NGƯỜI KHÁCH CUỐI NĂM (Chu Lynh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Không có mô tả ảnh.

1.
Chuông cửa reo. Cả nhà đi vắng. Tôi nhấc từng bước khó khăn xuống cầu thang. Tai nạn đầu gối hai tuần nay chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Sau cửa kiếng, một người đàn ông ăn mặc tươm tất, chào tôi bằng tiếng Việt:
– Xin chào ông.
– Chào ông. Xin lỗi tôi chưa được biết ông.
– Nhưng tôi biết ông.
– Thưa, ông gặp tôi có chuyện gì?
– Chỉ là ghé thăm ông, rồi xin một buổi nói chuyện.
– Tôi có thể biết lý do được không?
– Ông cho phép tôi vào nhà, sẽ nói chuyện tiện hơn. Không có gì quan trọng lắm. Chỉ là buổi nói chuyện giữa hai người Việt Nam mà thôi.
Người đàn ông tuổi trung niên, tầm thước trung bình, nói giọng Bắc, như từ trong nước mới qua. Đắn đo một chút, tôi quyết định mời ông vào nhà.
Cầm chai nước tôi mời, ông ngồi xuống ghế chậm rãi mở lời.
– Tôi thực lòng xin lỗi vì đã không báo trước. Xin nói ngay. Tôi biết ông qua những cuốn phim tài liệu trên YouTube. Nhưng tôi thực sự muốn gặp ông sau khi đọc xong một cuốn sách. Cuốn sách này ông rất rành. Ông thử đoán tên cuốn sách?
– Chẳng lẽ cuốn “Làm thế nào để đột nhập nhà người lạ?”
– Ông khéo ví von.
– Tôi chịu thua.
– Vâng, tôi nói ngay. Cuốn “Mảnh Da Vàng”. Chắc ông ngạc nhiên lắm?
– Cũng không ngạc nhiên, vì sách đã gởi đi nhiều nơi. Nhưng sao ông có cuốn sách?
– Ông có nhiều bạn thật. Một người bạn của ông bên Vancouver cho tôi xem cuốn sách. Tôi tìm địa chỉ nhà ông không khó lắm.
– Xin vui lòng cho biết mục đích ông đến gặp tôi.
Tôi kín đáo quan sát người khách lạ. Con cái tôi thường nói ánh mắt tôi có vẻ soi mói khi nhìn thẳng người đối diện. Không sao, người Mỹ cũng thường nhìn thẳng vào nhau khi nói chuyện.
– Vâng. Tôi là Khảm, mới qua Mỹ trong phái đoàn doanh nhân. Tôi được sắp xếp qua đây để tiếp xúc một số người Việt làm truyền thông.
– Rất tiếc, ông đến nhầm địa chỉ. Tôi không ở trong ngành truyền thông.
– Tôi không nhầm đâu. Tôi đã gặp một số người Việt làm truyền thông ở Mỹ và Canada. Rất tiếc là tôi không có duyên với họ nên đã không đạt được kết quả. Họ luôn luôn nghi ngờ tôi là công an chìm núp dưới vỏ doanh nhân.
– Tôi cũng như họ.
– Tôi không tin.
– Ông qua Mỹ trong một phái đoàn, của chính phủ hay của doanh nhân đều là những người được chỉ định cho một công tác nào đó. Chắc ông không phủ nhận điều này?
– Vâng. Tôi biết phái đoàn nào qua đây cũng có an ninh đi theo. Tôi hiểu nhiệm vụ của họ. Tôi không phải công an, chẳng phải doanh nhân, cũng không hẳn là của nhà nước. Doanh nhân chỉ là cái vỏ che mắt thiên hạ. Người ta nhờ tôi tiếp xúc một số người Việt có quan điểm phóng khoáng.
Tôi nhớ hơn mười năm trước đây, một cán bộ cộng sản cao cấp qua Mỹ, có đề nghị gặp Cộng đồng người Việt thủ đô. Chuyện không thành. Tôi nghĩ họ tiếp xúc Cộng đồng không ngoài quảng cáo món hàng “hoà hợp hoà giải”. Không biết đã có bao nhiêu người mua phải món hàng này. Một người tỵ nạn nửa nổi nửa chìm như tôi, sao lại lọt vào tầm nhìn của họ?
– Do đâu ông nghĩ tôi có quan điểm phóng khoáng?
– Gần đây tôi có xem cuộc phỏng vấn ông của tổ chức Vietnamese Heritage Museum, rồi đọc cuốn Mảnh Da Vàng. Ông có cái nhìn tương đối khách quan.
Tôi bỗng nhớ một comment về cuộc phỏng vấn này có tên Thuy Tran viết sai chính tả: “Một người trí thức rất thẳng thắng, có cái nhìn khách quan về chế độ, tôi cảm kích ông, dù tôi là CS”. Tôi không đoán được chữ viết tắt “CS”, ngoài chữ “cộng sản”. Không chừng ông Khảm đã đọc comment này, hay chính ông là tác giả? Ông Khảm tặng tôi chữ “phóng khoáng” như một ly nước đường, nhưng tôi không dám uống.
– Ông hơi chủ quan. Cái nhìn của tôi chỉ dựa trên những dữ kiện có thật. Chữ phóng khoáng nghe có vẻ như người … vượt biên.
– Tôi thực tâm muốn có một cuộc trao đổi thành thật giữa hai người Việt Nam từ hai phía. Tôi năm nay 55 tuổi, không biết gì về cuộc chiến Nam Bắc, nên tôi không ở “phía thắng cuộc.”
– Nếu được, xin ông dùng chữ chiến tranh Việt Nam thay vì chiến tranh Nam Bắc. Chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ rồi, hy vọng chúng ta thấy được cội nguồn cuộc chiến. Được vậy, tôi cám ơn ông.
– Vâng, chiến tranh Việt Nam. Tôi xin rút ngắn lại để khỏi lòng vòng. Có bao giờ ông tin rằng sau chiến thắng long trời lở đất 30 tháng 4, hôm nay một số lãnh đạo đã nhận ra họ không thực sự là kẻ chiến thắng?
Tôi nhìn ông Khảm.
– Nhưng họ đã chiến thắng? Cả thế giới công nhận họ là “anh hùng”
– Đó là tảng băng nổi. Nhưng nếu ông có mặt với tôi trong buổi họp những cán bộ đầu não về một đề tài người ngoài chưa bao giờ nghe: ghi nhận ý kiến cởi mở của người Việt hải ngoại. Thời kỳ tự hào về chiến thắng 75 không còn là đề tài ăn khách nữa. Báo chí trong nước cũng không còn tưng bừng ca ngợi chiến thắng như những năm trước.
– Họ nhìn lại cuộc chiến hay nhìn vào thảm kịch xã hội hiện nay?
– Cả hai.
– Wow. Lần đầu tiên tôi nghe một người cộng sản nói những điều này. Chẳng lẽ ông đã thức tỉnh?
– Tôi không phải là người cộng sản chính thống để có cơ hội thức tỉnh. Tôi lọt vào trong chính quyền, chỉ vì trong gia đình tôi, nhiều người có huy chương kháng chiến và anh hùng chống Mỹ. Giòng họ tôi có đủ người ở cả hai phía, quốc gia và cộng sản, và cả trong giới tỵ nạn ở Mỹ.
– Ông đang tự hào về vốn liếng cách mạng của gia đình?
– Ai cũng nghĩ như thế. Tôi may mắn được tiếp xúc mấy ông lớn trong chính quyền, có nhiều dịp đi nước ngoài, cũng nhờ cái “vốn liếng cách mạng” của gia đình như ông nói. Nhưng tôi đứng ngoài ảnh hưởng của gia đình.
– Ông cho đó là nguyên nhân khiến họ cử ông đi một vòng khảo sát ý kiến người Việt hải ngoại? Tôi tưởng tượng họ đang dọn đường cho một Gorbachev, một Yeltsin Việt Nam? Tôi không tin Việt Nam có được những nhân vật như thế.
Ông Khảm có một chút bối rối.
– Tôi chỉ là người làm thuê cho một dịch vụ ngoài luồng. Tôi không biết những bí mật hậu trường.
– Ông có lạc quan về giấc mơ thay đổi của số cán bộ cao cấp đó không?
– Tôi tin họ muốn thay đổi.
Tôi nhìn ông Khảm hồi lâu, nhẹ thở dài.
– Người cộng sản đã có hai cơ hội bằng vàng để thay đổi đất nước. Ngày 30 tháng 4 và biến cố khối cộng sản Liên xô, Đông Âu sụp đổ. Đáng tiếc, họ đã bỏ qua hay họ không được phép thay đổi. Tôi nghĩ thay đổi là cuộc phiêu lưu không dễ dàng khi họ chỉ là thiểu số giữa khối phe nhóm và lợi ích, chưa nói đến áp lực từ bên ngoài. Ông có muốn một ly cà phê?
– Thưa, không cần đâu.
– Nếu ông muốn đây là buổi nói chuyện giữa hai người Việt Nam với nhau, tôi rất sẵn lòng. Vậy, xin ông hãy quên đi ông là đảng viên cộng sản, chúng ta nên nói chuyện giữa hai người Việt Nam quan tâm đến đất nước. Ông đồng ý không?
– Nhất trí. Đó là mục đích tôi đến đây.
– Cám ơn ông. Tôi quen dùng chữ nghĩa miền Nam trước năm 1975, thích nghe chữ “đồng ý” hơn là “nhất trí”.
Ông Khảm lại cười, nét mặt bình thản không tỏ vẻ khó chịu.
– Khi qua Mỹ, khó khăn của tôi không phải là đi lại, tiếp xúc với người Việt, mà làm sao tránh được chữ nghĩa trong nước thường dùng để không dị ứng với người Việt bên này. Vâng “đồng ý”.
– Tôi hiểu khó khăn của ông.
Tôi thấy vui vui vì người cộng sản đã “đồng ý”. Tôi sẽ nói gì đây với một người cộng sản được huấn luyện bài bản như ông Khảm. Đầu gối lại dở chứng. Tôi lấy trong túi áo ống thuốc Baclofen. Thuốc có thể gây buồn ngủ, nhưng hy vọng sẽ lên giường nằm sau khi khách ra về. Tôi tiếp tục:
– Chiến tranh súng đạn đã kết thúc, nhưng tôi lại thấy một cuộc chiến khác đang xảy ra trong nước, đó là cuộc chiến giữa chính quyền với người dân. Trong chiến tranh, cộng sản sống dựa vào dân, được dân đào hầm che chở. Họ hứa hẹn một thiên đường cho người dân nếu cách mạng thành công. Bây giờ có đủ mọi thứ, người cộng sản lại bỏ rơi dân, thậm chí còn coi dân như kẻ thù. Tôi gọi đó là “Cuộc Chiến Thứ Hai.” Với tôi, chiến tranh Việt Nam chưa chấm dứt.
Tôi chờ xem phản ứng của ông Khảm, nhưng ông vẫn im lặng, đầu gật nhẹ như một diễn viên chuyên nghiệp.
– Bất luận ông mang nhiệm vụ nào trong phái đoàn doanh nhân, tôi cũng sẽ thẳng thắn nói ra những cảm nghĩ của một người Việt sinh ra ở miền Bắc, chứng kiến những cuộc đấu tố man rợ, bị đày đọa trong các trại tập trung sau năm 75. Tôi may mắn được tỵ nạn ở Mỹ, tiếp cận được nhiều nguồn tài liệu, tiếp xúc được nhiều nhân chứng trong chiến tranh Việt Nam.
Vậy thì, mong ông đừng nói chuyện với tôi như anh cán bộ Việt Minh đứng đầu giường rỉ rả hàng đêm thuyết phục mẹ tôi từ bỏ ý định di cư vào Nam. Xin ông đừng lặp lại những bài học tuyên truyền trong các trại tập trung, rằng chúng tôi là tay sai của đế quốc Mỹ. Cũng xin ông đừng nói theo anh công an khu vực khuyên chúng tôi phấn đấu để trở thành con người xã hội chủ nghĩa.
– Ông tin tôi. Tôi không thích lối tuyên truyền sách vở đó.
– Cám ơn ông. Có những sự thật lịch sử hơn bảy mươi năm qua đã bị tung hoả mù, bị xuyên tạc, bị đánh tráo. Người cộng sản đang viết lại lịch sử vì nhu cầu sống còn của họ. Lịch sử kiểu đó sẽ lưu lại về sau cho các thế hệ không biết gì về chiến tranh Việt Nam. Rất nhiều những trang sử trở thành “giả sử”, khiến người Việt hải ngoại vất vả để “giải ảo.”
Ông Khải khẽ chớp mắt, nói nhanh
– Ông có thể dẫn chứng?
– Đã có nhiều cái nhìn từ góc cạnh chính trị, kiến thức, đạo đức, tài năng về Hồ Chí Minh. Theo ông, đâu là con người thật của Hồ Chí Minh?
Với giọng bình tĩnh như đã thuộc nằm lòng, ông Khải nói một hơi:
– Tôi không thích cách nhìn của nhà sử học khó tính, cách viết lắt léo của nhà bình luận, nghe những nhân chứng cuồng tín hay cực đoan khi nói về ông Hồ. Tôi trả lời theo nghiên cứu của mình: Ông Hồ chịu tác động của lịch sử trong bối cảnh một đất nước bị thực dân cai trị, từ đó ông trở thành người hướng dẫn quần chúng, rồi leo lên ngôi vị lãnh tụ. Những người chung quanh đã tạo cho ông nhiều huyền thoại về cha già dân tộc với những mẫu chuyện, những tấm gương ông không hề có.
Tôi hơi bất ngờ về những gì ông Khảm vừa nói. Vẫn giọng nói trôi chảy, ông Khải tiếp:
– Không phải một mình ông Hồ lừa dối. Cả một bộ máy lừa dối. Thêu dệt dẫn đến huyền thoại. Tất cả để phục vụ Đảng. Tôn thờ ông Hồ là để bảo vệ Đảng.
Tôi giật mình. Một người cộng sản có thể nói về Đảng bằng những luận điệu như thế sao? Hay ông đã ăn cắp lời lẽ từ một bài viết nào đó của người Việt hải ngoại? Tôi không tin những lời này là của ông.
– Nhận định của ông đã lạc qua ranh giới … phản động.
– Những gì tôi nói chỉ là đúc kết nhận thức có được khi tôi trưởng thành, đọc tài liệu từ nhiều phía, đặc biệt tiếp xúc những người lớn tuổi trong Nam, kể cả ông chú sĩ quan “ngụy” trong gia đình tôi.
– Cám ơn ông đã nói lên quan điểm chính trị cởi mở hiếm có của một người cộng sản. Tôi thắc mắc người cộng sản có định nghĩa được chữ “phản động” họ dành cho những người đối lập hay không. Nghĩ cho cùng, lịch sử của Đảng là một chuổi biến cố “phản động”. Đọc lịch sử Đảng, không thấy được sự thật của lịch sử, chỉ thấy tuyên truyền và tuyên truyền, bất chấp sự phát triển của internet.
Tôi không muốn bàn luận về chiến tranh Việt Nam. Tìm sự đồng thuận giữa người chiến thắng và người thua cuộc khó lắm. Hãy để cho các nhà nghiên cứu làm công việc đó một cách khoa học. Tôi không tin vào những cuốn sách bán chạy, những cuốn phim tốn kém về chiến tranh Việt Nam của phương Tây hay của cộng sản. Tôi không thấy được kết luận về cội nguồn đích thực của cuộc chiến. Tất cả được thực hiện theo nhu cầu và quyền lợi, không màng đến sự thật lịch sử.
Mới đây, chúng tôi đã phỏng vấn ông Uwe Siemon-Netto, tác giả cuốn sách “Đức, người Đức”. Đức là tên thằng bé bụi đời trên đường Tự Do, Đức cũng là người Đức. Ông Netto có khá nhiều đồng nghiệp Mỹ đến Việt Nam làm phóng sự chiến trường. Riêng ông đã dành nhiều thì giờ theo quân đồng minh đến các mặt trận sôi động, thay vì ngồi tường thuật trong các quán bar ở Sài Gòn như các đồng nghiệp khác.
Trong trận Tết Mậu Thân 1968 tại Huế, ông Netto theo chân toán truyền hình Mỹ đến một địa điểm có ngôi mộ tập thể chôn sống các nạn nhận. Ông hỏi người cầm máy sao không quay phim ngôi mộ. Câu trả lời làm ông choáng váng: “Chúng tôi đến đây không phải để làm công việc tuyên truyền chống lại cộng sản”. Truyền thông Mỹ chỉ chú tâm đến hình ảnh cố đô bị tàn phá, không màng đến hàng ngàn người bị cộng sản tàn sát.
Có thể là hình ảnh đen trắng về 1 người
2.
Ông Khảm ngắt ngang
– Tôi nhớ đã đọc cuốn sách này.
Có thật ông ta có đọc không? Vậy, ông có đọc đoạn này không?
– Cuốn sách lặp lại nhiều lần câu nói của ông Võ Nguyên Giáp: “Truyền thông Mỹ sẽ tạo chiến thắng cho Bắc Việt”. Ông thấy đó, miền Nam sụp đổ, ứng nghiệm lời của tướng Giáp. Ngày xưa trong trận An Lộc, người lính Cộng hòa và bộ đội miền Bắc giành giật từng thước đất để cướp các kiện hàng tiếp tế do máy bay quân đội miền Nam thả dù. Chưa có khi nào họ ngồi chung cùng một giao thông hào để ăn nắm lương khô và hỏi nhau tại sao người Việt lại giết người Việt. Hôm nay tôi muốn coi đây là cuộc trò chuyện giữa hai người lính trong cùng một giao thông hào. Ông nghĩ thế nào?
– Tôi đến đây cũng vì mục đích đó.
– Tôi rất vui khi nghe ông nói điều này, dù tôi nghĩ ông không thể bỏ qua nhiệm vụ của mình trong phái đoàn doanh nhân. Không sao, ông lắng nghe là được rồi. Thì giờ hiếm hoi chỉ cho phép tôi trao đổi với ông vài điều.
Cho đến nay, cộng sản vẫn còn đem lá bài “hoà hợp hoà giải dân tộc” như một món hàng chiêu dụ người Việt đổ tiền về nước. Thay vì giam cầm hằng trăm ngàn sĩ quan và viên chức chính quyền miền Nam trong các trại tập trung, khiến gia đình họ khốn đốn, sao không coi họ là anh em như họ tuyên truyền? Như người Mỹ đã làm sau cuộc nội chiến với binh lính miền Nam thất trận. Như người Đức đã làm với người Đông Đức sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ. Như người Pháp đã cho lập một nghĩa trang chôn cất những người lính Đức xâm lược?
Có một điều đau lòng cho chúng tôi, là những thương phế binh miền Nam bị đẩy ra khỏi các Quân Y Viện sau ngày 30.4. Bây giờ họ sống bên lề xã hội, sống lây lất với thân hình tàn phế. Các tổ chức tôn giáo giúp đỡ họ đã bị công an ngăn chận. Nghĩa trang liệt sĩ thì được chăm sóc cẩn thận, nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà thành hoang phế. Hoà giải là đây, thưa ông.
Vâng, cộng sản đã chiến thắng ngày 30.3.1975, nhưng họ đã không chiếm được lòng người miền Nam. Vậy, có thể coi là chiến thắng, là thống nhất được không?
Có một tỷ lệ thuận, cộng sản càng tuyên truyền đế quốc Mỹ là xấu xa thì càng nhiều cán bộ chạy chọt để được định cư tại Mỹ hoặc cho con cháu qua đây du học rồi tìm cách ở lại. Sao họ không cho con cháu du học tại những xứ sở thiên đường như Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn?
Đã đến lúc tôi muốn đổi đề tài:
– Bây giờ, tôi muốn mời ông một ly cà phê hay một cốc Courvoisier được không?
– Cám ơn ông, một ly cà phê được rồi.
Tôi vào bếp pha cà phê, thầm nghĩ ông Khảm khôn ngoan khi từ chối lời mời uống rượu.
– Mời ông ly cà phê Mỹ, không đậm đà như cà phê Trung Nguyên của Việt Nam.
– Dĩ nhiên tôi thích uống cà phê Việt Nam hơn. Xin ông cứ tiếp tục.
– Người trong nước thường gọi chúng tôi là Việt kiều. Đảng thì cho là “bọn ma cô đĩ điếm, ăn bơ thừa sữa cặn của tư bản”. Dư luận viên thì suốt ngày bắc loa kêu là “bọn ba que đu càng qua Mỹ”. Sau này chính phủ bất ngờ đổi giọng thành “khúc ruột ngàn dặm”. Không biết nay mai có thêm cái nhãn hiệu nào nữa. Vậy riêng ông, ông nhận xét gì về cộng đồng người Việt hải ngoại?
– Tôi không nằm trong những cái loa đó. Không phải tôi có bà con bên Mỹ, giản đơn, à không, đơn giản là tôi không thích hô khẩu hiệu hay bôi sơn lên người khác. Tôi sống thực tế.
Người Việt hải ngoại những ngày đầu định cư đã kết hợp nhau dễ dàng. Bây giờ, cuộc sống của họ ổn định, nếu không muốn nói là khá giả, thì màu sắc cộng đồng cũng thay đổi. Tôi cho đó điều tự nhiên. Tôi nghĩ thế hệ lớn tuổi lần lượt nằm xuống, tinh thần chống Cộng rồi cũng mờ dần.
Trước đây, trong chiến tranh, Bộ Chính trị của Đảng gần như là một khối thuần nhất. Bây giờ, người cộng sản đang phản bội lại những gì họ tuyên truyền trước đây. Thập niên 50, một nông dân có vài sào ruộng có thể bị quy chụp là địa chủ, cường hào ác bá. Bây giờ những biệt thự sang trọng là của giai cấp cán bộ Đảng. Ngày xưa ông Hồ nói sau chiến tranh ta sẽ xây dựng bằng năm bằng mười. Cán bộ Đảng đang làm đúng lời ông Hồ dạy.
– Tôi chưa hiểu ý ông khi đem chuyện Bộ Chính trị vào câu chuyện người Việt hải ngoại.
Ông Khảm cười, như đoán được ý nghĩ của tôi.
– Ý tôi muốn nói đến hai thực thể đang thay đổi. Trong nước, Đảng thay đổi để được sống còn. Người Việt hải ngoại thay đổi nên việc chống Cộng rồi cũng biến dạng.
Nghiên cứu hời hợt về người Việt hải ngoại như thế, làm sao ông Khảm kỳ vọng có được đồng cảm giữa hai người Việt trong và ngoài nước? Ông Khảm nói tiếp, dường như để “chữa cháy”
– Tuy nhiên tôi vẫn coi trọng người Việt hải ngoại. Họ vẫn tiếp tục bảo tồn văn hoá và truyền thống dân tộc. Ngoài Mỹ, tôi đã đến Canada, Na Uy, Úc châu và Âu châu, thấy những gia đình người Việt vẫn giữ được lễ nghi trong gia đình, hăng say với các sinh hoạt cộng đồng, cứu trợ bão lụt hay quyên góp cho trẻ em tàn tật trong nước. Những sinh hoạt này hiếm thấy bên Việt Nam.
Đến đây, tôi thấy ông Khảm đáng thương đang đứng giữa ngã ba đường. Bên trái, con người có dấu hiệu thiện chí, bên phải là tay công an thông minh. Lối nói chuyện kiểu cài răng lược của ông như để làm cân bằng nhận xét của người nghe. Ông xác nhận một sự kiện, sau đó phủ nhận nó bằng một một sự kiện khác. Thôi thì cứ để câu chuyện tiếp tục bởi cái đầu “trong đỏ ngoài xanh” của người cộng sản đang đóng vai trò “hòa hợp hòa giải”, và cái đầu “phản động” của tôi được ông cho là “phóng khoáng”.
– Đồng ý với ông một nửa.
– Xin nói rõ hơn.
– Nếu ông nghĩ “người Việt hải ngoại thay đổi” thì cũng không sai. Nhưng rất tiếc ông không biết đến thế hệ trẻ đang tích cực hoạt động qua những sinh hoạt văn hoá, hay đang dấn thân vào chính trường Mỹ. Họ vừa hội nhập xã hội Mỹ vừa bảo tồn văn hoá Việt như một sự nối dài ra hải ngoại của văn hoá miền Nam trước năm 1975.
Nhìn nét mặt ông, tôi đoán ông không mặn mà với sinh hoạt chính trị của người Việt hải ngoại, mà chỉ tìm kiếm sự xích lại hai cái nhìn trong và ngoài nước để được dư luận đánh giá là chế độ muốn thay đổi. Tôi nhìn ly cà phê còn đầy của ông, chắc ông không quen uống cà phê Costco? Ông Khảm bất ngờ hỏi tôi:
– Tôi được biết ông đã di cư vào Nam năm 1954. Ở tuổi này, nhìn lại chiến tranh Việt Nam, ông có những suy nghĩ gì?
– Như ông thấy đó, chiến tranh Việt Nam đã lấy đi hằng triệu sinh mạng của hai miền Nam Bắc. Sau khi chiến thắng, cộng sản đã áp đặt một xã hội xa lạ không liên quan gì đến huyết thống của tổ tiên Việt Nam: Xã Hội Chủ Nghĩa! Tôi muốn hỏi, loại xã hội đó lấy từ gốc nào? Từ truyền thống dân tộc hay từ Liên Xô, Trung Quốc?
Trong chiến tranh, cộng sản khai thác sách lược “chiến tranh nhân dân”, nhưng sau khi chiến thắng thì lại qua cầu rút ván, coi dân như kẻ xa lạ, kể cả những bà mẹ trước đây đào hầm che dấu bộ đội, bây giờ lại bị cướp đất, mất nhà. Ngày xưa họ đấu tố địa chủ, ngày nay họ xây biệt phủ. Tôi định nghĩa “cách mạng” của cộng sản chỉ là cướp một chính quyền hợp pháp để thiết lập một chính quyền phục vụ cho Đảng. Và sau đó mọi cánh cửa của tự do bị đóng lại.
Hôm nay, thảm kịch của xã hội và hy vọng thay đổi như hai đường rầy xe lửa song song. Mỗi đêm, tôi nhìn lên màn hình của những cuốn phim tài liệu. Kìa, là căn nhà lá xiêu vẹo bên cạnh ngôi biệt thự xa hoa như một dinh thự. Kia, là năm đứa trẻ đang ngồi dưới đất quanh nồi cơm ít ỏi và đĩa rau rẽ tiền, đối xứng với chiếc bàn la liệt bia rượu đắt tiền. Đây là đứa bé đang nài nỉ những công tử tiểu thơ giàu có mua vài tờ vé số. Xa hơn là vũ trường quay cuồng điên loạn, kế bên là hình ảnh một cụ già còng lưng trên thửa ruộng.
Tuổi trẻ Viêt Nam bây giờ tự hào về một quả bóng lọt vào khung thành đối phương thay vì tự hào về những anh hùng chống ngoại xâm. Đảng Cộng Sản giờ này vẫn tự hào vì đã đánh đuổi các đế quốc. Nói thẳng ra, như một người ngoại quốc nói, người cộng sản đã “đánh đuổi văn minh ra khỏi đất nước lạc hậu.”
Chính phủ trong nước đang quyết liệt chống tham nhũng với những cuộc khởi tố rầm rộ. Ai cũng nghĩ chống tham nhũng để làm sạch bộ máy chính quyền. Có những người “hồ hởi phấn khởi”. Tôi lại nghĩ khác. Tham nhũng chính là bản chất của các chế độ cộng sản trên thế giới, nuôi dưỡng cán bộ tham nhũng để đổi lấy sự trung thành với chế độ. Đâu phải đến hôm nay họ mới phát giác ra những vụ án tày trời? Một khi ăn chia không đồng đều hay muốn thanh trừng đối thủ, họ chỉ cần kết tội tham nhũng.
Tôi biết mình đã nói nhiều. Ông Khảm vẫn im lặng. Ông còn kiên nhẫn nữa không? Tôi không hiểu mục đích thực sự ông đến gặp tôi. Đó là việc của ông. Tôi hài lòng khi nghĩ đây là cơ hội hiếm có để nói với người cộng sản thay vì chỉ được “quyền nghe” lúc còn ở Việt Nam.
Có lẽ đã tới lúc “giải phóng” người khách thoát cảnh bối rối chăng?
– Tôi đang nghĩ đến điều này: sau khi xem xong một cuốn phim, chúng ta thường có câu hỏi, thông điệp gởi đi của đạo diễn là gì?
– Ông muốn kết luận buổi nói chuyện của chúng ta phải không?
– Ông thật sâu sắc. Cám ơn ông đã bỏ thì giờ đến đây để có một buổi nói chuyện, hữu ích hay không tôi không biết, nhưng tôi hy vọng sẽ có ý nghĩa khi ông ngồi trên xe về nhà.
Tôi thấy ông Khảm nhíu mày.
– Không biết cái nhìn của tôi có phóng khoáng như ông nghĩ không. Tôi muốn nói sự thật của lịch sử không nằm trên môi miệng, không có trong những tài liệu tuyền truyền, cũng không nằm trong bài diễn văn của những người đang nắm quyền cai trị. Sự thật lịch sử nằm trong hậu quả của chiến tranh, từ các cuộc vượt biên tìm tự do đến thảm kịch xã hội hôm nay, từ em bé bươi rác kiếm ăn cho đến bữa tiệc xa hoa của một cán bộ khi ra hải ngoại.
Tôi ngừng một lúc nhìn ông Khảm.
– Bây giờ là lúc tôi muốn nghe cảm nghĩ của ông về những gì chúng ta vừa trao đổi.
Ông Khảm không trả lời ngay, mân mê ly cà phê một lúc như tìm một kết luận thích hợp. Có thể ông tiếc đã không gặt hái được kết quả như dự tính. Ông nói với ánh mắt có vẻ tha thiết:
– Tôi đã tiếp xúc một số người làm truyền thông hải ngoại, nhưng không thấy các cuộc trao đổi có lời kết. Chúng ta chưa hẳn đã thuyết phục được nhau. Nhưng tôi không cần phải ngồi trên xe về nhà mới hiểu được những gì ông nói.
Vâng. Có thể ông vẫn còn hoài nghi về vai trò của tôi trong nhóm doanh nhân. Không sao. Chỉ có một điều trước mắt chúng ta cần làm là xây dựng đất nước. Sai lầm đã thuộc về quá khứ. Dù sao Việt Nam đã có những thay đổi dù bước đi rất chậm. Giới lãnh đạo già nua rồi sẽ về vườn. Tuổi trẻ bây giờ hiểu biết và thông minh hơn chúng ta nghĩ. Tôi tin tương lai Việt Nam sẽ tốt đẹp.
Đến đây, tôi thấy ông Khảm như một diễn viên nhập vai miễn cưỡng vào đoạn cuối vở kịch: thiếu thuyết phục người đối diện, lảng tránh sự thật. Chính quyền trong nước thường tha thiết với người Việt hải ngoại “xếp lại quá khứ để hướng tới tương lai”. Có thể nào nghĩ đến hình ảnh tên sát nhân yêu cầu gia đình nạn nhân “xếp lại quá khứ để hướng tới tương lai” là người thân của họ sẽ sống lại?
– Tôi cũng tin có một ngày Việt Nam sẽ thay đổi. Bao giờ thì thay đổi? Thay đổi trong âm thầm hay thay đổi như vũ bão? Đó là chuyện của ngày mai. Nhưng Việt Nam phải thay đổi vì người cộng sản chỉ biết xây dựng Đảng thay vì xây dựng tình dân tộc. Họ đang đẩy thế hệ trẻ lao vào hưởng thụ và giải trí, thay vì đề cao văn hoá và tinh thần dân tộc. Ông xem những show truyền hình đang ăn khách bên Việt Nam thì thấy nội dung chỉ xoay quanh nhu cầu giải trí, như uống một ly nước giải khát bên đường mà thôi. Không hướng dẫn, không đào tạo thế hệ tương lai.
Sau cùng, trước khi chia tay, tôi mượn một đoạn văn trích từ một bài viết mới đây trên Internet để hai người Việt Nam cùng chia sẻ với nhau. Bài viết nói về một ngôi miếu nhỏ trên ngọn đồi lịch sử có tên là Charlie, nơi hàng trăm người lính hai miền Nam Bắc đã bỏ mình.
“Một ngôi miếu nhỏ được dựng lên chơ vơ giữa trời gần đỉnh đồi, không tên, không tuổi, không hình ảnh, chẳng có dấu vết gì của hận thù trên đó. Phải chăng, người lập miếu chỉ muốn nói về một ngọn đồi có rất nhiều người lính cả hai phe đều đã chết và mất xác tại đó? Khi còn sống, họ là người quốc gia hay người cộng sản. Khi chết, họ là người Việt Nam. Thế thì tại sao lại đi thù hằn và đập đổ cái miếu nhỏ đó.”
Câu hỏi của tôi: Ai đã đập phá ngôi miếu? Với tôi, câu trả lời chính là thông điệp về tinh thần dân tộc cho tuổi trẻ tương lai.
Cuối năm tôi tiếp một người khách không mời mà đến. Nói về quê hương, thì hồn mình tràn ngập cảm xúc, nhưng với người khách lạ này, tôi không còn hào hứng kéo dài thêm câu chuyện.
Một phút trước, tôi có nói “hy vọng buổi nói chuyện sẽ ý nghĩa khi ông ngồi trên xe về nhà”, bây giờ tôi không còn hy vọng. Từ lâu người Việt Nam đã tìm ra chân lý: cộng sản không thể thay đổi, chỉ có thay thế.
Dù thế nào tôi cũng muốn nói lời cuối khi tiễn ông ra xe:
– Chúng ta nên nghĩ đến một kịch bản cho Việt Nam những ngày sắp tới? Ai sẽ viết? Đảng Cộng Sản Việt Nam, hay Trung Quốc, Nga, Mỹ sẽ là tác giả? Không, kịch bản phải do chính chúng ta viết ra, dựa trên những thành bại của quá khứ, lấy dân tộc làm vũ khí thành mũi tên bắn đi xa về tương lai.
***
Những ngày cuối năm đi bộ trong cánh rừng Newington, trong đầu tôi lởn vởn một nỗi niềm. Bạn bè hôm nay, những lá vàng lá xanh lần lượt rũ nhau lìa cành. Lá rụng mà không về cội. Lá bay lả tả khắp mọi hướng.
Ngày tôi về lại nơi chôn nhau cắt rốn để thắp những nén nhang tạ tội với song thân, bao giờ hay vẫn chỉ là giấc mơ?
Chu Lynh
Cuối năm cọp, đầu năm mèo
25-1-2023
Có thể là hình ảnh đen trắng về 1 người