Khác với ngôn từ “nhiệt liệt chào mừng”, “tinh thần chiến thắng bất diệt” cuồn cuộn trên thông tin dòng chính, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã chia sẻ những góc nhìn đầy ưu tư về ngày 30/4.
Trong tình hình “chống dịch như chống giặc”, không khí kỷ niệm ngày 30/4 tại Việt Nam có vẻ trầm hơn so trong cột mốc 45 năm.
Dù thế, các phương tiện thông tin chính thống, đặc biệt là các báo, đài trực thuộc cơ quan đảng và nhà nước, vẫn tràn ngập “tinh thần chiến thắng”, “khí thế hào hùng”, “đánh tan Mỹ, Ngụy”.
Chỉ khi bước lên những nền tảng ít nhiều còn nằm ngoài sự kiểm duyệt của nhà nước, như mạng xã hội Facebook, người ta mới thấy một không khí đa chiều hơn. Nhiều người treo cờ đỏ chào mừng chiến thắng. Không ít người tưởng niệm “ngày mất nước.”
Vậy những người Việt trẻ tuổi chào đời rất lâu sau ngày chiến tranh kết thúc nghĩ gì về cuộc chiến Việt Nam, về hận thù và hòa giải?
BBC News Tiếng Việt đã có dịp phỏng vấn ba người trẻ có xuất thân khác nhau, đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực để ghi lại những ý kiến có lẽ không bao giờ xuất hiện trên báo đài trong nước.
Không phải “ngày thống nhất”
Nhà văn Lê Hữu Nam, 34 tuổi, cây viết trẻ nhiều sách được quần chúng đón nhận như Con đến như một phép màu, Mật Ngữ Rừng xanh, Xứ Mộng Hồn Hoa,.. chia sẻ với BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn hôm 29/4:
“Thuộc thế hệ sinh ra sau cuộc chiến và được giáo dục bởi những người thắng cuộc, tôi được dạy ngày 30/4 lúc bấy giờ là ngày giải phóng, ngày thống nhất đất nước. Tuy nhiên, khi đọc nhiều hơn, gặp gỡ và tiếp thu hơn, tôi nhận ra rằng người miền Nam trước 30/4/1975 đã có một chính quyền chính danh, họ hưởng một nền độc lập với một nền cộng hòa hợp pháp, như người dân miền Bắc với nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Đối với tôi bây giờ, gọi 30/4 là ngày thống nhất đất nước thì chưa chính xác.”
Theo nhà văn, “là một người luôn quan tâm đến những gì đã và đang xảy ra trên đất nước mình, ngày 30/4 với tôi là một ngày buồn.”
Nguyễn Vi Yên, 25 tuổi, nhà hoạt động xã hội và hiện là chủ nhiệm nhóm Tinh Thần Khai Minh, hiện đang sống ở Philippines, chia sẻ rằng dù sinh sau chiến tranh nhưng “trong cả nhà bên nội lẫn nhà ngoại đều có những người đã hy sinh cho nền độc lập của Việt Nam Cộng Hòa”.
Vi Yên cho biết:
“Trong những buổi chuyện trò nhắc nhớ thời xưa cũ, ba má tôi thường kể về biến cố 30/4/1975 như một vết thương khó lành gây ra bởi sự khắc nghiệt của chiến tranh, vốn được tô vẽ, trau chuốt bởi ngôn từ và lý tưởng. Song họ không gởi gắm vào chúng tôi bất cứ tình cảm yêu ghét hận thù nào. Có chăng, câu chuyện cũng chỉ mang hơi hướm luyến tiếc một cái gì đó đẹp đẽ đã vĩnh viễn mất đi.”
Lớn lên trong một gia đình như vậy, Vi Yên xem “biến cố 30/4 được khắc họa như một sự kiện lịch sử của dân tộc giữa vô vàn sự kiện khác.”
Nhà văn Lê Hữu Nam chia sẻ dấu mốc dẫn tới những đổi thay nội tâm của anh:
“Vào ngày 30/4 năm 17 tuổi, tôi đến nhà một cậu bạn chơi, thì thấy ba cậu ta đang ngồi uống rượu và khóc một mình. Tôi mới hỏi tại sao, thì cậu ta giải thích do ba cậu ngày xưa là “Ngụy” nên ông xem đây là ngày mất nước. Từ đó hình ảnh một người đàn ông gầy gò, hiền lành nhưng đến ngày 30/4 chỉ uống rượu và khóc đeo bám tôi, gợi cho tôi những câu hỏi. Liệu đây có thực sự là ngày chiến thắng không, nếu là chiến thắng thì tại sao một dân tộc lại có người cười, kẻ khóc? Từ đó tôi luôn cố gắng tìm hiểu nhiều hơn từ hai phía, và không còn xem 30/4 là ngày vui của dân tộc nữa.”
Tương tự, Vi Yên, trong vai trò hỗ trợ người tị nạn, có dịp nhìn sâu vào bi kịch của chiến tranh qua những phận người mà cô gặp thời hậu chiến.
“Cái nhìn của tôi về ngày 30/4 dần trở nên thực tế hơn và cũng chứa nhiều cảm xúc hơn, sau khi tôi có cơ hội gặp gỡ với cộng đồng người Việt hải ngoại, những người đã vượt biên rời Việt Nam sau khi Sài Gòn sụp đổ,” cô chia sẻ.
Cô kể:
“Tôi không sao quên được những ngày ghé nhà chú Phong, một người Việt ở Bỉ, nghe chú say sưa kể chuyện chôn dầu vượt biển rồi cho coi hình con tàu của chú lênh đênh nơi biển lạnh mênh mông. Khi quây quần một tối nọ với anh Cảnh và cả đại gia đình anh ở Copenhagen, tôi được nghe bao chuyện thăng trầm trong các trại tị nạn. Rồi có lần, một người anh lái xe đưa tôi đi từ thành phố Monchengladback tới vùng Frankfurt nước Đức, lúc anh mở mấy băng nhạc cũ của miền Nam, tôi không khỏi xúc động khi thấy anh rơm rớm nhắc rằng đã hơn bốn mươi năm chưa một lần thấy lại quê nhà.”
Vi Yên cũng cho rằng hiểu về bối cảnh lịch sử và các biến cố là một cách đúng đắn để xác định thái độ đối với thời cuộc. Tuy nhiên, “tôi nhận thấy rằng, chính những tiếp xúc với con người đã giúp tôi có được cái nhìn đầy đủ hơn và giàu tính người hơn về lịch sử.”
Từ Hà Nội, một nhà báo trẻ giấu tên, 30 tuổi, chia sẻ với BBC Tiếng Việt hôm 29/4:
“Suy nghĩ của tôi về 30/4 thay đổi nhiều nhất từ 2-3 năm nay khi tôi tác nghiệp những đề tài liên quan tới chiến tranh. Tôi bắt đầu tự hỏi có nên ăn mừng vào ngày này không, sách về lịch sử dường như chỉ một bên viết, thiếu khách quan. Tôi luôn có sự lấn cấn, người lính dù ở bên nào thì bố mẹ họ sinh ra không bao giờ mường tượng đứa con mình sẽ hy sinh trong một trận chiến. Tôi luôn cảm thấy cần có sự tưởng niệm hơn là ăn mừng phe ta toàn thắng.”
Hòa giải cần thực tâm và văn minh
Đã 45 năm trôi qua kể từ khi chiến tranh chấm dứt, nhưng xung đột, tranh cãi vẫn chưa bao giờ lắng dịu. Nhà nước Việt Nam luôn nhấn mạnh hòa hợp, hòa giải, nhưng chắc chắn đây vẫn sẽ là chủ đề bàn luận của rất nhiều năm nữa.
“Những nhân vật trong chính quyền Việt Nam đã nhắc về hòa hợp, hòa giải dân tộc sau chiến tranh, có thể kể đến ông Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Minh Triết. Tôi không hoài nghi thực tâm của họ. Song tôi cảm thấy kỳ khôi khi một mặt chính quyền Việt Nam kêu gọi hòa hợp, hòa giải, mặt khác, trong những ngày này, họ giương cờ hoa khắp phố, mở loa đài hát mừng giải phóng miền Nam, mùa xuân đại thắng,” Vi Yên đặt vấn đề.
“Làm sao những rạn nứt có thể được chữa lành, để các bên có thể ngồi lại hòa hợp, hòa giải, nếu chỉ có một bên đơn phương đặt ra phương cách theo lối kẻ thắng áp đặt như trước nay nhà cầm quyền Việt Nam vẫn quen làm?”.
Theo cô, nếu chính quyền Việt Nam thực sự mong muốn hòa hợp, hòa giải, họ cần phải có một cách tiếp cận thực tâm hơn và văn minh hơn.
Nhà văn Lê Hữu Nam cho rằng người trẻ muốn hướng đến tương lai hơn là kẹt giữa những xung đột quá khứ.
“Cộng sản hay quốc gia không có quá nhiều ý nghĩa với tương lai của chúng tôi. Đến lúc này đối với tôi cả hai bên đều là người Việt Nam, chúng ta không thể cứ mãi thù ghét nhau nếu còn nghĩ đến tương lai con em mình.” Nhà văn tin “sự chia rẽ nào cũng phải đến lúc được hàn gắn. Điều này bây giờ nghe có vẻ khó, nhưng tôi tin sẽ có sự thay đổi tích cực.”
Còn nhà báo trẻ từ Thủ Đô Hà Nội cho rằng:
“Mang tổn thương, căm hận suốt đời thì nên cần có sự hoà giải cho cá nhân của mỗi người chứ không phải những khái niệm đao to búa lớn như tinh thần dân tộc. Tôi nghĩ nên bắt đầu việc hòa giải bằng cách cho những người chịu tổn thương cả hai phía được lên tiếng, chứ không phải những cán bộ hô hào.”
Nền độc lập khiếm khuyết
Về nền độc lập quốc gia và quyền tự do của mỗi công dân, sau 45 năm, Việt Nam có được những gì?
Nhà văn Lê Hữu Nam đánh giá: “Hiện tại chỉ có độc lập về mặt địa lý. Còn xét về con người thì 45 năm qua tính độc lập còn rất mơ hồ. Bởi vì người Việt sau bao thế hệ đã hi sinh xương máu, vẫn phải sống trong một xã hội bị gò ép bởi các chính sách bảo thủ và nghèo nàn.”
Anh cũng chỉ rõ các vấn đề của đất nước:
“Nạn tham nhũng tràn lan, người lạm dụng chức quyền uy hiếp, chiếm đoạt đất đai của cải của người dân. Không có bầu cử tự do, không có nền báo chí và xuất bản tự do, và khi tiếng nói của người dân không được đáp lại thỏa đáng, thì hai từ độc lập chỉ mang tính tượng trưng tuyên truyền mà thôi. Nhưng tôi tin vào tương lai, một tương lai mà ở đó chính quyền với người dân tìm ra tiếng nói chung. Tương lai mà tất cả người Việt Nam cùng chung tay xây dựng đất nước phồn vinh, công bằng và dân chủ.”
Với góc nhìn của một nhà hoạt động xã hội, Vi Yên chỉ rõ chính sách không khoan dung của chính quyền:
“Sau 45 năm kể từ ngày mà nhạc sĩ Văn Cao gọi là mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, hàng trăm nhà hoạt động Việt Nam vẫn đang chịu cảnh ngục tù chỉ vì chống lại bất công trong xã hội. Đây không phải là chuyện xa lạ.”
“Hàng chục năm nay, đã có rất nhiều nhà trí thức chỉ ra điểm yếu kém của thể chế chính trị độc tài tại Việt Nam. Cùng lúc đó, rất nhiều người ở khắp các miền quê trở thành nạn nhân của bất công và đàn áp. Tôi nghĩ, trong thực trạng chính trị khắc nghiệt này, con đường đi đến một nước Việt Nam dân chủ, tự do, và phồn thịnh sẽ còn dài và còn nhiều trắc trở mà chính người dân phải nỗ lực vượt qua,” cô nhận xét.
Với nhà báo trẻ giấu tên, cô cho rằng chiến tranh đã là chuyện của quá khứ:
“Tôi nghĩ nền độc lập, tự do mà thế hệ tôi được hưởng không nên chỉ vin vào những hy sinh, đổ máu của cuộc chiến mà vào sự minh bạch của nhà nước bây giờ. Cụ thể, với đồng thuế mà tôi đóng hàng tháng từ đồng lương của mình, nhà nước phải làm sao để xứng đáng với nó”, cô nhấn mạnh.
Theo BBC