NN. Phan Đình Linh và NN Lê Văn Đơn (đang học NV Seal tại Hoa Kỳ)
NHỮNG NGÀY THÁNG CỐ QUÊN
PHAN ĐÌNH LINH
Anh tôi được thả về gần 3 năm, chuyển qua 4 hay 5 năm trại tù Cải tạo tại Miền Nam. Trại cuối cùng là trại Bù Đăng hay Bù Đốp gì đó, tôi cũng không rõ lắm. Anh tôi là anh cả trong gia đình gồm sáu anh em, toàn con trai. Anh thi keo nào, đậu keo ấy từ Trung Học tới Tú tài I, Tú tài I I và bước vào Đại học một cách dễ dàng.
Tuổi thơ chúng tôi lớn lên ở một thành phố nhỏ Qui Nhơn, nhà ở gần biển, bờ biển thật đẹp và dài, những hạt cát trắng nhỏ li ti. Bước đi trong buổi sáng lùa ngập vào kẻ chân, như muốn giữ lại mãi mãi bên đại dương yêu dấu.
Qui Nhơn, thành phố êm đềm, chỉ lớn hơn tờ napkin một tí nên nhà nào có con cái vào đại học, là cả thành phố ồn ào lên, dưới một lớp sóng ngầm thì thầm trong thị xã. Nhưng đến năm thứ 3 thì anh Cường vào lính, giã từ Đà Lạt với đời sống sinh viên, giã từ Đại học Thụ Nhân thật nhiều kỹ niệm. Ở những năm cuối này anh tôi đi bal, đi boom nhiều hơn là tới giảng đường.
Anh tình nguyện gia nhập Hải Quân theo nghiệp hải hồ, viễn xứ. Ô hay thế là anh tôi kém thâm niên hơn tôi rồi….Sở dĩ anh được tha về sớm vì anh chỉ là Sĩ Quan Hải Quân thuần túy. Tốt nghiệp khóa 22 SQ HQ Nha Trang. Ra trường về Duyên Đoàn nào đó ở Hòn Khói, anh làm Hạm trưởng liền…Hạm trưởng Yabu cây (1) để tăng thêm vẻ kiêu hùng của dân đi biển lâu năm, bắt chước theo các đàn anh Dương Cưu, Xử Nữ…Cũng tập tành ngậm pipe và nhồi thuốc Half and Half hay 79 cho đúng gout dân chơi.
Thỉnh thoảng đầu tháng lãnh lương, xin phép Duyên Đoàn trưởng cuối tuần về Nha Trang cùng vài Sĩ Quan trẻ làm một đêm nhảy đầm và vài ly Cognac cho thơm râu, sau đó trở về Duyên Đoàn ăn mì gói và ký sổ Câu lạc bộ. Ngày nối ngày, tháng kế tháng, cuộc đời buồn tênh và mênh mang như biển cả. Lương tháng chỉ đốt được có một đêm, đến nổi trả tiền cho đào xong khi rời cửa phòng trà, chị cai gà liếc tiễn mắt sắc như dao cạo.
Gớm, nhảy nhót cũng được. Mẹ kiếp, không có một xu pourboire (tip), thế mà lúc vào cũng hỏi có đào mới không ???!!!
Một thời gian sau lại đổi về Bộ Tư Lệnh Hạm Đội làm SQ Hải hành trên chiếc Hộ Tống Hạm Chi Lăng 2 (PCE 08) dưới quyền của một đàn anh Khóa 15, vị Hạm trưởng này cũng chỉ thấp thua Đại đế Napoléon một tí nhưng nổi tiềng cập cầu nước ngược thuộc loại chiến nhất thời bấy giờ.
Không còn đồng bạc Cụ Hồ nào trong túi, cả đến cái bụng cũng lép xẹp. Trại tù chỉ cho đủ tiền từ Vùng 4 về đến Sài gòn. Anh phải ghé nhà người bác ở Cư Xá SQ cao cấp Chí Hòa ở lại một đêm và xin tiền xe về Qui Nhơn. Bác trai vẫn còn ở tù. Bác trai là SQ cao cấp trong sở Công Tác Nha Kỹ Thuật, nhà người bác cũng rách bươm như những gia đình Miền Nam sau cuộc đổi đời nghiệt ngã.
Thất thiểu qua những căn nhà cửa đóng nhiều hơn mở những dấu ấn loang lỗ, bụi bặm đã lâu chưa sơn phết lại. Rồi cũng về tới nhà, căn nhà phố lầu thân yêu của chúng tôi đây rồi, cửa sắt chỉ khép hờ, lách mình vào, căn phòng ngoài im ắng và ảm đạm, không có tiếng reo vui của trẻ thơ ngày nào của các em, khi có anh hoặc tôi về phép. Mẹ tôi là người đầu tiên thấy anh lúc bà đang ngồi dùng bửa tối trên chiếc bàn tròn bằng gỗ cáu bẩn chỉ có một cái bánh tráng khoai mì đã nhúng nước và một chén nước mắm nhỏ màu nâu nhạt, chắc là nhiều nước hơn mắm ???!!! Đó là bửa ăn tối “Hoành Tráng” của nhân dân Miền Nam sau gần 3 năm “Giải Phóng”.
-Con về đó hả ?
-Dạ, họ thả con 3 ngày rồi.
Cuộc đối thoại ngắn ngủi cho một cuộc trùng phùng, sau biến cố lịch sử. Chỉ có vậy, ngưởi dân Miền Nam đớn đau và tuyệt vọng đến nổi cả lời nói cũng không còn độc lập tự do. Như những kẻ thắng trận tuyên truyền.
Mấy đứa em ở tầng trên nghe tiếng nói chuyện ở nhà dưới lục tục kéo xuống cầu thang lí nhí chào anh Hai trong miệng.
– Anh Hai mới về
Những đứa em chỉ lớn hơn 10 tuổi, trông nhếch nhác và gầy còm thảm hại, những anh mắt của tuổi thơ, giờ đây là những khuôn mặt ủ rũ và sợ sệt… đau đớn thay.!!!
-Ba đâu rồi Má?
– Họ thả Ba mày được 2 tháng, rồi họ bắt lại đó !!!
Đảo mắt nhìn một vòng quanh nhà, chợt anh dừng lại trên bàn thờ gia đình trên di ảnh của ông Cậu tôi treo trên tường phía góc phải có một tấm hình nhỏ của tôi lấy ra từ thẻ học sinh trông thật trẻ và ngô nghê… Ông Cậu tôi là một Linh Mục Chánh Xứ ở Miển Bắc. Khi chia đôi đất nước năm 1954, Cậu tôi và một số Giáo hữu vào Nam và định cư tại Cam Ranh. Sau này được sự giúp đở của Chính quyền Đệ Nhất Cộng Hoà dưới sự lãnh đạo anh minh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đã lập ra Giáo Xứ Tân Bình và Giáo Xứ Đồng Lác hiện vẫn con tồn tại và Chiên Chúa ngày càng đông đúc hơn…
– Thằng Linh nó chết hồi nào vậy Má?
– Ờ thì thằng Xá nó lên gặp tao, sau khi “ Giải Phóng” chừng một tháng, nó nói chính nó thấy thằng Linh bị bắn vở đầu cùng một vài người lính của nó tại Quận 5, quận 9 gì đó ở Sài Gòn mà !!!
– Bậy, nó ở chung với con 1 năm, sau đó bị đưa ra Bắc rồi…(Xá cũng là dân La Salle với tôi, nhưng học sau một lớp và cùng ở một dãy phố, cu cậu lận đận mãi với cái bằng Tú Tài. Trên chiếc PBR chúng tôi lấy từ Căn Cứ HQ Bến Lức tôi gặp lại Xá anh ta một chữ V (2) và bánh xe nước mía.
Những ngày gần giữa tháng 4 năm 1975. Căn cứ HQ Trà Cú bị áp lực địch rất mạnh theo tin tức Tình Báo cho biết. Các đơn vị Đặc công thủy của Việt Cộng sẽ tiến chiếm nay mai..
Toán 2 của tôi và Toán 3 của Tr/úy Thắng được lệnh rời vùng công tác, về căn cứ Bến Lức bảo vệ Bộ Chỉ Huy Hành Quân Sông. Trong những ngày 28 và 29 tháng 4 năm 1975. Tôi đã nhiều lần liên lạc về Biệt Đội Hải Kích và cả Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn Người Nhái nhưng hoàn toàn không liên lạc được. Một sự im lặng vô tuyến tổng thể đầy hoang mang.
Trong khi đó vào chiều ngày 29 tại Căn cứ HQ Bến Lức, tôi chứng kiến tận mắt nhiều Binh lính kể cả Sĩ Quan đã âm thầm rã ngũ, họ thay đồ dân sự đi ra cỗng gác chính mà quân cảnh chẳng hỏi han gì cả…???
Tối đó trạm gác cỗng chính cũng bỏ hoang, một sự tan hàng âm thầm, không kế hoạch…. Khuya 29, khoảng 8 giờ, một SQ Thuyền Trưởng PCF lên gặp tôi, họ nói họ đi ra cửa Vũng Tàu, họ hỏi chúng tôi có đi với họ không? Đây là 1 trong 4 chiếc PCF mà BCH / Hành Quân Sông sẽ xử dụng trong kế hoạch di tản.
Trước đó vài ngày, một vị Đại tá HQ đã kêu tôi lên trình diện và cho biết Toán 2 của tôi có nhiệm vụ bảo vệ họ khi di tản. Tôi nói với vị Đại Tá là tôi phải nhận được lệnh của BCH/Người Nhái trước đã. Ông ta nhìn tôi với cặp mắt hơi khó chịu khi tôi rời phòng (Công tác của Biệt Kích Người Nhái là thế này ư? Kể cả khẩu lệnh).
Sau đó tôi có tham khảo với Biệt Đội Trưởng của tôi – Ông này trước có ở Biệt Hải Đà Nẵng, hình như K 17 thì phải. Ông mới về nắm Biệt đội được 2 tuần, và theo Toán chúng tôi đi công tác để có kinh nghiệm và kiến thức điều hành giữa Biệt Hải (3) và Biệt Kích Người Nhái.
Cũng cần nói thêm cho rõ sự khác biệt giữa Hải Kích và Biệt Kích Người Nhái. Biệt Hải Đá Nẵng là đơn vị thuần túy hoạt động cho Hài Quân. Trước khi đơn vị này giải tán vào năm 1973, họ trực thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Nằm trong Nha Kỹ Thuật, Bộ Tổng Tham Mưu Còn Biệt Kích Người Nhái trực thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Thuôc Lực Lượng Trung Ương 214. Họ hoạt động theo từng toán. Mỗi toán có cấp số là 11 người, gồm 2 Sĩ Quan, Trưởng và Phó toán cùng 9 toán viên. Phạm vi hoạt động của họ rất rộng. Từ Mũi Bùng, Năm Căn, Cà Mau, tới Duyên Đoàn 11, Cửa Việt sát Vĩ tuyến 17 và cả những Hải đảo xa xôi lộng gió như các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Sông Tử Đông, Sông Tử Tây … (Trường Sa) hay Duy Mộng , Quang Hòa, Vành Khăn… (Hoàng Sa).
Các nhân viên Biệt Kích Người Nhái được huấn luyện và trang bị bằng các vũ khí tối tân và đặc biệt như Navy SEAL (4) của Hoa Kỳ. Họ hoạt động chung vói nhau cho đến năm 1973 khi các toán SEAL của Mỹ về nước. Navy SEAL Việt Nam đảm nhận toàn bộ công tác đầy khó khăn và nguy hiểm do trong tình trạng quân viện hoàn toàn bị cắt đứt.
Tính đến ngày Miền Nam bị cưỡng chiếm bởi những người Cộng Sản phương Bắc nhân viên Biệt Kích Người Nhái không vượt quá con số 60. Họ đã ngã xuống cho quê hương rồi mà không một tiếng kèn truy điệu hay một tấm huy chương tưởng nhớ. Thân thể họ chìm sâu vào lòng sình lầy U Minh đầy muỗi mòng hay vĩnh viễn nằm lại trong cát trắng đảo Quang Hòa của Nhóm Nguyệt Thiềm (Hoàng Sa) trong cuộc chiến năm 1974 với kẻ thù muôn đời, muôn kiếp phương Bắc (Tàu Cộng):
“Và tử thần kính cẩn đứng ghi tên…
Những Liệt Sĩ vào bia người tuẫn quốc …”
Đằng Phương (ngày tang Yên bái)
Khoảng 5 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tôi và Tr/úy Thắng quyết định rút 2 toán về Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn Người Nhái ở Cát Lái, mặc dù ông tân Biệt Đội Trưởng vẫn bảo là chưa có lệnh của Chỉ Huy Trưởng, bảo ráng chờ. Tôi ra lệnh cho toán viên sẵn sàng di chuyển, đạn đã lên nòng, gương mặt tôi lầm lì và cặp mắt đổ lửa, mong rằng giờ phút này đừng có sự gì cản trở tôi.
Tôi sẽ tapis cạn láng dù chỉ có 10 toán viên…Hai chiếc GMC chở 2 toán rời Bến Lức hướng về Sài Gòn. Tới cầu Bình Chánh thì bị chận lại. Một Đ/úy Biệt Động Quân cho chúng tôi biết là không một đơn vị nào được vào Sài Gòn. Lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu có hiệu lực từ nữa đêm qua.!!!
Chúng tôi quay lại Căn Cứ HQ Bến Lức xuống cầu tàu lấy 3 chiếc PBR và một chiếc Foam – Hướng về Sài Gòn – Tôi gặp lại Xá trong lúc này. Khoảng 9 giờ sáng, đoàn tàu đã tới gần cầu Quận 8. Lủ khủ theo sau chúng tôi cũng có vài Giang Đỉnh của đơn vị Tuần Thám nào đó. Một loạt đạn nổ vang từ trên cầu, rít ngang tai, tiếng đạn nổ nghe quen quen. Mùì tử khí phảng phất đâu đây. Tình huống thêm căng thẳng, khi một quả B40 nổ ầm ngay trước mũi chiếc PBR đi đầu, tôi hét lớn trong máy PRC-25.
Tấp vào bờ!
Bốn, năm chiếc PBR và Foam rất nhanh cắm mũi vào bên bờ trái, những con sói biển thuần thục và tinh nhuệ rất nhanh rời khỏi giang đỉnh. Tôi nghe rõ tiếng đại liên M 60 nổ giòn giã bắn trả về phía cầu….
Tôi không nhớ rõ lắm vì đã hơn 40 năm rồi, khoảng 10 giờ sáng ngày hôm đó (30 tháng 4 năm 1975). Khi được nghe có người tự xưng là Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi tất cả các binh sĩ Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa và các đơn vị Bán Quân Sự, Cảnh Sát bỏ súng để bàn giao Chính quyền cho “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam “…
Chúng tôi thật sự hoang mang vô cùng, không khí lo âu, im lặng và ngột ngạt. Cho đến khi một vị mang cấp bậc Tr/Tá đến nói với chúng tôi nên bỏ súng xuống, đừng chống cự nữa, vì ông muốn sự bàn giao cho phía bên kia được êm thắm. Ông tự xưng là Quận Trưởng…
Sau đó tôi tập họp toán viên còn lại, xin phép ông cho chào cờ VNCH lần cuối, ông chấp thuận…
Tất cả toán viên theo lệnh tôi.
– Nghiêm – Hạ kỳ.
…Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi, đồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc gì thân sống….Vâng, chúng tôi đã làm theo hồn thiêng sông núi và Tổ quốc kêu gọi…
Đó là quân lệnh cuối cùng của tôi – Một Sĩ Quan Biệt Kích Người Nhái – Với lời thề tâm niệm:
“ Niềm Vinh dự và Hãnh diện của một Biệt Kích Người Nhái là Sẵn Sàng Phụng Sự, Chiến Đấu và Hy Sinh Cho Tổ Quốc một cách… Âm Thầm”.
Khi trao lại lá quốc kỳ cho vị Tr/Tá tôi thấy ông mang trên áo bảng tên CHẤT
Sau này, trong những tháng năm miên viễn và trầm uất của tù đày – Tôi tự hỏi:
Tại sao trong ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi lại có nhiều can đảm, dư nghị lực, đủ ý chí để trở thành một kẻ khiếp nhược… là không dám tự sát. Tôi cũng tự hỏi về sự lãnh đạo quốc gia của vị Tổng thống nền Đệ Nhị Cộng Hòa và cả người Thủ Tướng, – Quốc gia hưng vong – Toàn dân hữu trách- sao các ông lại sớm bỏ nước ra đi…???
Và trong thời gian – chúng tôi, những người ở lại cho đến giờ thứ 25, trong cơn tù đày nghiệt ngã. Chúng tôi được biết Tổng Thống của chúng ta – Không do dân bầu lên lại không ở tù, lại còn được cho đi bầu trong chế độ mới – Và sau đó định cư cả gia đình tại Pháp. Không biết trên chiếc Air France rời Việt Nam qua trời Tây, ngài được ngồi ở ghế dành cho V.I.P hay V.U.P…!!! (5)
Trong thiên hùng ca Homère, hai ngàn năm trước Công Nguyên có đoạn đã viết :
“Trong bất cứ một cuộc chiến chinh nào, những vị anh hùng và những kẻ gian hùng đều được tôn vinh lẫn lộn như nhau…”
Phan Đình Linh 2017
Ghi chú:
(1) Yabuta: ghe cây cuả Duyên Đoàn, sơn mũi đỏ có con mắt, trang bị một máy GM 3.71
(2) Thủy thủ nhất Vận chuyển
(3) Biệt Hải (Sea commando)
(4) Biệt Kích Người Nhái – SEAL team ( Sea Air and Land)
(5) V.I.P (Very Important Person)- V.U.P (Very Urgly Person)
NN. Phan Đình Linh và NN Lê Văn Đơn (đang học NV Seal tại Hoa Kỳ)