Biển Nha Trang lúc nào cũng trong xanh, mặt biển lúc nào cũng êm đềm với những đợt sóng lăn tăn nhấp nhô vừa đủ để tôi nằm dài, thả trôi bập bềnh theo sóng nước mắt nhìn cả bầu trời bao la mênh mông xanh thẳm – mông mênh như mộng ước của tuổi hai mươi. Những cơn gió nhẹ vừa đủ để nâng đôi cánh dài của đàn chim hải âu đang bay lượn trên bầu trời xanh, thỉnh thoảng lao thẳng xuống nước để bắt mồi…
Những ngày trước Tết con đường mòn dọc theo triền núi từ bên này chùa Hải Đức trèo dốc ngược lên chân Phật đài đã bao năm lưu gót chân của tôi với vài người tình sánh vai nhau đi trong đêm. Trên đỉnh đồi cao, tại đây tượng Phật đang ngôi tọa thiền mặt hướng ra biển Đông. Từ ngoài khơi tàu bè qua lại đều thấy rõ tượng Phật trắng xóa trên nền trời trong xanh. Tiếng Đại hồng chung ngân nga vang xa đến năm sáu cây số vào những buổi sáng tinh sương.
Thời thơ ấu tôi thường ngước nhìn giờ của bốn cái đồng hồ to quá cỡ trên đỉnh tháp chuông của ngôi nhà thờ Núi, hai cây kim chỉ giờ và phút sao mà dai ngoằng – không chừng nó còn dài hơn cả cây đòn gánh để gánh lúa ở làng tôi… Ngôi nhà thờ đá này mặt trông thẳng xuống con đường Bá-Đa-Lộc chạy dài ra biển không quá hai cây số. Ngôi trường Trung học Võ Tánh nằm trên con đường này. Những ngày biển động vì mưa gió, tiếng sóng âm vang dội vào lớp học để ru ngủ những tâm hồn non dại đang ngóng cổ nghe lời giảng dạy của thầy cô nhất là những môn học mới lạ như Lượng giác với những công thức khó nhớ, Vật lý với những định luật chỉ mới được nghe lần đầu, Việt văn những bài thơ Kiều của Nguyễn Du, những tư tưởng mới lạ của Tự lực Văn đoàn nào Đoạn tuyệt, nào Hồn bướm mơ tiên… Lời thầy giảng êm như gió, nhẹ như mây đã đưa hồn chúng tôi mơ về miền đất hứa mơ một mối tình như Dũng và Loan trong Đoạn tuyệt. Ngoài kia tiếng sóng vỗ vào bờ vẫn âm vang bất tận. Nhớ những đêm trên thác Ba Hồ, suối Tiên thầy trò ca hát bên ngọn lửa trại cháy bập bùng giữa rừng khuya vào những ngày sắp cuối niên học.
Nơi đây có miếu thờ của Thiên Y Thánh Mẫu A NA lúc thiếu thời. Những ngày Nha thành còn bình yên của những năm 1956-1960, nhiều cô đòi bạn tình của mình đưa lên đây để thề non hẹn biển, yêu nhau đến bạc đầu, mai kia dù trắc trở cũng vẫn bền lòng nhớ đến em….
Tháp Bà cách Nha Trang một cây số trên đường quốc lộ về hướng Bắc, là nơi người Chàm thờ Bà khi Bà đã tu thành chánh quả. Tục truyền ngày xưa từ thời Chiêm Quốc, cách Nha Trang hơn mười cây số về hướng Tây, tại thôn Đại Điền có cặp tiều phu dựng lều làm rẫy trong núi. Ngày ngày trồng dưa đốn củi để độ nhật. Bất chợt vào một năm mưa gió thuận hòa, dưa được mùa sai trái. Vào một đêm trăng thanh vắng ông Tiều chợt thức giấc nửa đêm vì ông nghe trong khu rẫy dưa có tiếng hát lạ bay vào trong căn lều của vợ chồng ông đang ngủ. Lòng hiếu kỳ ông vội ra rình xem. Dưới ánh trắng lung linh một cô bé nhỏ nhắn đang nhảy múa ca hát trong xiêm y tha thướt rồi đùa giỡn với những trái dưa to mới lớn. Nghe tiếng động cô bé tức thì biến mất vào đám dưa. Lòng thấp thỏm lo âu, ông ta cố rình lại để bắt cho được.
Sau đó không lâu cô bé đã bị ông Tiều tóm được đem về nuôi. Cô bé càng lớn càng xinh đẹp nhưng sống chuỗi ngày hiu hắt giữa rừng núi hoang vu. Một ngày cô hú mây gọi gió tụ về đen kín cả bầu trời rừng núi, mưa gió sập trời lở đất, gỗ trên nguồn trôi xuống ầm ầm. Cô bé nhập thân vào gỗ trôi băng băng ra biển Đồng để rồi cuối cùng tấp vào một bãi biển bên Tàu. Dân chúng thấy khúc gỗ lạ bèn hè nhau kéo lên bờ nhưng lạ thay khúc gỗ không thể nào nhúc nhích xê dịch đi đâu được. Ngày tháng trôi qua, tin lạ bay đến hoàng thành. Hoàng tử nghe tin nên thân chinh đến đó xem nhưng lạ thay, bao nhiêu trai tráng trong làng thi nhau kéo vào bờ mà không có kết quả, đằng này hoàng tử chỉ một tay xốc nhẹ để trên vai đem vào bờ trước kinh ngạc của thần dân.
Hoàng tử thay vua cha trị vì thiên hạ và phong cho nàng làm hoàng hậu để rồi hạ sanh cho nhà vua một thái tử thật kháu khỉnh. Cuộc tình nào cháy mãi rồi cũng nguội. Nơi xứ lạ quê người dầu cho chăn ấm nệm êm của bậc vua chúa lòng nào lại chẳng có ngày tháng mòn mỏi nhớ quê. Một ngày nọ bà ta hóa phép mưa gió ngập trời để rồi cũng nhập thân vào khúc gỗ cũ trôi băng băng ra biển Đông trở về cố quốc. Nơi quê nhà bà rũ lòng trần trở về với bản chất Tiên để tu luyện trên ngọn núi Hòn Dữ cao ngất đến trời xanh quanh năm mây phủ trắng.
Năm tháng biệt mù, con nhớ mẹ, chồng nhớ vợ, nhà vua giong buồm xua quân về phương Nam tìm vợ. Được tin, A NA Thánh mẫu rung động tưởng chừng như khó dứt được hồng trần, công phu tu luyện tưởng như thành tro bụi. Mặc dầu ruột đau như cắt nhưng bà vẫn nhắm mắt làm phép hú mây gọi gió muôn phương đẩy bạt đoàn tàu thuyền của nhà vua ra khơi. Biết vợ mình một lòng muốn đoạn tình, nhà vua không cầm được cơn giận dữ bèn vung tay đánh sập cả núi đá, miệng kêu hét tên bà. Núi sập, đá chồng chất ngút ngàn trên bãi biển. Dấu tích đó còn lưu lại đến ngày nay mà người dân địa phương gọi là Hòn Chồng và phiến đá lớn nằm chênh vênh trên cao còn hằn sâu dấu ấn của bàn tay nhà vua.
Quê ngoại tôi ở Khánh Hòa, quận Diên Khánh cách Nha Trang khoảng mươi cây số. Những ngày hè oi bức tôi thường về thăm ngoại. Vào những đêm trăng tôi và ngoại thường ngủ trước hiên nhà để nghe bà thủ thi kể chuyện xưa. Trong đêm khuya thanh vắng, dưới bầu trời trăng sao mờ ảo, nhiều lần tôi đã chứng kiến thấy rõ ràng một khối lửa to bằng cái nia phơi lúa đường kính có thể đến hai thước có đuôi dài, xung quanh khối lừa có tua tà sáng xanh ngắt thấy mà rợn tóc gáy, đang bay tà tà cao khoảng trên đọt cây cau từ Hòn Dữ bên Đại Điền bay hướng vào núi Đồng Bò nơi có Thác Nước Đỗ quanh năm trắng xóa ở lưng chừng vách núi. Ai đi trên quốc lộ 1 đều thấy rõ. Hiện tượng này cứ vương vấn mãi trong đầu làm tôi khó quên.
Trở lại với cảnh trí Nha Trang. Biển Nha Trang đã lưu dấu trong nhiều nhạc phẩm nổi tiếng của Minh Kỳ, của Phạm Duy “Nha Trang ngày về”, của Lam Phương – “Biển tình” vẫn còn sống mãi trong lòng mọi người.
Nha Trang ngày về
Mình tôi trên bãi khuya
Tôi đi vào thương nhớ
Tôi đi tìm cơn gió
Tôi xây lại mộng mơ năm nào
Bờ biển sâu, hai đứa tôi gần nhau.
Tôi thường đạp xe cùng bạn bè sau giờ học buổi chiều trên đại lộ Duy Tân. Con đường chạy dọc theo bờ đến cả chục cây số. Xa xa nhìn về phương bắc, đèo Rù Rì là một dãy núi đâm ngang của nhánh Trường Sơn. Trên đỉnh núi ở độ cao cả nghìn thước, một tượng đá hình người lính trong thế thao diễn nghỉ, trắng xóa trên nền trời xanh. Bên dưới chân núi là trường Hạ sĩ quan Đồng Đế, một quân trường khét tiếng: thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu. Những đêm trăng sáng từ bãi biển nhìn lên nhánh núi này ta có thấy như hình một thiếu nữ nằm dài tóc xõa ra tận biển khơi… Nhiều người chắc khó quên hai câu thơ đầy vọng tưởng:
Tượng đá đầu non thao diễn nghỉ
Nàng nằm xõa tóc đợi chờ ai ???
Đại lộ Duy Tân sát bờ nước, hàng dừa nghiêng mình ra biển, sóng vỗ, gió rít qua rặng phi lao điệu ru vi vu muôn thuở. Đường mộng ngập màu áo trắng của nữ sinh. Tà áo dài thướt tha bay trong nắng chiều để lộ những đường cong khêu gợi làm xao xuyến bao chàng trai. Tòa Tỉnh trưởng án ngữ ở ngay đầu đường. Nổi tiếng là Viện Pasteur, bác sĩ Yersin người đã hiến trọn cuộc đời mình cho viện nghiên cứu này. Xuống chút nữa là nhà hàng Beau Rivage. Những năm trước thập niên 1960, đây là nơi Tổng thống Ngô Đình Diệm trú ngụ mỗi khi đến Nha Trang. Trong những dịp này, chánh quyền địa phương thường tổ chức đón chào: dưới biển có những cuộc đua ghe, trên không máy bay chao lượn trong ánh hỏa châu sáng rực trời. Những năm tháng bình yên đó sau này nhớ lại ai cũng thấy tiếc nuối. Cuối con đường này, qua con dốc ngắn là Hải Học Viện, một viện Hải Dương Học độc nhất của Đông Nam Á. Nơi đây cũng có trường Đại học Duyên hải mà đa số là các nàng nữ sinh viên trong những chiếc áo dài đủ màu sắc. Gió biển của cảng Nha Trang lúc nào cũng đủ mạnh để nâng những tà áo bay trong nắng như những cánh bướm nhởn nhơ trong vườn hoa. Lầu Bảo Đại xây trên ngọn đồi trông xuống cảng Nha Trang.
Từ lâu đài nhìn xuống, vào những buổi chiều khi ánh hoàng hôn sắp tắt sau núi rừng là bức tranh thủy mặc thật linh động. Nét chấm phá là những cánh buồm tranh nhau ra khơi để đi đánh cá đêm, thấp thoảng hàng đàn nhạn trắng bay lượn là đà trên mặt nước để tìm mồi. Xa xa Hòn Tre lừng lững như bức bình phong chắn gió. Những con tàu buôn lớn đang buông neo. Ống khói tàu vẫn còn thong thả nhả khói lam. Ánh nắng chiều lẩn khuất sau rặng Trường Sơn hắt lên đảo Hòn Tre những dải nắng chỗ vàng cam của đất, chỗ xanh ngắt của rừng lá…Bên kia là lầu Vọng Nguyệt, cái tên nghe thật lãng mạn và tình tứ của thời đại một ông vua trẻ nhiễm văn hóa Tây phương, một vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn. Tòa lâu đài này bốn mặt là kính để vua và Hoàng hậu lên đây ngồi ngắm sao trời trong thời đại hoàng kim thuở nào. Đứng trên lầu Vọng Nguyệt có thể quan sát hết trời mây non nước cảnh sắc hữu tình.
Với những con đường nhỏ hẹp quanh co giữa hàng phượng vĩ, đến mùa hè hoa nở cả một vùng rực lên màu phượng đỏ thắm. Từ lâu đài này, một con dốc thoai thoải dẫn xuống mỏm đá nhô ra biển, nơi dành cho vua ngồi câu cá. Nghìn trùng lớp sóng phế hưng biến chỗ câu cá của hoàng triều thành nơi hoang phế. Chiếc ghế ngồi của vua chỉ còn lại một khung sắt rỉ sét bám đầy vỏ ốc sần sùi.
Trước 1970, đỉnh Hòn Tre là căn cứ RADAR của Mỹ. Đêm nhìn lên đỉnh là cả bầu trời sáng rực ánh đèn phòng thủ. Căn cứ này được chuyển giao lại cho HQ/VNCH. Ở độ cao hơn 800 thước giữa biển khơi bốn bề gió lộng, nhìn vào thành phố Nha Trang ánh đèn muôn màu về đêm của phố xá tấp nập nhìn qua ống dòm vẫn thấy rõ mọi sinh hoạt từ xe cộ đến người đi. Trên đỉnh này vào những buổi chiều trời trở gió mây giăng thấp là đà trên mặt đất, trời thật lạnh có những sợi tơ trời bay quấn quít theo bước chân, tôi đã tiếp nhận và điều khiển căn cứ này – gần hai năm sáng chiều làm đạo cốt tiên ông trên đỉnh núi.
Tôi trưởng thành khi đất nước quặn mình đi vào một khúc rẽ mới của cuộc chiến. Sau vài năm ở đại học tôi trường làm nghề giáo ở các trường trung học trong thành phố Nha Trang. Khi cuộc chiến đến hồi cao điểm tôi được lệnh động viên. Quê quán vùng duyên hải, trong huyết quản sẵn dòng máu phiêu lưu mộng hải hồ sông nước nên tôi đã gia nhập vào quân chủng Hải Quân. Hai năm lại tiếp tục nghiên bút trong quân trường. Những ngày nghỉ cuối tuần trong bộ quân phục trắng toát lang thang trên những hè phố, hay bên em tay trong tay trên bãi biển Nha thành. Những lời thì thầm bên tai lẫn với gió và sóng biển rì rào, chúng tôi dìu nhau đi trên bãi cát trắng cho mãi đến khuya. Trên không muôn vì sao lấp lánh, anh sẽ chỉ cho em ngôi sao nào là đẹp nhất để hướng con tàu ngày mai của chúng mình, sẽ hải hành trên biển đời đầy ngăn cách.
Với ý nghĩ này chúng tôi không khỏi thoáng bùi ngùi chạnh lòng ý thức được rằng mai kia vì sao đẹp nhất trong đôi mắt người yêu rồi đây sẽ chắc giăng mờ viễn ảnh một ngày mai khi tàu rời bến. Chen lẫn trong sóng biển rì rào hay trong nắng ấm reo vui là điệu buồn vang vọng từ tâm tư thầm kín xao xuyến vì ngăn cách.
Đời em sẽ là chuỗi ngày dài những chờ mong, những thương nhớ cả ước nguyện chỉ là giây phút tái hợp ngất ngây. Bên anh, tóc em sẽ là dòng sông đêm và mắt em sẽ là vì sao sáng tưởng như dõi theo đường tàu anh đang vượt ngàn hải lý…
Người đi nhớ gì giữa đêm kinh kỳ
trời khuya có người mơ bước ai đi
suối đời cùng rừng xanh vạn lý
gió núi mưa tuôn xe đôi vai nặng vì tình non tình nước
ước mơ mai về kể nhau hết chuyện xưa..
(Minh-Kỳ)
Cuộc sống đời lính biển rày đây mai đó, trăm bến nước ngàn bến tình khi biển cả, khi sông hồ…
Vào những phong ba của thời cuộc, từ Tết Mậu Thân, mùa hè đỏ lửa đến hiệp định Ba-Lê. Sống đời chinh chiến trên khắp năm vùng duyên hải, tôi chẳng còn thì giờ để sống những giây phút quay về với dĩ vãng mo mộng của ký ức, với những kỷ niệm ban đầu của chúng tôi ngày nào. Cho đến một sáng tháng 4….
Gần 40 năm xa quê. Tuy đã ổn định nơi quê hương mới nhưng lòng vẫn không nguôi nhớ về quê hương cũ. Có những lúc tôi cảm thấy bồi hồi để rồi giật mình thấy rằng mái tóc đã điểm sương.
Ta đã làm gì đời ta chưa
Ta đã làm gì đời ta xưa ?
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã nói như thế và không có câu trả lời. Phận tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh điều tàn, tôi cũng đã đóng góp phần nào trách nhiệm trong dòng sinh mệnh của đất nước. Nhìn lại thấy thoáng buồn vì chưa thỏa được chí tang bồng.
Nhìn về quê cũ vào những buổi chiều có dịp ra ngắm biển lòng thấy ngậm ngùi ngâm nga vài câu hát:
Rồi một chiều biệt ly Nha Trang, tôi còn mến yêu quê nhà. Đây là đóa hoa muôn đời đây hương……
Biển Nha Trang ban ngày đã đẹp, ban đêm còn đẹp hơn. Vào những đêm trời êm biển lặng, bầu trời đầy sao chi chít, ngoài khơi ánh đèn giăng câu của vô số ghe thuyền đánh cá nhấp nhô dưới đường chân trời cho tôi có cảm giác ngoài kia cũng là một thành phố, ánh đèn ngư phủ là một đại lộ còn dài hơn cả đại lộ Duy Tân trong này. Đêm tôi xuống ghe ở bãi Dương Đông Đế, giã biệt Nha thành, thấy Nha Trang như trôi vào huyễn mộng, nghe sóng vỗ mà tiếc thương. Trên chiếc ghe cả trăm mạng sống đang nhìn lại Nha Trang từ ngoài khơi xa…
Lịch sử ta đã trải qua hàng mấy ngàn năm, biết bao triều đại đã hưng phế. Những người như tôi đã rời xứ ra đi khi trở lại quê nhà ai cũng có những nỗi niềm khắc khoải trước những cảnh đổi thay:
“…Khi về thăm trường cũ
Ta tóc đã hoa râm
Khi về thăm bạn cũ
Cỏ xanh chỗ anh nằm…”
Mai tôi sẽ rời Nha Trang để về lại Sydney. Còn một đêm này tôi lang thang giữa thành phố biển bên em
Tôi muốn: thở trong bầu không khí mà ngày xưa anh và em từng thở. Tôi muốn: đi lại con đường mà ngày xưa anh và em đã từng đi, Tôi muốn: anh và em cùng nhìn lại bầu trời đầy sao sáng mà ngày xưa bên em anh đã chỉ ngôi sao nào là ánh mắt em. Tôi muốn: ôm trọn con đường Duy Tân dài đã từng chôn kín nhiều kỷ niệm vui buồn như anh đã từng ôm bờ vai nhỏ bé của em thuở nào. Một lần cho một đời người.
Nha Trang ơi, sao cứ như hạt bụi trong mặt tôi ngày về?
Sydney, đầu mùa Thu 2017
TRẦN ĐĂNG ĐỘ
(VT 56 -63, Năm cuối 1962-1963 Đệ Nhất Bi)
——
Nguồn: Đặc san VT – NTH 2019