Ngân sách Việt Nam đang ‘rất căng’

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
  • 23 tháng 10 2015
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói ngân sách cạn kiệt, “không còn tiền làm gì cả”

Báo trong nước dẫn lời Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tiết lộ “ngân sách đang rất căng thẳng” và chỉ còn 45.000 tỷ đồng.
Hôm 23/10, website CafeF tường thuật phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội và thực hiện ngân sách năm 2015 và kế hoạch năm 2016.
Báo này dẫn lời của ông Vinh: “Ngân sách trung ương hiện chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ. Cho nên gần như không có tiền để làm gì cả”.
Báo cáo của Chính phủ về dự toán ngân sách năm 2016 tăng cao hơn 60.750 tỷ đồng so với năm 2015, chi ngân sách năm ngoái là 17% nhưng năm nay là 20,1%.
Nhưng theo ông Vinh, “những con số nghe rất vui, nhưng bản chất số tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái. Các địa phương không có tiền, con số tăng chỉ mang tính nghiệp vụ thôi”.
Đáp lại, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng bình luận rằng nếu ngân sách như vậy thì không thể nào “phát triển bền vững” được.


Mỗi người dân Việt Nam đang gánh hơn 1.000 đôla nợ công

‘Bội chi năm này qua năm nọ’

Hôm 23/10, trả lời phỏng vấn của BBC, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định: “Tình hình tài chính của Việt Nam đang rất khẩn trương với đầy những vấn đề không được giải quyết: ngân sách cạn kiệt, chi tiêu không được quản lý chặt, lãng phí đầu tư công và rút ruột công trình và nợ công không được xử lý ổn thỏa”.
Theo ông Thành, việc ngân sách cạn kiệt là chỉ dấu sau một quá trình quản lý nhà nước không hiệu quả. Ông diễn giải thêm: “Kinh tế không đủ thu để nuôi ngân sách trong lúc ngân sách bội chi từ năm này qua năm nọ mà không kiềm lại được. Một quốc gia không trả được nợ mà còn phải đi vay để trả nợ cũ thì có vấn đề lớn về quản lý ngân sách nhà nước rồi”.
Ông bày tỏ hy vọng Đại hội 12 sẽ đề cử được lãnh đạo “có biện pháp cứng rắn, khẩn trương và công tâm hơn trong điều hành kinh tế và kiểm soát nợ công, cũng như minh bạch về đầu tư công để tránh lãng phí”.
Trong khi đó, lên tiếng trên báo Một Thế Giới cùng ngày, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận: “Ngân sách không còn tiền để đầu tư là điều nguy hiểm. Ngân sách khó khăn hiện nay đã đến mức ‘tận diệt’ doanh nghiệp chứ không còn là tận thu nữa, nhiều doanh nghiệp không còn sức để làm ăn. Hội nhập đến cửa nhưng các cơ quan quản lý vẫn bình chân như vại.
Nhà nước tận thu như thế này thì làm sao có được tăng trưởng bền vững bởi vì nguồn thu của ngân sách là các doanh nghiệp lại không được chăm sóc, tạo điều kiện phát triển.
Trong bối cảnh thế này đáng ra nhà nước phải giảm thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân thuận lợi hơn thì lại thắt chặt và tăng thu”.


Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng kinh tế Việt Nam ngày càng khó khăn vì ngân sách bội chi và không minh bạch về đầu tư công

‘Cực chẳng đã’

Báo Dân Trí hôm 22/10 ghi nhận ý kiến của ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, đại biểu đoàn Lai Châu: “Dù tỷ lệ nợ công vẫn trong giới hạn an toàn nhưng bội chi đang có xu hướng tăng dẫn đến áp lực tăng nợ công.
Năm 2016, xét về tỉ trọng bội chi ngân sách có giảm so với 2015 nhưng số tuyệt đối lại tăng từ 226.000 tỷ đồng năm lên 254.000 tỷ đồng. Thêm vào đó, năm 2015 trả nợ chỉ được 150.000 tỷ đồng nhưng lại vay bội chi ngân sách 226.000 tỷ đồng và vay trái phiếu chính phủ 85.000 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng vay lớn gấp đôi so với khối lượng trả được. Tình trạng này sẽ khó khắc phục trong năm 2016”.
Ông Thụ cũng đề xuất “phát hành sớm trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế với khối lượng 3 tỷ đôla trong bối cảnh lãi suất còn thấp, nếu chần chừ lãi suất sẽ tăng cao hơn và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ”.
Trong một diễn biến khác, Thời báo Kinh tế Sài Gòn hôm 23/10 bình luận rằng việc Chính phủ Việt Nam quyết định thoái toàn bộ vốn nhà nước khỏi 10 doanh nghiệp lớn rơi vào đúng lúc ngân sách đang khó khăn cả về nguồn thu lẫn huy động thông qua phát hành trái phiếu.
“Thị trường không khỏi nghi ngờ liệu có phải đó chỉ là quyết định ‘cực chẳng đã’ để giải quyết bài toán ngân sách trước mắt hay không. Lý lẽ đằng sau quyết định này khi đó sẽ là: bởi không có nguồn thu khả dĩ nào trong thời gian tới để bù đắp cho thâm hụt ngân sách nên Nhà nước buộc phải bán đi những tài sản có giá trị và thanh khoản nhất”, báo này viết.