Những năm 80, người đi thì đi rồi… người chưa đi vẫn tiếp tục… trốn ra đi nếu có vàng đóng cho chủ tàu. Còn đa số dân nghèo chạy ăn từng bữa thì ở lại chịu trận!
Vật chất đói thì khỏi nói rồi; tinh thần thì còn khổ hơn. Không được nói, thấy được thì nhìn… rồi để đó! Cấm nói tùm lum mà trở thành “phản động”?!
Nhạc thì ra rả Quốc Hương! Già xấu thấy tội nghiệp luôn! Già cúp bình thiếc! Gần 5, 6 chục tuổi rồi… mà lên đài truyền hình “cưa sừng làm nghé”… đội nón tai bèo, mang súng AK… hát Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây!
“Đường ra trận mùa này đẹp lắm?”
Giỡn chơi hoài “cha nội”! Ra trận là đánh nhau! Là có chết chóc, có thương vong dù ở bên nào đi chăng nữa! Tui hỏng tin! Đi bắn nhau “ì ì” chớ đâu phải đi “picnic” đâu… mà rảnh rỗi Trường Sơn Tây nhớ “o” Trường Sơn Đông đây “cha nội”?
Mà bữa nào truyền hình cũng có mặt “ổng” hết trơn. Chán như “cơm nếp nát!” Bà con mình muốn ổng đừng lên “truyền hình” nữa mà “tàng hình” luôn cho “phẻ” con mắt và “phẻ” cái lỗ tai!
Đó là về tinh thần! Còn về vật chất thì đói xanh như tàu lá chuối! Nhà nào có con chạy được vài năm trước, giờ nó gởi về cho một thùng “quà” chừng hai, ba chục “pounds” là mừng như trúng số!
Người viết không có anh em nào chạy được vì lẽ là nhà nghèo… hỏng có vàng… vậy thôi! Nên đành “ké” mấy thằng bạn nhậu khác… có anh em thơm thảo gởi về tí chút, “an ủi” chiều cuối năm. Tụi nó đem thuốc tây hay vải vóc ra chợ bán được một mớ rồi “hú” người viết: “Ê! chiều xuống quán Tám Lư ở đường Trần Hưng Đạo mà uống bia hơi nhe!”
Quán nhậu chiều cuối năm cũng rôm rả lắm! Đa số uống rượu thuốc là rượu đế (gạo hay nếp) pha màu cho nó dễ “ực.” Ai trúng mánh như bàn nhậu của người viết và mấy thằng bạn thì mới dám uống bia hơi!
Đầu hôm, thằng con của chủ quán ham vui, vác cái đàn ghi ta ra nhập bọn… đờn “tửng từng tưng,” chơi nhạc “cách mạng” Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây do Hoàng Hiệp phổ thơ Phạm Tiến Duật.
Nửa khuya, thiên hạ tan hàng, về nhà hết ráo, quán gần dẹp, nó ra kéo cửa lại! Ở trong, còn bàn nhậu duy nhứt của người viết vẫn chưa tàn; nó chơi bản “Một Chút Quà Cho Quê Hương”
Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay. Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may Mẹ may hộ con quê hương quá đọa đầy!
Gởi về cho chị dăm ba xấp vải Chị may áo cưới hay chị may áo tang? Gởi về cho em kẹo bánh thênh thang Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng!
Con gởi về cho cha một manh áo trắng Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây. Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình!
Em gởi về cho anh một cây bút máy Anh vẽ cuộc đời như ước vọng mong manh. Gởi về cho mẹ dăm gói chè xanh (Xin) Mẹ pha hộ con (dòng) nước mắt đã khô cằn!
Gởi về cho chị hộp diêm nhóm lửa Chị đốt cuộc đời trong hoang lạnh mù sương. Gởi về cho em chiếc nhẫn yêu thương Em bán cho đời (để) tìm đường vượt biên!
Con gởi về cho cha vài viên thuốc ngủ Cha rũ cuộc đời trong trong tử tù chung thân. Gởi về Việt Nam khúc hát ân cần Mơ ước yên lành… trong giấc ngủ… da… vàng…!
Lần đầu nghe “chú” hát đâu biết là nhạc của ai nhưng phải công nhận là hay! Nhạc như vậy mới gọi là nhạc chớ! Nghe tưởng tượng như tác giả ở hải ngoại vừa đi siêu thị về, lui cui đóng thùng, gởi về cho ba má, anh chị em người một chút… Vừa làm vừa nức nở!
Trong thâm tâm, ước gì mình cũng “may” như tác giả, được có tiền, được đi siêu thị, mua rồi đóng một thùng quà gởi về nhà cứu đói. Mình muốn làm người gởi chớ hỏng muốn làm người được thăm nuôi đâu!
Sau này vọt được; mới biết bài này là của ông Việt Dzũng. Rồi chiều nay nghe tin ổng mất ở Huê Kỳ, tại bệnh viện thành phố Fountain Valley, quận Cam, tiểu bang California, hồi 10h35” sáng, ngày 20 tháng 12 năm 2013, chỉ mới 55 tuổi!
Nghe tin… như mình đang đi mà bị hụt chưn… lảo đảo muốn té!
Chưa hề được gặp ông, chỉ nghe nhạc của ông. Nhạc của ông là một phần đời kỷ niệm bi thiết đó của mình!
Xin cám ơn ông!
Ông là “Một chút quà cho quê hương!” Mà người viết được “ké” vào trong đó một chút nước mắt khi nghe năm xưa! Và bây giờ khi nghe tin ông mất!
Đoàn Xuân Thu