(Trích bài viết Trần Quốc Bảo trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 164 phát hành ngày 30 tháng 3 năm 2018)
Ảnh lưu niệm Nhạc sĩ Thăng Long (phải) và Trần Quốc Bảo trước cửa quán 26 Đồn Đất chụp tháng 3 năm 1995.
Tháng 11 năm 1993, lần đầu tiên tôi về thăm lại Saigon. Những ngày đầu đó, bao nhiêu thì giờ, người viết dành hết cho gia đình và bè bạn. Mãi đến tháng 3 năm 1995, tôi mới có dịp hội ngộ những khuôn mặt nhạc sĩ Saigon trước 75 tại quán nhà số 26 đường Đồn Đất… Kể từ đó, địa điểm này là nơi gặp gỡ thường xuyên mọi người mỗi khi tôi về thăm quê nhà.
Lúc đầu, tổ chức họp mặt ngay phòng dưới, về sau số lượng nhạc sĩ đến mỗi lúc mỗi đông. Tuy mọi người chỉ nói chuyện thuần túy về văn nghệ, không có “chính chị, chính em”, nhưng chủ quán “Khánh Cô Nương (chị ruột ca sĩ Duy Thanh) cũng bắt đầu e dè công an dòm ngó, vì vậy những buổi họp mặt sau này cả nhóm quyết định kéo hết lên lầu dù trên ấy ngồi rất nóng. Buổi tiệc nào cũng có đầy đủ mọi người với Thanh Sơn, Châu Kỳ, Mặc Thế Nhân, Hoàng Trang, Ngọc Sơn, Khánh Băng, Đynh Trầm Ca, Hoài Nam, Hàn Châu, Quốc Dũng, Lê Hựu Hà, Dzoãn Bình, Tô Thanh Tùng, Bảo Thu, Y Vũ, Hồng Vân (Trần Quý), Đài Phương Trang, Vinh Sử… Lâu lâu có thêm danh hài Phi Thoàn, Tâm Anh, Lê Duyên, Nguyễn Hữu Thiết, Nguyễn Ánh 9, Phùng Trọng… Tổ chức trên lầu, tuy kín đáo, nhưng thương nhất là hình ảnh nhạc sĩ Trúc Phương. Ông bị bịnh suyển, ra vô nhà thương triền miên, mỗi khi có tiệc, Ông phải đi lên một cầu thang cao và hẹp, mặt tái xanh không còn chút máu. Nhạc sĩ Khánh Băng mắt bị lòa, đi đâu cũng có một người em tên Thịnh giúp chở, đôi khi Ông đi cùng với Tám Bến Tre một nhạc sĩ trẻ tài hoa và có lòng. Riêng có một người lúc nào cũng mồ hôi mồ kê đến trễ, đó là nhạc sĩ Thăng Long, nhân vật chính của bài viết kỳ này.
Mỗi khi Ông Thăng Long đến, người ông mồ hôi luôn đổ ra như tắm. Mười lần, đến trễ đủ mười. Hỏi ra, mới biết Ông có hẹn đi sửa dù dạo cho khách quen ở một nơi rất xa, phương tiện duy nhất là xe đạp. Nhiều buổi đạp xe ì ạch trên nửa tiếng đồng hồ mới tới nơi họ cần. Có ngày trời mưa nằm nhà, thế là đói… Vì thế dù có tiệc, Ông cũng phải lo kiếm cơm trước, không đi đúng hẹn kể như mất mối lần sau. Người viết hỏi Ông nghề này bây giờ còn nhiều khách không? Nhạc sĩ Thăng Long than thở, bây giờ kinh tế có vẻ khá hơn xưa, nhiều người hư dù mua ngay dù mới, khách càng ngày càng cạn… Nghề đánh giầy thì còn gặp dân sang, thỉnh thoảng được “bo”, chứ còn sửa dù cho dân nghèo, hôm nào không kỳ kèo giá là ngày ấy phước lớn.
Tôi luôn nhớ hình ảnh Ông ngồi trong bàn tiệc khác hẳn nhiều người. Các nhạc sĩ mỗi người mỗi nét. Châu Kỳ có rượu vào là lớn tiếng. Các anh Thanh Sơn, Mặc Thế Nhân, Bảo Thu ra ngoài nhiều, biết rõ nhiều điều, nên kể bất cứ chuyện gì, người ngồi nghe say sưa thưởng thức. Ngọc Sơn, tác giả Hoang Vu, 100 Phần Trăm, nói chuyện luôn từ tốn nhẹ nhàng. Quốc Dũng, Hoàng Trang.. ít nói mà đôi mắt luôn cười. Chỉ có nhạc sĩ Thăng Long, ngồi thật yên lặng, đôi mắt buồn xa xăm vương đầy u uẩn. Hình như đã lâu lắm rồi, Ông mới có dịp gặp lại những người đồng nghiệp cũ, những người đã sinh hoạt cùng với Ông những ngày một thời vang bóng… Có lẽ trong phút giây đó, biết bao kỷ niệm xưa ùa về như giông bão, và vì thế chăng, đôi mắt Ông cả buổi rưng rưng giữa lúc tiệc vui đang ồn ào náo nhiệt.
Tháng 9 năm 1995, ca sĩ Bích Ly của ban CBC và Diamond Bích Ngọc nhờ người viết chuyển giao mỗi người 50 đô biếu nhạc sĩ Thăng Long. Nhân dịp tôi có chuyến về thăm quê hương, nhủ thầm trong lòng sẽ tự tìm đến nhà Ông để thăm. Loay hoay công việc ở Saigon, quay đi quay lại đã đến ngày về lại Mỹ. Ngày lên xe tìm nhà nhạc sĩ Thăng Long cũng là lúc chỉ còn vài tiếng nữa là phải ra phi trường Tân Sơn Nhất về lại Hoa Kỳ. Cầm trên tay địa chỉ 91/33 Đinh Tiên Hoàng, phường 3, Quận Bình Thạnh, tôi và nhạc sĩ Trần Thái Học không nghĩ là mình sẽ qua mấy chục cái “sẹt” (sur) để vào được tới cửa nhà Ông.
Đi tìm nhà, nhằm mùa mưa, nên khi đến cái hẻm thứ ba thì nước đã ngập lên hơn mắt cá chân. Nhờ những người hàng xóm tốt bụng chỉ dẫn, chúng tôi rồi cũng tìm ra được nơi Ông cư ngụ. Lách vào cái ngõ hẹp cuối cùng chỉ vừa vặn cho một người đi, chúng tôi nhìn thấy được nơi ông ở. Đó là một gian phòng ọp ẹp chật chội, còn đúng vài bước chân nữa là tới một rạch nước dơ đầy bùn hôi đen ngòm. Hôm đó là 11 giờ sáng, hàng xóm bảo Ông đi sửa dù dạo ngoài đường chưa về. Tôi nói với Trần Thái Học ráng chờ Ông thêm 1 tiếng nữa xem sao… Từ ngoài nhìn vào cửa sổ nhà, gian phòng nghèo nàn chỉ có vỏn vẹn một tủ thờ, một tủ đứng, một giường ngủ, một bàn ăn và vài cái ghế, một đồng hồ treo tường, một cây guitar máng trên vách… Hình như tất cả những món đó cùng với chiếc xe đạp Ông đi là toàn bộ gia tài có được của một nhạc sĩ nổi tiếng Việt Nam.
May sao, chờ khoảng 45 phút, Ông từ đâu đạp xe về nhà. Nhìn thấy hai chúng tôi, Ông không tin vào mắt của mình vì từ lâu chỗ ở của Ông Ông nào có ai bước đến. Bình thường Ông đi đến tối mới về nhưng hôm nay đem đồ nghề bị thiếu phải quay về nhà rồi lại đạp xe đi tiếp kẻo khách chờ. Tôi và Học chỉ kịp chụp cho Ông vài bức ảnh sau khi giao lại 100$, tổng cộng số tiền của ca sĩ Bích Ly và Diamond Bích Ngọc gửi biếu Ông. Và tấm hình bìa số này là bức ảnh chúng tôi đã chụp nhạc sĩ Thăng Long trong ngày hôm đó, ngày 30 tháng 9 năm 1995.
Khi về lại Mỹ, tôi có tường thuật chuyện này trên tạp chí Thế Giới Nghệ Sĩ, Và ở đoạn kết, tôi nhớ mình đã viết: “Xin một mơ ước nhỏ, mọi người hãy cho nhau sự công bình. Sự công bình hoàn toàn khác với sự xin xỏ phiền hà. Nếu Trung Tâm băng nhạc, Video nào đã ít nhất có một lần xử dụng nhạc của họ, xin hãy tôn trọng công lao của người sáng tạo ra những ca khúc đó. Đoạn này có thể làm buồn lòng một số những thân hữu, ca nhạc sĩ, chủ trung tâm… những người đã và đang đăng quảng cáo trong tờ báo này, xin quý vị cảm thông cho tôi. Một lần nào đó, nếu bạn đích thân đối diện trước những đời sống khó khăn của các nhạc sĩ Thăng Long, Hoài Nam, Lê Thương, Dzoãn Bình, Khánh Băng… và mới nhất là Trúc Phương, Văn Cao, Hoài Linh… những nhạc sĩ đã nằm xuống trong tận cùng khốn khó thì các bạn sẽ thấy mình đã xử sự bất công với những người vừa nêu như thế nào?
Một lá thư thăm hỏi. Một chút quà tình nghĩa. Có thể không là gì lớn lao về ý nghĩa vật chất nhưng chắc chắn nó sẽ là những mặt trời ấm áp vô cùng cần thiết cho tinh thần và cho cả vườn hoa âm nhạc Việt Nam hiện nay”.
Nhân ngày giỗ năm thứ mười (30/3/2008), xin viết bài này để tưởng nhớ đến nhạc sĩ Thăng Long, tác giả của nhiều bài hát quen thuộc như Quen nhau trên đường về, Mưa khuya, Nói với người tình… Tuần qua, bầu trời Cali cả năm không mưa bỗng đâu đổ cơn giông bão mây đen xám xịt mấy ngày… Trong lúc tiếng mưa buồn tênh nhỏ giọt, người viết chợt nghe đâu đó vọng lại những lời nhạc mà Ông đã viết trong ca khúc Mưa Khuya:
Mưa ơi! này mưa có phải mưa thương nhớ ai?
Có phải mưa than khóc ai?
Mang kiếp tha hương bao năm giang hồ.
Không biết bây giờ anh ở nơi đâu…
Nhớ về Ông, người nhạc sĩ với đôi mắt thật buồn. Đôi mắt rưng rưng thật nhiều u uẩn giữa buổi tiệc vui ồn ào 23 năm trước.