Tôi viết loạt bài “NGƯỜI KHÔNG BIẾT TRẢ TIỀN CHO NGƯỜI BIẾT”, chẳng phải để khoe mình hay ho, tài ba, vì có cái gì đáng để khoe đâu. Chỉ là muốn chia sẻ chút kinh nghiệm vụn vặt. Vậy thôi. Loạt bài nầy tôi nhắm đến những bạn bè thuộc dạng “người không biết”, và nhất là những người đã từng đứt ruột khi phải móc túi trả tiền cho “người biết” một cách hết sức vô lý.
Những lãnh vực chuyên môn mình không biết, như thuốc men, bệnh hoan, computer,… thì nhứt định phải cam lòng trả tiền cho Dược sĩ, Bác sĩ, chuyên gia điện tử,… Còn những chuyện vụn vặt, mà để cho người ta vẽ rắn thêm chân, cứa cổ, lột da, xẻ thịt, lóc xương mình, thì không đáng. Khi phải trả tiền, đáng trả tiền, thì bao nhiêu cũng vui lòng trả. Không đáng trả, thì một xu chi ra cũng tức hộc gạch, đúng không? Đồng tiền nó liền khúc ruột! Trả tiền là móc ruột ra, không đứt sao được? Ai giàu có quá, hay mấy khứa không muốn làm động móng tay, hay bạn nào nằm trong diện “người biết”, thì khỏi đọc chi cho mệt, OK.
Hôm nay tui viết chuyện nhà dột.
Ở Mỹ mà nghe nói tới nhà dột thì phát bịnh liền! Mái nhà Mỹ hoàn toàn khác mái nhà VN. Dột không có thể chèn miếng lá, lót tấm tôn, hay thay tấm ngói mà được. Thấy nó dột chỗ nầy, chưa chắc là nước chảy ngay chỗ đó. Có khi nước chảy cách đó cả chục mét. Nhà mái ngói, mái gỗ, hay mái gì cũng mệt cầm canh. Leo lên trên nóc nhà cũng chưa chắc biết nước chảy từ đâu, vì nó kín mít. Chui từ trần nhà lên, cũng không dễ nhìn ra, vì nó có rất nhiều lớp: Sườn gỗ, lớp ván ép, lớp ngăn nước và nhiệt (felt), rồi sau cùng mới tới ngói.
Nhà con gái lớn bị dột ở garage. Tui nói với cháu:
– Để ba bắc thang leo lên coi cho con.
Con gái nhứt định can ngăn;
– No! No! Dady no! Don’t do it! It’s so dangerous! Let me call someone to fix it.
Tui biết con tui sợ ông già té gãy cẳng. Tui nói với con:
– Con đừng có lo! Con biết ba của con lớn lên từ đâu không? Ba sinh ra và lớn lên ở đồng quê miền Tây Việt Nam mình. Tiếc là vì con phải học thi, không thể về VN với mẹ và các em con lần đó, nên con không biết quê của ba ra sao. Hồi nhỏ, ba leo cây như khỉ. Cây gì ba cũng leo được. Cây cau, cây dừa, cũng là chuyện nhỏ. Ba con bẻ dừa, một tay ôm thân cây, một tay cầm trái dừa, miệng cắn cuống thêm một trái dừa nữa, rồi tuột xuống tỉnh queo. Dừa non, quăng xuống đất từ cây dừa cao, trái dừa tươi sẽ bể, nước chua, không ngon….
Con gái ngắt lời ba:
– But don’t you know that you are not a young boy any more, Daddy? You are sixty plus! I really don’t want anything happen to you. I can pay them to do it, Dad.
Tui đuối lý, và nhất là thấy con nó lo cho an nguy của mình thì cũng cảm động. Chờ vợ chồng nó đi làm, lúc trời mưa, tui cắt trần nhà từ garage để nhìn lên quan sát coi nước chảy từ đâu. Tôi đoán là nó chảy do ngói bị bể, hoặc chỗ hai mái nhà gặp nhau bị hở hay bể ngói chỗ đó. Chỉ cần leo lên nóc nhà, dùng keo dán ngói lại chắc là OK thôi. Garage trần thấp, chỉ cần cái thang ngắn là cắt ceiling được, không nguy hiểm, nên con gái đi làm về, thấy mà cũng không cằn nhằn ba. Hơn nữa, nó cũng biết tính ba nó: Không dễ gì chịu đầu hàng dễ dàng bất cứ chuyện gì. Nhưng con gái vẫn dặn tiếp:
– Don’t climb up on the roof, Daddy. I already made an appointment for someone to come tomorrow late afternoon, bla, bla, bla,…
Chiều hôm sau có người tới coi. Thằng Mễ không thèm leo lên nóc nhà. Nó chỉ đứng dưới đất phán rằng, phải làm vầy, vầy, vầy,… và tiền công là $1500 USD!
Cách nó nói chuyện làm cho người nghe tin rằng: nó là chuyên gia về mái nhà, kinh nghiệm đầy mình, không cần leo lên, nhìn cái biết nước chảy chỗ nào liền. Kiểu “con ruồi bay qua, tao biết con ruồi đực hay ruồi cái liền”! Con gái tin. Tui thì không tin nó dễ vậy. Tui là dân mua bán, đi guốc trong bụng nó!
Tui chưa chắc chắn trăm phần trăm mình định bịnh trúng để sửa, nên biểu con gái kêu thêm một vài người nữa tới coi và định giá. Thằng thứ hai tới. Thằng này leo lên nóc, giở ngói coi một hồi. Khi xuống, nó đưa tui coi tấm hình từ Iphone của nó, cho biết phần ván ép bị lũng một lỗ to bằng nắm tay.
Nhìn một cái, tui biết ngay thằng này xạo liền! Hình nó chụp từ nhà khác, và chắc nó dùng để lừa nhiều người bằng tấm hình này rồi. Nó tưởng tui ngu ngục lắm! Tôi không học qua xây dựng, không từng lợp nhà ngói ở Mỹ, nhưng tôi biết quan sát và nhất là biết suy luận.
Ngói lợp cũng giống người ta lợp mái lá. Miếng sau chồng lên miếng trước (overlap) và hàng trên xen kẽ hàng dưới, cũng overlap luôn. Ngói ở VN thì gắn thẳng lên những thanh gỗ nhỏ nằm ngang, đóng thẳng vào sườn mái nhà. Bên này họ đóng một lớp ván ép dày lên sườn mái nhà trước, rồi thêm một lớp felt tráng nhựa (để cách nhiệt, ngăn hơi ẩm, chống chảy nước), rồi mới đóng cây ngang lên để gắn ngói. Nước muốn chảy lọt qua lớp ván ép, thì nhứt định phải qua lớp ngói trước, tới lớp felt rồi mới dột xuống đất được. Tui hỏi nó có miếng ngói nào bể không? Nó nói không. Vậy là xạo rồi! Ngói không bể, thì cho dù miếng ván ép có lủng một lổ bằng cái mặt trăng, không có nước chảy qua lớp ngói, làm sao dột?
Hôm sau con gái đi làm, tôi lấy thang dài, leo lên, giở ngói y như nó đã giở, để coi. Không có một lỗ thủng nào như hình nó đưa tui coi! Cái thằng chết toi! Dám lừa ông mày!? Nó định giá còn đắt hơn thằng tới hôm trước: $1800 USD để sửa.
Tui biểu con gái khoan quyết định. Hôm sau con đi làm, tui lại bắt thang leo lên mái nhà coi kỹ thêm lần nữa. Đúng là không có miếng ngói nào bị lệch vị trí hay bị bể. Như vậy làm sao nước có thể chảy xuyên qua lớp ngói, rồi xuống lớp felt, xuyên qua khe hở giữa hai miếng ván ép ván ép để dột được? Tui cũng để ý, chỉ những ngày mưa thật to và gió thật lớn thì nó mới dột. Nếu ngói bể, thì mưa to mưa nhỏ gì nước cũng sẽ chảy xuống. Như vậy 100% là không do ngói. Đứng trên nóc nhà vừa quan sát, vừa suy nghĩ một hồi lâu. Sau cùng tìm ra nguyên nhân. Nguyên nhân nhỏ như hột tiêu! Khó ai tin được!
Thì ra, do cái ống máng xối dẫn nước từ mái nhà tầng trên! Khi nó dẫn nước xuống mái nhà tầng dưới, đáng lẽ nó cho ống máng xối xả nước xuôi theo chiều dài miếng ngói, tức là chiều xuôi của mái nhà, thì nó để ống thoát quay ngang 90 độ. Như vậy, khi mưa to, nước nhiều, dòng nước chảy thật mạnh theo chiều ngang của miếng ngói, thì nước lọt vô khe hỡ chỗ hai miếng ngói giáp nhau (over lap).
Tôi ra Home Depot, mua một ống máng xối thoát nước khác, cho nó chảy xuôi theo ngói (tôi gởi kèm tấm hình. Ai đọc mà không hình dung ra được, coi hình biết liền). Tốn $5 USD! Save $1495 USD! Một ngàn bốn trăm chín mươi lăm đô la Mỹ!
Tôi suy luận và nhận định vấn đề khá chính xác, chắc chắn là nhờ đã học ban B, ban toán. Ai cũng nói, nhất là người sợ môn toán, rằng thì là học đủ thứ hầm bà lằng xắng cấu, từ cộng trừ nhân chia đến hàm số, tích phân, phương trình, lượng giác, tùm lum tà la, nhưng sau cùng ra đời, chỉ xài có cộng trừ nhân chia. Hỏng đúng vậy đâu. Môn toán dạy cho học trò cách phân tích vấn đề, và cách tổng hợp vấn đề. Trong bất cứ bài toán đố nào, học sinh cũng phải vận dụng đầu óc để phân tích các số liệu, dữ kiện, rồi tổng hợp, lựa chọn dữ liệu, để sau đó là tìm đáp số.
Quý vị cũng đừng lấy làm lạ, là một người có khiếu về toán, thường viết lách với lập luận, lý lẽ, khá trơn tru, nhất là không lạc đề. Nếu người đó chịu đọc sách thật nhiều, có nhiều từ ngữ trong bộ nhớ, thì họ sẽ viết còn văn hoa bóng bảy hơn nữa. Người chỉ có óc phân tích không thôi, khi viết sẽ phân tích một đề tài vô cùng vô tận, từ dữ kiện này nhảy sang dữ kiện khác, và viết tràng giang đại hải một hồi, thì lạc đề mất tiêu. Ngược lại, người chỉ có óc tổng hợp thôi, thì mọi chuyện sẽ được gom gọn lại, cô đọng mọi thứ, cho nên chỉ viết vài câu là không còn gì để viết. Bài văn sẽ khô khan như cơm cháy, và chỉ có người viết hiểu họ viết cái gì, chớ người đọc thì ngơ ngáo! Toán dạy người ta phân tích và tổng hợp mà.
Trở lại chuyện “NGƯỜI KHÔNG BIẾT TRẢ TIỀN CHO NGƯỜI BIẾT”.
Tôi không khuyên người không biết gì về điện mà đụng vô những vật dụng xài điện, nhất là điện thế 220 volts. Chết tốt đó! Tôi không có liều, vì tôi biết căn bản về điện và rất thận trọng khi mò mẫm. Hơn nữa, điện ở Mỹ họ thiết kế rất an toàn, theo code hẳn hòi, chứ không phải mạnh ai nấy kéo đường dây theo ý mình. Lỡ bị chập mạch, cầu dao sẽ tự động ngắt điện, cho nên chuyện hoả hoạn do điện hầu như không có.
Tôi cũng không khuyên người đọc liều mạng leo lên nóc nhà như tôi. Nếu không quen leo cao, nhứt là người lớn tuổi, thì đừng thử! Chết nát thây, uổng mạng lắm. Tôi dám leo, vì tui từng leo cao, có kinh nghiệm trèo bẻ trái cây vườn… hàng xóm! Con nít phá phách thôi, chớ vườn nhà tui cây trái ăn không xuể, đâu phải trộm cắp gì!
Điều tôi muốn viết ở đây, là khi đối diện với “người biết”, chúng ta nên sáng suốt, thận trọng, đừng cả tin. Đừng có đưa họ lên quá cao, và hạ mình xuống quá thấp, để tin bất cứ cái gì họ nói. Họ là người phàm, không phải thánh. Dĩ nhiên những điều họ nói liên quan đến kiến thức, đến kinh nghiệm nghề nghiệp của họ, nhưng không loại trừ việc họ “định bịnh” có khi cũng trật lất! Bác sĩ giải phẫu cắt trật lục phủ ngũ tạng con người ta cũng thường xảy ra. Dược sĩ cho lộn thuốc, sai thuốc, không phải là không có. Cũng không loại trừ trường hợp có những kẻ vô lương tâm, lợi dụng cái tâm lý “người không biết”, để vẽ rồng vẽ rắn, móc túi khách hàng một cách rất tàn nhẫn. Trong trường hợp nhà dột tôi vừa kể ở trên, anh chàng đầu tiên tưởng mình giỏi, định bịnh không cần bắt mạch. Trật lất! Anh chàng thứ hai là tên lừa đảo. Thằng này đẻ con không lỗ đít!
Bạn có chấp nhận cái nguyên lý “NGƯỜI KHÔNG BIẾT TRẢ TIỀN CHO NGƯỜI BIẾT” trong mọi trường hợp hay không? Not me! Not always!
Peter Chánh Trần