MỘT CHUYẾN CÔNG TÁC CAM RANH BAY (Bùi Quốc Hùng)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Hồi Ký Quân Đội.

May be an image of 2 people, airplane and outdoors

Lời thưa: Wikipedia là một Bách Khoa Toàn Thư mở trên Online, người cần tài liệu thường tìm kiếm trên Wikipedia (Anh ngữ); tuy nhiên có những sự kiện hoàn toàn không ĐÚNG với thực tế, mặc dù trưng ra nhiều SOURCE trích dẫn (17). Tìm kiếm mục CAM RANH BASE, về phần phi trường Cam Ranh “USAF withdrawal and South Vietnamese use of Cam Ranh Air Base” tài liệu ghi: “The Republic of Vietnam Air Force (RVNAF) used the airfield as a storage facility for many of their A-1 Skyraiders, while their replacement jet F-5s and A-37s were used in operations against the People’s Army of Vietnam (PAVN) from other, smaller bases.” [17]
Thực tế, trong Tháng 8 năm 1973, thi hành lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu/Tổng Cục Tiếp Vận, Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận cùng tất cả các đơn vị tiếp vận các ngành trực thuộc đã tiếp nhận và di chuyển từ Nha Trang vô bán đảo Cam Ranh. Khi họp về việc bàn giao Cam Ranh, Bộ Tư Lệnh KQ/VNCH (BTL/KQ) được hỏi có sẵn sàng sự dụng Cam Ranh Airfield không? BTL/KQ trả lời không vì không có nhu cầu, nói rõ hơn, BTL/KQ đã phải tiếp nhận và sử dụng Thành Sơn Air Base ở Phan Rang. Do đó, Cam Ranh Airfield bỏ hoang không sử dụng; một thực tế khác, khi vô Cam Ranh, BCH5TV đã trú đóng tại NAAF (Naval Air Force) và phòng ốc làm việc của BCH5TV kề cận các khu vực đậu máy bay dẫn vô bằng các taxi way lót vỉ sắt và vỉ nhôm PSP.
Một buổi sáng cuối tháng 12 năm 1972, Trung Tá Đoàn Ngọc Khiết, Trưởng Phòng Kế Hoạch-Huấn Luyện thuộc Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận, Nha Trang nói với TS I Thì, HSQ Văn Thư, đang làm việc tại bàn kê trọng sang bên tay trái của Ông: “Tôi và Thiếu Úy Hùng đi công tác Cam Ranh.”
Nghe vậy, tôi rời khỏi bàn làm việc, theo Trung Tá Trưởng Phòng ra xe. Ông nói HS I Trung, tài xế ở lại BCH. Đích thân Trung tá Khiết lái xe, tôi ngồi ghế trưởng xa; chiếc xe Jeep A 2 sạch sẽ mới tinh từ từ lăn bánh ra khỏi trại Quang Trung, ra Đại lộ Độc Lập, qua khỏi Trạm Kiềm Soát Nam, trực chỉ QL 1, xuôi hướng Nam để đến Cam Ranh Bay.
Không hỏi Trung Tá Khiết về chuyến công tác, nhưng tôi biết Ông và tôi sẽ vô Cam Ranh Bay, căn cứ của Quân Đội Mỹ để quan sát, đặt kế hoạch cho việc tiếp nhận và phối trí các đơn vị tiếp vận trực thuộc khi Quân Đội Mỹ chuyển giao.
Có hai địa danh mang tên Cam Ranh, một là Thị Xã Cam Ranh, tại Ba Ngòi, nằm cạnh Quốc Lộ 1. Kế đến là Bán Đảo Cam Ranh, phía Nam biển bao bọc, phía Bắc nối tiếp đất liền vùng Đồng Bò, Khánh Hòa. Từ Tòa Thị Chính Cam Ranh (Ba Ngòi) đến Cam Ranh Bay khoảng 9 Km. Năm 1964, Quân Đội Mỹ đã xây dựng các căn cứ Không Quân, Hải Quân, Bến cảng, các đơn vị Tiếp Vận, Kho nhiên liệu, kho bãi chứa hàng … biến Cam Ranh Bay thành một thành phố quân sự, có các Căn cứ Không Quân và Hải Quân lớn nhất Đông Nam Á. Đầu thập niên 1970, chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh tiến triển mạnh và Quân Đội Mỹ chuẩn bị rút về nước; các căn cứ quan trọng sẽ chuyển giao cho QL/VNCH.
Theo sau các buổi tại Bộ TTM/Tổng Cục Tiếp Vận, Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận đồn trú tại Nha Trang được lệnh chuẩn bị, tiếp nhận và sẽ di chuyển BCH5TV cùng toàn bộ các đơn vị tiếp vận trực thuộc từ Nha Trang vô trú đóng tại Căn Cứ Cam Ranh.
Quốc Lộ 1, Phan Thiết – Phan Rang- Nha Trang, đường xá an toàn tuyệt đối, xe cộ di chuyển thong thả. Chúng tôi đi công tác như đi du ngoạn, không có vấn đề gì. Trên đường đi, chúng tôi lần lượt qua thành cổ Diên Khánh, nơi có những quán ăn ven đường, bán món bánh ướt, nhân tôm cà và nước chấm ngon tuyệt; qua cây Dầu Đôi, ngã ba Xa lộ Đại Hàn; Xa lộ này nhập vào QL 1 đi Phú Yên, Qui Nhơn mà không cần vô nha Trang như trước. Mươi phút sau, chúng tôi đến đồn điền Cao Su Suối Dầu, nơi đây có trại nuôi ngựa nổi tiếng có từ thời Bác Sĩ A. Yersin thiết lập, nay vẫn là nơi cung cấp huyết thanh cho Viện Pasteur Nha Trang.
Tiến dần về phía Nam, chúng tôi qua Xã Cam Lâm, như một thị trấn ven hai bên QL1, bên tay trái là bãi cát trắng Thủy Triều, thấp thoáng ngoài biển xa, các xà lan lớn của Nhật Bản đang ăn mặt hàng cát trắng, chở về Nhật để làm thủy tinh, pha lê, ngoài ra cũng có các bè gỗ bồng bềnh, nhấp nhô trên sóng nước, cũng để xuất cảng. Người Nhật nhập cảng gỗ quý của Việt Nam để chế tạo thành các sản phẩm gỗ cao cấp, đắt giá như loa thùng, nội thất xe hơi…
Vào thời gian đó, miền Nam Việt Nam là một xứ chiến tranh, không ai đầu tư, mở mang công-kỹ-nghệ, do đó phải xuất cảng nguyên liệu cho nước ngoài. Chúng tôi biết vậy, ngậm ngùi cho số phận một nước nhược tiểu, thiệt thòi mọi thứ!
Chẳng bao lâu, chúng tôi qua Đồng Bà Thìn, nơi có trại LLĐB vang danh, cuối cùng là khu vực cây số 9. Nơi đây, dọc theo hai bên QL1, trọn vẹn 1 Km, san sát những hàng quán, snack bar ban đêm rực rỡ ánh đèn màu. Hàng trăm cô gái từ nam ra, Trung vô kiếm sống. Dân địa phương, quân nhân Quân đội Mỹ và Đại Hàn gọi thân mật là Number Nine. Nuber Nine là một khu vực giải trí nổi tiếng trong thời chiến, tuy rằng trong bán đảo về phía Nam cũng có một khu giải trí khác nằm dưới những hàng dừa xanh cũng hấp dẫn, lôi cuốn và thơ mộng không kém.
Đến ngã ba, đi thẳng về hướng Nam đi Ba Ngòi, Phan Rang, Chúng tôi rẽ trái vô bán đảo, khoảng cách hơn 1 Km. Cổng Chính (Maingate) của căn cứ nằm trên trên một khu vực bằng phẳng, rộng lớn. Hàng chục làn đường cho xe cộ qua lại. Trung Tá Khiết chạy xe, tấp vô làn đường có barrier bên tay phải. Một MP đến bên xe, giơ tay chào. Chúng tôi chào lại. Trung Tá Khiết đưa Sự Vụ Lệnh (SVL). Viên MP xem xong, trả lại và giơ tay chào.
Barrier cất lên, xe chúng tôi qua trạm kiểm soát, chạy lên cầu Long Hồ, bắc qua eo biền. Cầu Long Hồ dài khoảng gần 300 m, chia làm đôi cho xe hơi và hai bên cầu có hành lang dành cho người đi bộ. Cầu Long hồ hùng vĩ, đồ sộ, vững chắc thật đẹp nằm trên mặt nước biển trong xanh, sóng nước lăn tăn, hiền hòa được báo chí nói là cây cầu đẹp nhất Đông Nam Á thời đó.
Qua khỏi cầu, Trung Tá Khiết cho xe chạy dọc theo bờ biển bên tay phải để vô sâu phía Nam. Bên tay trái là các đồi cát khá cao, cây cối nhỏ bao phủ một màu xanh. Ở một khu trống trải có các bồn nhiên liệu cao, lớn đứng sừng sững trên nền cát. Trên đường, chỉ có xe quân đội chạy ngược xuôi, không có xe dân sự.
Đến khu vực bến tàu, Trung Tá Khiết tắp xe vô lề dường, dừng xe lại. Chúng tôi đã thấy các cần cẩu vươn lên trời xanh rồi các cầu tàu xuất hiện. Có tất cả 5 Pier từ bờ vươn ra biển cả; các tấm bảng đánh số Pier 1, 2, 3 ,4, 5. Có pier có tàu viễn dương đang ăn hàng hoặc bốc rỡ hàng, có pier trống. Bốn pier bốc dỡ hàng hóa tổng quát, gồm có một pier bốc các container của hãng Sea-Land. Pier số 5 dành bốc dỡ đạn dược. Gần các cầu tàu, tôi thấy ba con tàu khá lớn đậu cặp kè bên nhau, đây là các tàu được dùng làm nhà máy nhiệt điện, cung cấp điện cho bán đảo. Bên tay trái, đối diện với các pier, một bãi đất trống trải, bằng phẳng năm la liệt các container mang logo và nhãn hiệu Sea-Land. Một nhãn hiệu quen mắt chạy trên các QL Việt Nam trong thời chiến.
Ngay tại cổng ra vô, một tấm bảng lớn dựng ở đây có hàng chữ “Toàn Việt Vận Tải Công Ty”, Trung Tá Khiết nói công ty vận tải thủy bộ này của Đại úy Hoa, Quân cụ đã giải ngũ, nay làm tổng giám đốc.
Rời các pier, chúng tôi băt gặp Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân (TTHL/HQ) , tọa lạc bên trái. Những tòa nhà lầu, mái ngói đo au phơi mình trong nắng. TTHL/HQ đã có từ lâu, khi quân Đội Mỹ đến, thiết lập căn cứ ở đây, TTHL/HQ vẫn tồn tại, hoạt động. Tôi còn thấy những ụ súng đại bác từ bên trong trung tâm hướng ra vùng biển, có từ thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến.
Qua khỏi TTHL/HQ, chúng tôi tiến sâu vô hướng Nam. Làng Cam Ranh, trước là một làng đánh cá, nay biến thành một địa điểm giải trí khét tiếng của quân đội Mỹ. Dưới bóng thùy dương lả lướt, các Snack Bar mọc lên như nấm. Cũng như Number Nine ngoài QL, hàng trăm cô gái tứ xứ quy tụ ở dây, tạo cho Làng một khuôn mặt mới, nhộn nhịp suốt ngày đêm. Bìa làng phía ngoài tiếp giáp biển, bìa làng phía trong được bao bọc bằng một hàng rào gỗ cao, chắc chắn. Cổng ra vô làng và căn cứ có MP và cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa canh gác cẩn mật.
Theo con đường huyết mạch tải nhựa, Trung Tá Khiết quẹo trái, tiến về một vùng đất rộng lớn, bằng phẳng, đường xá trải nhựa, chằng chịt như một thành phố nhỏ. Tại khu này, doanh trại quân đội Mỹ mọc lên san sát. Đa phần doanh trại là các dãy nhà trệt, khung cây, ván ép, mái tôn, sơn một màu xám sáng, được bao bọc bằng các bức tường cát cao khoảng 1m bên trong hàng rào kẽm gai, concertina.
Từ trên ngọn đồi cát, một ngôi nhà sơn màu trắng nổi bật trên nền xanh thẫm của một rặng núi phía sau, làm rào chắn thiên nhiên giữa đồi cát và biển cả. Tôi nhớ ngôi nhà xinh xắn, bề thế này đã có lần Tổng Thống, Tổng Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ, Lyndon Johnson đến thăm binh sĩ, ngủ lại một đêm vào ngày 23 Tháng 12 năm 1966, sau đó báo chí Mỹ và Sài Gòn gọi tòa nhà màu trắng này là Tòa Bạch Cung phương Đông.
Con đường chúng tôi đang đi chạy qua bên hông trái ngôi nhà (từ ngoài trông vào) dẫn đến bãi biển, quẹo tay mặt, sẽ đến căn cứ Market Time Operation của Hải Quân Hoa Kỳ. Chúng tôi ngừng xe bên lề đường quan sát toàn cảnh của khu vực phía Nam bán đảo, sau đó, trở ra, ngược con đường mới vô.
Đến gần cầu Long Hồ, gặp một ngã ba, Trung Tá Khiết cho xe rẽ tay mặt, đi về hướng Bắc, nơi có Terminal của phi trường quân sự Cam Ranh. Từ ngã ba, bắt đầu là ranh giới Cam Ranh Air Base, nằm bên mặt, ngăn cách bằng một hồ nước lợ, có cống thép cho nước biển ra vô khi thủy triều lên xuống, kế đến doanh trại của đơn vị NAAF (Naval Air Force) chạy thẳng lên Terminal. Bên trái là một eo biển, kế tiếp là làng Mỹ Ca, có Đan Viện Mỹ Ca, cũng là nơi sản xuất Rượu Mỹ Ca nổi tiếng. Làng Mỹ Ca cũng như Làng Cam Ranh phía Nam, ngăn cách với căn cứ quân sự băng một hàng rào kẽm gai. Dân làng không thể vô căn cứ. Làng Mỹ Ca, phi trường nằm song song với QL1, cách một eo biển hẹp.
Trọn khu vực phi trường và doanh trại của Không Quân là một vùng quang đãng, phẳng phiu, rộng bao la hàng ngàn mẫu tây. Trên đường đi, tôi quan sát thấy phi đạo chạy dài khoảng 2 dặm, đủ loại máy bay đậu trên phi trường, từ trực thăng UH-1B, Chinook, máy bay quan sát Cessna, đến các loại vận tải cơ C-123, C-130, C-5 Galaxi, các máy bay phản lực dân sự có cánh hoặc máy phản lực nằm phơi mình dưới nắng và gió cát; các phi cơ phản lực chiến đấu nằm im lìm trong các ụ nổi hình chữ U bằng thép dày, màu xám bạc, cao cỡ hơn 2m.
Đến cuối phi đạo là Passenger Terminal và các doanh trại của Không Quân. Trung Tá Khiết cho xe chạy trên đường theo chiều ngang phi trường, rẽ tay mặt để đi quan sát các doanh trại, và trung tâm Hành Quân Không Quân uy nghiêm tọa lạc dọc theo phi trường, chỉ cách phi trường một mặt đường. Xung quanh TTHQ có các nhà tiền chế mái vòm sơn màu xanh đậm. Nơi đây là một khu vực sầm uất, có những tòa nhà xây dựng bán kiên cố, dùng làm các trung tâm dịch vụ, có những con đường nhỏ lát ciment, có những bồn hoa nhiệt đới và những cây dừa cao 2, 3 thước, lá xanh lao xao trong gió biển. Phía sau con đường này cũng doanh trại quân đội trải dài hàng dặm vuông đến sát các ngọn đồi làm bình phong ngăn gió biển.
Chúng tôi đã đi hết một vòng phía Nam, phía Bắc Cam Ranh Bay, cuối cùng Trung Tá Khiết cho xe ngừng tại bãi đậu xe cùa Câu Lạc Bộ Sĩ Quan (CLB). Mặt trời đã đứng bóng!
Tôi theo Trung Tá Trưởng Phòng vô CLB rộng rãi, khang trang, mát mẻ, trong khi ở ngoài trời nóng nực, hầm hập. Để mũ trên máng treo trên tường tại hành lang gần cửa ra vô, chúng tôi đến ghi tên trong một cuốn tập cỡ quyển tập học trò để một chiếc giá gỗ nhỏ. Khi tôi ghi tên, cấp bậc, đơn vị và KBC xong, móc bóp ra lấy hai tờ đô la đỏ (MPC) trả cho bữa ăn theo qui định thì một phụ nữ trẻ trong y phục Nùng trờ tới gật đầu chào. Tôi chào lại. Cô nói: “Thiêu Úy khỏi trả tiền.” Tôi hỏi vì sao? Cô gái cười, phô hai hàng răng đều, trắng như bắp nói: “Sĩ quan QL/VNCH không phải trả tiền đâu!” Tôi cám ơn rồi đi đến quầy lấy khay, chọn thức ăn đựng trong các thau hình inox hình chữ nhựt. Bắt chước Trung Tá Khiết, tôi gắp một miếng thịt bò bíp tết, một đùi gà chiên, vài lát khoai tây chiên và hai miếng bánh mì sandwich. Không salad gì cả. Vậy mà thức ăn đã đầy khay. Chúng tôi ăn thật ngon miệng, vừa ăn vừa quan sát CLB. Cách khu bàn ăn vài mét là các thùng inox chứa nước sôi bốc khói. Đây là nơi rửa khay ăn, dao ăn, muỗng, nĩa. Quầy đựng thức ăn ngăn nắp, tuyệt hảo. Tôi không thấy một quân nhân nam nữ quản trị CLB, chỉ thấy toàn phụ nữ dân sự điều hành, phục dịch CLB. Tất cả các chị khá trẻ, năng động, đều mặc y phục màu đen. Hiếu kỳ, tôi rời bàn ăn đến bên quầy thức ăn nói chuyện với chị vừa tiếp xúc với tôi tại chỗ ghi tên. Chị cho biết toán làm việc tại CLB có tám người, phụ trách các ca ăn sáng, trưa và chiều. Cứ mỗi ca phục dịch khách xong, các chị dọn dẹp lau chùi bàn ghế, quầy thức ăn, rửa sàn nhà, chuẩn bị thức ăn cho ca tiếp theo. Tôi biết thêm, các chị đều gốc Nùng, từ cái nôi Sư Đoàn 3 Chiến ở Sông Mao, Phan Thiết, ra đây làm việc.
Trở lại bàn ăn, Trung Tá Trưởng Phòng nói đi lấy nước uống. Ông lấy một ly nước nho màu tím rịm, tôi lấy một ly Root Beer màu xá xị. Tiện thể, chúng tôi, mỗi người đều lấy một miếng bánh ngọt lớn, mang về bàn nhâm nhi, trò chuyện. Tôi thấy mình đã ăn no cành hông!
Trung Tá Khiết nói, một người lính tác chiến Mỹ có hơn chục lính TV lo, còn Việt Nam, một người lính TV lo cho hàng chục binh sĩ tác chiến, làm sao lo cho xuể.
Đối diện và cách xa bàn ăn của chúng tôi hai chiếc bàn, hai vị sĩ quan Hoa Kỳ, một Đại Tá và một Trung Tá vừa ăn vừa chuyện trò nho nhỏ. Tôi nhủ thầm, Trời ạ! Các ông ăn uống lấy hương lấy hoa sao. Ăn uống giản dị kiểu ăn chay sao? Thật vậy, mỗi ông chỉ lấy một ít salad, vài lát sandwich, cheese, nho, táo và sữa tươi mà thôi. Không thịt thà, cá mú, bánh ngọt như chúng tôi. Tôi nghĩ thật mắc cỡ quá đi!
Xế trưa, chúng tôi trở về Nha Trang. Trên đường về, tôi nghĩ lan man, căn cứ Cam Ranh Air Base rộng lớn, doanh trại san sát, chỉ cách QL1 khoảng hai dặm, máy bay lên xuống trông rõ mồn một, nhưng lại tuyệt đối an toàn. Dọc theo QL1, từ Quận/Chi Khu Du Long, Ninh Thuận, đến Thị Xã/Đặc Khu Cam Ranh, đến tận Đồng Bà Thìn, Xã Cam Lâm, vòng trong có các đợn vị diện địa tuần tiễu, phục kích đêm ngày. Vòng ngoài cận sơn về phía Tây, có các đơn vị Đại Hàn (Sư Đoàn Bạch Mã) LLĐB Việt Nam hành quân lục soát. VC không thể di chuyển pháo binh để pháo vô phi trường, nhưng nếu VC pháo kích xong vài loạt đạn đâu, chúng cũng sẽ bị phản pháo, hoặc máy bay cất cánh trong vài phút, bỏ bom tiêu diệt.
Người ta thường nói, Quân Đội Mỹ là quân đội nhà giàu, đúng vậy, chỉ riêng dàn đèn phòng thủ toàn vùng căn cứ Cam Ranh Bay rộng lớn bao được thắp sáng ngày đêm cũng nói lên tính cách con nhà giàu rồi!
Cam Ranh Bay! BCH5TV chúng tôi chờ ngày bàn giao, những người bạn lính chiến Hoa Kỳ đang chuẩn bị hồi hương nhưng QL/VNCH chúng tôi vẫn tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ lý tưởng tự do, bảo vệ miền Nam.
Bùi Quốc Hùng- Từ bàn viết Tacoma
01 January 2021- để nhớ về những năm tháng sống và làm việc tại BCH5TV Cam Ranh.