“Thanh Tâm Tuyền có một khuôn mặt hùng tráng, mày rậm mà rõ nét, mắt sáng ngời ngời, rèm mi dài dài, sóng mũi thanh tú, chiếc cằm vuông cương quyết. Khi ông không cười, ánh mắt ông rực rỡ hẳn lên, áng sáng nội tâm như tuôn ra ánh mắt, nụ cười. Vóc ông hơi gầy gò, lưng ông hơi cong. Cái phá tướng của ông là ở dáng đi hơi lóm thóm, ở bàn tay quá phong lưu, quá mềm mại.
Khi tờ Sinh Hoạt Nghệ Thuật đình bản và ông giao mục Văn Học nghệ Thuật trên báo Tiền Tuyến cho Sơ Dạ Hương (Nguyễn Quốc Trụ) trông nom thì tôi không còn có dịp nào gặp ông nữa.
Trước đó, vào năm 1961, Thanh Tâm Tuyền có viết một bài Mộc Lan, Tiếng Hát Cô Đơn đăng trên tuần san Kịch Ảnh số ra mắt độc giả. Ông cho rằng giọng hát Mộc Lan là một giọng hát đơn giản mà truyền cảm. Ông vốn ghét những giọng hát vặn vẹo, sướt mướt, bị ô uế bởi những tình cảm sướt mướt của người ca sĩ thiếu ý thức về nghệ thuật.
Tôi từ thuở 20 đã mê những giọng hát chân truyền của Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà, Mai Hương, Quỳnh Giao, Tuyết Hằng, Anh Ngọc, Phượng Bằng, Duy Trác. Đọc bài đó, tôi đã quá cảm thấy gần gũi ông hơn.
– Tôi còn giữ bài đó. Thật tôi không ngờ giọng hát của tôi được một nhà văn lớn chiếu cố như vậy.Năm đó, dù gần tuổi 50 mà chị Mộc Lan còn đẹp lộng lẫy. Trên tivi, khuôn mặt trái soan và nụ cười tươi đẹp như chiếu sáng khung màn ảnh nhỏ. Giọng hát của chị điêu luyện, chị hát đúng cao độ và trường độ một nốt nhạc, không chơi “fantasie”. Cho nên, khi chị hát Giấc Mơ Hồi Hương, nhạc sĩ Vũ Thành chịu lắm.Mai Thảo mê giọng hát Thái Thanh, Thanh Tâm Tuyền thích giọng hát Mộc Lan. Dù có âm sắc đẹp, âm lượng phong phú và âm vực rộng trong tiếng hát, nhưng khi hát bài Giấc Mơ Hồi Hương của Vũ Thành, Thái Thanh chơi “fantasie” nhiều quá làm cho ông Vũ đau đớn xót xa lắm.
Thanh Tâm Tuyền viết rằng ông thích Mộc Lan hát bài Tiếng Thời Gian của Lâm Tuyền. Cho nên, trên làn sóng điện Mộc Lan thường hát bài đó trong ban Văn Phụng, trong ban Đại Hòa Tấu Vũ Thành. Thiệt ra, Thanh Tâm Tuyền chỉ thấy mặt Mộc Lan ở trên bục ca phòng trà và trên màn ảnh Ti vi. Còn Mộc Lan thì chưa hề gặp mặt Thanh Tâm Tuyền. Có lần chị hỏi tôi:
– An nè, ông Tuyền đẹp trai không?
Tôi tả Thanh Tâm Tuyền y chang như tôi đã thấy, nhưng tôi cắm cái đầu ông vào vóc mình của kép Mỹ Charles Bronson. Vả lại nhà chị Mộc Lan nằm trong Tổng Hành Dinh của Tòa Án Mặt Trận, chồng chị là Trung Tá Trương Minh Đẩu, tùy viên của Đại Tướng Dương Văn Minh. Dạo đó, người em ruột của ông Thanh Tâm Tuyền là Đại úy Dzư Văn Chất làm việc cho Tòa Án Mặt Trận. Nghệ sĩ diễn ngâm Đoàn Yên Linh, bạn tôi, cũng làm việc dưới quyền ông Chất. Đoàn Yên Linh có lẽ thân với chị Mộc Lan hơn tôi. Có những lần nhắn tin tôi, chị bước qua Tòa Án Mặt Trận để gặp Linh. Tại đây, chị gặp ông Chất.
Đoàn Yên Linh toa rập với tôi, chọc phá chị Mộc Lan:
– Ông Tuyền và ông Chất cùng một khuôn mặt. Hai anh em của họ giống nhau như hai giọt nước.
Đúng vậy, nhưng mặt ông Chất mịn màng sáng láng như trăng rằm, bô trai quá thể. Còn mặt ông Tuyền thì không mịn màng, lại thiếu ánh sắc, khác hẳn khuôn mặt của em ông.
Sau bao nhiêu lần đắn đo, chị Mộc Lan bảo tôi:
– Tôi có thâu một số bản nhạc do tôi chọn lọc và hát vào một cuốn băng nhạc. Tôi muốn gửi tặng ông Thanh Tâm Tuyền, An nghĩ có tiện không?
Tôi bảo:
– Chị cứ đưa cho Tô Thùy Yên và nhờ hắn ta chuyển giao cho ông Tuyền.
Tôi không hiểu băng nhạc có đến tay ông Tuyền không? Đó là khoảng đầu năm 1975, khi Cộng Sản đã chiếm Phước Long.
Sau ngày 30/4/75. Thanh Tâm Tuyền chỉ đi đăng ký bên phía “ngụy quân”. Ông đã có lần lên làng Báo Chí để thăm Tô Thùy Yên, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn. Ông khẳng khái bảo:
– Giờ tôi đâu còn là nhà văn nữa. Việc gì mà tôi phải đi đăng ký bên phía văn nghệ sĩ?
Sau bao nhiêu năm đi học tập cải tạo ở Long Giao và ở các miền cao nguyên, sau bao nhiêu năm kẹt ở bên kia bức màn tre với nghề thợ mộc, vào năm 1989, ông Thanh Tâm Tuyền được định cư ở Hoa kỳ theo chương trình đoàn tụ gia đình.
Nhưng ngay khi còn ở trong nước, ông lén lút gởi những bài thơ ký tên Trần Kha ra hải ngoại. Những bài đó được Cung Tiến phổ nhạc, được Mai Hương và Quỳnh Giao diễn tả rất điệu nghệ”.
Hồ Trường An
NỮ DANH CA MỘC LAN – KHI ÁNH CHIỀU RƠI … Biên soạn: Phan Anh Dũng
Bóng Người Đi – Văn Phụng (1) Chiều – Dương Thiệu Tước – thơ: Hồ Dzếnh
Chung Thủy – Văn Phụng Chuyển Bến– Đoàn Chuẩn & Từ Linh
Còn Gì Nữa Đâu – Phạm Duy (1) Dạ Khúc – Nguyễn Mỹ Ca
Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa – Tô Vũ Hoài Cảm – Cung Tiến
Lời Vũ Nữ – Lê Thương Mộng Đẹp Ngày Xanh – Hoàng Trọng
Một Đời Hoa – Đào Duy Mừng Xuân – Ngọc Bích (3)
Mùa Hoa Thắm – Hoàng Trọng Ngày Trở Lại – Thanh Hiếu
Nhớ Nhung – Thẩm Oánh (4) Nhớ Quê Hương – Phạm Ngữ
Suối Tóc – Văn Phụng Tha Hương – Hoàng Trọng
Thoi Tơ – Đức Quỳnh Thu Ly Hương – Đan Thọ & Nhật Bằng
Tình Nghệ Sĩ – Nhật Bằng Tống Biệt – Võ Đức Thu; thơ: Tản Đà
Trở Về Huế – Văn Phụng (6) Ước Hẹn Chiều Thu – Dương Thiệu Tước