MÌNH ƠI !

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

LƯU KHÂM HƯNG (劉欽興): MÌNH ƠI! TÔI GỌI LÀ NHÀ

Tôi có việc phải đến liên hệ ở một Công ty. Cô tiếp tân trẻ, chừng ngoài hai mươi, khá xinh, ân cần cúi chào. Tôi nói tôi có hẹn với cô T sáng nay. Cô tiếp viên liền nhắc điện thoại lên để gọi cho cô T và đột ngột quay qua hỏi tôi: “Mình tên gì ạ?”.
 
Tôi chưng hửng. Trời! Lâu lắm rồi chưa được ai gọi mình là… mình cả! Bây giờ bỗng dưng được gọi là “Mình”. Sướng ghê nơi! Mà cô tiếp tân nhỏ hơn mình nửa thế kỷ. Sực nhớ Nguyễn Công Trứ đã từng sượng sùng: “Ngũ thập niên tiền…”.
 
Nghĩ lại cũng may. Nếu lúc đó mà mình lơ đễnh ngó đi đâu đó, dám cô kêu : “Mình ơi, mình tên gì ạ?” thì càng nguy! Nguy, bởi vì chữ “mình” tiếng Việt mình phức tạp lắm!
 
Bùi Giáng: “Mình ơi tôi gọi là nhà/ Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi…”. Lại nhớ xưa Cô Diệu Huyền có mục “Minh ơi!” trên Bán nguyệt san Phổ Thông. Cái ông Nguyễn Vỹ giỏi thiệt. Người ta có thể quên nhiều thứ trên Phổ Thông của ông chớ khó mà quên “Mình ơi…!” của Cô Diệu Huyền do chính ông sắm vai!
 
Trên TV (truyền hình) ở Việt Nam ngày nay cách gọi “mình” để chỉ đối tượng (khách mời) khá là phổ biến. Cô MC hỏi khách mời: Nhà mình có mấy người con ạ? Nhà mình có ai mắc bệnh này không ạ? Nhà mình ở có xa đây không? Hóa ra “nhà mình” không phải là nhà mình mà là nhà người ta! Thậm chí vào quán café, lúc tính tiền, cô thâu ngân nói “Của mình bốn chục ngàn ạ!”.
 
Vậy “Mình” không phải là mình mà là người đối diện, là đối tượng, ngôi thứ hai trong xưng hô. Bấy giờ ngôi thứ hai đã trở thành ngôi thứ nhất. Thú vị quá! Mình với ta tuy hai mà một/ Ta với mình tuy một mà hai. Hình như cách xưng hô này để bày tỏ tình thân ái?
 
Có điều một cô gái trẻ đẹp, nhỏ hơn mình nửa thế kỷ mà hỏi “ Mình tên gì ạ?” thì ngẩn ngơ cũng phải! Tiếng Việt phong phú lắm. Vợ chồng thường gọi nhau là “mình”. Mình lấy giùm anh cái cặp… Mình đưa cho em cây dù. Nhưng khi có ai hỏi: Chị nhà có khỏe không? Thì trả lời “Nhà tôi” cũng khỏe. Anh nhà có khỏe không? Nhà tôi cũng ổn. “Nhà tôi” là vợ hay chồng mình.
 
Như vậy, ngày nay “Mình” đã thay cho chú bác ông bà anh chị cô dì … ! Từ lúc nào vậy nhỉ? Từ lúc nào mà người người sống với nhau thân thiết thương yêu đậm đà đến vậy? Xưng hô trong tiếng Việt không phải là “chuyện nhỏ”. Cho nên ca dao thời đại có câu: “Xin đừng gọi chú bằng anh/ Để cho chú phải hy sanh cuộc đời!”.
 
Tự điển tiếng Việt (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1988): Mình:
 
1). Từ dùng để tự xưng hoặc để chỉ bản thân cùng với người đối thoại một cách thân mật, có tính chất bạn bè. “Cậu giúp mình một tay”.
 
2). Từ vợ chồng hoặc người yêu gọi nhau một cách âu yếm: “Mình mong em lắm phải không?” (trg 658).
 
Tự điển cũng ghi thêm “Mình là từ dùng để gọi nhau một cách thân mật giữa bạn bè trẻ tuổi”. Thí dụ: “Mình đi trước, tớ còn bận!”. Vậy điều kiện ở đây phải là giữa bạn bè thân mật, và trẻ tuổi, chớ không dùng để xưng hô giữa hai người xa lạ hay giữa một người trẻ với một người già.
 
Ngay cả trường hợp trên, nếu nói: “Bạn đi trước, tớ còn bận” hoặc “Bạn đi trước, mình còn bận” có lẽ hay hơn chăng? Không biết các nhà ngôn ngữ học bảo sao nhỉ?
 

Great Day GIF by memecandy
Andy Van
Life Is For The Alive My Dear GIFs - Find & Share on GIPHY
 
Bs Đỗ hồng Ngọc
(Saigon, 12.2015)
 
 
Mình Ơi… Mình À!
Đêm khuya nghe gọi: Mình ơi..!
Dậy em nhờ tí, Mình ơi, Mình à!
Giật mình như thể gặp ma,
Mồ-hôi nó toát như là tắm mưa.
 

Bài thì mới trả buổi trưa,
Giờ mà trả nữa te-tua tuổi già.
Nằm im mắt nhắm cho qua,
Bên tai thỏ-thẻ Mình à… Mình ơi!
Còn bao năm nữa trên đời,
Vui xuân kẻo hết Mình ơi… Mình à!
Người ta bảo lúc về già,
Dẻo-dai hơn trẻ Mình à… Mình ơi!
Con lớn chúng đã xa rời,
Nhà thì vắng lạnh Mình ơi… Mình à!
Sao không bắt chước người ta,
Cờ người quyết đấu Mình à… Mình ơi!
Bàn son có sẵn đang phơi,
Quân ngà mau dậy Mình ơi… Mình à!
Ráng cho vui cửa vui nhà,
Em thương Mình lắm Mình à… Mình ơi!
Quý Bùi
 
Mình Ơi… Mình À!
 
Mình ơi ! Tôi gọi là nhà | Cường Để Nữ Trung Học 68-75
 
“Mình với ta tuy hai mà một,
Ta với mình tuy một mà hai”.
Nhưng mình có tật nói dai,
Nên chi ta cứ cãi hoài không thôi.
Ta mình «hai đứa» một đôi,
Lâu lâu giận-dỗi mỗi nơi một người.
Làm lành «hai đứa» lại cười,
Xáp vào lại hóa hai người một đôi.
Ngọt-ngào cất tiếng: “Mình ơi!”,
Trên đời đẹp nhất là tôi với mình.
Đôi khi có chuyện bất-bình,
Cãi nhau tôi lại với mình giận nhau.
Nhưng mà giận chẳng được lâu,
Giận nhau hôm trước hôm sau lại hoà.
 

Nhìn mình tôi bật cười xòa,
Nhìn tôi mình lại lăn sà vào tôi.
Chúng mình như đũa có đôi,
Có đôi để gọi: “Mình ơi… Mình à!”.
Bây giờ như cặp khỉ già,
Nhưng mà vẫn cứ: “Mình à… Mình ơi!”.
Khi nào thấy vắng bóng tôi,
Thì mình lại gọi: “Mình ơi… Mình à!”
Khi nào tôi thấy vắng bà,
Thì tôi lại gọi: “Mình à… Mình ơi!”
Gọi nhau cho trọn cuộc đời…
Tú-Lắc

Mình ơi, xin đừng qua sông': Xem, ngưỡng mộ và khóc cùng tình yêu đẹp hơn  cả ngôn tình