Không biết từ lúc nào, có lẽ chỉ vài năm trở lại đây thôi, những người tôi gặp luôn nói về Sài Gòn trong những cuộc trò chuyện. Dù bên bàn cà phê, trong quán ăn hay ở nhà riêng, thậm chí, trong thư điện tử và trên mạng xã hội, tôi cũng có cảm tưởng như mình chẳng thể nào thoát được chủ đề đó. Cả những người tôi gặp lần đầu và không sống ở đây, họ cũng nói về thành phố này. Có những người tuổi nhỏ hơn tôi một con giáp, cũng đang nói về Sài Gòn xưa. Có người bàn về lịch sử, có người tìm ký ức thành phố trong kiến trúc cũ, có người lục lọi sách vở.
Người Sài Gòn vẫn âm thầm và hy vọng điều gì?
Rất nhiều lần, tôi tự hỏi cớ sao lại như vậy?
Một buổi tối nọ, chúng tôi ghé thăm căn hộ một người bạn bên quận 7, rồi cà kê uống rượu tới khuya với mấy người quen của anh. Những câu chuyện của chúng tôi, dù thay đổi từ chủ đề kinh tế, y khoa, âm nhạc hay con cái, vẫn nhiều lần quay trở lại với Sài Gòn.
Đột nhiên, giữa câu chuyện đó, người phụ nữ xinh đẹp trong nhóm – người từng được vinh danh về nhan sắc nhưng thậm chí còn nhận được nhiều sự tôn trọng hơn bởi sự hiểu biết của mình – bỗng thổ lộ lý do khiến cô rời xứ sở. Cái thành phố ở hợp chủng quốc mà cô đang sống đó, không phải là nơi hoàn toàn tốt đẹp, như rất nhiều thành phố khác trên thế giới này, nó vẫn đang đối mặt với vô số vấn đề rắc rối và mâu thuẫn nọ kia. “Nhưng anh chị biết không” – cô nhìn chúng tôi với đôi mắt mở to, trong và buồn – “dù thế nào đi nữa, ở đó, tôi thấy có hy vọng.”
Chúng tôi nâng ly để chia sẻ sự đồng tình với cô, rằng: “Người ta có thể chết vì rất nhiều thứ, nhưng có ít nhất một thứ khiến người ta muốn sống. Hy vọng.”
Nghe cô nói, tôi chợt nghĩ về cái chủ đề mà gần đây tôi dường như không thể thoát khỏi: Sài Gòn. Có lẽ nào, người ta cũng đang nói về Sài Gòn như một cách tìm kiếm hy vọng. Chúng ta nói gì khi nói về Sài Gòn? Chúng ta nói về hy vọng.
Rất nhiều người Sài Gòn tôi gặp mang tâm trạng của chàng du khách trong thơ Nguyễn Bính, “ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên”. Thật lạ lùng, vì không chỉ người già mới hoài nhớ quá khứ, mà người trẻ cũng vội vã tìm về hôm qua. Khi nói đến hy vọng chúng ta thường nghĩ đến tương lai, nhưng bây giờ ở Sài Gòn, có vẻ mọi người hy vọng nhiều hơn khi nghĩ về quá khứ.
Hy vọng tìm lại, hy vọng giữ được, hy vọng đừng mất…
Người Sài Gòn vẫn âm thầm và hy vọng điều gì?
Những người già ở Sài Gòn kể rằng thành phố này từng có một thời, khi mà Sài Gòn không-chỉ-là-đất-làm-ăn, khi mà người Sài Gòn không cố trở thành ông chủ hay thương gia hết thảy. Có một thời, ở xứ này người nào làm việc nấy, chuyên tâm với chức trách và luân lý nghề nghiệp của mình một cách hãnh diện. Nhờ đó, giá trị được tạo ra một cách quân bình ở mọi lãnh vực và phương diện khác nhau chứ không chỉ thể hiện trên hàng hoá. Thương gia thì buôn bán. Giáo sư thì dạy học. Nghệ sỹ trình diễn. Triết gia suy tưởng. Chính khách lo kinh bang tế thế. Quân nhân bảo vệ đất nước. Các đảng phái giám sát lẫn nhau. Thầy thuốc thì chữa bệnh. Thợ may làm ra quần áo đẹp. Cha mẹ nuôi dạy con. Trẻ nhỏ thì vô lo và nghịch ngợm. Mục đích của việc dành dụm không nhất định là để được xếp vào hạng thượng lưu, mua thêm đất tậu thêm nhà hay phô trương thanh thế, mà để được hưởng thụ đời sống tinh thần ở mức cao hơn, và giúp người. Xã hội có người giàu và người nghèo. Nhưng người giàu không quá khinh mạn, người nghèo dù khốn khổ vẫn có thể giữ lòng tự trọng, cũng như hy vọng. Giữa những lo lắng phập phồng bên lề chiến tranh và nhiệt thành bối rối của thời dân chủ sơ khai, giữa những chật vật về miếng cơm manh áo, là sự hiện hữu có thực của hy vọng.
Hy vọng chăm chỉ làm lụng thì có thể dư dật. Hy vọng học hành giỏi giang sẽ có ngày thành danh. Hy vọng tuân thủ luật pháp thì sẽ được nhà nước bảo vệ. Hy vọng nghệ thuật và tri thức được tôn vinh. Hy vọng lẽ phải và sự thật là điểm tựa cũng như cứu cánh của mọi cuộc tranh luận. Hy vọng người chính trực sẽ được bênh vực. Hy vọng tài năng được coi trọng hơn tiếng tăm. Hy vọng danh dự và liêm sỉ được coi trọng hơn tiền tài và quyền lực. Hy vọng Sài Gòn mãi là đất lành, nơi mà người lương thiện có thể an tâm dâng tặng giá trị của riêng mình cho đời sống.
Những hy vọng đẹp đẽ đó, chúng ta còn giữ được không?
Cũng như cái tâm thế thong dong của người Sài Gòn, không ít giá trị từng là điểm tựa của đời sống xã hội ở đô thị này đang tan biến dần đi trong sự xâm lấn mạnh mẽ của những đặc trưng văn hóa khác và cả những thứ phản giá trị tựa như đám nấm độc đang trồi lên khắp chốn, bởi thời thế hay số phận. Hiện thực đó khiến tôi lắm lúc có cảm giác vô phương cứu vãn. Nhưng những người Sài Gòn, tôi biết, họ vẫn âm thầm giữ hy vọng. Họ buồn bã và giữ hy vọng. Họ phẫn nộ và giữ hy vọng. Họ làm việc và giữ hy vọng.
Hy vọng tìm lại, hy vọng giữ được, hy vọng đừng mất…
Còn tôi, tôi hy vọng gì? Ngày qua ngày, Sài Gòn vẫn tiếp tục lướt trên những làn sóng văn hoá xô đến dồn dập, tiếp tục gồng mình chống chọi trước những cơn lốc đổi thay khó cưỡng, và đô thị này vẫn đang lớn nhanh hơn bao giờ hết, cao hơn, rộng hơn. Tôi chỉ mong nó đừng phát triển như một tòa cao ốc, mỗi tầng là một chốn tách biệt, mà tầng nào cũng tràn ngập thương gia.
Sài Gòn, xin hãy lớn lên như một cái cây, có lá, có hoa, dù vươn cao đến đâu, tỏa rộng chừng nào vẫn có thể cảm nhận được dòng nhựa sống từ đất đai và gốc rễ – những giá trị đã từng là niềm hãnh diện của mỗi cư dân trong quá khứ. Sài Gòn – xin hãy là một đô thị nuôi dưỡng được nguồn hy vọng cho cả xứ sở này.”
Và Sài Gòn – như một cái cây. Lại cây!
Trích lược
Bài được in trong tuyển tập “Sài Gòn phong lưu” – nhiều tác giả.
Bài được in trong tuyển tập “Sài Gòn phong lưu” – nhiều tác giả.
Đông Vi
Theo Facebook Sài Gòn – Chuyện đời của phố
https://phailentieng.blogspot.com/2018/07/nguoi-sai-gon-van-am-tham-va-hy-vong.html?fbclid=IwAR0Ar6a1x3ZveHp4Kr8rxOGc4GdqtblNyvWjazqhFxyaY5C3_KMln9I7lZE