NGÀY TA BỎ NÚI (Kỳ 8)(Vương Mộng Long)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 1 person and text that says 'Trung tá Nguyễn Khoa Lộc- Liên doàn phỏ Liên Đoàn 33 Biệt Động Quân'

May be an image of 2 people and people smiling

Lời giới thiệu: Hồi ký “Ngày Ta Bỏ Núi” đã được viết cách đây 16 năm. Nhưng khi phổ biến, nó đã bị cắt xén và che giấu nhiều điều. Tác giả Thiếu tá Vương Mộng Long đã bỏ công nhuận sắc lại toàn bộ bài viết này. “Ngày Ta Bỏ Núi” với đầy đủ chi tiết từng ngày, từng sự kiện diễn ra trong suốt cuộc lui binh, kể cả những bí mật mà trước đây bị che đậy và giấu nhẹm.
Vài ngày trước, tôi đã chứng kiến cảnh Biệt Ðộng Quân hoan hô người đàn bà can đảm của Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân trên bãi trực thăng, vì thế tôi không ngạc nhiên khi thấy chị ta cũng có mặt trong đoàn người mặt mày hí hửng đang từ dưới chân đồi hì hục leo lên.
Tôi không cho lệnh đốt khu doanh trại, vì ngại khói đen bốc cao có thể thu hút sự chú ý của các đơn vị Việt-Cộng ở xa. Tôi không muốn đụng đầu với quân cứu viện của chúng lúc này.
Khi rút lui, Trung úy Phước đã sơ ý không phá hủy cái kim hỏa của khẩu súng cối. Vài giờ sau khi chúng tôi rút đi thì đạn cối 82 ly bắt đầu câu theo đít quân ta.
Chúng tôi nhanh chân vượt qua hai ngọn đồi, rồi chui vào sâu trong rừng lau sậy.
Trời vừa tối. Tôi cho lệnh dừng quân căng lều. Rừng bao la, đạn cối của Việt- Cộng “ùm! ùm!” rơi bâng quơ trong núi.
Ngày 1 tháng Tư năm 1975, lên đường!
Sáng nay mọi người đều no bụng. Ðoàn quân tìm lại được cái vẻ oai phong, khí thế ngày nào!
Ðội hình một hàng dọc! Thứ tự như cũ! Cứ theo hướng mặt trời mọc mà đi! Cứ men theo bờ Ða Dung mà tìm đường về quận lỵ Di Linh.
Binh nhì viễn thám viên Triệu Tân mở đường. Người thứ nhì là Thiếu úy Ðặng Thành Học. Người thứ ba là tôi. Sau tôi là thằng Y Don Nier. Sau thằng Don… là đoàn rồng rắn lên mây, cả liên đoàn hàng dọc.
Ðường độc đạo, hai bên là lau sậy và gai mắc cỡ. Nếu cứ tính lộ không trung bình mỗi người cách nhau 3 mét, thì toán đi đầu của tôi cách toán đi chót của Thiếu tá Ðàng phải trên 2 cây số.
Tới chiều thì chúng tôi bắt đầu đi lên một cái dốc khá cao. Tình hình vẫn yên tĩnh! Trời đẹp quá! Trên không mây trắng vài sợi bay lờ lững. Gió nhẹ như ru. Thông ngàn reo vi vu. Chim chóc hót vang lừng. Nếu là thuở thanh bình thì cảnh này thật lý tưởng cho các thi nhân lang thang đi tìm ý thơ…
“Choác!” thằng Tân té ngửa!
Tôi và Thiếu úy Học khựng lại. Một giây sau, tôi và chú Học mới bóp được cò hai khẩu M16 theo phản xạ, nhắm về hướng bụi cây um tùm bên phải dốc.
Ðạn trúng tảng đá trong bụi rậm. Ðạn văng ngược ra đường xoáy trong không khí, kêu “Tăng! Tăng!… Tằng! Tằng!” rồi… “Xèo!” chui xuống cỏ.
Toán viễn thám của Hạ sĩ Tuấn phóng nhanh lên dốc, vừa chạy vừa bắn.
Toán viễn thám chiếm được đỉnh dốc, nhưng tên bắn tỉa đã cao bay.
Viên đạn súng trường Nga trúng ngay giữa trán Triệu Tân. Cái nón sắt vỡ. Cái vỏ đạn bằng đồng đỏ còn nóng hổi, nằm trên mặt đất sau tảng đá.
Chỉ với một viên đạn, Thượng Cộng đã loại ra ngoài vòng chiến một viễn thám viên lợi hại của đơn vị tôi.
Khi đại đội của Thiếu úy Học đã bố trí an ninh xong, chúng tôi tạm dừng để an táng Biệt Ðộng Quân Triệu Tân.
Cặp thẻ bài đeo trên cổ Triệu Tân bị chia đôi, một chôn theo người chết, một bị cất trong ba lô của Ðại úy Hoàn, Tiểu đoàn phó.
Tôi cho liên đoàn chiếm lĩnh ngọn đồi để nghỉ qua đêm.
Ðêm đó toán viễn thám của Hạ sĩ Tuấn âm thầm lên đường. Ðiểm tới là triền dốc cuối ngọn đồi, cách chỗ chúng tôi dừng quân gần hai cây số.
Mờ sáng hôm sau một quả Claymore nổ. Tên Thượng Cộng đang nửa đường lên dốc lãnh nguyên trái mìn cơ động, khẩu súng trường bá đỏ văng trên bãi cỏ bên đường: Có vay có trả!
Sáng ngày 2 tháng Tư năm 1975, vừa xuống tới chân dốc, tôi báo cho hai tiểu đoàn đi sau chuẩn bị đánh lạc hướng địch.
Mười năm phục vụ ở Vùng 2, tôi đã hướng dẫn nhiều quân nhân dưới quyền thành thạo nghệ thuật xoá dấu vết khi di chuyển trong rừng.
Hôm nay liên đoàn bị một phen vất vả. Ðoàn quân đang đi hàng dọc thì được lệnh dừng lại, chuyển thành hàng ngang, đâm thẳng xuống suối. Tới suối lại được lệnh lội hàng dọc trong lòng suối. Lội được khoảng nửa cây số lại có lệnh chuyển hàng ngang leo lên đỉnh. Khi lên tới đỉnh, đoàn quân lại chuyển thành hàng dọc.
Phải ma mãnh như thế mới đánh lạc được sự theo dõi của Thượng Cộng.
Vì di chuyển vòng vo tránh vùng địch hiện diện, nên chúng tôi dạt về hướng Tây hơi xa.
Buổi trưa, tôi thấy đồn Tân-Rai sừng sững bên phải trục tiến quân của mình. Như vậy chúng tôi còn cách thành phố Blao trên chục cây số.
Nhưng khi nhìn thấy đồn Tân-Rai đã bị bỏ trống, trên cột, lá cờ vàng ba sọc đỏ còn bay, thì chúng tôi chỉ đứng xa mà ngó, chứ không dám leo lên. Mìn bẫy ai mà lường cho được!
Tôi cho quân chuyển hướng về Nam. Xế chiều, chúng tôi đã ở trên một đỉnh đồi nằm về hướng Tây Bắc của phi trường Con Hinh Ða.
Thành phố Blao nằm dưới kia, ngay trước mặt!
Từ trong phố, vẳng lại tiếng trống múa lân “thùng! thùng!”
Trước cửa vài ngôi nhà lác đác cờ bay, cờ nửa xanh, nửa đỏ, sao vàng. Blao đã rơi vào tay giặc!
Chúng tôi đành quay sang hướng Ðông, tìm đường lên Ðức-Trọng, Liên-Khương. Không biết tình hình Ðà-Lạt ra sao? Thôi thì, nước còn, ta cứ tát! Hy vọng, có còn hơn không! Bụng tuy đói cồn cào, nhưng chân chúng tôi vẫn cố gắng bước lên.
Ðêm 2 tháng Tư năm 1975, trong khi dò tìm tần số đài phát thanh Sài-Gòn, chiếc radio cầm tay của tôi bắt được một bản tin phát đi từ Lộc-Ninh qua Ðài Tiếng Nói Của Mặt Trận Dân Tộc Giải-Phóng Miền Nam.
Chương trình tối nay của đài cứ lặp đi, lặp lại lời kêu gọi của một thiếu úy trực thuộc Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân vừa ra đầu hàng quân Giải Phóng.
Anh thiếu úy này hết lời ca ngợi Quân Ðội Giải Phóng đã đối xử vô cùng nhân đạo với anh ta và hai người dưới quyền đã theo anh ta ra đầu hàng.
Anh ta còn lớn tiếng thiết tha kêu gọi những Biệt Ðộng Quân còn lại của Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân hãy noi gương anh ta, mau mau ra đầu thú để khỏi bị chết đói ở trong rừng.
Trưa ngày 3 tháng Tư năm 1975, cánh quân đầu của tôi tới sát Liên tỉnh lộ 8 B. Nơi này cách quận lỵ Di-Linh chừng năm cây số. Bên kia lộ là vườn trà. Trà bạt ngàn.
Hướng Tây Nam con lộ là rừng tre. Chúng tôi núp trong rừng tre.
Ngoài đường cơ giới địch chạy ầm ầm.
Chờ tới gần tối, tôi đem theo Thiếu úy Học và một toán cận vệ xuống thám sát con đường.
Khi chúng tôi đang kẹt giữa đường thì một chiếc xe tải đi tới.
Toán cận vệ Biệt Ðộng Quân bắn đại vào đầu xe. Chiếc xe bể máy, xẹp lốp ngừng ngay giữa đường. Hai tên Việt-Cộng ngồi ghế trước chết ngay tại chỗ.
Chúng tôi chưa kịp kiểm soát trên xe chứa gì thì nghe tiếng đàn bà và trẻ con khóc ré lên trong xe; xe chở toàn đàn bà và con nít!
Tôi không biết vì sao trong chiếc xe Zin của Việt Cộng lại đầy con nít, đàn bà?
Tôi gọi anh em rút êm về hướng cũ. Chúng tôi nhanh chân lui lại hướng Tây chừng một cây số, ngủ trong rừng trà.
Từ radio, đài BBC loan tin thành phố Ðà-Lạt mất!
Bây giờ chúng tôi chỉ còn cách bỏ núi, tìm đường ra biển.
Ngày 4 tháng Tư năm 1975, chúng tôi di chuyển thật chậm trong rừng thông và rừng cỏ hôi. Vùng này nằm giữa Di-Linh và Bảo-Lộc. Hướng tiến bây giờ là Ðông Nam. Tôi hy vọng tìm được đường tới Liên-Ðầm. Rồi từ Liên-Ðầm lủi trong rừng tre chuồn về Gia-Bắc, xuống Thiện-Giáo, Phan-Thiết.
Trưa đó toán đi đầu của tôi mới ló đầu ra một trảng trống thì nghe tiếng súng trường Nga bắn “tắc! bụp!” Có người đi săn gần đây!
Vừa quẹo qua một cái cua đường mòn, Binh nhất Yang đi đầu chạm trán một cán binh Việt-Cộng ngồi câu cá trên một cái cầu ván bắc ngang con rạch nhỏ.
Tên Việt-Cộng không ngờ trong rừng còn có quân lính Việt-Nam Cộng-Hoà! Y há hốc mồm nhìn sững cái phù hiệu đầu cọp nhe nanh trên mũ sắt của Binh nhất Yang. “Ðoàng!” thằng Việt-Cộng rớt xuống rạch. Nước trong rạch không sâu lắm, cỡ đầu người.
Chúng tôi núp trong lùm tre nhìn về hướng đồn điền trà trước mặt.
Trời! Việt-Cộng đâu mà nhiều thế! Lều bạt, xe cộ, phòng không, đại bác, xe tank, xe xích kéo pháo và tải đạn, đậu sát rạt nhau theo các đường phân lô trà. Bóng người qua lại lố nhố.
Ðơn vị Cộng Sản Bắc Việt này cũng cỡ một E pháo (trung đoàn pháo).
Như vậy gần đây cũng phải có ít nhất là một E bộ binh yểm trợ cho cái E pháo nặng trước mắt tôi!
Trên cái đồn điền trà bát ngát đó, chỗ nào cũng có bộ đội. Chúng nói chuyện ồn ào huyên náo tự nhiên như đang ở giữa Hà-Nội.
Chẳng đứa nào để ý tới tiếng súng của Binh nhất Yang. Chắc chúng tưởng đó là tiếng súng bắn chim trời, gà rừng của đồng bọn?
Trong tình cảnh đó, tôi thấy chỉ có cách áp dụng chước thứ ba mươi sáu trong tam thập lục kế là tốt nhất. Tôi ra dấu cho mọi người đánh bài tẩu mã.
Anh Thiếu tá Ðàng đi đoạn hậu, còn ở tít đằng sau xa, chẳng hiểu ất giáp gì. Thấy tôi hối hả ra lệnh “chém vè” càng nhanh càng tốt, anh cũng cho đàn em vắt giò lên cổ chạy theo tụi tôi. (Chém vè: Danh từ Việt-Cộng, có nghĩa là rút chạy.)
Sau đó, nương theo rừng thông, chúng tôi từ từ di chuyển ngược về Tây Nam, băng qua các vườn trà Bắc Blao và Bắc Tân Bùi.
Dự trù, qua khỏi Tân Bùi, tôi sẽ lấy Quốc lộ 20 làm chuẩn. Nếu thuận tiện, chúng tôi đổ dốc xuống Thiện-Giáo. Nếu có trở ngại, chúng tôi sẽ cặp quốc lộ để về Gia-Kiệm.
Ðoàn quân tiếp tục đi suốt đêm.
Mờ sáng ngày 5 tháng 4 chúng tôi đang nghỉ chân trên một khu đồi thông thì nghe hướng chân đồi, trên con đường xe be có tiếng người nói chuyện. Tôi cho lệnh Thiếu úy Ðặng Thành Học dẫn theo một trung đội theo dõi đoàn người này.
Mấy phút sau có tiếng súng bắn “Cành! Cành!” và tiếng hét “Sát! Sát!” âm vang trong núi…
Thiếu úy Học không đem theo máy truyền tin, nên tôi chẳng biết chuyện gì đã xảy ra.
Chừng mười lăm phút kế đó, mười mấy ông Biệt Ðộng Quân vừa thở, vừa leo lên đồi.
Học gạt mồ hôi trên trán, báo cáo với tôi,
– Trình Thái Sơn, tôi xuống tới đường thì đoàn người dưới đó đã đi tới khúc quanh. Chắc tụi nó là dân công Việt-Cộng, có cả phụ nữ đội nón lá. Tui cho lệnh bắn chỉ thiên để ra lệnh cho bọn họ dừng lại thì họ quăng hết đồ đạc, rồi chạy luôn! Tôi kiểm soát chiến lợi phẩm, chỉ thấy mấy cái đầu máy may, mấy cái radio, mấy cái đồng hồ treo tường, mấy cái nón lá, mấy cái áo tơi… Chẳng có thứ gì ăn được cả! Chúng tôi đói quá, chạy một hơi là mệt, đành bỏ cuộc!
ôi an ủi Học,
– Xui quá! Phải chi đám dân công này mà đang làm công tác vận tải lương thực thì hay biết mấy!
Tôi thấy, cứ như những gì mà chú Học vừa nói thì bọn Việt-Cộng đi dưới đường chắc chắn mới trở về từ thị xã Bảo Lộc. Thành phố Bảo Lộc đã bỏ ngỏ nên trở thành mục tiêu cho bọn thổ phỉ cướp phá.
Tôi đoan chắc rằng, sau khi chúng tôi đi khỏi đây, thế nào chúng cũng mon men quay lại để tìm kiếm những gì mà chúng vừa vứt bỏ.
Hướng Tây Nam của chúng tôi là những rặng đồi cuối cùng của Cao Nguyên Bảo-Lộc.
Tôi biết chắc chắn rằng bên trái những rặng đồi xanh đó là Ðèo Chuối. Rừng chuối, rừng tre vùng này thì, eo ơi! Vắt nhiều không đâu bằng!
Trưa ngày 5 tháng Tư năm 1975, tôi đang suy tính làm cách nào an toàn đưa liên đoàn băng qua Quốc lộ 20 thì trong tần số 47.70 có người gọi Thái Sơn.
Tần số 47.70 là tần số đặc biệt của tôi, chỉ có tôi và Trung tá Hoàng Kim Thanh, Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân biết mà thôi.
Tần số này chỉ dùng trong trường hợp nguy biến hay bị thất lạc.
Tôi mừng rỡ vô cùng khi nhìn thấy bóng dáng một chiếc máy bay L19 đang bay lững lờ trên vùng trời hướng Ðông. Chiếc thám sát cơ L19 này trực thuộc Quân Ðoàn III.
Sau này tôi được biết, trên đường theo đoàn người di tản từ Ðà Lạt về Nha-Trang, Trung tá Hoàng Kim Thanh, Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân đã tới trình diện Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Khu 3 đang đi thị sát mặt trận. Trung tá Thanh đã báo cáo cho Tướng Toàn hay rằng, Thiếu tá Vương Mộng Long đang chỉ huy 3 tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân còn phiêu bạt ở trong rừng. Ông Thanh đã xin ông Toàn cho máy bay đi tìm cứu chúng tôi.
Trung tá Thanh đã cung cấp đặc điểm nhận ra tôi là: “Thái Sơn nói tiếng Bắc 54” trên tần số truyền tin cố định FM 47.70.
Từ 31 tháng 3 năm 1975, mỗi chiều dừng quân, tôi đều bắt thằng Y Don Nier gắn cây ăng ten 7 đoạn vào đầu một cành cây cao rồi phát đi trong thời gian dài đúng một tiếng đồng hồ cái điệp khúc:
“ Mayday! Mayday! Ðây là Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân!”
Thế rồi, một hôm, đài kiểm thính của ta đã bắt được lời kêu cứu ấy:
“ Mayday! Mayday! Ðây là Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân!”
Tin tức này được trình cho Trung tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn III.
Ngay sau đó, Chuẩn tướng Lê Minh Ðảo, Tư Lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh được ủy thác nhiệm vụ tìm cứu đơn vị này.
Trung tá Nguyễn Khoa Lộc, khóa 18 Võ Bị, Liên đoàn phó Liên Ðoàn 33 Biệt Ðộng Quân đã được chỉ định bay trên trinh sát cơ L19 từ sáng cho tới tối mỗi ngày để tìm kiếm chúng tôi.
Suốt thời gian này Trung tá Lộc trú ngụ trong tư dinh của Ðại tá Phạm Văn Phúc, Tỉnh trưởng Tỉnh Long Khánh.
Vì Ðịnh-Quán, Phương-Lâm, Blao, Di-Linh, Ðà-Lạt, đã rơi vào tay Cộng Quân, nên tất cả những phi cơ dám mạo hiểm bay trên Quốc Lộ 20, vùng giáp ranh Lâm-Ðồng và Long-Khánh đều có thể bị phòng không bắn rơi bất cứ lúc nào.
Vậy mà ròng rã 3 ngày, Trung tá Nguyễn Khoa Lộc đã gồng mình liệng tới liệng lui trên trời, cố tìm dấu tích bạn.
Sau khi bắt được liên lạc với anh Lộc, sợ địch phát giác ra vị trí bãi đáp, tôi phải dẫn theo một toán viễn thám tiến ra giữa một bãi tranh để chiếu gương cho máy bay, thay vì dùng lựu đạn khói.
Thấy chắc ăn rằng dưới đất là quân ta, anh Nguyễn Khoa Lộc mới chịu bay đi, hẹn ngày hôm sau sẽ gặp lại.
Tôi loan báo tin vui này cho anh Ðàng và anh Tài. Cả liên đoàn như hồi sinh.
Sau đó, tôi cho quân tấp vào bìa rừng nghỉ qua đêm chờ mai ra bãi bốc.
Ðêm đó là lần đầu, tôi, anh Tài, và anh Ðàng đóng quân chung. Ðó cũng là lần đầu chúng tôi có thời giờ kiểm điểm lại quân số một cách kỹ càng sau gần nửa tháng vất vả, gian nan.
Tôi cám ơn Niên Trưởng Trần Ðình Ðàng đã phụ giúp tôi một cách rất đắc lực trong vai trò đoạn hậu vô cùng khó khăn. Với những đức tính can đảm, kiên nhẫn, chịu đựng, và khiêm nhường, Thiếu tá Ðàng là tấm gương tốt cho những người khác nhìn vào, cảm phục và noi theo.
Quân số Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân còn duy trì gần như toàn vẹn, phần lớn nhờ vào công lao của Niên Trưởng Trần Ðình Ðàng, Khóa 15 Võ-Bị.
Trưa ngày 6 tháng Tư năm 1975 Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân được Phi Ðoàn 237 trực thăng Chinook của Quân Ðoàn III bốc ra phi trường Phan-Thiết. Ðổ xăng xong, trực thăng lại chở thẳng chúng tôi về Xuân-Lộc tăng phái Sư Ðoàn 18 Bộ Binh.
Hôm sau, những quân nhân của hai tiểu đoàn còn lại cũng được trực thăng bốc về Phan Thiết.
Khoảng 5 giờ chiều ngày 6 tháng 4 năm 1975 chúng tôi đặt chân xuống phi trường Long-Khánh.
Một cuộc lui binh nghiệt ngã đã đưa tôi tới chốn này. Quanh đây, tôi chỉ thấy một dải bình nguyên ngút ngàn đồng cỏ. Tìm đâu những rặng Chư-Prong, Chư-Gô suốt mùa sương phủ, mây che? Tôi đã thực sự lìa rừng, xa núi. Từ nay vĩnh biệt Pleime!
Tôi hiểu rằng chiến trận không dừng ở đây. Vì tôi biết một tướng hàng đầu Cộng-Sản đã tuyên bố:
“Muốn giải phóng Miền Nam, trước hết phải đặt bàn chân phải lên Tây-Nguyên, sau đó đặt bàn chân trái lên Duyên-Hải” (Võ nguyên Giáp)
Chúng tôi đã bình thản đợi chờ những trận đánh mới.
Tháng Tư 1975, những người lính của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân gốc Kinh, Thượng Rhadé, Jarai, Bana của căn cứ Biên Phòng Pleime đã chiến đấu một cách tuyệt vọng, nhưng với một phong cách thật tuyệt vời.
Chúng tôi đã không bỏ nhau. Theo chân nhau, chúng tôi đã ngã xuống, từng ngày. Máu chúng tôi đã tưới đẫm từng ngọn đồi, từng đoạn đường, từng khu phố để ngăn bước giặc tràn vào Xuân-Lộc, Ðồng-Nai, Sài-Gòn.
VML- K20
Seattle, ngày 21 tháng Tư năm 2006
(Nhuận sắc tháng Ba năm 2021)