Mẹ trong bài thơ Nước Trôi Mồ Mẹ của Hoàng Phong Linh Võ Đại Tôn (Trần Trung Đạo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

4564424-md

(Ảnh: Sông Thu Bồn của Julayne Luu)

Mùng Một Tết là ngày đánh dấu một năm mới bắt đầu nhưng cũng là ngày nhìn lại một chặng đường. Và như đã hứa với nhà thơ Hoàng Phong Linh tức nhà tranh đấu cho tự do Việt Nam Võ Đại Tôn và cũng là người tôi được phép gọi bằng anh, qua ngã trái tim và dòng máu đỏ Việt Nam, tôi sẽ cùng anh về thăm lại làng Kim Bồng, quê nội của anh và cũng là nơi người mẹ trong bài thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười của tôi đã ra đời.

Anh em tôi sẽ dắt tay nhau trên con đường đất Hải Châu, Đà Nẵng, thành phố thân yêu, nơi chúng tôi đã lớn lên trong mùa bão lửa ngút ngàn của quê hương. Tôi sẽ về để cùng tắm với anh bằng nước Thu Bồn, giòng sông thi ca đã chảy vào tâm hồn anh em chúng tôi những giòng thơ quê hương mật ngọt. Và sáng mùng Một Tết, tôi sẽ viết với anh về tuổi thơ đầy bi tráng mà chúng tôi đã trải qua trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời mình. Bởi vì, như Bùi Giáng viết, dù đi bao xa điểm hẹn cuối đời người vẫn là Cố Quận:

Rồi tôi lớn, đi vào đời chân bước
Cỏ Mùa Xuân bị giẫm nát không hay
Chợt có lúc hai chân dừng một lượt
Người đi đâu? Xưa chính ở chỗ này.

(Bùi Giáng, Mưa Nguồn)

“Chỗ này” của Bùi Giáng là cố quận, là nơi trở về của ý thức và “chỗ này” của anh Võ Đại Tôn là “Tổ ấm”, của tuổi thơ bất hạnh, của chứng tích chiến tranh, của đau thương tàn phá như anh viết trong lời ngỏ tác phẩm “Tuổi Thơ và Chiến Tranh”:“Con chim trước khi chết còn biết quay đầu về núi, mong tìm lại khu rừng xưa nơi có tổ ấm cội nguồn.”

Bài thơ đầu tiên tôi đọc trọn vẹn của nhà thơ Hoàng Phong Linh là bài thơ viết về Mẹ và giòng sông Thu Bồn trong mùa lũ lụt đăng trên Giai Phẩm Xuân Quảng Đà số đầu tiên 17 năm trước do nhà thơ Thái Tú Hạp ở California, Hoa Kỳ, chủ trương, bài thơ Nước Trôi Mồ Mẹ.

Mười bảy năm sau, một buổi chiều đầu năm như hôm nay, tôi được lần nữa đọc bài thơ này trong bản thảo hồi ký Tuổi Thơ và Chiến Tranh của anh, niềm xúc động vẫn còn nguyên như khi đọc lần đầu.

Nhiều nhà văn, nhà thơ có khiếu văn chương, chỉ cần nhìn một bông hoa đẹp, đi thuyền qua một giòng sông, họ có thể để lại cho đời những bài văn, bài thơ tuyệt tác. Anh em chúng tôi không có được năng khiếu đó. Phía sau những giòng chữ, những câu thơ của Nước Trôi Mồ Mẹ là những đời sống thật, những nỗi đau có thật, là những mảnh xương còn sót lại trên cồn cát, là những mảnh thịt tan nát trong hố sâu và là những giọt nước mắt tiếc thương chảy suốt một đời người.

Hình ảnh giòng sông, cơn lụt và ngôi mộ nhỏ từ bài thơ anh viết, in sâu vào ý thức của tôi từ 17 năm trước chợt hiện ra chiều nay trên xứ người xa lạ. Hình ảnh bi thương đó không phải chỉ của riêng anh mà còn của tôi và của tất cả những đồng bào cùng số phận. Anh em chúng tôi, tuổi tác cách nhau hơn 20 năm mà cùng chịu chung một nỗi đau vì nỗi đau chỉ lớn thêm nhưng lại không có tuổi.

Mười bảy năm sau đọc lại bài thơ Nước Trôi Mồ Mẹ, tôi không còn nước mắt để khóc cho anh và cho tôi như ngày thơ ấu ở Hội An, Đà Nẵng. Mẹ của anh Võ Đại Tôn và mẹ của tôi đều nằm bên bờ sông Thu. Bao nhiêu mùa mưa lụt đi qua biết nắm xương của hai bà mẹ Việt Nam đau khổ đó có còn nguyên vẹn nữa hay không và những ngày Tết đến, có ai ghé ngang để thắp một nén hương và nhổ đi giùm những bụi cỏ dại?

Chắc là không. Chúng tôi những người con đi xa, gánh trên vai đôi gánh nặng. Đất nước, quê hương, tình thương và nỗi nhớ. Nhiều khi tôi thèm làm một con chim nhỏ, bay về đậu trên tấm bia và đọc cho mẹ nghe những bài thơ được đan kết từ mấy mươi năm trầm luân thống khổ. Nhưng không, đôi cánh chúng tôi quá nhỏ và quảng trời thì quá xa, ước mơ cũng chỉ là mơ ước. Chúng tôi chọn lựa một cách sống mà chúng tôi nghĩ là đúng nhất cho đời mình và đất nước nhưng chọn lựa nào mà chẳng có hy sinh. Chúng tôi đã phải hy sinh những riêng tư thân thiết nhất.

Ngày mẹ tôi mất tôi còn quá nhỏ để ý thức một cách trọn vẹn ý nghĩa của đau thương. Giọt nước mắt tôi nhỏ xuống trên ngôi mộ vàng mới đắp bên bờ sông Thu hay tiếng tôi thét lên trong đau đớn khi ngọn roi cuộc đời lần đầu quất xuống ngang lưng dù sao cũng chỉ là phản xạ tự nhiên. Tôi còn quá nhỏ để hỏi tại sao và để hiểu tại sao. Anh Võ Đại Tôn thì khác. Anh lớn đủ để biết cảm nhận nỗi đau thấm dần vào ý thức. Anh bất hạnh hơn tôi vì mẹ anh, người đàn bà vốn đang trọng bịnh trong người, đã phải chết trong hoàn cảnh vô cùng thảm thương, đau đớn.

Một đoạn văn trong hồi ký Tuổi Thơ và Chiến Tranh ghi lại giờ phút cuối cùng của mẹ anh: “Không có đem theo đèn đuốc gì cả, chỉ có cầm theo hai cái cuốc. Hắn bắt mẹ tôi ngồi riêng một chỗ. Còn hai chú thì được lệnh lấy cuốc tự đào một cái hố nhỏ. Xong rồi, khi chú Mười tôi còn đang đứng bên miệng hố, chưa biết làm gì thêm, thì thình lình tên Thân chụp một cái cuốc, phang ngang lưng chú một nhát mạnh làm chú ngã chúi xuống hố, nằm sấp, đau quằn quại. Trước cảnh tượng bất ngờ như vậy, chú Tám Dương tôi chưa kịp la lên thì hắn đứng phía sau dùng chân đạp chú té xuống hố. Chú tôi vừa cố lóp ngóp bò lên vừa la xin tha mạng. Hắn đứng trên miệng hố cát, cầm cuốc phang xuống, trúng ngay vào trán của chú tôi, làm chú té bật ngửa ra, nằm đè trên lưng chú Mười. Hai người chưa chết. Rồi, hắn đến xốc mẹ tôi đứng dậy trong khi mẹ tôi đang ôm mặt khóc lớn. Hắn lạnh lùng dẫn mẹ tôi đến cạnh miệng hố, xô xuống thật mạnh, mẹ tôi rớt xuống, nằm sấp trên người chú Tám. Hắn đứng trên hố, cầm cuốc cúi xuống phang mấy nhát thật mạnh vào lưng mẹ tôi, làm cả thân hình mẹ tôi quằn cong lại. Cả ba người chưa chết, nhưng không còn sức bò dậy được nữa, nằm im trong máu, chung một hố cát cạn. Tên Thân và đồng bọn dùng cuốc xúc cát lấp hố lại rồi bỏ đi. Chôn sống!”

Và đây, bài thơ Nước Trôi Mồ Mẹ của nhà thơ Hoàng Phong Linh Võ Đại Tôn:

Con quỳ bên ni dòng sông
Bên tê mồ Mẹ !
Trời ơi, nước ngập tràn đồng
Từng khúc xương trôi đau lòng con trẻ.
Con mang trong người thịt xương của Mẹ
Chừ trông nước lụt dâng về
Con còn bên ni, Mẹ mất bên tê,
Sóng bao la vỗ, bốn bề Mẹ mô ?
Ngày xưa Mẹ chết, con khóc mắt khô,
Chừ xương Mẹ trôi, hồn con nước lụt.
Nước dâng ngùn ngụt
Cuốn mái tranh nghèo.
Sóng cuộn mang theo
Ngày vàng bên Mẹ.
Con nhớ ngày xưa tiếng con thỏ thẻ
Đòi đi theo Mẹ nhóm buổi chợ làng.
Mẹ dắt tay con qua xóm, hoa vàng
Nở tươi bờ dậu.
Con kêu : – “Mẹ ơi, tưởng đàn bướm đậu”
Mẹ cười, bóp chặt tay con.
Con nhớ những lối đường mòn
Trâu bò qua lại.
Buổi chiều đơn sơ, lũy tre nằm ôm nắng quái,
Con đùa với bóng cau nghiêng.
Mẹ la : – “Coi chừng tối ngủ không yên,
Giật mình con khóc, bà Tiên bả buồn…”.
Con nhớ những mùa mưa tuôn
Gió đông kéo về lạnh buốt.
Trong lòng Mẹ, con nằm co rút,
Mẹ chuyền hơi ấm tình thương
Con mê giấc ngủ đêm trường, Mẹ vui.
Con nhớ dòng sông êm xuôi
Trôi về Phố Hội.
Giặt áo bên con Mẹ ngồi mỗi tối,
Con nhìn cá đớp trăng sao.
Mỗi lần sao chuyển ngôi cao
Con đưa ngực nhỏ, sao vào hồn thơ.
Nhìn con, mắt Mẹ đầy mơ
Con đòi Mẹ cõng, hờ ơ… Mẹ hò.
Chừ con về : nước lũ, sóng to
Xoáy cửa, phăng nhà,
Xốc trôi mồ Mẹ !
Xương theo dòng sông ngày xưa ra bể
Vì chưng lòng Mẹ : đại dương !
Mẹ sống lầm than cho con tình thương
Chừ Mẹ chết đi, mồ trôi nước lụt.
Con quỳ bên ni, linh hồn tê buốt
Mần răng mà về bên tê chừ, Mẹ ôi !
Quê hương nước ngập tận trời
Hồn con khóc suốt một đời không nguôi !…

(Nước Trôi Mồ Mẹ, Hoàng Phong Linh)

Trần Trung Đạo