Phóng viên chiến trường
Tình Yêu – Ngục Tù & Vượt Biển
Hồi ký của hai cựu phóng viên chiến trường
Dương Phục-Vũ Thanh Thủy
Dương Hoàng Mai.
Trong các cuộc chiến tranh trên thế giới, Chiến Tranh Việt Nam là cuộc chiến khiến tốn hao nhiều giấy mực qua báo chí, sách, truyện, và luôn có nhiều hội thảo bàn luận hàng năm, vào dịp 30.04 quay về.
Nhiều người trên thế giới tưởng rằng sau ngày 30.04.1975 Việt Nam có hòa bình, dân Việt Nam được hưởng tự do, độc lập như họ mong . Nhưng với chính sách “ học tập cải tạo “, cách cai trị độc tài, khắc nghiệt, Đảng CSVN đã tạo làn sóng “ vượt biển” của cả triệu người dân VN đi tìm đường tự do. Và từ điển nhân loại có thêm một từ mới: “boat people“- Thuyền nhân.
Quyển sách “Tình Yêu-Ngục Tù & Vượt Biển “ – Hồi ký của hai cựu phóng viên chiến trường Dương Phục -Vũ Thanh Thủy bao gồm các đề tài lớn của dân tộc : Chiến Tranh – Ngục Tù và Vượt Biển.
Với cách viết đưa tin chính xác, rõ ràng, cùng cách nhìn bén nhạy của Phóng viên Chiến trường VNCH, lại được viết theo lối “ song kiếm hợp bích”, bổ sung cho nhau, hai tác giả dẫn người đọc đi qua những trận đánh khốc liệt nhất trong Chiến tranh Việt Nam. Từ Khe Sanh qua Hạ Lào với Lam Sơn 719, đến vùng đất “An lộc Địa sử ghi chiến tích”, gây khiếp đảm với các mô tả trên Đại lộ Kinh hoàng, làm sống lại không khí “Mùa hè đỏ lửa 1972”, và cũng cho người đọc quay về với ký ức đau buồn của “ Mậu Thân 68 “.
Ngòi bút lão luyện của hai người phóng viên từng nhận nhiều giải thưởng báo chí ghi rành mạch, ngắn gọn mà không thiếu dữ kiện lịch sử, trong khung cảnh khói lửa mờ mịt. Tính bình tĩnh, khả năng nén đau thương của người phóng viên tại chiến trường không chỉ giúp hai người giữ vững ngòi bút ghi chép, mà còn giúp họ vượt thoát những phút nguy hiểm, tưởng chừng như có phép lạ ở đó.
Bìa quyển sách in hình cô phóng viên trẻ tuổi Vũ Thanh Thủy đang cầm microphone để phỏng vấn, thoáng gợi lên hình ảnh nữ chiến binh đang cầm vũ khí chiến đấu, cũng cho thấy, giữa chiến trường bom, đạn, người phóng viên chỉ có “ vũ khí” là chiếc máy ảnh và cây bút trên tay.
Qua các chương sách chất chứa đầy biến động, hiểm nguy của Chiến trường, vượt lên tất cả mọi thứ, vẫn là Tình Yêu, một tình yêu đậm sâu được thể hiện qua lối viết nhẹ nhàng, như áng mây trời chợt nhìn thấy vào phút giây tạm ngưng tiếng súng, như những cánh hoa vàng được hái giữa cánh đồng rãi đầy mìn, khiến người đọc liên tưởng đến tựa sách “ Một thời để yêu và một thời để chết “ ( A Time to Love and a Time to Die ) của Erich Maria Remarque.
Hai chữ „Tình Yêu“ được ghi đầu tiên trên tựa sách, như xác nhận, nó chính là sức mạnh tiềm ẩn, tiếp sức cho hành trình khắc nghiệt, gian khổ của cặp vợ chồng Dương Phục- Vũ Thanh Thủy, bắt đầu ngay sau khi máu lửa trên Chiến trường chấm dứt. Chặng đường của những ngày tháng Ngục tù, Vượt biên, với những danh từ khi nhắc đến gợi lên ngay các thảm cảnh kinh hoàng : cải tạo, hải tặc, Ko Kra…
Những gì hai tác giả tường thuật trong 21 ngày tại đảo Ko Kra, đặc biệt của Vũ Thanh Thủy, khiến câu chuyện Kiếm hiệp Kim Dung tả cảnh Hoàng Dung phải đối phó thế nào trước tên dâm tặc trên đảo vắng ( trong Anh Hùng xạ điêu ) trở nên nhạt nhẽo, đơn điệu, so với hoàn cảnh hải hùng từng giây phút trong cuộc chiến khốc liệt của phụ nữ Việt Nam với bầy thú hung dữ là hải tặc Thái Lan.
Những dòng Hồi ký đầu tiên của quyển sách được ghi vào ngày 29.11.1979, sau khi họ được giải thoát khỏi hòn đảo của quỷ dữ, và tạm dung trong trại tỵ nạn Thái Lan- Songkhla. Nhưng mãi 35 năm sau, cuốn sách mới chính thức ra mắt độc giả tại Little Saigon, Quận Cam, vào ngày 17 .07. 2016. Thay gì ngồi viết sách, sau khi được cứu thoát, hai tác giả đã thực hiện lời hứa của mình là khi đến được bến bờ Tự do, sẽ quay trở lại các vùng biển có Hải tặc, để cứu vớt các nạn nhân khác, cùng cất tiếng báo động cho quốc tế biết đến thảm cảnh người VN vượt biển, vận động sự giúp đỡ của họ cho người Tỵ nạn.
Có lẽ vì họ cũng cần thời gian để lắng lòng và bình tĩnh ghi lại các thảm kịch kinh hoàng.
“ Tình Yêu – Ngục Tù & Vượt Biển “ không chỉ dành cho người Tỵ nạn, mà là quyển sách cho Việt Nam, cho thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử dân tộc.
Và cho cả thế giới biết, thảm cảnh một dân tộc sau khi bị “ giải phóng” như thế nào.?
Tác giả Pierre Darcourt, cũng là phóng viên, khi ghi các thảm cảnh chiến tranh VN, luôn cả thảm cảnh sau 75 ở VN, đã đặt tựa đề cho quyển sách của mình như một lời than oán:
“ Vietnam, Qu’As Tu Fait De Tes Fils?” –
(được Dương Hiếu Nghĩa dịch với tựa đề “Việt Nam Quê Mẹ Oan Khiên “).
Ở “ Tình Yêu – Ngục Tù & Vượt Biển” kỳ lạ là chúng ta gần như không thấy lời than oán của nạn nhân.
Toàn quyển sách được bao phủ bởi Tình yêu, Tình người và Đức tin vào Đấng nhiệm mầu giúp người vượt thoát cảnh tuyệt vọng, khốn cùng.
Quyển sách được hình thành trong thời gian rất lâu, phải chăng tác giả cũng giống như người đọc, ở mỗi trang sách đều phải quay về dĩ vãng, để lan man với những sự kiện đau buồn.
Từ những ngày tháng tán loạn, hấp tấp tìm đường chạy thoát sau 30.04, cho đến cuộc sống trong kiểm soát của công an phường khóm, những buổi thăm nuôi gian truân, những căng thẳng đến tận cùng trước khi vượt ngục, cuộc sống trốn tránh, hồi hộp chuẩn bị cho các lần xuống thuyền vượt biên, cảnh đói khát, tủi nhục, đọa đày, bị xua đuổi, cướp giật, hãm hiếp…quá nhiều cho sức chịu đựng của con người.
Nhiều nạn nhân gần như phải cố quên đi, để sống đời bình thường, còn tâm trí đâu để kể hay cầm bút ghi lại ?
Có chăng là tấm lòng nghĩ đến con cháu mai sau được biết số phận nghiệt ngã của ông bà, cha mẹ, để chúng nhớ về quê hương, nguồn cội.
Do vậy, ước mong nếu nhóm làm phim nào có ý thực hiện cuốn phim lớn cho Việt Nam, với các đề tài dễ khiến bộ phim mang tầm vóc của “ Cuốn theo chiều gió”, “ Chiến tranh và Hòa bình”, “Doctor Zhivago” vv..thì hãy lấy quyển “ Tình Yêu – Ngục Tù & Vượt Biển” để chuyển thành Phim Truyện.
Và hy vọng trong tương lai, mỗi năm, vào dịp 30.04, các thế hệ trẻ ở Việt Nam lại được giới thiệu để tìm đọc “ Tình Yêu – Ngục Tù & Vượt Biển”.
Dương Hoàng Mai.
Munich- 29.04.2021
“Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển” do
Tủ sách Tiếng Quê Hương phát hành,
696 trang – Bìa cứng – Ấn phí 30 usd
Xem Video Ra mắt sách “Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển”: