Những người Mỹ gốc Việt thế hệ đầu tiên nay tuổi đời đã cao, kinh nghiệm sống ở Mỹ đã nhiều, con cái hầu hết đều thành công trong xã hội Mỹ. Ngoại trừ một số nhỏ nhờ có trình độ học vấn cao nên hội nhập dễ dàng vào xã hội Mỹ, đa số còn lại phải khắc phục bao khó khăn gian khổ, hy sinh cuộc đời mình cho con cái đời sau. Nay ý nguyện đã thành, nhìn lại quá khứ có khác nào một giấc mơ!
Mới ngày nào nheo nhóc vượt biên, họ nhịn từ giọt nước, miếng ăn cho các con đang sống dở chết dở vì đói khát. Tương lai mịt mù. Nay họ đã tạo được đời sống ổn định, vững vàng, nhà cửa khang trang. Mới ngày nào họ còn nắm tay dẫn con đi học, nay chúng là Bác Sĩ Kỹ Sư. Mới ngày nào phải thức khuya dậy sớm làm việc đêm ngày không biết mệt, bây giờ lên xuống thang lầu đã ngồi thở dốc! Nói trước quên sau, tóc đã bạc màu còn lưa thưa mấy sợi, bụng to mông lép, mặt mày càn cổi nhăn nheo, họ thấy buồn cho tuổi về chiều! Thôi cũng xong rồi đời ta, một kiếp lưu vong.
Họ có được ngày hôm nay nhờ ơn xứ Mỹ. Họ xem nước Mỹ như vị cứu tinh, là ân nhân đã đón nhận, cưu mang và đã chia xẻ cùng gia đình họ sự phồn vinh của một quốc gia giàu sang, văn minh, và hùng mạnh nhứt thế giới.
Ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Để tỏ ra xứng đáng với những đặc ân nầy, họ đã trả ơn bằng cách chứng tỏ mình là những công dân tốt. Họ cố gắng học hỏi, sống hòa đồng để sớm hội nhập vào cộng đồng người Mỹ. Khắc phục bao nhiêu gian khổ, họ đã đạt được mục tiêu nầy và hãnh diện làm người Mỹ gốc Việt thế hệ đầu tiên.
Dù hiểu mình may mắn đến được xứ sở của tự do, nhưng họ không thấy niềm vui trọn vẹn. Họ thấy mình có nhiều khác biệt đối với người Mỹ khi ở Mỹ, cũng như đối với người Việt khi về Việt Nam. Họ cảm thấy cô đơn lạc loài!
Sống mấy chục năm ở Mỹ họ vẫn thấy miễn cưỡng phải tham dự các sinh hoạt chỉ có toàn người Mỹ. Họ vẫn thấy ngần ngại khi nhận được giấy mời làm Juror và tìm mọi cách tránh né. Họ thèm ăn tô phở nóng có đủ vị tương ớt hành trần, ăn cơm canh chua với cá kho tộ, tô bún riêu phải có mắm tôm. Họ thích nói tiếng Việt với nhau và dạy dỗ con cháu phong tục tập quán Việt Nam để bảo tồn nguồn gốc.
Thời gian không biến đổi được con người. Mấy mươi năm không biến đổi cái gốc Việt của họ thành gốc Mỹ. Trong cùng tận đáy lòng, chưa bao giờ họ nhận thấy ở mình thật sự là một nguời Mỹ tuy mang quốc tịch Mỹ. Họ vẫn thấy cô đơn, lạc loài trong cộng đồng Mỹ.
Ngược lại khi về Việt Nam họ thấy mình có gì khác lạ đối với người Việt bản xứ. Họ thấy khó chịu với thái độ và cách hành xử thù hằn của các quan chức Việt Nam. Họ không thấy thoải mái khi dạo phố Saigon. Họ có cảm giác e ngại khi đi du lịch ở Hà Nội, Hải Phòng, lúc nào cũng trong trạng thái phòng thủ vì sợ bị chôm chỉa lường gạt. Họ cảm thấy khó chịu với lối buôn bán chụp giựt, mời hàng lì lợm, lối chạy xe vô kỷ luật, chửi thề, chen lấn bất lịch sự của người Việt Nam. Họ có cảm giác mình là miếng mồi ngon cho bấy cá lòng tong xúm vào rút rỉa, xí phần.
Cũng vì trạng thái “nửa chừng” nầy những người Việt thuộc thế hệ đầu tiên tới Mỹ đã không thấy thoải mái khi sống trong khu toàn người Mỹ hoặc trở về sống hẳn ở xứ Việt Nam. Họ chọn được sống ở Mỹ, nhưng được sống chung với những đồng hương cùng cảnh ngộ. Đó là lý do tại sao người Việt tị nạn tập trung về các khu Little Saigon càng lúc càng đông.
Sống trong các khu Little Saigon họ không còn phải cố gắng để giống như những người Mỹ khác. Họ sống thật với bản chất Việt của mình, tự tại, thoải mái, không mặc cảm. Họ đã cảm nhận được quê hương nơi đây. Họ thấy yêu thương và gắn bó với nó như ngày xưa họ đã từng yêu thương và gắn bó với quê hương Việt Nam.
Những người Mỹ gốc Việt hội nhập dễ dàng hơn vào xã hội Mỹ thường là thành phần trí thức nên thành công hơn về phương diện tài chánh. Họ chọn chỗ ở sang trọng hơn, lui xa xa cái khu Little Saigon, nhưng vẫn đủ gần để không cảm thấy mình lẻ loi cách biệt.
Tuy xứ Mỹ được mệnh danh là cái “melting pot”, nhưng cái nồi nầy vẫn chưa đun chảy được những người Mỹ gốc Việt thế hệ đầu tiên. Hóa trình hội nhập còn kéo dài trong nhiều thế hệ. Lịch sử đã chứng minh rằng cái gốc Việt với 4000 năm văn hiến sẽ khó mà gột rửa trong nhiều thế kỷ, nói chi trong vài thập niên! Họ bị giằng co giữa hai nỗi ưu tư mâu thuẫn nhau, đó là làm sao để hội nhập vào xã hội Mỹ nhanh và đồng thời bảo tồn truyền thống Việt Nam- cái gọi là “gốc Việt”.
Cái “gốc Việt” đã mở cửa cho người Việt tị nạn vào xứ Mỹ, nó giúp họ nổi bật, giữa những cộng đồng khác. Con cháu họ sinh trưởng ở Mỹ, nhưng vẫn còn cái rễ nối dài đến tận Việt Nam. Họ mong cái gốc Việt muôn đời sẽ gắn bó với chúng. Hiện nay có biết bao nhiêu nhân tài trong mọi lãnh vực ở Mỹ, đã hãnh diện nhận mình là người Mỹ gốc Việt!
Người Mỹ hãnh diện tổ tiên họ là những anh hùng lập quốc. Trước 1975, số người Việt tại Mỹ còn đếm trên đầu ngón tay. Khi cộng sản chiếm miền Nam, tổng số người Việt di tản đến được nước Mỹ cũng chỉ mới là trăm ngàn. Bốn mươi năm sau, với ý chí “tự do hay là chết” của thuyền nhân Việt Nam từng làm chấn động thế giới, tiếp theo là các chương trình H.O., ODP…, cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ ngày nay đã là trên 2 triệu, và sẽ còn đông hơn, mạnh hơn. Tên gọi “Little Saigon” đã xuất hiện tại nhiều tiểu bang Mỹ.
Thưa quí vị người Mỹ gốc Việt của thế hệ đầu tiên, các hậu bối của chúng ta sẽ hãnh diện vì ông cha
họ là những người tiền phong đã mở đường làm nên cộng đồng Việt, mang truyền thống Việt Nam vào văn hóa Mỹ, đã theo chân người xưa để tiếp tục hoàn chỉnh chương sử hiệp chủng lớn lao của nước Mỹ.
Sau 40 năm di tản, vượt biển, chia lìa, cực nhọc, một mùa xuân mới đang bắt đầu. Kính chúc những anh hùng thầm lặng của gốc Việt tại Hoa Kỳ và trên khắp thế giới một năm mới an bình, hạnh phúc.
Chú Chín Cali