NGƯỜI Ở LẠI RỪNG PHONG (Nguyễn Văn Tới)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nhớ về nhà văn Hoàng hải Thủy

May be an image of 3 people, people sitting, people standing and outdoors

Vợ chồng nhà văn Hoàng Hải Thủy và tác gia tại Virginia, 2013.

Năm 2020 là một năm đầy sóng gió, chết chóc, và tang thương cho toàn thế giới với nạn dịch Covid-19. Nước Mỹ yêu dấu của tôi cũng chịu chung một số phận, nạn dịch khiến nhiều gia đình mất đi những người mình yêu thương. Ngoài nạn dịch, cộng đồng người Việt vừa mất đi 2 khuôn mặt nghệ sĩ nổi tiếng, 2 cây đại thụ, một là danh ca Mai Hương và người kia là một văn, nhà báo, thi sĩ kiêm phóng tác gia nổi tiếng Hoàng Hải Thủy. Hai nghệ sĩ mất cách nhau đúng 7 ngày. Ca sĩ Mai Hương ra đi ngày 29 tháng 11, 2020, để lại trong lòng người yêu âm nhạc một giọng ca “dệt nên sợi tơ vàng” trong nền tân nhạc Việt Nam. Nhà văn Hoàng Hải Thủy, ra đi ngày 6 tháng 12, 2020, để lại một kho tàng đồ sộ văn chương, thi phú, phóng tác, và đủ các thể loại khác nhau.
Thông thường những người viết về những kỷ niệm của họ với các người nổi tiếng vừa mới ra đi trong cộng đồng người Việt hải ngoại là những người đồng niên đồng tuế, những người bạn tâm giao hay những người bạn văn nghệ sĩ vì họ cùng thời với nhau, có cùng một đam mê, một nhân sinh quan, và một thời sinh hoạt với nhau trên các văn thi đàn hay sân khấu. Tôi chỉ là một người thuộc thế hệ sau, xa lắc xa lơ, một đứa con nít, lại không phải là một văn nghệ sĩ, dù chỉ là một văn nghệ sĩ quèn không ai biết tên. Nhưng tôi có may mắn được gặp và sống gần ông, rất gần, trong một thời gian dài, không phải cuộc sống ngoài đời tươi đẹp mà ở trong phòng 10 khu ED, khám Chí Hòa.
Ai cũng biết sau tháng 4 năm 1975, toàn miền Nam sống trong một nhà tù to lớn như sống trong một trại súc vật với những con vật bình đẳng như nhau, trong đó có những con vật bình đẳng với nhau hơn những con khác. Những người dân bị tù chính trị đều không xa lạ với những trại giam T 30 thường được gọi là khám lớn Chí Hòa, hay trại số 4 Phan Đăng Lưu, những trại giam mà khi nghe tên người tù biết mình sẽ phải ở đó một thời gian rất lâu không biết ngày trở về. Ngày đó, tất cả văn nghệ sĩ miền Nam “chưa được bồi dưỡng chính trị” hầu hết không vào tù thì cũng bị cấm viết. Tôi gặp nhà văn Hoàng Hải Thủy trong hoàn cảnh đó.
Từ khu biệt giam, tên công an cai tù dẫn tôi ra phòng tập thể số 10 khu ED. Tiếng cánh cửa phòng và ổ khóa loảng xoảng mở ra, tên tù gầy nhom như bộ xương biết đi bị đẩy vào trong. Còn ngỡ ngàng chưa quen với một số quá đông người trong phòng, hơi nóng, mùi mồ hôi cơ thể nhiều ngày không tắm xộc vào mũi làm tôi nghẹt thở. Trong phòng biệt giam, tuy đói ăn và buồn thê thảm nhưng yên tĩnh, chỉ có mùi hôi riêng của mình đã quen, không làm cho tôi dội ngược như trong lúc này. Anh trưởng phòng dẫn tôi đến chỗ nằm mới, kế bên cái cầu tiêu và thùng nước sinh hoạt chung cho cả phòng. Nhiều cặp mắt chăm chú nhìn tôi dò xét. Tôi cũng kín đáo đưa mắt quan sát chung quanh để đánh giá tình hình. Hình như mình là một trong vài tù nhân trẻ nhất trong phòng.
Chiều hôm đó, sau khi sinh hoạt, kiểm điểm, và điểm danh số người trong phòng, anh trưởng phòng giới thiệu tên tôi với mọi người, đọc nội quy phòng, và hỏi tôi có thắc mắc gì không, sau đó ai nấy trở về chỗ mình nằm. Người thì trò chuyện với nhau, người thì ngồi trầm tư một mình, có những người khác xếp bằng ngồi thiền hoặc đọc kinh, mạnh ai nấy lo chuyện riêng tư của mình. Tôi ngồi một mình một góc, đầu óc hỗn độn hoang mang suy nghĩ lung tung. Vài bạn tù trạc tuổi tôi đến hỏi thăm và cho tôi một vài điếu thuốc rê, tiện dịp hỏi thăm tôi vào tù vì tội gì. Vì cảnh giác trong thời cộng sản nên tôi chỉ trả lời vô thưởng vô phạt khiến họ thất vọng và trở về chỗ cũ.
Trời tối một lúc lâu, anh trưởng phòng vỗ tay vài tiếng, yêu cầu mọi người im lặng, đã tới giờ “chiếu phim”. Các phòng kế bên là phòng 9, 11, và 12 cũng lên tiếng xin mọi người im lặng để nghe “phim”. Ở một góc phòng, một người đàn ông tóc bạc trắng như bạch kim, tuổi khoảng trên 50, rất đẹp lão, ngồi dựa lưng vào tường, đang phì phà điếu thuốc rê, nhả khói mù mịt, ông đằng hắng lấy giọng giới thiệu cuốn phim hôm nay mang tựa đề “Như truyện thần tiên”. Khán thính giả vỗ tay ào ào. Giọng ông cất lên sang sảng, trong veo, và mạnh mẽ khác thường, tiếng kể chuyện vang xa qua các phòng kế bên. Tôi thầm phục sao ông ta lại có một giọng kể đầy nội lực, lôi cuốn và hấp dẫn đến thế.
Nhắm mắt lại, nghe giọng đọc truyền cảm và lôi cuốn, tôi tưởng như trước mặt tôi là một màn ảnh lớn, cuộn phim được chiếu lên với các tài tử diễn viên thật. Nhân vật chính đang nằm ngửa thả trôi trên biển vắng, nhìn lên bầu trời xám xịt, không xa là chiếc du thuyền đang chìm dần. Cứ như thế, ông già đầu bạc đưa người nghe say mê vào câu chuyện như đang ngồi trong rạp xi nê trước màn ảnh lớn. Cả phòng im lặng để nghe cho rõ từng câu từng chữ, say mê và hồi hộp.
Từ ngày miền Nam mất vào tay cộng sản, tôi không còn được coi một phim nào có giá trị nghệ thuật cho đến giờ phút này, tôi như được đưa trở lại với những cuộn phim màn ảnh đại vĩ tuyến của ngày xa xưa. Mọi người trong phòng thả hồn theo giọng kể của ông một cách say sưa, không ai dám đi lại hay gây một tiếng động nào, sợ sẽ đánh mất đi những đoạn hồi hộp trong phim. Một anh bộ đội người ngoài miền Bắc bị tù vì tội cắp của công đem bán chợ trời, ngồi há hốc mồm, chảy cả nước dãi, ngồi nghe mải miết quên cả hút thuốc lào sợ tiếng động làm cuốn phim đứt mạch. Đến khi “người chiếu phim” tạm ngưng và hẹn sẽ được tiếp tục chiếu vào lần kế tiếp, mọi người đều ngẩn ngơ tiếc nuối nhưng vì nội quy phòng, nên ai nấy phải giữ im lặng và đi ngủ.
Tôi hỏi người bạn tù kế bên ông ấy là ai mà kể chuyện hay quá như một nhà văn chuyên nghiệp. Anh ta cười trả lời: “Thì nhà văn Hoàng Hải Thủy đó chứ ai”. Tôi đã nghe và biết tiếng nhà văn Hoàng Hải Thủy trước năm 1975, và sau ngày thua cuộc, khi còn ở ngoài đời, qua báo chí của chính quyền cộng sản. Trong tờ Tuổi Trẻ, tôi có theo dõi bài viết của Huỳnh Bá Thành, một tên họa sĩ nằm vùng, giờ là tổng biên tập tờ báo công an thành Hồ, hắn và đồng bọn viết bài “Những tên biệt kích cầm bút” để nói xấu văn nghệ sĩ miền Nam. Vụ án này xôn xao cả nước lúc bấy giờ. Tôi đọc để coi bọn chúng viết láo đến chừng nào vì lý lẽ của kẻ mạnh lúc nào cũng đúng. La raison du plus fort est toujours la meilleure (LaFontaine). Người dân miền Nam thừa biết là chúng đặt chuyện để tiêu diệt tất cả nền văn hóa miền Nam mà chúng cho là chưa “quán triệt đường lối” của nhà nước.
Bản thân tôi rất cảm phục sự cam đảm những người văn nghệ sĩ chân chính này. Họ bị gán ghép là biệt kích văn nghệ, luôn điên cuồng chống phá cách mạng, nhưng hầu hết người miền Nam đều hiểu ngầm và hiểu ngược lại những gì cộng sản viết. Chính quyền cộng sản càng nói xấu văn nghệ sĩ thì người dân càng yêu mến họ hơn nhưng không ai dám để lộ ra tình cảm của mình. Nay bị ở tù, tôi mới được gặp một người trong nhóm là nhà văn Hoàng Hải Thủy mà tôi chỉ hình dung qua sách vở báo chí. Sau này tôi mới biết tất cả nhóm “biệt kích” nổi tiếng và đáng kính này gồm 8 người mà tôi còn nhớ tên đến bây giờ: Doãn Quốc Sĩ, Hoàng Hải Thủy, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt (RIP), Dương Hùng Cường (RIP), Khuất Duy Trác, Trần Ngọc Tự, và 2 người nữ là Lý Thụy Ý và cô Nguyễn thị Nhạn, nhân viên bưu điện, người đã giúp gởi các bài viết ra nước ngoài, tố cáo sự đàn áp của cộng sản.
Cái cơ duyên đưa đẩy tôi vào nhóm ăn chung với ông sau khi tôi đánh nhau với một người tù chính trị trong phòng mà tôi xin dấu tên, tạm gọi là anh PB, anh này trạc 40 tuổi, người hơi mập và to lớn hơn nhiều so với cái thân thể gầy nhom ốm yếu của tôi. Anh làm “ăng ten” hay bí mật báo cáo với cai tù những sinh hoạt của anh em tù trong phòng. Mọi người trong phòng âm thầm điều tra và dò hỏi 1 anh tù trật tự, anh này cho hay chính anh PB là thủ phạm. Trong phòng, hầu hết là tù chính trị, vài người tội kinh tế và ai nấy cũng đều khá lớn tuổi, nên dù biết rõ tên PB, nhưng không ai muốn dây dưa với hắn. Tôi là người tù trẻ nhất, lý tưởng, đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, nhưng hơi ngu, tôi chịu không nổi thái độ hèn hạ đó nên tôi tìm cách cho hắn một bài học theo kiểu Lục Vân Tiên thấy chuyện bất bình không ra tay không phải trượng phu.
Một hôm, sau giờ điểm danh sáng, khi cai tù đã đi xuống lầu, mọi người còn ngồi họp, anh trưởng phòng nói xa gần, xin anh em nên ý thức đừng để cán bộ biết những gì anh em làm trong phòng như cất dấu tài liệu học tiếng Anh, hâm đồ ăn bằng hỏa tốc, đánh lửa để hút thuốc, thậm chí làm rượu bằng chuối chín và thuốc Aspirin. Những chuyện này không đáng để anh em phải vào biệt giam, và làm khó anh trưởng phòng. Những mẹo nhỏ như vậy chỉ giúp cho cuộc sống của tù nhân dễ dàng hơn một chút mà thôi. Tên PB biết mọi người ám chỉ hắn nên hắn ta sừng sổ chửi thề, vẻ xấc xược vì biết cai tù sẽ bênh vực hắn. Tôi lên tiếng: “Có tịch thì rục rịch, phải không?”. Hắn tiến đến trước mặt tôi đang ngồi xếp bằng trên nền xi măng tiếp tục chửi thề, hắn nghĩ tôi là ma mới, cô độc một mình, dễ ăn hiếp. Tôi cao giọng: “Anh mà chửi nữa, tôi không để yên”. Hắn lại chửi thề: “Rồi mày làm con c… gì tao?”.
Chỉ chờ có thế, tôi bật dậy thật nhanh, tống vào miệng hắn một trái đấm làm lung lay 2 cái răng, tay tôi rướm máu. Tôi và hắn lao vào nhau vật lộn, chỉ sau 1 phút, tôi dộng đầu hắn xuống nền phòng, hắn phải buông tôi ra. Anh em trong phòng, lúc này mới giả bộ nhào vô can cho có lệ. Tôi đứng lên chuẩn bị đồ đạc cá nhân để vào biệt giam một tuần về tội đánh nhau. Ra khỏi biệt giam, tôi được thày Bảy trong nhóm ăn chung với nhà văn Hoàng Hải Thủy, thương tôi không thăm nuôi, kéo vào ăn chung. Thày Bảy là một tu sĩ công giáo và cũng là thày dạy học tôi trước năm 1975, khi mới vào phòng, tôi đã nhận ra thày nhưng vì tế nhị không dám nhận quen. Lúc này thày mới cho hay cũng đã nhận ra đứa học trò ngày xưa. Thày là người tù chính trị được cả phòng thương mến nhất và kính phục vì tính tình nho nhã, điềm đạm, hay giúp đỡ bạn tù, và rất khiêm nhường.
Từ đó tôi lo việc lãnh cơm và chuẩn bị đồ ăn cho cả nhóm, nói nôm na là lo điếu đóm, tôi chính thức gia nhập gia đình “Bát Tiên ông” gồm 7 người lớn tuổi và 1 đứa con nít là tôi. Tôi gọi nhà văn Hoàng Hải Thủy là bố, ông cũng nhận tôi là con. Trong nhóm có hai ông thày tu, thày Trí Siêu, Lê Mạnh Thát, vụ án chùa Già Lam, thày Bảy, tu sĩ công giáo, tội in ấn tài liệu công giáo và giữ bản thảo “Đồi Fanta” của nhà văn Duyên Anh; sau này chính quyền cộng sản mới cho thày chịu chức linh mục khi tuổi thày đã cao, còn lại là các bậc đàn anh sĩ quan VNCH khác. Lúc này tôi kiêm luôn việc quấn thuốc rê cho bố Thủy mỗi khi ông “chiếu phim”. Tôi thắc mắc hỏi sao bố hút thuốc như ống khói tàu mà giọng kể vẫn cứ mạnh mẽ oang oang và chẳng bao giờ ông bị ho. Sau này khi gặp lại nhau trên đất Mỹ, hai bố con đều bỏ được thuốc lá như một phép lạ.
Trích đoạn bài viết từ Rừng Phong của bố Thủy viết về thằng con dzởm là tôi, gặp lại ông bố dzởm HHT:
“Một hôm tôi đọc được lời Lâm Tới gửi đến Blog hoanghaithuy.com:
“Con là Tới, ở Phòng 10 với Bố. Số phone của con.. .. Bố phone cho con.”
Tôi phone cho Tới, và anh Con Dzởm với ông Bố Dzởm gặp nhau trên đất Kỳ Hoa. Tôi théc méc không hiểu bằng cách nào năm 1987 ở Phòng 10 ED Nhà Tù Chí Hoà, tên Tù Lâm Tới chỉ biết có hai tiếng Yes, No. Hai mươi năm sau gặp lại Nó ở xứ người – Bố Dzởm Tám Bó, Con Dzởm Năm Bó Gặp – Nó là chuyên viên về Máy Bay Không Người Lái của Không Quân Mỹ. Lâm Tới và vợ đến Virginia thăm vợ chồng tôi. Nó là đứa Con Dzởm duy nhất tôi gặp lại ở Kỳ Hoa Đất Trích.”(1)
Sống gần bố Thủy mới biết ông là người dễ mến, hiền lành,dễ gần gũi, thẳng tính, vui vẻ hòa đồng với mọi người và nhất là rất đời thường không kênh kiệu. Ông không bao giờ nói xấu ai bao giờ. Kẻ nào đến ông kể chuyện xấu về người tù khác, ông kiếm cách đổi đề tài ngay lập tức. Ông hay tâm sự rằng ông cũng nhát hít, sợ chết lắm, nhất là sợ bọn công an cộng sản. Ông hiểu cộng sản, nếu giết được nhóm văn nghệ sĩ của ông, họ sẽ không ngần ngại, nhưng nhờ thời thế lúc này đã khác với những ngày xưa trong thập niên 40; nhờ có sự can thiệp của mấy hội Ân Xá quốc tế, Amnesty International, và hội Văn Bút quốc tế, Pen International can thiệp nên chúng mới còn để nhóm ông sống.
Lần nào khi thăm nuôi gặp mặt gia đình trở vào, ông hay dựa lưng vào tường trầm tư cả buổi. Đến tối, bố con ngồi bên nhau hút thuốc, ông tâm sự: “Được gặp mặt gia đình thì vui, nhưng khi đi trở vào thì buồn quá. Nhất là con gái bố, Kiều Giang, nó phải đẩy xe đi bán bánh bao”. Tôi chỉ ngồi nghe mà không biết nói gì. Rồi bố lại than thở: “Gia đình cứ khuyên bố phải can đảm lên, cố lên đừng nản lòng vì các hội đoàn quốc tế đang lên tiếng về vụ việc của bố”. Ông thở dài não nuột: “Bố ở tù chứ gia đình có ở tù đâu nên người nhà đâu có hiểu”.
Để giết thời gian trong tù, chúng tôi hay học lén lút tiếng Anh bằng nhiều cách để qua mặt bọn cai tù. Thời gian đó, chính quyền cộng sản Việt Nam cho nhập về cuốn nguyệt san Sputnik của Nga, bắt chước theo cuốn Reader’s Digest của Mỹ, cùng một kích thước, và được viết bằng Anh ngữ để tuyên truyền về sự ưu việt của chủ nghĩa cộng sản. Nhờ tù trật tự mua dùm lén đem vô phòng, chúng tôi xé cuốn sách ra thành nhiều phần, mỗi người dấu một phần, nếu bị tịch thu chỉ mất phần đó mà thôi. Thày Trí Siêu dạy “học trò” môn này, thày rất khó tính, bắt mọi người phải tự đọc trước và dịch ra tiếng Việt cho đến khi nhuần nhuyễn mới đến trả bài, chữ nào sai, thày sửa; nếu vấp váp, thày bắt dừng ngay và về chỗ tự học lại. Nhiều người không vui vì ngoài đời, họ cũng là dược sĩ, bác sĩ, kỹ sư…nên họ tự ái, nhưng nếu không học thày Trí Siêu thì học ai. Thày tuyên bố chỉ dạy những người đã biết tiếng Anh chứ không dạy người mới học vỡ lòng.
Tôi biết thân phận nên không dám xin học thày, nhưng lòng thì không vui vì tôi vốn ham học lắm. Tôi xin bố Thủy dạy cho tôi. Bố khiêm nhường bảo: “Bố làm sao bằng thày Thát được, thày ấy là tiến sĩ học ở Mỹ về”. Năn nỉ riết, bố đồng ý dạy một mình tôi. 15 năm sống trong chế độ cộng sản, tôi không được đi học một ngày nào, nhất là tiếng Anh, khi tôi cầm cuốn Sputnik lên, những giòng chữ nhảy múa, tôi như đi lạc giữa rừng già. Vậy mà học với bố một thời gian, tôi bắt kịp các đàn anh “học trò” thày Thát. Nhờ vậy thời gian cũng qua mau và vốn liếng cóp nhặt đó giúp tôi rất nhiều khi qua đến Mỹ.
Mấy năm sống trong phòng cùng bố Thủy và anh em bạn tù đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi nghề nghiệp, tôi học được nhiều điều hay từ các bậc đàn anh, cha chú ngày xưa từng làm việc cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Tôi học được từ bố cách sống ở đời trong những hoàn cảnh trớ trêu như nơi tù tội. Hơn nữa, bố là người thày Anh ngữ đầu tiên của tôi. Một xã hội thu nhỏ trong căn phòng tù cũng nhỏ xíu, tôi mới thấy được nhiều gương mặt, nhiều tính cách mà trong tận cùng đau khổ, con người ta khó mà dấu được. Bố Thủy của tôi vẫn sống rất thật với con người và bản chất của một văn nghệ sĩ chân chính nhưng không kém phần lãng mạn.
Có lần bố ưu tư không biết bố có còn sống để thấy chủ nghĩa cộng sản sụp đổ trên quê hương mình hay không? Rồi cũng chính bố tự an ủi mình: Sẽ có một ngày đẹp trời, cộng sản Việt Nam sẽ phải chịu chung số phận với bọn đàn anh chúng. Cộng sản Nga và Đông Âu đã sụp đổ từ gốc rễ, mấy cành mục rỗng ở Việt Nam rồi cũng phải chết theo cây như một định luật tự nhiên. Khi ở Mỹ rồi, bố kể tôi nghe về tên trùm cộng sản Đông Đức Eric Honecker trốn chạy và chết nhục nhã ở Chile; vợ chồng tên bí thư cộng sản Romania, Nicolae Ceausescu, bị chính quân đội của hắn xử bắn như thế nào khi ngày tàn của chúng đến.
Rồi giòng đời đẩy đưa tôi trôi dạt qua đất Mỹ khi tuổi đời đã hơn lứa tuổi “tam thập nhi lập”. Tôi chỉ ước ao kiếm được một việc làm tay chân để nuôi bản thân. Tôi quên quá khứ, quên gia đình, bè bạn, quên cả giao tiếp với cộng đồng người Việt, ngày đêm chăm chỉ học hành và làm việc. Khi toàn thế giới đã bắt đầu xài internet, tôi đọc tin tức Việt Nam, thấy hình thày Thát ngồi với tên bí thư cộng sản Đỗ Mười trong dịp lễ Vesak, những hình ảnh cũ tràn về, tôi lần kiếm tin tức về nhà văn Hoàng Hải Thủy (2).
Năm 2013, khi gặp lại bố ở Virginia, tôi hỏi sao bố không về California có nắng ấm, có bạn bè, có đồ ăn Việt Nam. “Bố thích cỏ xanh, thích nhìn rừng Phong thay lá, và đặc biệt bố yêu thích Virginia vì nó là vùng đất của những người yêu nhau. Virginia is the land for Lovers”. Bố trả lời với một nụ cười thật tươi trên gương mặt giờ đây đã nhuốm màu thời gian qua những vết chân chim bên khóe mắt.
Bây giờ bố đã bỏ Rừng Phong lại sau lưng để đi về nơi miên viễn cùng với má. Bố và má, những người yêu nhau ở Rừng Phong, Virginia; khi về miền đất miên viễn, bố và má vẫn mãi mãi là những người yêu nhau. Đại văn hào Mark Twain có câu: Cuộc sống là trò chơi mà không người nào thắng. Life is a game, which no man wins. Con người, ai rồi cũng phải trước sau, bước lên chuyến tàu cuộc đời để đi về miền đất thênh thang, bố đã sống một cuộc đời bi hùng nhưng đẹp đẽ, giữ được khí tiết của người viết văn. Sự ra đi của bố nhẹ nhàng thanh thản, như cây đèn dầu cạn dần được cất đi để chờ đón ánh bình minh đang ngự đến. Bố ơi, hãy ngủ yên trên vùng đất của những người yêu nhau.
NGUYỄN VĂN TỚI. 12-2020.