HOÀI NHƠN, ÐỆ ÐỨC (1973)
Thiếu Tá Cường, Quận Trưởng quận Hoài Nhơn, đang trao đổi với Ðaị úy Ðại ngay trên giữa cầu Bồng Sơn khoảng hơn một tiếng đồng hồ về việc bố trí quân của Tiểu Ðoàn 2/40 ở phía Nam đầu cầu. Khi hai vị chia tay nhau, ai về vị trí nấy thì một quả B 40 bắn từ hướng dưới mé sông lên cầu , làm chiếc xe Jeep của Thiếu Tá Cường bốc cháy và ông ta chết ngay trên cầu. Sự việc xãy ra quá nhanh không tưởng tượng được. Cộng quân bắt đầu pháo kích vào chi khu; mặt phía Nam cầu Bồng Sơn, đại đội của Trung Úy Thành chạm trán ngay một đại đội đặc công của địch nằm phục kích bên đường rầy xe lửa, nhưng chốc lát Ðại đội 3 đánh bật ngay và tiến sát vào các hố cá nhân của địch bằng những đợt đột kích bằng lựu đạn va lập chiến tích ngay tại chỗ là lấy được một khẩu phòng không 12 ly 7 làm cho cả tiểu đoàn lên tinh thần. Nhưng trời đã xế chiều, phía bên quận trận đánh vẫn đang tiếp diễn và màn đêm buông xuống nhanh làm sao, vẫn chưa giải quyết được những vị trí của VC đang cầm cự, cho nên đơn vị ai ai cũng chưa có hột cơm nào trong bụng. Tiểu Ðoàn chưa kịp bố trí, VC đánh thẳng vào Bộ Chỉ Huy, làm cho Tiểu Ðoàn rối tung lên, mạnh ai nấy chạy, tan rả một cách nhanh chóng, không còn ai chỉ huy ai nữa.
Màn đêm của những ngày cuối tháng không trăng, làm cho bầu trời càng tối nhiều, hai đại đội 1 và 2 cũng tan hàng theo, tôi cũng chả biết phải làm sao, đành theo những người lính trong bộ chỉ huy xuống bờ tre và chuẩn bị bơi qua sông Bồng Sơn hướng về phía Bắc, để về căn cứ Ðệ Ðức mà Trung Ðoàn 40 đang trấn giữ. Ra đến mé sông Lại Giang, tôi cởi bỏ hết áo quần và đi dọc theo bờ sông tìm chỗ nước cạn rồi bơi qua phía bên bờ bắc. Bơi một đoạn, gặp ngay một đụn cát gần bờ, trong đêm tối tôi quờ quạng đưa tay về phía trước và gặp ngay một đám dưa của dân, họ trồng. Tôi bò lúp xúp hướng về phía lùm tre cùng với hai anh Ðại Úy chi khu và chân đụng phải cái tròn tròn dưới chân, nhìn kỷ thì đó là quả dưa xanh to bằng cái đầu mình. Tôi vội nằm sát xuống mặt cát, đập bể trái dưa ra và ăn một cách ngon lành. Ăn xong quả dưa, tôi len dần theo bờ sông, để tìm lối leo lên bờ vì bờ phía bên này quá cao bởi do sự soi mòn của nước. Nhưng chưa kịp tìm lối lên bờ thì tôi đã nghe tiếng la to: “Ðưa tay lên, bỏ súng xuống”. Thế là hai người lính đi trước tôi đã bị bắt. Nằm một đổi, thấy không động tĨnh gì hết. Tôi leo lên bờ theo hướng sao Bắc Ðẩu mà đi về hướng căn cứ Trung Ðoàn ở Ðệ Ðức.
Trời không trăng nhưng sao lại giăng đầy, tôi vượt qua một cánh đồng và xa xa cây thập tự giá của nhà thờ gần Trung Ðoàn đã ẩn hiện dưới làn sương mờ mờ. Như thế là về gần căn cứ rồi, nhưng còn phải vượt qua một nghĩa địa nữa chứ, từ đằng xa một chiếc xe Honda phóng nhanh về phía tôi, tôi vội ẩn mình sau cái mộ lớn nhất. Xe càng ngày càng gần khi đến chỗ tôi thì nó dừng lại như là đang kiếm một cái gì hay muốn dò xét khu vực này mà anh ta khả nghi. Tôi định thần nhìn kỹ thì ra một tên du-kích mang AK ngồi trên xe. Quan sát xung quanh một chập, hắn quay đầu xe chạy vào làng kế cận đó. Tôi vội vượt qua nghĩa địa, đi dần vào sân nhà thờ và vòng ra sau để vào nhà bếp, nơi ấy có nhiều gia đình dân lánh bom đạn đang tá túc, họ nằm la liệt bên đống lửa đang cháy để sưởi ấm, tôi cũng ngã người bên bếp lửa mà trên thân thể tôi chỉ có cái quần đùi mà thôi. Chờ đến gần sáng, tôi ra đường quốc lộ I và đi về căn cứ Ðệ Ðức, lúc đó cũng vào khoảng 7 giờ sáng rồi. Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn, quận Bồng Sơn còn đang giao chiến, đường quốc lộ bị gián đoạn nhiều nơi vì VC chiếm và đắp mô nhiều đoạn nên con đường tiếp tế từ đèo Phú Cũ đến đèo Bình Ðê (Tam Quan) hoàn toàn bị tê liệt không tiếp tế được. Tôi vào hậu cứ Ðại Ðội 221 Quân Y gặp Bác Sĩ Thái, để báo cáo tình hình trung đội quân y, xin bổ xung y tá nhưng tình thế bây giờ thì rối như tơ vò, còn bao nhiêu lính thì dùng bấy nhiêu. Tôi bước lửng thửng về lại bệnh xá của Tiểu Ðoàn mà lòng buồn rượi, sự chán chường, chán nản vây khắp tôi, mặc cho việc gì đến thì đến. Ăn cũng chả vào, miệng đắng như bồ hòn, chỉ nhắm chút xíu nước trà nóng cho đỡ lạt miệng mà thôi.
Hai ngày sau đó, khi Ðại Tá Vị từ BTL Sư Ðoàn 22 ở Bà Di ra bằng trực thăng để họp với ban Tham Mưu Trung Ðoàn, thì lúc ấy có ba ông Ðại Úy cướp ngay chiếc phi cơ ấy bay về Qui-Nhơn (sau ba ông ấy bị đưa ra lao công đào binh cho Tiểu Ðoàn của tôi). Khi phi cơ trở lại rước Ðại Tá Vị, các vị Tiểu Ðoàn Trưởng chưa kịp trở về hậu cứ để ban lệnh khẩn thì lính trong Trung Ðoàn tan hàng, túa ra khỏi cổng, mạnh ai nấy chạy. Như đàn vịt chạy tá lả lúc gặp phải con diều hầu đang xà xuống gắp mồi. Trước giờ tan hàng, tôi lại có linh tính báo trước là Trung Ðoàn sẽ di tản, nên vội họp mấy người Y tá còn lại, bảo mỗi người lo thủ một chai nước biển để đi đường và còn dự trù con đường rút duy nhất là bờ biển Ca-Công. Ðúng như dự đoán, lính các đơn vị chạy theo nhiều hướng như Ðại Ðội 3 do Ðại Úy Hộ rút lui theo hướng Nam núi kho, vòng ra Thạnh Xuân nhưng lại bị VC phục kích bắt sống nhiều người; một toán khác đi thẳng lên núi Kho cũng bị bắt rất nhiều, còn toán của tôi chạy theo những chiếc thiết vận xa chạy ra ngã chợ Bọng, bọc theo hướng Bắc núi Kho, qua rừng dừa Mỹ Á, băng qua cánh đồng cát, tránh đồi 30 (nơi đây Tiểu Ðoàn của tôi trấn đóng trong thời kỳ bình định vừa bàn giao với Ðịa Phương Quân khi có lệnh di chuyển về Hoài Ân) và tiến ra làng Ca-Công, theo mé biển vượt vũng Ca Công và chính nơi đây là bãi đáp của những chiếc tàu đổ bộ từ tàu HQ 500 đậu ngoài khơi bờ biển Tam Quan.
Ðoàn người chúng tôi kéo nhau ra đến bờ biển vào khoảng 8 giờ tối, Hạm đội 7 bắn vào dọn bãi, trong khi ấy người Sĩ Quan Hải Quân tăng phái cho Trung Ðoàn đang cố gắng ra dấu hiệu cho Tàu ngoài khơi nhận ám hiệu, bầu trời lúc sáng lúc tối bởi do những trái sáng cầm tay của những người lính bắn lên trời, cũng lúc ấy những toán đặc công và lính du kích VC xông ra từ làng bắn xối xả vào chúng tôi, nào là AK, đại liên, súng cối 60 ly v.v… trước tình thế như vậy, chúng tôi mỗi người một tay súng bắn từng đợt như cầm cự vì sợ hết đạn, chỉ bằng cách hô to “Xung phong… xung phong”, cùng đồng loạt tiến vào bờ làm cho bọn chúng cũng kinh hoàng, sau đó hàng loạt đạn pháo từ Tàu hộ tống bắn vào bờ làm chúng dạt vào sâu đất liền. Trong đêm tối lồ lộ những chiếc tàu đổ bộ tiến vào bờ, mọi người đổ xô lên tàu nhưng phài lôị ra khỏi bờ độ nước lên đầu gối. Việc cứu vớt chúng tôi kéo dài cho đến gần sáng, tôi là người lên tàu HQ 500 đầu tiên do đó tìm được một chỗ khá tốt cho cái lưng để chịu đựng cho suốt cuộc hành trình từ đây về cảng Qui Nhơn.
Tàu cập bến Qui Nhơn thì cũng đã tối, Sư Ðoàn đưa xe ra tận cảng đón chúng tôi về Bà Di và chuẩn bị cho những ngày kế tiếp, tái phối trí Trung Ðoàn 40 với bản doanh mới đóng tại ngã ba Phú-Tài. Lúc này thành phố Qui Nhơn vắng vẻ làm sao vì dân chúng đã di tản vào Nhatrang, SàiGòn rất nhiều. Thời gian này tôi có dịp nghĩ đến gần hai tháng để dưỡng sức, chờ bổ xung Y Tá và chuẩn bị vác ba lô lên đường tái chiếm lại Bồng Sơn xứ dừa.
Hai tháng sau, tại đồi Vạn An, Trung Ðoàn 40 và 41 cùng với hai liên đoàn Biệt Ðộng Quân với sự yểm trợ của Không – Hải Quân tiến hành một cuộc đổ bộ rất qui mô, nhảy vào ngay thành phố Bồng Sơn chiếm lại thành phố và làm thông con đường Quốc Lộ I, cũng ngày ấy Tôi được Tiểu Ðoàn 22 Quân Y chọn là Sĩ Quan Quân Y xuất sắc đại diện cho Tiểu Ðoàn về Cục Quân Y tham dự lễ mừng các chiến sĩ tham chiến các mặt trận Trị-Thiên oai hùng, Bình Long anh dũng, Bình Ðịnh quyết chiến quyết thắng, được tổ chức tại Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc ở Tân Sơn Nhất, SàiGòn.
HOÀI ÂN, BìNH ÐỊNH (1973)
Hòa, Trung sĩ âm thoại viên, tay bóp vào ống liên hợp nhiều lần, bỗng có tiếng kêu sành sạch của cánh quạt của máy bay trực thăng phát ra, càng lúc càng rõ hơn. Anh vội trao lại chiếc ống liên hợp cho vị Tiều Ðoàn Trưởng và nói: – Thưa Ðại Úy, chắc trực thăng cấp cứu đã ra được rồi, Ðại Bàng liên lạc xem sao! Ðại Úy Ðại, tay cầm ống liên hợp nhưng mắt cứ nhìn lên bầu trời còn xám nghịt và đầy mây bao phủ. Ông nhìn tứ phía như để thăm dò xem hướng nào trực thăng có thể đến và thấy đơn vị rõ hơn, trong khi ấy tiếng sành sạch của cánh máy bay trực thăng lại càng rõ hơn, như đang bay ở trên đầu chúng tôi vậy.
Nguyên tiểu đoàn chúng tôi cách đây khoảng một tuần đụng trận với Sư Ðoàn 3 Sao Vàng của Việt Cộng từ trong khu vực Gò Loi, vị trí nầy do một tiểu đoàn Ðịa Phương Quân đóng nhưng bị CQ đánh chiếm nên Trung Ðoàn 40 có lệnh vào giải tỏa và làm giảm áp lực khu Bắc Bình Ðịnh.
Sau hơn một tuần giao tranh, cả hai bên chưa phân thắng bại, Tiểu Ðoàn phải rút lên đồi cao vì gặp phải mùa mưa lớn, đồng băng bị lụt. Cộng quân bám sát theo chúng tôi vì sợ pháo và tiến hành đánh cận chiến. Ðơn vị tôi cũng chuẩn bị hầm hố cá nhân rất kỹ để chuẩn bị một trận ác chiến một mất một còn. Cơn mưa càng lúc càng to, các hố cá nhân đã ngập; nhóm Quân Y chúng tôi di chuyển về phía bên trái sườn núi cắm lều dưới những lùm cây thấp, bên toán Tiền Sát viên, nằm vừa có bạn, vừa có thể tiếp ứng nhau dễ dàng khi hữu sự. Trời vừa tờ mờ sáng, sương mù chưa tan hẳn, Hiền, người Y Tá của tôi đã dậy sớm hơn mọi khi và đã pha sẳn ca cà phê thơm phức, đưa cho tôi nhưng vừa lúc ấy một loạt đạn nổ, súng cối vọng từ dưới chân đồi, có tiếng la: VC pháo, xuống hố. Tiếp theo đó là những tiếùng nổ chát chúa của lựu đạn chày và tiếng hô xung phong từ bốn phía dồn lên đồi.
Cuộc đột kích đầu tiên bị đẩy lui ngay, tôi cùng hai người Y tá khác nhảy xuống hố nhưng hố đã đầy nước, với tình huống như thế này thì đâu có nghĩ là có nước hay không nước những tiếng kêu rít của đạn pháo bay qua đầu tôi thì coi là vô sự nhưng khi nghe đến tiếng đề kế tiếp thì tôi chẳng nghe gì nữa vì nó đã rơi ngay vào miệng hố của tôi, người Y Tá ngã trên lưng tôi, thất thanh la: – Thiếu-Úy, em bị thương rồi. Tôi thấy cái nón sắt của tôi xoay một vòng và cảm thấy nơi má có cái gì ươn ướt, đưa tay lên rờ vào má thấy lạnh, một giòng máu chảy từ thái dương phải xuống tận mép; người Y tá ngồi trước tôi quay lại và anh ta vội xé cuộn băng cấp cứu trên nón sắt của tôi, băng vào đầu tôi. Lúc ấy người Y tá bị thương vẫn nằm trên mình tôi rên lên vì bị thương nơi lưng quá nặng, sau đó tôi đẩy nhẹ anh ta sang một bên phụ với người Y Tá băng vết thương và chích thuốc cầm máu và một liều chống đau. Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn hơi rối loạn, chúng tôi vội di chuyển sang các hố bên trái xuống sát triền núi hơn, các Ðại Ðội 1, 2 và 3 đang giao chiến dưới chân đồi, chỉ trong một giờ các khẩu súng cối bị diệt ngay. Tình hình tạm yên ổn, thương binh từ các Ðại Ðội dồn về đỉnh đồi vì chúng tôi chuẩn bị bãi trực thăng cứu thương. Mặc dù tôi bị thương cùng với hai người Y Tá nhưng cũng phải cố gắng tiếp sức với Kiệt, người Y tá còn duy nhất cho Tiểu Ðoàn, nào là viết giấy tản thương, chích thuốc, băng bó lại những vết thương bị ủng nước, báo cáo số thương binh và sắp xếp ưu tiên tải thương, như vậy Tiểu Ðoàn có tất cả vừa chết và bị thương là 24 người.
• Sơn Dương, có nghe được Thần Ðiêu không?
• Sơn Dương, nghe rõ, năm trên năm
• Anh cho tôi làn mây đỏ và vàng đi.
•
Ðây là những tiếng đối đáp của Ðại Úy Ðại với đoàn trực thăng cấp cứu từ phi trường Phù Cát ra, cũng vừa lúc ấy hai trái khói vàng và đỏ tung ra ở hai góc bãi chuẩn bị cho việc cấp cứu nhanh vì VC chúng cũng đang chờ chúng tôi cho lệnh máy bay trực thăng đáp là có dịp pháo và đánh úp thêm một lần nữa. Nhưng chẳng thấy phi cơ đâu cả, bổng trên trời một lỗ sáng làm mây vẹt ra, ánh thái dương tỏa cả một vùng, hai chiếc gunship có trang bị súng đại liên nhiều nòng vẹt mây bay vào vùng trái khói chúng tôi bắn xối xả vào những vị trí tình nghi có VC và pháo tạo thành một vòng đai an toàn, Ðại Úy Ðại, quay sang tôi nói:
• Anh Ðức chuẩn bị cho người ưu tiên ra bãi.
Tôi cùng Kiệt đưa tám người bị thượng nặng nằm trên cáng võng ra bãi thì vừa lúc đó chiếc trực thăng thứ nhất bay từ dưới chân đồi lên dừng lại trên bãi đáp thật bất ngờ, những người lính khiêng cáng đưa bạn mình sát vào sàn phi cơ và vội lìa máy bay chạy vào bìa rừng ngay, thì lúc ấy VC cũng vừa pháo đợt đầu, phi cơ bốc lên cao. Chíếc thứ hai từ trên cao thả xuống như chiếc lá rơi, nhóm khiêng cáng tiếp tục đưa thương binh ra, lần nầy đợt pháo có vẻ gần hơn vì có lẽ VC chúng đã điều chỉnh tầm pháo rồi, những người lính gắng sức nhiều hơn là đưa cáng thương lên khỏi đầu và tiến gần đến càng phi cơ, người phụ xạ thủ trên phi cơ vội vã kéo từng thương binh vào trong thân tàu bay một cách có kỹ thuật cấp cứu, tàu lao về phía trước. Tôi là người đi sau cùng với tám xác chết, hai chiếc gun ship bay vòng tròn bắn liên tục vào các mục tiêu có những cụm khói trắng vừa nhả lên từ những lùm tre dưới làng, chiếc thứ ba đảo một vòng rồi đáp thẳng vào bãi đáp như con diều hâu đang thả cặp chân có móng vuốt chụp thẳng vào con mồi dưới đất vậy. Lần nầy thì khác, các túm bong-sô quấn các thi hài đã đặt ngay trên bãi chỉ còn có việc đưa lên máy bay thì có thể rời bãi một cách nhanh chóng và an toàn, Kiệt đưa tôi ra bãi và đẩy tôi vào thân tàu bay với những người bạn đã ra đi nằm yên đó, máy bay vụt bốc thẳng lên và nghiêng thân tàu bên phải, lượn xuống triền núi, bay thẳng về hướng đèo Phú Củ, tôi tưởng mình sắp rớt ra khỏi thân tàu vậy…
Chỉ trong vòng một giờ, năm chiếc trực thăng thi hành xong nhiệm vụ cấp cứu đầy nguy hiểm. Phi cơ đưa chúng tôi về đến bệnh Viện Qui Nhơn thì trời cũng vừa nhá nhem tối, tôi lững thửng rời phi cơ vào phòng cấp cứu làm hồ sơ và Bác Sĩ đưa tôi lên phòng chụp quang tuyến kiểm tra lại vết thương đầu. Hai mảnh đạn: một ở ngay thái dương phải, một ở ngay mí mắt phải, làm cho nửa đầu tôi tê buốt. Người Y Tá bệnh viện đẩy chiếc xe băng ca tôi đang nằm về đến trại điều trị, lúc ấy cũng đã vào nửa khuya rồi, tôi buông mình trên giường và ngủ khi nào không hay, cho mãi đến ngày hôm sau khi thức giấc vẫn còn thấy bộ áo quần kaki còn dính đầy máu nguyên vẹn trên mình.
AN SƠN, DIÊU TRÌ và THÁNG 3/1975
Gần một năm điều trị tại bệnh viện Quân Y Qui Nhơn, tôi được đưa ra hội đồng giám định y khoa với lời phê loại I trở về đơn vị cũ. Thời gian nầy thật vàng son cho những ai từng nằm chờ tái khám, tôi có dịp trở về Nha Trang, miền Thuỳ Dương Cát Trắng, nơi tôi đã đưọc sinh ra và lớn lên với bao kỷ niệm trong thời thơ ấu và học sinh. Cũng chính lúc nầy tôi gặp được người mình mong trong ký ức. Người con gái với chiếc áo dài màu nâu nhạt đang đùng dưới bóng cây mít sau chùa Lôi Âm, không biết nàng là con gái của ai, hình như mình đã gặp tự khi nào rồi. Và cũng từ ấy tôi đã bắt đầu yêu nàng, cuộc tình chúng tôi đã nối liền cho đến ngày hôm nay và mãi về sau.
Trở về đơn vị mà tâm hồn còn lưu luyến, nhớ nhung những kỷ niệm nơi quê nhà. Tinh thần cũng còn chưa ổn định lắm, còn lo lắng, phân vân và cảm thấy hơi sợ cho chính bản thân mình. Nhưng mọi việc lại xảy ra không như tôi nghĩ. Vào đến doanh trại Tiểu Ðoàn Quân Y, lên trình diện Tiểu Ðoàn Phó thì gặp ngay Y- Sĩ Ðại Úy Thái, ông ta nguyên là Ðại Ðội trưởng của tôi vừa được Cục Quân Y thăng chức vụ. Bác Sĩ Thái bắt tay tôi rất niềm nở và quyết định chuyển tôi về làm Trưởng Ban Quân Y Trung Tâm Huấn Luyện Sư Ðoàn ở căn cứ An Sơn. Sau bữa cơm trưa với BS Thái ở Câu Lạc Bộ, tôi nhận sự vụ lệnh về trình diện Trung tá Ngoạn, chỉ huy trưởng TTHL/SÐ 22 BB và bắt tay vào nhiệm vụ mới là lo sức khỏe cho hơn cả ngàn khóa sinh mới tuyển mộ cho Sư Ðoàn. Khoảng sáu tháng sau do sự thay đồi nhân sự Tiểu Ðoàn Quân Y thuyên chuyển tôi về Tiểu Ðoàn 221 Pháo Binh, nhận chức vụ khác là Phân Ðội Trưởng, đơn vị đóng gần Ngã Ba Diêu Trì, nhưng các pháo đội lại có nhiệm vụ tăng phái và yểm trợ chính cho Trung Ðoàn 40 cũ mà ngày xưa mới ra trường tôi đã phục vụ gần 2 năm.
Cuộc chiến càng ngày càng quyết liệt hơn, sau Tết tháng Ba năm 1975 trận đánh đầu tiên Ban Mê Thuột mở màn, Trung Ðoàn 40 kéo về Khánh Dương cùng với một Tiểu Ðoàn Nhảy Dù trấn giữ, bộ chỉ huy Pháo Binh 221 đóng tại Trường Lạc, Thanh Minh, Diên Khánh tỉnh Khánh Hòa yểm trợ một tiểu đoàn đang giao chiền với VC tại Ðồng Găng ,cho nên hậu cứ chúng tôi bắt đầu tiếp tế vào Nha Trang. Tôi cũng ra lệnh cho Trung Sĩ Hội, Y Tá Trưởng hậu cứ trang bị thuốc men và dụng cụ xuôi Nam. Lúc này thành phố Qui Nhơn rất là lộn xộn, kỳ này rất ít gia đình rời thành phố vì họ nghĩ rằng không phải như năm Mậu Thân, di tản vào Nha Trang hay Sài Gòn để rồi về lại tốn kém, cũng như một người chị đỡ đầu tôi ở Chợ Vinh, nhất quyết không ra đi. Tôi đành phải ra theo đơn vị về Nha Trang nhưng cuộc chiến lần này thì khác, không ai ngờ được là ra đi lần nầy không có ngày trở lại mãnh đất nhiều kỹ niệm trong đời binh nghiệp của tôi.
Rồi cuộc chiến chấm dứt, tôi đi cải tạo qua nhiều trại: Trảng Lớn (Tây Ninh), Bù Gia Mập, Ngà Ba Ðường Mười (Minh Hưng , Phước Long) và khi trở về tôi còn có dịp trở lại thăm Bồng Sơn, Tam Quan, Lộ Diêu, Thạnh Xuân, Phù Cát (Núi Bà), Xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ), Ðầm Trà Ổ (Vạn An)… Khoa Trường, An Lão… Bây giờ chỉ còn trong những cơn ác mộng về đêm trên đất Tự Do này với những trận đánh kinh hồn ở xã Mỹ Hiệp, đồi Du Tự, làng Khoa Trường (Hoài Ân). Cầu mong cho những bạn còn lại nơi quê nhà được bình an và có nhiều điều may mắn trong cuộc sống gian khổ mà mọi người còn phải chịu nhiều khắc nghiệt sau một cuộc chiến chưa có kết luận.
Thiện Đức
Share Lại Tuổi Thơ