm này. GS. Nguyễn Hữu Thời đọc tác phẩm chia sẻ cùng cảm nhận như nhà văn Nguyễn Quang. Với ngòi bút Francoise Sagan, tôi và nhiều bạn bè hay bồ bịch một thuở trung học bàn bạc về hai tác phẩm Bonjour Tristesse và Un Peu de Soleil dans l’Eau Froide. Thông thường sự kiện tuổi trẻ phiêu lưu tình ái, thám hiểm yêu đương, khi mà tình yêu sung mãn quá độ dễ dẫn đến yếu tố dục tính được cuốn hút hòa quyện vào nhau. Nói như vậy thì tình yêu lãng mạn (l’amour romantique) đưa đến tình yêu vì sự ràng buộc dựa trên xúc cảm cá nhân qua những va chạm đòi hỏi của nhu cầu xác thịt (l’amour sexuel), mất đi vẻ đẹp thanh cao của tình yêu (l’amour non-platonique).

Này nhé, xin đơn cử qua tác phẩm Bonjour Tristesse trong chương 2 có đoạn nóng hổi điển hình giữa cô bé Cécile và chàng sinh viên Cyril:

“Nhưng nụ hôn của anh thật dịu dàng. Tôi nhìn lên trời, mà không thấy gì cả ngoại trừ bầu ánh sáng vỡ bùng dưới đôi mi nhắm nghiền của tôi. Sức nóng, sự xây xẩm choáng váng của tôi, và hương vị của những nụ hôn đầu kéo dài một lúc lâu,…” (Il m’embrassa doucement. Je regardai le ciel; puis je ne vis plus que des lumières rouges éclatant sous mes paupières serrées. La chaleur, l’étourdissement, le goût des premiers baisers, les soupirs passaient en longues minutes,…).

Đại để cốt truyện này chỉ có năm nhân vật chính. Tóm tắt nội dung như sau: “Cécile, một cô bé sống những chuỗi ngày vô tư với cha là Raymond, tuổi ngoài 40, góa vợ từ 15 năm nay và đang có nhiều tình nhân. Mùa hè năm ấy, Cécile được 17 tuổi, cùng với cha và Elsa là người tình của ông trong lúc này, đi nghỉ hè tại Côte d’Azur, bờ biển miền Nam nước Pháp. Raymond cũng mời thêm Anne, là một người bạn cũ của vợ mình lúc trước. Anne muốn ép Cécile chăm chỉ học hành trở lại vì cô bé mới thi hỏng tú tài năm đó, và không tán thành mấy việc cô bé kết thân quá đáng với Cyril, một chàng sinh viên luật đang nghỉ hè trong vùng mà nàng mới quen. Raymond, người cha, bị quyến rũ bởi nhan sắc và tài năng của Anne nên lần lần rời xa Elsa để tiến đến Anne và tính lập lại cuộc đời với nàng. Cécile ngại mình sẽ mất tự do, sợ một người đàn bà thông minh và khéo léo như Anne sẽ gây xáo trộn trong cuộc đời phóng túng và nhàn hạ của mình. Cô bèn thuyết phục bạn trai mình giả làm tình nhân của Elsa. Raymond ghen tức vì thấy người tình của mình dang díu với một người chỉ đáng tuổi con mình, ông quay trở về với Elsa. Anne tình cờ bắt gặp hai người, nàng chán chường lên xe bỏ đi, và sau đó chết trong một tai nạn xe hơi.

Cécile trở về Paris cùng cha, bỏ lại sau lưng người bạn trai Cyril, bỏ lại mùa hè và tuổi trẻ của mình. Nàng tiếp tục cuộc sống vô tư, nhưng nay nàng biết thêm một tâm trạng mới, đó là nỗi buồn: “Khi tôi nằm trong giường, lúc hừng sáng, giữa  tiếng xe cộ trong Paris, nhiều lúc ký ức phản lại tôi: mùa hè trở về với tôi trong trí nhớ với tất cả những kỷ niệm cũ. Anne, Anne! Tôi lập lại khe khẽ rất lâu tên này trong bóng tối. Có một cái gì đó dâng lên trong tôi và tôi nhắm mắt lại, chào đón nó bằng chính tên của nó: Xin chào nỗi buồn, chung cuộc của Bonjour tristesse.”

Trong tác phẩm kế tôi xin đề cập của Françoise Sagan, quyển Un Peu de Soleil dans l’Eau Froide (Chút mặt trời trong nước lạnh), ta thấy mối tình tay bốn giữa nàng Nathalie Silvener, Nhà báo Gilles Lantier, vị  Giáo sư Văn chương Pierre Lacour, ông chồng của Nathalie là Francois Silvener. Anh chàng Gilles Lantier là một gã đào hoa bay bướm, mà nàng Nathalie say mê đắm đuối, sự thể của ngoại tình trong hôn nhân. 

Trong chương 5, Françoise Sagan mô tả đôi tình nhân Gilles và Nathalie âu yếm như sau: “Tiếng mưa rì rào ngoài trời, người đàn bà nổi giận mà mình đang ấp ủ, sự đến thăm không hề chờ đợi của nàng, mùi gỗ ẩm từ cầu thang gác tỏa tới, sự im lặng hoàn toàn bao phủ căn nhà… tất cả đã làm cho Gilles chếch choáng. Chàng dịu dàng hôn nàng, nàng hơi cúi đầu xuống vì chưa nguôi hờn dỗi… cho đến lúc nàng quả quyết ngẩng mặt lên, choàng tay vòng quanh cổ chàng. Chàng dìu nàng vào phòng mình. Chàng táo bạo quá chừng và cũng nhiều may mắn nữa, cái may mắn có được do sự thèm muốn mà ra. Cuối cùng, họ đích thực trở thành một đôi tình nhân, say sưa như hai con người đang si mê, hai con người ý thức được tình yêu. Đấy, Gilles đã tìm lại được hương vị của khoái lạc như thế đấy.” (Le bruit de la pluie dehors, cette femme en colère, l’inattendu de sa visite, l’odeur de bois qui venait de l’escalier, le silence de la maison, tout cela grisait un peu Gilles. Il l’embrassait doucement et elle baissait la tête, obstinée, jusqu’à l’instant où elle la releva délibérément et mit les bras autour de son cou. Il l’emmena jusqu’à sa chambre sans aucune ruse, avec cette audace extravagante – et cette chance d’ailleurs – que donne le désir et ils furent enfin vraiment amants, comme peuvent l’être deux êtres humains amoureux de l’amour – et le connaissant. C’est ainsi que Gilles retrouva le goût du plaisir…)  

Đọc đến chương 8, tôi bắt gặp đoạn văn ong bướm khác mà ngòi bút Françoise Sagan đưa độc giả vào cảm giác ve vuốt tỉ tê như sau:

“- Em sẽ đi tìm anh. Anh hãy xiết chặt em trong vòng tay đi. Chàng ôm chặt lấy nàng, quên luôn cả thủ đô Paris và những câu chuyện chính trị. Lúc đầu, chàng đã thô lỗ nghĩ rằng mình sẽ thiếu đi một cô nhân tình, rồi chàng quên luôn ý nghĩ đó và ngả đầu một lúc thật lâu trên vai nàng. Sau đó, nghĩ tới việc phải xa nàng, dù chỉ trong có một tuần thôi, chàng cũng đủ thấy ớn sợ. Nàng vuốt ve tóc chàng, gáy chàng, mà không nói một lời nào. Mặt trời sắp lặn tràn ngập ánh vàng trong phòng và chàng chợt nghĩ sẽ không bao giờ quên được giây phút này…”

(– Je viendrais te chercher, dit-elle paisiblement. Embrasse-moi.

Il l’embrassa, oublia tout de suite Paris et la politique. Il pensa d’abord grossièrement qu’en tout cas elle lui manquerait comme maîtresse puis oublia cela aussi et resta immobile ensuite, un long moment, sur son épaule, effrayé à l’idée de la quitter même une semaine. Elle lui caressait les cheveux, la nuque, sans dire un mot. Le soleil couchant inondait la chambre et il pensa tout à coup qu’il n’oublierait jamais cet instant-là. Quoi qu’il arrive…)

Đấy là văn phong của bà đầm Françoise Sagan, còn văn phong của nhà văn Minh Đức Hoài Trinh ra sao? Có mây mưa, ướt át, ong bướm qua tác phẩm Sám Hối không nhỉ ?

Thưa có chứ, văn phong táo bạo, cuồng nhiệt hơn cả bà đầm Françoise Sagan nhiều… Thật ra nội dung mô tả về sự va chạm thể xác của Bonjour Tristesse còn hiền so với tác phẩm Sám Hối (Pénitence) của nhà văn ta, Minh Đức Hoài Trinh. Nhà văn can đảm khi dám viết cái ý nghĩ thật lòng về một chủ đề, bàn thảo thẳng về vấn đề, như ý tưởng của nhà thơ Pháp Nicolas Boileau-Despréaux: “Không gì đẹp bằng cái thật, chỉ cái thật mới đáng yêu”.

Theo quan diểm của phật giáo về sự thật là “Có ba điều không thể che dấu lâu được là mặt trời, mặt trăng, và sự thật”. (Three things cannot be long hidden: the sun, the moon, and the truth. Buddha. Trois choses ne peuvent pas être longtemps cachés: le soleil, la lune, et la vérité. Bouddha). Còn riêng nhà văn Mark Twain thì cho là “Nếu bạn nói thật, bạn chẳng phải nhớ gì cả”. (Si vous dites la vérité, vous n’avez pas à me souvenir de rien. If you tell the truth, you don’t have to remember anything. Mark Twain). Do vậy, danh ngôn Ai cập có câu: “Ai yêu cứ nói rằng mình yêu, không đạo đức giả, không cù nhầy, không ngụy biện” (whoever falls in love, just admits that one is in love, no hypocrisy, no quibble, no sophism). Tôi thích lập luận của nhà thơ John Ciardi khi ông cho là “Ái tình là từ ngữ được sử dụng để ngụy trang như sự hưng phấn tình dục của tuổi trẻ, là sự quen thuộc của lứa tuổi trung niên, và sự phụ thuộc lẫn nhau của tuổi về chiều”. (“Love is the word used to label the sexual excitement of the young, the habituation of the middle-aged, and the mutual dependence of the old).

Thực vậy, ái tình thường thường là đề tài chính của nhiều lãnh vực như thi ca, văn học, âm nhạc, hội họa hay kịch nghệ, nhiều kịch phẩm cổ điển cũng như lãng mạn của Âu Á đã được xây dựng nền tảng trên căn bản yêu thương; đồng thời nó cũng được dùng làm chất liệu cho nhiều tác phẩm thi ca trữ tình hay bi tráng; Chưa hết đâu nhé, chủ đề ái tình còn tìm thấy trong hằng hà sa số các tiểu thuyết mà tại các nền văn minh ở Âu Á từ bao thế kỷ nay rồi, ví dụ điển hình như ở phần đầu đã nói, như Roméo và Juliette, Love Story, Doctor Zhivago, Un Peu de Soleil dans l’Eau Froide,… rồi như Le Passager de La Pluie, L’Amant, La Nouvelle Héloïse hay vở kịch opéra Werther,… toàn là yêu và yêu, yêu có thể say sưa, nhưng chả bao giờ cũ xưa, lỗi thời cả, còn thoi thóp là con người còn yêu, thi sĩ Jean de La Fontaine, triết gia Jean de La Bruyère, hay triết gia Arthur Schopenhauer sáng tác những bài viết về đề cập về tình yêu. Rồi các nhà văn Victor Hugo, nhà văn Alexandre Dumas, thêm nhà văn La Rochefoucauld của tác phẩm Les Maximes, viết về con người trong yêu đương đấy chứ, nên yêu không bao giờ cũ xưa, nhà mùa cả. La Rochefoucauld cho rằng ái tình đam mê như ma quái, giời ơi sức mạnh của nó kinh khiếp lắm,…  


Nhà văn Minh Đức Hoài Trinh

Bình luận về ái tình, triết gia Hy lạp Spinoza lại cho là “Tình yêu là sự kích thích đồng thời là một ý niệm do bên ngoài phát khởi”, (“Amor est titillatino, concomitante idea causae externae. L’amour est titillatino, accompagné par l’idée d’une cause extérieure). Đó là hiện tượng những người trẻ như Cécile và Cyril đi vacances tại Côte d’Azur, tình yêu dâng hoa tại bờ biển St. Tropez, tương tự như truyện Bonjour Tristesse, hay trong Sám Hối truyện của Minh Đức Hoài Trinh, mô tả đôi tình nhân trẻ trốn gia đình đi nghỉ mát tại bờ biển thơ mộng Cap Saint Jacques (Ô Cấp, Vũng Tàu) Uyển và Tân đi tìm cảm giác ái tình như ý tưởng của Spinoza. Y chang trong tâm lý học của tình yêu đôi lứa, thi nhân Shakespeare cho là “Ai yêu mà lại chẳng yêu ngay từ lúc mới ban đầu nhỉ?”, (Who ever lov’d that lov’d not at first sight?).

Về quan điểm này, đáng kể là đoạn văn sau đây trong cuốn tiểu thuyết Guzman d’Alfarache của tiểu thuyết gia người Tây Ban Nha, Mateo Alemán, nổi danh qua ý tưởng: “Khi đã yêu, người ta chả cần phải để lâu, phải suy nghĩ, phải chọn lựa; nhưng ngay từ cái nhìn đầu, nhìn một cái thôi cũng đủ cho hai lòng giao hợp, hay cái mà ta thường gọi là tương cảm máu huyết, một sự tương cảm thường được một sự ảnh hưởng của các sao kích thích”. (No es necesario, para que uno ame, que pase distancia de tiempo, que siga discurso, ni haga eleccion, sino que con aquella primera y sola vista, concurran juntamente cierta correspondencia consonancia, o lo que aca solemos vulgarmente decir, una confrontacion de sangre, à que por particular influxo suelen mover las astrellas; Il n’est pas nécessaire pour un à l’amour, à passer le temps, de continuer à parler, à faire le choix, mais avec cette première, vue unique, concourent ensemble une certaine ligne de correspondance, ou ce qui est ici en général couramment dire, une confrontation de sanguins, en particulier, qu’un de influxo se déplacent habituellement astrellas).

Trong quyển “Siêu hình học của ái tình dục tính của Arthur Schopenhauer, (La Métaphysique de l’amour sexuel, d’Arthur Schopenhauer), tình yêu nối kết con người gần gủi do yếu tố dục tính. Luân truyền bao thế hệ, tôi tội nghiệp bà ca sĩ Hồng Tước khi tâm sự trong nuối tiếc chuyện ngày xưa, gia đình không cho xem tác phẩm Bonjour Tristesse, dù rằng năm ấy bà ở lứa đôi chín bẻ gẩy ngà voi không khó, khi mà bà chuẩn bị thi tú tài phần hai. Giời ơi, sao nàng nhà ta nhà mùa, lại khờ đến thế hở ? Mánh mung nhà nghề để ở đâu rồi nhi ? Ở cùng trạc tuổi Văn Tui để quyển Bonjour Tristesse ở bên dưới nhé bên trên ngụy trang bằng quyển toán Giải Tích, Calculus, nào những đạo hàm, nguyên hàm, phương trình vi phân, phương trình tích phân,… những giấy nháp phủ bởi những biểu đồ toán học chi chít, ngoằn nghèo chỉ có những ông giáo toán Nguyễn Cao Can, Lý Tòng Tôn, Phạm Khắc Trí, Nguyễn Văn Phú hay Nguyễn Xuân Vinh mới hiểu nổi trên sách toán bên dưới là “những tài liệu non-math”, những Bonjour Tristesse hay Pénitence (Sám Hối) mà thôi. Bố ai nào biết khi đi xét phòng khi con trai nghe lời ông giáo Sâm răm rắp: “Con trai đang đọc sách, đang học bài Calculus”, thế là bùa của ông giáo Sâm giúp Văn Tui từ thế kỷ trước rồi, chân thành cảm ơn ông giáo thích viết văn, giúp đỡ trò nào khi khó khăn không được đọc sách.


Minh Đức Hoài Trinh và Hoàng Xuyên Anh

Theo lý thuyết truyền giống, vì cá nhân ta thừa hưởng của mẹ cha gene về trí tuệ và về thể chất; và rồi cấp trên yêu nhau, sau này truyền thừa để cấp dưới chạy marathon theo sau để dòng sông nhân mãn chả bao giờ cạn kiệt. Tình yêu đắm đuối cuồng nhiệt tùy theo mức độ full time hay part time của những đôi nhân tình khao khát yêu đương và mãnh liệt quấn quít bên nhau như vậy cho nên lắm lúc tonton Obama lo héo ruột, xốt xang hốt hoảng chớ phải chơi, ngân sách càng còm cõi, chả nhẽ cho quý thần dân xơi bo bo, nhai gạo cao su  ni lông sao chứ lị? Do cũng chính vì tình yêu đắm đuối của cấp trên truyền thừa, những thế hệ trẻ tương lai noi theo tìm đối tượng phối ngẫu thích hợp cho mục tiêu truyền thừa.

Nghiền ngẫm triết lý của Schopenhauer trong cuốn “Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết”, ông cho là lạc thú dục vọng chỉ là miếng mồi quyền rũ lừa phỉnh của tạo hoá nhằm biến con người thành những công cụ truyền sinh, truyền giống. Xét cho cùng con người đã bị cầm tù bởi bất cứ điều gì, cho dù là cả dục vọng do ham muốn bản ngã thì tất cả đều chỉ là những tù nhân bất hạnh. Vì thế cho nên muốn trở thành con người hạnh phúc thanh tao cao thượng của ý tưởng “platonic love” như ý tưởng hay tên của tác phẩm Nguyễn Mạnh Côn , best seller “Tình Cao Thượng” của thuở dĩ vãng đáng yêu, và rằng con người cần phải thoát khỏi cả cái ách khó nhất là dục vọng.

Đàm đạo với nhà văn Nguyễn Hữu Thời cho là Françoise Sagan là điển hình cho sự nghiệp văn chương thành công về tên tuổi và tài chánh khi còn quá trẻ, bà tiêu pha tiền bạc hoang phí, chủ trương dục vọng hưởng thụ bất chấp sức khỏe. Quan điểm yêu cuồng sống vội kích thích những người trẻ qua tác phẩm hay qua đời thường của bà vì sự đột phá của hiện tượng lạ lẫm.

Trong khi Minh Đức Hoài Trinh sinh năm 1930, Françoise Sagan sinh năm 1935, cả hai sinh cùng một thế hệ, cả hai được hấp thụ nền văn hóa Pháp, cả hai đều viết văn. Đó là những điểm chung. Tuy vậy họ có sự cách biệt lớn về quan niệm sống, Françoise Sagan lái xe bạt mạng gây ra tại nạn, lãnh bao giấy phạt của sở cảnh sát, bà vui chơi trong những hộp đêm sang trọng, bà hút sách, hoan lạc bên rượu chè,… nhiều người luyến tiếc cho một tên tuổi lớn trong văn học, sao không làm gương. Nói như thế thì ta bỏ quên sự cá biệt của con người trời ban của Françoise Sagan.

Minh Đức Hoài Trinh có những tác phẩm lãng mạn, dù thi ca hay văn xuôi. Bà có nếp sống gia đình hạnh phúc, bà có nếp sống đạo đức, ngăn nắp và gương mẫu. Minh Đức Hoài Trinh có những sở thích dễ thương, dễ cảm thông, bà thích hoa, trà, thiền, ăn chay, thi ca, văn học, báo chí và đàn tranh. Bà rất giỏi về bộ môn đàn tranh.

 

Trên cao tất cả, tôi quý nhà văn Minh Đức Hoài Trinh vì bà trung thành với đất nước Việt Nam Cộng Hòa, bà chống Cộng Sản, bà chống bạo lực và ác tính đè nặng lên vai người dân, bà bôn ba vận động can thiệp trả tự do cho giới văn học báo chí, những nạn nhân của những trại tù Cộng Sản. Bà xin lại Tư cách Văn Bút Hội viên Việt Nam tại diễn đàn Văn Bút Quốc Tế. Trong vai trò phóng viên chiến trường bước chân Minh Đức Hoài Trinh đi qua các địa danh thân yêu từ Sài Gòn ra miền Trung, qua các vùng thân quen của xứ sở như những Qui Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị,…

 

Để chứng minh cho madame Hồng Tước tác phẩm Sám Hối (1967) ra sao như đã hứa với nàng ca sĩ đam mê ca hát hơn xơi cơm, tôi xin trích các đoạn văn nóng phỏng tay khi mà năm 1971 tôi ở tuổi đôi chín đọc Sám Hối tưởng đâu sách mang hơi hướm của Bát Nhã Tâm Kinh, hay Hoa Nghiêm Tâm Kinh, đọc để tìm chân lý hành trì Sám Hối và Phát Nguyện, tức cải tà Sám Nguyện. Nào ngờ đâu càng đọc quyển Sám Hối thì hằng triệu con kiến vàng bò khắp châu thân, nhột ơi là nhột, ngày nay ở luống tuổi 62, đọc lại tác phẩm Sám Hối thì hằng triệu con kiến vàng ngày xưa bò về chốn cũ, bò khắp châu thân, nhột nhạt ơi là nhột nhạt. Tôi không dám cười to, e là bà chủ nhà nghĩ tôi hôm nay uống lộn thuốc cao tăng-xông hay bị sao đó.

Nhà văn Minh Đức Hoài Trinh và phu quân (Nhà văn Nguyễn Quang) 

Tác phẩm Sám Hối trong tập truyện 230 trang có 8 nhân vật:

– Tân chàng trai trụy lạc, một thứ “playboy”
– Uyển, đứa con gái hư hỏng sa đọa
– Hải, vai chị ruột của Tân
– Lợi, gái già bạn của Hải trong chuyến di cư vào Nam từ Hải Phòng
– Lệ Thanh, vợ của Đại úy Quân
– Quân chồng của Lệ Thanh
– Bà giáo Ảnh, mẹ của Uyển
– John, người nhân Mỹ của Uyển
– Martin,  người nhân Mỹ khác của Uyển

Tân và Uyển là 2 đôi trẻ yêu nhau, lén gia đình thường tìm đến nhau qua thú vui xác thịt của ái tình hiếu kỳ và nông nổi. Tân vào Nam với người chị tên Hải. Uyển không cha sống với mẹ, mẹ là bà giáo Ảnh lo cho chuyện nhà trường nhiều hơn lo cho con mình.

Lợi có lúc đút cháo cho bé Tân, ngồi trên đùi của mình. Có lúc Hải nhờ Lợi tắm cho bé Tân. Hình hài đứa em nhỏ lớn dần để sau này là tình nhân. Lợi yêu Tân vì gái già luống tuổi cô đơn, Lợi là nơi cung cấp thức ăn tẩm bổ, tiền bạc cho Tân, Tân như tay Casanova, hay Don Juan, hưởng lợi “cơm no bò cỡi”. Lợi là hình ảnh đặc trưng của xã hội “bò già thích gặm cò non”.

Lệ Thanh là người tình thứ ba sau Uyển và Lợi. Khi Quân, chồng Thanh đi hành quân hay bận công vụ, nàng sung sướng trao thân xác cho Tân giải tỏa nỗi niềm riêng. Thanh lại chiều chuộng người tình trẻ Tân, đầy sức sồng như Tân, những saut ái ân lén lút làm cho nàng cảm giác đỡ buồn vì có chồng cũng như không.

Đối với Uyển, một cô gái mới lớn yêu Tân, đôi bạn mây mưa ong bướm đến mang thai, Tân phủi trách nhiệm để Uyển phải phá thai. Sau khi nạo thai xong, nàng ít gặp Tân, Tân phải chia thời gian appointment cho Lợi và Lệ Thanh, Uyển dù yêu Tân, nhưng tức giận khiến nàng lao mình vào trò chơi mới, bạn trai Mỹ, trao đổi thân xác với John và Martin, hàng ngoại và là của lạ, phương phi, không kém phần “ngon cơm” lạc thú.

Trích đoạn Tân và Lợi mây mưa ong bướm ở trang 18 đến 23, Lợi lớn hơn Tân 10 tuổi không chồng, 4 trang mô tả tình tiết giữa 2 chị em ban đầu sau một hôm ong bướm họ biến tình cảm từ “chị em” là “anh em”, tình yêu kéo dài dấu Hải (chị của Tân, bạn thân của Lợi) không hề biết.

Khi Lợi đau, Hải sai ân mang quà nho pommes đến biếu Lợi. Trong cô phòng của Lợi, Tân dề nghị phương pháp massage theo lối Thụy Điển, không cần dầu mà da xúc cảm bén nhậy trực tiếp với da. Tân nói:

“Chị nằm sấp xuống, em xát lưng trước cho đã. Cái xương sống đó là chỗ quan trọng …

Lợi ngoan ngoãn vâng lời Tân như cô bé con, sự va chạm giữa hai làn da, tuy có cách lớp áo ngủ, vẫn đủ sức đưa đến một cảm giác thoải mái dễ chịu. Tân ngồi sát lại gần hơn, cứ thế mà chà xát cho Lợi. Nhận thấy tấm áo ngủ dài làm vướng víu, Tân kéo phăng nó lên tận trên lưng để cho dễ bề chà xát. Tấm áo kéo lên, trong thân người đàn bà chỉ còn chiếc quần lót màu đen mỏng manh, mầu đen bao giờ cũng khiêu khích hơn màu trắng… khi nhận thấy Lợi run lên… vì quá xúc cảm.”

Lợi muốn dấu cảm xúc đê mê trước Tân và bảo chàng hãy ngừng tránh mỏi tay. Tân biết cơn bão tình đã tới nơi, cần tiến đến mục tiêu, Tân lật ngữa Lợi, tay Tân nâng niu, vuốt ve, mơn trớn da thịt người đàn bà…

“sự chà xát trở nên nhẹ nhàng hơn, âu yếm hơn. Người đàn bà vẫn nằm yên lặng, nhìn đôi mắt lờ đờ như người say thuốc. Mặc cho hắn muốn làm gì làm, không hề nói một tiếng, và hắn đã thỏa mãn tất cả lòng tò mò. Từ mấy lâu nay khắc khoải trong thể xác và tâm hồn thằng con trai chưa lớn…”.

Xem tiếp đến trang 35 đến trang 60, đoạn mà kiến bò châu thân rã rời hơn. Lợi muốn chiều lòng người yêu bé nhỏ, Lợi phục sức kimono như nữ hầu geisha phục vụ rượu saké, họ yêu nhau, họ hôn nhau say đắm Lợi đem Tân về ký ức cũ Lợi đã tắm cho cậu bé trần truồng, nay là người yêu của nàng, nay cả hai bên nhau vui đùa trong phòng tắm, nàng chà xát tắm cho chàng… họ quấn quít bên nhau như đôi tình nhân, Lợi mãi hôn lên trán, lên tóc, lên má người yêu bé nhỏ trong hạnh phúc. Sám Hối có nhiều xenkie61n bò châu thân nóng bỏng tim, bỏng da, nhiều pha cụp lạc kiến bò nhột nhạt khắp nội tạng, ngoại tạng. Tôi xin gởi một trích doạn kiến bò khắp châu thân khi Tân hôn ngưới tình luống tuồi từ hướng bắc xuôi nam, từ núi đông về núi tây, và ngược lại, rà hướng chân lên đầu. Lợi run rẩy âu yếm thú nhận cái diễm phúc đầu đời đáng yêu ấy.

“Rồi Tân cúi sát xuống, gắn chặt môi mình vào môi lợi, làm Lợi hết nói được. Chiếc áo kimino chỉ được buộc bằng một sợi thắt lưng đơn sơ bị cởi tung ra. Bộ ngực đầy đặn của Lợi phô bày không còn che dấu, Tân cúi xuống hôn từ cổ, xuống ngực, xuống bụng,… hai quả dưa nhỏ,… Lợi sung sướng khép chặt bộ đùi, oằn người lên như muốn dâng cả tâm hồn lẫn thể xác của mình cho người yêu…”

Tác giả cho kết cuộc bi đát khi Lợi cảm thấy mình lớn tuổi cần có kỷ niệm với người yêu trẻ nàng quyét định mang thai với chàng. Khi sinh con ngược, bà mụ quá dở, quá tệ cứu được con, nhưng người mẹ phải hy sinh. Cái chết của Lợi đem tới bối cảnh mới, bé sơ sinh được đặt tên là Trần thị Sám Hối theo họ cha là Trần Ngọc Tân, người chị của Tân nuôi nấng cháu bé.

“Sám Hối”

Tân kể cho Thanh nghe về nguồn gốc của bé Sám Hối, Thanh nhận thức được rằng Tân không phải người tình thủy chung. Tân khuyên Thanh hãy trở về với đại úy Quân, để không phải hối hận với lòng, Thanh sám hối trở lại với Quân.

Uyển theo Martin về Mỹ, Martin muốn Uyển sống vào khuôn khổ gia đình. Nhưng Uyển không thích hợp, nàng như loài chim di bay nhảy sống nơi vui thú, nàng xa Martin để làm gái nhảy, ca ve cho một hộp đêm. Trong bức thơ gởi cho mẹ, nàng trách móc bà giáo Ảnh, mẹ chỉ lo cho việc làm bỏ bê con cái. Khi con cái ở tuổi cô đơn đua đòi gia đình không là nơi lý tưởng dung thân. Uyển phiêu lưu lén lút ăn nằm với Tân, khi mang thai, Tân xúi nàng phá thai để chàng nối tiếp cuộc sống sa đọa dục tính với người đàn bà khác, hậu quả là bé Sám Hối chào đời. Nàng không thích ở với người Mỹ, cũng nhưng nàng không thích hợp với nếp sống giả dối của người mẹ, khi nàng công khai chỉ trích mẹ mình đằng sau lớp ngụy trang đạo đức, bà cũng có những lén lút những khát khao về thể xác. Uyển nói với mẹ nàng cho mình, hãy sống hưởng thụ công khai không cần dấu diếm như mẹ qua nghề ca ve hộp đêm.

Tác giả Minh Đức Hoài Trinh cho kết luận mở (open conclusion, conclusion ouverte) là với 2 mẹ con bà giáo Ảnh ai là người phải sám hối, hay là cả hai. Tùy người đọc hãy tự chọn lựa.

Khi mạn đàm về hai tác phẩm Sám Hối và Bonjour Tristesse tại tư thất của nhà văn Thinh Quang. Anh Lý Tòng Tôn hỏi liệu Françoise Sagan và Minh Đức Hoài Trinh theo khuynh hướng văn chương hiện sinh. Để trả lời anh, hãy xét qua thế nào là khuynh hướng văn chương hiện sinh trước đã. Nhận xét về chủ thuyết hiện sinh là gì ?

Theo định nghĩa của chủ nghĩa hiện sinh, nó ám chỉ sự nghiên cứu hệ phái các triết gia ở vào cuối thế kỷ 19  và đầu thế kỷ 20, những người tuy khác nhau về học thuyết nhưng có chung niềm tin rằng quan niệm triết học xuất phát từ chủ điểm là về con người, vì con người, chứ không phải là chủ thể thuộc về lý thuyết hay tư tưởng trừu tượng theo lối cổ điển (classic approach), hệ thống truyền thống kiểu cũ, mà phải là cá thể tồn tại, có sự hiện diện của cảm xúc, và sinh hoạt trong cuộc sống. Trong chủ nghĩa hiện sinh, xuất phát quan điểm của cá nhân được đặc trưng mô tả bởi sự kiện được gọi là “thái độ hiện sinh” (the existential attitude, l’attitude existentielle), hay một tình trạng mất định hướng và bối rối khi đứng trước một thế giới có vẻ như vô nghĩa và phi lý. Nhiều nhà triết học hiện sinh cũng đã coi triết học hàn lâm hoặc triết học uyên bác của hệ thống truyền thống cũ thiên về tư tưởng, ở cả phong cách cũng như nội dung, thật là quá trừu tượng và tách biệt khỏi những kinh nghiệm cụ thể của con người trong cuộc sống thực tế.

Cũng theo nhận xét về chủ thuyết hiện sinh, nhà văn Gordon E. Bigelow trong tác phẩm “A Primer of Existentialism” ghi nhận chủ nghĩa hiện sinh chú trọng vào sự hiện sinh của từng cá nhân, họ có đời sống riêng tư, được tư do với với ý muốn cần có, với nhân vị, nhân phẩm, được mưu cầu hạnh phúc, tự do yêu đương, tự do suy tư, viết lên những suy tư của mình. Do đó hiện sinh là con người sống ra con người, có suy nghĩ, có tri giác, con người hiện hữu không thể bị gò bó, máy móc, vô giác được. Bigelow viết thêm là trong thế giới chúng ta nên phân biệt ranh giới hiện sinh của phần đúng (cao cả) và phần sai (thấp kém). Với nhận định của Văn Tui xin cho ví dụ con người muốn tự do lái xe đua bạt mạng gây ra tại nạn hại người khác như Françoise Sagan, hay dòi tự do luyến ái, tự do phi sì ke, tự do sống buông thả “Make Love Not War” (Faites L’Amour, Pas La Guerre), sinh con đẻ cái vô trách nhiệm ném cho xã hội hay ông 7 Obama nuôi nấng, những teen mothers, những ông bà hippies yêu cuồng sống vội của phong trào phản chiến năm xưa tại Woodstock hay Berkeley. Đấy là lạm dụng trắng trợn định nghĩa hiện sinh.  


Minh Đức Hoài Trinh (thứ nhất từ trái)

Cả hai tác phẩm Sám Hối và Bonjour Tristesse đề cập về lối sống, nếp suy nghĩ của các nhân vật do các tác giả dàn dựng, sắp xếp như Cécile và Cyril âm mưu ly gián Anne, người muốn đưa Cécile vào khuôn khổ kỷ luật của đời sống cho nên người, với bản chất ích kỷ phóng khoáng, Cécile ra tay loại Anne nhân tình của cha mình, mưu mô bằng cách để cho Cyril cặp bồ với Elsa người nhân tình khác của Raymond, người cha nàng trong truyện của Françoise Sagan. Hay nhân vật Uyển chán nản lối sống ngụy đạo đức, cớ bận rộn của công việc làm của bà giáo Ảnh, nhà mô phạm trong xã hội vẫn có những dục vọng riêng tư, con gái hẹn hò trao đổi xác thịt với bạn trai, mang thai, phá thai, nạo thai bà giáo Ảnh không hay biết gì chỉ vì bà vẫn bận rộn lo cho trường học hay lo cho chuyện  riêng mình.

Ý muốn cá nhân dù của Cécile, Cyril hay Raymond; hoặc Uyển, Tân hay bà giáo Ảnh đều là ý muốn cá nhân, sự lựa chọn của con người, hay cốt truyện dàn dựng cho khuôn khổ lối sống con người. Vì lẽ đó hai tác phẩm này có thể xếp vào khuynh hướng văn chương hiện sinh. 

GS. Nguyễn Hữu Thời

Còn riêng nếp sống bê tha sa đọa của Françoise Sagan xin hãy để linh hồn bà được yên nghỉ. Với 25 tác phẩm văn chương dài ngắn, gần 10 vở kịch Françoise Sagan để lại cho đời, xin hãy tri ân bà. Với nhà văn Minh Đức Hoài Trinh, người sông với những ý tưởng cao đẹp,  chân thiện mỹ, bà đóng góp cho quốc gia và xã hội cả một đời. Mong rằng sau này trong nền văn học tự do khai phóng cho xứ Việt Nam mai hậu, tên tuổi và tác phẩm của bà sẽ đươc ghi nhận.

Happy Birthday Nhà văn Minh Đức Hoài Trinh!

 

Việt Hải Los Angeles

12/2014

 

 

 

 

 

 

 
Happy Birthday Nhà văn Minh Đức Hoài Trinh!

 

_________________________________________

 

 

 

Việt Hải Los Angeles

12/2014

 

 

 

 

 

 

 

Thơ và Truyện của Việt Hải               |                 www.ninh-hoa.com