NHỚ CHA MATTHÊU VŨ KHỞI PHỤNG (Linh Mục Phero NGUYỄN VĂN KHẢI)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Cha Vũ Khởi Phụng và các cha DCCT tại tòa Tổng Giám Mục Hà Nội tháng 5 năm 1990

Tháng 5 năm 1990: Cha Vũ Khởi Phụng và các cha DCCT tại tòa Tổng Giám Mục Hà Nội tháng 5 năm 1990. Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn đang ban phép lành cho các cha DCCT và các cộng tác viên DCCT sau buổi gặp mặt.

Một con người vượt trên bi kịch bản thân và gia đình

Hè năm 1987 tôi được cha già Giuse Vũ Ngọc Bích đón vào tu viện Thái Hà dưới danh nghĩa là cháu đến giúp ông lúc tuổi già[1]. Từ đấy tôi bắt đầu biết cha Mát thêu Vũ Khởi Phụng, vì cha già Bích hay nhờ tôi viết thư cho “chú Phụng”[2] và vì ông bà cố của ngài lại sống ở Hà Nội, số 36 Trần Hưng Đạo, nên hai bên hay qua lại thăm hỏi. Có chuyện gì vui buồn thường chia sẻ.
Mấy năm sau khi cha Phong và tôi được gửi vào Tu viện Kỳ Đồng, thì chính cha Máttthêu Vũ Khởi Phụng là người đón tiếp chúng tôi; từ đó trở đi tôi liên tục sống gần ngài, dưới sự hướng dẫn của ngài, từ Hà Nội đến Sài Gòn. Nhờ vậy tôi mới hiểu hơn về ngài và gia đình ngài mà tôi coi như là một trong những nạn nhân điển hình của chế độ cộng sản.
Cả hai ông bà cố của ngài đều thuộc dòng dõi gia đình quyền quý. Ông quê làng Trung Lao, Nam Định, đạo gốc, tốt nghiệp tú tài bên Pháp và trường Luật Đông Dương. Bà người Huế, gia đình ngoài Kitô giáo, thuộc khuynh hướng tân thời, thích nấu ăn và có năng khiếu nghệ thuật, về sau được phong nghệ nhân. Bà học đạo với các cha DCCT Huế và được rửa tội ở Sài Gòn. Cưới nhau xong, hai ông bà về sống ở Thanh Hóa, vì khi ấy ông làm Tri phủ Tĩnh Gia. Vì vậy cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng được sinh ra ở Thanh Hóa.
Ông cố là vị quan thanh liêm, có tài quản trị, được dân yêu mến và kính trọng, có tinh thần dân tộc, vì vậy năm 1945, chính phủ liên hiệp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mời ông tiếp tục làm công chức ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, đến năm 1946, phe cộng sản trong chính quyền tiến hành thanh trừng những người quốc gia, trong bối cảnh đó, ông cố bị cộng sản bắt đi tù; họ đưa ông từ Thanh Hòa vào giam ở vùng Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Được nhắn tin là ông cố bị đày đọa và sinh bệnh nặng, bà cố mau vào còn kịp nhìn mặt và liệu cách đưa xác về nếu ông qua đời. Thế là bà cố vội vàng phải gửi ngài và các em ngài về quê Trung Lao, để đi tìm chăm sóc ông. Thấy tình hình ông nguy kịch và điều kiện trong tù khó có thể bảo đảm mạng sống, bà quyết định đeo bám theo những vùng nơi ông cố bị cộng sản giam cầm, làm việc, tìm cách cứu giúp ông cố, thỉnh thoảng mới về thăm ngài và các em ngài.
Ở Trung Lao, cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng học tiểu học tại trường của giáo xứ, rồi nhập tiểu chủng viện Trung Linh. Tiếp theo qua các sinh hoạt trong Liên Đoàn Công Giáo, bà cố quen biết Đức ông Trần Ngọc Thụ, bấy giờ là Thư ký riêng của Đức cha Lê Hữu Từ và từ mối quen biết này, cha Mátthêu được gửi vào học ở trường Trần Lục, Phát Diệm, nơi có môi trường học tập hiện đại và an ninh ở Miền Bắc thời bấy giờ. Năm 1952, bà cố từ Miền Trung ra Bắc đưa ngài và các em ngài ra Hà Nội, em ngài được gửi cho người thân, còn ngài thi được gửi vào Đệ tử viện DCCT như mong muốn từ ban đầu của bà cố từ khi đang mang thai ngài.
Năm 1954 cộng sản lên nắm quyền ở miền Bắc, bà cố cho ngài theo các cha DCCT di cư vào Nam. Các em ngài cũng di cư theo người thân theo các em của ông cố. Còn bản thân bà cố ở lại Miền Bắc theo ông đang đi tù cộng sản. Vốn là người đảm đang, tháo vát bà làm được được những việc lạ lùng, nhờ vậy ông mới sống sót và cuối cùng mãi đến năm 1973 ông mới được trả tự do khi hiệp định Paris được ký kết.
Đến năm 1975 cộng sản chiếm Miền Nam, đất nước thống nhất, nhưng như tống thống Thiệu nói “đó là nền hòa bình của nấm mồ”. Gia đình ông bà cố vẫn lâm cảnh phân ly. Cô con gái Triều Nghi cùng gia đình bên Hoa Kỳ; con trai thứ, Chú Giao, cựu sĩ quan cộng hòa, vào trại tập trung, rồi khi mãn hạn lại đi HO. Ở lại Việt Nam còn mình cha Phụng ở Sài Gòn, trong khi ông bà cố ở Hà Nội. Từ năm 1990 các cuộc thăm viếng Bắc-Nam mới thường xuyên hơn và mãi cho đến năm 2008 khi Cha Phụng ra Hà Nội làm bề trên tu viện Thái Hà thì ông bà cố và ngài mới được đoàn tụ ít năm trước khi hai ông bà lần lượt qua đời.
Gia đình lâm vào bi kịch như vậy, nên việc giữ được ơn gọi, quả là khó khăn. Tại Miền Nam, cuộc sống của các em ngài trong hơn 1 thập niên đầu cũng chật vật. Ngài cảm thấy phải có trách nhiệm với các em trong tư cách là anh cả. Từ đó ngài có ý định tạm dừng việc tu của bản thân một thời gian để làm gì đó giúp các em. Suy nghĩ ấy còn bị tác động bởi cuộc chiến Việt Nam và trào lưu xét lại ơn gọi thời hậu công đồng của nhiều tu sĩ. Tuy nhiên, nhờ sự cố gắng của ngài và của các em ngài, nên cuối cùng Chúa cũng giúp ngài cũng vượt qua.
Năm 1970 ngài được thụ phong linh mục. Bà cố của ngài ở Hà Nội cũng biết tin qua ngả Sài Gòn-Canada-Pháp-Hà Nội. Bà cố mừng lắm. Bà kể rằng ngày chịu chức của ngài, bà cố làm con gà mang sang mời Đức cha Khuê và các cha bên Tòa Tổng Giám Mục ăn mừng, rồi xin các ngài dâng lễ tạ ơn. Thế mà vì việc này, sau đó bà cố đã bị công an triệu tập sách nhiễu, hạch hỏi.

Một linh mục thông minh và uyên bác

Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng là người có tư chất thông minh. Hơn nữa, ngài còn rất chịu khó học tập nên kiến thức của ngài rất uyên bác.
Hình ảnh người ta có về ngài là con người khi đi, đứng, khi ăn, khi ngồi dường như lúc nào cũng kè kè bên cạnh là quyển sách hay tờ báo làm bạn, dường như không còn để tâm đến sự gì khác chung quanh. Nhờ thế, ngài có một vốn văn hóa rất sâu rộng về các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong lãnh vực thần học, lịch sử và văn chương Kitô giáo.
Ngài nghiên cứu rất sâu rộng về thần học. Những tuyển tập thần học, những tuyển tập thần học kinh điển và quan trọng hàng đầu của thế kỷ XX như Nouvelle Theologie, Unam Sanctam đều được ngài nghiền gẫm. Ngài rất thích lịch sử và văn chương Latin. Những bộ sách lịch sử quan trọng, đồ sộ như của Fliche et Martin vẫn đọc hết. Đọc đi đọc lại. Ngài là một trong số ít người ngay từ hồi trước 1975 ngài đã tìm đọc bộ giáo phụ latin hơn 200 cuốn của cha Jean Paul Migne, mà ngài nói là còn ở Trung tâm Công giáo bên đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn.
Từ những năm 1970, ngài là một trong những linh mục giảng thuyết được yêu mến ở nhà thờ Kỳ Đồng, cùng thời gian ấy, ngài thường xuyên được mời đi giảng tĩnh tâm cho các giáo xứ, các dòng tu và các giáo phận.
Ngài cũng làm giáo sư của các lớp thần học bí mật đây đó tại Sài Gòn, đồng thời làm giáo sư Học viện DCCT và sau này còn dạy tại Học viện Liên Dòng. Ngài dạy thần học nhập môn, Giáo phụ học và cả Lịch sử Giáo hội. Ngài bàn giải các tác giả, các vấn đề rất kỹ lưỡng, rất sâu rộng, rất hệ thống, luôn luôn mới mẻ; nội dung có mật độ suy tư thần học rất cao, rất độc đáo và hấp dẫn. Tôi thấy ngài đáng được gọi là nhà thần học.
Một trong những ơn Chúa ban cho ngài là ơn nói các thứ tiếng. Ngài có thể diễn đạt tư tưởng cách dễ dàng và chuẩn xác bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Latin. Nói cũng như viết. Đặc biệt là dịch thuật. Trong Dòng, ngài thường được mời làm người thông dịch chính thức mỗi khi các đấng bề trên hay anh em ngoại quốc tới Việt Nam. Hồi cách đây mấy năm, Phái đoàn Đức Tổng Giám Mục Đại Diện không thường trú tại Việt Nam đi thăm các giáo phận ở Miền Bắc, ngài cũng được mời đi theo làm người thông dịch.
Liên quan đến việc này, tôi thấy nếu mình cứ nói tiếng Việt đều đều, không cần dừng, thì ngài vừa nghe, vừa có thể dịch trực tiếp ra tiếng Anh, tiếng Pháp, hoặc dịch ngược lại từ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp ra tiếng Việt. Dù dịch xuôi hay dịch ngược thì ngài cũng đều diễn tả được cái hồn của nguyên ngữ, khiến người ta có cảm tưởng như đang nghe trình bày bằng trực tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Từ ta đến tây tôi thấy hiếm người có được khả năng thông dịch kỳ tài như ngài.

Một con người hiếu hòa và được việc

Ngài là típ người trí thức nhưng lại rất hiếu hòa. Gần 30 năm sống với ngài trong Dòng, tôi chưa bao giờ thấy ngài nổi nóng và nặng lời với ai. Ngài luôn tôn trọng mọi người, lắng nghe và tỏ lòng cảm thông với mọi người. Nếu có ai lớn tiếng, ngài thường tránh đi hoặc im lặng lắng nghe, rồi nhỏ nhẹ hỏi thăm hoặc tham gia ý kiến và ý kiến của ngài rất quân bình, rất có tính cách xây dựng. Ngài có thể dung hòa khác khác biệt bằng một giải pháp tốt đẹp đến mức bất ngờ, hợp lý hợp tình mà hầu như ai cũng lấy làm hài lòng. Vì vậy, ngài được mọi người chung quanh yêu mến, kính trọng và tin tưởng. Bởi vậy, từ năm 1975 đến năm 2015, ngài luôn được anh em trong Dòng bầu cử và bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng.
Căn cứ vào những lần phê chuẩn của các vị bề trên tổng quyền, tôi đếm được 4 lần, tức trong 24 năm ngài được bầu cử làm thành viên của Tổng Công nghị; 11 nhiệm kỳ tức 33 năm được bầu làm cố vấn, thành viên hội đồng quản trị Tỉnh Dòng; 4 nhiệm kỳ, tức 12 năm được bầu làm Phó Giám Tỉnh; 2 nhiệm kỳ tức 6 năm được bổ nhiệm làm Bề trên tu viện DCCT và Chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ HCG, Sài Gòn; 2 nhiệm kỳ, trong 7 năm làm Bề trên Tu viện DCCT Thái Hà, trong đó có 3 năm kiêm Chính xứ Thái Hà, Hà Nội; hơn 5 nhiệm kỳ tức 16 năm làm Giám học Học viện; 2 nhiệm kỳ làm Phó Tập sư; 2 nhiệm kỳ làm Giám đốc Dự tập; 2 nhiệm kỳ làm Trưởng Ban Truyền thông; 1 nhiệm kỳ làm Giám đốc Hậu Học viện; 1 nhiệm kỳ làm Trưởng Ban Tông đồ Mục vụ.
Ngày cũng tích cực tham gia phục vụ trong các công việc chung của TGP hay của Giới Liên Tu sĩ tại Sài Gòn. Từ năm 1975 cho đến năm 2008, ngài liên tục hoặc là thành viên trong Ban Đại diện, hoặc Ban Nghiên cứu Thần học của Hiệp hội Bề trên Thượng Cấp Việt Nam, hoặc là Chủ tịch Liên Tu sĩ TGP Sài Gòn, hoặc làm tổ trưởng tổ công tác, phụ trách các sinh hoạt thường kỳ của giới Liên Tu sĩ. Sách Gương Chúa Giêsu nói người hiếu hòa được việc hơn người trí thức. Ngài có cả hai, cho nên cuộc đời ngài từ khi làm linh mục, luôn ngập tràn trong trách nhiệm và bổn phận phục vụ ở các vai trò và vị trí khác nhau giữa lòng Giáo Hội.

Một linh mục không đam mê quyền lực

Là người trí thức, sống với những giá trị cốt yếu của đức tin, của đời tu, ngài không ham mê quyền lực. Những ai sống ở gần ngài đều thấy ngài là một trong số ít người không muốn quyền lực.
Có lần anh em trong Dòng tính bầu ngài làm Giám Tỉnh. Tuy nhiên, trước ngày bầu cử ít hôm, thầy Giuse Thuyết, một người cùng lớp Tập viện với ngài, nhưng là bậc niên trưởng trong Dòng và là người rất có uy tín đối với các anh em, than rằng: “Bét mẹ cái anh Phụng anh ấy nhờ mình việc khó quá mà không làm thì cũng tội cho anh ấy. Anh ấy nói với tôi là xin thầy đi nói với anh em đừng bầu con làm Giám Tỉnh, nếu không thì con bị cầm chân không còn đi giảng dạy đây đó được nữa, trong khi Nhà Dòng còn có những anh em khác làm bề trên tốt hơn.”
Không làm Giám Tỉnh, nhưng ngài cũng vẫn phải làm bề trên những tu viện lớn và đông anh em và quan trọng nhất của Tỉnh Dòng tại Sài Gòn và Hà Nội. Trong tư cách là bề dưới của ngài trong nhiều năm, không khi nào tôi cảm thấy ngài có ý thể hiện quyền của ngài trên các cá nhân hay trên cộng đoàn.
Tôi thấy ngài rất tôn trọng anh em dưới quyền, dù hầu hết đều là học trò của ngài. Là bề trên, nhưng khi ngài muốn điều gì thì thực ra là ngài đi xin bề dưới hơn là truyền lệnh cho bề dưới. Ngài cho người ta một cảm nhận đích thực rằng chức vụ để phục vụ chứ không phải là để cai trị, càng không phải để thống trị và thỏa mãn tham vọng của mình.
Ngài đối xử với những người cộng tác rất tế nhị. Nếu có sáng kiến mục vụ nào hay, thì ngài tìm lúc thích hợp để chia sẻ với các anh em và mời gọi anh em cộng tác. Nếu anh em thực hiện tốt, thì ngài khen ngợi; nếu không được như ý thì ngài cũng quảng đại chấp nhận và từ từ tìm giải pháp.
Ở Sài Gòn cũng như ở Hà Nội, khi làm Bề trên-Chính xứ ngài thường nói: tôi là bề trên nhưng thực ra tôi chẳng làm gì cả. Tất cả những thành quả tốt đẹp thực ra đều do anh em và quý ông bà anh chị em giáo dân thực hiện cả.
Ngài đối xử với các cộng tác viên rất nhân hậu và phải đạo. Lúc ở Hà Nội tôi thấy mỗi khi có thể được ngài thường đến thăm những gia đình những người phục vụ trong giáo xứ. Tu viện nhờ một xơ Dòng Mân Côi Trung Linh làm văn phòng giáo xứ. Thấy xơ làm việc tích cực, chu đáo, vượt mức yêu cầu, làm hài lòng mọi người, cho nên ngày tết ngài đích thân xuống chúc tết Dòng Mân Côi và ngài nói rằng “cám ơn Nhà Dòng đã cho tôi một cha phó xứ rất đắc lực”.

Một tu sĩ có tinh thần vâng phục

Dù là người rất có uy tín, nhưng ngài rất khiêm nhường, luôn tế nhị và mau mắn đón nhận ý muốn của các vị bề trên. Ngài không tìm ý riêng mình. Không tìm cách để thay đổi ý định của bề trên. Nếu bề trên có ý muốn việc này thì ngài cố gắng thực hiện. Nếu bề trên có ý không muốn việc kia, thì ngài mau mắn chấm dứt.
Ngài không muốn làm Bề trên-Chính xứ ở Sài Gòn, nhưng khi cha Giám Tỉnh Cao Đình Trị muốn, thì ngài chấp nhận. Thời gian đấy, ngài đặc biệt quan tâm phục vụ sinh viên, bởi vậy ngài dành cho sinh viên một phòng hội lớn tại lầu 1 của Nhà Hiệp Nhất B, các bạn coi đấy như là nhà của mình, là thế giới riêng của mình, có cả một hệ thống tủ sách riêng và tủ đựng đồ đoàn riêng của các bác. Các bạn có thể tổ chức sinh hoạt thường xuyên định kỳ ở đó. Ý là hàng tuần. Lâu lâu cũng có cuộc hội lớn. Nhất là khi những dịp sinh viên công giáo ở các thành phố hội lại với nhau. Có lần đến 500 sinh viên. Thời đầu thập niên 1990 mà tụ họp sinh viên như vậy là lớn lắm. Sau đó, sợ ảnh hưởng của phong trào sinh viên, nhà nước đã làm áp lực lên Tỉnh Dòng và lên Tòa Giám Mục. Mặc dù ngài chẳng e ngại áp lực của công an, nhưng vì lợi ích chung của toàn Giáo phận và Nhà Dòng, ngài đã tạm ngưng các cuộc tập hợp kia của sinh viên.
Cũng trong tinh thần tuân phục ấy, tôi biết điều này: mặc dù ông bà cố của ngài ở tại Hà Nội, nhưng ngài rất gắn bó với môi trường mục vụ ở Sài Gòn; ngài không muốn ra Hà Nội. Tuy nhiên, anh em muốn và Cha Giám Tỉnh cũng muốn, thế là ngài đã vâng lời làm Bề trên-Chính xứ Thái Hà vào những năm khó khăn nhất trong lịch sử của Tu viện này.

Một linh mục không đam mê tiền bạc và quảng đại giúp đỡ người nghèo

Ngài cũng không đam mê tiền bạc và quảng đại giúp đỡ mọi người. Có người quên mọi thứ nhưng tiền thì không quên. Ngài thì ngược lại, có thể nhớ mọi thứ nhưng tiền thì không. Tâm ngài không dính vào tiền. Sự thực là vậy.
Tôi nhớ hồi những năm trước 2008, biết ngài ra Hà Nội ăn tết với ông bà cố, thì cha Giám Tỉnh gửi ngài tiền mừng tuổi cho anh em nhà Hà Nội. Ấy vậy mà ngài cứ quên đi quên lại, có khi nhớ mang ra tới Hà Nội, nhưng rồi quên trao cho các anh em và vì thế lại mang vào Sài Gòn. Cứ thế vào ra cuối cùng đến giữa năm tiền mừng tuổi mới đến được chúng tôi.
Trước đó, hồi năm 1992, khi ngài bị tai nạn, ngài nhờ tôi và cha Phong vào dọn phòng. Tôi thấy trong túi quần áo cũ còn tiền từ đời nảo đời nào. Nhiều quyển sách bên trong còn cặp các phong bao lì xì chứa tiền Việt Nam Cộng Hòa. Tôi biết là ngài không để ý tới.
Nếu có tiền và nếu có nhớ tới, thì ngài thường chỉ dùng để mua sách và thường xuyên hơn là giúp đỡ người nghèo. Tại tu viện Kỳ Đồng, tôi thấy người nghèo bấm chuông tìm kiếm ngài nhiều nhất. Như thế ngài có bị lợi dụng và mắc lừa? Ngài nói rằng, thôi thì nếu người ta có thể lợi dụng được mình một tý thì cứ để cho người ta lợi dụng! Người ta chẳng biết chạy đến đâu nữa mới chạy đến mình. Thà rằng mình bị mắc lừa còn hơn là linh mục mà đẻ người ta thấy mình thiếu tình thương.
Cũng tinh thần ấy, lúc ngài làm bề trên ở Hà Nội, có những người nghèo từ xa về Thái Hà hành hương, ngài thường giúp đỡ họ. Có lần tôi gặp một nhóm rất đáng thương, tôi trình bày với ngài là nên nói cha quản lý của tu viện giúp đỡ, thì ngài bảo rằng: “Thôi, tớ có tiền, để tớ đi lấy đưa cho cậu giúp họ. Khỏi dùng tiền của cộng đoàn.”

Một nhà rao giảng bằng ngòi bút

Là một linh mục dấn thân, chứ không phải một quan chức văn phòng, cho nên ngài gắn bó với cuộc sống thường ngày của người dân, của Giáo Hội và Đất Nước.
Ngài quan niệm rằng linh mục thời nay một tay phải mang sách Phúc âm và tay kia là tờ báo. Có nghĩa rằng Tin mừng phải gắn liền với cuộc sống hiện tại ở đây và lúc này. Ngài giảng cho chúng tôi như vậy. Trong ý thức đấy, ngài không chỉ thích đọc báo, mà hơn thế còn thích làm báo. Bởi thế, từ hơn 50 năm trước, cho đến cách đây khoảng 1 năm, trong khi sức khỏe còn cho phép, ngài thường xuyên viết bài cho các báo công giáo trong ngoài nước.
Ngài là người có sức viết dồi dào hiếm thấy. Ngài viết về những con người khác nhau, về các sự kiện khác nhau và về các vấn đề khác nhau tùy theo tình hình Giáo Hội và xã hội ở từng thời điểm. Ngài viết rất hay, rất thời sự, văn chương rất mượt mà, súc tích. Vốn có óc trào phúng, ngài chỉ ra những khía cạnh thú vị, đọc ra được những ý nghĩa sâu xa của sự việc, hiện tượng mà người khác vốn thấy là bình thường.
Ngoài ra ngài cũng tham gia trả lời phỏng vấn của các hãng thông tấn, các đài báo quốc tế. Nhiều bài viết và bài phỏng vấn liên quan đến tình hình Việt Nam còn được còn được các báo tây đăng lại và còn thấy trong danh mục của các tuyển tập kê khai tư liệu liên quan đến Việt Nam.
Ngài không thờ ơ với con người và ngài quan niệm rằng báo chí là một phương thế rao giảng Tin mừng. Tòa giảng và hay tòa báo đều là nơi thi hành sứ vụ. Viết báo là một cách đưa đạo vào đời, một cách ngài đối thoại với môi trường mình rao giảng. Việc đối thoại ấy diễn ra liên lỉ ở mọi nơi ngài có mặt trong mọi thời điểm.
Các đấng bề trên trong Dòng cũng biết ngài có năng lực báo chí và có quan niệm đúng đắn về truyền thông, cho nên ngay khi ngài vừa thụ phong linh mục, ngài đã được bổ nhiệm làm Thư ký Tòa soạn và Chủ bút của Báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Rồi gần 10 năm vừa qua, gắn liền với các sự kiện ở Thái Hà và Kỳ Đồng, cũng là thời gian ngài được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Truyền Thông của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế.

Một chiến sĩ tích cực dấn thân mưu tìm công lý, sự thật và hòa bình

Những gì ngài nói, những gì ngài viết, những gì ngài làm, những gì diễn ra ở DCCT Thái Hà, Hà Nội và DCCT Kỳ Đồng, Sài Gòn trong những năm qua, là những bằng chứng nói cho chúng ta biết ngài đã dấn thân thế nào trong lãnh vực công lý, sự thật và hòa bình.
Lúc này tôi chỉ muốn nói thêm rằng: theo tôi được biết, thì ngài là một trong những người sớm gửi thư kiến nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam mạnh dạn thành lập Ủy Ban Công lý và Hòa bình.
Ngài là một trong những anh em tích cực nhất và có vai trò quan trọng nhất của DCCT Việt Nam trong việc dấn thân cho công lý, sự thật và hòa bình.
Ngài đã sẵn lòng đảm nhiệm vai trò Bề trên-Chính xứ Thái Hà ở vào một trong những thời điểm mà ngài biết là đang gặp khó khăn, thử thách, nguy hiếm nhất trong lịch sử gần 90 năm hiện diện của tu viện này.
Ngài đã không thỏa hiệp trước những đề nghị của nhà cầm quyền để mưu tìm lợi ích riêng cho DCCT của mình. Trái lại, ngài hiệp nhất chặt chẽ với Tổng giáo phận Hà Nội, chấp nhận đồng sinh đồng tử với giáo dân, giáo sĩ và giáo quyền. Chấp nhận bằng hành động cụ thể chứ không phải bằng lời nói.
Yêu cầu của ngài về công lý, sự thật và hòa bình rất cao. Trong tư tưởng cũng như trên thực tế hành động. Liên quan đến điều này, tôi thấy rằng trong tổng thể cũng như trong từng phương diện, thường thì ý của ngài là 10 phần, thì chúng tôi cố gắng hết sức cũng chỉ thực hiện được khoảng 5 hay 6 phần.
Ngài chủ trương dấn thân mưu tìm CÔNG LÝ, SỰ THẬT VÀ HÒA BÌNH, là bởi vì ngài xác tín rằng cái gốc rễ của của những đổ vỡ và rối loạn về mọi phương diện hiện nay trong xã hội Việt Nam đều phát xuất từ BẤT CÔNG-DỐI TRÁ VÀ BẠO LỰC do chế độ đã và đang thi hành.
Đêm chúa nhật 20 rạng ngày 21 tháng 9 năm 2008, khi nhà cầm quyền huy động những thành phần bất hảo đến bao vây tu viện Thái Hà, phá phách Đền thánh Giêrađô và hô hoán đòi giết ngài, ngài vẫn không nao núng, sợ hãi. Thậm chí hôm sau, trong thánh lễ Mátthêu, lễ bổn mạng ngài, tại nhà thờ, ngài còn có thể ca hát và có những lời hài hước khiến cộng đoàn cười nghiêng ngả, đủ biết niềm tin, tình yêu và niềm hy vọng của ngài lớn lao thế nào.
Còn những điều khác liên quan đến ngài trong lĩnh vực này, dần dần lịch sử sẽ làm sáng tỏ.

Image result for Cha Vũ Khởi Phụng dẫn Đức cha Ngô Quang Kiệt

Hình 2: Cha Vũ Khởi Phụng dẫn Đức cha Ngô Quang Kiệt và Nguyễn Văn Đệ đi thăm gia đình trong giáo xứ Thái Hà có người bị bắt trong khi tham gia làm chứng cho công lý và sự thật năm 2008.

Một nhà thừa sai trong lãnh vực văn hóa và nghệ thuật

Ngài cũng thừa hưởng ít nhiều năng khiếu nghệ thuật của ông bà cố. Những năm tôi ở Sài Gòn, nhất là thời điểm 1989-1992, khi ngài chưa bị tại nạn gãy chân, hầu như tuần nào ngài cũng rủ tôi đạp xe[3] cùng ngài, lang thang đến các phòng triển lãm tranh ở đường Pasteur và đường Đồng Khởi, hoặc các bảo tàng, các nhà văn hóa, các danh lam thắng cảnh ở nội ngoại thành để thưởng thức những giá trị văn hóa nghệ thuật. Đôi khi có phim hay trình chiếu ở đâu đó thì ngài cũng kêu tôi đi xem cùng, tôi thấy thường là ở Trung tâm Văn hóa Pháp, vì có những phim nơi khác cấm ở đấy vẫn có thể chiếu. Nếu ngài bận việc, thì ngài nói tôi đi xem rồi về thuật lại.
Nhưng nơi mà ngài thường lui tới nhất là các nhà sách và các điểm bán sách báo ngoại ngữ của du khách Tây phương mang theo đọc xong rồi bỏ lại, hay bán lại[4]. Ngài đi xem sách cốt yếu để biết. Dù vậy thấy sách nào cần thiết, sách nào có giá trị và giá cả trong mức độ chấp nhận được thì ngài cũng mua. Tôi biết ngài sưu tập được một ít tạp chí Đô thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue) và Nam Phong Tạp chí. Cả hai thứ quý này hy vọng là vẫn còn lại trong phòng ngài ở Sài Gòn.
Ngài cũng rất quan tâm đến văn chương kim cổ của thế giới và của Việt Nam. Ngài thường tìm đọc những tác phẩm văn chương đoạt giải Nobel hoặc đoạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam. Thời sự văn chương Việt Nam hay dở thế nào thì ngài nắm bắt khá kịp thời. Ngài coi văn chương không những là phương tiện giải trí, mà còn là một cách thức để ngài tiếp cận thực tại xã hội, gợi ý cho ngài trong việc rao giảng và hơn nữa còn là một phương tiện hiệu quả để truyền bá Tin mừng.
Ngài rất quan tâm đến mảng văn thơ công giáo Việt Nam. Ngài cổ vũ những ai có khả năng tham gia sáng tác văn học công giáo. Những năm ở Hà Nội tôi thấy ngài cũng rất quý trọng nhà văn Nguyễn Hoàng Đức[5]. Có lần chiều mùng một tết, trong lúc mọi người về quê với gia đình, tu viện cũng vắng vẻ hơn ngài thường, cha Vũ Khởi Phụng bảo tôi kêu anh Nguyễn Hoàng Đức đến Nhà Dòng cùng ngài và tôi đi ăn chiều và bàn chuyện văn thơ, triết học.
Năm rồi, sau một cuộc tĩnh tâm Cursillo, tôi có dịp hàn huyên với cha Nguyễn Tầm Thường, một văn sĩ công giáo được yêu thích, tôi hỏi con đường nào dẫn ngài đến nghiệp văn chương, thì ngài cho biết: trước 1975, lúc ngài đang làm chủng sinh ở Long Xuyên, thì ngài bắt đầu tập làm thơ, viết văn rồi gửi cho báo Tuổi Hoa và báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Khi nhận được, cha Vũ Khởi Phụng đã viết thư cho ngài, đánh giá rất tốt các bài viết của ngài và đã khuyên ngài tiếp tục sáng tác. Từ đó ngài tự tin vào ơn gọi văn chương và ngài theo nó đến bây giờ.
Ngài cách đích thân tổ chức các buổi giới thiệu các tác giả và tác phẩm công giáo. Có khi ít thì 5, 3 người. có khi nhiều cũng được 20, 30 người. Tôi nhớ hai lần cuối ngài tổ chức mà tôi có tham dự, thì một lần giới thiệu về tác giả và tác phẩm của nhà thơ Đình Bảng, lần còn lại giới thiệu về nhà thơ nào đó mà nay tôi quên đã quên tên; tôi chỉ còn nhớ là anh còn đang sống, đang bị bệnh phong như Hàn Mặc Tử và là người đã viết tiếp vở kịch thơ Quần Tiên Hội của Hàn Mặc Tử.
Cha Mátthêu quan niệm rằng đức tin của người Công giáo Việt Nam chưa diễn tả được thành thơ thì đức tin chưa thực sự bén rễ sâu xa để sinh hoa kết quả tốt đẹp trong lòng dân tộc Việt Nam này.
Theo tinh thần đó, bản thân ngài thỉnh thoảng cũng làm thơ, nhân dịp có sự kiện vui buồn gì đó. Chẳng hạn năm 1992, khi đang đạp xe lên Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp giảng tĩnh tâm, đến chỗ sân gôn Gia Định, chỗ gần ngã ba Chú Ía, thì ngài bị cái xe benz đụng gẫy chân. Cha già Jean Thính, người rất mến mộ ngài, đã gửi tặng ngài mấy câu thơ con cóc rằng:
Vũ Khởi Tiên Sinh bị gãy giò
Thế mà phải nói số còn to.
Vụ xe cán nghiến ghê rung rợn.
Hậu quả thông thường: ngủ hũ tro

Cóc Đại Cồ Việt
Và ngài đã họa lại rằng:
Mở mắt thì ra chỉ gãy giò.
Tưởng về với Chúa kiếm lời to.
Thiên đình khó tính chưa cho nhập.
Thôi thế xin từ biệt hũ tro.

Mười mấy năm nay dường như không thấy ngài làm thơ nữa. Tôi hỏi tại sao, ngài bảo từ hồi cụ Jean Thính mất, ngài cũng không còn hứng làm thơ nữa.
Nhưng ca hát và sáng tác thánh ca thì ngài vẫn tiếp tục. Ngài thừa hưởng năng khiếu âm nhạc của bà cố; hơn nữa trong Nhà Dòng, ngài được các cha Canada đào tạo âm nhạc rất bài bản về âm nhạc như các anh em cùng thế hệ như Thành Tâm, Sĩ Tín, Hoàng Đức, Tiến Lộc.
Năm 1994, khi Đức cha Hoàng Văn Tiệm gặp tôi ở Nhà thờ Fatima Bình Triệu, ngài nói: “Ông còn trẻ mới vào tu nên không biết. DCCT các ông trước ở Đà Lạt quậy lắm. Các thầy mặc âu phục hát nhạc vào đời nên bị “đào” vời ra sạch cả! Tai tiếng lắm!”.
May mà tôi biết chuyện nên có thể giải thích cho Đức Cha. Vì trước đó có lần cha Phụng đã kể cho tôi biết rằng thực ra thời đấy thế hệ ngài cũng có nhiều anh em bỏ tu. Nhưng anh em về vì những chuyện khác chứ không phải vì hát nhạc vào đời. Thành viên của ban nhạc Alleluia hát nhạc vào đời vẫn còn nguyên cả đấy: Vũ Khởi Phụng, Thành Tâm, Trần Sĩ Tín, Nguyễn Đức Mầu, Trần Ứng Tường, Tiến Lộc, Trần Văn Quang, Lê Vĩnh Thủy. etc. Những thành viên Ban Alleluia còn tu và còn sống cả và phần nhiều đều đàn hát và sáng tác được cả.
Cha Vũ Khởi Phụng có giọng tenore rất hay và rất sang. Mỗi khi ngài, cùng quý cha Tiến Lộc, Trần Sĩ Tín, Cao Đình Trị, Thành Tâm cùng đồng ca thì ai nghe cũng thấy cảm động. Một trong những lần trình diễn hay nhất mà tôi ghi nhớ trong ký ức là dịp các ngài hát với cha Labonté, thầy cũ của các ngài từ Canada sang Việt Nam năm 1994.
Ngài thích hát và thích khuyến khích người khác hát thánh ca. Vì vậy, trong những năm khó khăn sau 1975 ngài đã làm linh hướng cho Ca đoàn Trùng Dương, thường gọi là ca đoàn lang thang. Thỉnh thoảng ngài lại mời ca đoàn này trình diễn theo kiểu hát cho nhau nghe theo một chủ đề gì đó, hoặc trong cuộc hội ngộ nào đó; có khi chỉ để cùng nhau suy niệm và cầu nguyện bằng thánh ca nhân Mùa Vọng hoặc Mùa Chay.
Ngài cũng có khả năng sáng tác âm nhạc. Nếu ngài theo chí hướng âm nhạc thì ngài cũng có thể thành ca sĩ, nhạc sĩ như một số người khác. Nhưng không! Ngài biết đâu là sứ vụ chính của ngài. Ngài không sống chết với âm nhạc. Đam mê của ngài không phải là âm nhạc. Đam mê của ngài là người nghèo và phục vụ người nghèo. Ngài chủ yếu coi âm nhạc như là một phương thế rao giảng Tin mừng.
Vì nhu cầu rao giảng, trong từng hoàn cảnh ngài đã cùng anh em trong Dòng ngẫu hứng sáng tác nhiều bài hát. Những bài hát ngài sáng tác, thường lấy ý tưởng từ Kinh thánh và từ hiện thực cuộc sống, có lời ca rất súc tích, duyên dáng, lại thấm đẫm chất thơ, thấm đậm tình tự của ngài đối với Chúa, đối với người nghèo, đối với Giáo Hội và Quê Hương. Thí dụ bài Tin vui cho bạn nghèo, một trong những bài hát mà mỗi lần hát hay nghe người khác hát, tôi cảm động phát khóc lên được:
TK.1: Ngài sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó; ngài sai tôi loan Tin mừng ơn cứu độ chứa chan nơi người.
TK.2: Ngày đi xuân tươi hoa cỏ, với bao nỗi niềm thân thương, đường xa nên duyên nên nợ, bao nhiêu người vấn vương vui buồn. TK 3: Nhiều phen ngang qua gian khổ, xin mang theo làm hành trang, trời khuya muôn sao đua nở, dõi bóng người đớn đau băng ngàn.
TK 4: Gặp anh em tôi bé nhỏ. Xót thương phận bèo lênh đênh. Rồi nghe miên man tâm sự, những mối tình nước non quê mình.
ĐK: Bạn nghèo, bạn nghèo, hãy sống ước ao. Bạn nghèo, bạn nghèo hãy sống khát khao Nước Trời. Bạn nghèo, bạn nghèo, có Đức Kitô. Bạn nghèo, bạn nghèo được phúc đầy no ơn trời.

Lời bài hát đấy tiêu biểu cho phong cách sống của ngài, tiêu biểu cho phong cách mục vụ của ngài, và có thể nói rằng tiêu biểu cho chính cuộc đời của ngài.
Và đây bài hát này, có lẽ ít nhiều là tâm tình của ngài hôm nay, khi ngài vừa nằm xuống:
Trên đường về nhà Cha, từng lớp người đi tới. Có muôn dân thế giới, cùng hát một bài ca. Trên đường về nhà Cha, người đông đoài nam bắc. Mang hoa thơm cỏ lạ của rừng sâu đảo xa.
1. Cánh tay Cha chờ đợi luôn đón mời. Lòng bao dung mở ra trời đất mới. Là biển khơi gội sạch mọi tội lỗi. Như nhắn lời mau về đây với tình Cha.
2. Lữ khách bao ngày dài đã khát khô. Nặng âu lo vì thất bại đây đó. Đường mưa gió gập ghềnh nhiều gian khó. Nay đã về vui mừng gặp gỡ lại Cha.

Image result for Hình Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, cha Vũ Khởi Phụng

Hình Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, cha Vũ Khởi Phụng và các cha DCCT Hà Nội cùng một số cộng tác viên tại Tòa Giám Mục Hà Nội năm 2008.

Tôi kể đã dài, mà chưa hết chuyện ngài.
Tuy nhiên, một cách vắn tắt có thể nói thế này về ngài: Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng là người thông minh và hiểu biết; là linh mục hiền lành, thánh thiện, có chiều sâu tâm linh và có khả năng hướng dẫn người khác; là người không ham mê quyền lực, không đam mê tiền bạc và luôn sẵn lòng tuân theo sự hướng dẫn của các bề trên. Không bao giờ có ai có thể chê trách ngài điều gì liên quan đến những phương diện căn bản của đời tu là đời sống độc thân, khó nghèo và tuân phục.
Đối với tha nhân, ngài có lòng bác ái lớn lao, luôn tôn trọng mọi người, lắng nghe và tỏ lòng cảm thông với mọi người và tận tình giúp đỡ mọi người về vật chất và tinh thần trong khả năng của mình. Vì vậy, ngài được mọi người chung quanh yêu mến và kính trọng.

Ngài sống hiền hòa, nhưng vì con người và vì hạnh phúc của con người, ngài luôn thao thức đến các vấn đề của Giáo Hội, của Dân Tộc và của Đất Nước, bởi vây không bao giờ khoan nhượng với những bất công, dối trá và bạo lực của các cá nhân hay của chế độ. Vì thế, cùng những người khác ngài sẵng sàng xả thân mưu tìm CÔNG LÝ, SỰ THẬT VÀ HÒA BÌNH, nhằm mang lại hạnh phúc cho người dân, sự thịnh vượng cho Giáo Hội và cho Đất Nước.
Một cách ngắn gọn, có thể nói rằng đối với Nhà Dòng, với Giáo Hội, với Dân Tộc và Đất Nước, ngài cũng đã yêu mến hết tình và phục vụ hết mình. Phục vụ bằng lời cầu nguyện, bằng tấm lòng chia sẻ, bằng khả năng giảng dạy của mình, bằng năng khiếu viết văn, làm thơ và sáng tác thánh ca. Ngài là một tu sĩ chân chính Dòng Chúa Cứu Thế, một linh mục thánh thiên của Giáo Hội, một mục tử đích thực như lòng Chúa mong muốn, một công dân sống có trách nhiệm nhất đối với Dân Tộc và đất nước Việt Nam đầy đau thương và bất hạnh này./.

Tu viện Thánh Gioacchino Roma, ngày 3 tháng 4 năm 2016
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
________________________________________

[1] Cha Giuse Vũ Ngọc Bích, DCCT, người sống sót ở Hà Nội là em của bà tôi, lúc ấy tuổi già mắt kém, không còn tự mình đọc sách, viết thư từ được.
[2] Cách gọi của cha Già Bích. Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng lúc đấy ngài đang là cố vấn của Tỉnh Dòng lại phụ trách Dự tập.
[3] Đạp xe lóc cóc từ nhà sang Phú Lâm, hay sang Thủ Đức hay xa hơn đối với cha Vũ Khởi Phụng là chuyện thường. Chưa bao giờ thấy ngài có xe máy và đi xe máy.
[4] Ở Sài Gòn, tôi không thấy ai mê sách hơn cha Phụng và không ai mê đồ cổ hơn cha Nguyễn Hữu Triết. Chỉ có một khác biệt này nơi hai vị đáng kính: Cha Phụng thấy sách, mê sách nhưng không biết làm sao để sách đẻ ra sách; trong khi cha Triết thấy đồ cổ, mê đồ cổ và biết cách làm sao để đồ cổ đẻ ra đồ cổ. Tuy nhiên, cả hai lối ứng xử ấy của hai vị đều đáng phục và đều rất tốt đẹp. Cả hai đều sống giản dị, nghèo khó và đều cố công tìm cách bảo tồn và phát triển những di sản văn hóa và đức tin.
[5] Nguyễn Hoàng Đức, nguyên là công an cộng sản, được ĐHY Nguyễn văn Thuận cảm hóa, anh đã bỏ nghề công an, chấp nhận sống nghèo và sống trong cô đơn, cô độc để theo Chúa, nghiên cứu Kinh Thánh, thần học và sáng tác thơ văn công giáo. Anh đã được cha Nguyễn Xuân Thủy ở nhà thờ lớn rửa tội. Dịp kết thúc cấp giáo phận án phong chân phúc ĐHY Thuận, anh được mời sang Roma tham dự và làm chứng nhân, nhưng giờ cuối anh bị nhà cầm quyền cộng sản cấm xuất cảnh.

Theo Dòng Sự Kiện: