Hè năm 1987 tôi được cha già Giuse Vũ Ngọc Bích đón vào tu viện Thái Hà dưới danh nghĩa là cháu đến giúp ông lúc tuổi già [1].
Từ đấy tôi bắt đầu biết cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng, vì cha Già Bích hay nhờ tôi viết thư cho “chú Phụng” [2] và vì ông bà cố của ngài lại sống ở Hà Nội, số 36 Trần Hưng Đạo, nên hai bên hay qua lại thăm hỏi và chia sẻ chuyện vui buồn.
Mấy năm sau khi cha Phong và tôi được gửi vào Tu viện Kỳ Đồng, thì chính cha Máttthêu Vũ Khởi Phụng là người đón tiếp chúng tôi; từ đó trở đi tôi liên tục sống gần ngài, dưới sự hướng dẫn của ngài, từ Sài Gòn ra Hà Nội đến Hoa Kỳ.
Ngài và tôi hay chia sẻ và luận bàn với nhau về các vấn đề đạo đời cũng như các vấn đề văn hóa và nghệ thuật. Lúc ở Sài Gòn thỉnh thoảng ngài hay rủ tôi đi xem các cuộc triển lãm tranh ảnh, các hội chợ sách, hoặc đi xem phim ở Trung tâm Văn hóa Pháp. [3].
Nhờ gắn bó với Ông Bà Cố của ngài và với ngài mà tôi mới hiểu hơn về ngài và gia đình ngài. Tôi coi ngài và gia đình ngài là những nạn nhân điển hình của chế độ cộng sản.
Cả hai Ông Bà Cố của ngài đều thuộc dòng dõi gia đình quyền quý. Ông quê nội làng Trung Lao, Nam Định. Quê ngoại là làng Luật Trung, Thái Bình. Cả hai bên nội ngoại đều làm quan to thời Nguyễn. Tổng đốc Vũ Quang Nhạ là ông nội của Cố.
Ông Cố tốt nghiệp tú tài toàn phần bên Pháp, rồi trở về Việt Nam học tại Trường Luật Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp Ông Cố được bổ nhiệm làm Tri phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
Bà Cố là người Huế, gia đình ngoài Kitô giáo, thuộc khuynh hướng tân thời, thích nấu ăn và có năng khiếu nghệ thuật, về sau được phong nghệ nhân. Bà học đạo với các cha DCCT Huế và được rửa tội ở Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn.
Ông Bà Cố cưới nhau xong thì đưa nhau về sống thị xã Thanh Hóa, vì vậy cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng được sinh ra tại đây.
Từ khi Nhật vào Miền Bắc năm 1940, việc quan của ông ở Phủ Tĩnh Gia có nhiều điều không thuận. Viên sĩ quan Nhật phụ trách vùng Thanh Hóa can thiệp không đúng vào Phủ ông trông coi và bị ông phản đối. Hai bên căng nhau, nhưng ông vẫn giữ được chức vụ cho đến thời cách mạng 1945.
Năm 1942, sau khi sinh người con thứ hai là Vũ Triều Nghi, Ông Bà Cố đã thuê dài hạn ngôi nhà 36 Trần Hưng Đạo để bà ở và chăm sóc các con cho an toàn. Năm 1944 Ông Bà Cố sinh được người con thứ ba là Vũ Đằng Giao.
Ông cố là vị quan thanh liêm, có tài quản trị, được dân yêu mến và kính trọng, có tinh thần dân tộc, vì vậy năm 1945, chính phủ liên hiệp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mời ông tiếp tục làm công chức tại Thanh Hóa.
Tuy nhiên, đến năm 1946, phe cộng sản tiến hành thanh trừng những người quốc gia trong chính phủ Việt Minh thì ông cố bị bắt đi tù; họ đưa ông từ Thanh Hóa vào giam ở vùng Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Được tin nhắn rằng Ông Cố bị đày đọa nên sinh bệnh nặng và khó qua khỏi, Bà mau vào còn kịp nhìn mặt và liệu cách đưa xác ông về; từ Hà Nội Bà Cố vội vàng gửi cha Vũ Khởi Phụng và hai em ngài về quê Trung Lao để vào Hà Tĩnh tìm Ông.
Thấy bệnh tình Ông Cố nguy kịch và điều kiện trong tù khó có thể bảo đảm mạng sống, bà quyết định đeo bám theo những vùng nơi Ông Cố bị cộng sản giam cầm, vừa mưu sinh, vừa nghe ngóng tình hình để tìm cách bảo vệ và giúp đỡ Ông Cố, thỉnh thoảng Bà mới về Nam Định và về sau là Hà Nội để thăm các con và chuẩn bị những thứ cần thiết mang vào Hà Tĩnh cho Ông.
Năm 1946, cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng học tiểu học tại trường của giáo xứ Trung Lao, rồi năm năm sau ngài được gửi vào học ở Trường Trung Linh, Bùi Chu.
Khoảng 1 năm sau, qua các sinh hoạt trong Liên Đoàn Công Giáo, bà cố quen biết Đức ông Trần Ngọc Thụ, bấy giờ là Thư ký riêng của Đức Cha Lê Hữu Từ và từ mối quen biết này, cha Mátthêu được Bà Cố gửi vào học tại trường Trần Lục, Phát Diệm, nơi có môi trường học tập hiện đại và an ninh bậc nhất ở Miền Bắc thời bấy giờ.
Năm 1952, bà cố từ Miền Trung ra Bắc đưa Cha Vũ Khởi Phụng và hai em ngài ra Hà Nội, em ngài được gửi cho người thân, còn ngài thi được gửi vào Đệ tử viện DCCT như mong muốn từ ban đầu của Bà Cố từ khi đang mang thai ngài.
Năm 1954 cộng sản lên nắm quyền ở miền Bắc, bà cố dứt ruột cho cha Vũ Khởi Phụng theo các cha DCCT Thái Hà di cư vào Nam. Các em ngài cũng di cư theo người thân theo các em của ông cố.
Bà Cố ở lại Miền Bắc bám theo Ông Cố trong tù cộng sản. Vốn là người có đức tin mạnh và có tình yêu lớn, lại nhờ đảm đang, tháo vát bà làm được được những việc lạ lùng, nhờ vậy Ông Cố mới sống sót và cuối cùng đến năm 1973 ông mới được trả tự do khi hiệp định Paris được ký kết.
Đến năm 1975 cộng sản chiếm Miền Nam, đất nước thống nhất, nhưng như tống thống Thiệu nói “đó là nền hòa bình của nấm mồ”. Gia đình ông bà cố vẫn lâm cảnh phân ly. Cô con gái Vũ Triều Nghi cùng gia đình bên Hoa Kỳ; người con trai út là Vũ Đằng Giao, cựu sĩ quan VNCH bị đưa vào trại tập trung, rồi khi mãn hạn lại đi HO.
Ở lại Việt Nam từ lúc này chỉ còn mình cha Vũ Khởi Phụng tại Sài Gòn, trong khi ông bà cố vẫn sống tại Hà Nội. Từ năm 1990 các cuộc thăm viếng Bắc-Nam mới thường xuyên hơn và mãi cho đến đầu năm 2008 khi cha Phụng ra Hà Nội làm bề trên tu viện Thái Hà thì Ông Bà Cố và ngài mới được đoàn tụ ít năm trước khi tất cả lần lượt qua đời trong 7 năm trời.
Gia đình lâm vào bi kịch như vậy, nên việc giữ được ơn gọi tu trì quả là khó khăn. Tại Miền Nam, cuộc sống của các em ngài trong hơn 1 thập niên đầu cũng chật vật. Ngài cảm thấy phải có trách nhiệm với các em trong tư cách là anh cả. Từ đó ngài có ý định tạm dừng việc tu của bản thân một thời gian để làm gì đó giúp các em.
Suy nghĩ ấy của ngài còn bị tác động bởi cuộc chiến Việt Nam và trào lưu xét lại ơn gọi thời hậu công đồng của nhiều tu sĩ. Tuy nhiên, nhờ sự cố gắng của ngài và của các em ngài, nên cuối cùng Chúa cũng giúp ngài cũng vượt qua.
Năm 1970 ngài được thụ phong linh mục. Bà Cố của ngài ở Hà Nội cũng biết tin qua ngả Sài Gòn-Canada-Pháp-Hà Nội. Bà cố mừng lắm. Bà kể ngày chịu chức của ngài, Bà làm thịt con gà mang sang mời Đức Cha Khuê và các cha bên Tòa Tổng Giám Mục ăn mừng, rồi xin các ngài dâng lễ tạ ơn.
Thế nhưng vì việc này, sau đó Bà Cố đã bị công an triệu tập và thẩm vấn nhiều ngày.
(Còn tiếp: Kỳ tới. Cha Vũ Khởi Phụng-một linh mục thông minh và uyên bác)
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
CHÚ THÍCH:
[1] Cha Giuse Vũ Ngọc Bích, DCCT, người sống sót ở Hà Nội là em của bà nội tôi, lúc ấy ngài tuổi già mắt kém, không còn tự mình đọc sách, viết thư từ được.
[2] Cách gọi của cha Già Bích. Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng lúc đấy đang là cố vấn của Tỉnh Dòng và phụ trách Dự tập.
[3] Hồi đó Việt Nam ít có phim hay. Nếu có thì thường bị chính quyền cấm chiếu. Chỉ có Alliance Francaise ở đường Lê Thánh Tông là nơi dám chiếu các bộ phim bị chinh quyền coi là “nhạy cảm”. Khi cha VKP không đi xem được thì bảo tôi đi xem có gì hay rồi về kể lại cho ngài.