NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM NỀN TẢNG CỦA NỀN DÂN CHỦ HOA KỲ (Ls Đào Tăng Dực)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Cuộc tranh cử Tổng Thống và Quốc Hội Hoa Kỳ năm 2016 không những hào hứng và nhiều bất ngờ, mà còn phơi bày cụ thể những ưu và khuyết điểm của nền dân chủ kỳ cựu này.

Nhất là vào ngày 28 tháng 10, 2016, khi Giám Đốc FBI là James Comey gởi một bức thư cho Quốc Hội, thông báo rằng FBI có thể sẽ mở lại hồ sơ về những email của ứng cử viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton.

Trước đó, nhiều tuần liên tục, Bà Clinton dẫn đầu trong các cuộc thăm dò cử tri toàn quốc (khoảng 5% – 6%), hoặc đa số các tiểu bang có tính quyết định (swing states) hầu đạt được đa số 270 phiếu đại biểu (electoral college votes) và đắc cử chức tổng thống, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, làm nên lịch sử.

Tuy nhiên, bức thư của James Comey đã xoay chuyển tình thế. Theo cuộc thăm dò ý kiến của American ABC News mới nhất thì ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump đang dẫn đầu Hillary Clinton 1%, mặc dầu mức độ sai lầm (margin of errors) trong vòng 3%. Điều này có nghĩa là Donald Trump và Hillary Clinton đều có xác xuất đắc cử ngang nhau.

Phe đảng Dân Chủ tố cáo rằng, bức thư của James Comey là một hành động trái luật pháp và ảnh hưởng trầm trọng đến sự vô tư của hệ thống bầu cử Hoa Kỳ. Ông Comey và phe đảng Cộng Hòa thì cho rằng, vì trước đó Ông Comey có điều trần hữu thệ trước Quốc Hội là FBI quyết định chấn dứt điều tra hồ sơ email của Hillary Clinton, nên bây giờ ông có trách nhiệm (duty-bound) thông báo với Quốc Hội diễn biến mới nhất liên hệ.

Một trong những ưu điểm hàng đầu của nền dân chủ Hoa Kỳ là yếu tố Pháp Trị.

Tuy bức thư của ông Comey gây xáo trộncho cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 sắp tới và có lợi cho đảng Cộng Hòa. Nhưng thật ra, đảng Dân Chủ và Bà Hillary Clinton trong thời gian dài trước đó, đã được nhiều ưu thế vì sự ủng hộ của giới truyền thông và tư bản Hoa Kỳ. Bức thư này chỉ cân bằng ảnh hưởng mà thôi.

Thêm vào đó, hành động của ông James Comey, trong tư các là giám độc FBI có phạm pháp hay không tùy thuộc vào sự điều tra sau đó của các công tố viên (prosecutors) Bộ Tư Pháp, tòa án có thẩm quyền và dĩ nhiêm chính Ông Comey sẽ có luật sư bảo vệ cho ông trước tòa.

Công lý tại Hoa Kỳ sẽ diễn ra một cách bình thường, theo trình tự của nó và quan điểm pháp trị sẽ được thực thi hoàn toàn vô tư, không bất cứ một định chế nào, dù là Lập Pháp hay Hành Pháp, hoặc một chính đảng, cá nhân nào có thể xen lấn.Hoàn toàn khác với chế độ pháp chế xã hội chủ nghĩa tại Việt nam hiện hành.

Nhìn lại quá khứ gần, chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama bắt đầu ngày 23 tháng 6, 2016 trùng với thảm họa môi trường khôn tiền khoáng hâu tại miền Trung Viêt Nam, chứng minh rõ rệt những khuyết điểm nền tảng của trật tự chính trị Mác Lê.

Lòng dân hướng về một lý tưởng dân chủ chân chính và khi chúng ta thẩm định trên căn bản số người đông đảo, tự nguyện chào đón TT Obama trên khắp nẻo đường, chúng ta có thể kết luận không sai lầm rằng, toàn dân Việt ao ước một thể chế dân chủ tương tự như Hoa Kỳ và từ đó có một nguyên thủ quốc gia tử tế như ông, thay vì những khuôn mặt lãnh đạo CSVN trong quá khứ lẫn hiện tại.

Dĩ nhiên, nền dân chủ Hoa Kỳ có rất nhiều ưu điểm.

Các ưu điểm chính có thể được liệt kê vắn tắc như sau:

                 1.Kinh tế phát triển:

Tuy lợi tức đổ đầu người không phải đứng đầu thế giới, nhưng với dân số lớn, Hoa Kỳ nghiễm nhiên là cường quốc số một về kinh tế, quân sự, chính trị và ngay cả văn hóa.

Theo Wikipedia thì theo ước tính năm 2016, dân số Hoa Kỳ trên 300 triệu, nominal GDP $18,558 tỷ Mỹ Kim (nhất thế giới) và lợi tức đổ đầu người $57,220 Mỹ Kim (thứ 6 trên thế giới). Nếu tính theo tiêu chuẩn GDP (PPP) thì Hoa Kỳ thứ nhì thế giới sau Trung Quốc và thứ 10 trên thế giới tính theo lợi tức đổ đầu người.

Dĩ nhiên Trung Quốc với dân số 1.376 tỷ người và lợi tức đổ đầu người là $8,239 nominal (thứ 72 trên thế giới) và $15,095 PPP (thứ 83 trên thế giới) còn thua rất xa trên bình diện kinh tế.

Để so sánh rộng hơn, chúng ta thấy rằng, cũng theo Wikipedia, nominal GDP đổ đầu người các quốc gia như sau (ước tính hoặc 2015 hoặc 2016):

Úc $51,642 (thứ 9)

Canada $40,409 (thứ 15)

Pháp $37,675 (thứ 20)

Anh $43,771 (thứ 13)

Đức $41,267 (thứ 20)

Nhật Bản $32,480 (thứ 35)

Nam Hàn $25,989 (không thấy sắp hạng)

Đài Loan $21,571 (thứ 39)

Nga Sô $7,742 (thứ 72) tuy nhiên theo tiêu chuẩn PPP thì $25,185 (thứ 53)

Việt Nam $2,321 (không thấy sắp hạng)

                   2.Có tam quyền phân lập đúng nghĩa:

Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên trên thế giới đã hiến định hóa trong một bản hiến pháp thành văn (written constitution) quan điểm tam quyền phân lập của tư tưởng gia chính trị Pháp Montesquieu trong cuốn sách lừng danh của ông là Vạn Pháp Tinh Lý (Spirit of Laws). Một cách tóm tắc, quyền lực quốc gia không thể gồm trong tay một cá nhân hay một định chế duy nhất, mà phải phân chia làm 3 phần (Hành Pháp. Lập Pháp và Tư Pháp) và giao cho 3 định chế độc lập và khác nhau hành xử.

Nhờ quan điểm tam quyền phân lập này mà chế độ chính trị Hoa Kỳ tránh được độc tài và từ đó, tư pháp của Hoa Kỳ, qua một Tối Cao Pháp Viện chí công vô tư, đã khai triển và phát huy tột bực quan điểm pháp trị, vốn là trọng tâm của quan điểm tam quyền phân lập.

                3.Có phân quyền hàng dọc:

Tam quyền phân lập có thể hiểu như chế độ phân quyền hang ngang (lateral separation of powers) vì Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp là những vế quyền lực hàng ngang bằng nhau. Trong khi đó, phân quyền, như được khắc ghi trong hiến pháp, giữa chính quyền liên bang và các chính quyền tiểu bang, có thể được xem là phân quyền hàng dọc (vertical separation of powers). Hàng dọc không những vì đẳng cấp của liên bang hay trung ương, trên nguyên tắc, cao hơn tiểu bang. Mà vì theo tinh thần của luật hiến pháp, nếu có sự xung đột giữa một điều luật của liên bang và tiểu bang, thì điều luật của tiểu bang sẽ phải nhường bước, đến mực độ của sự sai biệt.

Tuy nhiên một cách tổng quát, sự phân quyền minh bạch và thành văn. Chính quyền liên bang không thể vi phạm quyền hạn của các tiểu bang và như thế sự độc tài sẽ bị kềm chế hoặc giảm thiểu.

               4.Có Quyền của công dân cá thể:

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, ưu điểm quan trọng nhất của nền dân chủ Hoa Kỳ nằm nơi sự hiến định hóa các quyền công dân cá thể, qua các điều khoảng sau đây:

Một ước chương về các quyền (Bill of rights) hiến định hóa năm 1789 bỡi James Madison (vị tổng thống thứ 4), quy định các quyền sau đây qua 10 điều tu chính (amendment) hiến pháp:

  1. Quyền tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo và yêu cầu chính quyền (petition)
  2. Quyền giữ và mang vũ khí
  3. Quyền không cho quân đội cư ngụ trong nhà
  4. Quyền được bảo vệ không cho phép lục soát hoặc tịch thu vô lý
  5. Quyền được xét xử theo trình tự luật pháp
  6. Quyền được xét xử bỡi một bồi thẩm đoàn, nhanh chóng, công khai và được luật sư đại diện
  7. Quyền được xét xử bỡi bồi thẩm đoàn trong các tranh tụng dân sự
  8. Được bảo vệ tránh những đòi hỏi quá đáng về tiền tại ngoại hầu tra và những hình phạt tàn nhẫn và bất thường
  9. Sự bảo vệ những quyền không ghi trong hiến pháp
  10. Sự bảo vệ quyền của các tiểu bang và của nhân dân

Tiếp theo Ước chương về các quyền này các điều tu chính 14 (quyền công dân- 1868), 15 (quyền đầu phiếu- 1870), 19 (quyền đầu phiếu của phụ nữ- 1920) và 26 (tuổi được đầu phiếu- 1971) được thông qua.

Kết quả là tuy hiến pháp và luật lệ Hoa Kỳ, từ liên bang đến tiểu bang vô cùng phức tạp, bao gồm hằng ngàn định chế từ chính trị đến quân sự, từ nhà nước đến xã hội dân sự, từ tài chánh đến tôn giáo, nhưng con người cá thể vẫn luôn là trọng tâm của quốc gia. Từ đó đưa đến sự phát huy con người cá thể, tạo nên xã hội phồn vinh và những tư tưởng khai phóng cho nhân loại.

Tuy nhiên, nền chính trị Hoa Kỳ hiện nay có phải là một trật tự chính trị hoàn hảo hay không?

Câu trả lời là không và tôi xin nêu ra những khuyết điểm sau đây.

Khuyết điểm:

                1.Electoral collegethay vì trực tiếp đầu phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống:

Khuyết điểm dễ nhận diện nhất là chế độ bầu cử tổng thống qua electoral college thay vì trực tiếp đầu phiếu. Có nghĩa là, khi bầu cử thì mỗi tiểu bang chọn lưa những electors (đại diện cử tri) cho ứng cử viên thắng cử. Số electors trong mỗi tiểu bang, một cách tổng quát, tương đương với tổng số dân biểu (congressmen and women) và thượng nghị sĩ (senators) tiểu bang đó có trong quốc hội. Trừ tại các tiểu bang Maine và Nebraska, thì các tiểu bang khác theo thể thức bầu cử “winner takes all” tức ứng cử viên thắng cử sẽ dành trọn số electors trong tiểu bang.

Toàn thể Hoa Kỳ có 538 electors tức 435 dân biểu, 100 thương nghị sĩ và 3 electors từ District of Columbia bao gồm Washington DC là thủ đô liên bang. Ứng cử viên nào đạt được 270 electors sẽ đắc cử. Một điều đáng ghi nhớ là các electors này tuyên thệ bầu cho ứng cử viên đắc cử, nhưng luật lệ thay đổi tùy tiểu bang. Nhiều tiểu bang quy định tội hình luật nếu các electors không bầu phiếu cho ứng cử viên thắng cử trong tiểu bang. Có tiểu bang thì không. Những electors không bầu theo quy định được gọi là faithless electors. Những faithless electors này rất hiếm hoi. Trong lịch sử Hpa Kỳ đến nay chỉ có 157 người. Lần cuối cùng năm 2004 tại tiểu bang Minnesota.

Dĩ nhiên, có nhiều trường hợp xảy ra khi người đắc cử tổng thống chiếm đa số electors nhưng lại là thiểu số cử tri toàn quốc, như cuộc tranh cử giữa George W Bush và Al Gore năm 2000. Bush thắng 271 eletoral votes. Gore 266 (vì một elector tại District of Columbia không bỏ phiếu). Tuy nhiên Gore được số phiếu cử tri toàn quốc cao hơn khoảng 540,000 phiếu.

Nguồn gốc của electoral college và các electors phát xuất từ giới điền chủ Hoa Kỳ từ thủa lập quốc, trước khi cuộc chiến tranh dành độc lập khỏi Đế Quốc Anh. Họ là một giai cấp giàu có và trí thức, lãnh đạo cuộc chiến và muốn bảo vệ quyền lợi vị kỷ của mình.

Ngày nay, rõ ràng hệ thống bầu cử này không còn lý do tồn tại. Nền dân chủ Hoa Kỳ sẽ vững mạnh và hợp lý hơn nếu được cải tổ đặt căn bản trên đa số tuyệt đối (absolute majority) phiếu trực tiếp của người dân.

Hiện giờ, trên lý thuyết (và chưa bao giờ xảy ra trên thực tế), một liên danh ứng cử tổng thống Hoa Kỳ có thể chiếm đa số electors trong một cuộc bầu cử. Nhưng khi các electors bỏ phiếu thì họ có thể bầu cho liên danh ứng cử kia và lúc đó, nền dân chủ Hoa Kỳ sẽ trải qua một khủng hoảng lớn.

               2.Sự sai biệt giàu nghèo trong xã hội quá xa:

Khi so với Úc và các quốc gia Tây Âu thì Hoa Kỳ thua hẳn trên phương diện này.Theo http://fortune.com/2015/09/30/america-wealth-inequality thì trong 55 quốc gia họ nghiên cứu, Hoa Kỳ đứng đầu về sự bất công giữa giàu và nghèo.Hoa Kỳ là một trong những quốc gia ít ỏi, kinh tế phát triển mà không có bảo đảm y tế hoàn vũ (universal medicare) như các cường quốc dân chủ khác, cho đến khi ObamaCare xuất hiện.Nhưng ObamaCare cũng chỉ là vá víu và không thể gọi là có tính hoàn vũ như tại Úc và các nước Tây Phương được.

Những phúc lợi xã hội tại Hoa Kỳ cũng thấp khi so sánh với các nền dân chủ cùng một trình độ phát triển khác trên thế giới.

Trên bình diện này, cuộc chạy đua giành chức vụ ứng cử viên đảng Dân Chủ giữa Hillary Clinton và TNS Bernie Sanders đem lại nhiều chỉ dẫn quan trọng cho xã hội Hoa Kỳ trong tương lai, mặc dầu ông thua cuộc sít sao và phải nhường ghế ứng cử viên cho Hillary Clinton. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, Sanders đại diện cho một trào lưu đang đi lên, không những trong đảng Dân Chủ mà trong xã hội Hoa Kỳ nói chung. Đó là các lý tưởng có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa (đúng nghĩa, không phải xã hội chủ nghĩa theo kiểu Mác Xít) như công bằng xã hội, đa văn hóa bao gồm các sắc tộc da đen, Hispanics, tăng cường trợ cấp xã hội cho người nghèo, đại học miễn phí, bảo đảm y tế hoàn vũ etc…

Tuy Sanders thất bại trong chiến dịch trở thành ứng cử viên tổng thống năm 2016, nhưng những bảng giá trị ông đại diện sẽ sống còn trong tương lai và sẽ ảnh hưởng mạnh đến xã hội Hoa Kỳ trong tương lai.

                          3.Hoa Kỳ không phải là một chế độ chính trị đa đảng chân chính:

Tuy quyền tự do thành lập đảng phái tại Hoa Kỳ phổ thông và nhiều đảng phái được thành lập. Tuy nhiên chính trường Hoa Kỳ từ lâu đã bị lưỡng đảng ngự trị và ở cấp bậc liên bang, không có đảng phái (và rất hiếm hoi có ứng cử viên độc lập)đắc cử vào Hành Pháp và Lập Pháp. Có thể nói rằng, Hoa Kỳ là một chế độ chính trị lưỡng đảng toàn diện ở cấp liên bang.

Ở các cấp địa phương và tiểu bang, thỉnh thoảng có các ứng viên các nhóm hoặc đảng phái nhỏ hơn đắc cử vào các chức vụ hành pháp, lập pháp, và tư pháp (vì tại Hoa Kỳ thỉnh thoảng vẫn có bầu cử các quan tòa) etc…Nhưng lưỡng đảng Dân Chủ và Cộng Hòa vẫn ngự trị gần như tuyệt đối, trong các quốc hội tiểu bang và các chức vụ thống đốc tiểu bang. Hậu quả là nền dân chủ Hoa Kỳ thiếu sự sinh động và sáng tạo, từ các đáy tầng (grassroot) của xã hội như tại Úc và các quốc gia dân chủ tiến bộ khác.

Khi lưỡng đảng độc chiếm môi trường chính trị, thì các phe nhóm lợi ích lộng hành.Hoa Kỳ là một quốc gia tài nguyên vô tận. Các nhóm lợi ích, từ nhà nước như FBI, CIA, Ngũ Giác Đài …đến xã hội dân sự như các cơ quan tài phiệt, tôn giáo (nhất là các nhóm truyền giáo cực đoan Evengelicals), kỹ nghệ vũ khí, Wall Street… chỉ cần vận dụng, ảnh hưởng hoặc xâm nhập một trong 2 đảng, hoặc cả 2, là có thể thống trị xã hội Hoa Kỳ.

Điều nàu hoàn toàn không thể xảy ra hoặc sẽ rất khó xảy ra trong một nền dân chủ đa nguyên, đa đảng chân chính.

Đâu là nguyên nhân của những khuyết điểm nêu trên của nền dân chủ Hoa Kỳ?

Nguyên nhân dĩ nhiên bao quát và rất đa diện. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, có 2 nguyên nhân quan trọng nhất liên hệ đến luật bầu cử các đại diện chính trị trong chính quyền:

                      1.Quyền tuyệt đối quyết định đi bầu phiếu hay không bầu phiếu:

Có thể gọi đây là quyền tự do bầu cử tuyệt đối tại Hoa Kỳ. Một công dân Hoa Kỳ có quyền đi bầu, hay không đi bầu. Dĩ nhiên trên nguyên tắc điều này phát huy quan điểm dân chủ.

Tuy nhiên trên thực tế, đây là một quyền tự do vô cùng bất công và phản động (reactionary). Lý do là vì, trong một nền dân chủ, người nghèo, người ít học, người da màu, người bị áp bức, luôn có khuynh hướng lười biếng, hoặc bận rộn không đi bầu. Hậu quả là họ không đủ người đại diện tại các trung tâm quyền lực.Những sắc luật, những chính sách quốc gia không phản ảnh quyền lợi giai cấp của họ.Từ đó phát sanh và củng cố bất công xã hội.

Lập luận rằng “không chịu đi bầu thì đáng đời” không phải là một lập luận khả tín. Con người phần lớn là sản phẩn của hoàn cảnh và xã hội. Chúng ta có trách nhiệm tạo ra hoàn cảnh công bằng cho mọi con người cá thể. Chính vì thế các quốc gia dân chủ tiền tiến thường có luật cưỡng bách bầu cử (compulsory voting), như Úc Đại Lợi và bất công xã hội giảm thiểu mạnh so với Hoa Kỳ.

                     2.Luật bầu cử căn cứ trên đa số tương đối và khái niệm “winner takes all” đưa đến tình trạng nhị nguyên lưỡng đảng thay vì một chế độ đa nguyên đúng nghĩ tại cấp liên bang:

Phần lớn các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ căn cứ trên đa số tương đối (relative majority) và khái niệm “winner takes all”. Hai ý niệm này, khi kết hợp với nhau, là nguyên nhân lớn lao của những khuyết điểm trong nền dân chủ gạo cội này.

Trước hết đa số tương đối xảy ra khi trong các ứng cử viên, người thứ nhất được 33% phiếu, người thứ nhì 30%, người thứ ba 20% và người thứ tư 17% thì người thứ nhất với 33%, chiếu theo nguyên tắc “winner takes all” sẽ được tuyên bố thắng cử toàn điện.

Trong khi đó, nếu áp dụng nguyên tắc đa số tuyệt đối (absolute majority) thì người thắng phải đạt đến ít nhất hơn 50% số phiếu mới có thể thắng cử. Nhiều quốc gia như tại Pháp chẳng hạn, nếu ứng cử viên tổng thống chưa đạt được đa số tuyệt đối vòng bầu cử đầu, thì 2 ứng cử viên nhiều phiếu nhất phải được bầu lại vòng 2, hầu có đa số tuyệt đối.

Trong cuộc bầu cử quốc hội tại nhiều quốc gia dân chủ tiến bộ, phương thức bầu cử đại diện theo tỷ lệ (proportional representation) được áp dụng. Theo phương pháp này, một chính đảng hay nhóm có 5% số phiếu sẽ có 5% dân biểu trong quốc hội.Nếu có 30% sẽ có 30% dân biểu và nếu có đa số sẽ nắm quyềnđa số trong quốc hội.

Trong cuốn “Dự Thảo Hiến Pháp Việt Nam trên quan điểm Dân Chủ Hiến Định, Pháp Trị và Đa Nguyên” tôi đã rút những ưu và khuyết điểm các nền dân chủ trên thế giới và đề nghị một dự thảo hiến pháp cho Việt Nam trên những nền tảng này.

Một cách tổng quát, nền dân chủ Hoa Kỳ không cần tu chính hiến pháp, mà chỉ cần thay đổi luật bầu cử, sẽ trở nên tiến bộ và công bằng hơn.

Tuy nhiên chế độ lưỡng đảng là một định chế thoái hóa, bảo thủ và vô cùng khó khăn thay đổi. Đó là lý do tại sao tôi chủ trương rằng, một hiến pháp tương lai của Việt Nam phải bao gồm ngay từ khởi thủy, những ý niệm khai phóng nhất nhân loại đương đại, hầu tránh những thế lực bảo thủ tương tự Hoa Kỳ trong tương lai.

(Ls Đào Tăng Dực)