Các văn nghệ sĩ của chúng ta ở miền Nam trước 1975 tính cho đến nay đã mất đi khá nhiều. Số người còn sống ít hơn số đã mất, và trong số những người còn lại ta nhận thấy ông Hoàng Hải Thủy là người duy nhất cho đến nay vẫn viết một cách đều đặn dù ông đã 88 tuổi và có cuộc sống thủy chung bên vợ khi bà còn tại thế. Nhắc đến Hoàng hải Thủy người ta nhớ ngay đến tác phẩm Kiều Giang, Đỉnh gió hú, Ngoài cửa thiên đàng, ông phóng tác hấp dẫn hơn bản gốc, những tác phẩm phóng tác của ông tứ 1954 đến 1975 ăn khách chỉ sau truyện Kiếm hiệp của Kim Dung.
Đứng về mặt văn chương có thể nói khả năng văn chương của ông rất phong phú. Ông nghĩ ra tên Kiều Giang để làm tựa một quyển sách bán chạy nhất. Ra hải ngoại, nhiều người cũng ở tiểu bang Virginia và cũng sáng tác ở đó (nhà báo Tạ quang Khôi) nhưng chỉ có Hoàng Hải Thủy đặt cho Virginia cái tên “Rừng Phong” vì nơi đây có nhiều cây Phong (Maples) mùa thu lá đổi màu rất đẹp, nghe lên là thấy cả một rừng thu, đẹp, thơ mộng khiến ta chạnh nhớ cảnh chia tay của Thúy Kiều và Thúc Sinh trong truyện Kiều của Nguyễn Du :
Người lên ngựa, kẻ chia bào Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san …..
Vầng trăng ai xẻ làm đôi Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Ngoài tài phóng tác ông còn viết phóng sự, phiếm luận với giọng văn pha trộn nửa trào phúng, nửa thật khiến người ta có cảm tưởng mọi sự trên đời hình như lúc nào cũng có hai mặt, một mặt bi thương và một hài hước. Khen ông ngàn lời cũng chưa đủ, chỉ biết cầu chúc ông sống thêm 10 năm nữa để cho đời vui hơn.
Tại Saigon, thập niên 60 và 70 ngoài nhà văn Hoàng hải Thủy có tài phóng tác, giới yêu thích sách dịch không ai không biết đến Ngọc thứ Lang (Nguyễn ngọc Tú) ông dịch cuốn BỐ GIÀ (The Godfather của Mario Puzo) hay hơn bản gốc. Nếu như nghĩa chính của “Godfather” là “cha đỡ đầu” thì Ngọc Thứ Lang dịch là “Bố Già”.
Danh từ này đã đi vào đời sống ngôn ngữ của người Saigon để chỉ những người có quyền lực trong Xã hội đương thời, giới anh chị giang hồ ở Sài Gòn thập niên 1970 . Ngọc Thứ Lang đã Việt hóa siêu đẳng bản dịch The Godfather. Ông không bám từng chữ, từng câu mà lại đảo lộn, có khi cả đoạn, để diễn đạt theo suy nghĩ của độc giả Việt Nam. So sánh bản dịch với nguyên tắc, có thể thấy bản dịch đọc thích hơn bản gốc của Mario Puzo.
Ngọc Thứ Lang còn chế ra nhiều từ mà sau này đã đi thẳng ra xã hội để trở thành câu nói cửa miệng dân chơi lẫn dân nhà lành như:Ông Trùm, bà Trùm, Lót khói (hút thuốc), Trải đệm (chuẩn bị đánh nhau) nghe thật hay. Và cũng chữ: Ông Trùm, các thành viên trong gia đình Don Vito Corleone nói chuyện với nhau thì nó lại được dịch là “Ông Già”.
Ông Già dạy con: “Sonny, mày phải biết rằng, một trăm thằng ăn cướp có súng cũng không bằng một thằng Luật sư ôm Cạp táp “. Dịch giả Ngọc thứ Lang mất sau năm 75 vì xa ả Phù Dung, một tinh cầu giá lạnh bay vào hư không.
Hai nền Cộng Hòa của miền nam tồn tại được 21 năm nhưng đã để lại một kho tàng Văn chương học thuật thật đồ sộ dù trải qua biết bao biến cố điêu linh.
Mong rằng đám trẻ ngày nay ở trong nước cũng như ở Hải ngoại biết trân quý những tác phẩm giá trị đã một thời thu hút 17 triệu đồng bào miền nam VN : Cảo thơm lần giở trước đèn Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh (Nguyễn Du, Kiều) Đại ý: Người xưa gọi sách là cảo thơm nghĩa là pho sách thơm, pho sách hay. Nghe kể, những nhà quyền quý, nho phong cứ mỗi lần đọc sách là đốt hương trầm thơm ngát cả thư phòng.
Nhà văn Hoàng Hải Thủy là một cây đại cổ thụ trong khu rừng văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam, suốt từ chế độ Việt Nam Cộng Hoà cho đến tận ngày nay. Ông viết liên tục từ năm 1951 cho đến tận 2017 (66 năm) ông viết nhiều thể loại kể cả làm thơ, nhưng được coi là ngòi bút Phóng Tác số một của Việt Nam và ngòi bút Phiếm Luận số một của Việt Nam.
Phóng tác không bị gò bó như Dịch Thuật vì dịch thuật chỉ là chuyển một ngôn ngữ nước ngoài sang tiếng Việt nhưng phóng tác là thổi hồn Việt vào một câu chuyện nước ngoài với nhân vật nước ngoài, do đó người đọc cảm thấy gần gũi hơn.Trên phương diện phóng tác, ông đã có công giới thiệu nhân vật điệp viên 007 James Bond của tác giả Ian Fleming tới người Việt Nam qua những tác phẩm như Thầy Nô (Dr. No ), Tay Sắt Tay Vàng (Goldfinger ) v…v Người Việt miền Nam biết về nhân vật James Bond 007 bằng cách đọc truyện phóng tác của Hoàng Hải Thủy trước khi phim James Bond được chiều tại rạp xi nê, nhờ đó mà người xem theo dõi được phim tường tận vì đã biết cốt truyện, giống như đọc Tam Quốc Chí trước khi xem phim Tam Quốc Chí.
Ngoài loại truyện phóng tác về 007 vô cùng ăn khách này, ông cũng có công giới thiệu những kiệt tác văn chương Mỹ như Đỉnh Gió Hú ( Wuthering Heights của Emily Bronte ), Kiều Giang (Jane Eyre của Charlotte Bronte) v..v cho độc giả Việt Nam. Nếu Trường Kỳ có công giới thiệu nhạc trẻ Anh Pháp với giới trẻ miền Nam thập niên 1960 thì tương đương như vậy, nhà văn Hoàng Hải Thuỷ có công giới thiệu tiểu thuyết Anh Mỹ với độc giả miền Nam vào thời kỳ chưa có nhiều người Việt biết tiếng Anh, internet chưa có và không thể mua tiểu thuyết Anh ngữ ở tiệm sách.
Về Phiếm luận, nhà văn Hoàng Hải Thủy viết với giọng văn Bắc Kỳ 54 rất duyên dáng, dí dỏm chen lần khôi hài, châm biếm, đọc xong người đọc luôn luôn có một nụ cười sảng khoái, thú vị.
Về Hồi ký, trí nhớ tỉ mỉ, chi tiết phi thường của ông về những chuyện xảy ra từ 50-60 năm trước khiến độc giả phải kinh ngạc.
Không có đuoc thống kê chính xác bao nhiêu truyện phóng tác, truyện dài, truyện ngắn, phóng sự, phiếm luận, thơ …. ông đã viết 66 năm liên tục sáng tác là một thời gian rất dài, có thể nói ông viết lâu hơn tất cả những nhà văn, nhà thơ nào mà ta được biết, viết từ năm 18 tuổi cho đến 84 tuổi. Chắc chắn là phải lên đến con số hàng ngàn. Viết trong đầu ngay cả trong 2 lần bị giam giữ (lần đầu 1977- 1979) và lần hai (1984- 1990). Như ông đã từng nói “Sinh ra để viết “.
Ông được chính quyền Mỹ can thiệp cho đi định cư Hoa Kỳ năm 1994. Ông có hai trai một gái và đủ cháu nội ngoại. Trang blog của ông được rất nhiều người theo dõi. Tuy nhiên, sau bài viết Chìm Dưới Biển Dâu ngày 14/ 8/ 2017 thì không thấy nhà văn Hoàng Hải Thủy viết thêm bài nào. Người vợ hơn 60 năm dài của ông, bà Đỗ Thị Thủy, từ trần ngày 28/12/ 2018. Qua chi tiết này ta thấy nhà văn yêu vợ đến mức nào: bút hiệu của ông chính là tên ghép của hai vợ chồng (Hải- Thủy) còn họ Hoàng thì không rõ từ đâu, vì họ thật của ông là Dương.
Tình yêu vợ của ông nổi tiếng trong văn giới, dù là với dung mạo điển trai, hào hoa phong nhã và được lòng biết bao nhiêu nữ độc giả thì chuyện ông muốn đa nhân tình như Phạm Duy chẳng khó khăn gì, có một lúc giận chồng, bà Thủy bỏ nhà đi một hai tuần gì đó, nhà văn Hoàng Hải Thủy cho đăng lời kêu gọi thống thiết xin bà tha lỗi cho ông và quay về nhà . Lời kêu gọi này được đăng mỗi ngày trên báo Ngôn Luận hay Chính Luận gì đó, cho nên cả nước Việt Nam Cộng Hoà biết chuyện vợ chồng ông giận nhau.
Việc ông ngừng viết 3 năm nay khiến rất nhiều độc giả quan tâm đến sức khỏe của ông . Tất cả tin nhắn hỏi thăm của độc giả trên blog đều không được trả lời. Người phụ trách phần kỹ thuật cho trang blog (Bắc Thần San Jose) không thông báo tin tức sức khỏe của ông. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ con gái của nhà văn thì ông vẫn mạnh khỏe, tự sinh hoạt hàng ngày được. Lý do nhà văn ngừng viết vì đã có dấu hiệu của bệnh lãng trí cùng với nỗi buồn người vợ yêu thương đã qua đời. Ông hiện sống trong khu gia cư dành cho người Việt Nam lớn tuổi ở tiểu bang Virginia, do đó cũng có láng giềng người Việt.
Như đã nói, 66 năm viết liên tục là một quãng thời gian rất dài, thuộc loại kỷ lục trong lịch sử văn học nghệ thuật của Việt Nam. Đã đến lúc nhà văn Hoàng Hải Thủy được nghỉ ngơi hoàn toàn. Xin cầu chúc ông những năm tháng yên ả trong quãng đời còn lại .
Hoàng Hải Hồ
__________
Tiểu sử
( Introduced by THD . Source : HHT’s blog )
Tên thật: Dương Trọng Hải.
Ngày sinh: Sinh năm 1933 tại Hà Đông
Bút hiệu khác: Công Tử Hà Đông, Ngụy Công Tử, Con Trai Bà Cả Đọi, Hạ Thu, Hồ Thành Nhân, Văn Kỳ Thanh, Dương Hồng Ngọc, Triều Đông, Người Sài Gòn …
Thân thế: Vào Nam năm 1951, từng trải qua các việc: phóng viên nhật báo Ánh Sáng Sài Gòn, phòng 5 bộ Tổng Tham Mưu quân đội VNCH, phóng viên nhật báo Sài Gòn Mới, thư ký sở viện trợ Mỹ. Năm 1977 bị Công An Việt Cộng bắt nhốt 2 năm (1977-1979) vì tội gửi một số bài thơ, bài viết sầu buồn ra nước ngoài. Tháng 5/1984 bị bắt lần thứ hai cũng vì tội gửi tác phẩm ra nước ngoài. Lần thứ hai này bị đưa ra tòa, bị án tù 6 năm. Năm 1990 trở về Sàigòn, năm 1994 sang Hoa Kỳ tị nạn, định cư ở Virginia..
Các tác phẩm đã xuất bản trước 1975:
Vũ Nữ Sài Gòn, Tây Đực Tây Cái, Chiếc Hôn Tử Biệt (tái bản với tên Đêm Vĩnh Biệt), Nổ Như Tạc Đạn, Yêu Lắm Cắn Đau, Bạn và Vợ, Môi Thắm Nửa Đời, Người Vợ Mất Trí, Định Mệnh Đã An Bài, Kiều Giang (phóng tác từ tác phẩm Jane Eyre của Charlotte Bronte), Gái Trọ, Đỉnh Gió Hú (phóng tác từ Wuthering Heights), Như Chuyện Thần Tiên (Scoprion Reef), Điệp Viên 007 (Phóng tác), Thầy Nô (phóng tác từ Dr. No), Máu Đen Vàng Đỏ (phóng tác)…
Các tác phẩm đã xuất bản sau 1975
Công Ty Rửa Tiền (The Firm), Mang Xuống Tuyền Đài (The Chamber), Báo Cáo Bồ Nông (The Pelican Brief), Tiếng Kêu Của Máu (The Red Dragon), Mùa Hạ Hai Mươi, Những Tên Biệt Kích Cầm Bút, Dữ Hơn Rắn Độc …
Các bài bình luận, phiếm luận:
Mai sau… Nếu có bao giờ, Nhắc chi ngày xưa đó …, Chìm trong lãng quên, Sài Gòn và phụ nữ Việt trong phim Người Mỹ Thầm Lặng, Đọc Chùa Đàn Xem Mê Thảo, Còn gốc mất gốc, Mưa cầm, gió bắt, thép đợi, gang chờ…