NGÀY HỒ CHÍ MINH NHỜ MAO TRẠCH ĐÔNG GIÚP XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI (BBC tiếng Việt)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh

Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh 

Một tác giả người gốc Trung Quốc vừa ra mắt sách về “tầm mức hỗ trợ quân sự của Trung Quốc” dành cho lực lượng cộng sản của Hồ Chí Minh.

“Building Ho’s Army: Chinese Military Assistance to North Vietnam” của giáo sư Xiaobing Li (Lý Tiểu Binh), do NXB Đại học Kentucky, Mỹ, ấn hành tháng Tám 2019.

Tác giả là giáo sư lịch sử tại Đại học Central Oklahoma, và từng phục vụ trong quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Nội chiến Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch để mất ủng hộ của Mỹ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bức hình lịch sử

Chu Ân Lai và vấn đề Hoàng Sa

Sách tập trung vào giai đoạn phôi thai 1950-1956 khi quân đội miền Bắc Việt Nam được chuyển hóa từ lực lượng nông dân thành quân đội chính quy hiện đại.

Về nguồn tư liệu, tác giả cho hay từ thập niên 1980, Trung Quốc bắt đầu công bố thông tin về sự can dự của Bắc Kinh trong hai cuộc chiến tại Việt Nam, chống Pháp và chống Mỹ.

Đến tận gần đây, do căng thẳng biển đảo giữa hai nước, Trung Quốc cũng khuyến khích công bố các tài liệu, kể cả hồi ký và bài báo, để chứng tỏ Trung Quốc đã “thân thiện, rộng rãi, và hy sinh trong Chiến tranh Việt Nam”.

Tác giả nói sách của ông chủ yếu dựa vào kho tư liệu của Trung Quốc, trong đó có tiếp cận với Đại học Quốc phòng và Học viện Chính trị Nam Kinh, Trung Quốc.

Tác giả cũng phỏng vấn các cựu chiến binh của Trung Quốc, Việt Nam và Nga.

Nhờ giúp đỡ

Mối quan hệ của Hồ Chí Minh với những người cộng sản Trung Quốc đã có ngay từ đầu thập niên 1920.

Như Chu Ân Lai, sau này là thủ tướng Trung Quốc, nhớ lại: “Ông ấy [Hồ Chí Minh] đã là nhà Marxist cao cấp khi tôi chỉ mới gia nhập Đảng Cộng sản. Ông là người anh lớn của tôi.”

Sau khi Mao Trạch Đông thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 1/10/1949, Hồ Chí Minh ngay lập tức gửi hai nhóm đồng thời sang Trung Quốc xin giúp đỡ vào ngày 6/10.

Nhóm một do Lý Bích Sơn dẫn đầu, mang lá thư của ông Hồ gửi Chu Ân Lai, đi đường biển qua các nơi như Hong Kong, Thanh Đảo rồi tới Bắc Kinh. Nhóm thứ hai của Nguyễn Đức Thụy, đi đường bộ từ Lạng Sơn sang Quảng Tây rồi đến Bắc Kinh.

Bộ đội Việt Minh kéo pháo vào Điện Biên tháng 5/1954 -hình tư liệuĐiện Biên

Hai phái đoàn đề nghị Trung Quốc viện trợ tài chính, khoảng 10 triệu USD, và vũ khí.

Nhưng trong lúc hai đoàn ở Bắc Kinh tháng 12/1949, Mao Trạch Đông đang thăm Moscow, và sẽ chỉ quay về tháng Hai năm sau.

Lúc này, Tổng Bí thư Lưu Thiếu Kỳ thay Mao phụ trách công việc ở Bắc Kinh, và mở cuộc họp Bộ Chính trị ngày 24/12 để thảo luận về yêu cầu của Hồ Chí Minh.

Điều thú vị, theo sách của Xiaobing Li, đa số trong Bộ Chính trị Trung Quốc bày tỏ lo ngại và cho rằng không thể giúp đỡ vì Trung Quốc đang gặp khó khăn sau chiến tranh.

Lưu Thiếu Kỳ báo cáo cho Mao và đề nghị chỉ giúp đỡ ít ỏi.

Nhưng Mao bác bỏ, yêu cầu Bộ Chính trị có thái độ ủng hộ nhiều hơn với Việt Minh.

Trong lúc ở Moscow, Mao yêu cầu Stalin giúp không vận và đặc nhiệm để Trung Quốc tấn công Đài Loan.

Stalin từ chối, và cũng quyết định rút quân Liên Xô ra khỏi Trung Quốc. Như vậy sẽ không có quân Liên Xô có mặt giúp đỡ nếu nhỡ xảy ra cuộc tấn công vào Trung Quốc.

Trong cuộc gặp thứ hai của họ vào hôm 24/12, Stalin đề xuất Trung Quốc phải gánh vác trách nhiệm cho phong trào cộng sản thế giới, trong đó có việc giúp đỡ phong trào ở Á châu như Việt Nam.

Tại Moscow, Mao đồng ý với Stalin rằng Trung Quốc sẽ giúp Hồ Chí Minh.

Mao gửi điện cho Lưu Thiếu Kỳ ngày 24/12, chỉ đạo rằng Trung Quốc ban đầu sẽ đáp ứng một nửa yêu cầu của Hồ Chí Minh và phần còn lại sẽ gửi sau.

Ngày 25/12, Lưu Thiếu Kỳ gửi điện cho Đảng Cộng sản Đông Dương, hứa giúp đỡ.

Tháng Giêng 1950, nhóm công tác Trung Quốc do La Quý Ba dẫn đầu, sang Việt Nam. La Quý Ba sau này sẽ là đại sứ Trung Quốc đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1954.

Gặp La Quý Ba trước chuyến đi, Lưu Thiếu Kỳ ước tính La sẽ ở lại Việt Nam ba tháng. Ông không hình dung rằng La Quý Ba sẽ ở lại đó bảy năm.

Chuyến đi tới Bắc Kinh và Moscow

Hồ Chí Minh có chuyến đi bí mật tới Bắc Kinh vào tháng Giêng 1950, được Lưu Thiếu Kỳ đón tiếp.

Ngày 3/2, ông Hồ rời Bắc Kinh, đi sang Moscow để gặp Stalin và Mao.

Nam Il của Bắc Triều Tiên, V. Molotov và Phạm Văn Đồng thăm villa của Thủ tướng TQ Chu Ân Lai (thứ nhì từ phải) tại Bắc Kinh năm 1954Cộng sản

Ngày 6/2, Moscow mở tiệc đón ông Hồ, nhưng Stalin không dự.

Stalin bảo với Mao rằng Trung Quốc nay là “trung tâm cách mạng châu Á” và rằng Trung Quốc cần “giữ trách nhiệm chủ lực” trong việc giúp Việt Nam.

Mao gặp ông Hồ tại Moscow, khẳng định sẽ giúp lực lượng Việt Minh.

Cả hai người cùng đi xe lửa từ Moscow về lại Bắc Kinh, chuyến đi kéo dài từ 17/2 tới 4/3.

Theo tác giả Xiaobing Li, vào hôm 26/2, khi xe lửa qua biên giới Trung Quốc, ông Hồ hỏi Mao về khả năng Trung Quốc gửi quân can thiệp.

“Mao nghĩ một lúc và từ chối yêu cầu của ông Hồ về lính Trung Quốc, nhưng ông đồng ý gửi cố vấn quân sự sang Việt Nam,” giáo sư Xiaobing Li viết.

Khi đến Bắc Kinh ngày 4/3, ông Hồ cử Hoàng Văn Hoan làm đại diện làm việc với Trung Quốc về viện trợ quân sự và về cố vấn Trung Quốc.

Bối cảnh quốc tế

Mùa thu 1950, Trung Quốc đưa quân can thiệp vào chiến tranh Triều Tiên, trực tiếp đối đầu quân sự với Mỹ.

Bối cảnh này có ảnh hưởng trực tiếp tới diễn biến ở Việt Nam, vì Bắc Kinh xem việc giúp đỡ đồng minh cộng sản ở Bắc Việt là cách hiệu quả để bảo vệ Trung Quốc trước đe dọa của khối tư bản do Mỹ dẫn đầu.

Theo cái nhìn của giáo sư Xiaobing Li, Mao nhận ra rằng Liên Xô sẽ không gửi quân giúp đỡ nếu Trung Quốc bị phương Tây xâm lược.

Thay vì chờ phương Tây đánh, Mao quyết định đối đầu với ngoại bang ở các nước láng giềng như Việt Nam và Triều Tiên.

Chiến lược “phòng thủ tích cực” này sẽ ngăn không để xảy ra đối đầu bên trong Trung Quốc.

Ngày 4/8/1950, Mao nói với Bộ Chính trị: “Chúng ta sẽ lấy lại Đài Loan, nhưng lúc này không thể ngồi yên mà nhìn Việt Nam và Triều Tiên.”

Sang đến thập niên 1960, Trung Quốc đã thiết lập được “vùng đệm an ninh” dọc đường biên giới.

Tuy vậy, trớ trêu thay, viện trợ của Trung Quốc, và sau này là của Liên Xô, tại Việt Nam không làm quan hệ đồng minh cộng sản trở nên tốt đẹp hơn.

Sự cạnh tranh Xô – Trung trong Chiến tranh Việt Nam chống Mỹ làm xấu đi quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh.

Tại Việt Nam, nhiều lãnh đạo cũng nghi ngờ Trung Quốc chỉ quan tâm đến an ninh quốc gia và ảnh hưởng chứ không phải vì độc lập của Việt Nam.

Sau khi Hồ Chí Minh qua đời năm 1969, Hà Nội ngày càng gắn bó với Moscow.

Quan hệ đồng minh truyền thống giữa Trung Quốc và Bắc Việt, như môi với răng trong thập niên 1950, nhanh chóng gãy đổ.