NHỮNG NGƯỜI TÙ ÁO HOA (Phạm Gia Đại)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: tree, plant, outdoor and nature

Thời gian ở trong tù quả thật đúng nghĩa là thời gian chết.
Khoảng thời gian vô bổ, vô nghĩa vì không biết lấy cái gì để lấp đi được hết cái khoảng trống đó hay làm sao để giết đi được hết cái thì giờ thừa thãi đó. Đâu phải nó chỉ là mười ngày hay một tháng như lời tuyên truyền lừa bịp của Quân Quản thành phố khi Sàigòn đã mất, mà nó kéo dài lê thê và pha lẫn với những máu, nước mắt và mồ hôi của hàng trăm ngàn người tù chính trị hết năm này qua năm kia hình như không có giới hạn về thời gian nữa.
Lúc tôi còn ở trại cô nhi Long Thành, hơn ba ngàn người hầu hết là dân sự trong các Phủ Bộ của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đang ở trong tù. Sau mười ngày, rồi sau một tháng trôi qua không động tĩnh thì họ cũng không còn biết bám víu gì vào ngày tháng nữa và thời gian chỉ còn là một khoảng trống không vô tận.
Cái chính sách “khoan hồng nhân đạo” của Đảng và Nhà Nước Cộng Sản đối với các viên chức chế độ cũ đã bị rơi cái bộ mặt giả nhân giả nghĩa khi sau một tháng rồi mà vẫn giam giữ các “cải tạo” viên.
Chính sách đó đã biến miền Nam thành một nhà tù lớn nhất thế giới.
Những người dân miền Nam, nhất là các quân dân cán chính chế độ cũ Việt Nam Cộng Hoà qua một thời gian ngắn sống dưới chế độ Cộng Sản, bắt đầu hiểu lờ mờ thế nào là Xã Hội Chủ Nghĩa; và khi mà thức ăn dành cho súc vật là bo bo cũng không có đủ cho những người tù lao động khổ sai nữa thì mọi người bắt đầu nhìn thấy một hiểm hoạ đói kém và một tương lai đen tối đang đổ ụp xuống trên quê hương mình.
Có điều chúng tôi đều không hay và đều không hề biết rằng những khoảng thời gian ấy là những tháng ngày hiếm có mà còn được những giây phút thoải mái và thong dong một chút trước khi bị đưa ra miền Bắc là Xã Hội Chủ Nghĩa, bị ném vào “hoả ngục” trên trần gian – là những trại “tập trung cải tạo” với nhiều hình thức lao động khổ sai khác nhau – đang được từ từ dựng lên như nấm khắp Nam chí Bắc Việt Nam, rập khuôn theo các trại ở Siberia hay Tân Cương.
Những buổi chiều tại trại cô nhi Long Thành, chúng tôi chẳng biết làm gi hơn là cứ lững thững đi bộ dọc theo các con đường đất nện chung quanh các căn nhà chỉ còn là cái xác, không cửa sổ mà cũng chẳng có cửa ra vào.
Một số thì ngồi trên gò đất cao nhìn ra hướng xa lộ chạy về thành phố vừa nhớ về gia đình vợ con vừa tự hỏi tại sao lại ra nông nỗi này?
Tại sao lại cả một chế độ đang Tự Do no ấm trong miền Nam chui hết cả vào tù như thế này? Tại sao hầu như tất cả những thành phần tinh hoa của Việt Nam Cộng Hoà đều vào trong cái rọ này hết? Ai, những ai là người đã gây ra cái thảm trạng này, chúng tôi chăng?
Câu hỏi đó cứ mãi xoáy vào trong đầu tôi và có lẽ cũng trong đầu mọi người đang ở chung quanh tôi bởi vì chúng tôi đã mất một miền Nam trù phú thịnh vượng và văn minh văn hoá vào tay bọn người mà trước kia Việt Nam Cộng Hoà gọi nó là loài quỷ Đỏ từ miền Bắc vào, vừa vô tôn giáo vừa vô tổ quốc, vừa nghèo đói vừa gian manh, tàn bạo, đầy thủ đoạn và xảo quyệt.
Nhưng loài quỷ Đỏ gian manh xảo trá đó lại là kẻ chiến thắng và chúng tôi văn minh văn hoá hơn mà lại là kẻ thất trận.
Điều nhức nhối là nằm ở chỗ đó, và mỗi thời gian qua đi trong tù thì chúng tôi lại học được những kinh nghiệm mới và hiểu rõ hơn về cái gọi là là Xã Hội Chủ Nghĩa – là cái xã hội dạy cho con người ta bề ngoài phải sống dối trá thì mới có thể tồn tại được.
Trong khi từ ngàn xưa chúng ta đã bị ảnh hưởng nhiều từ hai luồng triết học của Khổng giáo và Phật giáo. Sau ngày di cư vào Nam chúng ta còn được học Công Dân Giáo Dục và Đức Dục tại trường học. Các môn trí dục đó đều dậy chúng ta trở thành những con người vừa có tài năng vừa có đức hạnh, ngay thẳng, thành thật và biết thương người.
Đem hai lối sống đối chọi nhau như vậy ra cân đo, một đàng Cộng Sản chỉ biết một điều là chém giết và phá hoại không nương tay tất cả mọi thứ trên đường chúng đi để cướp chính quyền bằng mọi thủ đoạn – và một bên chúng ta những người Quốc Gia đã hành động như những người quân tử có lòng nhân đạo và không biết phòng bị đối với kẻ tiêu nhân – thì chúng ta đã hiểu vì sao Việt Minh đã thành công trong việc âm thầm hay công khai thủ tiêu hầu hết các nhà cách mạng trong các phong trào và đảng phái yêu nước thời chống Pháp và họ đã cướp được chính quyền.
Sau năm 1954 đất nước bị chia hai và khi Hiệp Định Genève ký chưa ráo mực, Cộng sản Việt Nam vẫn dùng một sách lược như cũ, theo đúng lời dạy bảo của quan thầy chúng là Nga-Tầu, là phát động cuộc chiến võ trang, xé bỏ ngay Hiệp Định mà chúng vừa ký kết để xua quân xâm nhập trái phép vào miền Nam qua vùng Phi quân sự và sử dụng cả đất Lào và Miên cho đường chuyển quân của chúng.
Trong tù, anh em có lúc nói chuyện với nhau rằng nếu ngày trước hành quân bắt được tên Việt cộng hay Bắc Việt nào bắn bỏ hết thì chúng đâu còn lực lượng đâu mà tấn công chúng ta nữa? Nhưng là người Quốc Gia chúng ta thượng tôn luật pháp đâu có thể làm thế được. Cho nên chỉ giam giữ tù binh Việt cộng một thời gian, cho một bản án, rồi lại thả và chúng lại trốn vào bưng, như cóc bỏ dĩa vậy.
Thời gian còn ngoài Bắc, có những em bé chăn trâu hay những trẻ đang mót lúa trên đồng nhìn thấy chúng tôi thì lạ lắm. Vài hôm sau quen dần thì mon men lại gần hỏi chúng tôi biết đọc chữ hay sao khi có vài anh cầm trên tay cuốn sách. Bởi Các em và các dân làng bên đều bị tiêm nhiễm sự tuyên truyền của Cộng Sản rằng các lính “Ngụy” chỉ biết ăn gan hút máu người mà thôi.
Thế rồi vài anh đã chỉ cho các cháu tập đọc và cách giữ gìn vệ sinh tránh bệnh tật nữa và các em bé này khi về tới làng loan truyền lại rằng các người tù này rất hiền lành và tử tế chứ không hung dữ như các cán bộ huyện xuống tuyên truyền đâu, và mỗi lúc đội chúng tôi đi lao động bên ngoài trại thì các em lại mon men đến gần vì rất thích nghe các chú kể truyện trong Nam.
Những ngày mà đội được điều về sửa sang hay xây lại cái sân hay gian trái của nhà tay trưởng trại là Thiếu Tá Dũng thì cậu bé cháu nội của tay trưởng trại này mới lên bẩy thường khệ nệ vác ra cái điếu cầy, ít thuốc lào cho các chú hút thuốc “giải lao” cho vui.
Nó thường nhìn trước sau không có ai là bê nguyên bình rượu Mai Quế Lộ của ông nội nó ra cho các chú mỗi người tu một hớp, rồi ngồi bên cạnh há hốc mồm ra nghe một cách say sưa các chú vừa lao động vừa kể chuyện đời xưa trong Nam, những chuyện lạ lắm nó chưa từng được nghe bao giờ.
Hỏi là lớn lên cháu thích làm gì thì nó trả lời không do dự:
– Cháu muốn làm các người tù áo hoa như các chú.
– Tại sao không muốn làm cán bộ như ông nội con đó?
– Tại vì tù áo hoa có nhiều quà lắm. Mỗi lần thăm nuôi là một xe đầy quà à!
Chúng tôi dù đang trong hoàn cảnh lưu đầy cũng không nhịn được và phá ra cười.
Sau khoảng hai tuần lễ sửa chữa nhà cửa cho tay trưởng trại này xong thì những người tù áo hoa này không còn có dịp gặp lại chú bé con dễ thương đó nữa, nhưng vẫn không thể nào quên được tình cảm thương mến mà chú bé đã dành cho các anh em trong đội xây dựng nhất là hớp rượu Mai Quế Lộ hiếm có trong hoàn cảnh đó.
Dân làng chung quanh cũng quen gọi chúng tôi là tù áo hoa vì mặc đồ treillis, còn bà vợ của tay trưởng trại này thì gọi chúng tôi là “những tù quốc tế”:
– Các anh cứ đưa tiền đây cho tôi, tôi sẽ mua trứng gà và thịt thà cho. Ăn vào cho nó khoẻ chứ các anh là tù quốc tế mà sợ gì tụi nó.
Tụi nó ở đây là đám cán bộ an ninh và trực trại và những anh em tù nhân cả bên hình sự và chính trị được cho chức vụ như tự giác, thi đua luôn đứng lục xét từng người tù một ngay tại cổng trước khi cho nhập trại, nếu họ có gì nghi ngờ.
Bà ta nói thì rất là mạnh miệng nhưng có lần trong đội thường cử ra một anh làm “sĩ quan liên lạc” để đi lấy hàng về, khi vừa đến cửa nhà tay trại trưởng thì anh định kêu bà đem hàng ra thì thấy ông ta ngồi lù lù cạnh cái bàn đang rít điếu thuốc lào, còn bà vợ ở phía sau thì xua tay rối rít. Anh “sĩ quan liên lạc” này vội dọt lẹ.
Hôm sau gập bà ta lấy hàng thì bà phân bua:
– Các anh không biết chứ ông ấy cứ hay lên lớp tôi là mua bán “móc ngoặc” như thể là làm ăn không tôn trọng nội quy và làm ông ta mang tiếng. Hôm qua tôi bèn nói cho ông ta biết rằng nếu tôi không làm ăn buôn bán thế này thì lấy đâu ra ngày ngày thịt lợn luộc cho ông ấy ăn, rượu Mai Quế Lộ cho ông ấy nhắm?
Bà vợ tay trại trưởng này tuy người gầy đét như que củi và hàm răng thì cả một tiểu đội trú mưa cũng còn dư nhưng được cái không hiểu sao rất là tốt với những người tù áo hoa này, có thể vì họ sẵn sàng mua hàng với bất cứ giá nào dù là cao hơn nhiều so với ngoài chợ, miễn là có hàng cho họ để bù vào cái khẩu phần ăn quá thiếu thốn.
Vậy mà trong một thời gian dài bà ta cũng đã giúp cho chúng tôi rất nhiều trong dịch vụ cung cấp “chất tươi” – để chỉ các loại thịt và nhất là trứng gà.
Hễ có con gà nào vừa đẻ là bà ta dành dụm lại thành một chục để bán cho tù chính trị và chỉ bán cho tù chính trị mà thôi. Có anh em hỏi tại sao không bán cho tù hình sự thì bà chỉ lắc đầu không nói nhưng chúng tôi hiểu ngầm là bà chỉ tin tưởng vào đồng tiền của người tù áo hoa thôi.
Mãi cho đến khi các gia đình trong Nam ra thăm nuôi chúng tôi được thường xuyên hơn thì những dịch vụ buôn bán của bà vợ tay trại trưởng này mới thưa dần đi.
Dù thời gian đã xoá nhoà đi nhiều kỷ niệm nhưng tôi vẫn không bao giờ quên được cái dáng gầy đét như cây sậy và đôi chân trần nứt nẻ của bà vợ tay trưởng trại này và cái tay bà khua khua trên không khí:
– Các anh không biết chứ ngày xưa tôi là hoa khôi trong làng cho nên ông ấy mới mê tít đi mà cưới hỏi đấy.
Dầu sao cũng phải công nhận là bà ta có cái Tâm khá thành thật và không hề bị ảnh hưởng bởi luận điệu tuyên truyền của Nhà Nước là Xã Hội Chủ Nghĩa nên đối xử với chúng tôi có chút tình người.
Những hôm mua được “hàng” từ nguồn cung cấp của bà vợ trưởng trại này, và qua mặt được sự khám xét ở cổng trại để đem “hàng” vào được trong trại yên lành là những thời gian “vàng son” của người tù.
Chúng tôi chia nhau có thể năm mười người một con gà luộc để có một bữa ăn cho bõ ghét. Nằm ngay trước mặt tôi là một anh bạn khác đội, pilot ngày xưa và cao lớn. Anh ăn rất khoẻ bởi thế lại là người đau khổ nhất mỗi khi nhận phần ăn chưa đầy một bát bo bo hay lưng bát cơm. Thấy tôi nhỏ con nên anh thường hay qua đổi cơm lấy bo bo để ăn cho nó nặng bụng hơn một chút vì bo bo vỏ dầy ăn vào thì lâu tiêu hơn là cơm nên có cảm giác đỡ đói hơn.
Hôm ấy, anh dành tiền và mua được nguyên một con gà và buổi tối sau khi vào buồng, anh mượn cái chậu thau phát cơm của buồng để đựng con gà, bầy nó nguyên con ra trước mặt để làm một bữa đánh chén có một không hai cho thoả những ngày bụng xẹp lép quanh năm.
Tôi ngồi ngay trước mặt anh ở sàn trên nên không muốn cũng phải nhìn qua sàn bên kia từ đầu đến cuối, từ lúc anh bắt đầu ngồi xuống chiếc chiếu, sắn tay áo lên bê cả con gà lên, nghĩ sao lại bỏ xuống rồi chỉ bẻ một cái cánh ra nhấm nháp trong khi cặp mắt thì lim dim lại như để tận hưởng cái khẩu vị êm ái và ngọt ngào đó.
Nhìn cách anh chậm rãi “xơi tái” con gà một cách ngon lành mà tôi không nhịn được cười, dù là vui vì bạn mình có một bữa no nê để trả thù cái đói kinh niên đáng nguyền rủa cứ bám chặt lấy người tù. Thình lình anh mở mắt ra nhìn thấy tôi bèn chỉ vào chiếc đùi gà, tôi lắc đầu chỉ vào phần thịt gà mà tôi vừa chia được.
Sau hai tiếng đồng hồ anh mới xong bữa tối. Bình thường thì chỉ vài phút đồng hồ là chúng tôi ăn xong phần ăn của mình bởi chỉ có độc nhất ít bo bo hay khoai tây nhỏ bằng ngón tay út hay lưng chén cơm, không có canh, không có cả nước muối hay rau cỏ gì nên thanh toán rất nhanh.
Anh rửa qua loa cái chậu thau, bỏ nó ra gần cửa xong leo lên giăng mùng chui vào giấc ngủ đến thật êm đềm. Tối đó tôi tin là anh ngủ rất say không nhiều mộng mị. Người tù đó vừa có một ngày vui bất ngờ, một bữa ăn thịnh soạn như trên trời rơi xuống, và ngày mai muốn ra sao hãy tính sau.
Vài năm sau khi vào trại thì họ phân phát cho chúng tôi các bộ đồ treillis mầu hoa rừng của Quận Lực Việt Nam Cộng Hoà trước kia, một phần để tiết kiệm ngân quỹ, mặt khác cũng có thâm ý để cho chúng tôi mặc quấn áo đó như là Quận Lực Việt Nam Cộng Hoà đang bị chúng giam giữ vậy.
Thiên bất dung gian cho nên họ không ngờ rằng với bộ treillis mầu hoa rừng đó của các binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, Nhẩy Dù, Biệt Động Quân, các người tù đã đi khắp đó đây trong núi rừng trùng trùng điệp điệp của Hoàng Liên Sơn chặt cây đem về cho trại – và vô hình chung Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà như bừng sống lại giữa núi rừng từ miền trung du lên các Tỉnh miền thượng du.
Trong mắt của dân làng nhất là dân tộc thiểu số qua những lần tiếp xúc tuy ngắn ngủi với các người tù chính trị chế độ cũ thì họ nhận thấy những người tù này hoàn toàn khác hẳn so với những tù hình sự và dân chúng bắt đầu gọi chúng tôi là “người tù áo hoa” từ đó để phân biệt với tù hình sự. Tù áo hoa là những con người hiền hoà dễ mến và hay giúp đỡ không phải là hình ảnh những kẻ giết người, ăn gan người như tuyên truyền.
Khi ra Bắc được khoảng hai năm thì vào một ngày cuối Thu, trời chợt chuyển lạnh thình lình rồi mưa xuống xối xả như thể bao nhiêu nước trên trời đều tuôn xuống vùng núi rừng hoang vu này.
Nước từ trên nguồn cũng tháo xuống qua thung lũng, qua khe núi, từ trên rừng đổ về. Chỉ mấy ngày sau là cả vùng ngập lụt trong nước trắng xoá. Những ngôi làng dân tộc thiểu số người Thái chìm trong biển nước. Hoa mầu mất sạch và nương rẫy đều biến mất dưới làn nước trắng xoá, trâu bò xổng chuồng và bị nước lũ kéo phăng đi.
Nước cuồn cuộn đổ về tàn phá xóm làng, cả một vùng mênh mông không còn gì ngoài nước lũ, sức nước xoáy về quả thật là ghê gớm như cơn thịnh nộ của trời đất. Tất cả hầu như không còn gì dưới dòng nước trắng đục.
Miền Bắc nhất là các vùng mạn ngược của đồng bào thiểu số vốn dĩ đã nghèo xác xơ, quanh năm suốt tháng chỉ trông chờ vào hoa mầu và nương rẫy bây giờ tay trắng. Dân làng đứng trước một nạn đói không thể tránh được.
Địa phương thì nơi nào lo nơi đó và họ không hề quan tâm đến dân làng, nhất là khu vực làng của những sắc dân thiểu số.
Những người tù áo hoa bảo nhau nhập cuộc.
Hàng ngày mỗi khi ra lao động đi ngang qua khu vực làng mạc bị thiên tai, người cái áo, người cái quần, cái mùng hay đôi dép, lon Guigoz, cái nón lá và ngay cả khẩu phần ăn ít ỏi của họ nữa, góp lại và kín đáo bỏ lại bên gốc cây còn khô ráo và chỉ cho dân làng đến lấy về dùng.
Một thời gian sau, khi qua được thiên tai đó, mỗi lúc dân làng người dân tộc, thấy những người tù áo hoa lao động đi qua khu vực làng xóm thì họ chạy ra, bồng bế con cái và chắp tay lại cúi đầu xá những người tù này từ xa như xá những ông thần của họ vậy. Họ đem ra nải chuối, củ khoai củ sắn bỏ bên cạnh các gốc cây, nhưng những người tù trong mầu áo hoa rừng đó đều ra hiệu cám ơn, khoát tay và bảo nhau không nhận – bởi thấy người dân làng họ nghèo quá, nghèo đến độ mà những người tù thân còm cõi trong hoàn cảnh lưu đầy nhìn thấy cũng còn phải xúc động.
Nói về con người giam giữ con người thì trong lịch sử bốn ngàn năm của chúng ta, các vua chúa thời xưa cũng dựng lên nhiều loại ngục thất dành cho các kẻ tạo phản hay để trừ khử những thành phần chống lại triều đình, nhưng chưa bao giờ lại có một hình thức kỳ lạ và quái dị như các trại tập trung “cải tạo” như Cộng Sản Việt Nam du nhập vào từ các nước “quan thầy” của họ là Nga-Tầu để giam giữ nhiều trăm ngàn người dân một lúc.
Cho nên trong trại tôi ở miền Bắc có một bác rất là hiền lành và ít nói tên là Vỹ, người quắc thước để râu bạc phơ. Bác thuộc về bên đảng phái nên bị đi “cải tạo”, có hôm ngay tại “hiện trường” lao động bác đã quá bực tức vì cái án tập trung “cải tạo” vô hạn định này mà la lên rằng:
– Tôi cũng đã bị ở tù nhiều lần trước kia nhưng chưa bao giờ thấy cái tù nào nó kỳ quặc như lần này.
– Ông Trời không biết có thấu không chứ tôi hết chịu nổi cái tụi này rồi.
Bác cứ la inh ỏi cả một góc khu vườn trồng rau cải bẹ xanh, bác bỏ cả cái cuốc cái thúng mủng bên cạnh mà đập tay đập chân xuống đất mà la đến khản cổ. Nhưng chỉ có chúng tôi nghe thấy mà thôi vì tay quản giao lấy xe đạp chạy đi mất từ sáng nên không xẩy ra chuyện gì.
Bởi thế khi mà chúng tôi bước vào trại tập trung, chính mình cũng không ngờ rằng mình đang mang bản án còn hơn tù chung thân vì tập trung – là hình thức sao chép nguyên bản lại từ Liên Xô – có nghĩa là không có thời gian hạn định và họ muốn giam giữ đến bao giờ thì giam.
Người tù không hề được ra trước toà để biện minh cho mình, không hề được thông báo cho biết hạn tù là bao lâu và không bao giờ có quyền thắc mắc.
Cứ hết hạn ba năm thì trên Bộ Nội Vụ của họ tự động chồng thêm ba năm nữa và người tù không hề hay biết.
Một điều người tù có thể biết là tù nhân chỉ là một công cụ sản xuất để “làm ra của cải vật chất cho trại” qua cái từ ngữ lừa bịp là “lao động vinh quang” với một khẩu phần ăn nếu chỉ ngồi không, không phải lao động ngoài nắng mưa giá rét, thì cũng khó mà tồn tại.
Cứ lao động cứ “vinh quang” như vậy cho đến hơi thở cuối cùng và được cho một bộ ván sáu miếng rồi khênh lên nghĩa trang trên ngọn đồi là xong một kiếp người.
Một điều rất oái oăm và đau lòng là khi sống người tù chẳng bao giờ được ăn một bữa ăn tương đối no bụng nhưng khi nằm xuống thì được đặt trước mộ một bát cơm trắng đầy và một quả trứng gà luộc. Chỉ ngay tối hôm đó chưa qua ngày hôm sau thì bát cơm và quả trứng ấy cũng biến mất và chỉ còn lại nấm mồ đơn sơ nhiều khi cũng không có cả tấm bia mộ đề tên người quá cố.
Giòng đời vẫn cứ trôi và ngàn năm mây vẫn bay và người tù vẫn kéo lê cuộc đời lao tù, sống dở chết dở.
Quả thật chẳng có gì chán nản và dễ mất tinh thần hơn là ở tù dù là tù chính trị, chẳng thế mà ông bà ngày xưa đã nói “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” và “nhất tội nhì nợ”. Thời gian này là thời gian chết trong đời sống mỗi ngày của người tù, nó như kéo họ xuống đáy sâu của hoả ngục, mà họ vẫn cứ phải lê bước đi cho đến hết con đường buồn thảm đó, không có cách nào khác.
Lâu lâu, vào những dịp lễ Tết thì trại lại thả một số người, khi thì vài anh lúc thì vài chục người và những người không có tên thì tiếp tục trong bốn bức tường và ở lại trong một tâm trạng buồn chán hơn và mất tinh thần hơn.
Mục đích họ có những đợt thả, dù là nhỏ giọt, là nhằm thúc đẩy những người tù “cải tạo” tích cực hơn, nhưng trên thực tế thì hiệu quả lại ngược chiều vì mọi người đều nhận thấy một sự thực là bản án nặng hay nhẹ, ở tù lâu hay mau chính là dựa vào lý lịch chứ không hề dựa vào sự “cải tạo” nào cả.
Những người trong các “diện” liên quan đến tình báo, An Ninh Quân Đội, Cảnh Sát Đặc Biệt thì chẳng hề thấy tên mình trong danh sách được thả sớm bao giờ.
Thêm vào đó là những đợt Bộ Nội Vụ xuống trại thẩm vấn liên tục, mỗi đợt kéo dài hàng tháng. Họ bắt người tù đa số là nằm trong các “diện” nêu trên phải nhận tội trong các bản gọi là “Tự Khai”.
Tôi cũng nằm trong số đó và họ đã thẩm vấn không biết bao nhiêu lần, mỗi lần cách nhau chỉ vài tháng cũng một nội dung như vậy.
Bắt người tù khai đi khai lại một câu chuyện bao nhiêu lần, khai vừa xong thì lại nhận được một sấp giấy và cái bút chì bắt khai lại vì chưa đủ “thành khẩn”. Ban đầu thì chúng tôi những người bị thẩm vấn lấy làm rất khó chịu và suy nghĩ rất nhiều vì không biết họ muốn cái gì, nhưng dần sau này hiểu ra cách “làm Việc” của họ nên cứ bản cũ sao chép lại là xong dù họ có hài lòng hay không cũng vậy.
Phương pháp thẩm vấn của họ đều giống nhau là tìm mọi cách khủng bố tinh thần người tù, rồi dụ dỗ để khai ra càng nhiều tội càng tốt chứng tỏ lòng “ăn năn hối cải” của mình để được “khoan hồng” sớm.
Nhưng thực tế, bản án dành cho người đó đã có sẵn.
Họ bắt khai nhiều lần để xem có vô tình khai ra điều gì mới hay không, bởi thế khi khai xong lần đầu thì tôi kín đáo viết lại vào nhiều chỗ khác nhau các chi tiết để ghi nhớ lần sau khai đúng như vậy.
Phải ghi lại nhiều chỗ và phải viết tắt vì thường xuyên họ có đợt kiểm tra “đôt xuất” chỗ nằm và tư trang. Tôi rút kinh nghiệm vì có lần họ bất ngờ xộc vào buồng hỏi chỗ nằm của tôi để kiểm tra “nhạc Vàng”. May mà tôi hay nằm trên góc sàn từng trên nên kịp thời tẩu tán hai cuốn Kinh Phật trước khi tay trực trại leo lên bắt đổ hết mọi thứ trong ba lô ra. Có thể họ đã thấy tập chép tay các bài hát của thời Việt Nam Cộng Hoà mà tôi cho anh bạn buồng bên cạnh mượn. Cuối cùng chẳng tìm được gì, họ chỉ nói vài câu cảnh cáo rồi leo xuống.
Để rút kinh nghiệm cho việc đấu trí với cách thẩm vấn của họ nên mỗi buổi chiều, chúng tôi các người được gọi ra “làm việc” trong lúc đi bộ trước sân thường trao đổi với nhau.
Anh Quang “sừng”, người thợ thật khéo tay tạc các bức tượng Phật và tượng Chúa, hay các kỷ vật bằng sừng trâu đã kể cho tôi nghe khi ra thẩm vấn ban sáng là tay cán bộ thẩm tra hỏi anh ý như khoe về “chính sách khoan hồng” của họ:
– Anh nhận xét sao về chính sách này mà nhà Nước đã tạo cơ hội cho các anh?
Anh Quang bình tĩnh trả lời một cách thản nhiên:
– Tôi chỉ biết rằng trong chế độ Việt Nam Cộng Hoà chúng tôi trước kia nếu giam giữ mà không có án thì còn hơn là tù chung thân, bị tù mà còn bị lao động như vậy là tù khổ sai, bị đưa ra khỏi miền Nam là lưu đầy.
Tên cán bộ bị khựng lại và đổi qua đề tài khác.
Phần tôi khi ra “làm việc”, tay cán bộ của Bộ Nội Vụ tóc đã hoa râm rót chén trà nóng mời tôi theo thủ tục, châm điếu thuốc lá hút rồi hỏi có vẻ mỉa mai là tôi có lúc nào nghĩ rằng trước kia như vậy mà nay ngồi ở đây hay không. Tôi trả lời nhẹ nhàng rằng nếu biết như vậy thì tôi đã đi từ lâu chứ không có ngồi như ngày nay ở đây đâu. Tôi cũng cho họ biết rằng họ đã chiếm được miền Nam, họ có thể kiểm chứng nhiều nguồn tin nhưng tôi chẳng có gì cần phải dấu diếm như họ kết tội tôi; còn như nếu mà họ cứ không tin thì tôi cũng đành chịu chứ khai tới khai lui cũng chỉ có thế mà thôi.
Suốt bốn năm đầu, vừa đói khát vừa xuống tinh thần vì lo nghĩ đến gia đình lại chồng thêm cái mất ngủ do những buổi “làm việc” liên tục và căng thẳng với Bộ Nội Vụ của họ nên chúng tôi sa sút thấy rõ nhưng vẫn trước sau khai như một.
Có lẽ thấy cũng tốn thời gian mà không khai thác được gì thêm nên từ đó họ bỏ hẳn không còn xuống “làm việc” nữa.
Không biết có phải nghiệp chướng tù đầy của chúng tôi đã được Trời Đất thuyên giảm cho hay không, hay vì chúng tôi đã nhẫn nhục chịu đựng mọi gian khổ thử thách một cách can trường, mà cùng lúc với việc họ không xuống trại làm nhức đầu chúng tôi nữa thì gia đình cũng được tin cho vào trại thăm nuôi để mở ra một chương hoàn toàn mới và nhiều thay đổi lạ kỳ cho người tù.
Chị Liên, bà chị con bác Phán, từ Hà Nội vào thăm tôi lần đầu tiên và hai chị em sau một phần tư thế kỷ gập lại nhau thì chị vẫn giả lả nói những lời khuôn sáo rỗng tuyếch như khuyên tôi cố gắng lao động, chấp hành tốt nội quy, nhưng khi thấy tên cán bộ bỏ ra ngoài cửa thì nắm lấy tay tôi nói:
– Sao em gầy thế, chị nhớ hồi chị ra thăm Ba Mợ ở Hải Phòng trước khi Ba Mợ di cư vào Nam thì em bụ bẫm lắm. Em phải cẩn thận giữ sức khoẻ nhe, còn lâu đấy!
Rồi chị lau nước mắt ra về.
Các chị con bác Phán, bác là chị Cả và Ba tôi là thứ Hai nhưng là trưởng tộc, vẫn mang ơn Ba Mẹ tôi vì ngày xưa khi gia đình Ba Mẹ tôi giầu có ở cái dinh thự lớn nhất nhì Hải Phòng thì Mẹ tôi rất biết ăn ở và có lòng thương người kể cả họ hàng và ngay cả các chị vú nuôi chúng tôi cũng xem Ba Mẹ tôi như gia đình của các chị vậy.
Ngày xưa thì tình cảm rất là gắn bó giữa người vú nuôi và người con trong gia đình, người vú được coi trọng như là người mẹ thứ hai vậy. Nhiều khi các chị vú thương chúng tôi quá đến nỗi Mẹ tôi dục dã mãi mới bịn rịn về thăm quê ngày Tết hay giỗ chạp.
Ngày mà Ba Mẹ tôi khá giả bắt đầu từ căn nhà mà Mẹ nói là “nở hậu” ở đường Cát Dài thì Mẹ tôi cũng đón về nuôi luôn hết gia đình Bà Hai của ông Đốc khi ông mất, để trả lại ơn ngày xưa trên Yên Bái lúc Ba Mẹ tôi còn hàn vi cũng nhờ ông Đốc lúc đó mở phòng mạch cưu mang một thời gian.
Mẹ tôi thường cho tài xế đi đón các chị con bác Phán từ Hải Dương ra Hải Phòng chơi, và mỗi lần như vậy thì Mẹ tôi lại dắt các chị đi mua sắm áo quần, vòng vàng, giầy dép đủ thứ, và được đi ăn ở những hiệu ăn sang trọng nữa nên các chị rất quý mến Mẹ tôi.
Khi quyết định di cư vào Nam thì Ba Mẹ tôi để lại hết ngôi dinh thự này cùng tất cả tài sản xe cộ cho gia đình người chị ruột là bác Phán vì bác trai không muốn bỏ xứ ra đi. Vì lý do đó mà gia đình bác Phán nhất là các chị vẫn mang ơn Ba Mẹ tôi, các chị gọi Ba Mẹ tôi là Cậu Mợ nhưng mà thương cũng như Bố Mẹ ruột mình vậy.
Khi Mẹ tôi nhờ chị Liên đi dò đường trước để vào trại thăm tôi thì chị nhận lời ngay dù là lúc đó dân chúng ngoài Bắc họ rất sợ dính vào chính trị nhất là di thăm tù chính trị từ trong Nam.
Đến khi Mẹ tôi và em Tuyết kế tôi ra Bắc thăm tôi lần đầu tiên thì các chị con bác Phán đón tiếp Mẹ tôi như bà hoàng.
Các chị hỏi Mẹ tôi thích ăn gì để đãi cơm, Mẹ tôi nghĩ Hà Nội cũng như Sàigòn nên nói là bún chả. Báo hại các chị chạy khắp Hà Nội để mua ít than quả bàng về mới quạt được mẻ thịt nướng. Khi biết ra thì Mẹ tôi cứ xin lỗi mãi vì có ra tận ngoài Bắc thì mới hiểu được cái nghèo khổ thiếu thốn và sự túng quẫn nó như thế nào mà người dân đã phải sống dưới chế độ là Xã Hội Chủ Nghĩa từ năm 1954 đến bấy giờ là một chín bẩy chín.
Trong thời gian tôi ở tù kể ra thì cũng có nhiều quý nhân giúp đỡ ngoài các anh chị con bác Phán. Một ông anh rể bên vợ tôi lúc đó ở Hà Nội cũng vào thăm tôi và nói thẳng rằng:
– Anh có bạn quen ở Bộ Nội Vụ và anh có nhờ họ xem dùm hồ sơ của em và thấy ghi trên đó là CIA.
Anh ngừng một chút rồi nói tiếp:
– Anh vào thăm em lần này để cho em biết, nếu không lo thì anh sợ em sẽ phải ở rất lâu đấy. Em hãy nói với Mẹ em đi nếu chịu thì anh sẽ lo cho.
Tôi nhìn anh một lát. Lúc đó tôi đã gập Thầy Tâm là người thầy đã dậy cho tôi về đạo Phật và về nghiệp lực. Trong lòng tôi suy nghĩ rất nhanh, tôi bèn nói với anh:
– Cám ơn anh đã vào thăm em. Em biết ở nhà em bây giờ bán hết rồi các xe cộ và cả các bộ vest cũng bán luôn. Mẹ em thì chẳng còn tiền sau khi anh Hai và cậu em út của em đi vượt biên bị bắt lại. Thỉnh thoảng Mẹ em gom được ít tiền gửi qua bưu điện vào đây cũng là quý lắm rồi, làm gì còn “cây” nào nữa đâu mà “chạy”. Họ nghi em là CIA thì đành chịu thôi biết làm sao.
Tôi vào trại kể lại cho thầy Tâm nghe, thầy nói tôi đã quyết định như thế là đúng và cứ chuyên tâm niệm Phật. Từ đó tôi kiên nhẫn đếm từng ngày qua đi trong bốn bức tường trong khi học hỏi thêm về đạo Phật, quan sát nhận xét và thâu thập kinh nghiệm qua những người bạn tù mà tôi quý mến.
Các điều chúng tôi phán đoán việc thả nhanh hay chậm là do lý lịch chứ không do “cải tạo” tốt hay xấu dần dần càng sáng tỏ.
Có những anh vừa bị kỷ luật xong thì vài bữa sau có tên tha về, cho nên sự tuyên truyền của họ về “khoan hồng”, về “cải tạo” thành người công dân tốt đều tan ra mây khói. Không còn ai tin nữa; và anh em mỗi người đều tự cố gắng giữ gìn sức khoẻ cho con đường lưu đầy còn dài thăm thẳm trước mắt.
Đến lúc đó thì chúng tôi mới bàng hoàng nhận ra một sự thực đau lòng là mình trước kia chống Cộng mà kết cuộc lại thì chính mình cũng không hiểu Cộng Sản là như thế nào.
Nếu biết thực chất của Cộng Sản tàn bạo, vô tổ quốc, vô tôn giáo và vô dân tộc và người Cộng Sản chỉ cần có cái chủ nghĩa xã hội của họ mà thôi thì chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng chứ không chịu nghe theo lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh để rơi vào tay họ như thế này.
Phạm Gia Đại
(Trích hồi ký NHỮNG NGƯỜI TÙ CUỐI CÙNG)