MẸ TÔI (Hoàng Nguyên Linh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Viết theo tâm sự của người con một đời phải xa mẹ

                                            Hoàng Nguyên Linh

             Sách vở, báo chí, đài phát thanh và truyền hình người ta nói nhiều về mẹ. Đa số đều nhắc đến những kỷ niệm êm đềm bên người mẹ hiền, nhưng tôi thì khác. Tôi có mẹ mà như không có. Nỗi buồn này hầu như theo đuổi suốt cuộc đời tôi

     Mẹ tôi là người vợ thứ hai của bố tôi. Bố tôi là một địa chủ khá giầu, đã có vợ cả và nhiều con nhưng bố tôi lại là một người ham mê sắc đẹp nên ông đã lấy mẹ tôi. Tôi không nhớ rõ mẹ tôi đẹp thế nào, chỉ nhớ mẹ tôi có đôi môi hồng, làn da trắng, người cao cao, mặt trái xoan,  nhưng nghe bố tôi nói thì mẹ tôi đẹp lắm nên ông quyết lấy cho bằng được dù phải bỏ ra rất nhiều tiền.

     Gia đình bên ngoại không giầu bằng bên nội nhưng ông ngoại tôi có nhiều con, hình như có tới tất cả 11, 12 người, trong đó có 8 người con gái. Hai người chị của mẹ tôi đã lấy hai người em họ của bố tôi. Cũng vì bố tôi hai vợ nên tôi đã phải chịu những sự đau buồn, tủi nhục.

     Ở ngòai Bắc thời xưa, đa số các ông địa chủ có tiền đều thi nhau lấy nhiều vợ. Ông nội tôi có 3 vợ, bố tôi có 2, nhưng ông nội tôi là người có bổn phận và có trách nhiệm. Tuy có 3 vợ nhưng mỗi bà ở một nơi, mỗi bà một giang sơn riêng nên không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra, nếu có ghen tuông chắc không đến nỗi trầm trọng. Bố tôi không như ông nội tôi, bố tôi lấy vợ hai về song lại để hai bà ở chung với nhau nên mới gây ra nhiều chuyện phiền phức sau này, sự ghen tuông  hầu như đã xẩy ra hàng ngày, tôi nghe cô tôi nói vậy. Tôi ra đời một năm sau khi mẹ tôi lấy bố tôi. Cũng vì tôi là con trai nên sự ghen tuông càng đi đến chỗ quyết liệt hơn. Bà cả sau khi sanh người con trai đầu lòng thì sanh liên tiếp 4 người con gái. Bà đi xem bói, thầy bói nói rằng số của bố tôi chỉ có 2 người con trai thôi, bà cả nghĩ rằng bà không thể có con trai thêm nữa, vậy là tại mẹ tôi đã lấy đi phần con trai của bà. Như sợ mất thế lực với mẹ tôi nên sự ghen tuông càng tăng lên, bà cả bảo với bố tôi là một mình bà đẻ đủ rồi, lấy mẹ tôi về là để làm lụng chứ không phải để đẻ nên bà nghĩ cần phải loại trừ mẹ tôi ra khỏi nhà cho bằng được. Trời mùa Đông gía lạnh mà bà cả nhẩy xuống ao đòi tự tử. Bố tôi sống trong cảnh ghen tuông thì mệt quá, đáng lẽ làm như ông nội tôi tức là đưa bà hai ra ở riêng một nơi thì bố tôi lại không làm thế… Mẹ tôi sau khi sanh ra tôi vì không trưng diện, ăn mặc xuề xoà nên sắc đẹp không đủ để lôi cuốn bố tôi. Bố tôi một phần vì mệt với sự ghen tuông, một phần vì nhan sắc mẹ tôi không còn như xưa nữa nên ông đã thờ ơ, lạnh nhạt với mẹ tôi, để mặc mẹ tôi muốn làm gì thì làm.

      Mẹ tôi sống trong cảnh ghen tuông của bà cả và sự thờ ơ của chồng nên đã phải ra đi, chịu cảnh bơ vơ trong tay không có một đồng ! Tôi được giữ lại trong nhà để làm em một anh và bốn chị.

     Giai đọan này tôi còn bé nên không biết gì, lại nữa vì thầy bói nói số của bố tôi chỉ có hai con trai nên vai trò “con trai” của tôi đã giúp tôi đỡ khổ. Tôi thực sự khổ từ khi biết nhận thức, tức là lúc 6,7 tuổi trở đi.

     Khi tôi được 5 tuổi thì bà cả sanh thêm được người con trai nữa, thế là thầy bói đã nói sai và vai trò “con trai” của tôi không còn cần thiết, tôi như bị bỏ rơi. Hai người hành hạ tôi nhiều nhất là bà nội và người chị lớn. Bà nội rất mực yêu thương người con trai mới sanh sau này của bà cả. Bà nội yên tâm khi có được người cháu trai phòng hờ để sau này có người cúng giỗ và thờ phượng, chứ một người cháu lớn bà chưa yên tâm…

     Người ta nói đến mẹ, nói đến bà như một kỷ niệm đẹp, nào bà ôm cháu vào lòng, bà kể chuyện cổ tích cho cháu nghe, mẹ thì xoa lưng con, hát ù ơ ru con ngủ v.v.. nhưng tôi lại khác, tôi không có được cái kỷ niệm đó. Bà nội tôi và chị tôi thường hay đánh tôi vào đầu, hai người này thường dùng tay để  “cốc”  tôi. Cốc tức là cong ngược 4 ngón tay lại để chìa ra 4 đốt xương và đập vào đầu. Chỉ những ai đã bị cốc mới biết được cái đau buốt trong đầu, nhất là đầu của một đứa trẻ mới 6,7 tuổi. Tự điển Nguyễn Văn Khôn định nghiã  “cốc” ( knuckle) tức là đánh một vật gì bằng khớp xương của ngón tay, thực ra phải nói “cốc” tức là đánh vào đầu bằng khớp xương của ngón tay mới đúng, chứ nếu đánh vào tay, chân, lưng, bụng thì không đau và cũng không ai nói “cốc” vào lưng, vào bụng bao giờ.  Không những chỉ đánh mà còn chửi, mang tên mẹ tôi ra để chửi, gọi mẹ tôi là con này, con nọ, mang cả tên ông ngoại tôi ra chửi, gọi tôi là “ giống thằng cả Thiều ”  tức là tên ông ngoại tôi. Chị tôi có nét mặt thật ác, bố tôi bảo những đứa mà mắt nó có ve là ác lắm, tôi cũng không biết mắt có ve là mắt thế nào, chỉ nghe bố tôi nói vậy. Nhưng trái ngược với chị tôi, bà nội tôi ai cũng khen là bà cụ đẹp lão và phúc hậu, tóc bà bạc trắng hết cả đầu. Mỗi khi tôi thấy có người khen dù còn bé nhưng tôi cũng lấy làm ngạc nhiên, bà nội ác với tôi như thế mà họ khen bà phúc hậu kể cũng lạ. Ngày nay tôi mới hiểu ra là sở dĩ bà nội ghét tôi là để lấy lòng bà cả. Bà nội tưởng bà cả ghét mẹ tôi tức là ghét tôi nên bà nội muốn mọi người thấy rằng nay bà nội đứng về phía  bà cả và những người con bà cả. Ngoài tôi ra, bà nội chưa hề đánh hay chửi một người cháu nào bao giờ. Việc đánh chửi tôi nhiều quá đã khuấy động lương tâm bà cả. Chính bà cả đã than với nhiều người mà tôi nghe được  “Ngày xưa mẹ nó ở nhà thì bà bênh vực mẹ nó, về phe với mẹ nó, nay mẹ nó đi rồi sao bà lại ghét nó quá vậy !”.  Bà cả chỉ ghen với mẹ tôi nhưng tốt với tôi và cũng rất thương tôi, có lẽ bà tội nghiệp tôi, tội nghiệp cho một đứa trẻ cô thế. Tôi không hề oán trách bà về chuyện ghen tuông với mẹ tôi vì tôi hiểu đó chỉ là sự thường tình giữa hai người đàn bà có chung một chồng. Tôi vẫn thầm cám ơn bà đã không đối xử tệ với tôi như những người mẹ ghẻ khác. Trước khi chết bà còn căn dặn người chị kế tôi là lúc nào cũng phải nóí tôi là con trai của bà. Chỉ nói có thế rồi bà nhắm mắt. Có thể trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời bà đã có sự ân hận. Ngày nay tôi vẫn thờ cúng bà như mẹ ruột của tôi đúng như bà đã mong muốn.   

     Nỗi khổ thứ hai của tôi là bị chế diễu, trêu chọc bởi những đứa cùng lớp, cùng tuổi. Chúng gọi tôi là  “ thằng không có mẹ ”. Tôi rất xấu hổ khi có người biết tôi không có mẹ, biết tôi là con người vợ thứ hai của bố tôi. Đã thế tôi còn bị đặt tên là  “Thứ” (là con người vợ thứ) để khỏi lẫn với con người vợ cả. Cũng vì sợ có người biết và chế nhạo nên mỗi lần gặp mẹ là tôi sợ run lên. Nhưng mẹ tôi không biết tôi sợ nên bà hay đón tôi lúc tan trường. Mẹ tôi thường mặc áo nâu, yếm màu đỏ nhạt, trên đầu chít khăn mỏ quạ, miệng cười rất tươi mỗi khi gặp tôi. Mẹ tôi từ khi bỏ nhà ra đi , bà buôn bán hàng xén, gánh những đồ lặt vặt ra chợ bán như cái kim, sợi chỉ để sống qua ngày. Tôi không biết rõ mẹ ở đâu, hình như vừa ở nhà ông ngoại, vừa ở nhà họ hàng hay bạn bè gì đó. Tôi sợ bị chế diễu nên tuyệt đối không dám nghĩ tới mẹ và cũng không dám nói chuyện với ai về mẹ. Mỗi khi đi học về gặp mẹ là tôi chạy trốn để khỏi phải ở bên bà. Tôi chưa kịp trông thấy mẹ thì mấy đứa trẻ cùng lớp đã gọi  “Thứ kìa, bu của Thứ kìa !”  thế là tôi lại phải một phen sợ hãi.  Có lần đi ngược chiều với mẹ, tôi không thể chạy thoát được. Mẹ tôi nắm tay tôi và nói: “Thứ lại đây vơí bu, con của bu ngoan, bu thương con…”   Tôi giật tay ra khỏi mẹ và hét:  “Bỏ tay người ta ra, bỏ ra ! bỏ ra !”  rồi tôi vụt chạy. Cũng có lần mẹ  nắm được tay tôi lâu hơn và bỏ tiền vào túi tôi. Hôm ấy về nhà, bị bà chị lớn vặn hỏi, tôi sợ quá vất tiền vào gầm giường và thầm trách sao mẹ tôi lại cho tiền để tôi bị mắng. Tuy sợ hãi như vậy nhưng tôi lúc nào cũng mong mẹ tôi về với tôi, để tôi có mẹ ở bên như những đứa trẻ khác, tôi sẽ không bị mấy đứa trẻ chê cười là  “thằng không có mẹ” nữa. Sự khao khát có mẹ không phải chỉ trong lúc còn bé mà ngay cả khi tôi trưởng thành. Tôi  nhớ lúc đã là sinh viên ban Cao học,  tôi quen một cô nữ sinh Trưng Vương, tôi với nàng tình cảm chưa có gì đậm đà nhưng tôi quý bà mẹ của nàng, bà rất dịu dàng, ôn tồn, bà bảo tôi: “ cháu uống ly nước chanh cho mát ”, “ cháu uống ly nước trà cho ấm ” mỗi khi trời trở lạnh  hoặc “ cháu đợi một lát em ra bây giờ … ”.  Bà ngồi bên tôi, nụ cười của bà thật hiền hậu, bà hỏi han tôi những câu chân tình mà trong đời tôi chưa bao giờ có ai hỏi tôi như vậy. Mỗi lần đến chơi tôi mong được gặp bà, được nói chuyện với bà hơn là gặp người con gái út của bà. Ngày nay mỗi khi tôi nghe ai nói đến mẹ hiền là tôi liên tưởng tới bà.  Tôi cũng hay đi chơi với  người con trai thứ hai của cô tôi.  Cô tôi thương con trai rất mực, mỗi khi bọn tôi đi chơi về khuya cô tôi nhẹ nhàng trách con  “ Sao con đi chơi về khuya quá vậy? ”  hoặc “ Con nhớ về sớm không rồi lại ho ”.  Con trai cô muốn được tự do, không muốn bị gò bó, nhưng ngược lại tôi thèm có được người mẹ săn sóc như vậy mà tôi không có.  Tôi đã đọc  nhiều lần cuốn Bông Hồng Cài Áo.  Mỗi lần đọc càng khiến tôi thêm buồn, thêm tủi cho một người con có mẹ mà không được ở bên, có mẹ mà không dám nhận mẹ mình là mẹ.    

     Tôi sống trong sự khiếp sợ mọi người trong gia đình. Bản năng tự vệ của một đứa trẻ trong tôi thúc đẩy tôi phải thật ngoan, thật lễ phép cho tôi bớt bị hành hạ. Tôi nghĩ rất đơn giản là mẹ tôi bị mọi người trong nhà ghét, tôi cần phải từ khước mẹ thì tôi mới là đứa trẻ ngoan, đứa trẻ có hiếu trong gia đình.   Nhưng mấy người thợ làm cho nhà tôi, họ không biết lại chửi tôi là đứa con bất hiếu, tệ bac, không nhìn nhận mẹ đẻ ra mình. Lúc đó tôi không hiểu và lấy làm lạ tại sao tôi là đứa trẻ ngoan ngoãn, không bao giờ dám cãi lại ai trong gia đình mà họ lại chửi tôi là đứa con bất hiếu. Tôi nghe người nhà nói mẹ tôi tranh để làm vợ cả không được nên bỏ nhà ra đi. Như vậy là mẹ tôi bỏ tôi, chứ tôi đâu có bỏ mẹ, còn tôi đến gần mẹ thì tôi bị chế diễu, chê cười và nhất là sợ người nhà, tôi đâu có làm gì khác hơn được…  Sự ngoan ngoãn, sợ sệt của tôi chỉ được lòng bà cả và người anh lớn, còn đối với bà nội và người chị thì không lay chuyển được. Có lần chị lớn đánh tôi đau quá cũng động lòng bố tôi. Bố tôi không có một sự ngăn cản nào nhưng rủ tôi ra ngoài ruộng xem mấy người nông dân gặt lúa cho nhà tôi. Gió đồng thổi nhẹ làm lay động những bông lúa vàng tạo nên âm thanh êm dịu và bay lên mùi thơm của lúa mới. Tôi cảm thấy thật thoải mái, tôi chạy nhẩy tung tăng đi bắt những con cào cào, châu chấu và đã quên đi cái đau do chị tôi đánh lúc ban trưa. Nhưng tối về tôi bị người chị chửi một trận: “ Chỉ có một mình bố bênh mày, còn mọi người ghét mày, bố không làm gì được đâu ! ”. Gần đây tôi có đọc một truyện ngắn của một tác giả vô danh, đại ý câu chuyện nói về tâm sự của một người con có mẹ mù một mắt. Đứa trẻ bị bạn bè chế nhạo và gọi là  “ cái thằng có mẹ một mắt ”  nên rất xấu hổ khi đi với mẹ, không muốn ai biết về mẹ mình, không dám nhận mẹ mình là mẹ. Tôi hiểu được tâm trạng của tác giả lúc đó, tâm trạng của một đứa trẻ như tôi, nhưng tôi không hiểu được  khi tác giả của câu chuyện này lúc đã trưởng thành, đã có vợ con, mẹ từ nơi xa sang tận Singapore để thăm mà còn sợ bị vợ con chê cười để xua đuổi mẹ vì mẹ có một mắt. Điểm cảm động nhất của câu chuyện là sở dĩ mẹ có một mắt vì lúc còn nhỏ con bị tai nạn và hỏng một bên mắt người mẹ đã hy sinh để bác sĩ lấy mắt mình thay cho con nên mẹ chỉ còn một mắt. Khi người con biết được việc này thì mẹ đã chết…  Đọc xong chuyện tôi thấy bàng hoàng và gần gũi với tác giả. Nhưng tôi cầu mong đây không phải là chuyện thật, nếu có thật thì chỉ thật ở phần trên chứ không thể thật ở phần dưới, tức là phần người con đã trưởng thành, đã có đầy đủ lý trí mà còn trốn chạy mẹ, hất hủi mẹ thì không chấp nhận  được.   

     Cuộc di cư năm 1954 xẩy ra, bố tôi vào Nam,  tôi được cho đi theo để sau này săn sóc bố. Gia đình tôi ở miền quê, một vùng trước kia đã từng là nơi kháng chiến nên sự ra đi rất khó khăn, phải đi thành từng nhóm nhỏ. Bố tôi đi trước, tôi đi sau và giữ khoảng cách khá xa để không ai biết. Tôi phải gỉa làm đứa trẻ đi câu, chân đi đất, quần xắn đến đầu gối và đi tắt qua những cánh đồng lúa. Hai bố con đi bộ từ sáng sớm đến tối và nằm ở dưới thuyền bến đò Khuể chờ gần nửa đêm người lái đò mới dám chở sang đất Kiến An.  Sang được Kiến An rồi bố con tôi không biết ở đâu cho hết đêm. Ban đầu chúng tôi định ngồi ở gốc cây đa bên đường đợi sáng về sau nghĩ lại thấy tình trạng an ninh có vẻ nguy hiểm nếu ngồi đó nên đã cố gắng đi tìm một nơi khác trú ngụ cho an toàn hơn. Sao may đi được chừng nửa giờ thì gặp một ngôi chùa.  Chúng tôi vào xin tạm trú, mới đầu sư bà rất ngại vì là chùa nữ và đã quá khuya nhưng lòng từ bi đối với khách lỡ độ đường nên đã thuận cho chúng tôi ở tạm nơi gác chuông bên ngoài chứ không cho vào trong chùa. Sư bà sai người mang nước uống và cho mượn chăn đắp.  Tôi nghe tiếng cầu kinh và tiếng gõ mõ nho nhỏ biết là sư bà đã thức suốt đêm hôm đó như để cầu nguyện và canh chừng khách lạ. Sáng sớm hôm sau bố con tôi cám ơn sư bà rồi đáp xe đò đi Hải Phòng và ở trại tạm trú Lạch Chay, nơi đây cũng có rất nhiều gia đình trú ngụ để đợi chuyến tàu vào Nam. Khoảng hơn một tuần lễ hai bố con tôi xuống được tàu vào Sài Gòn.  Giai đoạn này thật là đen tối vì gia đình tôi ra đi với hai bàn tay trắng, mọi tài sản phải bỏ lại hết. Người chị lớn và bà nội bị kẹt lại ngoài Bắc không vào Nam được. Tôi được người cô, chị ruột của bố tôi ở Sài Gòn nuôi hai năm cho đi học. Cũng tại đây, cô tôi đã cho tôi biết sự thật về mẹ tôi, khác hẳn với những tin tức trước kia mà gia đình nói sai về bà.

     Tôi ý thức được và đã ngẩng đầu lên nhìn nhận mẹ đẻ ra mình chứ không như trước nữa, nhưng không có cách nào để gặp mẹ.  Khi tôi vào Nam rồi mẹ tôi vì nhớ con, đã đi khắp nơi dò hỏi, mãi sau mới biết được địa chỉ của tôi tại Saì Gòn do con trai lớn của cô tôi ở lại Hà Nội cung cấp nên đã viết bưu thiếp cho tôi. Bưu thiếp là một miếng bìa cứng to bằng nửa trang giấy học trò theo điều kiện của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến chứ không được viết thư có phong bì dán kín để cho hai bên dễ kiểm soát. Đại ý mẹ tôi hỏi thăm tôi và mong tôi học giỏi, khỏe mạnh v. v. . Tôi rất cảm động về tấm lòng rộng lượng của mẹ vì đã nhiều lần tôi chạy trốn mà mẹ không bỏ rơi tôi, vẫn tìm tôi và vẫn muốn đến gần tôi. Lòng mẹ thật bao la như người ta đã nói.  Tôi viết hồi âm cho mẹ, lần đầu tiên tôi được gọi mẹ tôi là mẹ, xưng con, và an ủi mẹ tôi là vì chế độ phong kiến, lạc hậu nên hai mẹ con phải xa nhau và hứa với mẹ là sẽ chăm học rồi ký tên: “ Thứ, con trai của mẹ bên này vĩ tuyến”.  Viết xong nước mắt tôi tự nhiên chảy ra, nếu có mẹ ở bên chắc tôi đã gục đầu vào lòng mẹ để khóc thật to cho vơi đi nỗi buồn bao năm tôi phải ôm giữ. Sau này tôi được biết khi nhận được tin, mẹ tôi mừng lắm và mang tờ bưu thiếp đi khoe với mọi người là tôi không còn trốn chạy mẹ tôi. Mẹ con tôi đã nhận nhau, hiểu nhau và thương nhau tuy không còn cơ hội gần nhau nữa…

     Cuộc chiến mỗi ngày một khốc liệt, thư từ Nam-Bắc bị gián đoạn, tôi không sao liên lạc được với mẹ tôi thêm một lần nào nữa kể từ đấy.                                                   

     Rồi vận nước nổi trôi, tôi sang được Hoa Kỳ. Sau một thời gian đời sống nơi đây đã tạm ổn định, đường bưu điện giữa hai quốc gia Mỹ và Việt Nam được thiết lập, tôi cố gắng liên lạc về  Sài Gòn để nhờ tìm mẹ. Tiếc thay, tôi được tin mẹ tôi đã qua đời từ lâu tại vùng quê xứ Bắc. Mẹ tôi chết trong cô đơn, mang theo  xuống huyệt lạnh tất cả nỗi buồn khổ của một người đàn bà không chồng, không con bên cạnh…

     Hôm nay là ngày giỗ mẹ,  tôi viết những dòng này là tâm sự của một người con suốt đời không có mẹ ở bên và thành kính dâng lên hương hồn mẹ như một nén nhang thắp muộn.

     Cám ơn mẹ đã gửi bưu thiếp cho con để trong đời con được một lần gọi “ Mẹ ”.  

 Hoàng Nguyên Linh

_____________________

 Trích trong tập truyên “Mẹ Và Những Mùa Xuân” của
  Hoàng Nguyên Linh

  Đã xuất bản