NGƯỜI BẠN NHỎ

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Không ai biết rõ tuổi nàng nhưng hình như người thiếu phụ ấy còn trẻ lắm. Dáng người mảnh khảnh. Mái tóc dài, không uốn, óng mượt chảy xuống chiếc lưng thon. Da nàng trắng. Môi nàng hồng. Trông nàng chỉ chừng hăm bảy, hăm tám là cùng.
 Nhưng nàng lại có đến bốn người con. Con nàng, lớn nhất mới lên năm, nhỏ nhất được đâu bảy tám tháng. Người ta thấy nàng dọn về xóm Chợ Cầu sau biến cố 30/4 chừng vài tháng. Trong con hẻm nhỏ có mười sáu nóc nhà tole nghèo khổ này, mọi người đều tất bật lo kiếm sống. Chẳng ai còn có thì giờ để ý đến ai nếu như nàng không có một vóc dáng và hoàn cảnh khác hẳn những người trong xóm. 
Người thiếu phụ ấy là Hà.
 Ngày nàng mới dọn đến, đám trẻ con trong xóm bu lại xem rồi sau đó kháo với nhau:
 – Cô tóc dài – bọn trẻ gọi nàng như vậy – mua nhà bà Tư bánh tráng mới dọn hôm bữa đó, dễ thương ghê nơi.
 Nghe con Bé Anh nói, thằng Sún hùa theo:
 – Ừa, đúng đó. Tao cũng thấy cổ nè. Bữa hổm tao còn thấy cổ đọc sách và dạy con cổ học nữa đó. Cha ui… cuốn sách thiệt dầy.  Cổ có bốn đứa con nữa. Đứa nào đứa nấy dễ thương ghê hén?
 Thằng Hùng chen vào vẻ bí mật:
 – Tuị bây biết hông, công an khu vực nói với chú tao rằng, cổ là ngụy đó. Và còn bảo chú tao để ý xem những ai hay ra vào nhà cổ đó tuị bây ơi.
 Sún nghi ngờ:
 – Vậy sao ? Nhưng cổ hiền thế thì sao là ngụy được?
 – Mày ngu tổ mẹ. Bộ mầy không thấy bữa hổm họp tổ, cán bộ nói là phải đề phòng bọn ngụy trốn lủi đó sao!
 Bé Anh, đứa con gái, chớp mắt:
 – Xí, với cán bộ thì ai mà không là ngụy?  Má tao nói, mấy ổng ở miền Bắc vô đây hổng biết gì ráo trọi. Cứ thấy người ở miền Nam, mấy ổng cho là ngụy hết trơn. Má tao còn nói, từ ngày giải phóng tới nay làm ăn buôn bán khó khăn chớ hổng có dễ thở như hồi ngụy. Bữa cơm nhà tao ít đồ ăn hơn lúc trước mà cơm còn độn mì, độn bắp. Vậy ngụy tốt chớ ngụy đâu có xấu!
 – Ngụy xấu!
 – Ngụy tốt!
 – Ngụy xấu!
 Bé Anh nổi nóng:
 – Xấu chỗ nào, mầy nói nghe thử ?
 Thằng Hùng đuối lý nhưng chẳng chịu thua:
 – Thì cán bộ nói chớ tao nói sao? Buổi họp nào tao cũng theo má tao đi hết á. Bộ mầy không nghe hả . Cán bộ nói Mỹ ngụy xấu.
 Giọng Bé Anh sũng buồn:
– Ưà, nhưng cô tóc dài hổng xấu. Tao thấy cổ hiền khô hà!
 Rồi nó quay sang thằng Hùng 
–  Mà tao hỏi thật, Hùng, mầy có thấy cô tóc dài hiền không?
 Thằng Hùng do dự rồi đáp xuội lơ:
 – Tao…tao…mà… ừ hén, cô tóc dài hiền hén. Ưà, cổ là ngụy nhưng cổ hiền.
 Thằng Hùng có tiếng là ngỗ nghịch nhất xóm. Nó thích tranh cãi. Không bao giờ nó nhịn ai và luôn là đứa nói lời cuối cùng. Thế mà không hiểu sao, mỗi lần tranh luận với Bé Anh nó luôn luôn nhượng bộ.
Thấy Hùng nhỏ nước, Sún cười khoe cả hai hàm răng sún:
 – Tao cũng…nhất trí với thằng Hùng là cổ hiền.
 Con Bé Anh vui hẳn lên:
 – Vậy là ngụy đâu có xấu!
 Thằng Hùng tỏ ra hiểu biết:
 – Ý cha ơi, mầy ngu tổ mẹ.  Biết vậy nhưng mầy đừng nói vậy chớ! 
 Rồi nó nói nhỏ vào tai Bé Anh:
 – Mầy biết hông Bé Anh, chú tao bảo phải nói là ngụy xấu, nếu không, mầy sẽ bị rắc rối với mấy ông cán bộ đó!
 Bé Anh trề môi:
 – Xí! Cái gì kỳ! Má tao cũng bảo tao như vậy đó.Tao thấy người lớn gì mà xí gạt con nít hông à! Chút chiều, tao đến nhà cô tóc dài chơi. Mầy có đi với tao không?
 Thằng Hùng lắc đầu cười:
 – Chú tao hổng cho tao đến. Cổ là ngụy mà!
  *
Không chịu nổi sức nóng của mái tôn, Hà đem các con ra ngồi ở ngoài hè chờ những cơn gió thoảng. Nàng càng buồn, gương mặt nàng càng đẹp. Một vẻ đẹp kín đáo của những người thiếu phụ Đông phương dịu dàng, nhẫn nhục.  
Một tay Hà ôm cu Út Qúy. Cậu ta đang thiếp ngủ. Mấy hôm nay Qúy nóng mọc răng nên quấy mẹ dữ lắm. Một tay nàng sửa lại hạt nút áo cho cu Toàn. Bé Toàn ngồi cạnh mẹ, say mê chơi với chiếc xe hơi cũ. Thỉnh thoảng nàng lại đưa mắt nhìn hai cô con gái lớn. Mai và Lan đang chụm đầu vào quyển tập đọc lớp một.  Bé Mai thích đọc sách. Lan thì chưa đi học nhưng cũng đã biết nhận ít mặt chữ và cô bé rất thích xem những hình vẽ trong quyển tập đọc của chị Mai. Hà nhớ là lúc Mai đã học gần xong lớp mẫu giáo thì một hôm Bình vội vã từ đơn vị ghé về nói với Hà:
 – Hà ơi, tình hình căng thẳng lắm. Bọn anh cấm trại 100%. Ở đây an ninh không còn bảo đảm nữa. Anh đã sắp sẵn cho em chuyến xe hai giờ chiều nay về Saigon gấp. Bỏ tất cả lại. Em hãy đem các con về ở tạm với vợ chồng Nhị, chờ tin anh. 
 Bình hôn vợ hôn con rồi tất tả đi ngay. Là vợ lính tác chiến, Hà hiểu và xem những gì chồng nói như một quân lệnh. Nàng vội vã thu xếp thật nhanh. “Bỏ mọi thứ lại” nàng nhẩm lại lời chồng, nàng chỉ đem bốn đứa con và một ít vật dụng cần thiết lên xe. Phải mất gần hai ngày đường mẹ con nàng mới về được Hoà Hưng. Thấy nàng về, Loan, vợ Nhị, mừng đến rơi nước mắt:
– Trời ơi, chị Hà. May qúa, chị về được. Thấy người ta chạy về đây ào ào mà không thấy chị, tụi em lo qúa. Nhất là Nhị, anh ấy ngày nào cũng nhắc làm em càng thêm rối ruột!
Hà mệt mỏi:
– Nhị cấm trại phải không? Tình hình có vẻ gay cấn lắm Loan. Anh Bình không cho chị ở lại đó nữa, anh bảo chị đem các cháu về đây. Chị lo cho ảnh qúa Loan à! 
Loan thở dài:
– Giờ chỉ còn trông cậy vào bề trên thôi chị ạ!
 *
Hơn ba tháng trời Hà ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Hà ăn không ngon, ngủ không yên. Nàng không nhận tin chồng mà chỉ được tin rút lui, bỏ ngỏ hết vùng này đến vùng khác qua máy radio.  Nhị, em trai nàng, phục vụ ngay tại Saigon nhưng cấm trại liên miên. Những lo lắng cho sự mất còn của đất nước, nỗi an nguy của chồng, của em, của tương lai bầy con cứ rối bời trong lòng và Hà chỉ còn biết than thở khi thì với Loan, khi thì âm thầm bằng nước mắt. 
 Một tuần lễ sau ngày 30/4, khi mắt Hà đang sưng mọng thì Bình hiện về như một bóng ma. Bước vào nhà lúc chạng vạng tối, với bộ thường phục lem luốc, buị bẩn, Bình không nói được gì. Anh ôm chầm lấy vợ và bật khóc như một trẻ thơ. Nhận ra chồng, Hà vừa mừng vừa tủi. Trong vòng tay chồng, ngửi lại muì mồ hôi thân thuộc, nàng thèm khóc cho thỏa cơn đau. Nhưng khi thấy chồng nức nở, Hà thương anh qúa đành phải kềm lòng mình lại và dùng tay diụ dàng lau nước mắt cho chàng.
 Giục mãi Bình mới đi tắm và ép mãi chàng mới ăn qua loa vài miếng cơm. Ăn xong, Bình ngồi đối diện với Nhị hàng giờ mà hai người chẳng nói chuyện rôm rả với nhau như mọi lúc.
 Hà cũng còn nhớ rõ lúc chồng nàng vuốt tóc và ôm hôn từng đứa con. Chàng âu yếm dặn dò Mai phải ngoan cho mẹ vui. Cuối cùng, Bình bịn rịn hôn từ biệt vợ rồi cùng Nhị vào trại tập trung cải tạo. Bao tháng trời đằng đẵng trôi qua, từ nhớ nhung chuyển sang lo lắng và bây giờ là vô vọng. Những người vợ tìm đến nhau để mong chút an ủi và chia xẻ tin chồng nhưng thực ra không một ai biết được gì. Mọi người sống trong lo sợ, mò mẫm trong bầu trời đen đặc, hoang mang và nghi kỵ lẫn nhau. Cán bộ chính trị đến từng nhà có người đi cải tạo nói những lời mà người ta gọi là “động viên tinh thần” rỗng tuếch và trơn tru như con vẹt biết nói tiếng người. Họ khéo léo trang bị một bộ mặt xót xa, thông cảm cho cảnh vợ vắng chồng, con xa cha nhưng mắt họ lau liến liếc quanh dò xét. Nhất là nhìn hau háu vào gương mặt trẻ, vào những vùng không có gì để phải xót xa trên thân thể của người phụ nữ đang ở vào cái tuổi nồng nàn nhất khiến Hà bực mình nói móc:
 – Thưa cán bộ, nếu cán bộ cảm thấy tôị nghiệp cho tôi và các cháu nhỏ phải vắng bố chúng nó thì xin cán bộ can thiệp cho nhà tôi được thả về.
 Người chính trị viên cười cầu tài, khoe hàm răng vàng cáu:
 – Ấy, chị nói thế là chưa quán triệt đường lối của Đảng và Nhà nước ta rồi.  Tôi tuy thương các cháu và cảm thông hoàn cảnh, trường hợp của chị lắm nhưng anh nhà cần được đi cải tạo để tỏ thông đường lối đã chứ. Đó là chính sách khoan hồng nhân đạo của Cánh Mạng chị ạ.  Anh học tập tốt và chị động viên anh tốt thì anh sẽ được về thôi! Tôi sẽ lại thăm chị thường và nếu cần gì, tôi sẽ giúp.
 Vừa nói, anh ta vừa nhìn chăm chăm vào bộ ngực dù khiêm tốn của Hà. Vô hình chung, nàng chợt thấy xót xa cho mình và mỉa mai khi nghĩ đến câu “ đảng ta ưu việt” mà nàng thường được nghe trong những lần đi họp tổ. 
 Không bao lâu, Hà và Loan bị đuổi ra khỏi căn nhà nàng đã lớn lên và sống suốt thời con gái. Ngay cả sau khi lấy chồng, căn nhà, sau khi ba mẹ nàng qua đời, chị em Hà đã ở đó và dùng đó làm nơi cúng giỗ cha mẹ. Chỉ khi nào Hà đi với chồng thì vợ chồng Nhị mới một mình lo phần nhang khói. Nhưng hôm nay người ta lại nói rằng căn nhà của ngụy đi cải tạo nên nhà nước cho nhân dân đến quản lý giùm. Khi nào người cải tạo về thì nhà nước trả lại.  Hà và Loan năn nỉ đến khô cả cổ và trình giấy tờ chứng minh đó là căn nhà của ba mẹ và xin ở lại, nhưng năn nỉ mấy người ta cũng không cho. Cuối cùng, Loan phải đem bé Hương về nhờ bên ngoại. Hà thì không còn bà con thân thích nên nàng phải bán tư trang, mua vội căn nhà của bà Tư bánh tráng ở xóm Chợ Cầu để nương náu chờ chồng.
 Lúc này Hà có được nghề bán cháo sườn. Sáng nào Hà cũng dạy từ rất sớm, nấu nồi cháo rồi chờ sáng đặt vào miếng gỗ có bốn bánh xe kéo ra đầu ngõ và mấy mẹ con ngồi bán. Phải nói là mấy mẹ con ngồi bán. Ngoại trừ bé Mai đi học, còn thì tất cả đều qúa nhỏ, không thể để ở nhà mà chẳng có người coi nên nàng phải đem cả con theo. Những hôm may mắn bán hết, bữa cơm của mẹ con nàng có thêm chút tép rang, Út Qúy có chút đường để ăn với cháo. Hôm nào bán ế, mẹ con nàng ăn cháo trừ cơm. Sau buổi chợ, nàng chỉ quanh quẩn ở nhà với con, và chuẩn bị cho nồi cháo ngày mai.
 Trong tay Hà, Út Qúy vẫn gà gật ngủ. Nàng đặt tay lên trán con thăm chừng nhiệt độ. Trong bày con, Qúy giống Bình nhiều nhất. Hà lại nghĩ đến Bình, đến nụ hôn từ giã ngày nào. Hà có cảm tưởng nụ hôn đó đã hóa đá và in dấu vĩnh viễn trên gò má.  Bất giác, mắt nàng cay sè và cổ nàng nghẹn lại.
Một khuôn mặt nhỏ xinh xắn lấp ló bên gốc bông giấy toét miệng cười khi Hà bất chợt nhìn ra. Hà cười lại và bất ngờ đưa tay lên ngoắc:
– Bé muốn vào chơi với Mai và Lan không? Vô đây!
 Chỉ chờ đợi có thế, Bé Anh chạy ngay đến. Mai nhìn cô bạn mới mỉm cười rồi quay sang nói với em:
 – Lan ngồi xích lại cho bạn ngồi với.
 Bé Anh ngồi xuống bên Mai:
 – Gọi Anh là Tú Anh.
 Hà khen:
 – Tên Tú Anh đẹp quá. Tú Anh, đây là Mai và Lan.
Tú Anh cười sung sướng:
 – Dạ, Tên má đặt cho Tú Anh đó.
Rồi cô bé quay sang Mai:
 – Mai xem hình hả ? Cho Tú Anh xem với nhé.
 Bé Mai giơ cuốn sách tập đọc ra xa hơn một chút để cho cả ba cùng nhìn vào được.
Trẻ con thật hồn nhiên. Chỉ chốc lát mà lũ trẻ vui vẻ cười đùa như thân nhau từ lâu lắm. Ba cái đầu chụm vào nhau. Tiếng đánh vần, tiếng cười, tiếng nói làm Hà cũng cảm thấy vui lây.
Tú Anh khá xinh và ngoan. Những lúc Tú Anh đến chơi, Hà thấy căn nhà của mẹ con nàng vui lên đôi chút. Mỗi lần chia phần khoai, phần sắn cho các con, Hà đều để dành một chút cho Tú Anh. Tú Anh thì lúc nào cũng hồn nhiên vui vẻ đón nhận những món quà đầy tình thân ái. Cô bé rất thích món cháo sườn của người Bắc nấu nên mỗi khi Hà bán ế, Tú Anh cũng được để phần một chén. Có lần Tú Anh kể cho Hà nghe là bọn trẻ ở đây lúc đầu cứ gọi Hà là “cô tóc dài” làm Hà vui vui vì thấy cái tên ngộ nghĩnh.
Từ khi dọn đến đây, cuộc sống của mẹ con Hà rất là đơn độc. Họ hàng bà con đã ít, sau ngày 30/4 lại ít hơn. Tú Anh là người bạn đầu tiên và cũng là người bạn duy nhất của họ ở xóm này. Phần nhiều, ai cũng bận. Hơn thế, Hà biết rõ là có một cái gì ngăn cách giữa nàng và những người cùng xóm. Đi họp tổ, mẹ con nàng cũng ngồi một góc và ít khi có ai đến ngồi gần. Hà sợ nhất những buổi họp tổ. Thế mà mỗi tuần đều phải đi họp. Nhiều lần ông tổ trưởng, còn được người ta gọi là Cách Mạng Ba Mươi, chủ tiệm tạp hoá ở đầu ngõ, sau mấy lần đến nhà ve vãn Hà không được đã lợi dụng những lần họp tổ đề nghị với cán bộ phường đưa nàng đi kinh tế mới. Hà không quên cái giọng khàn đục của ông ta:
-Tôi đề nghị với anh Ba Tới, cán bộ có mặt trong buổi họp hôm nay và bà con cô bác là mình tìm cách giúp đỡ chị Hà xóm ta có chồng đi cải tạo để chị mau nhận định được đường lối sáng suốt của Đảng mà đăng ký đi xây dựng kinh tế mới.  Đó là cách duy nhất chị giúp cho chồng chị mau được về đoàn tụ.
Sau khi dừng lại nhìn mọi người với vẻ tự mãn và sung sướng với tâm trạng cuả kẻ được dịp trả thù, ông tổ trưởng mỉm cười nói tiếp:
– Bà con cô bác có ý kiến gì không? Chị Hà có ý kiến gì không? Nếu không thì ta xem như chị đã thông suốt và bước sang mục khác. Mai tôi sẽ đưa đơn cho chị.
Mọi người đưa mắt nhìn bày trẻ và Hà nhưng không ai dám có ý kiến.  Không khí thật nặng nề, ngột ngạt. Đến lúc này Hà cảm thấy mình cần tự vệ:
– Thưa cán bộ, thưa ông tổ trưởng, thưa cô bác, con tôi, bốn cháu còn qúa nhỏ. Cháu lớn nhất mới sáu tuổi.  Nhỏ nhất mới hơn một năm. Nếu có đi kinh tế mới bây giờ cũng không có lợi cho nhà nước mà còn có thể gây trở ngại cũng như giảm thiểu năng xuất của tổ hợp vì các cháu còn qúa nhỏ. Tôi là mẹ bắt buộc phải săn sóc chúng nó nên chắc chắn là không sản xuất tốt được. Còn chồng tôi, được nhà nước khoan hồng cho đi học tập thì đó là điều tốt chứ có phải tù đầy khổ ải gì đâu mà tôi ngại. Anh cán bộ chính trị đã nói với tôi rằng, tôi không cần phải lo lắng gì cho nhà tôi cả. Cứ an tâm mà nuôi con. Khi nào học tập thông suốt thì anh ấy sẽ về thôi. Xin cán bộ và cô bác để cho tôi chờ bố các cháu về rồi chúng tôi sẽ tính.
Cả tổ im phăng phắc. Người cán bộ tập kết nhìn Hà và lũ trẻ không nói gì. Nhưng ông tổ trưởng thì chua cay:
– Ai cũng viện lý do con nhỏ để trốn tránh lao động như chị thì lấy ai mà sản xuất?
 Thấy người cán bộ vẫn im lặng và không ai đồng ý với ông tổ trưởng, Hà thấy mình nói đã đủ nên nín thinh, nhẫn nhục. Nàng đọc được những ánh mắt ái ngại xót thương ném về phía mẹ con nàng. Nhưng sự xót thương thì cũng chỉ đến thế thôi chứ chẳng ai muốn dính dáng gì với ngụy. Đã thế, trong các buổi họp, cán bộ luôn luôn nhắc nhở cho mọi người biết rằng ngụy quân ngụy quyền là bọn phản Cách Mạng, là bọn phản động, có tội, có nợ máu với nhân dân. Hà ngồi cúi mặt lắng nghe để chua xót biết rằng lằn ranh giới vạch ra rất rõ ràng từ đó. Ở một thời điểm mà không ai có thể tin ai, không ai dám bênh vực hay không thể bênh vực được ai, và không ai có thể đoán được là chuyện gì sẽ xảy ra vào phút tới cho chính bản thân và gia đình mình thì Hà đâu dám trách hay than van là sao con người lại qúa vô tình. Hà biết thân phận nàng có chồng đi cải tạo nên cũng chẳng dám làm quen ai.  Sợ họ vì nàng mà bị liên lụy. Nàng thấy rằng, mẹ con nàng và toàn dân miền Nam đang ở tù. Một trại tù to lớn, không có kẻng báo động tập họp sáng chiều.  Một trại tù không có hàng rào kẽm gai, không có ranh giới bằng không gian nhưng bằng những ranh giới vô hình tự lòng người. Những ranh giới đó Hà thấy nó còn ghê gớm và tàn nhẫn hơn cả triệu lần! Trong trại tù nhỏ, người tù biết là họ đang bị tù, nên không còn sợ bị tù nữa.  Còn những người ở trong một trại tù lớn không ranh giới này, được trang bị một cái ảo tưởng gọi là TỰ DO nên người ta không dám nghĩ là người ta ĐANG Ở TÙ. Thế nên cuộc sống của họ lúc nào cũng phập phồng, lo sợ.  Họ sợ hãi phải VÀO TÙ và mất cái TỰ DO ẢO TƯỞNG kia đi. Vì thế, ai cũng tìm cách tự vệ. Và vì tự vệ, con người đâm ra ngờ vực lẫn nhau. Giả dối và qủy quyệt với nhau để cố bảo vệ cái gì mình tưởng rằng mình có.
 Hà thấy nàng và mọi người thật là tội nghiệp! Sợ mất đi cái gì mình có đã đành. Nhưng sợ mất đi cái mà mình không có mới thật tức cười. Tức cười đến chua xót, đến thảm thương và mai mỉa!
 Đã mấy ngày liền Hà không thấy Tú Anh đến chơi. Không những chỉ Mai và Lan nhắc nhớ Tú Anh mà Hà cũng cùng chung tâm trạng. Bỗng một hôm mấy mẹ con đang ăn cơm thì Tú Anh chạy vụt vào. Mắt lấm lét vừa nhìn ra đường vừa nói trong cơn thở dốc: 
 – Cô Hà ơi, mấy hôm nay Tú Anh không đến chơi với Mai và Lan được, cô biết tại sao không?
 – Cô không biết. Tại sao vậy?
 – Tại thằng Hùng méc chú Căn nó. Chú nó nói với má. Má biểu hổng được đến vì sợ công an khu vực để ý.
Hà nuốt vội miếng cơm độn khoai trong miệng. Nàng bỏ đũa và cảm thấy đắng nơi cổ họng. Sự vắng mặt của bé Anh mấy ngày qua đã làm Hà nghĩ đến điều này nhưng nàng không chắc lắm. Vì nàng nghĩ, dù sao chuyện chính trị chính em cũng là chuyện của người lớn, không ai có thể thiếu lương tâm và tàn nhẫn đến độ đi gieo vào lòng trẻ thơ những hận thù oán ghét. Nhưng nàng lầm. Nàng càng thấm thía cái khẩu hiệu màu máu: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” giăng đầy ở các trường lớp sao mà thâm độc! Thì ra, vì lợi ích trăm năm, người ta có thể giết chết lương tâm, nói sai sự thật để làm tất cả những gì tàn nhẫn nhất. Mục đích của họ là biến con người thành công cụ đắc lực phục vụ cho một chế độ phi nhân. Để thực hiện điều đó, họ bắt buộc phải bôi đen lịch sử, phải nhồi nhét vào đầu óc và tâm hồn những đứa trẻ ngây thơ trong trắng hình ảnh gớm ghiếc độc ác của mẹ mìn. Cũng dễ hiểu. Để sống còn, và củng cố địa vị, họ phải đào tạo một lớp người trẻ không biết gì về sự thật, về thế giới chung quanh và về lịch sử của chính dân tộc mình. Lớp người trẻ này chỉ còn biết hận thù, sắt máu. Lịch sử được vo tròn bóp méo tùy từng thời điểm. Miễn là hình thành được ý đồ và đạt được mục đích cuối cùng. Thế là đủ. Sau phút tức giận là nỗi xót xa. Có người mẹ nào không mong con mình khôn lớn, thế mà Hà lại ôm chặt bày trẻ vào lòng nghẹn ngào trong nước mắt:
– Các con của mẹ ơi! Các con đừng lớn nhé!
Rồi nàng vuốt tóc Tú Anh nhỏ nhẹ:
 – Cô biết Tú Anh thích đến chơi với các em. Nhưng nếu mẹ cấm thì nên vâng lời mẹ.
Tú Anh ấm ức:
 – Mới đầu, má biểu chú Căn là con nít ai cấm được. Nhưng chú Căn nói ba là liệt sĩ mà má để Tú Anh đến nhà ngụy vậy hổng tốt. Má nói hổng tốt từ hồi nào tới giờ chớ phải mới đây đâu. Chú Căn nói, tùy chị, tui có bổn phận báo cáo công an. Chỗ lối xóm, tui cho chị hay lần này.  Chị nhớ là chị muốn cái sạp bán đồ khô ở chợ mà chị không theo đúng chính sách là tui hổng có bảo đảm đâu nghe! Rồi chú Căn về và má nói: “Tổ mẹ tuị bay, chồng tao là cách mạng từ khi bay còn bú sữa, nay ổng chết, tụi bay là thứ cách mạng ba mươi chỉ giỏi hù đàn bà, con nít!” Tú Anh hổng biết má chưởi ai nhưng sau đó má biểu không được tới đây chơi nữa. 
Mai chen vào:
– Sao bữa nay Tú Anh tới được? 
– À, tại Tú Anh nhớ cô, nhớ Mai và Lan qúa xá. Chờ má đi mua hàng là Tú Anh ghé một chút rồi về liền hà!
Hà không nói được gì. Hai tay nàng vẫn ôm chặt bày con. Những giọt nước mắt nóng thi nhau lăn dài xuống má.
Chợt có bóng người đàn ông đi vào từ đầu ngõ. Khi đi ngang nhà Hà, người ấy đi chậm lại và nhìn vào với ánh mắt thật vô tình. Thấy anh ta, Tú Anh vội ngồi thụp xuống, núp dưới khuôn cửa sổ. Đợi đến khi không còn nghe tiếng chân vang, Tú Anh thở phào:
– Cô biết ai hông? Chú Căn của thằng Hùng đó. Hồi xưa ổng ghê lắm. Tụ bè họp đảng, cướp, trộm, phá làng, phá xóm hông à. Ai cũng ngán ổng hết cô ơi.  Bây giờ ổng theo cánh mạng, ổng làm lớn lắm. Ổng lấy tin tức cho công an, Má nói vậy đó. Thôi, Tú Anh về hổng thôi ổng lại méc má nữa đó. Hôm nào má đi khỏi, Tú Anh tới thăm cô và Mai nghe.
Tú Anh ra đến cửa, đột nhiên quay lại nhìn Hà với ánh mắt van lơn:
 – Cô đừng giận má nghe. Hổng phải tại má đâu. Tú Anh biết mà. Thiệt đó! 
Nói xong, Tú Anh chạy vụt ra đầu ngõ, ngược chiều với người đàn ông cách mạng ba mươi.
Ngô Minh Hằng