Quách Vĩnh Trường Oral History – (do Viet Diaspora Stories thực hiện):
Bài viết của Hạ Lan Anh
“Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
Đã hẳn rằng ai nhục, ai vinh
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ”
(Chí làm trai – Nguyễn Công Trứ)
Cách đây khoảng 8 năm, tình cờ tôi đã có dịp theo chị tôi đến thăm nhà một người anh đã từng làm việc với chị tại Đài Phát Thanh Quân Đội trước 1975. Căn nhà nhỏ, đơn sơ xanh mát với những chậu lan và những bụi hồng đang nở hoa thật xinh xắn.
Bước vào trong nhà, tôi nhìn thấy hai tấm Huân Chương với hàng chữ “Tổ Quốc Tri Ân” có dấu ấn của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa được đóng khung trang trọng giữa phòng khách, và những bức tranh sơn dầu thật đẹp treo trên tường của hoạ sĩ chủ nhà, cựu đại úy Quách Vĩnh Trường, người thương phế binh đã mất đi :
– cánh tay trái
– chân trái
– ngón tay cái của bàn tay mặt
– bể xương gò má
– và bị thủng cả hai màng nhĩ.
NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN trở về quá khứ những ngày trên quê hương Việt Nam.
Năm 1965 Cựu Đại úy Quách Vĩnh Trường tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt khóa 20.
Năm 1966, trong lúc đang phân công tác tại bộ chi huy ở Gò Công thì bị Việt Cộng quăng lựu đạn vào căn cứ. Khi thấy quả lựu đạn, ông đã hét lớn kêu mọi người nằm xuống rồi CHẠY ĐẾN ĐÁ cho quả lựu đạn văng ra ngoài.
Không ngờ lựu đạn nổ tung, làm cho ông bị thương tật rất nặng NHƯNG ĐÃ CỨU SỐNG được gần 30 đồng đội hiện diện nơi đó. Ông đã phải nằm bịnh viện hơn một năm và không ai tin ông có thể sống sót. Năm ấy ông vừa tròn 26 tuổi !
Ngưỡng mộ chàng thanh niên anh hùng, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đích thân đến Tổng Y Viện Cộng Hòa gắn Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu để tưởng thưởng sự hy sinh cao cả của ông.
Khi xuất viện, ông được cho giải ngũ với mức độ tàn phế 170% nhưng ông đã tìm mọi cách để XIN TIẾP TỤC Ở LẠI PHỤC VỤ trong quân đội.
Vì là người đầu tiên xin ở lại sau khi được giải ngũ, ông đã gặp nhiều khó khăn nhưng ông vẫn kiên trì cho đến khi được Thủ Tướng Trần Văn Hương ký giấy chấp thuận.
Ông về làm việc tại đài Phát Thanh Quân Đội với chức vụ Truởng ban nghiên cứu từ năm 1968 đến 1975.
Vừa làm việc vừa ghi danh học tại Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, ông đã tốt nghiệp THỦ KHOA Luật ngành tư pháp năm 1974.
Trong những năm ở trường Luật, ông quen biết cô Nguyễn thị Bích Kiều, một sinh viên xinh đẹp xuất thân từ một gia đình giàu có tiếng tại Long An. Một lần trong lúc đi xe bus đến trường ông đã bị té, bị thương và cô Bích Kiều TÌNH NGUYỆN giúp đỡ đưa đón ông bằng xe nhà trong suốt năm học cuối của trường luật.
Sau biến cố 30 tháng 4, 1975 ông bị chính quyền Cộng Sản ghép vào tội làm gián điệp và quản chế rất gắt gao. Ông mưu sinh bằng cách lấy bánh mì tại lò rồi đi bán cho cư dân vùng lân cận. Cô Bích Kiều VẪN LUÔN ở bên cạnh giúp đỡ ông.
Năm 1977, bất chấp sự chống đối của gia đình, cô Bích Kiều cương quyết thành hôn với ông và ông bà đã sống hạnh phúc đến ngày hôm nay.
Năm 1982 ông bà hạ sinh một người con trai đặt tên là Quách Vĩnh Tiến.
Năm 1986 gia đình ông bà định cư tại Hoa Kỳ dưới dạng tị nạn chính trị.
Khi đến Mỹ ông ghi danh vào đại học ngành hội họa, học cách phục hồi hình ảnh hư cũ và học Graphic design. Với kiến thức về Photoshop, ông đã đóng góp rất nhiều trong việc phục hồi những bức hình hư hại vì thời gian cho cuốn “Lược Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà” dầy 900 trang của cựu Đại tá Trần Ngọc Thống, cựu Thiếu tá Hồ Đắc Huân và cựu Trung uý Lê Đình Thụy đồng soạn và xuất bản năm 2012. Ông cũng giúp phục hồi hình ảnh, giấy tờ, tài liệu, giúp nhiều cựu quân nhân VNCH hoàn tất hồ sơ HO.
Noi gương cha, sau khi tốt nghiệp cao học ngành Tâm lý học, Quách Vĩnh Tiến con trai đã gia nhập Quân Đội Hoa Kỳ.
Năm 2010 Quách Vĩnh Tiến được bầu chọn là chiến sĩ xuất sắc nhất Tiểu bang California.
Năm 2018 Quách Vĩnh Tiến được báo Quân Đội Hoa Kỳ vinh danh là người phục vụ cho cựu chiến binh Hoa Kỳ xuất sắc nhất.
Quách Vĩnh Tiến lập gia đình với một nữ quân nhân Hoa Kỳ thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến và có một cháu gái.
Năm 2003 bác sĩ cho biết ông Quách Vĩnh Trường bị ung thư ruột.
Năm 2016 bác sĩ lại cho biết ông bị ung thư nhiếp hộ tuyến.
Với ý chí can trường “không đầu hàng nghịch cảnh”, ông đã vượt qua tất cả và ngày nay bác sĩ cho biết ông KHÔNG CÒN dấu hiệu ung thư.
Năm nay ông 83 tuổi. Thuợng đế đã bắt ông sống với một thân thể không lành lặn nhưng ĐÃ BAN cho ông vị thiên thần khả ái Nguyễn thị Bích Kiều, một người bạn học, bạn đời, KHÔNG MÀNG LỢI DANH luôn đi bên cạnh yêu thương và ủng hộ ông.
Năm ngoái khi chúng tôi có dịp ghé thăm ông bà, vẫn với gương mặt hiền lành và giọng nói từ tốn, ông cho chúng tôi xem hình ông chụp cháu nội và nói :
– “ Bé Sydney Vĩnh Quách năm nay mới 4 tuổi nhưng đã nói khi lớn cháu muốn gia nhập Quân Đội như ông nội và bố mẹ”.
Cô bé thường ôm hôn lên cánh tay cụt của ông và nói :
– “Ông ơi, con rất yêu ông, con muốn giống ông, ông là một anh hùng”
Xin gởi đến anh hùng Quách Vĩnh Trường và tất cả các cựu quân nhân của Quân Lực VNCH lời tri ân sâu sắc nhất nhân dịp kỷ niệm ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà 19 tháng 6.
(Chân dung bà Bích Kiều do ông Quách Vĩnh Trường vẽ chỉ với 4 ngón tay của mình.
Đây là bức tranh sơn dầu treo trên phòng khách nhà ông !)
Hạ Lan Anh
19-6-2023
Bài trên báo Người Việt :
Cha và con cựu Đại Úy Quách Vĩnh Trường
‘còn sống là còn phục vụ’
HUNTINGTON BEACH, California (NV) – Có những người lính coi trọng bổn phận, trách nhiệm đến độ hy sinh thân thể mình để bảo vệ quê hương vẫn chưa đủ. Cựu Đại Úy Quách Vĩnh Trường là một trong số đó. Ông là người được Hội Đồng Y Khoa Quân Đội VNCH kết luận tàn phế 170% năm 1966, nhưng đến giờ phút này, ông vẫn không ngừng phục vụ non sông.
Tinh thần phục vụ cao độ của ông đã ảnh hưởng đến vợ con ông.
“Chỉ bị cụt một tay hay một chân là bị thương tật 100% rồi,” ông giải thích. Nhưng riêng ông thì “Tôi mất tay trái, chân trái, bị hư phần xương mặt bên phải và hư hai màng nhĩ.”
Lần ấy, vào năm 1966, trong lúc đang phân công tác tại một bộ chỉ huy ở Gò Công, bất thình lình, Việt Cộng nằm vùng quăng lựu đạn vào. Không đắn đo, Trung Úy Trường chạy đến dùng chân trái đá quả lựu đạn ra ngoài. Chẳng may, chân vừa chạm, quả lựu đạn nổ tung, giết chết người y tá đại đội đứng gần đó, đồng thời cướp đi tay trái và chân trái của viên sĩ quan 26 tuổi này.
“Tôi bị hất tung lên rồi ngất đi. Nhưng may mắn, tôi cứu sống được trên dưới 30 anh em binh sĩ hôm ấy,” ông hồi tưởng.
Trước Tết Mậu Thân 1968, ông được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gắn Ðệ Ngũ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương có kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, nhằm tưởng thưởng và cám ơn ông đã hết lòng phục vụ tổ quốc.
Thế nhưng, mất mát tưởng như quá to tát ấy không thể khuất phục được người chiến sĩ QLVNCH.
Ông xin được tiếp tục phục vụ quân đội. Là người đầu tiên xin ở lại quân đội sau khi được xếp vào tình trạng giải ngũ, ông gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu, không ai cứu xét cho ông cả.
Dần dà, ý chí kiên trì và nghị lực siêu phàm của ông đã làm cấp trên phải quan tâm.
Ông kể: “Trước tôi, chưa hề có trường hợp này bao giờ. Tôi phải chật vật lắm mới xin được Thủ Tướng Trần Văn Hương ký quyết định cho tôi được tiếp tục ở lại phục vụ quân đội.”
Cuối năm 1968, nhờ quyết định đặc biệt này, ông được Trung Tướng Trần Văn Trung nhận về Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị và được Thiếu Tá Phạm Hậu đón nhận về phục vụ cho Ðài Tiếng Nói Quân Ðội.
Mất nước, cũng như bao nhiêu cựu chiến binh, gia đình ông lâm vào cảnh cùng kiệt.
Được chính phủ Mỹ bảo lãnh với tư cách tị nạn chính trị năm 1986, trước khi có chính sách H.O., ông cùng vợ và con trai Quách Vĩnh Tiến lên đường làm lại cuộc đời.
Vĩnh Tiến, đứa con trai sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu lòng yêu nước, dĩ nhiên, đã tiếp bước chân cha, chọn binh nghiệp làm lẽ sống.
Sau khi tốt nghiệp cao học ngành tâm lý học, anh thực hiện ước muốn từ khi còn nhỏ: Vào quân đội như cha.
Năm 2009, anh là người gốc Việt duy nhất được Bộ Binh Hoa Kỳ phong tặng danh hiệu “Người Lính Xuất Sắc Nhất California,” một danh hiệu đòi hỏi phải vượt qua một cuộc thi đầy khó khăn, phải có kiến thức trong nhiều lãnh vực khác nhau, như thể thao, lịch sử quân đội, sơ cấp cứu, bản đồ địa lý, quy tắc, quân phong, quân kỷ…
Hiện anh đang làm việc tại bệnh viện V.A. Hospital, Long Beach.
Anh Tiến nói: “Tôi muốn sống và phục vụ mọi người để được xứng đáng là con trai của cha tôi.”
“Ngay từ nhỏ, tôi đã được thấm nhuần ý chí cống hiến đời mình cho cộng đồng của ông,” anh nói một cách nhỏ nhẹ. “Tôi ngưỡng mộ tinh thần chiến sĩ QLVNCH của cha tôi.”
Nhìn cha với ánh mắt kính phục, anh nói: “Tôi vô cùng hãnh diện được làm con ông, và tôi muốn cha mẹ tôi hãnh diện vì mình.”
Sau khi có bằng cao học ngành tâm lý, anh đã giúp biết bao người có được cuộc sống ấm no.
Một thí dụ đơn cử là anh giúp một cựu quân nhân từng tham chiến tại Việt Nam. Tinh thần không ổn định vì cuộc chiến, người lính này không nhớ được đơn vị cũ của mình cũng như những thông tin cụ thể để được hưởng trợ cấp của chính phủ.
“Tôi phải mày mò trong những hình ảnh ông còn giữ để truy lục tất cả những gì chính phủ cần để hoàn tất hồ sơ cho ông,” anh Tiến kể. “Nếu gặp người khác thì ông sẽ chỉ là một người vô gia cư thôi.”
Nhờ sự giúp đỡ của anh, đến nay, vị cựu chiến binh ở tuổi gần 80 này đang nhận $3,000 hằng tháng và đang làm chủ một căn nhà.
Ngoài ra, anh luôn chọn những công việc trực tiếp giúp người.
“Hồi 2017, đang có bão Harvey, chúng tôi đến Houston, Texas. Rồi đến bão Irma, chúng tôi đến Florida Keys, Florida. Chỗ nào có thiên tai, hỏa hoạn là chúng tôi đến ngay. Miền Bắc California hay có cháy rừng lớn nên chúng tôi thường có mặt ở đó,” anh Tiến cho thí dụ.
Vẫn nể trọng tinh thần bất khuất của cựu chiến binh QLVNCH, anh Tiến thường tham gia sinh hoạt cộng đồng. Đã có lần anh tham gia diễn hành Tết trong cương vị một quân nhân.
Ngoài ra, anh cũng tham gia những sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng người Việt. Anh từng đóng vai “Sơn” trong vở kịch “Mong Chờ” của ban kịch Quang Minh-Hồng Đào trong DVD Asia 64 “Thế Giới Mùa Lễ Hội.”
Để có những đóng góp đa dạng như vậy, anh Tiến cho rằng tất cả là nhờ cha mẹ mình. Cha anh cho anh tinh thần phục vụ không mệt mỏi. “Mẹ tôi thì không bao giờ ngăn cản ý muốn của tôi dù trong tâm, bà không hề thích tôi đi lính,” anh Tiến nói. “Nhờ đó, tôi mới có thể an tâm mà phục vụ xã hội.”
Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Bích Kiều, người nữ luật sư không ngại biết bao gian khổ bên người chồng tật nguyền để cùng nhau sống trọn kiếp người, đã cho anh thêm nghị lực để quên mình.
Mẹ anh, người đồng ý thành vợ ông Trường sau khi ông chỉ còn một tay, một chân, điếc tai, lại đang sống cơ cực dưới ách Cộng Sản đã cho anh niềm tin vào lý tưởng phục vụ.
Bà Kiều nở một nụ cười nhân ái rồi nói: “Còn sống đến hôm nay, gia đình chúng tôi nhờ vào nhau.”
Bà giải thích: “Tôi giúp anh có niềm vui để sống còn, nhưng anh cho tôi tinh thần bất khuất trước mọi nghịch cảnh. Anh thường nói, ‘Còn sống là còn phục vụ.’ Tinh thần phục vụ nhân quần, cháu Tiến học từ ba nó.”
Riêng phần cựu Đại Úy Trường, ông vẫn không quên nhiệm vụ của một chiến sĩ QLVNCH. Ông dùng kỹ năng photoshop để giúp thực hiện những bộ sách như “Lược Sử Quân Lực VNCH” của ông Hồ Ðắc Huân (đồng tác giả) qua những công trình sưu tập và phục hồi những bức hình bị hư nát vì thời gian.
Ngoài ra, ông còn đóng góp tiền bạc và dùng sự quen biết để kêu gọi quyên góp cho các thương phế binh còn sót lại ở Việt Nam. Ông vẫn chưa cho là đủ, ông tâm sự: “Hối tiếc duy nhất của tôi là nguyện vọng đóng góp cho Việt Nam vẫn còn dang dở.”
Không rõ quan niệm về sự đóng góp của anh như thế nào, nhưng từ đời cha đến đời con, gia đình họ Quách đã không ngừng phục vụ xã hội.
Năm 2003, bác sĩ cho biết ông bị ung thư ruột. Năm 2016, bác sĩ lại cho biết ông bị ung thư nhiếp hộ tuyến.
Nhưng với bản tính “phải sống để phục vụ” cố hữu của mình, ông vượt qua tất cả và ngày nay, bác sĩ cho biết ông hoàn toàn không bị ung thư gì nữa.
Có con gái đầu lòng mới tròn ba tháng tuổi, anh Tiến cười vang khi hỏi con anh, sau này có đi lính không. “Tôi không biết cháu sẽ quyết định ra sao về chuyện này, nhưng tôi dám chắc rằng con tôi sẽ là một công dân hữu ích cho xã hội, cho quê hương.”
Gia đình ông Trường hiện sống tại Huntington Beach, California, và rất vui vì thành viên mới nhất, bé Sidney Vĩnh Quách.
Cả gia đình cùng chọn con đường phục vụ xã hội.
Đằng-Giao/Người Việt
April 27, 2018