Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại Expolangues, Paris, Pháp, ngày 07/02/2008. © RFI/Tiếng Việt
Cuối tháng Giêng 2008 nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ Việt Nam sang Ý nhận giải thưởng văn học Nonino Risit d’Aur Prize. Đó cũng là thời điểm ông cho ra mắt độc giả Paris tập truyện Chú Hoạt tôi được dịch ra tiếng Pháp, rồi một tác phẩm khác của ông được dịch sang tiếng Ý. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã dành cho RFI tiếng Việt hai buổi nói chuyện. Dưới đây là một phần nội dung cuộc trao đổi giữa nhà báo Bảo Thạch với tác giả của rất nhiều truyện ngắn, của những tiểu thuyết như Tuổi 20 Yêu Dấu, Gạ Tình Lấy Điểm hay Tiểu Long Nữ.
Trước hết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp giới thiệu qua về giải thưởng Nonino của văn đàn Ý mà ông được trao tặng năm 2008. Chủ tịch ban giám khảo năm đó là giải Nobel Văn Học Vidia Naipaul và thành phần ban giáo khảo gồm với những tên tuổi lớn trên văn đàn quốc tế.
Nguyễn Huy Thiệp : Ở Ý hàng năm có 1.500 giải thưởng khác nhau, nhưng Nonino là giải rất có uy tín. Tiếp xúc với các tác giả danh tiếng tại châu Âu tôi đã nhận ra được rất nhiều điều. Chúng tôi luôn luôn thống nhất và gặp gỡ nhau ở những điểm rất chung về văn học, về những suy nghĩ về văn học. Trong thâm tâm, tôi rất mừng rỡ vì cảm thấy mình đã chọn con đường đi đúng đắn. Không có gì phải mặc cảm. Không có gì phải lo ngại nếu như cứ tiếp tục con đường văn học với những tinh thần nhân đạo hay với những tư tưởng mà mình đã xác định ngay từ đầu. Văn học là một sự chiêm nghiệm nỗi đau khổ của con người và nó đi tìm những tư tưởng nhân đạo, những tinh thần nhân đạo. Đó là cái chức năng duy nhất của văn học chứ nó không phải là những thứ khác (…) Đó là một khía cạnh và là khía cạnh cơ bản nhất. Chính trải qua những sự chiêm nghiệm về nỗi đau khổ của con người đấy, nó tìm đến cái tư tưởng, đến tinh thần nhân đạo, nó khiến con người trở nên con người hơn. Tức là sống với nhau một cách tử tế hơn, lương thiện hơn, văn hóa hơn. Và tôi nghĩ đấy chính là một trong những điều rất quan trọng mà nhà văn phải vươn tới chứ không phải là ở một cái danh vị hão huyền, chứ không phải ở những cái đồng tiền bạc vớ vẩn hay những chuyện a dua theo các tinh thần chính trị khác nhau.
Bảo Thạch : Gần đây trong nước có xuất bản một tập truyện của anh vào giữa năm 2007 và trong lời tựa anh viết đại ý là trong cuộc đời viết văn của anh, sau truyện ngắn Sang Sông, thì đã có một thay đổi lớn trong quan niệm của anh, cũng như phong cách viết của anh ?
Nguyễn Huy Thiệp : Trong quá trình viết văn thì cũng không có nhiều chặng đường khác nhau. Tôi bắt đầu xuất hiện từ khi có cuộc Đổi Mới trong xã hội Việt Nam, tức cỡ khoảng độ 1986-1987. Đến nay là tôi đã trải qua 20 năm viết lách. Cũng có thể nói là đã có sự khuynh đảo nào đấy ở trong văn đàn ở Việt Nam. Thì cũng có nhiều chặng khác nhau anh ạ. Trong giai đoạn đầu khi tôi viết, có thể là nó mang tính chất bản năng từ những thứ tự nhiên trong lòng mình thôi. Đó là giai đoạn từ khoảng năm 1986 đến 1991. Từ Sang Sông, tức là đến giai đoạn sau này, từ 1991 trở đi cho đến khoảng năm 2000 thì là một giai đoạn khác. Tôi không chỉ viết bằng bản năng nữa mà lúc đó là viết bằng cái vốn văn hóa của mình, bằng kinh nghiệm cuộc sống, rồi với việc tôi gặp gỡ đạo Phật. Lúc đó tinh thần hay những tác phẩm của tôi nó khác. Đến giai đoạn từ năm 2000 trở đi, khi thế giới thay đổi, internet vào Việt Nam, rồi nhiều vấn đề khác đặt ra trong xã hội đối với xã hội cũng như văn học Việt Nam. Trong bản thân tôi cũng có nhiều suy nghĩ. Đó là giai đoạn mà tôi bắt đầu thể nghiệm một số lối viết khác nhau. Cho đến bây giờ, tôi vẫn kiên trì đi theo một số khuynh hướng hay những lối viết khác nhau của mình. Ngoài việc viết truyện, tôi cũng viết cả kịch, tiểu luận văn học … Nhân cuốn sách anh vừa nói, năm ngoái, tôi bị tim hẹp động mạch vành, phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Tôi cũng chán nản và có ý định thôi, dọn dẹp tất cả sự nghiệp văn học của mình cho nên mới in lại tuyển tập truyện ngắn. Nhưng sau đó tôi nhận ra một điều : trong quá trình sống cũng là quá trình mà chúng ta phải tập chết. Phải tập chấp nhận những điều để tiến tới cái chết. Tôi phải tự chung sống với bệnh tật, phải tự tập luyện, tự phải vượt lên. Gần đây thì cũng có sự thanh thản hơn, nhất là khi mà tác phẩm của mình được quảng bá một cách rộng rãi, được đón nhận một cách rất nhiệt tình ở trong nước cũng như ở ngoài nước, rồi lại được nhận những giải thưởng giá trị như Nonino này nữa.
Bảo Thạch : Tôi vẫn nhớ anh tiết lộ « người viết văn như cầm một thanh kiếm ». Nguyễn Huy Thiệp vẫn giữ tinh thần đó ?
Nguyễn Huy Thiệp : « (Cười). Đó là trường văn trận bút mà anh ! Đây không chỉ là trường hợp của tôi. Khi tôi nói chuyện với Magris, thậm chí với Naipaul – giải Nobel Văn Học 2001 và chủ tịch ban hội đồng giám khảo Nonino thì cũng vậy thôi. Họ đều có kinh nghiệm riêng ở trường văn trận bút. Không chỉ có ở Việt Nam mới có những chuyện đố kỵ, ghen tị trong văn chương. Chuyện đấu tranh trong văn chương, ở Ý cũng có, ở Ai Cập, Anh, Mỹ, Pháp … cũng vậy. Và một tác giả cũng phải biết bảo vệ tác phẩm của mình. Trong truyện chưởng ở Trung Quốc có câu ‘đa tình kiếm khách vô tình kiếm’ : người cầm bút cũng như một kiếm thủ. Có thể là bản thân con người đó thì rất tình cảm thôi. Nhưng khi cầm kiếm hay cầm bút thì đó là những thứ rất vô tình. Cái kiếm nó rất vô tình. Cái bút nó rất vô tình. Nhiều khi cũng gây sát thương, gây tổn thương nào đấy cho đồng nghiệp của mình, cho người nọ người kia. Nhưng đời nó là như thế.
Bảo Thạch : Được gặp Nguyễn Huy Thiệp tại Paris, tôi không khỏi nhớ đến lần được gặp anh cách nay 20 năm tại Hà Nội. Khi đó văn đàn Hà Nội đang rúng động vì truyện ngắn Tướng Về Hưu.
Nguyễn Huy Thiệp : Tướng Về Hưu là một trong những truyện rất đặc biệt. Nó có thể là một cái mốc trong cuộc đời hoạt động văn học của tôi. Giống như những truyện khác của tôi, nó có phần thực và hư. Cũng có những truyện 7 thực- 3 hư, hay 5 thực-5 hư, hay 9 thực-1 hư. Nhưng gần như là những truyện ngắn của tôi bao giờ cũng có bóng dáng của sự sống, có bóng giáng của đời sống : đời sống của bản thân tôi hay của cái xã hội mà tôi quan sát. Tướng Về Hưu là truyện trong đó có đầy đủ ái ố, hỉ nộ, chuyện vui, chuyện buồn… Qua 20 năm rồi, cho đến bây giờ đọc lại, người ta vẫn thấy là nó có một cái sự tiết chế một cách tối đa, kể cả về ngôn ngữ viết lẫn tinh thần kìm nén của người viết. Xã hội Việt Nam lúc đó nó thế. Đó là một xã hội đang kìm nén, chất chưa trong đó rất nhiều sức mạnh tiềm ẩn về tinh thần rồi về vật chất khác nhau. Nói thế này thì hơi duy tâm, nhưng tôi cũng như là được thời thế, được trời đất, được tinh thần của xã hội lúc đó mượn mình vào đấy như là để viết ra tác phẩm đấy thôi (…) Trong một buổi nói chuyện tại Sài Gòn với nhà văn Nguyễn Khải ông có nói là khi đọc Tướng Về Hưu, đối với ông, nó rất là thảng thốt. Ông cảm thấy như không phải là người viết, mà như là trời xui đất khiến. Thậm chí như là ma quỷ viết … Tôi không biết. Nhưng tôi là một nhà văn luôn luôn tôn trọng cái hiện thực.