NGƯỜI LÍNH CÔNG BINH CHIẾN ĐẤU VNCH PHẠM VĨNH NINH (1949-3/1975) (LNTH/SaiGonTrongToi)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

…người chết 2 lần, thịt da nát tan !!!

May be an image of outdoors

Các Chiến Sĩ Đại Đội C, Tiểu Đoàn 102 Công Binh Chiến Đấu VNCH đang lắp ráp cầu phao qua sông Mỹ Chánh, Quảng Trị ngày 19-06-1972. 

May be an image of outdoors

Trường Công Binh Việt Nam Cộng Hòa tại Bình Dương 1967

May be an image of sky and text that says 'Sài Gòn trong.tôi Trường Công Binh VNCH, Bình Dương'

May be an image of outdoors

Trường Công Binh Việt Nam Cộng Hòa tại Bình Dương

May be an image of one or more people, people standing and outdoors

Trường Công Binh Việt Nam Cộng Hòa tại Bình Dương trước đây là Trường Thiếu Sinh Quân Pháp. 

Xin tưởng niệm tất cả anh linh của các Chiến Sĩ Công Binh VNCH Vị Quốc Vong Thân. Đặc biệt tưởng niệm anh linh Cố Thiếu Úy Phạm Vĩnh Ninh CBCĐ VNCH KT 69. Kính tặng quân phụ Phạm Đăng Lân, người lính già kỳ cựu của ngành Công Binh VNCH.
Mến tặng tất cả Chiến Sĩ Công Binh VNCH; đặc biệt các chiến sĩ xuất thân từ ĐH Kiến Trúc Viện Đại Học Sàigòn. Cám ơn các anh Nguyễn Thái Hòa KT 66 và Nguyễn Hòang Phố KT 69 đã khích lệ và cung cấp tài liệu giúp tôi hòan thành bài viết này.
Sơ lược về sự thành lập và cơ cấu tổ chức của binh chủng CÔNG BINH quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Vào năm 1951, ngành Công Binh được hình thành chỉ với 2 Đại Đội Công Binh Chiến Đấu mà tên gọi được đặt theo quân khu trực thuộc . Đó là Đại Đội 2 và 3. Các Đại Đội 4, 1, 5 và 6 đã được thành lập tiếp nối sau đó.Vào thời điểm này, tầm hoạt động của Công Binh Việt Nam còn nằm trong phạm vi của Công Binh Pháp.
Theo thời gian và thuận theo đà phát triển của quân vụ, ngành Công Binh đã phát triển từ cấp Đại Đội lên Tiểu Đòan rồi Liên Đòan. Năm 1964 Bộ Chỉ Huy binh chủng Công Binh chính thức mang tên Cục Công Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Liên Đòan Công Binh Việt Nam Cộng Hòa, vốn là một Lực Lượng Tổng Trừ Bị, được phân chia làm 4 loại chính:
1. Liên Đòan Công Binh Chiến Đấu (LĐCBCĐ) được trang bị nhẹ và di động hơn so với Liên Đòan Công Binh Kiến Tạo. Nhiệm vụ của họ là hỗ trợ cho Quân Đòan/ Quân Khu tái thiết và phục hồi những “hệ thống giao thông chiến lược“ nhằm mục đích bảo đảm an tòan và thông suốt cho sự di chuyển, tiếp liệu của quân lính cũng như giao thông và phân phối thực phẩm của dân chúng.
Được gọi là “Hệ thống giao thông chiến lược “ gồm tất cả các đưòng và cầu thuộc Quốc lộ 1,2,3,4, Liên tỉnh lộ, các bến phà, các phi trường, các đài Radar, Truyền Tin v.v. Nhiệm vụ này càng có tính cách cấp thiết hơn tại những nút giao thông quan trọng thí dụ như các bến phà miền Tây. LĐCBCĐ chịu sự điều động chánh của Quân Đòan.
2. Liên Đòan Công Binh Kiến Tạo (LĐCBKT) được trang bị với cơ gìới hạng nặng, yểm trợ cho Quân Đòan trong việc xây dựng những hệ thông giao thông chíến lược nêu trên với tầm vóc quy mô hơn. Ngòai ra còn đảm nhiệm xây cất hoặc sửa chữa những căn cứ, cơ sở quân sự, khu gia binh. LĐCBKT chịu sự điều động chánh của Cục Công Binh.
Cả 2 Liên Đòan này còn làm công tác dân sự vụ như xây trường học, cơ sở tôn giáo.
3. Công Binh Sư Đòan được trang bị nhẹ, chỉ ở tầm vóc Tiểu Đòan, do Sư Đòan điều động để yểm trợ mọi công tác xây dựng và tái thiết trong lãnh thổ trách nhiệm.
4. Sở Tạo Tác không sở hữu quân lính và cơ giới, có nhiệm vụ thiết kế và kiểm soát các chương trình xây dựng trong Quân Khu.
…Tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh và giọng nói của anh Ninh như vừa gặp anh ngày hôm qua. Nưóc da đen không hiểu vì bẩm sinh hay vì dầm nắng khi phải lái xe Honda mỗi ngày từ Bình Dương lên Sàigòn để đi học ở trưòng Kiến Trúc.
Anh ăn chay trường, lời lẽ rất thành thật mộc mạc, không hàm ý, không thủ cẳng, rộng rãi, vị tha. Vào năm 1970 hay 1971, khi tôi và anh Nguyễn Hữu Dũng (KT 69) lên Bình Dương, anh dẫn chúng tôi đến cái căn phố nhỏ làm nhà in của Ba anh và qua thăm cái vườn trái cây của gia đình anh ở phía bên kia cầu Phú Cường.
Đi trên cây cầu beton rất cao mới xây ấy, chúng tôi thấy ở phía dưới cầu nhiều dẫy nhà to lớn xây cất từ thời Pháp với cách kiến trúc giống như trường Văn Khoa hay là bệnh Viện Grall. Đó là trường Công Binh mà tại nơi đây nhiều anh em Kiến Trúc đã và sẽ được thụ huấn về phóng cầu, đặt gở mìn bẫy, xử dụng cơ giới.
Mùa hè 1972, nhiều anh em Kiến Trúc gia nhập Quân Đội do lệnh tổng động viên. Khi đi Quân Trường Đồng Đế, Anh Ninh ăn mặc những bộ quân phục phát sẳn te tua và chỉ sống nhờ ăn 2 bửa trưòng kỳ menu độc nhất. Vì ăn chay không thể ăn món cá mối chiên bột nên anh chỉ ăn độc nhất món canh bí.
Sau khi thụ huấn xong ở trưòng Công Binh, anh phục vụ Liên Đoàn 20 Công Binh Chiến Đấu tại địa bàn Pleiku, Kontum thuộc Vùng 2 Chiến Thuật. Cùng khoá với anh Ninh có nhiều anh em KT khác như anh Đổ bá Khoa-KT66 (Phòng 3 Bộ Tham-Mưu Liên Đoàn), anh Nguyễn Văn Hồng – KT68 (TĐ 201), Nguyễn Bữu Hữu Chí – KT66 (TĐ 202), anh Nguyễn Thái Hoà-KT66 (Ban 3/TĐ 203), anh Huỳnh Hiếu Thuận – KT68 (ĐĐA/TĐ 203), anh Nguyễn Gia Thắng – KT69 (ĐĐ Biệt Lập Câu Nổi 217).….
(Trích thơ anh Nguyễn Hoàng Phố KT69 viết cho thân hữu đồng môn nhắc đến những kỷ niệm về anh Phạm Vĩnh Ninh )
Vào chuyện …
Có những người lính, mà phần đóng góp và sự hy sinh của họ trong cuộc chiến tranh Ý-Thức- Hệ Quốc Cộng, bảo vệ nền Tự Do Dân Chủ cho Tổ Quốc Việt Nam Cộng Hòa trước 30.4.1975 không nhỏ.
Lúc thì phải san bằng dẹp bỏ những ụ mìn làm ngăn trở việc giao thông hay quân vận, khi thì xây dựng nhanh những chiếc cầu nổi để thay thế chiếc cầu đã bị giựt sập bởi lũ khủng bố thổ phỉ cộng sản, lắm khi tùy theo chiến thuật quốc phòng phải phá hủy căn cứ để ngăn chặn quân địch v.v……
Đó là chức trách đặc thù của các chiến sĩ thuộc binh chủng Công Binh, điển hình là Lực Lượng Công Binh Chiến Đấu. Họ dấn thân, lao vào nơi nguy hiểm để thám sát và xây dựng.
Nói một cách khác, lắm khi họ đã dùng máu mình để mở đường cho chiến hữu các cấp thuộc mọi binh chủng bạn tiến quân, tái lập giao thông cho dân chúng. Tóm lại , tất cả Quân Dân Cán Chính đều cần tới họ, nhưng hầu như hình bóng những anh chiến sĩ này chưa hề thấp thoáng trong các bài viết hay ca khúc nào nhằm mục đích vinh danh họ.
Với vai trò tiên phuông như thám sát, mở đường, gỡ mìn, bắt lại cây cầu vừa bị giật sập v.v.…người chiến sĩ Công Binh , đăc biệt là Công Binh chiến đấu, đã sát cánh tác chiến cùng các đơn vị bạn. Họ thật sự đem “thân mình ra trải đường“ cho chiến hữu tiến quân.
Trong số các người lính Công Binh này là những chàng Kiến Trúc Sư trẻ, sau khi xếp bút nghiên, giá vẽ, họ lên đường tòng quân, làm tròn bổn phận nam nhi đối với Non Sông Tổ Quốc, chung vai góp sức cùng các chiến hữu trong Lục Quân của Quân Lực VNCH để bảo vệ và gìn giữ cho lá cờ Tổ Quốc Vàng Ba Sọc Đỏ được luôn tung bay phất phới giữa nền trời xanh Tự Do Dân Chủ của Việt Nam Cộng Hòa.
Như các binh chủng khác, lực lượng Công Binh Chiến Đấu cũng có những hy sinh cao ngút tận mây xanh , để lại bao thương tiếc cho đồng đội, đồng môn , thân hữu và gia quyến…Một trong những hy sinh bi hùng ấy là Cố Thiếu Úy Phạm Vĩnh Ninh. Anh Phạm Vĩnh Ninh đã tử trận vào giữa tháng 3/ 1975 bên bờ sông Ba (còn gọi là sông Đà Rằng hay sông Tuy Hòa) thuộc tỉnh Tuy Hòa.
Mùa hè đỏ lửa 1972, bọn giặc cộng sản xâm lược từ miền bắc đã tạo áp lực tấn công dồn dập trên các chiến trường An Lộc, Quảng Trị, Kontum. Để đáp ứng tình thế sôi bỏng của chiến trường, tại miền Nam Việt Nam, luật Tổng Động Viên được ban hành. Chàng sinh viên năm chót của Đại Học Kiến Trúc, Phạm Vĩnh Ninh (KT69) đã cùng hàng ngàn, hàng vạn các sinh viên thuộc mọi phân khoa khác nhau của Viện Đại Học Sài Gòn đáp lời sông núi, cởi bỏ mảnh áo thư sinh, chấp nhận vì Tổ Quốc, khoác lên mình màu áo lính, sống cuộc đời quân ngũ.
Anh đã thụ huấn tại Quân Trường Đồng Đế, Khóa 2 Sĩ Quan Trừ Bị vào năm 1972/ 1973 và tiếp đó được đào tạo tại Trường Công Binh Bình Dương (khóa 273 năm 1973). Sau khi ra trường, anh về phục vụ tại TĐ 202, Liên Đoàn 20 Công Binh Chiến Đấu, Quân Đoàn 2, Vùng II Chiến Thuật, căn cứ đóng tại Hàm Rồng, Pleiku.
Tháng 3 /1975 là khoảng thời gian đồng minh đang tháo chạy, tạo bi sử dầu sôi lửa bỏng, mở màn cho giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh Ý- Thức – Hệ Quốc Cộng tại miền Nam Việt Nam.
Sau khi Ban Mê Thuộc và Darlac thất thủ, cuộc rút quân và di tản dân chúng rời bỏ miền cao nguyên của Vùng II Chiến Thuật trên liên tỉnh lộ 7B xảy ra vô cùng hỗn loạn và vạn phần nguy hiểm. Phần thì bị bọn cộng sản bắc việt xâm lược tấn công và pháo kích bừa bãi, phần thì dân chúng mất bình tĩnh, buông chạy trong tình trạng hoang mang, sợ hãi và kinh hoàng vì mọi việc xảy ra quá đột ngột, đã làm cho sự giao thông trì trệ đến mức độ hoàn toàn tắc nghẽn và ảnh hưởng trầm trọng đến chiến thuật hành quân và rút quân trong an toàn.
Tất cả những dữ kiện trên đã tạo nên một tình huống vô cùng đen tối và bi thảm trên liên tỉnh lộ số 7B từ cao nguyên Pleiku xuống miền duyên hải Tuy Hòa.
Chính vào thời điểm này, đơn vị của cố Thiếu Úy Phạm Vĩnh Ninh được giao phó nhiệm vụ thám sát và mở đường cho chiền hữu các đơn vị bạn cũng như dân chúng rút từ Pleiku qua Phú Bổn để đến Tuy Hòa. Đọan đường lịch sử này ghi lại trong lịch sử triệt thoái khỏi cao nguyên tháng 3/ 1975 những hình ảnh bi thương thấm đẫm máu của rất nhiều Dân Quân Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có máu và xương thịt của Cố Thiếu Úy Phạm Vĩnh Ninh.
Những người còn lại hôm nay đã thắc mắc và hỏi nhau rằng …”Nó qua được phía bên sông rồi còn quay trở lại làm chi?” Đúng, anh đã thực sự qua được bờ bến “khá an toàn”, mà nếu anh là một người úy tử tham sanh thường tình thì có lẽ anh đã bình yên về tới hậu cứ. Người ta làm sao có thể hiểu được cái tinh thần trách nhiệm, danh dự và đức độ chỉ huy của vị thiếu úy trẻ tuổi gan dạ và đầy nhiệt huyết này !!!
Thuộc cấp của anh Ninh đã thuật lại, phần lớn đơn vị anh Ninh đã qua được bên kia bờ Sông Ba (Sông Đà Rằng), có nghĩa là có thể rút an tòan về Tuy Hòa. Trưóc đó, anh có gọi trực thăng đáp xuống để tải thương một người bạn đồng môn Kiến Trúc, anh Đồng Quang Việt (KT69) thuộc ĐĐ 643/ TĐ 64/ LĐ 6 CBKT.
Như trên đã viết, lẽ ra, anh có thể cùng về hậu cứ bằng trực thăng tải thương chung với người bạn thương binh này; nhưng anh đã không làm vậy. Danh Dự và Trách Nhiệm của cấp sĩ quan chỉ huy đã không cho phép anh làm vậy.
Sau khi chiếc trực thăng tải thương cất cánh , anh đã đơn thân độc mã quay ngược lại bờ sông Ba để giúp một số ít các đồng đội binh sĩ thuộc cấp còn đang bị kẹt lại ở phiá sau .
Nhưng đau đớn thay, anh vĩnh viễn không còn cơ hội thực hiện điều mong ước đó nữa, vì sau khi chỉ tìm gặp được vài thuộc cấp thất lạc, anh đang cố gắng truy tìm những người khác thì một hỏa tiển pháo kích đã rơi đúng vào xe của anh, kết thúc mộng ước giúp đỡ chiến hữu thuộc cấp của người Chiến Sĩ Công Binh ưu tú đó.
Các binh sĩ thuộc cấp của anh không nỡ bỏ mặc xác người chỉ huy đã vì họ mà hy sinh, nên đã bằng mọi giá, nhất quyết mang thi hài của anh về cho gia đình như một cử chỉ cám ơn mà họ còn có thể làm được cho anh lần chót.
Trời không chìu lòng người nên thuộc cấp của anh cũng đành đọan mà buông trôi nghĩa cử ân tình này !!!
Oan nghiệt và trớ trêu thay, chiếc xe Jeep chở xác người lính trẻ Phạm Vĩnh Ninh lại trúng hỏa tiển pháo kích thêm lần thứ hai .Tất cả máu, xương, niềm uất nghẹn, nỗi tủi hờn của anh và chiến hữu trên xe đã tan tành và tung cao lên tầng mây xanh thẳm như để hỏi rằng, trời già sao ông lại nỡ óai ăm tạo cảnh bi ai …người chết 2 lần, thịt da nát tan !!!
Buổi tối trước ngày tử trận, anh Ninh đã nhìn lên trời và nói với người chiến hữu mà cũng là đồng môn của mình là anh Nguyễn Gia Thắng (KT69): ”Mặt trăng đêm nay sao có màu đỏ như máu vậy?” (Anh Thắng được trực thăng vận đến Sông Ba để phóng cầu nổi nên đã gặp anh Ninh tại đây).
Phải chăng đây là một điềm báo trước nên anh thấy Trăng màu đỏ, đỏ như máu của anh ngày hôm sau, như máu của bao nhiêu chiến hữu đã đổ ra để bảo vệ miền Nam Việt Nam trước sự xâm lăng tàn bạo của bọn cộng sản miền Bắc.
Hơn 40 năm đã trôi đi kể từ khi cuộc tang thương dâu biển xảy tới cho dân Miền Nam. Những uất hận, khổ đau đã được ghi lại rất nhìều trên thơ văn, ca khúc. Nhưng hình như chưa ai ghi lại nỗi niềm đau khổ của chính người đã hy sinh nằm xuống , như anh Phạm Vĩnh Ninh, khi nhìn thấy cảnh phản bội quê hương của những chiến hữu đã từng sát cánh chiến đấu bên họ, hoặc của những người hậu phương mà họ đã trả giá bằng mạng sống của chính mình để bảo vệ an tòan. Chắc phải là vô cùng tức tưởi, và thật là oan khiên?
Không đâu, bên cạnh những kẻ vô lương tâm ấy vẫn còn có chúng tôi, vẫn còn những tâm hồn ưu tư nặng gánh nước nhà. Chúng tôi không quên ơn các Dân Quân Cán Chính đã xả thân cho non sông Tổ Quốc.
Riêng với anh Ninh, những người bạn đồng môn không quên anh. Bằng chứng là dù hôm nay, Bình Dương quê của anh đã hoàn toàn thay đổi, vô cùng xa lạ so với ngày cũ, dù trong tay không biết địa chỉ, chỉ dựa vào những chi tiết mù mờ còn vương lại trong ký ức của những ngày tháng xa xưa, mà họ vẫn tìm ra được gia đình anh, nơi mà bà Mẹ già trên 90 hiu hắt luôn nhớ thương đứa con trai vì yêu quê-hương, Tổ-Quốc Việt-Nam từng dấn thân trong lửa đạn và không được trở về nhà, dù là chỉ trở về trong cái … hòm gỗ cài hoa.
Sau hơn 40 năm, lần đầu tiên gia đình đồng môn Kiến Trúc mới thắp được cho anh nén tâm hương, thăm hỏi và cầu mong anh yên tâm nhắm mắt.
Ai có thể cho đó là sự tình cờ? Muôn vạn lần phải là do sự dẵn dắt của anh, chúng tôi tin như vậy, và với niềm tin này, chúng tôi cương quyết, cho tới hơi thở cuối của mình, sẽ vinh danh, làm sáng tỏ gương hy sinh của các anh hùng tử sỉ Quân Dân Cán Chính Miền Nam Việt Nam đã Vị Quốc Vong Thân.
Những giọt máu vì sao đã đổ? những mảnh đời bởi đâu chịu tàn phá? Những cuộc sống vì ai bị dày dò trong lao tù cộng sản để hôm nay mang bạo bệnh? Những điều này phải được giải bày thật rõ cho thế hệ con cháu tiếp nối, giúp cho các cháu hiểu đúng sự thật của cuộc chiến tranh Ý- Thức- Hệ, vạch rõ lằn ranh Quốc Cộng.
Đó chính là bổn phận mà chúng tôi cần phải làm để trả ơn tất cả các vị Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân và tàn phế, trong đó có anh, người chiến sỹ Công Binh Chiến Đấu can trường:
Cố Thiếu Úy Phạm Vĩnh Ninh (KT69).
(Sài Gòn trong tôi/ LNTH)