NGUYỄN ÁNH 9 – NGƯỜI NHẠC SĨ VỚI NHỮNG DÒNG NHẠC MÊNH MANG TÌNH BUỒN

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

15 Tháng Tư 2023

May be an image of 1 person, musical instrument and text that says 'sáng tác của Nhạc sĩ NGUYỄN ÁNH 9'

May be an image of 1 person and text that says 'NHẠC SĨ NGUYÊN ANH 9 1940-2016'

May be an image of 1 person, piano and text that says 'Những kh hủ của nhạc SĨ Nguyễn Ánh9'

(Trích bài Trầm Từ Đông và Văn Điệp trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 63 phát hành ngày thứ sáu 22 tháng 4 năm 2016)
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1940 tại Phan Rang, nhưng lớn lên và ăn học tại Nha Trang, rồi sau đó là Đà Lạt. Ngay từ thuở nhỏ, những giai điệu âm nhạc hình như đã vương vấn lẫn dạt dào trong tâm hồn của anh. Xa gia đình, không có điều kiện ở trường năng khiếu âm nhạc, nhưng cậu bé Nguyễn Đình Ánh đã tự mày mò, học hỏi và chơi dương cầm từ những dĩa nhạc cổ điển đi mượn được của bạn bè.
Trong thời gian anh học ở Đà Lạt, một điều may mắn lớn nhất của anh, Nguyễn Ánh 9 đã được nhạc sĩ Hoàng Nguyên, tác giả của nhiều bài tình ca nổi tiếng như Ai Lên Xứ Hoa Đào, Cho Người Tình Lỡ… tận tình chỉ dạy và dìu dắt vào thế giới âm nhạc.
Năm 1951, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Nguyễn Ánh 9 được vào tham gia chương trình Tuổi Xanh của Đài Phát Thanh Saigon và Đài Phát Thanh Đà Lạt. Từ đó, anh như có thêm sức mạnh, đi khắp nơi biểu diễn dương cầm ở các bar, các nhà hàng nổi tiếng và những ban nhạc thanh niên.
Cuộc đời nghệ sĩ của anh tưởng chừng như dừng lại ở vai trò một nhạc sĩ hòa âm và biểu diễn dương cầm, nhưng sau chuyến đi Nhật vào tháng 8 năm 1970, cùng với Khánh Ly biểu diễn tại hội chợ Osaka (Nhật), với cảm xúc dạt dào, anh viết bài “Không” trong vòng một tiếng đồng hồ với những lời lẽ thật lạ thật mới… “Không, không… tôi không còn yêu em nữa”. Bài hát lúc đầu cũng có tên thật dài như thế, cảm hứng từ một ca khúc của Christopher “Non, Non, Je ne t’aime plus”… về sau, Nguyễn Ánh 9 cắt gọn tất cả, chỉ còn lại một chữ “Không” duy nhất.
Elvis Phương – Không (Nguyễn Ánh 9) PBN 83
Elvis Phương – Không (Nguyễn Ánh 9) PBN 83
Sau khi đi Nhật về, Khánh Ly lấy “Không” thu cho hãng dĩa 45 vòng Tình Ca Quê Hương. Một thời gian ngắn sau đó, Elvis Phương hát lại bài này trong một băng nhạc của nhạc sĩ Ngọc Chánh và thu lên truyền hình số 9, thì nhạc phẩm “Không” của Nguyễn Ánh 9 mới thật sự gây được một tiếng vang rầm rộ. Cũng chính ca khúc “Không” của Nguyễn Ánh 9 và “Mộng Dưới Hoa” của Phạm Đình Chương là hai ca khúc Việt Nam đầu tiên đưa tên tuổi Elvis Phương lúc bấy giờ đang hát ở những Club Mỹ qua những tình khúc ngoại quốc bỗng một sớm một chiều được khán giả Việt Nam say mê và trở thành một giọng ca vàng hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam trong suốt hơn 3 thập niên qua.
Khi bài “Không” được phổ biến, tên tuổi của Nguyễn Ánh 9 được mọi người hâm mộ, anh mới thật sự có cảm hứng sáng tác những ca khúc mới lần lượt như Ai Đưa Em Về, Một Lời Cuối Cho em, Chia Phôi, Không 2, Trọn Kiếp Đơn Côi… vào cuối năm 1971 và đầu năm 1972. Thời gian ca khúc “Không” vừa bùng lên, là thời gian Nguyễn Ánh 9 cộng tác với Khánh Ly và Ngọc Chánh ở phòng trà Queen Bee.
Bức ảnh rất hiếm quý của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thời kỳ cộng tác với ban nhạc Shotguns tại Queen Bee năm 1970. Trong ảnh có Ngọc Chánh, Nguyễn Ánh 9, Khánh Ly, Elvis Phương, Hoàng Liêm, Cao Phi Long.. và người mặc áo trắng sát góc phải là nhạc sĩ trống Anh Thoại, người lưu giữ được bức ảnh này sau nhiều năm (tuy đã bị ố vàng nhưng vẫn còn nhận ra được một số khuôn mặt nghệ sĩ).
Tháng 2 năm 1971, sau khi Khánh Ly và Ngọc Minh đi Mỹ về, Queen Bee có một vài thay đổi quan trọng. Nhạc sĩ Ngọc Chánh mời nữ danh ca Thanh Thúy “tái xuất giang hồ” đóng trụ ở Queen Bee, trong khi đó thì Khánh Ly về hoạt động ở Tự Do của ông bầu Cường.
Làm ở Queen Bee một thời gian, Nguyễn Ánh 9 về đầu quân ở Mini Club (đường Nguyễn Du) vài tháng cùng với Carol Kim, ban Ba Trái Chuông… Thời gian này, Carol Kim hát thật nức nở đam mê một sáng tác của Nguyễn Ánh 9 “Trọn Kiếp Đơn Côi”.
Cuối năm 71, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về cộng tác cho vũ trường Olympia (đường Lê Lợi) và đến năm 1972, anh về phụ trách chương trình ca nhạc của phòng trà Hồng Hoa. Thời gian này, anh sáng tác thêm 2 ca khúc, đó là Đêm Tình Yêu và Mùa Thu Cánh Nâu (viết chung với một người bạn tên Hoàng Nhu). Hai bài hát này chỉ được thu mỗi bài một lần duy nhất trong những tác phẩm băng nhạc nghệ thuật của Phạm Mạnh Cương phát hành năm 1972 bằng giọng hát Khánh Ly, về sau này, khoảng năm 1981, Trung Tâm Diễm Xưa mua lại cuốn master “Thương Một Người” gồm 14 ca khúc chọn lọc với giọng ca Khánh Ly, trong số đó có nhạc phẩm Mùa Thu Cánh Nâu rất lãng mạn nồng nàn.
Trở lại câu chuyện Nguyễn Ánh 9 với khoảng thời gian năm 1972, trong số những tiếng hát trẻ góp mặt lúc bấy giờ tại phòng trà Hồng Hoa, có một giọng hát và khuôn mặt nữ sinh học trò đã được nghệ sĩ Ngọc Hân và chồng là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nâng đỡ hết lòng. Hai trong số những bài nhạc đầu tiên Thanh Mai trình bày trên đài truyền hình số 9, là nhạc phẩm Hương Xưa (Cung Tiến) và Ai Đưa Em Về (Nguyễn Ánh 9), cũng do một tay tác giả “Không” tận tình hướng dẫn luyện từng nốt nhạc.
Nguyễn Ánh 9 – AI ĐƯA EM VỀ – Thái Châu
Nguyễn Ánh 9 – AI ĐƯA EM VỀ – Thái Châu
Lúc này trong số những ca nhạc sĩ trẻ cộng tác với Nguyễn Ánh 9 tại phòng trà Hồng Hoa còn có tài năng mới rất đa dạng của Quốc Dũng. Và cũng chính Nguyễn Ánh 9 là người kết hợp 2 tiếng hát Thanh Mai và Quốc Dũng thành một đôi song ca dễ thương nhất của giới trẻ Saigon thời bấy giờ. Từ đó, người nghệ sĩ rất trẻ ở tuổi 21 như có thêm niềm phấn khởi, sáng tác hàng loạt những tình khúc như Bên Nhau Ngày Vui, Điệp Khúc Mùa Xuân, Biển Mộng, Quê Hương và Mộng Ước, Thoát Ly… rất được tán thưởng nồng nhiệt. Năm 1974, Quốc Dũng vinh dự đoạt giải Nghệ Thuật Kim Khánh (do báo Trắng Đen tổ chức) về lãnh vực người nhạc sĩ trẻ sáng tác ca khúc “Mai” được yêu thích nhất lúc bấy giờ.
Một thời gian dài sau 75, Nguyễn Ánh 9 tạm ngưng các hoạt động âm nhạc. Ông âm thầm làm một người bình thường, bươn chải lao động kiếm sống bằng những nghề khác với chính đôi bàn tay nghệ sĩ của mình. Năm 1982, Nguyễn Ánh 9 mới chính thức tái ngộ trở lại với thế giới âm nhạc, và thế là, với tất cả tâm hồn của một nhạc sĩ, ông lại tiếp tục tham gia các chương trình hòa tấu và biểu diễn dương cầm khắp nơi. Nguyễn Ánh 9 còn được mời viết nhạc nền cho một số phim như Mảnh Tình Nghiệt Ngã, Mênh Mông Tình Buồn…
Khoảng thời gian 1989 đến 1992, ông không còn sáng tác nhiều. Rất ít, nhưng trong số hiếm hoi đó, người yêu nhạc rất hạnh phúc để nghe được một tình ca mới của Nguyễn Ánh 9 mang tên Cô Đơn. Nhạc phẩm này được ông nuôi dưỡng và hoàn tất trong 5 năm. Với Cô Đơn, ta không còn nghe một giai điệu u buồn như những ca khúc xưa mà là những lời triết lý về tình yêu, hạnh phúc mang tiết tấu nhạc bán cổ điển thật nhẹ nhàng. Bài hát này, đã được Khánh Hà thu băng đầu tiên ở hải ngoại trong cuốn CD “Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào” năm 1992… và rồi được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Phi Khanh, Vũ Khanh, Như Mai… thu hình, thu video những thời gian sau đó.
Năm 1995, ông sáng tác thêm ca khúc Cho Người Tình Xa là những vần thơ nhẹ nhàng, sâu lắng về một cuộc tình đã dở dang. Năm 1994, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được mời sang Pháp viết nhạc nền cho một bộ phim về trẻ em ở Cửu Long của Hội Từ Thiện Pháp và tham gia Hội Sáng Tác Gia Quốc Tế Sacem của Pháp. Nhân đó, ông đã thực hiện đĩa compact disc độc tấu dương cầm của mình.
Và nhân dịp ghé Hoa Kỳ lần đầu năm 2002, gần 40 nghệ sĩ cùng với Phương Hồng Quế, Thanh Mai và MC Trần Quốc Bảo tổ chức một đêm chào mừng ông đã đến Hoa Kỳ gặp gỡ lại những tình thân Saigon năm xưa vào Thứ Sáu ngày 2 tháng 8 tại vũ trường Majestic. Trong buổi này còn có sự hiện diện của 2 nhạc sĩ Mặc Thế Nhân và Quốc Dũng, hai tên tuổi quen thuộc của giới sáng tác nhạc ở Saigon trước 75 ngày nào.
Tờ chương trình show Hội Ngộ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đêm thứ sáu 2 tháng 8 năm 2002 tại vũ trường Majestic
Ông lập gia đình với bà Ngọc Hân, nữ nghệ sĩ nhảy thiết hài đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 9 tháng 1 năm 1965 tại nhà hàng Quốc Tế. Bác sĩ Hà Xuân Du và vợ là ca sĩ Phương Tâm đến nay còn giữ bức ảnh đám cưới hôm đó và ông bà khi biết người viết đăng tải bài này đã từ San Jose gửi bức hình xuống để đăng trong loạt bài này.
Tiệc cưới nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trưa ngày 9 tháng 1 năm 1965 tại nhà hàng Quốc Tế. Cô gái phía sát góc phải bức hình là ca sĩ Phương Tâm và ban nhạc Phi Luật Tân phụ trách âm nhạc tiệc cưới này
Ông bà Nguyễn Ánh 9 có hai con trai đều là nhạc sĩ, Nguyễn Quang và Nguyễn Quang Anh. Do những khó khăn sau năm 1975, nhạc sĩ Nguyễn Quang không được cha khuyến khích đi theo nghề nhạc, nhưng anh đã chứng tỏ năng khiếu của mình từ lúc bé. Niềm đam mê âm nhạc đưa đẩy anh va chạm với thực tế qua việc tham gia biểu diễn và làm hòa âm với các ban nhạc tại Sài Gòn. Nhờ sự tiếp cận này, anh lãnh hội được kiến thức âm nhạc một cách toàn diện hơn là theo trường lớp. Những ban nhạc có anh cộng tác được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Năm 1989, một ban nhạc của anh chiếm huy chương vàng trong một cuộc thi nhạc thanh niên toàn thế giới tại Nam Hàn. Đây cũng là lần đầu tiên sau năm 1975 có một ban nhạc đại diện cho Việt Nam đoạt giải ở ngoại quốc. Ngoài chuyên môn hòa âm và biểu diễn, anh cũng sáng tác nhạc và có bằng tốt nghiệp đạo diễn âm nhạc tại Hoa Kỳ.
Năm 2008, nhân dịp đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tại nhà một người thân nơi ông và phu nhân đang lưu lại trong những ngày ghé chơi Nam Cali, và cũng được hầu chuyện cùng anh Nguyễn Quang về những cảm nhận của anh đã cùng Nhóm TCMT thực hiện chương trình cho thân phụ của mình.
– Hỏi: Thưa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, ông đã viết nhiều bản tình ca đi vào lòng người từ mấy thập niên qua, và mỗi thời kỳ hay bước ngoặc trong cuộc sống đánh dấu một giai đoạn sáng tác khác nhau. Tuy nhiên, nhìn lại quãng đường âm nhạc của mình, ông có thể chọn ra một bài hát tiêu biểu cho dòng nhạc Nguyễn Ánh 9?
– Nguyễn Ánh 9: Trong những bài hát tôi viết ra, bài tôi cảm thấy yêu thích nhất và nói lên được dòng nhạc Nguyễn Ánh 9 là bài “Cô Đơn”. Bài này tôi dùng chất nhạc gần như là bán cổ điển, nhẹ nhàng, mang ảnh hưởng của dòng nhạc Chopin. Từ hồi nhỏ khi đến với cây đàn piano, tôi đã rất thích dòng nhạc Chopin, đặc biệt là bài Nocturne cung Mi giáng trưởng, cho nên khi tôi viết bài “Cô Đơn”, tôi đến với âm hưởng bán cổ điển để trải lòng mình vào đó.
– Hỏi: Ông mất bao lâu để hoàn tất nhạc phẩm “Cô Đơn”?
– Nguyễn Ánh 9: Khá lâu, từ năm 1990 tới 1995. Như anh chị cũng biết, tiếng Việt của mình có nhiều dấu, khi viết phải làm sao cho nhạc và lời gắn bó với nhau, để những chữ hát lên không bị gượng ép. Thí dụ, thường thường, nhạc Việt hay dùng những nốt láy lên cho dấu hỏi, ngã. Thành ra, tìm chữ cho trau chuốt, nhẹ nhàng, vừa nói lên được tâm tư, triết lý của bài hát, vừa hợp với câu nhạc, mất rất nhiều thời gian.
– Hỏi: “Cô đơn” là cảm giác như thế nào?
– Nguyễn Ánh 9: “Cô đơn” ở đây không phải trong tình yêu trai gái, mặc dù người nghe dễ hiểu như vậy. Tôi muốn nói tới sự cô đơn của một cặp bài trùng như Bá Nha – Tử Kỳ, giữa người nhạc công và người ca sĩ. Khi đã đàn hát với nhau lâu rồi, họ quen nhau, họ tung hứng, hòa hợp trên sân khấu để đưa một bài hát đến người nghe. Nhưng một lúc nào đó, giọng hát tiếng đàn phải chia tay, thì dù người nhạc công đó đệm cho một ca sĩ nào khác, hay người ca sĩ đó hát với một tiếng đàn nào khác, họ không còn có chung một tần số để có thể đạt đến đỉnh cao nghệ thuật nữa.
– Hỏi: Làm sao một ca sĩ diễn đạt được bài hát này đúng ý tác giả?
– Nguyễn Ánh 9: Mỗi người có một phong cách hát khác nhau, nhưng họ thường nghĩ về tình yêu trai gái khi hát bài này. Ca sĩ nào khi hát mà nghĩ đến sự thiếu vắng một người nhạc công đệm cho mình, thì sẽ thích hợp với ý của tôi hơn vì họ hiểu được tâm trạng của bài hát.
– Hỏi: Ông có thể cho biết một đặc điểm âm nhạc của bài “Cô Đơn”?
– Nguyễn Ánh 9: Bài hát ở cung Đô trưởng, có chuyển rất nhẹ qua La thứ, rồi lại trở về Đô trưởng. Trong âm nhạc, hai thang âm Đô trưởng và La thứ liên quan với nhau; tôi muốn dùng quan hệ âm nhạc này để nói lên sự gắn bó giữa người ca sĩ và người nhạc công. Đoạn đầu và đoạn cuối ở cung Đô trưởng, gợi nên hình ảnh người nhạc sĩ; đoạn giữa ở cung La thứ là hình ảnh người ca sĩ. Thường ở đoạn cuối một bài hát, nhạc sĩ hay viết cao trào, để ca sĩ có dịp gào thét lên, nhưng trong bài này không có cao trào, mà người hát phải lắng sâu xuống, để tìm lại kỷ niệm của mình, thì mới biểu lộ được hết ý nhạc. Có vài ca sĩ hát tới đoạn này, lên một quãng tám để tạo sự mạnh mẽ, vì hát trên sân khấu lớn. Thay vì vậy, nếu hát bài này trong một club nhỏ, để đến đoạn cuối, ca sĩ từ từ hát nhỏ dần đi, đèn sân khấu vặn nhỏ xuống, thì sẽ hợp với bài hát hơn. Càng sâu lắng, càng nhẹ nhàng, càng tốt, vì mình hiểu đó là tâm trạng của người cô đơn.
Hà Trần – Cô Đơn (Nguyễn Ánh 9) PBN 83
Hà Trần – Cô Đơn (Nguyễn Ánh 9) PBN 83
– Hỏi: Cám ơn ông. Bây giờ xin được hỏi thăm anh Nguyễn Quang về những cảm xúc của anh về chương trình nhạc Nguyễn Ánh 9?
– Nguyễn Quang: Tôi rất là xúc động khi thực hiện được chương trình này cho một nhạc sĩ với tình cảm của một người đã từng được ông dạy nhạc, của đồng nghiệp dành cho nhau, và nhất là của một người con dành cho cha mình.
– Hỏi: Khi ngồi đối diện với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 để chuẩn bị song tấu piano trong chương trình, anh đã có những ý nghĩ gì?
– Nguyễn Quang: Có lẽ lần đầu tiên trên một sân khấu của người Việt mình có hai cây đàn piano với hai cha con ngồi hai đầu. Khi đèn mở lên, mình nhìn lên đối diện với ba mình, lúc đó xúc động rất nhiều, nhất là khi nghĩ đến chuyện ông già tuyên bố từ giã sân khấu, mình không biết mai mốt còn có cơ hội nào để đánh với ba mình như vậy nữa hay không. Ở nhà thì dễ rồi, nhưng được ngồi đối diện với khán giả, đây là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng.
– Hỏi: Khán giả và ca nhạc sĩ trong ngoài nước biết đến Nguyễn Quang nhiều qua công việc hòa âm. Anh có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về cách thực hiện hòa âm cho một bản nhạc?
– Nguyễn Quang: Thực sự mình cũng chẳng phải giỏi gì đâu. Khi làm hòa âm, mình nghiên cứu bài nhạc để hiểu rất kỹ ý tác giả. Thứ nhất, mình xem họ có điều gì muốn nói qua bản nhạc, rồi có những điều họ muốn nói mà không nói ra được, thì mình phải diễn đạt cho lộ ra được cái điều họ muốn nói. Kế đó, mình mới chọn ca sĩ nào thích hợp với bài nhạc và luôn cả nội tâm của bài nhạc đó. Thí dụ, trong chương trình Ngô Thụy Miên – Từ Công Phụng – Vũ Thành An cũng do Nhóm TCMT thực hiện, mình phải chọn phong cách hòa âm sao cho mỗi nhạc sĩ có được một màu sắc khác nhau. Không biết mình có khó tính quá hay không (Cười)! Rồi mỗi bài hát của cùng một nhạc sĩ phải có những tone màu đậm lợt khác nhau nữa.
– Hỏi: Trong bài hát “Lặng Lẽ Tiếng Dương Cầm” của Nguyễn Ánh 9, anh có dùng một trích đoạn ngắn của Chopin. Cũng có nhiều nhạc sĩ viết nhạc cổ điển sử dụng trích đoạn hay ý nhạc của nhạc sĩ khác, nhất là những câu nhạc đã nổi tiếng. Tại sao anh chọn thủ thuật này?
– Nguyễn Quang: Đó là một cách để nói lên điều mình muốn nói. Mình cũng có thể tự viết một đoạn nhạc cho vào đó, nhưng mình nghĩ bài “Tristesse”, một étude cho piano của Chopin, hầu như người yêu nhạc nào cũng biết, và giai điệu đó cũng hợp với tâm trạng tác giả khi viết bài nhạc. Nhất là ba mình thần tượng Chopin nữa; ông viết “Lặng Lẽ Tiếng Dương Cầm” trên nét nhạc Chopin. Mình dùng giai điệu nổi tiếng “Tristesse” để vẽ lên thật cô đọng về nỗi buồn của người nhạc sĩ khi ánh đèn màu đã tắt, khán giả ra về chưa chắc đã nhớ những gì họ vừa nghe; về đến nhà, chỉ còn một mình nhạc sĩ ngồi lặng lẽ trước cây đàn. Mình không thể nào, cho tới chết, cũng không thể viết được một câu nhạc hay đến như vậy, cho nên đành phải mượn của Chopin. Rồi từ giai điệu đó, mình mở ra những ý tưởng âm nhạc khác, hoàn toàn mới lạ cho phần hòa âm của bài nhạc.
– Cám ơn anh đã trả lời phỏng vấn này
Poster Show Nguyễn Ánh 9 “Lặng Lẽ Tiếng Dương Cầm” ngày 2 tháng 3 năm 2008 tại hí viện La Mirada
Trầm Từ Đông – Văn Điệp thực hiện.
Dòng Nhạc Vàng