NGOẠI TRƯỞNG MỸ CẢNH BÁO TRUNG CỘNG “CƯỠNG ÉP & HUNG HÃN” TRONG CHUYẾN CÔNG DU CHÂU Á ĐẦU TIÊN

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Liên Minh Mỹ-Nhật họp tại Tokyo ngày 16-03 bán kế sách đối phó với Trung Cộng và Bắc Hàn

 

 

 

 

 

 

Theo tin Reuters, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 16/3 cảnh báo Trung Cộng không nên dùng cách “cưỡng ép và hung hãn”, trong lúc ông thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên nhằm củng cố các liên minh châu Á khi đối diện với sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh, 

Yêu sách chủ quyền của Trung Cộng trên Biển Đông và biển Hoa Đông đã trở thành một vấn đề ưu tiên trong mối quan hệ Trung-Mỹ đang trong tình hình càng ngày càng gay gắt. Đây cũng là mối quan tâm an ninh quan trọng đối với Nhật Bản.

Reuters trích lời ông Blinken: “Nếu cần thiết, chúng ta sẽ đẩy lùi khi Trung Cộng sử dụng biện pháp cưỡng ép và hung hãn để thực hiện ý đồ của họ”.

Chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ đến Tokyo cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của các thành viên hàng đầu trong nội các của TT Joe Biden. Chuyến đi diễn ra tiếp theo sau hội nghị thượng đỉnh tuần trước của các lãnh đạo nhóm Bộ Tứ Kim Cương bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.

Phát biểu của Ngoại Trưởng Blinken được đưa ra trước ngày họp tại tiểu bang Alaska là ngày 18/3 tới. Đó là cuộc họp đầu tiên mà các giới chức cao cấp của chính quyền Biden và những người đồng cấp Bắc Kinh sẽ cùng nhau thảo luận về mối quan hệ rạn nứt giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Washington chỉ trích Bắc Kinh vì lợi ích của mình mà “bắt nạt” các nước láng giềng. Còn Trung Cộng tố cáo Hoa Kỳ âm mưu gây bất ổn trong khu vực và can thiệp “công việc nội bộ” của họ.

Trong tuyên bố đưa ra với những người đồng cấp Nhật Bản, ông Blinken và ông Austin nói “Hành vi của Trung Cộng, vốn không phù hợp với trật tự quốc tế hiện hữu, gây ra những thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự và kỹ thuật công nghệ đối với liên minh và cộng đồng quốc tế”.

Hai nước cam kết chống lại hành vi cưỡng bức và gây bất ổn đối với những nước khác trong khu vực làm suy yếu hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, các giới chức Hoa Kỳ nói thêm.

Cuộc họp được tổ chức theo thể thức “2 + 2” với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi chủ tọa.

Vấn đề Triều Tiên cũng được tập trung thảo luận cao sau khi Tòa bạch Ốc cho biết Bình Nhưỡng đã bác bỏ các nỗ lực đối thoại với chính quyền Joe Biden.

Quốc gia bị cô lập và đã theo đuổi các chương trình nguyên tử và hỏa tiễn bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lên tiếng cảnh báo chính quyền Biden không nên “phá hôi” nếu muốn hòa bình, truyền thông quốc gia Triều Tiên tuyên bố ngày 16 tháng 3.

Ông Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản và Nam Hàn trong việc phi nguyên tử hóa Triều Tiên. Ông nói: “Chúng tôi không có lợi thế chiến lược nào lớn hơn so với liên minh này về vấn đề Triều Tiên. Chúng ta sẽ đối diện với thách thức trong tư cách là một liên minh và chúng ta phải làm điều đó nếu muốn đạt hiệu quả”.

Các bộ trưởng cũng thảo luận về “cam kết kiên định” của Washington trong việc bảo vệ Nhật Bản trong tranh chấp với Trung Cộng về các đảo nhỏ ở Biển Hoa Đông, đồng thời lặp lại phản đối về các yêu sách hàng hải “bất hợp pháp” của Trung Cộng ở Biển Đông.

Họ cũng chia sẻ những lo ngại về các diễn biến như luật mới mà Trung Cộng thông qua vào tháng Giêng  năm nay cho phép lực lượng cảnh vệ nổ súng vào các tàu nước ngoài.

Ngoại trưởng Motegi cho biết các vấn đề liên quan đến Trung Cộng đã chiếm phần lớn trong các cuộc đàm phán hai chiều của ông với ông Blinken, đồng thời bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với “nỗ lực đơn phương” của Trung Cộng nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng Triệu Lập Kiên nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng quan hệ Mỹ-Nhật “không nên nhắm mục tiêu hoặc làm suy yếu lợi ích của bất kỳ bên thứ ba nào” và nên thúc đẩy “hòa bình và ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương”.

Ngoài ra, ông Blinken cũng bày tỏ lo ngại về nỗ lực của quân đội Myanmar nhằm lật ngược kết quả của cuộc bầu cử dân chủ và cuộc đàn áp của họ đối với những người biểu tình ôn hòa.

Theo tin Reuter và VOA